Chủ nghĩa Marx

"Bí mật của sự dã man trong văn minh" và "bí mật của tình trạng không có pháp luật trong nhà nước"

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG V

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

DƯỚI BỘ MẶT ANH LÁI BUÔN NHỮNG BÍ MẬT,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG SÊ-LI-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 83-85. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

1. "BÍ MẬT CỦA SỰ DÃ MAN TRONG VĂN MINH"

VÀ "BÍ MẬT CỦA TÌNH TRẠNG KHÔNG CÓ PHÁP LUẬT

TRONG NHÀ NƯỚC"

 

Ai nấy đều rõ Phoi-ơ-bắc đã coi quan niệm của đạo Cơ Đốc về đầu thai xuống trần, về tam vị nhất thể, về bất tử, v.v., là bí mật về đầu thai xuống trần, về tam vị nhất thể và về bất tử. Ông Sê-li-ga lại coi tất cả những quan hệ hiện nay trên trần đều là những bí mật cả. Nếu Phoi-ơ-bắc đã bóc trần những bí mật hiện thực thì ông Sê-li-ga lại đem biến tất cả những cái bình thường hiện thực thành những bí mật. Bản lĩnh của ông ta không phải là ở chỗ bóc trần những cái bị che giấu mà là che giấu những cái đã bị bóc trần.

Chẳng hạn, ông ta gọi sự dã man (sự tồn tại của tội phạm) trong văn minh cũng như tình trạng không có pháp luật và bất bình đẳng trong nhà nước đều là những bí mật cả. Như vậy, ắt phải là một trong hai điều sau đây: hoặc là sách báo xã hội chủ nghĩa đã bóc trần những bí mật ấy, vẫn còn là bí mật đối với ông Sê-li-ga; hoặc là ông ta muốn biến những kết luận nổi tiếng nhất của sách báo ấy thành bí mật riêng của sự phê phán có tính phê phán.

Vì vậy chúng ta không cần bàn chi tiết đến những luận đoán của ông Sê-li-ga về những bí mật đó mà chỉ đưa ra mấy điểm xuất sắc nhất.

"Mọi người dù giàu nghèo sang hèn đều bình đẳng trước pháp luật và quan toà. Nguyên lý này đứng hàng đầu trong tín điều của nhà nước".

Của nhà nước ư? Trái hẳn lại tín điều của đa số các nhà nước đều quy định ngay từ đầu rằng: giàu nghèo sang hèn đều bất bình đẳng trước pháp luật.

"Với sự đúng mực ngây thơ của mình, anh thợ đẽo đá Mo-ren nói rất rõ bản chất của bí mật đó" (tức là bí mật về sự đối lập giữa người giàu và người nghèo). "Anh ta nói: Phải chi người giàu cũng biết điều đó ! Phải chi người giàu cũng biết điều đó ! Song không may thay, họ không biết sự nghèo nàn là gì cả !".

Ông Sê-li-ga không biết rằng Ơ-gien Xuy vì lễ phép với giai cấp tư sản Pháp nên đã lầm lẫn thời đại khi ông ta đem lời nói thông thường của người tư sản dưới triều Lu-i XIV: "À ! Phải chi Đức vua cũng biết điều đó !" sửa thành "À ! Phải chi người giàu cũng biết điều đó !" và đặt vào miệng anh công nhân Mo-ren ở thời đại "Hiến chương chân lý"23. Ít ra là ở Anh và ở Pháp, cũng không còn tồn tại quan hệ chất phác đó giữa người giàu và người nghèo. Những đại biểu học giả của bọn giàu có, tức các nhà kinh tế học, đã truyền bá ở đây những kiến giải rất tỉ mỉ về sự nghèo nàn thể xác cũng như sự nghèo nàn tinh thần của sự khốn cùng. Với một giọng an ủi, họ chứng minh rằng vì phải bảo tồn hiện trạng của sự vật, nên hình như cũng phải bảo tồn sự bần cùng đó. Nhưng vẫn chưa hết. Họ thậm chí còn tính toán cẩn thận rằng vì phúc lợi của người giàu và của bản thân họ, người nghèo nên chết đi theo một tỷ lệ như thế nào đó để giảm bớt số người của mình đi.

Khi Ơ-gien Xuy mô tả những quán rượu, những sào huyệt và tiếng nói của bọn tội phạm thì ông Sê-li-ga khám phá ra một điều "bí mật" là "tác giả" không dự định mô tả tiếng nói đó và những sào huyệt đó mà dự định.

"nghiên cứu bí mật của những động cơ đẩy đến tội ác", v.v., "vì chính ở những nơi đi lại tấp nập nhất... bọn tội phạm lại cảm thấy như ở nhà".

Nếu có người chứng minh với nhà khoa học tự nhiên rằng tổ ong gây hứng thú cho nhà khoa học tự nhiên không phải với tính cách là tổ ong, rằng tổ ong đó không phải là điều bí mật đối với kẻ nào không nghiên cứu nó, vì chính ở trong không khí trong  lành và trên những bông hoa con ong "cảm thấy mình hoàn toàn như ở nhà" thì nhà khoa học tự nhiên sẽ nói thế nào? Chính sào huyệt và tiếng nói của bọn tội phạm phản ánh tính cách của tội phạm; đó là những bộ phận cấu thành không thể tách rời được của đời sống hàng ngày của bọn tội phạm, cho nên mô tả tội phạm tất nhiên phải mô tả những mặt đó cũng như môt tả femme galante1* tất nhiên phải mô tả petite maison2*.

Sào huyệt của bọn tội phạm là điều "bí mật" không những đối với dân Pa-ri thông thường mà cả đối với cảnh sát Pa-ri, cho nên hiện nay người ta còn phải mở ra ở trung tâm thành phố những con đường rộng rãi và sáng sủa để cho cảnh sát đến được tận những ngóc ngách ấy.

Sau hết, bản thân Ơ-gien Xuy tuyên bố rằng khi ông mô tả tất cả những điều nói trên kia, ông trông mong vào "tâm lý hiếu kỳ sợ sệt" của bạn đọc. Chỉ cần nhắc đến những cuốn "A-ta Gun", "Con hoả xà", "Plích và Plốc" là đủ để chứng minh điều đó.


 



23 Chỉ Hiến chương lập hiến (Charte constitutionnelle) được thông qua sau cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1830, nó là đạo luật căn bản của nền quân chủ tháng Bảy. "Hiến chương chân lý" là lời châm biếm ám chỉ câu kết thúc bản tuyên ngôn ngày 31 tháng Bảy 1830 của Lu-i Phi-líp: "từ nay hiến chương tức là chân lý".

1* - người đàn bà lẳng lơ

2* ­- căn nhà nhỏ làm nơi hẹn hò

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt