Chủ nghĩa Marx

Đặc tính thứ ba của sự sản xuất

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ HAI

QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA

LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT

1 2 3 4 5

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

IV. ĐẶC TÍNH THỨ BA CỦA SỰ SẢN XUẤT: LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT MỚI

VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT TƯƠNG ỨNG ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ

TRONG LÒNG CHẾ ĐỘ CŨ.

 

"Lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất tương ứng không phải là xuất hiện bên ngoài chế độ cũ và sau khi chế độ cũ bị tiêu diệt, nó xuất hiện ngay từ trong lòng của chế độ cũ, nó không phải là kết quả của một sự hành động có ý thức, có tính trước của con người; nó xuất hiện một cách tự phát, một cách độc lập đối với ý thức và ý chí của con người” 1

Cây mạ tượng hình trong hạt lúa gieo xuống đất ướt, con gà con tượng hình trong trứng gà được gà mẹ ấp; không phải chờ cho hạt lúa thối đi, trứng gà vứt đi mới có gà con, cọng mạ; trong khi gà con, cọng mạ tượng hình thành hình tới mực nào thì hạt lúa và trứng gà bị tiêu diệt.

Tựa như thế, không chờ đến khi một chế độ cũ đã đổ nát mất đi rồi sau đó mới có lực lượng sản xuất mới và tương quan sản xuất mới; sự sản xuất mới đâm mầm, tự gây điều kiện sinh nở và phát triển ngay trong chế độ cũ hãy còn.

Tỉ dụ: Nào có đợi đến 1789, năm Cách mạng Tư sản Pháp thì mới có máy móc, mới có sản xuất hàng hóa, làm công nghiệp, mới có vô sản và tư bản mà đã có vô sản, tư bản, đã có công nghệ trước 1789. Chính sự nảy nở và phát triển của sản xuất tư bản trong lòng chế độ phong kiến đã làm cho chế độ phong kiến khủng hoảng và dắt đến Cách mạng Tư sản. Cách mạng Tư sản đem giai cấp tư sản lên nắm chính quyền, huỷ bỏ nhiều tương quan phong kiến để cho tư bản chủ nghĩa phát triển tự do, chứ không phải là để cho Tư bản chủ nghĩa bắt đầu nảy nở: tương quan Tư bản đã nảy nở và bắt đầu phát triển nhất là với sự giao thông với Đông phương, sự tìm được Mỹ Châu v.v. nghĩa là từ 2 đến 3 thế kỷ trước thế kỷ 18.

Chính trong lòng chế độ tư bản, ta trông thấy sự phát triển của lực lượng sản xuất mới như kỹ thuật tinh xảo, hệ thống máy móc to tát và phức tạp (điện lực nguyên tử lực v.v.) thấy thợ chuyên môn rất tập trung rất giác ngộ.

 

Chính đó là những điều kiện khách quan và chủ quan để thành lập chế độ mới. Tuy trong lòng chế độ Tư bản chưa có sẵn tương quan sản xuất xã hội chủ nghĩa như ở trong lòng chế độ phong kiến đã sẵn có tương quan sản xuất tư bản chủ nghĩa (chính đó là một trong những điểm khác nhau giữa Cách mạng Tư sản và Cách mạng Vo sản) nhưng ở trong lòng chế độ tư bản đã chín mùi những điều kiện để dựng lên tương quan sản xuất mới ăn khớp với trình độ mới của lực lượng sản xuất  điều kiện đó là sự tập trung tư bản thành những công ty to (các-ten, tờ-rớt, com-bi-nát) thành những độc quyền quốc gia và quốc tế; sự thống kê kế hoạch sản xuất tỉ mỉ trong mỗi nhà máy…

Cần nói rằng, lực lượng sản xuất mới và tương quan sản xuất mới xuất hiện ra không phải là kết quả của sự hành động có ý thức, đã tính trước của con người mà xuất hiện một cách tự phát, đó là vì hai lẽ sau đây:

1. Thứ nhất con người sinh ra nào có được tự do lựa chọn một phương thức sản xuất đâu; một thế hệ mới bước chân vào cuộc đời đã gặp phải những lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất sẵn có của thế hệ trước để lại mà mình phải tiếp tục. Anh là người nông dân, khi sinh ra, sinh ở nhà tá điền, dù có muốn lựa lấy cái thời nông nghiệp tự nhiên mỗi ai tự do khoét một khu rừng hoang để gieo lúa có được đâu? Thời ấy chưa đến! Tôi là người công nhân cũng thế. Vậy mỗi thế hệ mới bị bắt buộc từ đầu phải nhận phần ở trong một tình trạng sẵn có về mặt kinh tế và phải tuân theo tình trạng đó mà sản xuất để sống, phải tùy theo đó mà soạn liệu việc biến đổi theo nó theo lợi quyền của mình, không thể bỏ xã hội mình để vào núi ra bể chế tạo một xã hội theo ý riêng của mình được. Có làm như thế cũng thất bại mà thôi, thất bại như các cụ chán đời “thoát ly trần tục”, thất bại như các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng ngày nọ. Chỉ có thể thực hiện nguyện vọng của mình bằng cách nhận thức những tình trạng thực tế trước mắt mình, tùy nó mà biến nó.

2. Thứ nhì khi con người chế ra một loại công cụ nào để sản xuất tuy họ có thể có ý thức là chế ra nó để sản xuất nhiều hơn, tốt hơn, đỡ nhọc hơn chẳng hạn, nhưng con người không dám đoán trước, không biết trước những kết quả xã hội, chính trị về sau của sự sáng chế ấy là như thế nào. Ví dụ như:

“Khi vài người trong công xã nguyên thủy bắt đầu lần mò đi từ sự dùng khí cụ bằng đá đến dùng khí cụ bằng kim khí. Tức nhiên là họ không biết kết quả mà sự sáng chế ấy dắt đến; họ cũng không nghĩ đến bởi họ không có ý thức. Họ không hiểu rằng sự dùng khí cụ bằng kim khí là một cuộc cách mạng trong sự sản xuất và rốt cùng sẽ có kết quả là đi tới chế độ nô lệ. Cái điều mà họ muốn chỉ là làm sao cho công việc dễ dàng hơn.” 1

Lại ví dụ như, khi bọn tư bản Au Châu chuyển từ lối sản xuất thủ công lẻ tẻ sang lối sản xuất tập trung ở thủ công xưởng, họ đã làm cho lực lượng sản xuất tiến lên nhưng họ biết đâu rằng cái “sáng kiến nhỏ” ấy đưa đến một kết quả lớn là đánh đổ chính quyền của vua chúa, quý tộc? Họ chỉ muốn làm thủ công xưởng để làm ra nhiều hàng hóa bán đi khắp nơi đế lấy nhiều lời. Thế thôi.

Hay là khi bọn thực dân Pháp lập thành các đồn điền cao su, các xưởng dệt và xi moong, tập trung người đào mỏ ở Hon gay, Uông bí. Chúng đâu có dè rằng kết quả của hành động cướp giật ấy là một giai cấp công nhân thành hình, một đảng cộng sản sẽ được tổ chức, quanh đảng ấy công nông liên hiệp lại và cả dân tộc đoàn kết chặt chẽ, rồi chế độ thuộc địa bị đánh đổ, đồn điền công xưởng chúng bị tịch thu?

Hay là khi tư bản làm cái máy điện đầu tiên, làm trái bom nguyên tử đầu tiên, chúng nó chỉ nghĩ đến chuyện trước mắt là đuổi thợ, sản xuất đại quy mô và ít phí tổn, chúng nó chỉ nghĩ đến chuyện tiêu diệt bọn nào cạnh tranh với nó. Nó có dè đâu rõ ràng với điện lực ngày nay và với nguyên tử lực thì sản xuất đã lên tới một mực độ cao, cao cho đến nỗi tư bản chủ nghĩa không còn một tý lý do gì để tồn tại, cao cho đến nổi với kỹ thuật đó, con người đã có thể bước vào Cộng sản chủ nghĩa vì có thể sản xuất nhiều vật dụng và lương thực như nước sông nước bể.

Chính vì lẽ ấy mà Marx nói rằng:

Trong sự sản xuất ra những tài sản vật chất cần thiết cho đời sống, con người tự khép mình vào những tương quan nhất định, tất yếu và độc lập đối với ý chí của mình, những tương quan ấy tương ứng với với một trình độ phát triển nào đó của lực lượng sản xuất.”

o0o

Nói rằng lực lượng sản xuất mới và tương quan sản xuất mới đầu phát sinh từ trong lòng của chế độ cũ; nói như thế không phải là bảo rằng sự biến chuyển từ loại tương quan sản xuất này sang loại tương quan sản xuất khác, từ chế độ này sang chế độ kia là một sự biến chuyển êm ái, từ từ mãi không phải thế.

Và nói rằng tương quan sản xuất mới xuất hiện ra một cách tự phát, độc lập với ý chí con người; nói như thế không phải là hành động giác ngộ và ý thức của con người hoàn toàn không có vai trò gì cả, không phải thế.

Sự tiệm tiến, sự tiến bộ dần dần của lực lượng sản xuất trong lòng chế độ cũ đi đến một mực nào đó thì khuôn khổ của chế độ cũ hóa thành chật hẹp, nó phải vỡ đi, nó vỡ đi tựa như vỏ trứng gà phải vỡ đi để cho gà con trong vỏ nhảy ra; nó vở đi như vỏ lúa phải vỡ đi để cho cây mạ mọc lên. Đó là cách mạng, đó là khởi nghĩa bạo động trong lịch sử để đánh đổ một chế độ xã hội này và thành lập một chế độ xã hội khác. Đó là lúc mà giai cấp tranh đấu lên đến mức cao nhất. Bạo lực cách mạng là cô đỡ của lịch sử. Lịch sử loài người từ trước đến giờ dẫy đầy những cuộc bạo động cách mạng như thế.

“Quá trình tự phát của sự phát triển nhường chỗ cho sự hành động tự giác của con người; sự phát triển êm ái nhường chỗ cho sự chuyển biến bạo động; tiệm tiến nhường chỗ cho Cách mạng.” 1

Chỉ khi nào giai cấp vô sản nắm được chính quyền, khi nào nhà nước nhân dân nắm được quy luật biến chuyển của xã hội, biết được trước các mâu thuẫn và kịp thời, thì khi ấy một tương quan sản xuất mới có thể thay thế một tương quan sản xuất cũ và không cần gì phải có khởi nghĩa, cách mạng bạo động như cách mạng 1789, cách mạng 1917, hay cách mạng ở xứ ta. Ví dụ hồi 1929-30 ở Liên Xô có cuộc công cộng hóa nông nghiệp, đó là thay đổi tương quan sản xuất; sự thay đổi đó có giá trị như một cuộc cách mạng nhưng không có đột biến mà biến chuyển từ từ, không có bạo động, thì tất nhiên là có giai cấp đấu tranh mạnh giữa nông dân lao động và phú nông.

Được như thế, theo Stalin là bởi vì đó là một cuộc cách mạng từ trên xuống, đó là sáng kiến của chính quyền Xô Viết có đa số nông dân ủng hộ. Sự đột biến

Là một quy luật tất yếu cho một xã hội chia thành giai cấp xung khắc nhau. Nhưng nó không phải là tất yếu cho một xã hội không có giai cấp xung khắc.”1

Còn ý thức của con người cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự biến chuyển của xã hội, mặc dầu rằng sự xuất hiện của lực lượng sản xuất mới và tương quan sản xuất mới có tính tự phát, độc lập với ý chí con người. Hẳn rằng lực lượng mới và tương quan mới xuất hiện một cách tự phát, độc lập; nhưng đến khi lực lượng mới, tương quan mới phát triển lên đến một mực độ nào đó, đến khi nó chín mùi rồi thì, lúc bấy giờ ý thức của con người đóng một vai trò rất quan trọng: phải có sức mạnh có ý thức của những giai cấp đang lên, có cách mạng của họ thì mới phá được sức bảo thủ của các giai cấp thống trị cũ, phá được tương quan sản xuất cũ.

“Chừng ấy nổi bật lên cái vai trò lớn lao vô cùng của những ý tưởng xã hội mới, của những tổ chức chính trị mới, của chính quyền mới, tất cả đều có nhiệm vụ thủ tiêu bằng bạo lực những tương quan xã hội cũ.” 2

Ý thức mới, ý thức cách mạng phát sinh từ tương quan sản xuất mới; nó động viên, nó tổ chức quần chúng, nó hướng dẫn quần chúng làm Cách mạng. Qúa trình tự phát chuyển biến thành hành động có ý thức. Cách mạng thay tương quan sản xuất mới cho tương quan sản xuất cũ.

o0o

Chúng ta hãy kết thúc quy luật tương ứng giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất, quy luật căn bản của duy vật lịch sử, bằng đoạn sau đây của vị tôn sư đã sáng tạo ra duy vật lịch sử, đã tìm được quy luật căn bản ấy:

“Một chế độ xã hội không khi nào chết trước khi tất cả các lực lượng sản xuất của nó có thể cho phát triển đã phát triển được rồi, những tương quan sản xuất mới, cao hơn tương quan cũ, không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện vật chất của sự sinh tồn của nó đã được chín mùi trong lòng của chế độ cũ. Bởi vậy cho nên, nhân loại không bao giờ tự đặt ra những vấn đề mà nó không thể giải quyết được; bởi vì xét cho kỹ, thì bao giờ cũng thế, chính vấn đề chỉ xuất hiện khi nào những điều kiện vật chất để giải quyết nó đã có rồi, hay ít ra là đương thành hình.” 1

 



1 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Stalinm, Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học

2 Stalin, Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử

 

1 Karl Marx, Lời nói đầu của sách Tham gia phê bình kinh tế chính trị học, 1859

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt