Chủ nghĩa Marx

Biện chứng pháp. "Lời nói đầu"

BIỆN CHỨNG PHÁP - MỤC LỤC

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

Chủ nghĩa Mác gồm ba bộ phận căn bản: Triết học, Kinh tế học, Xã hội chủ nghĩa.

Triết học Mác là sản phẩm cao quý và tất yếu của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhưng đứng về một mặt nào của lịch sử, thì nó tiếp tục những trào lưu về triết học trước nó, đặc biệt là triết học Đức hồi đầu thế kỷ 19.

Triết học Mác là Duy vật luận biện chứng pháp.

Muốn nhận định rõ vị trí của biện chứng pháp trong toàn bộ triết học Mác, cần biết qua đối tượng, tính chất và tác dụng của triết học.

*

Trong thời đại thượng cổ, triết học bao gồm tất cả các khoa học, các nhận thức của con người về tự nhiên và xã hội.

Theo lời của Si-sê-rông (Cicéron), thì Pithago (Pithagore) có nói :

Mọi người đều nô lệ, nô lê cho hư danh, nô lê cho tiền tài. Duy có một số ít người không mong tiền tài và hư danh, mà chỉ chú ý nghiên cứu thiên nhiên, những người ấy tự cho cái danh hiệu hiền triết “

Ngày xưa , hiền triết là nhũng người “thông thiên đạt địa, tri nhân”. Triết học và khoa học không tách rời nhau mà gồm vào một mối. Nhà triết học, lúc ấy là những khối óc kiêm tòan, họ giỏi toán học, lý học, hình học, y học, chính trị. Chế độ chiếm hữu nô lệ ở Địa Trung Hải, Ấn Độ, Trung Hoa là một thời đại mà triết học rất phồn thịnh. Tri hành cũng có phần nhất trí :

Vật có gốc ngọn, sự có đầu đuôi, biết rõ trước sau thì gần đạo vậy. Muốn tinh thành cái ý của mình thì trước phải biết đến chỗ cùng cực. Biết đến cùng cực là ở chỗ thấu suốt cái uyên thâm của sự vật thì biết đến chỗ cùng cực; biết đến chỗ cùng cực thì ý mới tinh thành; ý tinh thành, thì tâm mới chính; tâm chính thì thân mới tu; thân tu thì nhà mới tề; nhà tề thì nước mới trị; nước trị thì thiên hạ mới bình.”1

Đến thời phong kiến, trước Phục hưng, nhất là ở những xứ công giáo, thì khoa học đình đốn, nơi nơi độc tài đen tối của vua chúa ngu dân, của tôn giáo cố chấp. Ở Tây phương, triết học nô thuộc cho thần học; các nhà “tư tưởng” mòn bút lông để cãi vã nhau xem đàn bà có linh hồn không, chư tiên là giống đực hay giống cái!

Văn minh Đông Phương, của người Ả Rập, người Ấn, người Trung Hoa có tiến bước, song, Phật giáo, Lão giáo từ những triết lý, những cách sống, lần lần chuyển thành những tôn giáo lạc hậu. Đâu đâu cũng thế, học là học trong sách vở cũ, học theo lối từ chương, học để săn đón bổng lộc của triều đình sâu mọt. “Aritốt nói “, “Tử Viết” đã là bằng cớ cho chân lý tuyệt đối rồi. Phát minh, sáng chế bị đàn áp, tư tưởng hành động tiến bộ bị truy nã.

Ở nước ta, triết lý Ấn-Hoa qua biên giới thì nói chung là những tinh túy tiến bộ hay khoa học đã rơi mất đi đâu nhiều quá rồi. Giặc đã sát bên hè mà nho giả còn ngâm những câu yếm thế như :

Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ, 

Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt, 

Mặc xa mã thị thành không dám biết, 

Thú yên hà trời đất để riêng ta”.

Thật là chướng tai!

*

Từ giữa thế kỷ 15, trong lúc Đông phương còn mê giấc, Tây phương bắt đầu để chân vào một thời kỳ mới. Công thương tiến bước; người ta trở lại nghiên cứu tự nhiên, “Trí tri tại cách vật”.R.Bacon khuyên quay về học trong quyển sách tự nhiên vĩ đại. Nghệ thuật, văn chương đều phát triển. 

Đó là thời kỳ Phục hưng.

Độc tài tư tưởng của Giáo hội rung rinh. Luy-tê (Luther) vừa vứt chỉ dụ của Giáo hoàng vào lửa thì vũ trụ học của Côpêcnic ra đời như một phát thần công trong đêm vắng: khoa học bắt đầu được giải phóng khỏi gông cùm thần học. Cơ học tiến lên trước nhất (Nhu-tôn Galilê), rồi hình học phân tích, vật lý học (Đề các), sinh vật học (Linnê)…

Tuy thế tư tưởng khoa học chưa thóat khỏi vấn vương của thần học : Côpêcnic “tuyên chiến” với Giáo hội, thì Nhu-tôn lại “ký hòa ước” với nhà thờ bằng thuyết “Cú hích đầu tiên” của Thượng đế cho trời đất xoay chuyển.

Dù sao đi nữa, tư bản chủ nghĩa cứ tiến. Khoa học tự nhiên cứ chinh phục thêm nhiều lãnh vực mới. Đấu tranh phản phong kịch liệt. Duy vật luận cơ giới thịnh hành. Số nhận thức càng nhiều, nghiên cứu càng chuyên môn. Nhiều khoa học mới được thành lập, tách ra khỏi đại gia đình triết học: Hóa học với Lavoisiê, sinh lý học với C.Bécna… Cho đến gần đây thì tâm lý học, xã hội học cũng đã thành những khoa học riêng rẽ.

Cứ theo đó thì dường như địa bàn của triết học rút hẹp dần cho đến đỗi chỉ còn một cái gọi là “siêu hình học”, siêu hình mài miệt với sư tồn tại của Thượng đế, tính bất diệt của linh hồn, và căn nguyên của sinh mệnh, Thế nhưng:

Vônte mỉa mai rằng: “Quốc dân mệt mỏi với siêu hình học, bây giờ bắt đầu thảo luận về lúa mì”! Còn Kăng thì nói: “Đối tượng của siêu hình học là không thể nhận thức được”. Siêu hình học tàn tạ như hoa cuối mùa, tư sản cũng ít khi dám công nhiên nhờ nó làm “nữ trang của trí tuệ”. Lần lượt vật lý học giải quyết vấn đề căn nguyên của vũ trụ, tâm lý học giải quyết vấn đề linh hồn, sinh vật học giải quyết vấn đề căn nguyên của sinh mệnh. Siêu hình học, triết học tư bản mất đối tượng chính thức cuối cùng của nó.

Triết gia tư bản không còn biết làm gì. Triết học của họ bay bổng lên trên các khoa học; họ xoay ra “phê bình khoa học”; mà “phê bình khoa học” của họ là quanh quẩn bên hè khoa học, đợi lúc khoa học gặp một cuộc khủng hoảng, gặp việc nào mà khoa học còn lúng túng thì họ đem chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tín ngưỡng lén vào cửa sau.

Như thế, triết học đã là thừa rồi chăng? Nó hết đối tượng rồi chăng?

- Không! chỉ có triết học của chủ nghĩa đế quốc là thừa, vô dụng và nguy hại. Ta không cần đến những triết học bay bổng lên trên các khoa học, nhưng lại cần có một triết học thâm nhập vào các khoa học, hướng dẫn các khoa học.

Nhà bác học muốn làm gì thì làm, họ cứ bị các nhà triết học chi phối; vấn đề là hỏi vậy chớ họ bị chi phối bởi một nhà triết học xấu được nêu lên trong một lúc, hay là được chi phối bởi một hình thái lý luận căn cứ vào sự nhận thức sâu sắc cả lịch sủ tư tưởng và cả sự tiến bộ của tư tưởng”1.

Mỗi khoa học nghiên cứu một bộ phận của vũ trụ.

Nhưng vũ trụ là thống nhất, cho nên cần phải có một khoa tổng kết tất cả các phát kiến khoa học để cung cấp cho chúng ta một quan niệm tổng quát về vũ trụ, về toàn bộ vũ trụ; cái vũ trụ quan ấy cũng là lý luận tổng quát của khoa học.

Hơn nữa, mỗi khoa học có phương pháp riêng của nó. Mỗi khoa học tìm được nhiều quy luật từng phần của vũ trụ mà vũ trụ là thống nhất thì cần có một khoa tổng kết các quy luật của các khoa học, tìm ra những quy luật tổng quát của vũ trụ. Những quy luật tổng quát của vũ trụ đồng thời là phương pháp tổng quát của sự nghiên cứu.

Như thế, triết học của chủ nghĩa Mác-Lê là lý luận tổng quát, là phương pháp luận tổng quát của khoa học. Nó không giành đối tượng với các khoa học; nó có đối tượng của nó. Nó không bay bổng lên trên các khoa học; nó xâm nhập vào mỗi khoa học.

Chủ nghĩa Mác ra đời giải thóat khoa học khỏi vòng bế tắc, cho triết học một hướng mới, một chất mới, một tác dụng mới.

Tự cổ chí kim triết học chưa hề bay bổng lên trên các giai cấp xã hội; luôn luôn, nó là lợi khí đấu tranh giai cấp. Pờ-la-tông yêu cầu đốt sách của Hê-ra-cờ-lít; phái Bà la môn đốt 5.000 quyển sách của phái duy vật cổ Ấn Độ mà họ gọi là Các-va-ca. Đề- các, Công-đi-dắc, Đi-đơ-rô thay mặt cho giai cấp tư sản đang lên cũng như Béc-son, Ruýt-xen, Hồ-Thích là tư tưởng của đế quốc suy tàn. Còn chủ nghĩa Mác-Lê là tư tưởng của giai cấp công nhân. Các giai cấp bóc lột không dám nhận tính chất giai cấp của triết học của họ, còn giai cấp vô sản thì nêu rõ tính chất giai cấp của triết học của mình.

“Triết học hiện đại thấm nhuần tính chất giai cấp như triết học hai ngàn năm về trước2

Cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ mà trông thấy rằng triết học của chúng ta có tính chiến đấu rất mạnh, mạnh và triệt để như cuộc chiến đấu cách mạng của giai cấp công nhân. Mác nói:

Triết học tìm thấy trong giai cấp vô sản những vũ khí vật chất của nó, thì giai cấp vô sản tìm thấy trong triết học vũ khí tri thức của mình. Triết học là đầu não của sự giải phóng con người, còn giai cấp vô sản là trái tim của sự giải phóng ấy”.

Người ta có thể tự hỏi: nếu triết học ta mang tính chất giai cấp thì có phương hại gì đến tính chất khoa học của nó không? Hẳn là không; trái lại. Triết học ta xuất phát từ khoa học, từ hành động thực tiễn; rồi trở về với khoa học, với hành động; khoa học, hành động chứng minh tính chất khoa học của triết học Mác-Lê.

Hơn tất cả các loại triết học có trước nó, triết học Mác-Lê là kim chỉ nam cho mọi công tác khoa học, chính trị, văn hóa, người Mác-xít cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội, cải tạo tư tưởng theo chiều lịch sử, theo lợi ích của đại đa số nhân loại, thực hiện được kỳ vọng của bao nhà hiền triết cổ kim.

Hãy trông vào công nghiệp kiến thiết của Liên-xô và các nước dân chủ nhân dân, hãy trông vào các cuộc đại thắng của Hồng quân, giải phóng quân, quân đội nhân dân Việt Nam, hãy trông vào công tác lãnh đạo của Đảng Cộng sản và công nhân thế giới, thì sẽ thấy càng rõ tính chất thực tiễn, khả năng cải tạo của triết học Mác-Lê.

Tại tòa án Nuremberg, trước phút vĩnh viễn nhắm mắt thì tướng phát xít Gơ-ring mới bắt đầu mở mắt mà cắt nghĩa vì sao chế độ Hít-le tan vỡ :

“Tất cả các hệ thống do thám không tài nào cho chúng tôi biết được khả năng chiến tranh thực của Sô viết. Không phải tôi muốn nói số đại bác, phi cơ, thiết giáp, những con số đó, chúng tôi biết gần đúng; không phải chúng tôi muốn nói sức mạnh và khả năng chuyển dịch của kỹ nghệ. Tôi muốn nói đến con người Sô viết”.

Chắc hẳn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, sau Điện Biên Phủ, có thể lập lại lời nói đầy ý nghĩa của Gơ-ring.

*

Đối tượng, tính chất, tác dụng của chủ nghĩa Mác-Lê là thế.

Trong triết học đó, biện chứng pháp là bộ phận trọng yếu nhất. 

Quyển “Biện chứng pháp” này được viết trong điều kiện kháng chiến, với sự giúp đỡ của các bạn giáo sư trường dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp văn học. Rất mong các bạn đọc giả cho chúng tôi nhiều ý kiến phê bình mạnh dạn.

Hà Nội, tháng 2 năm 1955

                                                                           



1 Sách Đại Học

1 Ang - ghen 

2 LÊ-NIN

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt