Chủ nghĩa Marx

"Cái bí mật - giễu cợt"

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG V

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

DƯỚI BỘ MẶT ANH LÁI BUÔN NHỮNG BÍ MẬT,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG SÊ-LI-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 107-112. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

5. "CÁI BÍ MẬT - GIỄU CỢT"

 

Bây giờ, "cái bí mật đã trở thành tài sản chung, trở thành cái bí mật của toàn thế giới và của mỗi người riêng biệt. Hoặc đó là nghệ thuật của tôi hay bản năng của tôi, hoặc tôi có thể mua nó trên thị trường như một thứ hàng hoá nào đó".

Cái bí mật nào hiện nay trở thành tài sản chung của toàn thế giới? Cái bí mật của tình trạng không có pháp luật trong nhà nước ư? cái bí mật của xã hội có giáo dục ư? cái bí mật của việc làm hàng giả ư? cái bí mật của việc chế tạo nước hoa ư? hay là cái bí mật của "sự phê phán có tính phê phán"? Không phải ! đây là cái bí mật nói chung, cái bí mật in abstracto, là phạm trù bí mật!

Ông Sê-li-ga định mô tả anh đầy tớ anh gác cổng Pi-plê vợ y thành hiện thân của cái bí mật tuyệt đối. Ông ta định dựng lên người đầy tớ người gác cổng của cái "bí mật" ! Nhưng ông ta làm cách nào mà nhảy từ đỉnh cao của phạm trù thuần tuý xuống đến chân "người đầy tớ đang rình mò trước chiếc cửa đóng", làm cách nào mà nhảy từ đỉnh cao của cái bí mật coi như chủ thể tuyệt đối đang ngự cao trên đỉnh mây mù của trừu tượng xuống đến tận cái hầm trú ngụ của người gác cổng?

Trước hết, ông ta buộc phạm trù bí mật phải hoàn thành cả một quá trình tư biện. Sau khi trở thành tài sản chung của thế giới nhờ vào thủ đoạn làm truỵ thai và đầu độc thì cái bí mật

"do đó cũng tuyệt đối không còn là cái bị che giấu không thể hiểu được, mà là cái gì tự che giấu mình, hoặc nói đúng hơn" (thật là ngày càng đúng !) "là cái gì mà tôi che giấu, cái gì mà tôi làm cho không sao hiểu được".

Với sự chuyển hoá như vậy của cái bí mật tuyệt đối từ bản chất sang khái niệm, từ giai đoạn khách thể trong đó nó là cái bị che giấu sang giai đoạn chủ thể trong đó nó tự che giấu mình, hay nói đúng hơn trong đó "tôi" che giấu "nó", chúng ta chưa tiến thêm được bước nào. Trái lại, khó khăn hình như tăng lên, vì cái bí mật trong đầu óc và trong lòng người còn khó hiểu và kín mít hơn là cái bí mật của đáy biển. Chính vì vậy mà Sê-li-ga lập tức đưa ra một luận đoán kinh nghiệm để cứu vãn luận đoán tư biện của mình.

"Từ nay" (từ nay !) "sau những cái cửa đóng" (xin chú ý ! xin chú ý !) "sẽ thai nghén, dấy lên và hình thành cái bí mật".

"Từ nay", ông Sê-li-ga biến cái "tôi" tư biện của cái bí mật thành một hiện thực hoàn toàn kinh nghiệm thuần tuý bằng gỗ - tức là thành cái cửa.

"Nhưng do đó" (nghĩa là cùng với sự tồn tại của cái cửa đóng chứ không phải cùng với sự chuyển hoá từ một bản chất đóng kín sang khái niệm thuần tuý)" cũng cho khả năng nghe trộm, rình xem, dò xét cái bí mật".

Không phải ông Sê-li-ga đã phát hiện được "cái bí mật" mà người ta có thể nghe trộm sau những chiếc cửa đóng. Tục ngữ dân gian cũng có câu "tai vách mạch rừng". Trái lại, cái bí mật tư biện hoàn toàn có tính phê phán đó là: chỉ "từ nay" tức là sau khi du lịch dưới âm phủ trong sào huyệt của bọn tội phạm, sau khi đi lên thiên đường của xã hội thượng lưu, sau tất cả những phép mầu của Pô-li-đô-ri thì những bí mật mới có thể được thai nghén sau những cửa đóng, mới có thể bị người ta tựa vào những cửa đóng mà nghe trộm. Một điều bí mật phê phán cũng lớn lao như thế là những chiếc cửa đóng không những tuyệt đối cần thiết cho việc thai nghén, dấy lên và hình thành những bí mật (và biết bao nhiêu cái bí mật đang được thai nghén, dấy lên và hình thành sau những bụi cây !) mà cả cho việc dò xét những bí mật đó.

Sau chiến công biện chứng rực rỡ đó, tự nhiên là ông Sê-li-ga chuyển từ bản thân sự dò xét sang nguyên nhân của sự dò xét. Ở đây, ông khám phá ra một bí mật: nguyên nhân của sự dò xét là sự vui thích có ác ý. Và từ sự vui thích có ác ý, ông lại tiến thêm một bước đi tới nguyên nhân của sự vui thích có ác ý. Ông nói:

"Mỗi người đều muốn tốt hơn người khác, vì anh ta không những giữ kín động cơ làm việc thiện của mình mà còn tìm cách che giấu việc ác của mình bằng một màn sương mù hoàn toàn không nhìn qua được".

Phải đảo ngược câu đó, mới đúng: Mỗi người đều không những giữ kín động cơ làm việc thiện của mình mà còn tìm cách che giấu việc ác của mình bằng một màn sương mù hoàn toàn không nhìn qua được vì anh ta muốn tốt hơn người khác.

Như vậy là chúng ta đã đi từ cái bí mật tự che giấu mình đến cái "tôi" che giấu cái bí mật đó, từ cái "tôi"  đó đến chiếc cửa đóng, từ chiếc cửa đóng đến sự dò xét, từ sự dò xét, đến nguyên nhân của sự dò xét, đến sự vui thích có ác ý, từ sự vui thích có ác ý đến nguyên nhân của sự vui thích có ác ý, đến ý muốn tốt hơn người khác. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ được hưởng cái thú vui thấy người đày tớ đứng trước chiếc cửa đóng. Nguyện vọng phổ biến muốn được tốt hơn người khác đưa chúng ta trực tiếp tới nhận định là "mỗi người đều có sẵn xu hướng thâm nhập vào bí mật của những người khác". Ở đây, nhà phê phán thêm vào một cách thoải mái một nhận xét hóm hỉnh:

"Về mặt này, những người đầy tớ chiếm một vị trí có lợi nhất".

Nếu như ông Sê-li-ga đã đọc những hồ sơ trong kho lưu trữ của sở cảnh sát Pa-ri, những hồ sơ của Vi-đốc, "Sách đen" của nước Pháp, v.v., ông sẽ biết rằng về mặt này, cảnh sát còn chiếm "vị trí có lợi hơn" là những người đầy tớ ở trong "một vị trí có lợi nhất", rằng những người đầy tớ chỉ được cảnh sát sử dụng vào những việc giản đơn nhất, còn cảnh sát thì không dừng lại trước cửa, và không chỉ có mặt khi chủ nhân đang cởi quần áo, mà thậm chí còn chui vào tận trong chăn bên cạnh thân thể trần truồng của chủ nhân theo kiểu femme galante hoặc thậm chí với tư cách là vợ của chủ nhân nữa. Và trong truyện của Ơ-gien Xuy, tên mật thám "Tay đỏ" là một trong những người thể hiện chủ yếu của toàn bộ tình tiết đang phát triển.

Điều mà "từ nay", ông Sê-li-ga lấy làm phiền lòng về bọn đầy tớ là ở chỗ họ thiếu "vô tư, không vụ lợi". Sự hoài nghi phê phán đó mở đường cho nhà phê phán đến với anh gác cổng Pi-plê và vợ y.

"Trái lại, hoàn cảnh của người gác cổng đảm bảo cho anh ta một sự độc lập tương đối khiến anh ta có thể biến bí mật ở trong nhà thành đối tượng của sự chế giễu tự do không vụ lợi tuy khắc nghiệt và chua cay".

Cái kết cấu tư biện về người gác cổng vấp phải một khó khăn lớn thứ nhất là trong phần lớn các nhà ở Pa-ri, ít ra là đối với một bộ phận người thuê nhà thì người gác cổng và người đầy tớ chỉ là một thôi.

Về ảo tưởng của sự phê phán đối với vị trí tương đối độc lập và không vụ lợi của người gác cổng, chúng ta có thể nhận xét qua những việc dưới đây. Người gác cổng ở Pa-ri là đại biểu và mật thám của chủ nhà. Trong đa số trường hợp, không phải chủ nhà mà là người thuê nhà trả công cho y. Vì thu nhập bấp bênh nên ngoài chức vụ chính thức, y còn kiếm nghề làm ngoài. Trong thời kỳ thống trị của chế độ khủng bố, thời kỳ Đế chế và thời kỳ Phục tích, người gác cổng là tay sai chính của mật thám. Chẳng hạn, tướng Phoa bị người gác cổng của mình bí mật giám sát, y chuyển thư từ gửi cho vị tướng này cho một tên cảnh sát bố trí ở gần đấy đọc trước (xem Phrô-măng, "Cảnh sát bị lộ mặt"29. Vì vậy những từ "portier"1* và "épicier"2* trở thành những lời chửi rủa, bản thân "portier" cũng muốn người khác gọi mình là "concierge"3*.

Ơ-gien Xuy căn bản không mô tả mụ Pi-plê là một người "không vụ lợi" và tốt bụng nên ông mô tả là ngay từ đầu mụ đã lừa dối Rô-đôn-phơ khi đổi tiền; mụ giới thiệu cho Rô-đôn-phơ một con mẹ cho vay nặng lãi gian giảo cùng ở một nhà với mụ ta, mụ đảm bảo với Rô-đôn-phơ rằng nếu làm quen được với Ri-gô-lét thì nhất định có nhiều điều thú vị; mụ chế giễu vị thiếu tá trả ít tiền và mặc cả với mụ (trong cơn tức giận, mụ gọi ông ta là "thiếu tá keo kiệt" và nói: "Điều đó sẽ dạy cho mày cách chỉ bỏ ra có 12 phrăng mỗi tháng cho việc chi tiêu trong gia đình"), mụ chế giễu ông ta "nhỏ nhen" đến nỗi để ý cả đến củi nước, v.v.. Mụ ta cho biết sở dĩ bản thân mụ có thái độ "độc lập" vì mỗi tháng vị thiếu tá chỉ trả có 12 phrăng.

Ở Sê-li-ga, "A-na-xta-xi Pi-plê đã dùng một cách nào đó để mở đầu cuộc chiến tranh du kích chống cái bí mật".

Ở Ơ-gien Xuy, A-na-xta-xi Pi-plê là điển hình của phụ nữ gác cổng ở Pa-ri. Ơ-gien Xuy muốn "kịch hoá người đàn bà gác cổng mà Hăng-ri Mô-ni-ê mô tả rất tài tình". Nhưng Sê-li-ga cho rằng cần biến cái đặc điểm "miệng lưỡi hiểm độc" của mụ Pi-plê thành một thứ bản chất riêng biệt rồi biến mụ thành người tiêu biểu cho bản chất đó. Ông ta viết tiếp:

"Chồng mụ, anh chàng gác cổng An-phrét Pi-plê, cùng làm một nghề với mụ nhưng không gặp may bằng".

Để an ủi sự thất bại đó của anh ta, ông Sê-li-ga cũng biến anh ta thành một tỉ dụ ám chỉ. Anh ta đại biểu cho mặt "khách quan" của cái bí mật, đại biểu cho "cái bí mật với tính cách là sự chế giễu".

"Cái bí mật làm cho anh ta thất bại là sự chế giễu, sự chế nhạo của người khác đối với anh ta".

Ngoài ra, với lòng trắc ẩn vô hạn, phép biện chứng thiêng liêng biến "ông già lẩn thẩn và không may" thành một "người khoẻ mạnh" theo một nghĩa siêu hình của danh từ bằng cách cho rằng ông đóng vai vòng khâu rất đáng kính trọng, rất may mắn và rất có tác dụng quyết định trong quá trình sinh tồn của cái bí mật tuyệt đối. Chiến thắng Pi-plê tức là

"sự thất bại có tính chất quyết định nhất của cái bí mật". "Một người khôn ngoan và dũng cảm hơn không mắc lừa sự chế giễu".

 



29 Froment. "La Police dévoilée depuis la Restauration et notamment sous M.M.Franchet et Delavau". T.I.-III, Paris, 1829 (Phrô-măng. "Cảnh sát bị lộ mặt từ thời kỳ Phục tích và nhất là dưới thời các ông Phrăng-sê và Đơ-la-vô", Pa-ri, 1829, từ tập I đến III).

1* - người gác cổng

2* - chủ cửa hiệu nhỏ

3* - người coi nhà

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt