Chủ nghĩa Marx

Chủ nghĩa Marx và thời đại ngày nay

 

CHỦ NGHĨA MARX VÀ THỜI ĐẠI NGÀY NAY

ZOTOV V.D

 


Bài “Chúng ta đang từ bỏ thứ chủ nghĩa Marx nào?” của TS Triết học, GS Zotov V.D. sau khi được công bố đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Dựa trên các ý kiến khác nhau xung quanh bài viết, Tổ Bộ môn Khoa học chính trị Đại học Nga Tình hữu nghị giữa các dân tộc RUDN (Nga) đã tổ chức mọt “Hội nghị bàn tròn” về những vấn đề đặt ra trong bài viết trên.


 

 

Tham gia Hội nghị này có nhiều GS.TS., cán bộ nghiên cứu và giảng dạy, nghiên cứu sinh và cả sinh viên các ngành KHXHNV (triết học, xã hội học, chính trị học, sử học…) trong và ngoài trường. Tác giả bài viết trên cũng dự và tham gia thảo luận. Có thể tóm tắt nội dung các ý kiến phát biểu bằng các luận điểm sau:

+ tự do thảo thuận là một quy phạm của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong trường đại học;

+ đối sánh chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa bônsêvích;

+ cần phân biệt chủ nghĩa Marx của Marx và chủ nghĩa Marx theo cách lý giải của những người bônsêvích;

+ những điểm giống và khác nhau giữa chủ nghĩa Marx và lý luận về hệ thống thế giới hiện đại;

+ hạn chế về thời gian và lịch sử của chủ nghĩa Marx: vai trò của nhân tố chủ quan ngày nay đã lớn hơn nhiều so với thời Marx;

+ những đặc điểm tôn giáo hóa và hệ tư tưởng hóa của chủ nghĩa Marx;

+ ở Liên Xô chưa từng có một thứ CNXH nào hết…;

+ những điểm khác biệt hoàn toàn giữa chính trị học và chủ nghĩa Marx;

+ phương án Albania của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tổng tài;

+ số phận lịch sử của chủ nghĩa Marx – Lenin tại các nước thế giới thứ ba;

+ chủ nghĩa Marx và sự hình thành xã hội thông tin.

 

SKIZOVSKY D.E., TS. Sử học, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học chính trị đại học RUDN. Tự do Thảo luận là quy phạm của công tác đào tạo và khoa học trong trường đại học.

Cuộc “Hội nghị bàn tròn” của chúng ta là nhằm thảo luận về vấn đề mà một đồng nhiệp của chúng ta, GS. Victor Dmitrievich Zotov đã đặt ra trong bài viết của mình “Chúng ta từ bỏ thứ chủ nghĩa Marx nào?”. Việc này, xét từ góc độ sinh hoạt của trường ta, theo tôi nghĩ, có nội dung hai mặt.

Thứ nhất, đó là nội dung hết sức thực tế. Ở đây muốn nói đến những biện pháp thực tiễn nhằm duy trì một bầu không khí và tạo điều kiện cho sáng tạo lý luận khoa học, thực hiện dưới hình thức tranh luận, thảo luận rộng rãi, công khai trong giới cán bộ giảng viên, các chuyên gia và chủ yếu là trong sinh viên. Mong sao những cuộc thảo luận về những vấn đề chính trị thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn như thế này trở thành nếp truyền thống. Tranh luận giữa đại diện các ngành khoa học là điều càng cần thiết chính là trong môi trường đại học, trong sinh viên, là giới khác với các nhóm và môi trường trí thức khác, mà theo tôi, vẫn còn chưa được tổ chức tốt để thu hút họ vào việc tranh luận một cách nghiêm túc, có chất lượng chuyên môn về những vấn đề hiện nay, tìm ra những con đường và phương pháp tìm kiếm tri thức mới. Điều này càng quan trọng hơn khi những hình mẫu của văn hóa đại chúng, các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đang áp đặt cho thanh niên một mô hình hoàn toàn khác trong việc nhận thức và tìm kiếm tri thức và thường là áp dụng những tri thức bề nổi.

Thứ hai, nội dung có ý nghĩa gợi mở. Thông qua việc thảo luận một vấn đề thời sự – thái độ của chủ nghĩa Marx trên lập trường ngày hôm nay và của thế hệ ngày nay – cố gắng làm rõ xem một lý luận mà mới gần đây thôi còn được tiếp thu một cách hào hứng, không phê phán, liệu có còn chấp nhận được nữa không dù chỉ là một mức độ nào đó (và cụ thể là đến mức nào?) đối với những yêu cầu của thời đại ngày nay. Hay là cái lý luận xã hội ấy, sau khi đã để lại những dấu vết sâu trong lịch sử tư tưởng chính trị – xã hội và những vết hằn sâu còn rõ nét hơn trong thế giới quan, trong chính đời sống, trong số phận của hàng triệu công dân, các nước và các dân tộc trải qua một cuộc thực nghiệm xã hội lớn lao, đã vĩnh viễn mất đi sức mạnh giải thích về xã hội ngày nay và triển vọng phát triển của nó? Thế nếu không phải như vậy thì sao? Vấn đề hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Ngoài khía cạnh lý luận, vấn đề này còn được cảm nhận về mặt tình cảm, tâm lý, ở cấp độ ý kiến đánh giá không chỉ về lý luận của Marx, mà còn về chính cá nhân K. Marx. Không chỉ là một nhà lý luận, mà còn là con người đã tự giác lựa chọn một lập trường sống của mình, có lòng dũng cảm công dân rất cao để có thể đối đầu với uy quyền và chọn chỗ đứng của mình – phải đứng về phía ai. Biết về điều này là điều rất quan trọng đối với thanh niên, sinh viên, trong thời đại mà tính phi nguyên tắc về chính trị đang trở thành một thứ mốt, các chuẩn đạo đức ngày càng suy bại, hết lòng phụng sự và vâng chịu. Với trí tuệ, năng lực, kiến thức, tài năng của một nhà tư tưởng, K. Marx thật dễ dàng lập lại số phận của những bậc chí sĩ vĩ đại như Platon, Aristotle, Foma Akvinsky, N. Machiavelli . và được ưu ái, nắm giữ quyền hành, có được một chỗ “ngồi mát ăn bát vàng” trong nghề nghiệp và trong khoa học. Thế nhưng ông lại chọn một con đường hoàn toàn khác. Khi không gắn mình với chính quyền của giai cấp tư sản, ông có được sự tự do bên trong, chỉ có lý luận của ông mới vạch ra được một cách đầy đủ tối đa cái bản chất của hệ thống kinh tế – xã hội tư sản thế kỷ XIX. Ở đây, lập trường là nhà lý luận xã hội của ông, vẫn là một mẫu mực. Tôi không muốn bức đặt trước cho cử tọa, chỉ đề nghị xem vấn đề này từ góc nhìn của tín niệm và quan niệm của mình. Nhưng vì chủ nghĩa Marx – Lenin đã từng thống ngự trong khối óc và hiện vẫn là một truyền thống bền vững, đã ăn sâu trong tâm thức, trong ý thức, nên đó là điều không tránh khỏi. Và việc tìm ra, dù chỉ là một chân lý tương đối, trong vấn đề mà GS Zotov V.D. đã đặt ra cũng có nghĩa là chúng ta từ bỏ được những ngộ nhận, quan niệm sai lầm.

 

ZOTOV V.D. Lenin đã phê phán để rồi lại thực hiện những tư tưởng của Tkachev trong thực tiễn như thế nào.

Trước khi đi vào thảo luận, tôi muốn giải thích rõ hơn nhan đề bài viết của mình. Vấn đề là vào năm 1897, Lenin V.I. đã viết một bài báo dài, nhan đề “Chúng ta từ bỏ thứ di sản nào?”. Trong bài này, nhân danh “những người học trò Nga” của Marx, ông đã tuyên bố đoạn tuyệt vô điều kiện với hệ tư tưởng chủ nghĩa dân túy, trong đó có chính cánh cách mạng của ông mà các nhà lý luận của nó (Tkachev P.N.) đã cho rằng không những có thể, mà còn cần phải giành chính quyền bằng một thiểu số cách mạng, thậm chí chỉ bằng một nhóm ít người – vào bất kỳ thời điểm này, mà không phụ thuộc vào những điều kiện và nhân tố khách quan nào hết.

Đúng 20 năm sau, vào năm 1917, Lenin đã thực hiện chính điều mà Tkachev đã nói. Cuộc cách mạng tháng Mười đã bắt đầu bằng việc một nhóm tương đối ít người giành được chính quyền. Đúng, cách mạng đã thắng. Nhưng nó đã thắng không phải theo Marx, mà là theo Tkachev và theo Lenin. Nhưng không phải là ông Lenin đã từng viết về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga như là một quá trình lịch sử lâu dài, mà là ông Lenin coi khinh mọi thứ “tính khách quan”, đã biết nắm bắt lấy cái “khoảnh khắc thành công” và đã tận dụng nó một cách thật tuyệt vời.

Ai cũng biết rằng Trosky đã không phải một lần phát biểu rằng nếu như không có Lenin thì hẳn đã không có Cách mạng tháng Mười. Khẳng định này có căn cứ xác đáng của nó. Lời phát biểu của Lenin khi đáp chuyến tàu từ Thụy Sĩ về (đi qua lãnh thổ nước Đức l1uc đó đang trong tình trạng chiến tranh với nước Nga) chiều ngày 3 tháng Tư năm 1917 ở Petrograd trước quần chúng ra đón ông, trong đó ông đã kêu gọi họ đi theo cách mạng XHCN. Bản “Luận cương tháng Tư” được ông công bố vào ngày hôm sau có sự luận chứng cho lời kêu gọi đó đã gây ấn tượng mạnh mẽ tới đảng viên các chính đảng cách mạng, binh lính, thủy thủ, công nhân. Có thể mạnh dạn khẳng định rằng không có ai khác trong số các lãnh tụ bônsêvích thời ấy có thể làm được việc Lenin đã làm – cả Trosky (ông ta cũng đã tự thừa nhận điều đó) lẫn Zinovev (là người luôn thiếu bản lĩnh độc lập và táo bạo về chính trị), cả Kamenev (người đã ngả theo phái mensêvích) lẫn Stalin (là người trước tháng Mười năm 1917 vẫn cò là một nhân vật chính trị ít được biết tới) và các thủ lĩnh bônsêvích khác. Bản thân sự kiện thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đòi hỏi phải xem xét lại một cách có phê phán những nguyên lý “chủ nghĩa duy vật lịch sử” của Marx và Engels vì nó chỉ ra rằng nhân tố cá nhân, sự kết hợp ngẫu nhiên của các hoàn cảnh ngẫu nhiên, đôi khi đóng vai trò còn lớn hơn tất cả các nhân tố và hoàn cảnh khách quan cộng lại.

Kinh tế đã lùi bước trước chính trị không chỉ trong cách mạng Tháng Mười năm 1917. Toàn bộ thời kỳ xây dựng CNXH đã diễn ra dưới định đề của Lenin “chính trị đi trước kinh tế”. Và định đề đó hoàn toàn không phải là “kiến thức sơ đẳng của chủ nghĩa Marx” như Lenin một mực khẳng định, mà đúng hơn là kiến thức của chủ nghĩa Tkachev, Blank và các học thuyết tương tự khác.

 

STEPANOV S.A., GS.TS Sử học, Đại học RUDN. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa bônsêvích.

Với tư cách một nhà sử học, nhan đề cuộc thảo luận của chúng ta khiến tôi nhớ ngay đến cuộc luận chiến giữa những người mácxít và phái dân túy. Đến cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa Marx đã đẩy lùi, một cách có cơ sở, học thuyết dân túy. Chẳng hạn, nhà dân túy Plekhanov G.V. đã chuyển hẳn sang lập trường chủ nghĩa Marx, còn người em của “kẻ đánh bom” nổi tiếng Uljanov A. đã nói: “Chúng ta sẽ đi con đường khác”, ý nói rằng ngôi sao dẫn trên con đường này sẽ là chủ nghĩa Marx. Vì sao chủ nghĩa Marx lại lôi cuốn được một bộ phận khá đông đảo giới trí thức Nga, thúc đẩy họ từ bỏ di sản trước đây và nhiệt thành hiến mình cho học thuyết mới như những tín đồ mới nhập đạo?

Trước hết là vì người ta coi chủ nghĩa Marx là chiếc chìa khóa vạn năng, dễ dàng mở toang cánh cửa của mọi tòa lâu đài bí mật, là thành quả mới nhất của khoa học. Cũng chớ nên nghĩ rằng dường như chủ nghĩa Marx ở Nga ngay từ đầu đã là hệ tư tưởng của những người cách mạng. Trái lại, đó là do phái dân túy đã mang sắc thái cực đoan, còn những tư tưởng của chủ nghĩa Marx đã được tuyên truyền một cách hợp pháp, được thảo luận công khai trên báo chí và các giảng đường đại học.  Để tôn vinh Marx và Engels, phải nói rằng hai ông đã cảnh báo chống lại việc sử dụng lý luận của mình như là một thứ “móc mở khóa vạn năng”.

Song thực ra có phải lý luận của Marx đã cho phép lý giải được tất tật mọi điều không? Thiết nghĩ là không, và nguyên nhân không hẳn ở bản thân chủ nghĩa Marx, mà chính là ở thực tế là tạm thời lúc đó vẫn chưa đề ra được, và có lẽ cũng sẽ không đề ra được một thứ lý luận – dù là vật lý, toán học hay triết học có thể miêu tả được mọi hiện tượng của đời sống. Lịch sử nhận thức của loài người về thế giới xung quanh chứng minh rằng một lý luận khoa học phổ quát nhất tựu chung là đúng chỉ khi nó được áp dụng cho một thời kỳ xác định và một trường hợp riêng.

Marx đã đề ra những luận điểm cơ bản của học thuyết của mình vào giữa thế kỷ XIX, và chỉ giới hạn trong phạm vi châu Âu. Ông đã vạch ra được cơ chế vận hành của CNTB đương thời với ông, nhờ thế mà tên tuổi của Marx mãi mãi được ghi vào biên niên sử của khoa học. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, ngay khi bản thân Marx vẫn còn sống, tính phổ quát của các mô hình kinh tế và chính trị của ông đã bị hoài nghi. Ngay vào thời kỳ Quốc tế I do ông sáng lập, nhiều dự đoán của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, chẳng hạn như dự báo về sự bần cùng tuyệt đối của giai cấp vô sản, rõ ràng đã trở thành chuyện lỗi thời. Marx cũng đã ý thức được những chỗ hổng trong học thuyết của mình, đặc biệt là ông đã định khắc phục tính định hướng châu Âu rõ nét của nó khi đưa ra khái niệm “phương thức sản xuất châu Á”. Ông cũng đã chỉnh lý cả các sơ đồ kinh tế chính trị học của mình, hơn thế, còn sửa một cách căn bản đến mức một nhân viên kiểm duyệt ở Peterburg khi cấp trên hỏi vì sao ông ta lại cho phép in bộ “Tư bản”, đã thanh minh rằng hai tập đầu đã được in từ trước, còn tập thứ ba ông ta cho phép vì trong đó tác giả đã hoàn toàn bác bỏ tất cả những gì đã viết trong hai tập đầu.

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những chỗ hổng và mâu thuẫn đó của chủ nghĩa Marx đối với những người ủng hộ nó ở Nga là những điểm không quan trọng và là thứ yếu. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, nhiều người trong số họ đã tin rằng rất khó đưa thực tế nước Nga vào các sơ đồ của chủ nghĩa Marx. Chẳng hạn như Strouver P.B., tác giả của bản tuyên ngôn đầu tiên của PSDRP (Đảng Công nhân Xã hội – Dân chủ Nga – năm 1898 – 1912), về sau, xét về quan điểm chính trị đã trở nên gần gũi với phái tự do cánh hữu, Bulgakov S.N., từ chỗ là một người mácxít, đã biến thành một nhà tư tưởng tôn giáo.

Phái bônsêvích do Lenin V.I. đứng đầu đã tuyên bố họ là những bảo vệ di sản của chủ nghĩa Marx. Họ tự hào xưng mình là “phái chính thống”, bác bỏ những ý đồ xét lại các định đề của chủ nghĩa Marx như là một thứ tà giáo. Điều trớ trêu là sau khi đã định thực hiện ở nước Nga một cuộc cách mạng “theo ý Marx”, họ đã buộc phải “phát triển một cách sáng tạo” chủ nghĩa Marx đến mức cắt xén và xuyên tạc học thuyết đó còn tệ hại hơn nhiều so với bất kỳ ai trong số những kẻ cơ hội mà họ rất căm ghét. “Phái chính thống” đã buộc phải trở thành phái cải lương, luận chứng cho luận cương xa rời học thuyết mácxít về khả năng cách mạng thành công ở một nước riêng lẻ, hơn nữa lại chính là tại nước Nga, nước mà theo chính Marx và người bạn chiến đấu của ông là Engels F. ít sẵn sàng cho các cuộc thực nghiệm của nghĩa cộng sản hơn cả. Những người bảo vệ di sản của Marx đã buộc phải gọi giai cấp vô sản là cái không thích hợp để đưa vào định nghĩa của chủ nghĩa Marx về giai cấp tiên tiến nhất. Nếu theo Marx và Engels, những tiền đề cho cách mạng XHCN phải chín muồi ngay trong lòng xã hội tư sản trong hàng trăm năm thì theo Lenin V.I., cách mạng tư sản có thể đẻ ra cách mạng XHCN thậm chí không cần đến chín, mà chỉ có bảy tháng – từ tháng Hai đến tháng Mười năm 1917. Lenin V.I., vốn là người quyết liệt chống chủ nghĩa dân túy, thế mà rốt cuộc lại mượn cái tư tưởng đã cũ mèm của cả phái dân túy lẫn phái thân Slavơ về bản sắc riêng của Nga, nước nằm ngoài các quy luật chung của thế giới. Vị tất phải nhắc lại rằng chính đảng do ông ta thành lập rất khác với các đảng Xã hội – Dân chủ ở Tây Âu, thế nhưng lại giống đến kỳ lạ với tổ chức “Sự trừng phạt của nhân dân” của Sergej Nechaev hay tổ chức “ý dân” mà cách tổ chức của nó được vị lãnh tụ của phái bônsêvích gọi là “tuyệt vời”. Vì thế, vẫn còn một câu hỏi lớn nữa: xét về huyết thống thì phải coi những người bônsêvích kế thừa ai?

Vậy chủ nghĩa Marx ở Nga đã bị đánh tráo thành cái gì? Chính xác hơn cả, phải gọi cách kiến giải đó về chủ nghĩa Marx là tôn giáo. Và thực ra trên mảnh đất Nga (rồi sau đó là ở các nước Đông Âu, ở Trung Quốc, Cuba) lý thuyết khoa học của Đức đã biến thành một học thuyết tôn giáo. Nó có bốn nét đặc trưng của tôn giáo: niềm tin vào tính chất tuyệt đối đúng và tạo nên những điều kỳ diệu (“học thuyết của Marx là vạn năng vì nó đúng”), có các nhà tiên tri của mình và đền thờ các vị thánh của mình (thậm chí cả những tòa lăng tẩm nguy nga của mình ở Moskva, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng mà cho đến nay người ta vẫn đi hành hương), có những tập kinh thư thiêng liêng của mình (các bộ “Toàn tập tác phẩm”, trước tác của Mao).

Điều cốt yếu là ở chỗ đó đã từng (ở một số nước vẫn còn cho đến nay) là một sự sùng bái chính thống, được duy trì không hẳn bằng đức tin chân thành, mà chủ yếu là do sức mạnh trấn áp của nhà nước. Dưới thời Stalin, việc nói ra những hoài nghi về tính chất tuyệt đối đúng đắn của học thuyết mácxít có thể bị trả giá bằng mạng sống của mình, rồi sau đó, dưới thời những người kế tục mềm dẻo hơn của ông ta thì nhẹ nhất cũng là mất việc làm và tiền đồ nào đó. Sự sùng bái đó bảo đảm một cuộc sống khá giả cho các vị tư tế trong đền thờ. Đội quân “cán bộ trên mặt trận tư tưởng” có lẽ còn đông hơn là quân đội thực sự. Đã có biết bao nhiêu sách báo, bao nhiêu luận án chỉ gồm toàn những câu trích dẫn! Hàng ngàn, hàng ngàn họa sĩ và nhà điêu khắc đã được nuôi dưỡng để vẽ tranh nặn tượng các nhà kinh điển chủ nghĩa Marx – Lenin!

Và chúng ta hãy trở lại vấn đề chúng ta đang từ bỏ thứ chủ nghĩa Marx nào. Tôi cho rằng việc tử bò cái lý luận khoa học mà Marx K. đã đề ra là điều vô lý vì đó là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng loài người, là cái không thể xóa bỏ hay cấm đoán, cũng như các định luật mà Newton đã khám phá ra. Chỉ cần xét rằng hợp phần chính trị của chủ nghĩa Marx đã không đựng được sự thử thách của thời gian, và các cơ chế kinh tế học mà học thuyết đó đã mô tả chỉ có giá trị đối với những điều kiện nhất định (nhân tiện xin nói rằng các cơ chế này hiện nay lại đang có ý nghĩa thời sự ở nước Nga, trong thời kỳ tích lũy ban đầu của CNTB, có rất nhiều điểm giống như những năm 40 của thế kỷ XIX, khi Engels F. nghiên cứu tình cảnh của công nhân công xưởng ở Anh). Còn với chủ nghĩa Marx với tính cách là một thứ tôn giáo chính thống thì thiết nghĩ nên từ bỏ cái di sản đó một cách nhẹ nhàng.

 

DELOKAROV K.KH. (GS.TS Triết học, Phó chủ nhiệm Bộ môn Triết học Viện hàn lâm Nội chính (RAGS) trực thuộc Tổng thống LB Nga). Thái độ đối với quá khứ là một tiêu chí văn hóa.

Những vấn đề được thảo luận trong bài viết của GS Zotov V.D. đều có ý nghĩa thời sự vì sau những sự kiện mà ai cũng đã biết năm 1991, xã hội về mặt quan niệm đã không vượt qua được thế giới quan thống trị, mà “vứt bỏ nó như là cái không còn dùng được nữa”. Đã không có được một sự phân tích phê phán có hệ thống như những tư tưởng lý luận đã từng rất phổ biến, dựa trên cơ sở đó có thể “tách hạt giống khỏi lớp cặn”, giữ lại những yếu tố có ích, vứt bỏ những luận điểm đã bị hệ tư tưởng hóa của lý luận mácxít. Bằng cách đó, cái xã hội mà trong đó người ta nói rất nhiều về phép biện chứng trên thực tế lại không sẵn sàng “chia tay” một cách biện chứng với quá khứ của mình. Thế nhưng thái độ đối với quá khứ lại là một tiêu chí của văn hóa. Xã hội luôn cần đến quá khứ của mình vì tương lai của mình. Quá khứ tự nó không thẻ tự vệ, nó cần đến sự bảo vệ của những con người đã hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết của quá khứ ấy để xã hội và tương lai của nó có thể vận hành bình thường. Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không được phê phán và khắc phục quá khứ, trong đó có quá khứ mácxít của văn hóa xã hội. Ở đây muốn nói đến nguy cơ có sự phủ định một cách phi biện chứng đối với quá khứ do những động cơ hệ tư tưởng và chính trị. Không thể không xét đến hay hạ thấp ý nghĩa của thực tế là đằng sau Marx là toàn bộ truyền thống trí tuệ của châu Âu kể từ người Hy Lạp cho tới triết học cổ điển Đức.

Điều đáng nói là nếu chỉ mới đây thôi, chính quyền, cũng như xã hội nói chung, vẫn thường thổi phồng quy mô và khả năng của Marx và chủ nghĩa Marx, thì hiện nay họ lại chưa đánh giá hết ảnh hưởng và tiềm năng gợi mở của một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế kỷ XIX, người đã có ảnh hưởng quyết địn đến lịch sử thế kỷ XX.

Tiếp nữa, bài học biết tôn trọng lịch sử của mình, quá khứ cách đây không lâu của mình, là cần thiết. Không có sự tôn trọng đó thì khó có thể hy vọng hình thành được xã hội công dân, khắc phục được những cực đoan trong xét đoán. Việc tự mổ xẻ một cách có hệ thống rất khác với sự suy ngẫm một cách duy lý về lịch sử của mình, dựa trên cơ sở sự suy ngẫm đó giáo dục nên những cá nhân tự do và có trách nhiệm. Không có thái độ tôn trọng lịch sử của mình thì khó mà trở thành “hoàn thiện” hiểu theo nghĩa của Kant I. và học được cách suy ngẫm phê phán – duy lý về các quá trình đang diễn ra.

Cuối cùng, việc đặt ra những vấn đề này là kịp thời, vì đã qua rồi cái thời mà mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều có thể lý giải bằng ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx và hành động của những người Cộng sản. Ngày nay, xã hội đã có thể căn cứ vào những kết quả của thập niên trước để đánh giá sự nghiệp của các nhà cải cách là những người đã “quẳng khỏi cầu tàu” không chỉ và không phải chủ yếu là chủ nghĩa Marx, mà chính là cả đất nước nói chung.

Zotov V.D. đã đúng khi đặt ra vấn đề, vì không thể đồng nhát chủ nghĩa Marx chân chính, với tính cách là một hiện thực văn hóa – xã hội và là một hiện thực lý luận với cái hình thức đã bị hệ tư tưởng hóa của chủ nghĩa Marx ở nước Nga sau năm 1917.

Vì vậy, cần phân biệt chủ nghĩa Marx của Marx với thứ chủ nghĩa Marx theo cách lý giải của những người bônsêvích. Ở đây, tôi cho rằng cần chú ý hơn đến việc phân tích lý luận về cái chung và cái đặc thù giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin, đó là chưa nói tới sự cần thiết phải phân biệt chủ nghĩa Marx theo cách giải thích của Lenin V.I. với việc vận dụng những tư tưởng mácxít trong thực tiễn xây dựng CNXH sau ngày Lenin V.I. mất.

Chủ nghĩa Marx là đứa con đẻ của thời đại mình. Nó đưa ra những lời giải cho những câu hỏi xác định mà thời đại ấy đặt ra. Nhưng chính vì nó đã phản ánh những vấn đề của thời đại mình, nên chủ nghĩa Marx là một bộ phận thiết yếu của văn hóa. Nó có ý nghĩa thời sự vì vẫn còn đó những vấn đề tha hóa, bất công xã hội và những vấn đề khác mà chủ nghĩa Marx đặc biệt có ý nghĩa thời sự vào đầu thế kỷ XXI, là thời kỳ toàn cầu hóa của nền kinh tế tự do mới, cái đang dẫn đến chỗ toàn cầu hóa các phương pháp hoạt động kinh tế thế giới, cái đang dẫn đến chỗ toàn cầu hóa các phương pháp hoạt động kinh tế thế giới đang dẫn đến những cuộc khủng hoảng về sinh thái, năng lượng, khoét sâu hơn hố ngăn cách giữa các nước công nghiệp phát triển và thế giới lạc hậu và… Đó là lý do tại sao trên nền những gì đang diễn ra với nền văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp hiện nay, mà giới hạn phát triển của nó đã được cuộc khủng hoảng sinh thái ấn định, khó có thể đồng tình với ý kiến cho rằng chủ nghĩa tư bản dưới hình thức hiện nay của nó không có các đối án văn minh, rằng chủ nghĩa cá nhân và các quan hệ thị trường là những cái có giá trị tự thân, và thế giới dựa trên cơ sở chuẩn thức thế giới quan như vậy cần phải sống theo những chế định của “tỷ phú vàng”. Tính thời sự của các vấn đề mà chủ nghĩa Marx đặt ra là ở chỗ vào thời đại của mình, Marx K. đã tập trung chú ý vào sự phân hóa xã hội của các nước riêng lẻ ở một trình độ phát triển nhất định, thì ngày nay đang diễn ra sự phân hóa các nước ra thành hai loại “giàu” và “nghèo” trên phạm vi toàn cầu. Ở đây, không phải ngẫu nhiên mà các đảng Xã hội Dân chủ lại có ảnh hưởng lớn đến thế ở các nước phương Tây, nơi người ta đã ý thức được những hậu quả có thể xảy ra của việc tuyệt đối hóa các giá trị của chủ nghĩa tự do mới.

 

USHKOV A.M. (TS. Triết học, GS RUDN). Những điểm giống nhau đáng cảnh giác.

Nguyện vọng và nhu cầu phải xác định thái độ của đối với nội dung lý luận của chủ nghĩa Marx và khí cạnh kim chỉ nam thực tiễn chính trị của chủ nghĩa Marx là điều rõ ràng và có ý nghĩa thời sự. Sự chia tay vội vàng với Marx đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau trong các tầng lớp khác nhau của xã hội Nga, gồm cả một phổ rộng các trải nghiệm và đánh giá duy lý từ tâm trạng luyến tiếc chân thành cho đến thái độ chối bỏ một cách tức tối. Trong quá trình đó, vẫn có một khía cạnh nhất định đáng suy ngẫm về chủ nghĩa Marx trên bình diện rộng, nhất là đối với các nhà lý luận Nga (người đã làm điều này một cách đầy đủ nhất là Panarin A.S.) thông qua việc tìm kiếm những trường hợp tương tự với những tư tưởng của nền dân chủ tự do.

Có những điểm giống nhau rõ ràng giữa việc tầng lớp trí thức Nga, về mặt lịch sử, đã tiếp thu chủ nghĩa Marx một cách không phê phán một trăm năm trước và những tư tưởng Dân chủ – Tự do hiện nay. Sự hấp tấp của những người “cầm chịch tư duy” có thể là thích hợp khi có hỏa hoạn, còn trong trường hợp của chúng ta thì lại có tách dụng kích động sự bùng phát về chính trị – xã hội khi họ muốn đưa ý thức tư tưởng – chính trị vào quần chúng thông qua một sự thay thế gấp chuẩn thức, vội vàng thay thế một Học thuyết Vĩ đại này bằng một Học thuyết Vĩ đại khác quả là điều cần xem xét một cách có phê phán.

Thêm nữa, trước nay vẫn chưa có được một sự giải thích thật thỏa đáng vấn đề: vì sao và như thế nào mà các học thuyết không phải do chúng ta đề ra và không phải ở nước Nga, rõ ràng là mang tính chất coi châu Âu (phương Tây) là trung tâm – là những cái ngay từ đầu đã không phải dành cho chúng ta, lại có thể bắt rễ sâu đến thế ở nước Nga và ở phương Đông. Một đằng (ở Nga), Học thuyết Vĩ đại có một phần tội lỗi của nó trong thảm họa của dân tộc, một đằng (ở Trung Quốc) nó lại là một phương tiện hiệu quả để tạo nên khối đại đoàn kết và đạt được thành quả thiết thực về xã hội – kinh tế. Có đủ căn cứ để cho rằng cả Học thuyết Vĩ đại kia cũng không phải là toàn thiện toàn mỹ.

Trong cả hai trường hợp đều thấy lộ rõ tham vọng thống trị trên phạm vi toàn thế giới của một bộ phận đối với toàn thể, điều chẳng khó khăn gì cũng nhận ra cả trong tư tưởng về cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới lẫn trong tư tưởng về “sự cáo chung lịch sử” (theo tinh thần của Fukuyama F.). Trong cả hai trường hợp đều thể hiện những đặc trưng của chủ nghĩa không tưởng xã hội – chính trị. Khuynh hướng bành trướng địa chính trị của chủ thuyết Atlantic với những phương pháp dùng sức mạnh thái quá của nó khiến người ta nghĩ tới bước tiến của những tư tưởng về CNXH trên toàn thế giới trong quá khứ vừa đây. Quan niệm về một thế giới đơn cực là sự phát triển tư tưởng đó.

Điều đáng quan ngại không chỉ là tham vọng của bộ máy tuyên truyền rêu rao một đằng thì nhân danh “toàn thể loài người tiến bộ”, một đằng thì nhân danh “toàn thể loài người văn minh”, mà đáng ngại còn vì những kỳ vọng hư danh muốn cuộc sống của các thế hệ tương lai được xác định trước bởi các lý thuyết “đúng đắn” đối lập với hiện thực “không đúng đắn”. Hiểu theo nghĩa này, “CNCS khoa học” và tương lai học tư sản đương đại là hai anh em sinh đôi.

Trong lĩnh vực triết học về lịch sử, cả hai Học thuyết Vĩ đại đều ưa dùng từ “văn minh” cùng làm cũng là ở số ít, xuất phát từ chỗ cho rằng tính đa nguyên của các nền văn minh và văn hóa được phổ biến không phải trong không gian như những bản chất có độ lớn bằng nhau, mà là theo thời gian, theo giai đoạn. Lộ trình thống nhất của cả loài người đã được ấn định bởi lý luận “năm hình thái” và những biến thể khác nhau của các lý thuyết tăng trưởng theo thời đoạn: từ xã hội nguyên thủy sang xã hội truyền thống, rồi tiếp đến là xã hội công nghiệp, rồi sau đó chuyển sang xã hội thông tin. Những mô hình chu kỳ có cấu trúc chặt chẽ hơn đều bị bỏ qua. “Không có con đường nào khác” – đó không chỉ đơn thuần là một câu khẩu hiệu của các nhà cải cách trẻ ở Nga, đó là một phương châm đã được ý thức, dựa vào tính không có đối án của lịch sử để từ đó rút ra cách tiếp cận chuẩn như là một hệ quả, cái làm cho toàn bộ thế giới phi – phương Tây mất hết khả năng lựa chọn lịch sử, buộc nó phải bắt chước con đường đi lên của phương Tây. Và không cần phải băn khoăn gì về chuyện phương Tây là kết quả của đan xen độc đáo của các yếu tố, điều kiện và nhân tố, rằng nó “đơn thương độc mã” trong thế giới này, không cùng nhịp bước với cả loài người.

Đáng chú ý là sự giống nhau trong cách nhìn nhận về số phận của quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa Marx thường nói tới “sự từng bước tiêu vong của nhà nước” theo hướng người lao động giả thuyết là sẽ dần dần đứng ra tự quản: trong chủ nghĩa dân chủ tự do, nhà nước được dành sẵn số phận là nạn nhân của xã hội công dân, của quan hệ thị trường (các quan niệm cực đoan dưới dạng trường phái tự do vô chính phủ, Freedman M., Backer G. và những người khác). Trên bình diện chính sách đối ngoại, nhà nước tất yếu sẽ mất chủ quyền với tính cách là chủ thể của luật pháp quốc tế. Hiểu theo nghĩa này, mô hình nhà nước với tư cách là “một công xưởng thống nhất” chỉ kém tinh vi hơn so với mô hình “thị trường” cũng thống nhất không kém.

Còn có một điểm chung nữa của cả hai Học thuyết Vĩ đại của chúng ta – đó là tư tưởng xưa như trái đất (nguyên văn – trong kinh Cựu ước) về tính bầu chọn – giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp được bầu chọn và loài người phương Tây (chính là cái nhân vật “tỷ phú vàng” kia), chính xác hơn là “con người kinh tế” đứa con đẻ của CNTB được bầu chọn, mà trước hết là người sản xuất và tiêu thụ. Tư tưởng về giai cấp trung gian ở đây không thay đổi gì cả bởi vì nó được áp dụng chỉ cho các chế độ dân chủ giàu có và sung túc, tình yêu theo kiểu chủ nghĩa tự do đối với “con người kinh tế” không thua kém gì tình yêu đối với giai cấp vô sản theo quan điểm của chủ nghãi Marx. Tính chất mơ hồ của khái niệm “chủ nghĩa quốc tế” và “chủ nghĩa thế giới (cosmopolitism) (các định nghĩa “vô sản” và “tư sản” thì còn nói lên vài điều gì đó) chẳng có gì xác định cả. Chỉ có một điều là người dân lao động không thể có quê cha đất tổ (họ đã có Liên Xô thay cho tổ quốc), nhưng họ đang giành lấy cả thế giới; người tiêu dùng, “con người kinh tế” suy nghĩ với tư cách là công dân của thế giới và đất nước thân yêu mẫu mực của nó là Hoa Kỳ, và sau đó là cả thế giới. Và cuối cùng, đây không còn là sự giống nhau nữa, mà chỉ là sự đồng nhất: các Học thuyết Vĩ đại đều không chấp nhận được đối với mọi biểu hiện của cả chủ nghĩa dân tộc lẫn chủ nghĩa yêu nước. Chính vì thế mà có các khẩu hiệu tuyên truyền: “bên nước các ông người ta giết người da đen” – “còn bên các ông thì giết người Chesnia”, “bên các ông là chế độ người bóc lột người” – “còn các ông thì vi phạm các quyền con người” và… Trong bất kỳ trường hợp nào cũng chỉ thấy có mỗi một việc là nói đến “thắng lợi hoàn toàn và triệt để” của chủ nghĩa tự do, về sự thay thế hoàn toàn chế độ tổng tài chính trị bằng chế độ tổng tài thị trường, về tính chất không tưởng của chế độ mở cửa kinh tế toàn diện mà nội dung là xây dựng nên một thứ quốc tế tự do độc đáo.

Và cuối cùng, tôi còn e ngại về một điểm giống nhau này nữa. Thái độ không thân thiện mà ia cũng biết, nếu không nói là thù địch, của Marx và những người mácxít đối với nước Nga và người Nga, giải thích nước Nga như là “tên sen đầm của châu Âu”, “nhà tù của các dân tộc” và…, rằng những người theo chủ nghĩa Lenin và Trosky sẵn sàng hy sinh nước Nga vì sự nghiệp cách mạng thế giới (“nước Nga là củi trong buồng đốt của cách mạng thế giới”). Cũng không kém nổi tiếng là các kế hoạch Atlantich nhằm chia cắt và thậm chí tiêu diệt nước Nga với tư cách là một cơ thể văn minh – văn hóa. Bzrezhinsky Z. theo nghĩa này thường chỉ gào lên những gì mà các nước Atlantich nghĩ. Nhưng đây không còn là lĩnh vực phân biệt tính thù địch và thù hận nữa.

Danh mục những điểm giống nhau đáng cảnh giác có thể liệt kê ra đầy đủ, việc sắp xếp nó lại hoàn toàn có thể giúp suy ngẫm sâu xa hơn về hành trang tư tưởng – chính trị của chúng ta. Nói một cách nghiêm túc, Marx không chịu trách nhiệm lịch sử về những cách lý giải cũng như vận dụng lý luận của mình vào thực tiễn (mặc dù trong những trường hợp tương tự có thể có những cách tiếp cận khác nhau). Chúng ta sẽ cùng chú ý đọc Marx và những người lý giải ông.

 

PAVLOV JU.M. (TS. Triết học, GS, Chủ nhiệm Bộ môn Quá trình chính trị thế giới, Khoa Triết học MGU mang tên Lomonosov M.V.). Chủ nghĩa Marx và lý luận về hệ thống thế giới ngày nay.

Chủ nghĩa Marx đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành hệ thống thế giới ngày nay. Hệ thống ấy gắn với chủ nghĩa Marx, nhưng khác với nó trên hàng loạt thông số. Những người xây dựng nên hệ thống này là Baran P., Wallerstein I. và Frank A.G.

Mặc dù những người ủng hộ lý thuyết này không nhất thiết phải là những người theo chủ nghĩa Marx và bất đồng với nó trên nhiều vấn đề, vẫn phải thừa nhận rằng ý thuyết này không xa quan niệm mácxít về hiện thực xã hội. Nó thừa nhận tính có trước của kinh tế và đấu tranh giai cấp với tính cách là những yếu tố quyết định hành vi con người. Tuy nhiên, chủ nghĩa Marx truyền thống tập trung chú ý vào cấu trúc và cuộc đấu tranh giai cấp bên trong, trong khi đó thì lý luận về hệ thống thế giới đương đại lại xuất phá từ sự hiện diện của tầng bậc trong các quan hệ quốc tế và cuộc đấu tranh giữa các quốc gia thuộc trung tâm và thuộc ngoại vi. Với tính cách là các hiện tượng có tính toàn cầu, lý luận này nghiên cứu các trung tâm của chủ nghĩa tư bản. Trong khi chủ nghĩa Marx truyền thống xem xét nền kinh tế quốc tế như là cái thực hiện sự phát triển (dù là không đồng đều), là quá trình tiến tới sự thống nhất toàn cầu thì lý luận về hệ thống thế giới đương đại xuất phát từ chỗ cho rằng hệ thống kinh tế thế giới hợp nhất đã hình thành là hệ thống thứ bậc của các quốc gia phát triển đang dẫn đầu, sử dụng sức mạnh kinh tế và tái sản xuất tình trạng phát triển yếu kém trong vùng ngoại vi phụ thuộc.

Như vậy là đã chỉ ra nguồn gốc tình trạng lạc hậu của các nước thế giới thứ ba. Theo lời Frank A.G., các mối quan hệ thương mại hội nhập giữa các khu vực tiên tiến và lạc hậu tất yếu dẫn đến chỗ “phát triển tình trạng kém phát triển”. Khu vực ngoại vi – nguồn gốc đưa lại phúc lợi cho khu vực hạt nhân. Ông ta viết: “Các mẫu quốc đang chiếm dụng giá trị thặng dư kinh tế của các nước chư hầu của mình và sử dụng nó phục vụ cho sự phát triển kinh tế của nước mình. Các nước chư hầu vẫn là các nước kém phát triển vì họ không có đủ giá trị thặng dư của mình và do chính quá trình phân cực trên và tính mâu thuẫn của sự bóc lột mà các mẫu quốc áp dụng và duy trì trong cấu trúc kinh tế bên trong các nước chư hầu”. Các nhân tố bên ngoài ở mức độ lớn hơn nhiều đang quyết định tình trạng kém phát triển về kinh tế.

Hệ thống thị trường chưa bao giờ có đủ sức thoát khỏi sự kiểm soát về mặt chính trị, thương mại và chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ hiện thực hóa được những khả năng của mình trong việc sản xuất ra của cải và cải tạo xã hội. Hệ thống nhà nước đa nguyên là tiền đề thứ nhất để tạo dựng nền kinh tế thế giới mà trong đó sự tương tác giữa thương mại và đầu tư thế giới là cái hợp thành cơ sở của cấu trúc. Những thành tố cơ bản của sự phân công lao động quốc tế gồm ba cấp quốc gia được tổ chức theo tầng bậc Wallerstein I. cho rằng không thể có “sự phát triển của quốc gia nằm ngoài các chức năng của hệ thống thế giới”.

Đồng thời, các quốc gia được chia ra thành hai loại “mềm” và “cứng”, loại các quốc gia “cứng” có thể chống lại các thế lực thị trường bên ngoài, trong khi đó thì các quốc gia “mềm” khó thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Như vậy, những luận điểm của chủ nghĩa Marx về phương thức sản xuất TBCN vẫn giữ nguyên hiệu lực của mình.

 

POCHTA JU.M. (GS.TS. Triết học, RUDN). Chủ nghĩa Marx và số phận của nước Nga.

Tôi hoàn toàn đồng tình với khẳng định của Zotov V.D., cho rằng “…không thể để cho thế hệ trẻ không hiểu biết gì về chủ nghĩa Marx”. Quả thực là trong nhiều sách giáo khoa triết học của Nga nửa cuối những năm 90 đã không có phần nói về chủ nghĩa Marx. Và chỉ trong những ấn phẩm gần đây mới xuất hiện phần lịch sử triết học về chủ nghĩa Marx. Đó thật là một thành quả to lớn, tuy nhiên đó mới chỉ có thể coi là phần phác thảo về triết học mácxít. Trong đó chưa có sự phân tích chủ nghĩa Marx ở Nga và Liên Xô cũng như chưa phân tích về chủ nghĩa Marx mới (neomarxism). Có lẽ các đồng nghiệp của chúng ta có khuynh hướng vứt bỏ chủ nghĩa Marx, thành thực nghĩ rằng nó đã biến mất cùng với Liên Xô. Cũng giống như vào thời xôviết, người ta có thể tin rằng tôn giáo đã hoàn toàn và triệt để bị thế giới quan khoa học loại trừ. Trong khoa học xôviết, phân tích phê phán chủ nghĩa Marx là điều không được phép, còn bây giờ, khi nó không còn được sự ủng hộ của nhà nước nữa, người ta lại định quên nó đi như thể là bóng ma hay như một trạng thái can thiệp nhất thời. Trừ một vài ý định, ở nước ta đã không có sự khắc phục chủ nghĩa Marx về mặt lý luận. Nhân đây ta bất giác nhớ đến câu nói của Chaadaev P. Ja., cho rằng những bài học của lịch sử không phải là dành cho chúng ta, bởi vì xã hội Nga luôn bị bệnh mất trí nhớ, chỉ biết sống trong hiện tại phù phiếm. Nhưng nếu chúng ta hoàn toàn vứt bỏ triết học trước đây thì chúng ta cũng vứt bỏ luôn quá khứ mới đây của chúng ta cùng khả năng dự đoán tương lai. Tình huống đó, đáng tiếc, đang xác nhận giả định từ lâu của nhiều nhà triết học là ở nước Nga, thước đo thời gian của đời sống xã hội nói chung, và đời sống tinh thần nói riêng, không phải là cái có tính chất quyết định. Những hình thức khác nhau của đời sống tinh thần không thay thế được cho nhau, mà cùng tồn tại trong một không gian xã hội chung, đôi khi là trong đầu của một con người.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Marx hiện vẫn là một bộ phận của lịch sử tư tưởng triết học thế giới. Nó được các khoa học xã hội và nhân văn khác nhau tiếp thu và xử lý. Vì vậy, khi vứt bỏ nó, chúng ta vô tình trượt về thời Trung Thế kỷ, vì thực tế là ta đang từ bỏ tri thức xã hội và nhân văn đương đại. Ngoài ra, chủ nghĩa Marx còn là một trong những ý định giải thích về mặt lý luận và khắc phục trên thực tiễn xã hội tư sản. Và trong khi vẫn tồn tại các quan hệ tư sản (trong xã hội công nghiệp hay hậu công nghiệp), chủ nghĩa Marx sẽ vẫn sống dưới hình thức này hay khác và vẫn đúng khi nó chỉ ra những khiếm khuyết của chế độ xã hội đó.

Ưu điểm lớn trong bài viết của Zotov V.D. là nó khiến chúng ta chú ý tới hàng loạt vấn đề còn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong lý luận và thực tiễn chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin. Bổ sung vào loạt vấn đề đó, tôi cũng muốn các bạn đồng nghiệp lưu ý tới một số vấn đề còn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong di sản khoa học mácxít:

+ tính chất á – tôn giáo của chủ nghĩa Marx xôviết, tính chất duy lý hạn chế của nó;

+ tính chất hạn chế của quan điểm coi châu Âu là trung tâm của lý luận hình thái mácxít, bất chấp những kỳ vọng muốn trở thành phổ quát của nó;

+ khuynh hướng chống Slavơ rõ ràng của các quan niệm lịch sử văn hóa và chính trị của Marx và Engels trong các tác phẩm chính luận của hai ông;

+ sự đánh giá quá bi quan của Marx về tiềm năng cách mạng của nước Nga, điều đã được Lenin dự báo vào đầu thế kỷ XX, bất chấp những lời cảnh báo của Kausky, Plekhanov, Martov.

Nếu không xét đến kinh nghiệm hết sức to lớn và đồng thời rất bi tảm của các cuộc cải biến mácxít của nước Nga, chúng tôi mạo hiểm lặp lại một số sai lầm về căn bản của những người bônsêvích. Các nhà cải cách cấp tiến hiện nay của chúng ta thường coi thường bối cảnh văn minh của những quá trình đang diễn ra ở nước Nga hiện nay, họ vốn theo quan điểm phản lịch sử, thực dụng, tất định về mặt kinh tế và quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm. Song không thể coi thường lịch sử cả nghìn năm của nước Nga quân chủ và 74 năm tồn tại của nước Nga dưới hình thức Liên bang Xôviết. Cũng không thể coi thường tính chất Á – Âu của nước Nga, tính chất đa sắc tộc, đa tôn giáo của nó, trong thành phần của nó có đại diện của nhiều nền văn minh khác nhau, mà trước hết là hai nền văn minh Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Không phải ngẫu nhiên mà nước Nga mới vẫn chưa giải quyết những xung đột cũ và tạo ra những xung đột mới với các xã hội Hồi giáo bên ngoài và bên trong nước Nga.

Những ý đồ cải biến một cách triệt để xã hội Nga dựa trên các thứ lý luận của phương Tây đang dẫn đến những kết quả rất xa với sự mong đợi. Sở dĩ như vậy là vì các cuộc thực nghiệm tương tự đều đã từng xảy ra trong bối cảnh văn minh phi phương Tây và đơn giản là không thể bê nguyên xi kinh nghiệm của phương Tây vào nước Nga. Ở đây chúng ta thấy có sự biểu hiện của xu thế lịch sử cổ xưa. Trong suốt mấy thế kỷ, trong xã hội Nga đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai khởi đề phương Đông và phương Tây. Có nhiều phương án khác nhau của các quan niệm về sự đối đầu giữa Nga và châu Âu, về sứ mệnh toàn thế giới của nước Nga trong việc cứu chuộc loài người, đồng thời những bộ phận hợp thành của các quan niệm đó có thể là những tư tưởng chống phương Tây và liên minh sách lược với thế giới Hồi giáo. Để làm thí dụ cho những quan điểm đó, có thể dẫn lời của Leontev K., người vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX đã từng viết về khả năng nước Nga có thể “lẩn tránh trong guồng lịch sử đã già nua và kiệt sức” và “trong sự lảng tránh đó sẽ có khá nhiều điểm chống lại châu Âu hay nói chính xác hơn là chống lại tự do, chống lại cái hiện đại”. Dường như đã nhìn thấy trước con đường mà sau này những người bônsêvích đi, ông viết: “Mối hiểm họa luôn rình rập nước Nga là ở phương Tây; việc nó phải tìm kiếm và chuẩn bị các đồng minh của mình ở phương Đông chẳng là điều tự nhiên sao? Và nếu đạo Hồi muốn trở thành một đồng minh như vậy thì càng hay”.

Cũng như tất cả các nhà cải cách cấp tiến được ăn học theo văn hóa phương Tây, các nhà mácxít Nga hiểu biết rất ít về đất nước mà họ định cải biến một cách triệt để. Nhưng trước hết là không hiểu đầy đủ về chính bản thân mình, thế giới quan của mình, những định hướng giá trị của mình. Họ đã không để tâm đến câu nói giễu cợt của Santykov-Sedrin M.E. về các “quý ông người Tashken” tự cho rằng mình là những người hoàn toàn bị ràng buộc bởi các quan hệ nghi thức đối với nền văn minh nói chung và đinh nằng rằng “khi đứng ở đường ranh giới cách xa phương Tây và phương Đông cũng xa không kém, nước Nga mang một thiên mệnh…”. Những kết luận muộn màng của các tác giả “Cột mốc” cũng không động chạm gì đến họ. Những luận điểm của các lý thuyết chính trị, xã hội học và triết học phương Tây được nắm một cách rất hời hợt đã được chuyển thành thứ thế giới quan phi triết học xét về nguyên tắc, và xét về thực chất, mang tính chất huyền thoại tôn giáo của các nhà mácxít Nga. Ở đây rõ ràng thể hiện cả yếu tố là vào thời kỳ giáp ranh hai thế kỷ XIX và XX, đời sống tôn giáo và triết học của nước Nga đầy rẫy những linh cảm khủng khiếp của ngày tận thế, chờ đợi sự cáo chung của lịch sử thế giới, cái được hiểu như là dấu chấm hết của nền văn minh phương Tây. Vì thế hà tất phải cường điệu khỏi để kiểu duy lý luận trong lối tự bạch mácxít ở Nga, đặc biệt là trong các quan niệm triết học lịch sử của nó. Đã từng xảy ra nhiều dao động của những người bônsêvích giữa tính khoa học và sự thêu dệt thành huyền thoại khi lý giải những vấn đề xã hội cụ thể.

Đặc biệt, mang tính chất tôn giáo sâu sắc là quan niệm của họ về cách mạng vô sản thế giới. Họ coi cuộc cách mạng đó là ngày phán xử cuối cùng đối với những kẻ áp bức và bóc lột, là dùng ngọn lửa cách mạng để tẩy trần loài người trước khi bước vào vương quốc thần thánh trên Trái Đất – chủ nghĩa cộng sản. Cách cảm nhận giờ phút tuyệt tận của thế giới cũ trong cái viễn cảnh diễn ra ngày tận thế như vậy đã phế bỏ nguyên tắc lịch sử và cách tiếp cận di truyền trong việc giải thích sự phát triển xã hội, cũng như phép phân tích sự chín muồi của các tiền đề kinh tế – xã hội, trình độ tính tổ chức và tính tự giác của giai cấp vô sản là những nguyên lý có ý nghĩa rất lớn trong chủ nghĩa Marx với tính cách là lý luận đang kỳ vọng mang tính khoa học. Tất cả những cái đó trở nên không cần thiết bởi vì để giành phần thắng trong cuộc chiến cuối cùng giữa các thế lực thiện và ác trên toàn thế giới, chỉ cần lôi cuốn được các đồng minh, bất kỳ là ai, thêm nữa, ý chí và nguyện vọng của họ đều chẳng có ý nghĩa gì. Họ chẳng qua chỉ là những cành khô trong đống lửa cách mạng thế giới. Lịch sử đã tuyên án rồi và vì thế ai thi hành không quan trọng. Vào thời điểm thảm họa toàn thế giới cần có những phong trào quần chúng, còn quần chúng đó là ai – thợ thuyền, binh lính hay thủy thủ Nga, nông dân Trung Quốc hay tín đồ Hồi giáo của các nước phương Đông – đều không quan trọng. Cũng không quan trọng những tín niệm của họ, các giá trị đạo đức, chính trị và tôn giáo của họ thế nào. Dù thế nào thì sau sự cắt đứt các mối quan hệ cũ do thảm họa cũng sẽ là viễn cảnh kỳ diệu của loài người. Có thể trút bỏ hết gánh nặng và di sản quá khứ dưới mọi hình thức của nó. Trong những điều kiện như vậy, giá trị của các đồng minh không phải là ở chỗ những tín niệm của họ gắn với chủ nghĩa Marx, mà là ở mức độ quyết tâm tham gia vào việc thủ tiêu thế giới cũ. Và nếu không vội vã đứng lên làm cách mạng sau khi cách mạng thắng lợi ở Nga thì giai cấp vô sản phương Tây cũng có thể hoàn thành sứ mệnh của mình tốt đẹp không kém (so với) Hồi giáo “cách mạng” ở phương Đông. Rốt cuộc là vào đầu những năm 20 đã phác ra được một tổ hợp phức tạp của phương án “phương Đông” của cuộc cách mạng thế giới: để cứu nước Nga xôviết và thúc đẩy cách mạng ở phương Tây cần phải đánh thức phương Đông Hồi giáo với sự giúp đỡ của tín đồ Hồi giáo Nga được những người bônsêvích tổ chức.

Đáng tiếc, ít ai trong giới khoa học Nga biết tới những khía cạnh đó của lịch sử chủ nghĩa Marx ở Nga. Có lẽ khoa học xã hội của nước Nga vẫn chưa đủ trưởng thành để tiến hành nghiên cứu lý luận một cách nhất quán để giải thích vai trò của chủ nghĩa Marx trong lịch sử xã hội Nga thời xôviết. Vị trí chủ đạo của chủ nghĩa Marx sau khi Liên Xô sụp đổ được thay thế bằng vai trò chủ đạo của chủ nghĩa chống Marx, huyền thoại này chiếm chỗ huyền thoại kia. Vẫn chưa qua hết thời kỳ ban đầu giới khoa học Nga bị tính tư sản lôi cuốn, vẫn tiếp tục có hiện tượng sùng mộ lối sống tư sản. Chỉ đến giai đoạn sau đó, khi đã tan biến những ảo tưởng về hạnh phúc phổ biến và sự công bằng của đời sống xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường mới có thể xuất hiện xu hướng chống tư sản trong thế giới quan của tầng lớp trí thức và khi đó, theo tôi nghĩ, ở Nga mới có thể có được một thái độ suy ngẫm một cách có phân tích về chủ nghĩa Marx.

 

CHUBAJS I.B. (TS Triết học, GS RUDN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về nước Nga của RUDN). Ở Liên Xô chưa từng có CNXH.

Những ý kiến về việc chúng ta đang từ bỏ thứ chủ nghĩa Marx nào chỉ có thể chính xác, sáng rõ khi thực hiện được một loạt điều kiện, đặc biệt là việc cần làm rõ xem ở nước ta đã từng tồn tại thứ chủ nghĩa Marx nào. Và không thể giải đáp được câu hỏi này, nếu không nghiên cứu một bối cảnh rộng hơn, mà vẫn chỉ đóng khung trong lý luận mácxít không thôi. Đầu tiên là phải xác định và phân tích thật kỹ hệ thống các tư tưởng là cơ sở nền tảng của Liên Xô, tức là hệ thống các giá trị khung cho sự vận hành của tất cả các mô hình và lý luận xã hội nhân văn xôviết.

Những nguyên lý chủ yếu làm cơ sở để xây dựng nên Liên Xô, và điều này trong văn kiện nào của đảng cầm quyền cũng đều được nói tới, đó là tư tưởng cộng sản và hệ tư tưởng cộng sản. Nói cách khác, cuộc cách mạng tháng Hai – tháng Mười năm 1917 đã dẫn đến không phải là sự hiện đại hóa và cải cách hệ thống giá trị đã có từ hàng nghìn năm của đất nước này, cái mà Dostojevskij F.M. đã khéo gọi là “tư tưởng Nga”, mà là dẫn đến chỗ hoàn toàn phủ nhận nó, vứt bỏ nó đi và nhét thay vào chỗ của nó tư tưởng cộng sản và hệ tư tưởng cộng sản hoàn toàn mới mẻ đối với nước Nga. Điều này có nghĩa là tương lai của nước Nga đúng hơn là phải gắn với hệ thống giá trị đã được hiện đại hóa và cải cách dưới dạng tư tưởng Nga được đổi mới, chứ không phải là gắn với tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa Marx.

Ta hãy cùng xem xét những nguyên lý then chốt của thời kỳ xôviết. Ta hãy bắt đầu từ tư tưởng cộng sản, ý nghĩa và nội dung của nó. Tất cả những ai thường đọc những ấn phẩm định kỳ, các văn kiện của Đảng Cộng sản Liên Xô thời đó đều biết rất rõ rằng chủ nghĩa cộng sản xác nhận trên mặt đất hòa bình, lao động, tự do, bình đẳng, bác ái và hạnh phúc của tất cả các dân tộc. Cần nói thêm rằng chủ nghĩa cộng sản – đó là công bằng xã hội, nhà nước sẽ dần đi đến chỗ tiêu vong, tình đoàn kết của nhân dân lao động và trước hết là của giai cấp vô sản, khi sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người, và ai không làm việc thì không được ăn, khi các nhà máy công xưởng là của công nhân, ruộng đất là của nông dân. Những luận điểm đã dẫn ra trên đây có lẽ cũng đã tạm đủ để rút ra kết luận: tư tưởng cộng sản – đó là một tập hợp những giá trị hết sức tích cực và hết sức hấp dẫn. Không có gì đáng ngạc nhiên là trên toàn thế giới, hàng ngàn người đã đứng dưới lá cờ đỏ, thường là vì chủ nghĩa cộng sản mà đã hy sinh tự do và đôi khi là cả đời mình nữa. Đúng là với một quan niệm như vậy về tư tưởng cộng sản thường nảy sinh câu hỏi là vì sao cái gọi là chủ nghĩa cộng sản thế giới, phe xã hội chủ nghĩa, Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa xôviết đã gục xuống mà không nghe một phát súng nào, còn các dân tộc mà người ta đã thuyết phục rằng “thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản là tất yếu” giờ đây lại đang hăng hái xây dựng chủ nghĩa tư bản.

Chỉ có thể giải đáp câu hỏi này sau khi đã làm rõ được hệ tư tưởng cộng sản là cái gì, muốn thế trước hết cần phải lập luận và chứng minh được một luận điểm quan trọng khác – ở Liên Xô chưa hề có một thứ chủ nghĩa xã hội nào hết.

Người ta chưa từng xây dựng được thứ chủ nghĩa xã hội nào cả, cảphát triển lẫn chưa phát triển trên đất nước Nga. Tại sao vậy? Theo Marx, hệ đặc trưng chủ yếu, bản chất của hình thái mới là ở chỗ đó là hình thái của sự công bằng xã hội, tức là khác với tất cả các xã hội trước đây, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản phủ nhận chế độ người bóc lột người, người lao động phải được hưởng tất cả những gì mà họ đã làm ra. Dưới chủ nghĩa cộng sản không còn giai cấp và đẳng cấp, những kẻ, như là các nhà tư bản hoặc phong kiến, chiếm đoạt thành phẩm lao động của người khác. Ấy thế nhưng những tính toán được tiến hành ở Liên Xô và các nước được gọi là xã hội chủ nghĩa khác đã cho thấy rằng tình trạng bóc lột ở đây không đơn giản là vẫn tồn tại, mà còn ở mức độ cao hơn nhiều so với ở các nước được gọi là tư bản chủ nghĩa. Dĩ nhiên là cũng tồn tại cả tầng lớp chiếm đoạt lao động của người khác nữa, – đó là tầng lớp cán bộ cốt cán. Vì vậy mà ở Liên Xô chưa từng có việc “hưởng theo lao động”. Ngay bản thân các công dân xôviết cũng hiểu rất rõ điều này.

Vậy hệ tư tưởng cộng sản là cái gì? Anh không bao giờ tìm thấy trong một cuốn sách nào của Liên Xô một câu trả lời thật thấu đáo cho câu hỏi đó, mặc dù thuật ngữ này là một trong những khái niệm thông dụng nhất thời xôviết. Đúng là ngay thời ấy cũng đã lưu truyền câu thành ngữ “Anh ngộ nhận ước mong là thực tại”. Hệ tư tưởng cộng sản – đó là sự xử lý toàn bộ các thông tin được phổ biến trong xã hội nhằm mục đích duy trì huyền thoại về công cuộc xây dựng chủ nghãi cộng sản. Muốn thế phải có những kẻ bưng bít thông tin từ bên ngoài và hệ thống kiểm duyệt “chỉnh lý” thông tin bên trong. Nói cho đúng thì phương thức duy nhất để hợp pháp hóa quyền lực của tầng lớp cốt cán là khẳng định rằng nó đang lãnh đạo việc xây dựng hình thái tiên tiến nhất. Song trên thực tế, lậun đề về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã biến thành một luận điệu bị bợm lớn nhất thế kỷ XX.

Từ đó, có thể rút ra kết luận xem những tư tưởng của Marx có thể được thể hiện ở Liên Xô hay không, nhưng điều phức tạp hơn là rút ra kết luận xem phải từ bỏ thứ chủ nghĩa Marx nào.

 

MEDVEDEV N.P. (TS Chính trị học, GS, CTVKH đầu ngành, Viện Nhà nước và Pháp luật VHLKH Nga, RAN). Chủ nghĩa Marx và chính trị học.

Ai cũng biết thực tế là trong học thuyết Marx – Lenin không có chỗ cho chính trị học. Một số chuyên gia có khuynh hướng cấp tiến khẳng định rằng trong chủ nghĩa Marx chẳng có điều gì quan trọng để một nhà chính trị học đương đại phải quan tâm cả.

Tất nhiên là xét về khía cạnh triết học thì chủ nghĩa Marx là một hệ thống tri thức đã định hình và sẽ vẫn mặc nhiên tồn tại. Nhưng các khía cạnh chính trị học của chủ nghĩa Marx, thì trước hết điều này liên quan đến mối tương quan giữa các thiết chế chính trị và xã hội, đặc biệt là đến nhà nước với tư cách là một thiết chế thì ở đây là không một nhà chuyên môn nào, khi đã hiểu biện chứng phát triển của nhà nước với tư cách là thiết chế chủ yếu của hệ thống chính trị, lại có thể đồng tình với chủ nghĩa Marx được.

Một là, vì sao những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin trong suốt cả thế kỷ XX vẫn không chịu công nhận một trong những học thuyết cổ xưa nhất – học thuyết về chính trị? Bởi chính trị đã ra đời từ 2,5 ngàn năm về trước, còn chủ nghĩa Marx thì mới tồn tại được có hơn 150 năm một chút.

Sau khi trả lời được câu hỏi này, có lẽ chúng ta sẽ tìm ra nguồn gốc của tất cả những mâu thuẫn không giải quyết được giữa chủ nghĩa Marx và khoa học chính trị đương đại. Vấn đề ở chỗ: đối tượng chủ yếu của chính trị học là các tính quy luật vận hành của quyền lực chính trị. Mà những quy luật vận hành của quyền lực, theo Marx, phá vỡ tất cả mọi nguyên tắc đã hình thành trong lịch sử về sự tổ chức quyền lực chính trị, những chức năng cơ sở của nó, chủ nghĩa Marx đã tiên định tính chất vô vọng và thậm chí sự tiêu vong của quyền lực chính trị.

Tất nhiên, chính trị học đương đại với tính cách là một khoa học có tính hệ thống về chính trị và lĩnh vực chính trị của xã hội, về nguyên tắc không và cũng không thể đồng tình với quan điểm đó của chủ nghĩa Marx, thì trước hết điều này liên quan đến mối tương quan giữa các thiết chế chính trị và xã hội, đặc biệt là đến nhà nước với tư cách là một thiết chế thì ở đây không một nhà chuyên môn nào, khi đã hiểu biện chứng phát triển của nhà nước với tư cách là thiết chế chủ yếu của hệ thống chính trị, lại có thể đồng tình với chủ nghĩa Marx được.

Một là, vì sao những người theo chủ nghĩa Marx – Lenin trong suốt cả thế kỷ XX vẫn không chịu công nhận một trong những học thuyết cổ xưa nhất – học thuyết về chính trị? Bởi chính trị đã ra đời từ 2,5 nghìn năm trước, còn chủ nghĩa Marx thì mới tồn tại được có hơn 150 năm một chút.

Sau khi trả lời được câu hỏi này, có lẽ chúng ta sẽ tìm ra nguồn gốc của tất cả những mâu thuẫn không giải quyết được giữa chủ nghĩa Marx và khoa họ chính trị đương đại. Vấn đề ở chỗ: đối tượng chủ yếu của chính trị học là các tính quy luật vận hành của quyền lực chính trị. Mà những quy luật vận hành của quyền lực, theo Marx, phá vỡ tất cả mọi nguyên tắc đã hình thành trong lịch sử về sự tổ chức quyền lực chính trị, những chức năng cơ sở của nó, chủ nghĩa Marx đã tiên định tính chất vô vọng và thậm chí sự tiêu vong của quyền lực chính trị.

Tất nhiên, chính trị học đương đại với tính cách là một khoa học có tính hệ thống về chính trị và lĩnh vực chính trị của xã hội, về nguyên tắc không và cũng không thể đồng tình với quan điểm đó của chủ nghĩa Marx, bởi lẽ không thể cho phép để xã hội công dân đảm nhiệm các chức năng của nhà nước hoặc ngược lại, để nhà nước thay thế cho tất cả các thiết chế của xã hội công dân. Ở đây, các nhà chính trị học cũng không thể đồng tình với công thức chính trị của chủ nghĩa Marx – Lenin “từ nhà nước toàn dân chuyển thành chế độ tự quản cộng sản chủ nghĩa” và tiến tới chỗ nhà nước tiêu vong.

Hai là, điều không kém tai hại xét trên bình diện lý luận và có lẽ cả trên bình diện thực tiễn đối với khoa học xã hội là lập luận của Marx về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng”. Khi xác định tính có trước của cơ sở hạ tầng và tính có sau của “kiến trúc thượng tầng”. Chủ nghĩa Marx dường như đã xem chính trị và quyền lực nhất nhất đều phụ thuộc vào cái “cơ sở hạ tầng” kia và không chấp nhận có chút quyền tự trị nào ngay cả ở việc vạch ra bản chất và những nguyên tắc cơ bản của chính trị và quyền lực ngoài sự phụ thuộc vào cái “cơ sở hạ tầng” đó. Trong khi đó thì thực ra chính trị thường được phát triển chủ yếu là theo những quy luật của mình và thường trở thành cơ sở hạ tầng của sự phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Vì vậy cũng không thể chấp nhận được cái lôgích này của chủ nghĩa Marx.

Ba là, những người mácxít, trên hình thức thì thừa nhận những quy luật của phép biện chứng, nhưng trên thực tiễn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và chính trị lại quán triệt nguyên tắc “chuyên chính”, tức là thủ tiêu các mặt đối lập. Trong khi đó, chính trị học và khoa học xã hội đương đại lại quán triệt những cách tiếp cận hoàn toàn khác. Cụ thể là quá trình chính trị được xem như là quá trình giải quyết những mâu thuẫn và xung đột bằng các phương tiện chính trị hòa bình khác nhau. Và các thiết chế của nhà nước được coi là dân chủ khi chúng vận hành trong môi trường xã hội có sự cạnh tranh, chứ không phải trong môi trường có sự “chuyên chính” của một tập đoàn xã hội hay sự độc tài của một thiết chế chính trị (đảng) nào đó.

Nét đặc trưng nổi bật của phép biện chứng mácxít khi xem xét các vấn đề về xã hội và nhà nước cả trong lý luận lẫn trong thực tiễn đều luôn luôn có mặt “tính thống nhất”, nhưng trong thực tế thì vẫn trong điều kiện “chuyên chính” không gian dành cho sự đấu tranh giữa các vế đối lập.

Kết luận có thể đã hoàn toàn xác định: bằng những lập luận có tính nguyên tắc, khoa học chính trị đương đại khước từ những quan điểm mácxít như vậy về nhà nước và xã hội.

 

KOSUKHIN N.D. (GS.TS Sử học, CTVKH đầu ngành Viện Châu Phi, VHLKH Nga (RAN)). Số phận lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin tại các nước “thế giới thứ ba”.

Tôi đồng ý với ý kiến của phần đông những người đã phát biểu, rằng bài viết của Zotov V.D. đã đặt ra một cách đúng đắn một loạt vấn đề về học thuyết mácxít. Lý luận đó là đúng đối với thời đại của nó, đã kích thích được phong trào công nhân, điều đó được phản ánh quan sự phát triển của các quan hệ TBCN trong lĩnh vực xã hội. Đáng chú ý ở đây là nhận xét của Gajdar E. người đã từng viết rằng “lý luận của Marx đối với phương Tây không phải là chất xianua kali, mà là chứng tụ huyết cảnh báo một căn bệnh thực sự chết người”.

Trong những năm gần đây, ở nước Nga, từ chỗ tung hô thái quá một cách chính thống các tác phẩm của Marx, người ta đã chuyển sang những đánh giá trái ngược lại hẳn, đó là do nguyên nhân tình hình chính trị – tư tưởng nói chung. Vì vậy, điều quan trọng là phải có sự đánh giá khách quan, có cân nhắc về chủ nghĩa Marx với tính cách là một trào lưu tư tưởng xã hội và là một phong trào chính trị cấp tiến.

Tư tưởng XHCN đã đóng vai trò to lớn trong việc giải phóng thế giới Á – Phi khỏi chủ nghĩa thực dân. Với tất cả tính chất bi thảm trong lịch sử của mình, chính Liên Xô là nước đầu tiên đã giúp đỡ các nước thuộc địa, điều đã cho phép họ giành được độc lập dân tộc. Một Liên Xô hùng mạnh về các mặt kinh tế và quân sự đã chứng minh cho sức sống và tính hiệu quả của tư tưởng XHCN.

Đối với giới thủ lĩnh các nước đã được giải phóng, CNXH thường được xem như là phương pháp thủ tiêu những hậu quả của chủ nghĩa thực dân và là con đường hồi sinh dân tộc. Phương án XHCN đối với nhiều nhà lãnh đạo các nước Á và Phi là con đường duy nhất để đưa nhân dân họ thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. Tính chất phổ biến của tư tưởng XHCN đã được xác nhận bởi những thành quả của Liên Xô, Trung Quốc, bằng sự ủng hộ của các nước này đối với phong trào giải phóng dân tộc và bằng hoạt động quốc tế theo phương hướng này.

Tính chất hấp dẫn của tư tưởng CNXH tại các nước châu Á và châu Phi đã dẫn đến sự xuất hiện của các nước được gọi là theo định hướng XHCN (Benin, Algeria, Ai Cập, Congo, Gana, Mali, Mozambia, Ethiopy, Madagasca, Tanzania, Nam Yemen và…).

Tại các nước này, CNXH đã trở thành biểu tượng của: 1) khối đoàn kết và thống nhất dân tộc; 2) hệ tư tưởng phát triển; 3) khả năng hợp pháp hóa chính quyền mới bằng các phương tiện hệ tư tưởng; 4) thể hiện các tư tưởng xây dựng Đảng và Nhà nước.

Những ý đồ muốn tiến tới lý tưởng XHCN tại các nước theo định hướng XHCN phần lớn đều thất bại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bản thân tư tưởng XHCN đã là không tưởng và khó có thể thực hiện được trong thế giới ngày nay. Số khác cho rằng ở các nước đang phát triển chưa có cơ sở kinh tế – xã hội tương ứng để thực hiện tư tưởng này. Nhà kinh tế học người Nigieria Klod Ake đã viết: “Trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất ở châu Phi thấp kém đến mức đang có nguy cơ biến CNXH thành một bức biếm họa, bất chấp ngay cả những dự định chân thành nhất. Chẳng hạn, trình độ chưa phát triển của lực lượng sản xuất góp phần tăng cường tính chất tổng tài của chế độ chính trị và có thể dẫn CNXH đến chỗ giải quyết những vấn đề quản lý và “phân phối lại” tình trạng nghèo đói”.

Một trong những nguyên nhân khiến những ý đồ xây dựng CNXH không thành là do thủ lĩnh các nước Á và Phi cứ cố sao chép kinh nghiệm xây dựng CNXH mà không xét đến tâm thức của các dân tộc, đến di sản văn hóa, đời sống tôn giáo – tinh thần.

Những nét đặc trưng hoạt động của các chế độ cách mạng dân chủ là chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí, các phương pháp cầm quyền theo kiểu tổng tài. Tại nhiều nước, người ta đã bỏ qua không xét đến những điều kiện của địa phương và những khả năng thực hiện quốc hữu hóa, chỉ tập trung vào việc xây dựng hai khu vực kinh tế quốc doanh và hợp tác xã. Các khẩu hiệu và nhiệm vụ đề ra không có nội dung cụ thể dành cho người lao động. Trong khi đó thì lại thấy hình thành nên một thứ tư sản về chính quyền – đảng sử dụng tiền của của nhà nước vào những mục đích làm giàu cá nhân. Tham nhũng, hối lộ tràn lan. Do tình hình ấy, tại các nước theo định hướng XHCN thể hiện rõ xu thế công cuộc cải biến về kinh tế – xã hội chậm dần lại rồi chuyển sang hướng khác, đi đến xa rời các khẩu hiện đã đề ra.

Như vậy, thực chất của vấn đề không nằm trong bản thân quan niệm định hướng XHCN, mà ở chỗ xuyên tạc nó và trong những điều kiện thực hiện nó.

Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này xét về nhiều mặt, có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là trong thời kỳ hậu thuộc địa, trong giới chính khách và giới khoa học đã thống trị quan niệm coi tiến bộ như là sự tăng trưởng chính trị thường xuyên và lấy đó làm cơ sở để đề ra những quan niệm phát triển tương ứng. Yếu tố thứ hai là bầu không khí chính trị trên hành tinh được quy định bởi sự đối đầu giữa hai hệ thống CNTB và CNXH; đó là yếu tố đã quy định nhiều mặt định hướng của các nước Á – Phi. Mô hình phát triển theo hướng XHCN đã tỏ ra rất hấp dẫn đối với giới chính khách thiên về các phương pháp điều hành theo kiểu tổng tài, đồng thời cũng tưởng rằng đi theo con đường đó thì có thể giải quyết được mọi vấn đề kinh tế và xã hội đang đặt ra cho các nước vừa thoát khỏi ách thực dân.

Rốt cuộc, giới thủ lĩnh chính trị của các nước Á – Phi đi đến chỗ tin rằng các mô hình phát triển vay mượn đã phá sản và không đảm bảo được sự tiến bộ về kinh tế – xã hội.

Mốt đi theo CNXH trong thế giới Á – Phi ngày nay đã hết thời rồi, nhưng điều đó không có nghĩa là ý tưởng của CNXH cùng với thời gian không lôi cuốn được ai nữa. Ở cấp độ ý thức đại chúng, CNXH bao giờ cũng được đồng nhất với công bằng và tiến bộ xã hội. Cái uy tín chưa từng có được xác nhận là thuộc về CNXH chứ không phải là thuộc về CNTB.

 

GRACHEV M.H. (PGS.PTS Triết học, RUDN). Chủ nghĩa Marx và sự hình thành xã hội thông tin.

Khái niệm xã hội thông tin đã không còn là một cách nói ẩn dụ kiểu “tư sản” trong luận điệu tuyên truyền đề cao CNTB hay để chỉ những xu thế phát triển vĩ mô của thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ truyền thông đã giúp cho việc sản xuất và quảng bá thông tin có giá trị xã hội trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và đã dẫn đến sự hình thành không gian thông tin toàn cầu, thu hút nhiều cộng đồng, thiết chế chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa.

Phải lưu ý rằng khác với vấn đề “sản xuất công luận”, chủ nghĩa Marx đương đại – ở nước Nga cũng như ở phương Tây – thực tế đã không chú trọng đến các phương tiện của “nền sản xuất” đó. Vì truyền thống đã định hình do chịu ảnh hưởng của lý luận mácxít kinh điển, đối với những vấn đề cụ thể, cái gây được chú ý đúng ra lại không phải là bản thân các phương tiện truyền thông, mà là các “sản phẩm thông tin”, được phổ biến nhờ các phương tiện đó. Lập trường này rõ ràng là rất đáng chú ý, song ở đây có hai điểm gây nên rất nhiều ý kiến tranh cãi.

Thứ nhất là trong việc tiêu dùng “sản phẩm thông tin”, nhiều điều được chấp nhận mà không cần chứng minh. Sự chú ý của những người mácxít thường tập trung vào việc phân tích bản thân các sản phẩm thông tin và đánh giá kết quả tác động của các thông tin đó. Đồng thời, người ta thường cho rằng trong hành vi của các cá nhân đòi hỏi các thông báo được chuẩn hóa và rập khuôn, phổ biến là thái độ bắt chước và ba phải, góp phần tái sản xuất trật tự xã hội – chính trị, thứ trật tự mà bằng cơ chế quyền lực, xét cho cùng, có thể lại nhằm chống lại chính các cá nhân đó. Thế nhưng khó có thể chấp nhận giả định như vậy nếu chúng không dựa trên một sự khảo sát kỹ lưỡng xem cá nhân tiếp nhận những sản phẩm thông tin này hay khác, “tiêu hóa” và đưa chúng vào đời sống hàng ngày của mình như thế nào và trong điều kiện nào.

 

Yếu tố gây tranh cãi thứ hai: một trong những hệ quả tất yếu của quan điểm này là sự hình thành những quan niệm tiêu cực cả về bản thân cơ chế truyền thông đại chúng lẫn về kết quả tác động của nó đối với xã hội. Truyền thông đại chúng, xét cho cùng, được xem như là một công cụ giúp chính quyền kiểm soát, quản lý và lừa bịp người ta, thông qua đó không ngừng tái sản xuất trật tự xã hội – chính trị bất công như ta biết. Tuy nhiên, cách nhìn nhận như vậy là quá thiển cận vì nó thực tế không giúp làm rõ toàn bộ sự tác động đầy mâu thuẫn và đa dạng của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với tiến trình phát triển xã hội trong thời kỳ từ thời Trung Thế kỷ và thời Cận đại đến thời đại chúng ta. Đặc biệt, ở đây, về thực chất, đã bỏ qua một thực tế hiển nhiên là việc thực hiện nguyên tắc tự do ngôn luận, trao đổi ý kiến thông qua báo chí độc lập ở mức độ nào đó đều là công cụ kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực và chống lại những biểu hiện lạm dụng, chuyên quyền có thể có từ phía nhà nước.

Một trong những phương hướng có triển vọng, xét trên bình diện phương pháp luận, để suy ngẫm về bước quá độ sang xã hội thông tin là tổng hợp ba cách tiếp cận có hiệu quả đã được khá nhiều người biết đến, sự kết hợp này thực tế vẫn chưa được giới nghiên cứu xem xét. Cách tiếp cận thứ nhất – đó là truyền thống phê phán bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx phương Tây, trong tác phẩm của các nhà lý luận trường phái Frankfurt. Chẳng hạn, trong công trình của Habermas U. “Cải biến cấu trúc môi trường công chúng đã khẳng định rằng chính sự phát triển của ấn phẩm báo chí định kỳ thời Cận đại và đặc biệt là sự nở rộ của báo chí chính trị hồi thế kỳ XVIII là những yếu tố giữ vai trò quyết định bước quá độ của Tây Âu từ chủ nghĩa chuyên chế cực quyền sang các chế độ tự do – dân chủ, góp phần hình thành nên một môi trường xã hội khác về nguyên tắc so với thời đại trước: người ta bắt đầu gặp nhau trong các phòng khách, quán cà phê và những nơi công cộng khác để bàn luận về các bài báo đề cập những vấn đề thời sự. Môi trường xã hội đó chính là cơ sở tiềm tàng tạo ra phe đối lập, cái mà với thái độ phê phán vốn có của nó đối với chính quyền hiện tại, đã trở thành nhân tố then chốt của sự hình thành nền dân chủ phương Tây kiểu đương đại. Tuy nhiên, sau đó, như Habermas xác nhận, môi trường đó đã bị hủy hoại đáng kể: những cuộc tụ họp trong các quán cà phê đã mất đi ý nghĩa trước đây của mình, trong khi đó, các nhà xuất bản thì lại biến thành các doanh nghiệp thương mại quy mô lớn, chủ yếu là quan tâm đến vấn đề dùng mọi mánh lới để chi phối thị hiếu của người tiêu dùng hơn là việc tổ chức những cuộc tranh luận duy lý trong xã hội. Có thể điều khẳng định sau của Habermas còn chưa có đủ dẫn chứng đầy đủ, song, thiết nghĩ, ý tưởng mà ông nêu lên để cải biến cấu trúc của môi trường công chúng là hết sức quan trọng xét trên phương diện đề ra một lý thuyết có tính xây dựng để quá độ lên xã hội thông tin.

Cách tiếp cận thứ hai, mà theo chúng tôi, cũng có ý nghĩa quan trọng không kém, xuất phát từ các công trình của giới nghiên cứu lý luận về truyền thông, trước hết là các công trình của Innis G., một trong những người đầu tiên, ngay từ đầu những năm 1950, đã nghiên cứu một cách có hệ thống mối quan hệ giữa các phương tiện truyền thông và việc tổ chức chính quyền trong không gian và thời gian. Quan niệm của ông về sự “chuyển vị” mang truyền thông (khẳng định trực tiếp rằng các phương tiện truyền thông khác nhau đòi hỏi phải có những phương thức tổ chức quyền lực chính trị khác nhau – chẳng hạn như chính quyền tập trung hay phi tập trung hóa, mở rộng theo thời gian hay không gian…), – rõ ràng là khá “ướt át” nếu dùng nó để giải thích toàn bộ tính chất phức tạp của các mối tương quan lịch sử giữa truyền thông và quyền lực. Không những thế, Innis còn nhấn mạnh một thực tế là ngoài mặt nội dung của các thông báo được truyền đi, các phương tiện truyền thông tự chúng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng cả trong việc tổ chức quyền lực. Quan niệ này cũng đã được các nhà nghiên cứu khác, đặc biệt là Meierovich J., người đã kết hợp việc phân tích các phương tiện điện tử của truyền thông đại chúng với việc miêu tả các cơ chế tương tác xã hội tiếp thu và phát triển. Song cách tiếp cận này vẫn chưa đủ hiệu quả khi đề cập những vấn đề về tổ chức xã hội của nền công nghiệp thông tin, về các phương thức tác động của các phương tiện  truyền thông đại chúng tới các quá trình phân phối không đều quyền lực và các nguồn tài nguyên thông tin trong xã hội cũng như khi đề cập cách thức mà các cá nhân rút ra một nội dung ý nghĩa nào đó từ “các sản phẩm thông tin” và đưa nội dung đó vào đời sống hàng ngày của mình.

Cách tiếp cận thứ ba, có khả năng bổ sung về mặt tổ chức cho hai cách tiếp cận trước, đó là chú giải học, là “nghệ thuật tường giải” – gắn liền với cách lý giải căn cứ vào văn cảnh các hình thức biểu trưng. Chú giải học hướng tới sự chú ý của chúng ta vào một thực tế là việc “nắm bắt” bất kỳ sản phẩm thông tin nào bao giờ cũng là một sự cảm nhận được quy định bởi văn cảnh, nhưng đồng thời còn là quá trình lý giải sáng tạo mà trong đó, cố gắng hiểu rõ ý nghĩa thông báo mà mình tiếp nhận được, luôn cố gắng sử dụng tất cả những tài nguyên thông tin mà mình có. Tương ứng, chú giải học kiên quyết không thừa nhận những ai tiếp nhận thông tin một cách thụ động, bắt chước và “ba phải” là “người nhận tin”, đồng thời nhấn mạnh hoạt động mang tính sáng tạo, xây dựng, hàng ngày của cá nhân nhằm cảm thụ nội dung của sản phẩm thông tin nhận được chỉ khi hoạt động đó được gắn với những khía cạnh khác trong đời sống của mình và môi trường xã hội xung quanh.

BẰNG NGUYÊN dịch


Nguồn: TĐB 2001 – 26, 27 & 28. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt