Chủ nghĩa Marx

Cuộc chinh phạt thứ nhất của sự phê phán tuyệt đối

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 117-131. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

1) CUỘC CHINH PHẠT THỨ NHẤT CỦA SỰ PHÊ PHÁN 

TUYỆT ĐỐI

 

a- "Tinh thần" và "quần chúng"

Từ trước tới nay, sự phê phán có tính phê phán, hoặc nhiều hoặc ít, đã nghiên cứu một cách phê phán các loại sự vật có tính quần chúng. Bây giờ, ta lại thấy nó nghiên cứu đối tượng có tính phê phán tuyệt đối, tức là nghiên cứu bản thân nó. Từ trước tới nay, sự phê phán có tính phê phán có được vinh dự tương đối của nó trong việc làm nhục, bác bỏ và biến đổi một cách phê phán một số sự vật và nhân vật nhất định nào đó. Bây giờ, nó có được vinh dự tuyệt đối của nó trong việc làm nhục, bác bỏ và biến đổi một cách phê phán toàn thể quần chúng. Trên con đường phê phán tương đối, đã được dựng lên những giới hạn tương đối. Trên con đường phê phán tuyệt đối thì được dựng lên những giới hạn tuyệt đối, giới hạn dưới hình thức quần chúng, quần chúng với tính cách là giới hạn. Đối lập với những giới hạn nhất định thì bản thân sự phê phán tương đối tất nhiên phải là một cá thể có hạn. Đối lập với giới hạn phổ biến, đối lập với giới hạn coi là giới hạn, thì sự phê phán tuyệt đối tất nhiên phải là cá thể tuyệt đối. Cũng y như đủ các loại sự vật và nhân vật quần chúng cùng hòa làm một trong cái món hổ lốn không thuần tuý là "quần chúng", sự phê phán trước đây còn có tính chất sự vật và tính chất nhân vật thì nay đã biến thành "sự phê phán thuần tuý". Từ trước đến nay, sự phê phán, hoặc ít hoặc nhiều, chỉ là đặc tính của những cá nhân phê phán riêng biệt như Rai-sơ-hát, Ét-ga, Phau-sơ, v.v.. Bây giờ thì sự phê phán lại là chủ thể, còn ông Bru-nô lại là hiện thân của nó.

Từ trước tới nay, tính quần chúng hoặc ít hoặc nhiều là đặc tính của những sự vật và nhân vật bị phê phán; bây giờ, các sự vật và nhân vật lại trở thành "quần chúng", còn "quần chúng" lại trở thành sự vật và nhân vật. Tất cả những quan hệ phê phán trước kia bây giờ đều hoà tan trong mối quan hệ của sự sáng suốt tuyệt đối của sự phê phán với sự ngu muội tuyệt đối của quần chúng. Mối quan hệ cơ bản này là ý đồ, xu hướng, đáp án của những hành động phê phán và của những trận chiến đấu phê phán trước kia.

Thích ứng với tính chất tuyệt đối của nó, sự phê phán "thuần tuý", ngay từ lúc bước lên đài lần đầu tiên, đã hô to "lời nói quyết định" đặc biệt của nó; nhưng mặc dù vậy, với tư cách là tinh thần tuyệt đối, nó sẽ phải trải qua một quá trình biện chứng nào đó. Chỉ ở cuối cuộc vận hành thiên thể của nó thì khái niệm ban đầu của nó mới thật sự thể hiện thành hiện thực (xem Hê-ghen, "Bách khoa toàn thư"30).

"Sự phê phán tuyệt đối tuyên bố rằng "mới trước đây mấy tháng, quần chúng đã tự cho rằng mình là mạnh mẽ vô cùng và nhất định sẽ có ngày thống trị thế giới, và từ bấy giờ, đã bấm đốt ngón tay đón chờ ngày ấy"(31).

Thử hỏi ai là kẻ đã bấm đốt ngón tay tính cái ngày thống trị thế giới, ai, nếu không phải chính bản thân Bru-nô Bau-ơ trong "Sự nghiệp chính nghĩa của tự do" (dĩ nhiên là trong sự nghiệp "của bản thân" ông ta), trong "Vấn đề Do Thái"(32) v.v., mặc dù ông ta cũng thừa nhận là không thể nói đích xác còn bao lâu nữa?

Ông ta đem một đống tội lỗi của bản thân mình ghi thêm vào sổ tội lỗi của quần chúng.

"Quần chúng hình dung rằng nó nắm được rất nhiều chân lý mà nó tưởng là dễ hiểu đối với nó". "Nhưng người ta chỉ hoàn toàn nắm được chân lý khi nào... người ta đã đi theo chân lý, thông qua cả mọi chuỗi những sự chứng minh chân lý".

Đối với Bau-ơ cũng như đối với Hê-ghen, chân lý là một cái máy tự động tự chứng minh bản thân nó. Con người chỉ còn có việc đi theo chân lý. Cũng như Hê-ghen quan niệm, kết quả của sự phát triển hiện thực chẳng phải là cái gì khác mà chính là chân lý đã được chứng minh, tức là đã được nhận thức. Vì vậy sự phê phán tuyệt đối có thể cùng  với nhà thần học thiển cận nêu câu hỏi:

"Nếu như nhiệm vụ của lịch sử không phải là nhằm chứng minh những chân lý đó, những chân lý đơn giản nhất trong tất cả các chân lý (chẳng hạn như trái đất xoay quanh mặt trời), thì còn cần lịch sử để làm gì?".

Những người theo mục đích luận trước kia cho rằng thực vật tồn tại là để cho động vật ăn, còn động vật tồn tại là để cho người ta ăn thì lịch sử cũng tồn tại là để phục vụ cho mục đích của một hành vi tiêu dùng là sự ăn một cách lý luận, tức là sự chứng minh. Con người tồn tại là để cho lịch sử tồn tại, còn lịch sử tồn tại là để cho sự chứng minh chân lý tồn tại. Dưới hình thức tầm thường hoá một cách phê phán này người ta lắp lại cái cao kiến tư biện cho rằng con người và lịch sử tồn tại là để cho chân lý đạt tới tự ý thức.

Như vậy là cũng như chân lý, lịch sử  trở thành một cá tính, đặc biệt, một chủ thể siêu hình, còn những cá thể con người hiện thực thì chỉ biến thành những kẻ thể hiện chủ thể siêu hình đó.  Vì vậy sự phê phán tuyệt đối dùng những câu nói sau đây:

"Lịch sử" không cho phép ai nhạo báng nó... lịch sử đã hết sức cố gắng để cho... người ta nghiên cứu lịch sử... cần có lịch sử để làm gì?... lịch sử chứng minh cho ta một cách rõ ràng... lịch sử vạch ra các chân lý", v.v..

Nếu sự phê phán tuyệt đối quyết đoán rằng từ trước đến nay, lịch sử chỉ gồm có hai ba chân lý hết sức giản đơn như thế, những chân lý rút cục dễ hiểu một cách hiển nhiên, thì cái nghèo nàn mà sự phê phán gán cho toàn bộ kinh nghiệm trước kia của loài người trước hết chỉ chứng tỏ cái nghèo nàn của chính bản thân sự phê phán tuyệt đối mà thôi. Trái lại, theo quan điểm không phê phán thì kết quả của lịch sử là: chân lý phức tạp nhất, tinh hoa của mọi chân lý - tức là con người - rút cục sẽ bắt đầu tự nhận thức được bản thân mình.

Sự phê phán tuyệt đối tiếp tục chứng minh:

"Còn những chân lý mà đối với quần chúng, có vẻ rất hiển nhiên đến nỗi ngay từ đầu tự nó đã dễ hiểu và quần chúng cho là không cần phải chứng minh, thì không đáng để cho lịch sử cứ phải cố tình chứng minh ý nghĩa quan trọng của các chân lý đó; các chân lý đó không hề nằm trong phạm vi nhiệm vụ mà lịch sử giải quyết".

Trong khi nổi trận lôi đình thần thánh với quần chúng, sự phê phán tuyệt đối lại nói với quần chúng những lời ngợi khen tế nhị. Thật ra, nếu chân lý có tính chất hiển nhiên là vì quần chúng cảm thấy nó như thế, nếu lịch sử dựa vào ý kiến của quần chúng để xác định thái độ của mình đối với các chân lý, thì trong trường hợp đó sự phán đoán của quần chúng là tuyệt đối, là không sai lầm: nó có hiệu lực luật pháp đối với lịch sử mà lịch sử thì chỉ chứng minh cái gì không hiển nhiên đối với quần chúng và do đó quần chúng thấy cần phải chứng minh. Như vậy là quần chúng quy định "nhiệm vụ" và "công việc" cho lịch sử.

Sự phê phán tuyệt đối nói tới "những chân lý ngay từ đầu tự nó đã dễ hiểu". Với tính ngây thơ có tính phê phán của nó, sự phê phán tuyệt đối phát minh ra một cái "ngay từ đầu" tuyệt đối và một "quần chúng" trừu tượng, không biến đổi. Cái "ngay từ đầu" đối với quần chúng thế kỷ XVI - sự phê phán tuyệt đối thấy hai cái "ngay từ đầu" này cũng chẳng khác nhau mấy, cũng như bản thân hai cái quần chúng ấy. Đặc điểm của cái chân lý tự nó đã dễ hiểu, đã được thực hiện và đã có tính chất hiển nhiên ấy chính là ở chỗ "ngay từ đầu tự nó đã dễ hiểu". Sự phê phán tuyệt đối công kích những chân lý ngay từ đầu tự nó đã dễ hiểu, tức là công kích những chân lý vốn là "tự nó đã dễ hiểu".

Đối với sự phê phán tuyệt đối cũng như đối với biện chứng của thượng đế, thì cái chân lý tự nó đã dễ hiểu đã mất hết tất cả cái tinh hoa, ý nghĩa và giá trị của nó. Nó đã trở thành nhạt nhẽo vô vị như nước ao tù. Vì vậy sự phê phán tuyệt đối một mặt chứng minh tất cả những cái gì tự nó đã dễ hiểu và ngoài ra còn chứng minh rất nhiều những cái có may mắn là khó hiểu và vì vậy không bao giờ trở thành tự nó đã dễ hiểu. Mặt khác nó lại tuyên bố là tất cả những cái gì cần phải suy ra và chứng minh thì đều tự nó đã dễ hiểu. Vì sao vậy? Vì một điều tự nó đã dễ hiểu là: những nhiệm vụ thực tế không phải là một cái gì tự nó đã dễ hiểu.

Vì "chân lý", cũng như lịch sử, là một chủ thể ê-te, tách rời quần chúng vật chất, cho nên nó không hướng về những con người kinh nghiệm, mà lại hướng về "cõi sâu kín của tâm hồn". Để trở thành "thật sự được nhận thức", chân lý không tác động đến cái thân thể thô lỗ của con người sống ở nơi nào đó dưới nhà hầm nước Anh hoặc trên gác thượng một nhà lầu ở Pháp, mà lại "lững thững đi qua" toàn bộ cái ruột duy tâm chủ nghĩa của người đó. Đành rằng sự phê phán tuyệt đối chứng minh cho "quần chúng" một điều là từ trước đến nay, quần chúng vẫn đụng chạm theo kiểu của mình, nghĩa là hời hợt, với những chân lý mà lịch sử thương tình "vạch ra" cho; nhưng đồng thời sự phê phán lại tiên đoán rằng

"thái độ của quần chúng đối với sự tiến bộ lịch sử sẽ thay đổi tận gốc".

Ý nghĩa bí mật của điều tiên đoán có tính phê phán này nhất định sẽ "rõ như ban ngày" đối với chúng ta.

Chúng ta biết rằng: "Sở dĩ tất cả những việc lớn của lịch sử từ trước đến nay đều ngay từ đầu đã là không thành công và không có hiệu quả thực tế, chính là vì quần chúng quan tâm đến các việc đó, vì các việc đó khêu gợi nhiệt tình của quần chúng. Nói cách khác, các việc đó đã tất nhiên phải có kết cục đáng tiếc, vì cái tư tưởng làm cơ sở cho các việc đó là một thứ quan niệm như thế này: nó phải bằng lòng với một sự hiểu biết hời hợt về bản thân nó, và do đó trông mong vào sự đồng tình của quần chúng".

Tựa hồ như sự hiểu biết nào thoả mãn tư tưởng, tức là phù hợp với tư tưởng, thì mới khỏi hời hợt. Ngài Bru-nô chỉ vì muốn làm ra vẻ ta đây mà nêu ra mối quan hệ giữa tư tưởng với sự hiểu biết về tư tưởng đó, cũng y như ông ta chỉ vì muốn làm ra ve ta đây mà nêu ra mối quan hệ của hoạt động lịch sử không  thành công đối với quần chúng. Vì vậy, nếu sự phê phán tuyệt đối thực sự lên án cái gì đó là "hời hợt" thì tức là nó lên án cả toàn bộ lịch sử này đều là những tư tưởng và hoạt động của "quần chúng". Sự phê phán tuyệt đối bác bỏ lịch sử quần chúng và định thay thế bằng lịch sử phê phán (xem bài báo của ông I-u-li-út Phau-sơ viết về những vấn đề bức thiết của đời sống nước Anh). Căn cứ theo lịch sử trước kia, lịch sử không phê phán, tức là lịch sử không viết theo đúng ý nghĩa mà sự phê phán tuyệt đối gán cho nó, phải phân biệt một cách chặt chẽ hai điều: quần chúng "quan tâm" tới mức nào đến những mục đích này hay mục đích khác và các mục đích đó "khêu gợi nhiệt tình" của quần chúng tới mức nào. Một khi "tư tưởng" tách rời "lợi ích" thì nhất định nó sẽ tự làm nhục nó. Mặt khác, không khó gì mà không hiểu rằng mọi "lợi ích" quần chúng được thừa nhận về mặt lịch sử khi xuất hiện lần đầu tiên trên vũ đài thế giới thì trong "tư tưởng" hay là trong "quan niệm", cũng đều vượt xa giới hạn thực tế của nó và rất dễ lẫn lộn với lợi ích của loài người nói chung. Ảo tưởng này tạo thành cái mà Phu-ri-ê gọi là màu sắc của mỗi thời đại lịch sử. Lợi ích của giai cấp tư sản trong cuộc Cách mạng 1789 chẳng hề có tí gì là "không thành công", nó đã "thắng" tất cả và thu được "thành quả thực tế", mặc dù về sau "nhiệt tình" đã tan đi như khói, và những đoá hoa "nhiệt tình" trang điểm cho cái nôi của nó đã khô héo đi. Lợi ích đó mạnh đến mức đã khắc phục được một cách thắng lợi ngòi bút của Ma-ra, đoạn đầu đài của phái khủng bố, lưỡi gươm của Na-pô-lê-ông, và cả giáo hội Thiên chúa cùng huyết thống thuần tuý của triều đại Buốc-bông nữa. Cách mạng chỉ "không thành công" đối với quần chúng mà "quan niệm" chính trị không phải là quan niệm về "lợi ích" thực tế của họ và do đó nguyên tắc thiết thân thực sự của họ không nhất trí với nguyên tắc chủ đạo của cách mạng, - nghĩa là đối với quần chúng mà điều kiện thực để giải phóng họ thì căn bản khác với những điều kiện trong đó giai cấp tư sản đã có thể giải phóng được bản thân mình và xã hội. Do đó, nếu cách mạng là cái có thể đại biểu cho tất cả các "hoạt động" lịch sử vĩ đại mà không thành công thì đó là vì quần chúng, mà cách mạng của họ, về thực chất, chỉ đóng khuôn trong những điều kiện sinh hoạt của họ, là một thứ quần chúng đặc biệt, không bao gồm toàn thể dân chúng, là một thứ quần chúng hạn chế. Nghĩa là nếu cách mạng không thành công thì không phải vì cách mạng đã "khêu gợi nhiệt tình" của quần chúng, không phải vì quần chúng "quan tâm" đến cách mạng, mà là vì đối với bộ phận quần chúng đông đảo nhất, bộ phận khác với giai cấp tư sản thì nguyên tắc của cách mạng không phải là lợi ích thực tế của họ, không phải là nguyên tắc cách mạng của chính bản thân họchỉ là một "quan niệm" và do đó chỉ là một đối tượng của một nhiệt tình tạm thời và của một cao trào bề ngoài mà thôi.

Hoạt động lịch sử càng lớn lao thì do đó, quần chúng, mà hoạt động lịch sử đó là sự nghiệp của mình, cũng sẽ lớn lên theo. Trong lịch sử phê phán, là thứ lịch sử cho rằng trong các hoạt động lịch sử, vấn đề không phải là quần chúng đang hành động, không phải là hoạt động kinh nghiệm và cũng không phải là lợi ích kinh nghiệm của hoạt động đó, mà trái lại là cái "quan niệm" nằm "ở trong các cái đó", - trong thứ lịch sử đó, dĩ nhiên là mọi sự đều xảy ra hoàn toàn khác hẳn.

Sự phê phán dạy ta rằng:

"Phải tìm kẻ thù thật của tinh thần ở trong quần chúng, chứ không phải ở trong cái gì khác, như những kẻ tự do chủ nghĩa bênh vực quần chúng trước kia thường nghĩ".

Kẻ thù của tiến bộ, ở ngoài quần chúng, chính là những sản phẩm có sự tồn tại độc lập, có một cuộc sống riêng, của sự tự ty, của sự tự bài xích và sự tự tha hoá của quần chúng. Vì vậy, quần chúng mà đứng lên chống lại những sản phẩm tồn tại độc lập của sự tự ty của quần chúng thì cũng tức là chống lại thiếu sót của bản thân mình, cũng y như con người khi phản đối sự tồn tại của thượng đế thì cũng tức là phản đối cái tâm lý tôn giáo của mình. Nhưng vì những kết quả thực tế đó của sự tự tha hoá của quần chúng tồn tại trong thế giới hiện thực bằng phương thức bề ngoài, nên quần chúng cũng buộc phải đấu tranh với những kết  quả đó bằng phương thức bề ngoài. Quần chúng tuyệt nhiên không thể coi các sản phẩm đó của sự tự tha hoá của mình chỉ là những ảo ảnh trong quan niệm, chỉ là những sự tha hoá đơn giản của tự ý thức, và không thể mong muốn tiêu diệt sự tha hoá vật chất bằng hoạt động duy linh thuần tuý bên trong. Ngay từ năm 1789 tờ báo của Lu-xta-lô(33) đã lấy câu sau đây làm châm ngôn:

"Chỉ vì ta quỳ gối,

Nên thấy các vĩ nhân là cao lớn.

Ta hãy đứng dậy đi!"

Nhưng muốn đứng dậy thì không thể chỉ đứng dậy trong tư tưởng, trong khi vẫn để cái đầu hiện thực và cảm tính chịu mãi cái ách hiện thực và cảm tính mà không quan niệm nào có thể cởi bỏ nổi. Thế nhưng sự phê phán tuyệt đối ít ra cũng đã học được trong "Hiện tượng học" của Hê-ghen, một nghệ thuật là biến những sợi xích hiện thực, khách quan, ở ngoài cái tôi, thành những sợi xích tuyệt nhiên chỉ tồn tại trong quan niệm, chỉ có tính chất chủ quan, chỉ tồn tại trong cái tôi và do đó biến tất cả những cuộc đấu tranh bên ngoài, cảm tính, thành những cuộc đấu tranh của những quan niệm thuần tuý.

Sự chuyển biến có tính phê phán này đặt cơ sở cho sự hài hoà đã định trước giữa sự phê phán có tính phê phán và sự kiểm duyệt. Theo quan điểm phê phán thì sự đấu tranh của người viết văn với người kiểm duyệt không phải là sự đấu tranh giữa "người với người". Trái lại, người kiểm duyệt chẳng qua chỉ là tính nhạy bén của bản thân tôi, tính nhạy bén mà bàn tay của cơ quan cảnh sát ân cần đã, vì tôi, nhân cách hoá, là tinh thần nhạy bén của tôi đấu tranh với sự thiếu nhạy bén và sự thiếu phê phán của tôi. Chỉ có vẻ bề ngoài, chỉ có dưới con mắt của cảm tính kém cỏi thì sự đấu tranh của người viết văn với người kiểm duyệt mới là một cái gì khác với sự đấu tranh bên trong của con người viết văn với chính bản thân mình. Nếu như tôi coi người kiểm duyệt là một vật tồn tại có cá tính thật sự khác tôi, là một tên đao phủ cảnh sát dùng một tiêu chuẩn bên ngoài, xa lạ với bản thân sự vật, để bôi xấu tác phẩm của tinh thần tôi, thì người kiểm duyệt đó chính là con đẻ của trí tưởng tượng của quần chúng, một ảo tưởng không phê phán. Nếu như "Đề cương cải cách triết học"(34) của Phoi-ơ-bắc bị kiểm duyệt cấm thì đấy không phải là lỗi tại sự dã man quan phương của cơ quan kiểm duyệt, mà là do "Đề cương" của Phoi-ơ-bắc không được văn minh. Sự phê phán "thuần tuý" không bị bất cứ quần chúng và vật chất nào làm bẩn cũng cho rằng người kiểm duyệt cũng là một hình tượng "ê-te" thuần tuý, tách rời mọi hiện thực quần chúng.

Sự phê phán tuyệt đối đã tuyên bố "quần chúng" là kẻ thù thật sự của tinh thần. Nó phát triển tư tưởng này của nó và nói:

"Bây giờ, tinh thần đã biết là phải tìm đối thủ duy nhất của mình ở đâu rồi: ở sự tự dối mình và sự nhu nhược của quần chúng".

Sự phê phán tuyệt đối xuất phát từ tín điều về quyền hạn tuyệt đối của "tinh thần". Sau nữa, nó xuất phát từ tín điều cho rằng tinh thần tồn tại ngoài thế giới, tức là tồn tại ngoài quần chúng loài người. Cuối cùng, nó biến một bên là "tinh thần", "tiến bộ" và một bên là "quần chúng" thành những bản chất cứng nhắc, tức là biến thành những khái niệm, rồi đặt đối lập hai bên với nhau, như những cực bất di bất dịch. Sự phê phán tuyệt đối chẳng hề nghĩ đến nghiên cứu bản thân "tinh thần", nghiên cứu xem có phải bản tính duy linh của bản thân tinh thần và những tham vọng xốc nổi của nó là nguồn gốc của sự "sáo rỗng", của "sự tự dối mình", của "sự nhu nhược" hay không. Ngược lại, tinh thần thì tuyệt đối, nhưng khốn thay nó lại đồng thời luôn luôn biến thành sự trống rỗng về tinh thần: những sự tính toán của nó bao giờ cũng được tiến hành mà không có chủ. Vì vậy nó nhất định phải có một đối thủ dùng mánh khoé đối phó với nó. Đối thủ này chính là quần chúng.

Đối với "sự tiến bộ" thì tình hình cũng y như vậy. Trái với những tham vọng của "tiến bộ", người ta luôn luôn thấy có những trường hợp thoái bộloanh quanh. Không biết rằng phạm trù "tiến bộ" là không có bất cứ nội dung nào và có tính chất trừu tượng, sự phê phán tuyệt đối suy nghĩ quá ư sâu sắc đến nỗi thừa nhận "sự tiến bộ" là tuyệt đối, để có thể đưa "đối thủ cá nhân" của tiến bộ, tức quần chúng, ra nhằm giải thích sự thoái bộ. Vì "quần chúng" chẳng qua chỉ là "mặt đối lập của tinh thần", của sự tiến bộ, của "sự phê phán", cho nên nó chỉ có thể được định nghĩa bằng mặt đối lập giả tưởng ấy của nó. Nếu tách không nói đến mặt đối lập đó thì sự phê phán chỉ có thể nói lên một cái gì hoàn toàn không xác định và do đó một cái gì vô nghĩa về ý nghĩa và sự tồn tại của quần chúng:

"Quần chúng theo nghĩa ấy là "từ" ấy cũng bao hàm cả cái gọi là giới học thức".

Đối với cách định nghĩa có tính phê phán thì một chữ "cũng" hay chữ "cái gọi là" cũng đủ rồi. Thế là "quần chúng" đã được phân biệt với các quần chúng thực tế và, chỉ vì "sự phê phán", nên mới tồn tại với tính cách là "quần chúng".

Tất cả các tác giả cộng sản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa trước đây đều xuất phát từ một điều quan sát là: một mặt, ngay cả những hành động xuất sắc được xếp đặt một cách thuận lợi nhất cũng rõ ràng là không thu được kết quả xuất sắc và thoái hoá thành những việc tầm thường; mặt khác, mọi sự tiến bộ tinh thần, từ  trước đến nay bao giờ cũng là tiến bộ có hại cho quần chúng loài người, khiến quần chúng này sa vào tình trạng ngày càng không có tính người. Vì vậy họ đã gọi "tiến bộ" (xem Phu-ri-ê)câu nói trừu tượng không làm người ta vừa lòng; họ đã đoán ra được (xem Ô-oen, và một số người khác) là thế giới văn minh có một thiếu sót căn bản; vì vậy họ phê phán không thương xót những cơ sở hiện thực của xã hội hiện đại. Trong thực tiễn, tương ứng với sự phê phán cộng sản chủ nghĩa này, ngay từ đầu, đã có một phong trào của quần chúng đông đảo, tức là của những kẻ từ trước đến nay vẫn bị sự phát triển của lịch sử làm thiệt thòi. Muốn hình dung được sự cao thượng có tính người của phong trào này, phải biết được sự ham thích khoa học, sự khát khao hiểu biết, nghị lực đạo đức và sự cố gắng bền bỉ nhằm tự phát triển của công nhân Pháp và Anh.

"Sự phê phán tuyệt đối", đứng trước tất cả các sự thực đó của lĩnh vực sinh hoạt tinh thần và sinh hoạt thực tiễn, mà thấy có mỗi một mặt của vấn đề, tức sự tan rã không ngừng của tinh thần, đồng thời buồn bực về tình trạng đó, mà còn đi tìm đối thủ của "t i n h  t h ầ n" và sự phát hiện vĩ đại có tính phê phán ấy chung qua chỉ là một sự lắp lại những từ đồng nghĩa mà thôi. Theo ý kiến của sự phê phán thì tinh thần, từ trước đến nay, bao giờ cũng vấp phải một vật cản trở, một chướng ngại, - nói cách khác, bao giờ nó cũng có một đối thủ. Vì sao vậy? Vì nó có đối thủ. Thế ai là đối thủ của tinh thần? Sự trống rỗng về tinh thần. Sự phê phán vẫn định nghĩa quần chúng chỉ là "mặt đối lập" của tinh thần, là sự trống rỗng về tinh thần, mà nếu lấy những định nghĩa chi tiết hơn nữa về sự trống rỗng của tinh thần thì đó là "sự lười biếng về tư tưởng", "sự hời hợt", "sự tự mãn". So với các tác giả cộng sản thì thật là ưu việt hơn biết bao: tránh khỏi phải nghiên cứu nguồn gốc và sự trống rỗng về tinh thần, của sự lười biếng về tư tưởng, của sự hời hợt và sự tự mãn, và sau khi tìm thấy mặt đối lập của tinh thần, của tiến bộ ở trong các phẩm chất ấy rồi thì xoay ra làm nhục các phẩm chất ấy về đạo đức! Khi các phẩm chất ấy là những thuộc tính của quần chúng, coi như một chủ thể nào đó, một chủ thể còn có chỗ khác với các phẩm chất ấy, thì sự phân biệt như thế chẳng qua chỉ là bề ngoài "có tính phê phán" của sự phân biệt mà thôi. Chỉ có một điều này mới là một cái bề ngoài, tức là ngoài những thuộc tính trừu tượng như sự trống rỗng về tinh thần, sự lười biếng về tư tưởng, v.v., ra, sự phê phán tuyệt đối còn sử dụng một chủ thể cụ thể nhất định nào đó, vì theo quan niệm phê phán thì "quần chúng" chẳng qua chỉ là các thuộc tính trừu tượng ấy: "quần chúng" chỉ là một tên gọi khác của các thuộc tính ấy, chỉ là sự phân cách hoá hư ảo của các thuộc tính ấy.

Nhưng quan hệ giữa "tinh thần và quần chúng" còn có một hàm nghĩa khác ẩn kín nó sẽ bộc lộ hoàn toàn trong tiến trình lập luận sau này. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc qua thôi. Quan hệ của "tinh thần" và "quần chúng", mà ngài Bru-nô phát hiện, thật ra chẳng qua chỉ là sự hoàn thành có tính phê phán và biếm hoạ của quan điểm Hê-ghen và lịch sử, mà quan điểm này lại chẳng qua chỉ là biểu hiện tư biện của giáo điều Cơ Đốc giáo Đức về sự đối lập của tinh thầnvật chất, thượng đế thế giới. Trong phạm vi lịch sử, trong phạm vi bản thân nhân loại, sự đối lập ấy biểu hiện ra như sau: một số ít cá nhân được lựa chọn, coi như tinh thần tích cực, đối lập với phần còn lại của nhân loại coi như quần chúng không có tinh thần, như vật chất.

Quan điểm của Hê-ghen và lịch sử đòi hỏi một tiền đề là phải có một tinh thần trừu tượng, hay tuyệt đối, phát triển theo kiểu này: loại người chỉ là quần chúng, tức là người mang tinh thần đó một cách tự giác hoặc không tự giác. Vì vậy, bên trong lịch sử có tính chất kinh nghiệm, rõ ràng, Hê-ghen đã bày đặt nên một lịch sử có tính tư biện, huyền ảo. Lịch sử của nhân loại biến thành lịch sử của tinh thần trừu tượng, và do đó đối với con người hiện thực thì nó biến thành lịch sử của tinh thần ở thế giới bên kia của loài người.

Song song với học thuyết đó của Hê-ghen, ở Pháp đã phát triển học thuyết của phái không luận(35), là phái đề xướng sự độc lập tự chủ của lý trí đôi lập với sự độc lập tự chủ của nhân dân để dễ bề gạt quần chúng đi mà thống trị một mình. Đấy thật là hết sức triệt để. Nếu hoạt động của nhân loại hiện thực không phải cái gì khác hơn là hoạt động của đám đông những con người riêng lẻ, thì trái lại, tính phổ biến trừu tượng - tức là lý trí, tinh thần - lại phải được biểu hiện một cách trừu tượng ở một số ít cá nhân. Bấy giờ mỗi cá nhân riêng lẻ có nhận xằng là đại biểu như thế của "tinh thần" hay không là tuỳ ở địa vị và sức tưởng tượng của người đó.

Ngay ở Hê-ghen, tinh thần tuyệt đối của lịch sử cũng đã có tài liệu cần thiết cho nó trong quần chúng, còn biểu hiện tương ứng thì nó chỉ tìm thấy trong triết học. Nhưng nhà triết học chỉ là một công cụ mà tinh thần tuyệt đối sáng tạo ra lịch sử sau khi đã vận động xong, dùng để nhìn lại quá khứ để có ý thức về bản thân mình. Sự tham gia của nhà triết học vào lịch sử chỉ bó hẹp ở ý thức nhìn lại quá khứ ấy thôi, vì sự vận động hiện thực là do tinh thần tuyệt đối thực hiện một cách vô ý thức. Như thế là nhà triết học chỉ xuất hiện post festum1*.

Sai lầm của Hê-ghen là ở chỗ ông đã phạm hai sự không triệt để: một là ông tuyên bố triết học là sự tồn tại hiện có của tinh thần tuyệt dối, nhưng đồng thời lại không chịu coi cá nhân nhà triết học hiện thực là tinh thần tuyệt đối; hai là về bề ngoài, ông đem tinh thần tuyệt đối, với tư cách là tinh thần tuyệt đối, biến thành kẻ sáng tạo lịch sử. Vì tinh thần tuyệt đối chỉ post festum mới thông qua nhà triết học mà có ý thức rằng bản thân mình là tinh thần thế giới đầy sức sáng tạo, cho nên việc nó tạo ra lịch sử chỉ tồn tại ở trong ý thức, trong kiến giải, trong quan niệm của nhà triết học, trong tưởng tượng tư biện mà thôi. Ngài Bru-nô xóa bỏ tính không triệt để đó của Hê-ghen.

Trước hết, ông ta tuyên bố sự phê phán là tinh thần tuyệt đối, và bản thân ông ta là sự phê phán. Nhân tố phê phán bị gạt bỏ khỏi quần chúng, cũng như nhân tố quần chúng bị gạt ra khỏi sự phê phán. Vì vậy, sự phê phán cho rằng mình được thể hiện không phải ở quần chúng nào cả mà hoàn toàn chỉ ở một dúm rất ít người được lựa chọn, ở ngài Bau-ơ và các đồ đệ của ngài.

Tiếp đó, ngài Bru-nô cũng xoá bỏ nốt sự không triệt để khác của Hê-ghen: nếu như tinh thần của Hê-ghen chỉ sáng tạo ra lịch sử một cách post festum, trong ảo tưởng, thì ngài Bau-ơ, ngược lại với tất cả cái đám người còn lại trong nhân loại, lại đóng vai tinh thần thế giới một cách có ý thức; ngay bây giờ ông ta đã đối đãi với đám quần chúng ấy một cách kịch tính rồi, và đang phát minh ra lịch sử và thực hiện lịch sử với một ý định rõ ràng và sau khi đã suy nghĩ chín chắn.

Một đằng là quần chúng, coi là nhân tố tiêu cực, không có tinh thần, phi lịch sử, nhân tố vật chất của lịch sử; một đằng là tinh thần, là sự phê phán mà ngài Bru-nô và đồng bọn, coi là nhân tố tích cực đó nẩy sinh ra toàn bộ hành động lịch sử. Sự nghiệp cải tạo xã hội được quy thành hoạt động của bộ óc của sự phê phán có tính phê phán.

Không phải chỉ có thế ! Quan hệ của sự phê phán, tức là của sự phê phán đã được thể hiện ra, của ngài Bru-nô và đồng bọn với quần chúng thực ra là quan hệ lịch sử duy nhất của thời đại hiện nay. Toàn bộ lịch sử hiện nay quy lại chỉ là sự vận động của hai mặt đó trong mối quan hệ với nhau. Tất cả các mặt đối lập đều hoà tan trong mặt đối lập có tính phê phán ấy.

Vì sự phê phán có tính phê phán chỉ có được tính vật thể cho mình trong sự đối lập với quần chúng, với sự ngu xuẩn, cho nên nó phải thường xuyên tạo ra cho mình mặt đối lập đó, và các ngài Phau-sơ, Ét-ga và Sê-li-ga cũng đã trình bày cho chúng ta khá đủ những bằng chứng về tài năng tuyệt vời riêng của nó trong cái nghề sở trường của nó là làm ngu xuẩn hàng loạt người cũng như vật.

Bây giờ, ta hãy theo dõi sự phê phán tuyệt đối trong những cuộc chinh phạt của nó chống lại quần chúng.



30 G. W.F.Hegel, "Encyclopädie der philosophischen Wissenschaften im Grundrisse" (G.V.Ph.Hê-ghen."Bách khoa toàn thư các khoa học triết học. Lược khảo"). Xuất bản lần thứ nhất vào năm 1817, Mác đã tham khảo bản in lần thứ ba năm 1830.

(31) Những lời trích dẫn ở đây và dưới đây đều nằm trong bài báo của B.Bau-ơ. "Luận văn mới nhất về vấn đề Do Thái" đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 1 (tháng Chạp 1843); bài báo này do Bau-ơ viết để trả lời bài phê bình trên báo đối với cuốn "Vấn đề Do Thái" của ông ta.

(32) Cuốn sách: B.Bauer, "Die Judenfrage" (B.Bau-ơ, "Vấn đề Do Thái") là bản in có bổ sung thêm mấy bài luận văn mà B. Bau-ơ đã đăng trên tạp chí "Deutsche Jahrbücher" ("Niên giám Pháp-Đức") tháng Mười một 1842 dưới cùng một đầu đề. Sách này xuất bản năm 1842 ở Brao-svai-gơ.

(33) Đây chỉ tuần báo "Révolution de Paris" ("Cách mạng Pa-ri") phát hành ở Pa-ri từ tháng Bảy 1789 đến tháng Hai 1794. Trước tháng Chín 1790, nhà chính luận và nhà cách mạng dân chủ Ê-li-dơ Lu-xta-lô là chủ bút tờ báo này.

(34) "Đề cương cải cách triết học" của L. Phoi-ơ-bắc viết vào tháng Giêng 1842 bị cơ quan kiểm duyệt cấm xuất bản ở Đức, đến 1843 thì đăng vào tập 2 của "Anekdota zur neuesten deutschen Philosophie und Publicistik" ("Tập những mẩu chuyện về triết học và chính luận hiện đại ở Đức") xuất bản ở Thuỵ Sĩ. Những bài luận văn của C.Mác, B.Bau-ơ, Ph. Cớp-pen, A.Ru-gơ cũng đều được thu nhập trong văn tập gồm hai tập đó.

(35) Phái khống luận là một nhóm chính khách tư sản Pháp ở thời kỳ Phục tích (1815- 1830); là những người quân chủ lập hiến, kẻ thù độc ác của phong trào dân chủ và cách mạng, phái khống luận rất muốn xây dựng ở Pháp khối đồng minh tư sản và quý tộc theo kiểu nước Anh; nhân vật có tên tuổi nhất của phái này là nhà sử học Ph. Ghi-đô và nhà triết học P.Roay-ê Côn-la mà quan điểm về mặt triết học là phản động đối với chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII và đối với những tư tưởng dân chủ cách mạng tư sản Pháp.

1* - sau ngày lễ, tức là khi việc đã rồi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt