Chủ nghĩa Marx

Anh đồ tể biến một cách phê phán thành con chó, hay là anh Dao Bầu

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VIII

CUỘC CHU DU THẾ GIỚI VÀ SỰ BIẾN HÌNH

CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở RÔ-ĐÔN-PHƠ,

ÔNG HOÀNG GIÊ-RÔN-STANH

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

1. ANH ĐỒ TỂ BIẾN MỘT CÁCH PHÊ PHÁN

THÀNH CON CHÓ, HAY LÀ ANH DAO BẦU

 

Dao bầu làm nghề đồ tể. Các cuộc đụng chạm đã biến đứa con khoẻ mạnh đó của tự nhiên thành một tên sát nhân. Ngẫu nhiên mà Rô-đôn-phơ gặp hắn đúng ngay vào lúc hắn đang lăng nhục Phlơ đơ Ma-ri. Rô-đôn-phơ nện vào đầu anh chàng hay gây sự thiện nghệ đó mấy quả đấm chắc nịch và nên thân. Thế là Rô-đôn-phơ làm cho Dao bầu phải phục mình. Sau này, trong quán rượu của bọn tội phạm, bản chất lương thiện trong con người Dao bầu lộ ra. Rô-đôn-phơ bảo hắn: "Mi vẫn còn trái tim và lòng danh dự". Nói như thế, Rô-đôn-phơ đã gây cho hắn biết tự trọng. Dao bầu được cải biến thành một "thực thể có đạo đức". Rô-đôn-phơ nhận che chở cho hắn. Chúng ta hãy theo dõi quá trình Rô-đôn-phơ cải tạo Dao bầu.

Giai đoạn thứ nhất. Bài học thứ nhất dạy cho Dao bầu là một bài học dạy tính giả dối, không trung thực, giảo quyệt và giả vờ. Rô-đôn-phơ dùng Dao bầu đã được đạo đức hoá nhằm mục đích hoàn toàn giống như Vi-đốc đã dùng những tội phạm đã được đạo đức hoá; nghĩa là Rô-đôn-phơ biến hắn thành một tên mật thám và một tên tay sai khiêu khích. Rô-đôn-phơ khuyên hắn nên "giả vờ" trước Thầy giáo tựa hồ hắn đã từ bỏ nguyên tắc "không ăn cắp" rồi và đề nghị với Thầy giáo đi làm một chuyến để đưa Thầy giáo vào bẫy của Rô-đôn-phơ. Dao bầu cảm thấy là người ta muốn lợi dụng mình để thực hiện "trò hề" ngu ngốc nào đó. Hắn phản đối không chịu đóng vai trò mật thám và tên tay sai khiêu khích. Rô-đôn-phơ đả thông một cách dễ dàng đứa con của tự nhiên đó bằng cái ngón nguỵ biện "thuần tuý" của sự phê phán có tính phê phán, rằng một hành vi xấu không phải là xấu khi mà người ta làm với những động cơ "đạo đức tốt". Làm tay sai khiêu khích, dao bầu liền nấp sau tình bạn bè và lòng tin cậy, và đẩy bạn cũ của mình vào chỗ chết. Lần đầu tiên trong đời hắn, hắn đã làm một việc đê tiện.

Giai đoạn thứ hai. Chúng ta lại thấy Dao bầu làm người săn sóc bệnh nhân cho Rô-đôn-phơ mà hắn vừa cứu thoát chết.

Dao bầu đã trở thành một sinh vật có đạo đức đáng trọng đến nỗi khi Đa-vít, bác sĩ người da đen, đề nghị hắn ngồi xuống ván sàn, thì hắn từ chối sợ làm bẩn thảm. Thậm chí hắn rụt rè quá nên không dám ngồi lên ghế tựa. Trước hết, hắn đặt nằm ghế xuống và ngồi lên chân trước ghế. Mỗi lần gọi Rô-đôn-phơ, người mà hắn đã cứu mạng, bằng "bạn" hay bằng "ông" chứ không phải bằng "đức ông"1* thì hắn không quên xin lỗi ngay.

Thuần phục được đứa con thô bạo của tự nhiên như thế thật là tài tình! Dao bầu đã nêu lên bí mật sâu kín nhất của sự chuyển biến có tính phê phán của hắn, khi hắn thú thật với Rô-đôn-phơ rằng hắn thấy quyến luyến Rô-đôn-phơ như một con chó quyến luyến chủ vậy: "Je me sens pour vous comme qui dirait l'attachement d'un bouledogue pour son maître". Anh đồ tể xưa kia, nay đã biến thành chó. Kể từ lúc đó, tất cả đức tính của hắn sẽ là đức tính của chó, tức là lòng trung thành tuyệt đối với chủ nó. Tính độc lập của hắn, cá tính của hắn mất hẳn đi. Nhưng giống như những hoạ sĩ tồi phải ghi lên bức hoạ của mình để giải thích nội dung của nó, Ơ-gien Xuy cũng đặt vào mồm con "bouledogue" - Dao bầu một mảnh giấy ghi một câu mà Dao bầu luôn mồm tụng niệm một cách trịnh trọng: "Mấy tiếng - mi có trái tim và lòng danh dự - đã làm cho tôi thành người". Cho đến lúc thở hơi cuối cùng, Dao bầu vẫn cứ tìm thấy động cơ những hành động của mình ở trong mảnh giấy đó, chứ không phải trong cá tính con người của mình. Để tỏ rõ sự tiến bộ của mình về mặt đạo đức, hắn thường nghĩ đến những chỗ tốt của bản thân hắn và tính xấu của những người khác, và mỗi lần mà hắn tuôn ra những lời lẽ đạo đức thì Rô-đôn-phơ bảo hắn rằng: "Tao thích nghe mày nói như vậy". Dao bầu không còn là một con chó thường nữa mà là một con chó có đạo đức.

Giai đoạn thứ ba. Chúng ta đã ca tụng thể diện tiểu thị dân của Dao bầu, thể diện này đã thay thế cho tính phóng túng thô  lỗ, nhưng táo bạo của Dao bầu. Bây giờ chúng ta biết rằng để xứng đáng là một "sinh vật có đạo đức", thì hắn cũng hấp thu cái điệu đi đứng và phong độ của một người tiểu tư sản:

Trông dáng hắn đi người ta tưởng hắn là một người tiểu thị dân vô hại nhất thế giới.

Nội dung mà Rô-đôn-phơ đưa vào cuộc đời đã được cải tạo một cách phê phán của Dao bầu, lại còn bi thảm hơn hình thức bên ngoài nữa. Rô-đôn-phơ phái hắn sang châu Phi, để "hiến cho thế giới không tín ngưỡng một tấm gương sống và bổ ích về sự hối lỗi". Từ nay, hắn không còn tiêu biểu cho nhân tính cố hữu của hắn nữa, mà tiêu biểu cho một giáo lý đạo Cơ Đốc.

Giai đoạn thứ tư. Sự chuyển biến có tính phê phán - đạo đức đã biến Dao bầu thành một người bình tĩnh và thận trọng, một người mà hành vi của mình là do sự sợ hãi và sự khôn ngoan thực tiễn chi phối.

Muyếc-phơ, vì tính đơn giản không kín đáo, nên hay lộ bí mật đã cho chúng ta biết rằng "Dao bầu không hé răng nói một tiếng nào về việc hành hình tên Thầy giáo, vì sợ mình bị liên luỵ".

Vậy là Dao bầu biết rằng việc hành hình tên Thày giáo là một hành động phạm pháp. Sở dĩ hắn không nói một tiếng nào về vụ đó, chính là vì hắn sợ bị liên luỵ. Dao bầu khôn ngoan thật!

Giai đoạn thứ năm. Dao bầu đã tiến bộ rất nhiều trong việc tự tu dưỡng về mặt đạo đức đến mức là hắn lĩnh hội sự trung thành như chó của hắn đối với Rô-đôn-phơ dưới hình thức văn minh. Sau khi đã cứu cho Giéc-manh thoát chết, hắn nói với Giéc-manh rằng:

"Tôi có một người đỡ đầu, người này đối với tôi cũng giống như chúa đối với các linh mục vậy; tôi thật muốn quỳ gối trước người đó".

Và trong tư tưởng thì hắn đã quỳ gối trước chúa của hắn.

"Ông Rô-đôn-phơ - hắn nói tiếp với Giéc-manh - che chở cho anh. Tôi nói "ông" mặc dù đáng lẽ tôi phải nói "đức ông". Nhưng tôi quên gọi ông ta là ông Rô-đôn-phơ, và ông cũng cho phép tôi gọi như thế".

Ông Sê-li-ga, trong cơn khoái trí có tính phê phán, kêu lên rằng: "Sự tỉnh ngộ đáng quý, sự trưởng thành đáng quý biết bao !".

Giai đoạn thứ sáu. Dao bầu kết thúc một cách xứng đáng cuộc đời trung thành thuần tuý của hắn, cuộc đời con chó có đạo đức của hắn, bằng cách là cuối cùng để cho người ta đâm chết đặng cứu đức ông hảo tâm của hắn. Khi Bộ xương giơ dao đâm ông hoàng thì Dao bầu nắm lấy cánh tay của tên sát nhân. Bộ xương liền đâm hắn. Và lúc hấp hối. Dao bầu nói với Rô-đôn-phơ:

"Tôi có lý do nói rằng cái thân giun dế như tôi" (một con chó) "đôi khi cũng có thể có ích cho một vị đức ông vĩ đại như ông".

Thêm vào câu tuyên bố kiểu chó đó, một câu đã tóm tắt tất cả cuộc đời có tính phê phán của Dao bầu thì mảnh giấy trong miệng hắn nói:

"Thế là chúng ta hết nợ nần nhau, ông Rô-đôn-phơ nhé. Ông đã bảo rằng tôi có trái tim và lòng danh dự mà".

Thế rồi ông Sê-li-ga hết sức kêu lớn lên:

"Rô-đôn-phơ đã trả lại "Dao bầu" cho nhân loại" (?), "công lao lớn biết bao!".

 


1* - từ để gọi công tước và giám mục.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt