Chủ nghĩa hiện sinh

Thế nào là chân lý?

 

THẾ NÀO LÀ CHÂN LÝ?

LÊ THÀNH TRỊ

 


Bài viết “Thế nào là chân lý?” là tiểu mục thứ hai trong Chương 10 “Diễn tiến tư tưởng của Heidegger” của tác phẩm Hiện tượng luận về hiện sinh – Lược khảo của Lê Thành Trị, Giáo sư diễn giảng Đại học Văn khoa Sài Gòn, (Trung tâm Học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974, tr. 425-435). Phiên bản điện tử do Triethoc.edu.vn thực hiện.


 

Trong cuốn Sein und Zeit, vấn đề chân lý được đề ra và giải quyết dưới ánh sáng những khám phá các đặc trưng bản hữu của Dasein. Chân lý được “suy diễn” và từ trong những cách thể sống của con người. Nếu người là dự phóng và dự phóng là Dasein thì, trước khi nói đến ý niệm về chân lý, Dasein vốn dĩ đã ở trong chân lý rồi, Chân lý là cái gì được khám phá, hay nói cho đúng, chính là Hữu được khám phá, Hữu được phơi bày. Chân lý là aletheia nghĩa là không dấu ẩn (non-dissimulation). Như vậy chân lý là một phương diện của Hữu-đó. Nói kiểu khác, Dasein là hữu khám phá ra Hữu như là chân lý. Mà, như đã nói, hữu chân lý được thấy trong các bản hữu của Dasein, nên các bản hữu ấy là điều kiện của mọi chân lý[1].

 

Dasein tự nó mang sẵn khả thể hướng về thực và bất thực, bởi vì Dasein tự nó là một vật bị bỏ rơi, và do đó là một sa đọa căn bản, nên từ đầu Dasein đã bị đẩy vào kiếp bất chân[2]. Và Heidegger đã tóm lược quan điểm của ông như sau: “Sự giải thích hữu thể bản hữu luận của hiện tượng chân lý đã cho ta những thành quả sau đây: 1. – Chân lý theo nghĩa uyên nguyên nhất là sự cởi mở và sự mặc khải của hữu-đó, cũng là hữu thể khám phá được của hiện thể bên trong thế giới[3].

 

Như vậy, vấn đề chân lý hay ngộ nhận không phải là việc của lý trí phán đoán, của phán đoán. Sự sai lầm ấy không phải là tư tưởng của tiền Socrate, mà cũng chẳng phải là của Aristoteles. Ông tổ triết học này không bao giờ cho rằng phán đoán là sinh quán của chân lý. Vì phán đoán là câu nói (énoncé), mà câu nói thì tự nó không phát sinh ra được chân lý, trái lại, sở dĩ ta nói lên được là vì do sự hướng dẫn bên trong hoặc bên dưới của chân lý. Mặt khác, phán đoán là một mệnh đề, nghĩa là một câu nói nói lên chân lý đã được trông thấy. Khi câu nói không diễn tả đúng với chân lý thì gọi là một phán đoán lầm. Một cách tổng quát, bao lâu và khi có sự hiện diện của Dasein thì mới có chân lý. Trước khi Newton khám phá ra các định luật mang tên ông, không có vấn đề đúng hay sai của định luật. Định luật của Newton chỉ trở nên đúng khi đã được ông khám phá. Nói như vậy, không phải là nói rằng trước Newton các định luật của người là sai. Thực vậy, trước ông, các định luật không đúng mà cũng chẳng sai. Định luật ấy đã làm cho đúng bởi Newton, nghĩa là sau khi sự vật đã được Newton tiếp xúc. Từ đó Heidegger phủ nhận mọi ý niệm về những chân lý vĩnh cửu. Đó là những tưởng tượng, không phải là những chân lý. Vì trước khi có con người, và sau khi không còn con người nữa, vấn đề chân lý không hề đặt ra.

 

Tuy nhiên, tại sao lại gọi là chân lý, tại sao lại cho rằng Dasein từ uyên nguyên ở trong chân lý? Bởi vì khi quả quyết rằng từ đầu Dasein đã ở trong chân lý, tức là cho rằng đã biết chân lý là gì, ở đâu, mà muốn biết chân lý là gì, thì đã phải có người nhận thức, và nói lên chân lý. Phải chăng chúng ta đang ở trong vòng lẩn quẩn? Heidegger trả lời rằng khi ta nói Dasein ở trong chân lý thì tức thị là đã tiên nhận có chân lý. Nhưng chân lý không ở ngoài hay trên ta. Chân lý đồng nhất với ta, ở trong ta, chân lý là ta. Vì thế, khi ta nói có chân lý, thì không phải tự ta tiên nhận chân lý, mà chính chân lý khiến ta tiên đoán như vậy[4].

 

Chúng ta đã nói rằng con người vốn dĩ từ đầu ở trong thế chân và giả. Chân vì người là Hữu và hướng về hữu. Nhưng hữu của người không phải là người, hữu của người khác với người như là hiện hữu. Theo một quan niệm căn bản của Heidegger thì hiện hữu không phải là hữu mà chỉ là thể hiện thiếu sót của hữu, cho nên khi tìm về chân lý, nghĩa là tìm về hữu thì đầu tiên ta đã đối diện với hiện hữu thiếu sót ấy. Một sự thiếu sót cần thiết. Cho nên người là một hữu trá hình, ẩn nấp trong hiện hữu của người. Muốn tìm về chân lý ta phải bắt đầu bằng hiện hữu thiếu sót trá hình ấy, nghĩa là từ thế sai lầm, sa đọa của người. Chân lý bắt đầu bằng phi chân lý, bằng sai lầm là như vậy. Đó là cái gọi là triết lý của “không”. Tuy nhiên, một vấn đề khác cần giải thích là: nếu chân lý là hữu, đồng nhất với hữu từ đầu, thì tại sao trí tuệ của nhân loại lại dần dần đi đến sự quả quyết chân lý ở tại phán đoán.

 

Ta hãy nghe Heidegger giải thích. Có hai nguyên cớ. Trước hết là ý nghĩa khả dụng của hiện hữu. Người đối diện với sự vật như là cái gì liên hệ đến Dasein, cái gì hữu dụng cho người. Hiện hữu của sự vật là một dụng cụ Dasein phải sử dụng để tự phát triển và tồn tại. Thứ đến là lời nói. Người là sinh vật biết nói, nói để tự bộc lộ và thông cảm với người khác. Lời nói từ đầu là thực chất của sự vật. Nhưng lời nói cũng là dụng cụ truyền đạt chân lý. Lời nói phải được phát biểu dưới hình thức câu nói và mệnh đề. Mệnh đề là phán đoán. Như vậy, chân lý từ đầu là của cuộc sống, của hiện sinh, nhưng hiện sinh liên hệ đến khả dụng cho nền chân lý đã mang ý nghĩa thực dụng. Thực dụng của nhận thức đã đành, mà còn có thực dụng của lời nói diễn tả chân lý cho kẻ khác cảm thông. Thành ra, dần dần ngôn ngữ thay thế cho bản chất chân lý. Ngôn ngữ là nơi trú ẩn của chân lý. Ngôn ngữ do phán đoán làm nên, cho nên phán đoán là chân lý. Chân lý do đó mặc lấy tính chất khách quan, tính chất của cái gì nhìn ngắm trước mắt được, cái gì là đối tượng, khác với người nhìn ngắm. Heidegger gọi sự vật được phán đoán là Vorhanden, và chân lý là sự trùng hợp giữa hai Vorhanden, hai sự vật như là những vật khả dụng. Riêng giữa trí tuệ nhìn ngắm và sự vật được nhìn ngắm, sự trùng hợp ấy gọi là bản chất của chân lý. Nhưng đó là bản chất sa đọa của chân lý, chứ không phải là chân lý chân thực.

 

Chân lý chân thực là việc của người, của Dasein, không một mệnh đề nào khả dĩ nói lên được. Không thể tổng quát hóa, quan niệm hóa. Ta thấy giọng điệu của Kierkegaard, nhà tư tưởng này nói chân lý là chủ thể tính. Ông đã không quên dựa vào lời tuyên bố của Đức Cơ đốc, khi người ta hỏi Ngài: chân lý là gì: Tôi là chân lý. Cũng vậy, Heidegger đã lặp lại ý kiến ấy của Kierkegaard khi nói Dasein là chân lý, và “chân lý là một cách thể có của hữu”. Nếu ta nhớ lại rằng theo Heidegger thì không phải phạm trù tiên thiên của Kant là điều kiện khả thể của nhận thức, mà chính Dasein mới là điều kiện, thì Heidegger đã, theo nhận định của Jean Wahl, là một cuộc phối hợp gò ép tàn bạo, giữa Kant và Kierkegaard[5]. Nhưng điều cần đặt thành vấn đề ở đây là Heidegger nói đến chân lý hay là điều kiện chân lý? Ta đã nghe ông nói rằng từ đầu Dasein đã ở trong con đường chân lý, chân lý và Dasein là một. Nhưng người ta có cảm tưởng ông đã lẫn lộn chân lý với nền tảng hoặc điều kiện chân lý. Không có Dasein, vấn đề chân lý không đặt ra. Điều đó dễ hiểu và chấp nhận, nhưng, có Dasein, chưa tất nhiên vấn đề chân lý đặt ra. Một trẻ em mới sinh đã là Dasein, nhưng chưa thể nói chân lý với nó, mặc dầu nó đã biết đau, biết khóc, biết cảm giác. Chính vì thế mà Descartes mới hoài nghi cho nhận thức của nhân loại trước khi tìm được một mệnh đề: Cogito ego sum, Phê bình quan điểm của Heidegger về chân lý trong cuốn Sein und Zeit, J. Wahl đã cho rằng đó là một bế tắc của những tiền nhân: tôi nói có chân lý vì tôi là chân lý, và tôi là chân lý vì tôi cho là có chân lý. Và Wahl kết luận: “Dès lors, le système ne s’ accomplit qu’en se repliant sur lui-même et en s’écroulant. Tous les éléments valables que nous avions cités semblent s’anéantir dans ce formalisme idéaliste”[6].

 

Chúng tôi không hoàn toàn tán đồng ý kiến quá khắc khe của J. Wahl. Vì lý do duy nhất và tổng quát này là Dasein chỉ là chặng đường tạm thời trên con đường đi về Hữu xét theo là Hữu. Dasein của Heidegger không phải là tôi siêu vượt của Fichte hay Kant. Dasein của Heidegger là cái gì hiện hữu là ý nghĩa là canh gác và bảo vệ Hữu. Cho nên phải chờ thời gian để có một nhận định đúng mức, mặc dầu chúng ta đồng ý rằng hệ thống phác họa của Heidegger về chân lý, đến đây, vẫn chưa có lối thoát, và nhân loại quá, nếu không phải là duy tâm.

 

Có lẽ vì ý thức được những khó khăn ấy mà nhà triết lý của chúng ta đã không do dự tự giải thích trong một tập nhỏ dành riêng cho vấn đề chân lý, mang tên là Vom Vesen der Wahrheit. (Về thực chất của chân lý). Ta thấy rõ ông không bàn đến chân lý một cách rộng rãi. Ông tự giới hạn ở thực chất của chân lý. Nói khác đi, ông triết lý về chân lý. Ý hướng triết lý ấy đã khiến cho A. de Waelhens viết rằng: “Tập thực chất của chân lý (…) là công trình triết lý đầu tiên mà Heidegger đã xuất bản từ sau cuốn Siêu hình là gì”[7].  

 

Thế nào là thực chất của chân lý? Bàn về thực chất chân lý là bàn về chân lý xét theo là chân lý. Nhưng trước hết, ta nghe Heidegger đặt vấn đề: “Vấn đề là thực chất của chân lý. Tra hỏi về thực chất của chân lý không phải là thắc mắc rằng chân lý có phải là chân lý của kinh nghiệm thực hành của cuộc sống hoặc chân lý của dự đoán trong phạm vi kinh tế, có phải chân lý của suy tư kỹ thuật hoặc của khôn khéo chính trị, và đặc biệt có phải chân lý của nghiên cứu khoa học hoặc của sáng tạo mỹ thuật, hoặc có phải là chân lý của suy niệm triết lý hoặc của đức tin tôn giáo hay không. Tra hỏi về thực chất, chính là xa lìa những cái đó và chú mục đến cái gì thực là chân lý như là chân lý[8]. Một cách kín đáo nhưng kém phần rõ ràng, ông đã phủ nhận mọi lập trường đi trước về chân lý: chân lý xét theo là chân lý không thể tìm gặp ở những lĩnh vực riêng tư, chỉ có một chân lý, một ý niệm chân lý. Trái lại, chân lý riêng tư chỉ là chuyển hóa, là hiện tượng của chân lý. Một khi chân lý tổng quát này được khai quang thì các thứ chân lý khác không còn là vấn đề nữa.

 

Heidegger không phủ nhận ý niệm chân lý như là sự cân bằng giữa trí tuệ và sự vật (veritas est adaequatio intellectus et rei). Nhưng, như đã nói, trái với Aristoteles hoặc Platon, các nhà triết gia về sau, đặc biệt trong hàng ngũ kinh viện thời Trung cổ, đã giải tích sai lệch định nghĩa đó. Theo ông, thì sự sai lệch ấy bắt nguồn ở một quan niệm thần học, theo đó mọi vật đã được tạo dựng giống với ý niệm của Thượng đế về chính mỗi vật. Trí tuệ con người là một vật thụ tạo, cũng không thoát ra ngoài định lệ ấy. Trí tuệ là để hiểu sự vật, ý niệm của trí tuệ về sự vật, do đó, không thể sai. Bởi vì nếu sai, thì hóa ra không giống với hình ảnh trí tuệ của Thượng đế, và hóa ra không còn là vật thọ tạo nữa. Về sau ta có thể thấy vọng âm của luận cứ ấy trong học thuyết Descartes, khi ông này bàn về sự chân thành của Thượng đế như là bảo đảm cho chân lý nhân loại. Tuy nhiên, điều tai hại nhất là, từ đó, người ta đã đi đến việc công nhận phán đoán là chân lý và ngược lại. Mà phán đoán là gì, nếu không phải là ngoại phát bằng lời nói hoặc từ ngữ. Người ta đã quên mất, hoặc xa dần, thực chất của chân lý được phần nào biểu diễn bởi lời phán đoán, bởi ngôn ngữ. Người ta đã không chịu tìm hiểu như là những điều kiện tiên quyết thế nào là sự vật, thế nào là trí tuệ của người, thế nào là cân bằng và hòa hợp giữa hai thế lực ấy. Hơn nữa, vấn đề chân lý không bao giờ đặt ra, nếu không có sự hiện diện của người. Vì vậy, trước khi tìm hiểu thực chất của chân lý, ta phải tìm hiểu thực chất của người, nếu không thì ý niệm chân lý sẽ bị xuyên tạc sai lệch.

 

Phát biểu là gì? Phát biểu là hiện diện hóa sự vật, nhưng sự vật lại là cái làm cho phát biểu xuất hiện. Phát biểu có tính chất hiện diện hóa sự vật thì sự vật sẽ xuất hiện, như sự vật có là được hiện diện hóa: L’énoncé apprésentatif en ce qu’il dit de la chose apprésentée, l’exprime telle qu’elle est[9]. Nhưng phát biểu là việc của người. Người phát biểu, người hiện diện trước sự vật, và làm cho sự vật hiện diện. Đó là một thái độ tiếp vật xử thế. Tiếp vật là chào đón, là mở rộng cõi lòng và hai tay để ôm lấy sự vật. Người, theo định nghĩa, là cởi mở và chào đón. Đặc tính căn bản này là nguồn gốc của phát biểu bởi vì nếu người không là như vậy thì sự phát biểu là sự bất khả thể: “Nhưng nếu chân lý phát biểu chỉ có thể có được nhờ sự cởi mở của tác phong, thì cái làm cho phát biểu trùng hợp với chân lý chính là cái phải được xem như là thực chất của chân lý”[10].

 

Đến đây ta có thể hỏi: tại sao lại có sự cởi mở và đón chào. Heidegger trả lời: nhờ tự do. Tự do là nền tảng của khả thể của một sự hòa hợp giữa trí tuệ và sự vật, giữa phát biểu và sự vật được phát biểu. Và ông viết: “L’essence de la vérité est la liberté”[11]. Nhưng phải chăng chân lý sẽ là việc của chủ quan và độc đoán? Tự do không phải chỉ là khả năng chọn lựa, không phải là vắng bóng của áp lực đối với hành động của ta, cũng không phải là sẵn sàng đáp ứng với một đòi hỏi hay một tất yếu. Tích cực tính của tự do là để cho bất cứ một hiện hữu nào bộc lộ nguyên hình của nó. Có hai điều kiện: tự giao phó cho hiện hữu (s’adonner à l’étant) và lui bước trước hiện hữu (déployer un recul devant l’étant) hai thái độ ấy làm nên cái gọi là để cho hiện hữu hữu (ce qui laisse être l’étant). Để “hữu” chính là tự do, chính là hiện sinh, và hiện sinh là để cho hiện hữu được tự lộ nguyên hình của nó: “Le laisser être, c’est-à-dire la liberté, est en lui-même exposition à l’étant, so est ek-sistant”[12]. Hiện sinh, do đó, không còn là cái gì mang màu sắc chủ quan, mà là một tự định vị trí đối với tính chất bộc lộ của hiện hữu. Heidegger đã cho thấy điều đó khi ông đặt liên hệ giữa hiện sinh, chân lý, tự do, và hiện hữu như sau: “L’existence enracinée dans la vérité comme liberté, est l’exposition au contraire dévoité de l’étant comme tel”[13].

 

Như vậy, thực chất của chân lý là tự do, nhưng là một tự do hiện sinh để mặc cho hiện hữu xuất hiện trong ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, hiện hữu toàn thể (l’étant en totalité) là cái gì vô cùng phong phú. Con người trong ý nghĩa sử tính là lịch sử của mình, không thể nhất đán đạt đến chỗ toàn diện ấy được của hiện hữu. Khoa học, triết lý, thường nghiệm, chỉ nhìn thấy hữu toàn thể trong và dưới những khía cạnh riêng phần, thiếu sót và tất cả kiến thức nhân loại cộng lại với nhau không thể làm nên hiện hữu toàn thể được[14]. Do đó, mà kiến thức nhân loại bao giờ cũng hạn giới, sự vật bao giờ cũng mới lạ, chìm đắm trong chân trời xa xăm, sự vật bao giờ cũng kể như là bất định. Ta không hy vọng nắm được toàn thể sự vật. Nói khác đi, sự vật ẩn nấp, che giấu trong chính sự tự lộ của nó. Có tự lộ, có phơi bày ra ánh sáng, sự vật mới được thấy là che giấu, huyền bí. Ta thấy cần tìm hiểu sự vật luôn mãi, vì ta đã thấy phần nào và chỉ phần nào chính sự vật. Cho nên Heidegger viết: “En soi, le laisser-être est donc du même coup une dissimulation”[15].

 

Đến đây, ta có thể thấy được quan niệm của Heidegger về sai lầm, bất chân. Ông phân biệt hai loại bất chân, bất chân của phán đoán và bất chân của sự vật. Loại trước là do sự bất thích giữa phát biểu và sự vật. Loại sau có nghĩa là sự bất hợp giữa hiện hữu và bản chất của nó. Nhưng trong cả hai trường hợp, bất chân là một sự không hòa hợp. Nhưng tại sao lại có hiện tượng ấy, khi con người được quan niệm như là một cởi mở, hoặc chào đón căn bản?

 

Có hai ý nghĩa bất chân, bất chân như là che giấu, và bất chân như là lạc lối.

 

Trước hết, về phía sự vật, do chân trời tính hoặc huyền bí của sự vật mà ta đã thấy trong ý nghĩa che giấu trên đây, sự vật không bao giờ hiện nguyên hình và toàn diện. Nói khác đi, sự vật đồng thời không phải là những gì xuất hiện trước trí tuệ. Vì vậy, đó là nguyên cớ của ngộ nhận. Sự ngộ nhận không phải là do thái độ của người, không phải tại người nhận thức, nhưng, là do bản chất dấu kín của chính sự vật. Thứ đến là ngộ nhận do bản chất hạn chế của người. Sự hạn chế này có hai nguyên nhân: sử tính và cuộc sống thường nhật, dễ dãi. Con người, như đã nói nhiều lần, chỉ thấy sự vật một cách tiệm tiến, đồng thời lại thích hướng về nhu cầu của cuộc sống bình thường, do áp lực của tập quán, xã hội, của “người ta”. Thành ra, huyền bí của hiện hữu bên ngoài, và của chính người, vốn dĩ đã to lớn, lại càng lớn lên theo mức độ lười biếng, thiếu cố gắng của những người nghiêm nghị, của triết gia chính hiệu[16].

 

Trên đây chúng ta đã nói đến huyền bí của hiện hữu trong toàn thể. Không phải chúng ta đối diện với huyền bí tích cực của chính sự vật, mà ta càng thấy tính chất huyền bí tiêu cực của nó trong thái độ quay lưng, phản bội của chúng ta, khi chúng ta quá mê mải với công việc làm ăn hằng ngày. Có một siêu vượt trong học thuyết Heidegger: siêu vượt vì sự vật tự nó là siêu vượt, và siêu vượt vì do căn cớ hững hờ của chúng ta. Mặt khác, vì bản thể của sự vật là Hữu, hoặc nói cách khác, Hữu là bản thể của chân lý ta tìm hiểu, và vì bản thể của người tìm kiếm chân lý chỉ có thể hiểu được trong viễn ảnh và ánh sáng của Hữu, cho nên tìm chân lý và tìm Hữu là một. Heidegger diễn tả điều đó như sau: “Dés ce moment, se dévoile l’origine de l’imbrication de l’essence de la vérité avec la vérité de l’essence”[17]. Chân lý của bản thể ta tìm kiếm và bản chất chân lý cũng là một. Chân lý ấy, bản thể ấy, chính là Hữu (mà triết lý đã quan niệm như là hiện hữu trong toàn thể) là duy nhất, là Thượng đế…

 

Vấn đề đặt ra ở đây: tại sao lại đồng nhất chân lý và Hữu, tại sao bản thể của chân lý là chân lý của bản thể. Heidegger không nói rõ trong cuốn “Bàn về bản chất của Chân lý”. Nhưng trong tập “Tìm về nền tảng của siêu hình”, ông đã giải đáp vấn nạn ấy: “Việc của chân lý Hữu thể, ông viết, là nối kết, một cách ưu đại, thực chất của con người với chân lý ấy. Liên hệ ấy là một ưu đại đến nỗi chỉ có trong liên hệ ấy ta mới gặp được thực chất của con người, thực chất uyên nguyên của kinh nghiệm vậy”[18].

 

Ta thấy rõ rằng Heidegger muốn vượt siêu hình hay, nói cho đúng hơn, đem siêu hình lên một mức độ tổng quát hơn, cao hơn: mức độ của Hữu. Tuy nhiên, Hữu đây không phải là hữu tổng quát hiểu theo nghĩa trừu tượng khô héo của triết lý cổ điển, mà là Hữu linh động, vô cùng phong phú. Ông đã đem ý nghĩa của Ens Réalissimum gán cho Hữu. Ông đã mặc cho Hữu những đặc tính của Thượng đế trong tương quan sáng tạo và nhận thức giữa Thượng đế và người. Ông đã đi từ hiện hữu và những thiếu sót của hiện hữu, cũng như từ những triển diễn của hiện hữu theo giòng lịch sử, để vươn lên với ý nghĩa của một hữu duy nhất và độc nhất, sống động. Riêng về vấn đề chân lý, ông đã không vượt được Descartes trong việc giải thích sự hiện diện của ngộ luận, sai lầm. Descartes quy sự sai lầm cho hiếu thắng và nhiệt tình của ý chí, của đam mê. Heidegger đặt sự sai lầm ấy trong căn tơ của Dasein và phức tạp của ngoại giới. Nhưng, ông không làm sáng tỏ tại sao Hữu đã tự cho mình bổn phận liên lạc với người, đã nối kết bản chất người với chân thành của mình mà còn để cho người lầm lạc? Hơn nữa, nếu sự sai lầm của người do căn cơ của Dasein, thì căn cơ ấy có phải là bản chất của người không? Nếu là bản chất thì có phải là do ý muốn của Hữu hoặc do bản tính của hữu mà ra không? Đó là những bế tắc mà đến nay ta chưa thấy Heidegger thoát ra được.

 

 



[1] S. Z, trang 265: “Les fondements ontologico-existentiaux du découvrir manifestent seuls le phénomène le plus originel de la vérité”.

[2] S. Z, trang 267: “L’être-là parce qu’il est essentiellement en déchéance, se trouve, de par sa constitution ontologique, dans non non-vérité”.

[3] S. Z, trang 268: “L'interprétation ontologico-existentiale du phénomène de la vérité nous a fourni les résultats suivants: 1. La vérité au sens le plus originel est l'ouverture et la révélation de l’être-là, impliquant l’être découvert de l’étant intramondain. – 2. L’être-là est originellement à la fois dans la vérité et dans la non-vérité.

[4] S. Z, trang 273: “Ce n’est pas nous qui présupposons la “vérité”, mais c’est elle seule qui rend ontologiquement possible que nous puissien être tels que nous “présupposions” quelque chose. C’est-à partir de la vérité que toute présupposition est rendue possible”.

[5] Heidegger Tom I, cours dé Sorbonne trang 129-130.

[6] Sdd, trang 132.

[7] Martin Heidegger, de l’essence de la Verité, trad, par A. D, Waelhens, 1948: “L’opuscule Vom Vesen der Wahrheit (…) constitue le premier travail proprement philosophique publié par Heidegger depuis Was ist Metaphysik…

[8] Sdd, trang 65: “Il est question de l’essence de la vérité. S’interroger sur l’essence de la vérité ce n’est pas se soucier de savoir si la vérité est la vérité de l’expérience pratique de la vie ou celle de la conjecture dans le domaine économique, la vérité d’une réflexion technique ou d’une sagesse politique, et plus spécialement la vérité de la recherche scientifique ou de la création artistique, ou même la vérité d’une méditation philosophique ou d’une foi religieuse. S’interroger sur l’essence, c’est s’écarter de tout cela et porter son regard vers ce qui uniquement caractérise toute “vérité” en tant que telle”.

[9] De l’essence de la vérité, trang 76.

[10] E. V, trang 78: “Mais si c'est seulement par l'apérité du comportement que la conformité (vérité) de l'énoncé devient possible, alors ce qui rend possible la conformité possède un droit plus originel d'être considéré comme l'essence de la vérité”.

[11] E. V, trang 79.

[12] E. V, trang 84.

[13] E. V, trang 86.

[14] E. V, trang 90: “Le dégré de révélation de l’étant en totalité ne coincide pas avec la somme des étants connus en fait”.

[15] E. V, trang 91.

[16] L’agitation qui fuit le mystere pour se refugier dans la réalité courante et pousse l’homme d’un objet quotidien vers l’autre, en lui faisant manquer le mystere, est l’erreur (Irren) (E. V, 96).

[17] E. V, trang 100.

[18] La Remontée au Fondement de la Métaphysique, trad, J. Rovan, Fontaine, N0 58, trang 893: “Il appartient, ông viết, à la vérité de l’Être de relier à elle, d’une manière privilégiée, l’essence de l’homme. Cette relation est à tel point privilégiée qu’en elle seule repose l’essence de l’homme telle qu’elle se revèle, dans son originalité, à l’expérience”.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Ngo Hoang - 15:08 23/01/2020
Cho cháu hỏi có thể reup bài lên facebook được không ạ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt