Chủ nghĩa Marx

Dịch một cách đặc trưng số 2

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 57-58. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

DỊCH MỘT CÁCH ĐẶC TRƯNG SỐ 2

 

Pru-đông phê phán nói:

"Những người canh tác ruộng đất phân chia ruộng đất giữa họ với nhau. Bình đẳng chỉ thần thánh hoá sự chiếm hữu: nhân đó, nó cũng thần thánh hoá tài sản".

Ở Pru-đông phê phán, sở hữu ruộng đất xuất hiện đúng vào lúc thực hiện việc phân chia ruộng đất. Ở ông ta, sự quá độ từ chiếm hữu sang tài sản đã được thực hiện nhờ câu "nhân đó".

Pru-đông thật nói:

"Việc canh tác ruộng đất là cơ sở cho sự chiếm hữu ruộng đất... Chỉ bảo đảm cho người lao động thu lấy thành quả lao động của mình mà không đồng thời bảo đảm cho anh ta có công cụ sản xuất thì chưa đủ. Để bảo vệ người yếu hơn khỏi bị kẻ mạnh hơn xâm phạm... người ta cho rằng cần vạch ranh giới cố định giữa những người chiếm hữu".

Do đó, "nhân đó", bình đẳng trước hết đã thần thánh hoá sự chiếm hữu.

"Cùng với sự tăng lên của nhân khẩu, lòng tham lam và dục vọng của đám di dân cứ mỗi năm một mãnh liệt thêm. Xem ra thì phải tạo ra những chướng ngại mới không thể vượt qua được để hạn chế tham vọng của họ. Do đó, vì cần có bình đẳng mà ruộng đất đã thành ra tài sản... Không nghi ngờ gì cả, sự phân chia ruộng đất chưa bao giờ đồng đều về mặt địa lý... tuy vậy nguyên tắc vẫn cứ như thế. Bình đẳng trước kia thần thánh hoá sự chiếm hữu thì bây giờ lại thần thánh hoá tài sản".

Ở Pru-đông phê phán,

"những người sáng lập ra tài sản cổ đại, vì quá ư quan tâm đến việc thoả mãn nhu cầu của mình nên đã không nhìn thấy tình hình là quyền chuyển nhượng, bán, tặng, được và mất, là tương đương với quyền sở hữu, điều đó đã xoá bỏ sự bình đẳng mà từ đó họ đã xuất phát".

Ở Pru-đông thật thì người sáng lập ra tài sản không phải vì quan tâm đến việc thoả mãn nhu cầu của mình nên không nhìn thấy tiến trình phát triển đó của tài sản. Có điều là họ không dự kiến được điều đó. Nhưng dù cho họ có dự kiến được đi nữa thì trong trường hợp ấy, nhu cầu  trước mắt cũng vẫn chiếm ưu thế. Sau nữa, Pru-đông thật quá ư quần chúng hoá nên đã không đối lập quyền chuyển nhượng, bán, v.v., với "quyền sở hữu", nghĩa là không đối lập chủng với loại. Ông đem đối lập "quyền bảo tồn di sản" với "quyền chuyển nhượng, v.v., di sản", đấy mới là sự đối lập chân chính và một bước tiến bộ chân chính.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt