Chủ nghĩa Marx

Biện chứng pháp duy tâm

BIỆN CHỨNG PHÁP

 
CHƯƠNG THỨ NHẤT
 
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG
 
CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

 

1 2 3 4 5 6

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

II. BIỆN CHỨNG PHÁP DUY TÂM

 

Trở về trên, chúng ta đã vạch rõ những khuyết điểm của duy vật luận trước Mác; nó là duy vật luận phi biện chứng. Bây giờ chúng ta lại vắn tắt trình bày và phê phán biện chứng pháp trước Mác, đặc biệt là biện chứng pháp của Hê-gen. Biện chứng pháp Hê-gen là biện chứng pháp duy tâm.

1. Cách mạng núp sau lưng nhà giáo sư triết học Đức: Hê-gen

Hê-gen (1770-1831) là nhà triết học duy tâm vĩ đại nhất của Đức, có thể nói của nhân loại nữa. Chúng ta đã biết duy tâm luận Hê-gen là duy tâm luận khách quan, đặc điểm của triết học Hê-gen là biện chứng pháp. Trong nhiều tập sách trứ danh như trong “Đại luận lý” Hê-gen tiếp cận với duy vật luận.

Khi Mác viết luận án về Đê-mô-cơ-rít (Démocrite) để thi thạc sĩ thì Mác còn là môn đồ tả phái của Hê-gen. Hê-gen có nhiều môn đồ lắm: thuộc vào nhóm môn đồ hữu phái, những ai bám vào duy tâm luận của ông; còn thuộc nhóm môn đồ tả phái, những ai căn cứ vào biện chứng pháp. Mác trông thấy rõ thực chất cách mạng của tư tưởng biện chứng của Hê-gen; tuy thế, trước khi Phước-bách ra đời với quyển “Tinh túy của chủ nghĩa Gia-tô” Mác chưa tìm được lối thoát ra khỏi biện chứng pháp duy tâm.

Bên Pháp, hồi thế kỷ thứ 18, cuộc cách mạng triết học dọn dường cho cuộc cách mạng chính trị. Bên Đức cũng thế : cách mạng triết học đi trước cách mạng chính trị (cần nói ngay rằng những cuộc cách mạng tư tưởng và xã hội đó gốc ở sự tiến triển của lối sản xuất tư bản, gốc ở cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và quý tộc phong kiến). Có khác một điều : người Pháp công nhiên tranh đấu chống giáo hội, chống học thuật tư tưởng của bọn cầm quyền, chống chính phủ nhà vua, cho đến đỗi họ phải bị giam cầm trong ngục Bát-ti hay phải trốn sang Anh, Hà lan (lúc bấy giờ là quê hương của tư sản tiến bộ.  Hà lan và Anh đã làm xong cuộc cách mạng tư sản của họ). Trái lại, ở Đức, những triết gia gieo mầm cách mạng tư tưởng lại là những vị giáo sư công khai dạy ở Đại học- như Hê-gen được nhà cầm quyền bảo vệ, tôn trọng, mà chính họ chưa hề đương đầu với chính phủ họ.

Vậy có người sẽ hỏi: các giáo sư ấy không đương đầu với chính phủ phong kiến, được nhà cầm quyền bảo vệ, tôn trọng, thì họ gieo mầm cách mạng làm sao ? Hay là bọn thống trị ấy “dân chủ “ lắm?

Angen cắt nghĩa :

“Cách mạng núp sau lưng vị giáo sư ấy, cách mạng ẩn sau những câu hỏi rườm rà và mờ ám của các vị giáo sư ấy”.

2. Thực chất cách mạng của biện chứng pháp Hê-gen

Thế nào gọi là cách mạng núp sau lưng các vị giáo sư triết học, ẩn bên trong các câu nói rườm rà và mù mờ của họ ? Chúng ta hãy lấy vài ví dụ : Hê-gen có những câu nói “lạ thường” mới nghe thoáng qua thì có thể xem nó như là bênh vực chế độ đương thời, mà hễ nghi kỷ vào thì nắm được ý nghĩa cách mạng, như câu sau đây :

“Cái gì thực tại, thì cái ấy là hợp lý; cái gì hợp lý thì cái ấy là thực tại”

Trong câu rườm rà ấy, Hê-gen đặt ra hai phạm trù biện chứng (thực tại và hợp lý) và đặt vấn đề chuyển biến, hỗ biến của thực tại và hợp lý. Những bọn phản động hiểu Hê-gen theo kiểu phản động, chúng hiểu Hê-gen theo trí não hẹp hòi của chúng; chẳng hạn vua Guy-dôm (Fréderic Guillaume) thích câu “Cái gì thực tại thì cái ấy là hợp lý” Thích lắm. Nếu quả như thế thì nhà nước Phổ là thực tại thì nó là hợp lý; nếu quả như thế, thì nhà đại triết học Hê-gen đã đóng con dấu tán thành tính chất hợp lý của chính quyền quân chủ rồi! Nhưng bọn cầm quyền nhầm to, chúng hiểu Hê-gen bằng tư tưởng hẹp hòi, lạc hậu, siêu hình của chúng, nghĩa là chúng không hiểu Hê-gen.

Vì, theo Hê-gen, theo biện chứng pháp của Hê-gen cái thực tại bây giờ, cái hợp lý bây giờ sẽ trở thành không thực tại và bất hợp lý ở ngày mai; cái gì hợp lý, tất yếu mà hiện giờ chưa thành thực tại, thì ngày mai nó sẽ trở thành thực tại, không tránh khỏi được. Lúc ấy nhà nước Phổ là thực tại, nó hợp với tình trạng hồi lúc ấy của nước Đức, trình độ hồi ấy của nước Đức. Hễ tình trạng của nước, trình độ của dân khác đi, tiến lên, thì nhà nước cũ sẽ không còn hợp lý, tất yếu và thực tại nữa; tất nhiên nó phải đổ nát đi để được thay bằng một thực tại mới hợp lý với tình thế mới. Cho nên,  Angen nói :

Luận cương về hợp lý và thực tại được giải quyết theo biện chứng pháp của Hê-gen bằng luận cương sau đây: cái gì hiện có thì ngày mai sẽ chết mất”.

Đứng trước cái biện chứng pháp ấy, còn có cái gì là vĩnh hằng, còn có cái gì là bất biến? Còn có giáo điều nào nữa ? Còn có cái gì là thần thánh bất khả xâm phạm nữa ? Cách mạng núp sau lưng giáo sư triết học là thế. 

Biết một vật là gì, chưa phải là việc chính.

Biết một vật đương trở thành cái gì, đó mới là việc chính.

Biện chứng pháp xét sự vật trong sự biến chuyển của nó. Động là thật, là phổ biến; tĩnh là tương đối, là trường hợp đặc biệt. Lần thứ nhất người ta quả quyết và có hệ thống đặt sự nghiên cứu sự vật trong thời gian.

Từ nay, không còn ai dám tự phụ là đã tìm được chân lý tuyệt đối vĩnh hằng, nếu người ấy tôn trọng chân lý khách quan. Từ nay không còn một chế độ xã hội nào dám tự xưng là chế độ cuối cùng, tuyệt mỹ, bất biến. Hơn nữa, sau khi Kăng dựng lên giả thuyết tinh vân, và người ta đã nhờ kính viễn vọng tìm thấy nhiều tinh vân trên không trung, thì  không còn nhà khoa học thiên văn nào nghi ngờ rằng hệ thống mặt trời có lịch sử , có sinh ắt có tử; song cái ngày giờ chết ấy hãy còn xa lắm, người ta không thể :

“Bắt buộc triết học của Hê-gen phải lo giải quyết một vấn đề mà khoa học tự nhiên lúc ấy chưa đặt ra”.

Vũ trụ có lịch sử , mặt trời có lịch sử ; thì trái đất phải có lịch sử , và xã hội tất nhiên cũng phải có lịch sử  như mọi giống mọi loài. Nói lịch sử tức là nói biến đổi, cái mới thay cái cũ, cái hợp lý thay cái phi lý. Tức là nói cách mạng.

Trở về trên, chúng ta đã trình bày vài đặc điểm trong biện chứng pháp Hê-gen. Biện chứng pháp Hê-gen phong phú lắm. Không phải chỉ có bấy nhiêu ấy thôi song bấy nhiêu đó đã chứng thực cái thực chất cách mạng của biện chứng pháp . Mác và Angen ,Lê-nin và Sta-lin đều công nhận rằng Hê-gen là bậc thầy có giá trị .

Tuy nhiên, biện chứng pháp Hê-gen mắc nhiều khuyết điểm ; nói duy tâm không triệt để. Mác gọi là biện chứng pháp “lộn nhào”.

3. Tính chất “lộn nhào” của biện chứng pháp Hê-gen

Trong quyển “vũ trụ quan” chúng tôi đã nói về duy tâm luận khách quan của Hê-gen. Theo Hê-gen lý trí có trước vũ trụ, vũ trụ là hiện thân của lý trí tuyệt đối. Biện chứng pháp của lý trí làm nền móng cho biện chứng của tự nhiên mà nó là phản ảnh .

Vì vậy, vì tính chất duy tâm của nó nên biện chứng pháp của Hê-gen, bị coi là lộn nhào, lấy đầu làm chân, đạp đất bằng cái đầu, đội trời bằng cặp chân. Muốn dùng biện chứng pháp để nghiên cứu khoa học, để cải tạo xã hội, cải tạo vũ trụ thì phải nghịch đảo biện chứng pháp, Hê-gen cho đầu trở lên trời, chân về với đất, phải xem tự nhiên là “đá thử vàng” của biện chứng pháp, phải xem biện chứng pháp tư tưởng như là phản ảnh của biện chứng pháp tự nhiên.

Mác nói :

Phương pháp biện chứng của tôi chẵng những khác với phương pháp của Hê-gen trong căn bản, mà còn hoàn toàn ngược lại nữa. Với Hê-gen, ý tưởng là mẹ đẻ của thực tại, thực tại là hình thức hiện tượng của ý tưởng. Với tôi, trái lại, vận động của tư tưởng chỉ là phản ảnh của thực tại vận động truyền vào trí não của con người1

Biện chứng pháp của Mác là biện chứng pháp duy vật, cũng như duy vật luận của Mác là duy vật luận biện chứng. Duy vật luận và biện chứng pháp thành một mối thống nhất cơ thể trong chủ nghĩa Mác.

Ở trên, chúng ta đã thấy rằng, vì duy vật luận thế kỷ 18 không biện chứng nên nó không triệt để, nên nó ngoặt về duy tâm, lát đường cho thần bí. Thì, ở đây, chúng ta cũng sẽ thấy rằng, vì biện chứng pháp Hê-gen là duy tâm, nên nó không triệt để, nên rốt cùng Hê-gen lại mâu thuẫn với Hê-gen, mà mâu thuẫn này là mâu thuẫn này là mâu thuẫn luận lý (tức là sai lầm) chớ không phải là mâu thuẫn biện chứng (tức là đúng thực tế). 

Nói theo tục tệ của các nhà triết học cũ, Hê-gen chế tạo ra một hệ thống; mà cũng theo tục lệ cũ, mỗi hệ thống được kết luận bằng một chân lý tuyệt đối; cho nên Hê-gen kết luận triết học của ông bằng cách nói rằng ông đã phát hiện được chân lý vĩnh hằng, tuyệt đối mà hiện thân là nhà nước Phổ. Thế là Hê-gen phản lại biện chứng pháp của ông. Ngày nay, ai ai đều biết rằng triết lý của Hê-gen, dù cao, đã bị vượt qua, đã bị phủ định như nó đã vượt qua và phủ định triết lý tiền kỳ; ngày nay, ai cũng biết rằng nhà nước Phổ đã đổ nát, và sau đó, quân quyền của Guy-đôm II, chế độ độc tài của Hít-le đều đổ nát. Chỉ có sự vận động là trường tồn, chỉ có sự biến chuyển là vĩnh hằng.

Dù sao đi nữa, cống hiến của Hê-gen cho nhân loại vẫn là to tát. Lênin bảo rằng có đọc quyển “luận lý” của Hê-gen thì mới hiểu thật sâu quyển “tư bản luận” của Mác. Và chúng ta cũng đã biết rằng duy tâm khách quan tiếp cận duy vật luận. Khi Lênin đọc quyển “luận lý”, Lênin có chú thích như sau:

Cả cái chướng nói về “Ý tưởng tuyệt đối “ gần như không có gì đặc biệt là duy tâm; Hê-gen giải thích phương pháp biện chứng.. Trong tác phẩm duy tâm nhất của Hê-gen ít có duy tâm luận nhất mà lại có nhiều duy vật luận nhất. Mâu thuẫn thực, nhưng đó là một sự thật”.

Vô luận những sai lầm gì, khuyết điểm gì, Hê-gen vẫn là một nhà triết học thông minh xuất chúng, uyên bác vô cùng. Angen ví hệ thống triết học của Hê-gen như một khuôn khổ tạm thời, còn biện chứng pháp của Hê-gen thì như cái thực chất vĩnh viễn. Anh hưởng của Hê-gen rất lớn, rất sâu, ngay khi ông còn sống. Sau khi ông chết, ảnh hưởng ấy lại to hơn nữa, nó xâm nhập văn chương báo chí, tư tưởng chính trị, gây một cuộc chiến đấu náo nhiệt, bên trong và bên ngoài hàng ngũ môn đồ của Hê-gen. Có phe bám vào cái hệ thống của Hê-gen (tựa như một nhóm môn đồ của Đề-các bám vào siêu hình học của thầy); c1o phe, phe trẻ, phe tả, dưa vào biện chứng pháp của Hê-gen (tựa như một nhóm  khác trong môn đồ của Đề-các dựa vào vật lý học của thầy). Hai phe tranh đấu với nhau, ban đầu là đấu tranh trên lĩnh vực triết học, sau là đấu tranh trên lãnh vực tôn giáo và chính trị.

Đó là một trạng thái đấu tranh giữa tiến bộ và bảo thủ. Cuộc cách mạng Đức đang ngấm ngầm từ năm 1830 đến năm1840; năm 1948 nó bùng nổ. Angen nói :

“Từ sự tan rã của học phái Hê-gen nẩy nở ra một xu hướng khác, chỉ có xu hướng này mới thật có kết quả : trong căn bản nó dính liền với tên tuổi của Mác”.

Ở đây sự phân liệt với triết học Hê-gen cũng phát sinh bằng sự trở về với quan điểm duy vật luận.

Thế là rõ. Duy vật luận biện chứng pháp của Mác không phải là duy vật luận trước Mác cộng với biện chứng pháp trước Mác; cụ thể hơn, không phải là duy vật luận của Phước-bách cộng với biện chứng pháp của Hê-gen. Mác đã hoàn thành một công trình tổng kết lớn lao, tổng kết các tư tưởng triết học sẵn có, tổng kết các phát kiến khoa học, dựng lên một triết học mới. Cho nên, trong khi phê bình quyển “Lịch sử triết học Tây phương” của A-léc-xăng-đờ-rốp (Alexandrov) Jđanôp có nói rằng duy vật biện chứng là “sự phủ định hoàn toàn nhất của các triết học đã có trước” và chúng ta đã nói rằng nó là một tầng triết học mới, một chất triết học mới, triết học của giai cấp vô sản, triết học của nhân loại cần lao, của nhân loại tiến bộ, kim chỉ nam của nhà nghiên cứu, nền tảng lý luận của các khoa học tự nhiên và xã hội.

 



1  Tư bản luận

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt