Chủ nghĩa Marx

Giai cấp đấu tranh và động cơ của lịch sử (2)

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

GIAI CẤP TRANH ĐẤU ĐỘNG CƠ CỦA LỊCH SỬ

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

II. GIAI CẤP ĐẤU TRANH

Giai cấp đã là một sự thực thì giai cấp đấu tranh cũng là một sự thực không thể chối cãi được. Từ ngày xã hội loài người đã phân chia thành giai cấp, có kẻ bị bóc lột bị áp bức và có kẻ áp bức bóc lột thì giai cấp đấu tranh là một hiện tượng thường xuyên, hiện tượng căn bản trong lịch sử. Marx và Engels viết:

“ Lịch sử loài người từ trước đến nay, trừ xã hội cộng sản nguyên thủy, là lịch sử thuộc giai cấp đấu tranh.”

Không mất thì giờ để một cách bất lực than thở vì sao “người là lang sói của người” cũng không ảo tưởng mà tuyên truyền cho những giai cấp có lợi quyền, tâm lý, ý thức trái ngược nhau phải ăn ở hòa thuận như con một nhà, chúng ta hãy xem xét xem các giai cấp đấu tranh dưới những hình thức nào, bằng những cách gì, chúng ta hãy xét xem cuộc giai cấp đấu tranh ấy ngày nay dắt đến đâu, và như thế mới có thể nhờ giai cấp đấu tranh mà đi tới xã hội không giai cấp.

1. Ba hình thái của giai cấp đấu tranh

Bên trên chúng ta đã nói rằng giai cấp đấu tranh trong xã hội có giai cấp là một hiện tượng thường xuyên không phải thỉnh thoảng mới có. Bởi vì nó bao gồm nhiều hình thái khác nhau chớ nào phải rằng phải có bãi công, biểu tình khởi nghĩa mới là có giai cấp đấu tranh và bởi vì hằng bửa, hằng giờ các giai cấp nghịch nhau đều tìm cách sống, đều xung đột nhau về mọi mặt. Có ba hình thái chính của giai cấp đấu tranh: tư tưởng, kinh tế và chính trị.

a. Đấu tranh tư tưởngGiờ phút nào mà không có đấu tranh tư tưởng. Thí dụ Năm Sử bị đấu, đi qua chợ Thái Nguyên đến gốc cây đa um tùm có nhiều hương khói, thốt lên rằng, khi nó chết nó sẽ thành quỷ cái ở cây đa này mà bóp cổ những nông dân nào tố cáo tội ác của nó. Đó là đấu tranh tư tưởng. Địa chủ ở Phủ Diễn giả ma lưỡi dài ném đá, dọa người đi họp đêm gây hoang mang, đó là đấu tranh tư tưởng. Cũng là đấu tranh tư tưởng khi địa chủ, và tư sản mại bản bày ra và truyền bá đạo Cao Đài. Khi đế quốc lợi dụng Phật giáo, Công giáo, khi bọn cường hào tô vẽ rồng vươn râu, cọp vươn vây, thần trợn mắt ở các đình miếu. Lẽ tất nhiên là tư tưởng tranh đấu khi viết sách báo, đọc sách báo, vẽ tranh, xem tranh, làm triết lý, luận lý, ngâm thơ. Ngay cái việc rất phổ biến hiện bây giờ như nhảy múa mà hầu hết nhân dân ta kể cả cụ già đều tham gia xét kỹ cũng là đấu tranh tư tưởng vì nó có tính chất bài phá cái rụt rè muôn thở của người nông dân, người phụ nữ bị lâu đời kiềm chế.

Ngày nào, giờ nào là giờ và ngày mà giai cấp địch (địa chủ, phong kiến, đế quốc… ) không tìm cách nhồi sọ nhân dân, nhồi sọ nông dân bằng thiên hình vạn trạng cốt cho nhân dân, cho nông dân không biết vì đâu mà khổ, làm sao khỏi khổ. Nhồi sọ là đấu tranh tư tưởng của chúng nó.

Và ngày nào, giờ nào là giờ và ngày mà quần chúng nhân dân không đấu tranh tư tưởng chống lại kẻ áp bức, bóc lột mình? Từ vô số những ca dao tục ngữ, vẽ, truyện chống lại bọn cầm quyền đến những sách vở tranh ảnh, triết lý duy vật, vô thần, khoa học, chủ nghĩa cách mạng đều là các mặt rất phong phú của đấu tranh tư tưởng cả. Nội cái việc mà mỗi lần họp công đoàn, họp chi bộ chúng ta kiểm điểm tư cách đạo đức, phê bình nhau, nội cái việc mỗi người cán bộ hay học sinh đều có sổ tự tu, mỗi anh em chị em tự cố gắng đánh bật những cá nhân chủ nghĩa, tự do chủ nghĩa, lãng mạn v.v. rèn luyện óc tổ chức kỹ luật tập thể, tinh thần quốc tế v.v. đó cũng là đấu tranh tư tưởng vậy. Điều đáng chú ý nhất là cần hiểu rằng những giai cấp bóc lột không từ chối một biện pháp nào từ ôn hòa đến bạo lực, để đấu tranh tư tưởng có kế hoạch, có ý thức đối với nhân dân bị bóc lột nó huy động tất cả bộ máy nhà nước tôn giáo, giáo dục, nó huy động từ “thánh hiền” đến thi sĩ, cả phong tục tập quán và những nhược điểm tinh thần của chúng ta mà tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng thường xuyên. Chúng nó là thiểu số thì chúng lại càng phải chú ý đấu tranh tư tưởng để mê hoặc đa số. “Dân càng ngu chúng càng dễ trị.” Nhân dân thì hằng ngày bị chúng nó đầu độc mà không hay biết, không dè đâu.

Xưa kia còn ai không nhớ, hàng nghìn quyển sách duy vật ở Ấn độ, Hy lạp bị bọn duy tâm đốt đi. Rồi trong thời Trung cổ những vụ án Servé, Giordano, Bruno bị nhà thờ đàn áp và giết chóc, rồi bây giờ đây khắp thế giới tư bản phản động ở Mỹ, sách vở cách mạng bị cấm, bị hủy, bọn phản động các nơi gây các cuộc tôn giáo xung đột, động viên nhà thờ La mã chống chủ nghĩa xã hội, ủng hộ cho các đảng phái cải lương. Mỹ tuôn ra vô số những phim mà nhân vật là kẻ cướp, bợm đĩ v.v. tất cả những điều xưa nay ấy chứng minh rằng bọn bóc lột ngày càng tăng cường tư tưởng tranh đấu mà đó là chính vì quần chúng càng ngày càng được giác ngộ, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê.

Không có đấu tranh quyết liệt trên mặt trận tư tưởng thì không có cách mạng giải phóng được. Không có đấu tranh tư tưởng bền bỉ thì không trở thành người cán bộ tốt của nhân dân được. Đó là điều mà ta cần tâm niệm.

Tỷ dụ hồi cách mạng tư sản, những triết gia và chính khách tư sản công kích vô cùng ráo riết những tư tưởng công giáo quân quyền và mạnh dạn truyền bá tư tưởng vô thần, dân chủ. Đó là điều kiện để phát động các tầng lớp bình dân nổi lên cách mạng tư tưởng, cách mạng văn hóa dọn đường cho cách mạng chính trị.

Gần đây từ giữa thế kỷ 19 đến nay, chủ nghĩa Mác Lê ra đời ăn sâu mãi vào tâm hồn quần chúng, rọi đường giải phóng cho quần chúng làm động lực tinh thần cho phong trào quần chúng. Người ta không thể tưởng tượng được cách mạng vô sản thành công nếu không có sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác Lê chống các tư tưởng tôn giáo duy tâm, phản động, cải lương v.v. Ở xứ ta, nếu ta hồi tưởng lại những ngày trước cách mạng tháng Tám khi hàng nghìn người chỉ vì có một tờ báo bí mật, đọc một tờ truyền đơn đi tuyên truyền mà bị giặc Pháp và phong kiến Việt nam xử hàng chục năm tù. Nếu ta trông vào các cuộc chỉnh huấn để rèn luyện tư tưởng, kiểm điểm tư tưởng và tác dụng của chỉnh huấn trong công tác cách mạng. Nếu ta đi sâu vào các cuộc chuẩn bị một cuộc đấu để thấy rõ cái khó khăn, cái cần thiết phải phát động tư tưởng của những người bị áp bức bóc lột thì ta thấy rõ rằng phe địch cũng như phe ta đều chú trọng đặc biệt đến hình thái tư tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp ngay trước, trong, sau một cuộc đấu tranh về tư tưởng rất là cần thiết vì thua thì dễ nản thắng thì dễ kiêu, muốn củng cố và phát triển hàng ngũ cách mạng, không thể nào buông trôi hay xem rẽ đấu tranh tư tưởng được.

b. Đấu tranh kinh tế

Chúng ta đã biết rằng mỗi giai cấp có quyền lợi sinh sống khác nhau, những giai cấp trái ngược nhau như chủ nô và nô lệ phong kiến và nông nô, tư bản và vô sản, lại có quyền lợi mâu thuẫn sâu sắc, tuyệt đối mâu thuẫn.

Lẽ sống hằng ngày của giai cấp mâu thuẫn nhau, bắt buộc các giai cấp ấy đấu tranh thường xuyên về mặt kinh tế. Tỷ dụ như: địa chủ mưu mô cướp đất của nông dân, tăng tô, tăng tức, nếu tìm nội những cách của địa chủ chiếm đất của nông dân, thì có lẽ phải chép hằng pho truyện, từ cách giết người cướp của, đến cách cho vay, qua cách lấn át mỗi ngày cho người nông dân không ở nỗi phải bỏ đi. Tô chính một vài thứ, tô phụ hàng chục thứ, hàng trăm kẻ nghèo mạt thì một người mới giàu có được. Cho đến ngày nay, khi địa chủ chôn của chìm, phân tán ruộng, không chịu giảm tô đúng mức, giảm cái này tăng cái kia, đó là những mánh khoé đấu tranh của chúng để bảo tồn quyền lợi kinh tế của chúng nó.

Còn như bọn tư bản thì hằng ngày chúng nó tìm cách tăng giờ làm, bớt tiền lương, hợp lý hóa sản xuất, lập quán bán hàng, bán rượu v.v. ở các xưởng ấp để tiền vừa mới ra khỏi két bạc lại trở về với két bạc; thiên phương bách kế, không kế nào là nó từ. Đó là chưa kể sự cạnh tranh giữa tư bản lớn, giữa tư bản và tiểu tư sản làm cho số đông tiểu tư sản bị phá sản. Nói rộng ra, khi mới gần đây, bọn cầm quyền Pháp phá giá đồng quan, phá giá đồng bạc, đó là một hình thái đấu tranh của chúng, chống quần chúng nhân dân, khi chúng nó đặt ra luật quan thuế để gọi là “bảo vệ thị trường” là cốt để bán đất cho dân bản xứ bắt buộc phải mua… mánh lới đấu tranh kinh tế của tư bản đối với công nhân, đối với quần chúng thật là vô cùng. Bởi vậy cho nền từ nghìn xưa, cuộc đấu tranh kinh tế của kẻ bị bóc lột chống bọc bóc lột là một sự thực thường xuyên. Sử cổ đông phương và tây phương đều còn ghi lại, chẳng những cuộc võ trang khởi nghĩa của người nô lệ, mà cả các cuộc bãi công của họ; họ chây lười, rũ nhau chây lười, đó là một hình thức đấu tranh kinh tế của họ; luật lệ của bọn chủ nô có khi phạt chặt tay họ, họ vẫn lãn công. Chính cuộc đấu tranh này là nguyên nhân căn bản của hai học thuyết về kinh tế trái nhau ở thời La mã, chúng ta đã học trong sử thế giới năm rồi, một bên chủ trương giữ chế độ trại ấp lớn do nô lệ làm, một bên chủ trương phân chia trại ấp cho nông nô và nông dân làm, chính tình hình đấu tranh của nô lệ, thường xuyên, quyết liệt, làm cho ngay trong cuối thời nô lệ, bọn chủ đất đã từng bộ phận bắt buộc phải chuyển lối bóc lột nô lệ thành bóc lột nông nô.

Cuộc đấu tranh  kinh tế của nông dân chống phong kiến không kém thường xuyên, gay go, quyết liệt: vô số các cuộc đánh giết chủ điền, vô số các cuộc phá hoại, bỏ đói, vô số các cuộc xin, đòi giảm tô tức, đòi lại ruộng, chống địa chủ cường hào chiếm công điền, kể sao cho xiết? Vừa rồi trong phân nửa các tỉnh bên Pháp, nông dân dựng chiến lũy trên đuờng chống việc chính phủ Pháp làm mất giá nông sản, chống việc cạnh tranh của nông sản Mỹ. Đó là một hiện tượng nông dân Pháp tỉnh ngộ. Có ý thức nhất là, ví dụ sắc lệnh giảm tô tức của chính phủ ta bênh vực đời sống của nông dân, đặc biệt là cuộc phát động quần chúng thực hiện giảm tô, giảm tức, hạ uy thế cường hào địa chủ; để đẩy mạnh đấu tranh  kinh tế chuyển thành đấu tranh  chính trị và đấu tranh  chính trị giải quyết những yêu sách của nông dân về mặt kinh tế. Trong thời đại tư bản, chúng ta hằng ngày nghe những tin  bãi công, lãng công, biểu tình, tổng bãi công của công nhân, công chức để đòi tăng lương bớt giờ làm, chống sinh hoạt đắt đỏ, chống phá giá đồng tiền, đòi bảo hiểm, đòi cất nhà ở v.v. đó là một ít trong số rất nhiều hình thái của cuộc đấu tranh  kinh tế của quần chúng công nhân.

Cái điều mà người cán bộ cần chú ý nhất là bênh vực quyền lợi kinh tế của quần chúng, là phát triển cuộc đấu tranh để bênh vực quyền lợi kinh tế ấy. Trong chế độ phong kiến, tư bản, cái gì mà mường tượng như là chính phủ của chúng và chúng làm đúng quyền lợi kinh tế của công nông thì:

- hoặc là vì quần chúng đấu tranh mà bọn nó phải nhượng bộ, nhượng bộ để rồi phản công, để đưa tay này, lấy tay kia. Ví dụ: tăng lương thì lại tăng vật giá.

- hoặc là chúng ru ngủ quần chúng, để bóc lột kinh tế càng mạnh hơn. Ví dụ xây dựng xóm lao động để lấy tiền nhà, để kiểm tra, thợ ở gần xưởng đi làm sớm, cho tham gia “chia lợi tức” để giảm ý thức giai cấp, giảm bãi công...

Các cuộc, các hình thái kinh tế đấu tranh có tác dụng bênh vực đời sống hằng bữa của quần chúng, mà nhất là có tác dụng giác ngộ, đoàn kết làm cho quần chúng càng thấy rằng nếu không có tiến lên từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị, từ đấu tranh chống từng tên chủ điền đến đấu tranh chống cả giai cấp chủ, chống nhà nước phản động của chúng nó, thì ngay những quyền lợi kinh tế hàng ngày cũng không bảo đảm được.

c. Đấu tranh chính trị

Có những cuộc đấu tranh kinh tế chuyển biến thành đấu tranh chính trị, hoặc có những cuộc đấu tranh chính trị mà một số khẩu hiệu, yêu sách có tính chất kinh tế, cũng như có những cuộc đấu tranh tư tưởng phát lộ ra dưới hình thái chính trị hoặc ngược lại. Nói một cách khác, đấu tranh tư tưởng, kinh tế và chính trị thường xen lẫn nhau và thường không có ranh giới giữa ba hình thái căn bản của cuộc đấu tranh giai cấp.

Nông dân Nghệ an năm 1930 biểu tình đòi giảm tô, bỏ thuế thân; đế quốc và phong kiến đàn áp, bắt, bắn; nông dân đưa ra khẩu hiệu chống khủng bố trắng, đả đảo đế quốc và vua quan, thế là từ đấu tranh kinh tế chuyển thành đấu tranh chính trị, đế quốc bị khủng bố già, nông dân phản ứng càng mạnh, lật đổ hội tề lập Sô viết, chia ruộng, thế là cuộc đấu tranh kinh tế và chính trị tiến đến mực cao nhất của phong trào quần chúng là võ trang khởi nghĩa.

Thường thường các cuộc tranh đấu của quần chúng chống giai cấp bóc lột, chống nhà nước của nó là đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị như biểu tình, bãi công, khởi nghĩa để gỡ mặt nạ chính phủ Trần Trọng Kim, đánh đổ Nhật, như thợ thuyền Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt nam, như chúng ta ăn Tết Việt-Trung-Xô, chúng ta tham gia cuộc xử án Việt gian, cường hào… 

Đấu tranh chính trị là một việc thường xuyên trong xã hội có giai cấp. Những hành động quan trọng của nhà nước, chủ nô, phong kiến, đế quốc, đều có ý nghĩa đấu tranh chính trị: từ sự lập một đạo luật, một hiến pháp, đến việc tổ chức quân đội, tòa án, đàn áp, đều là đượm màu giai cấp đấu tranh. Tin lành chống Công giáo hồi cuối thời Trung cổ là đấu tranh giai cấp giữa tư bản, phong kiến, sự thành lập Cao đài và hoạt động của bọn lãnh tụ Cao đài là giai cấp đấu tranh  giữa địa chủ và nông dân Nam bộ, giữa cách mạng và phản động, đó là đấu tranh về chính trị. Bây giờ ta hạ uy thế cường hào ở thôn quê, đưa cả bần, trung nông lên cầm quyền ở thôn xã, đó cũng là đấu tranh chính trị. Có những khi đấu tranh chính trị giữa các giai cấp, nằm trong những hình thái đặc biệt tế nhị đối với một số người thiếu ý thức thì dường như là bất ngờ; tỷ dụ như có thể do tình hình giai cấp tranh đấu găng trong một nước, trong một lúc nào đó, bọn thống trị muốn đánh lạc hướng của quần chúng, bày ra một cuộc chiến tranh xâm lược, hoặc bày ra một cuộc chủng tộc xung đột nào đó. Hay tỷ dụ như bọn thống trị đế quốc, phong kiến nào bày trò “cải cách ruộng đất” “thương thuyết với Bảo Đại” v.v. đó thực ra là chúng nó gián tiếp hay trực tiếp đấu tranh chính trị. Có những khi đấu tranh chính trị với ta đó. Ngược lại khi ta thả tù binh, khi ta chia đất “treo giò” cho ngụy binh nghèo, đó là những đòn đấu tranh chính trị chống đế quốc phong kiến chớ không chỉ là những hành động nhân đạo tầm thường; hay là, ta phải xem các cuộc chỉnh huấn cán bộ là một thắng lợi lớn trong sự đấu tranh chính trị.

Vậy phải xem cuộc đấu tranh giai cấp về mặt chính trị như bao gồm vô số sắc thái và xảy ra hằng ngày suốt hàng nghìn năm lịch sử chứ không phải chỉ các chính đảng xung đột nhau, không chỉ có khởi nghĩa mới là đấu tranh chính trị.

2. Vai trò của bạo lực trong lịch sử

Cải lương và Cách mạng

Bọn bóc lột nào cũng dùng bạo lực để trấn áp quần chúng. Năm rồi, chúng ta đã biết rằng bọn chủ nô đàn áp nô lệ là thế nào. Năm nay, học Việt sử, chúng ta cũng đã biết bọn phong kiến Việt nam dùng bạo lực trấn áp quần chúng nông dân thế nào. 1849, Pari công xã, Quảng châu công xã, Nghệ an 1930 v.v. tất cả đều chứng tỏ rằng giai cấp bóc lột luôn luôn dùng bạo lực để giữ gìn đại quyền chủ ông của chúng nó.

Lẽ tất nhiên là những giai cấp bị trị gặp lúc cũng phải dùng võ lực để đối phó với nhà nước phản động, để tự giải phóng. Thuyết phục bọn bóc lột là một điều ảo tưởng của những “con chó đi tìm chủ”. Cổ sử còn ghi lại những cuộc bạo động oanh liệt của những người nô lệ do Spartacus cầm đầu. Sử của thời đại phong kiến của tất cả các xứ đều đầy dẫy những cuộc bạo động của nông dân. Ngay bọn phong kiến khi muốn đi từ chỗ phong kiến phân quyền tiến đến phong kiến tập quyền, cũng phải dùng bạo lực; hay giai cấp tư bản muốn đánh đổ phong kiến phải dùng bạo lực: Cromwell; cách mạng 1789, các cuộc cách mạng tư sản khác đều thế. Rồi Cách mạng tháng 10 ở Liên xô, Cách mạng tháng 8 của ta, chiến tranh giải phóng của Trung quốc v.v. là những bằng chứng rõ ràng rằng, nếu không dùng bạo lực thì không đánh đổ được một chế độ cũ. Đánh đổ được một chế độ cũ rồi, ngoài phương tiện kinh tế, văn hóa, cai trị ra còn phải dùng bạo lực mà trấn áp phản cách mạng bởi vì phản cách mạng tìm cách dùng bạo lực mà phá cách mạng (bạo động, phá hoại, ám sát) nhờ ngoại viện của phản động thế giới v.v.

Bạo lực là “cô đỡ của lịch sử” (Engels)

Nhưng đối với chúng ta, không phải rằng lúc nào cũng cần dùng võ lực; không phải rằng lúc nào bạo lực cũng đóng vai trò tiến bộ, không phải rằng cách dùng bạo lực lúc nào cũng hay. Ví dụ: Việt nam Quốc dân đảng (1929) chủ trương ám sát cá nhân, giết những thằng Việt gian nào đó; chúng ta không tán thành ám sát cá nhân; giết 1, 2, 5, 7 thằng, không tới đâu, chế độ áp bức vẫn còn, mà địch lại còn mượn cớ có dịp tàn sát cách mạng. Ám sát cá nhân, khủng bố cá nhân là biểu chứng cho sức yếu, cho đầu óc tiểu tư sản. Ngay trong những thành phố bị tạm chiếm như Sài gòn, Hà nội, nếu ta dùng khủng bố cá nhân, thì mấy tên Việt gian làm sao thoát khỏi, nhưng không lợi cho tổ chức, cho chính trị cho giai cấp đấu tranh.

Khi cần thì chúng ta dùng bạo lực của quần chúng.

Ngay bạo lực của quần chúng có khi nên dùng, có lúc không. Ví dụ bạo động Nghệ an 1930, bạo động Nam kỳ 1940 là non, là manh động, mặc dầu đó là bạo động của quần chúng. Lẽ tất nhiên rằng khi quần chúng đã bạo đồng rồi thì noi theo gương của Marx hồi 1871 đối với Ba lê công xã, hay là của Lê nin trong và sau 1905, chúng ta phải đứng về phe quần chúng đấu tranh, ủng hộ quần chúng, dắt quần chúng, rút kinh nghiệm, chớ nhất thiết không lên án cuộc bạo động của quần chúng, mặc dầu là nó non nớt, tự phát, thất bại.

Bọn đế quốc luôn luôn quyết đàn áp phong trào quần chúng, chúng không từ. Cũng có nhiều khi quỷ quyệt trong cuộc giai cấp đấu tranh, lúc chúng nó thấy rằng không thể tránh nổi một cuộc khởi nghĩa của nhân dân thì chúng nó tìm cách khiêu khích để bạo động xảy ra non nớt và thất bại. Đế quốc thường dùng bọn Tờ-rốt-kít để thi hành mưu mô này. Ví dụ hồi 1936 ở Pháp, bọn gọi là “tả phái” muốn kéo quần chúng bạo động ngay, Đảng Cộng sản biết rằng bạo động lúc đó thì thất bại, biết rằng không “cợt” với bạo động được, nên biết đích cuộc tổng bãi công bạo động khởi nghĩa là cả một nghệ thuật.

Giai cấp đấu tranh là tiến từ phong trào tự phát đến phong trào có tổ chức, có ý thức, có lãnh đạo chặt chẽ, biết lúc nào cần tiến, lúc nào cần thoái, tiến không rụt rè, thoái không hoảng hốt. Quan điểm giai cấp không phải là làm bất cứ cái gì mà quần chúng muốn làm, mà làm cái gì lợi cho quần chúng với hình thức nào lợi nhất, trong lúc nào lợi nhất bằng sức của chính mình, quần chúng, do Đảng lãnh đạo.

Phát triển lý thuyết Mác Lê về vai trò bạo động trong lịch sử, đồng chí Mao Trạch Đông chủ trương rằng trong những xứ thuộc địa và bán thuộc địa một trong ba “bửu bối” của người Cách mạng, của đảng cách mạng là võ trang tranh đấu. Không chỉ võ trang tranh đấu trong thời kỳ phong trào cách mạng cao nhất để cướp chính quyền (như tháng 10 ở Liên xô) mà võ trang tranh đấu lâu dài: du kích, chiến tranh cách mạng, mở vùng giải phóng, tiêu diệt sinh lực địch và rốt cùng là chiếm toàn bộ chính quyền, toàn bộ đất đai. Nhờ học thuyết này mà cách mạng Việt nam, cách mạng Trung quốc đã thành công.

Như thế chiếu theo thực tế của lịch sử thì các giai cấp nhất thiết phải cần dùng đến bạo lực trong những điều kiện nhất định của cuộc giai cấp đấu tranh, để cướp chính quyền, để tiêu diệt một chế độ cũ, xây dựng một chế độ mới ít nhất là đến khi nào hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã lớn mạnh lắm, đã bao vây một số nhỏ xứ tư bản còn sót lại. Có một số ít người như bọn đệ nhị quốc tế ở các xứ đế quốc, như bọn quốc gia cải luơng ở các xứ thuộc địa chủ trương không dùng bạo lực, chủ trương giai cấp thỏa hợp, chủ trương chỉ dùng cải lương để tiến lên “chủ nghĩa xã hội” chủ trương thương thuyết với đế quốc để đi đến “độc lập”.

Vì đâu có chủ nghĩa cải lương ấy.

Chủ nghĩa cải lương có nguồn gốc xã hội rõ rệt, và có lý do trong cuộc đấu tranh giai cấp.

Ở các xứ đế quốc, một phân số nhỏ của giai cấp công nhân được lương tương đối cao hơn lương trung bình của người thợ; họ tương đối sung túc hơn trong lúc nào đế quốc thu được nhiều siêu lợi tức ở thuộc địa; tư bản giả bộ chia lợi tức (tức là ném một ít xương xóc) cho họ; vì thế mà nó sinh ra một tư tưởng “hòa bình” biến chuyển tư bản chủ nghĩa thành ra xã hội chủ nghĩa, tư tưởng chỉ muốn cải lương mà không muốn cách mạng, chỉ muốn “tranh đấu” ở nghị trường, “tranh đấu” bằng lá phiếu, vận động cho có đa số ở nghị viện để lập chính phủ “xã hội”. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng những đệ nhị quốc tế khi được đa số ở nghị viện, khi lập chính phủ của chúng, chỉ là tay sai của tư bản, không muốn cải biến xã hội. Mà không thể cải biến xã hội bằng cách bảo tồn bộ máy nhà nước tư bản. Ngày nay trong cuộc tranh đấu của tư bản chống vô sản, đế quốc tận dụng khả năng của bọn đệ nhị quốc tế để phá sự thống nhất của giai cấp công nhân, để ngăn việc giai cấp công nhân thu phục các giai cấp trung gian, để chống lại giai cấp tranh đấu của quần chúng, để phá cuộc bãi công, các cuộc võ trang khởi nghĩa của giai cấp.

Như thế chiếu theo thực tế của lịch sử thì các giai cấp nhất thiết phải cần dùng đến bạo lực trong những điều kiện nhất định của cuộc giai cấp đấu tranh, để cướp chính quyền, để tiêu diệt một chế độ cũ, xây dựng một chế độ mới ít nhất là đến khi nào hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã lớn mạnh lắm, đã bao vây một số nhỏ xứ tư bản còn sót lại. Có một số ít người như bọn đệ nhị quốc tế ở các xứ đế quốc, như bọn quốc gia cải lương ở các xứ thuộc địa chủ trương không dùng bạo lực, chủ trương giai cấp thỏa hợp, chủ trương chỉ dùng cải lương để tiến lên “chủ nghĩa xã hội” chủ trương thương thuyết với đế quốc để đi đến “độc lập”.

Còn ở các xứ thuộc địa thì nổi tiếng nhất là chủ nghĩa bất bạo động của Gandhi; chủ nghĩa ấy có lúc đã ảnh hưởng mạnh đến Việt nam. Đó là tư tưởng và chủ trương của một lớp giai cấp tư sản bản xứ, tuy có quyền lợi trái với đế quốc thực dân (thực dân kiềm hãm sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kỹ nghệ của thuộc địa), nhưng lại sợ quần chúng, nhất là khi giai cấp vô sản có đảng của nó nổi lên tranh đấu và lãnh đạo được nông dân, tiểu tư sản. Đế quốc thực dân dùng chủ nghĩa quốc gia cải lương này để chống lại cách mạng ở thuộc địa. Ở An Diến thì đế quốc Anh gọi là ban “độc lập” cho An Diến, nhưng quyền lợi của nó vẫn y nguyên, thế lực của nó vẫn còn. Ở Việt nam, cách mạng và kháng chiến của nhân dân bắt buộc Pháp phải giả vờ thương lượng với bọn bù nhìn, bàn độc lập giả hiệu để mong rằng quần chúng có thể bị đánh lừa bởi “lòng nhân” của đế quốc.

Song quần chúng ở các xứ đế quốc cũng như ở thuộc địa, nhất là sau khi cách mạng Liên xô, Trung quốc thắng lợi, càng thấy rõ rằng:

- Không có dùng bạo lực để đánh đổ đế quốc thì không có xã hội chủ nghĩa, không có độc lập thực sự.

- Dân tộc cách mạng là một cuộc giai cấp đấu tranh, đấu tranh của giai cấp công nông và toàn thể nhân dân chống đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản. Nếu không thực hiện giai cấp đấu tranh đúng mực thì không có dân tộc giải phóng được; bởi vì phong kiến, tư sản mại bản liên kết với đế quốc, nên cách mạng chống đế quốc nhất thiết phải phản phong, chẳng những phản phong mà phải hướng vào đường xã hội chủ nghĩa.

Có phải vì lẽ nhận định rằng phải dùng bạo lực mới giải phóng giai cấp vô sản và dân tộc được; có phải vì lẽ chống với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa quốc gia cải lương, vì lẽ tán thành và thực hiện cách mạng mà chúng ta phản đối mọi sự cải cách chăng?

- Nhất định không! Cách mạng không trái ngược với cải cách, chỉ trái ngược với chủ nghĩa cải lương.

Chủ nghĩa cải lương là: dùng sự xin xỏ, cải cách lên thành hệ thống mà mục đích là chống lại hành động cách mạng. Chúng ta đánh đổ chủ nghĩa cải lương vì nó thỏa hợp giai cấp, thỏa hợp nông dân với địa chủ mà phần lớn là về tay địa chủ và vì vậy, kéo dài cảnh nô lệ của nông dân, kéo dài ngôi bá chủ địa cầu. Chúng ta đánh đổ chủ nghĩa cải lương vì nó thỏa hợp giai cấp, thỏa hợp vô sản với tư bản, làm cho vô sản theo đuôi tư bản kéo dài ách tư bản chủ nghĩa.

Nhưng khi ta chủ trương giai cấp đấu tranh, khi ta chủ trương rằng có lúc, quần chúng cần phải dùng bạo lực để đánh đổ giai cấp địch, thì chúng ta không từ chối cải cách, chúng ta không phản đối cải cách, ngược lại:

- Ngay trong chế độ tư bản đế quốc, quần chúng cần phải đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt, đòi quyền lợi chính trị. Ví dụ, hồi mặt trận bình dân, ở Việt Nam chúng ta tranh đấu đòi luật 8 giờ, đòi xã hội bảo hiểm, đòi tự do dân chủ và đã được phần nào. Bên Âu Mỹ, công nhân, công chức đã đòi được các quyền ấy. Đó là cải cách. Ta dùng những cải cách ấy cũng như dùng nghị trường để mở rộng tuyên truyền, phát triển tổ chức, chuẩn bị cách mạng, chứ không phải mãn nguyện vì cải cách; không phải lấy cải cách làm mục đích, cũng không phải lấy nghị trường làm hình thức tranh đấu chính. Nghị trường là một diễn đàn, còn sự quyết định lại ở ngoài đường phố, ở công xưởng, ở thôn dã. Ví dụ, gần đây, sở dĩ nghị viện Pháp phải tán thành việc thương thuyết với Việt Nam ở hội nghị Genève, đó là kết quả mấy năm đấu tranh của quần chúng nhân dân Pháp, của Đảng Cộng sản Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; tất nhiên là kết quả của cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Ta khác với cải lương chủ nghĩa ở chỗ chúng dùng cải cách để đánh lạc hướng Cách mạng. Ta dùng cải cách để tiến hành Cách mạng.

- Sau khi chúng ta nắm lấy chính quyền thì mỗi sự cải cách của chính quyền nhân dân đều có tính chất cách mạng; tỷ dụ: ta giảm tô giảm tức, cải cách ruộng đất; đó là cách mạng về ruộng đất vậy; vì tất cả các điều khoản về cải cách ruộng đất thay đổi hẳn tương quan sản xuất ở thôn quê; người cày có ruộng; cả một giai cấp địa chủ bị tịch thu tài sản, hay trưng thu ruộng vườn, lối bóc lột phong kiến bị bãi bỏ. Giai cấp bị đánh đổ sẽ được giáo dục lại bằng lao động và mọi sự kháng cự của chúng đều bị trừng trị thẳng tay.

Tương quan giữa cải lương và cách mạng là thế.

Vai trò của bạo lực trong lịch sử là thế.

3. Vô sản chuyên chính 

Vấn đề này thuộc về chính trị học, ở đây chúng ta chỉ nói đến những điểm căn bản mà thôi:

Một điểm trọng yếu trong học thuyết giai cấp đấu tranh của Mác là cuộc giai cấp đấu tranh ngày nay dắt đến sự thành lập vô sản chuyên chính.

Trong thời thượng cổ Hy La, nhà nước có thể mang hình thức cộng hòa, đế chế v.v. đều là nhà nước chủ nô, đều là chuyên chính của chủ nô, đều là chính quyền của giai cấp chủ nô cốt để đàn áp người nô lệ và dân chúng.

Trong thời đại tư bản chủ nghĩa bây giờ, nhà nước có thể là chế độ tổng thống (Mỹ), quân chủ lập hiến (Anh) cọng hòa (Pháp) đều là quyền chuyên chính của giai cấp tư bản. Không phải vì lẽ tất cả các giai cấp đều có đại diện (không kể đến các loại đầu phiếu và luật tuyển cử gian lận) ở nghị viện, và nghị viện cử ra chính phủ, mà có thể nói rằng nhà nước đó là của mọi người, trên mọi giai cấp.

Bởi vậy cho nên công nông, nhân dân không thể dùng bộ máy nhà nước này cho lợi ích của mình, mà phải tiêu diệt nó, phá vỡ nó bằng bạo lực.

Chủ nghĩa cải lương thì bám vào nhà nước này, chỉ muốn “cải lương” nó, không muốn phá nó, vì thế mà thực sự ra, chủ nghĩa cải lương bảo tồn quyền thống trị của tư bản.

Chủ nghĩa vô chính phủ có ý phá Nhà nước tư bản, nhưng lại nói rằng không cần phải lập nhà nước nào khác. Không lập sao được? Không có bộ máy nhà nước của vô sản, của Công Nông, của nhân dân thì tư bản, địa chủ quật khởi lại ngay. Chúng nó tuy đã bị đánh đổ nhưng hãy còn mạnh vì tập quán lâu đời trong nhân dân, vì có kinh nghiệm tổ chức xã hội cai trị; vì còn tiền của chưa bị tịch thu hết; vì còn có tay chân ở các tầng lớp nhân dân chưa giác ngộ, vì còn có tư bản chủ nghĩa thế giới hỗ trợ cho nó v.v.. Vả lại, một giai cấp không  bao giờ chịu chết mà không kháng cự đến phút cuối cùng. Nó kháng cự bằng nhiều cách: nổi loạn, phá hoại, ám sát, xin đế quốc can thiệp bằng võ trang, làm mật thám cho giặc.

Cho nên lẽ tất nhiên, phải có một nhà nước mới, mạnh của vô sản, của công nông, của nhân dân để đàn áp chúng nó để giữ gìn biên cương của xứ Cách mạng thành công, cả để ủng hộ cách mạng ở các xứ khác nữa.

Song vô sản chuyên chính không chỉ có nhiệm vụ đàn áp phản Cách mạng. Nó còn có nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế mới, xây dựng xã hội chủ nghĩa theo kế hoạch, có mục đích thủ tiêu chế độ người bóc lột người, lập một cuộc đời sung sướng cho nhân dân. Lại có nhiệm vụ giáo dục cho vô sản, giáo dục công nông, giáo dục toàn dân theo tinh thần mới. Đó là những công nghiệp khó khăn và lâu dài.

Vô sản chuyên chính do Đảng lãnh đạo, nhưng không phải là chuyên chính của Đảng. Toàn thể nhân dân bằng vô số hình thức tham gia chính quyền, tham gia trị nước. Thực chất của vô sản chuyên chính là giai cấp vô sản liên hiệp với nông dân; mối đồng minh giữa công, nông càng chặt thì Vô sản chuyên chính càng vững, Vô sản chuyên chính càng vững thì sự thủ tiêu các giai cấp bóc lột mới có hiệu nghiệm.

Vô sản chuyên chính được tổ chức duới hình thức Sô viết, hình thức uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân. Các phần tử đối tượng Cách mạng bị truất quyền nhân dân đến khi nào họ được cải tạo bằng tự thân lao động.

Vô sản chuyên chính đem quyền hành thực sự cho tối đại đa số nhân dân; chính vì lẽ ấy mà nó là dân chủ thực sự. Trái lại, dân chủ tư bản, chẳng qua là cái quyền của dân cứ ba, bốn năm một lần cử người vào Nghị viện để người ấy tha hồ phản lại quyền lợi của dân mà dân không có quyền bãi miễn họ (lẽ cố nhiên là trừ Nghị viện Cách mạng ra.)

Một nhiệm vụ căn bản của Vô sản chuyên chính là đào tạo ra điều kiện để thủ tiêu giai cấp. Cần nói ngay rằng thủ tiêu giai cấp bằng phương sách tăng cường giai cấp đấu tranh đến khi nào tàn tích của sự bóc lột bị hoàn toàn thủ tiêu chẳng những trong nước mà khắp thế giới. Thủ tiêu giai cấp bóc lột không phải là giết người trong giai cấp bóc lột. Lẽ tất nhiên những kẻ có nợ máu đối với nhân dân thì phải trả nợ ấy; còn kỳ dư thì bị tịch thu, trưng thu tài sản; người bị tịch thu có công việc để làm, có đất để cày, lao động hóa thì một thời gian sau, sẽ có đủ quyền công dân như người lao động khác. Trước mắt chúng ta ngày nay chúng ta thấy quá trình thủ tiêu sự bóc lột phong kiến ở thôn quê; trưng mua, trưng thu, tịch thu tùy thái độ địa chủ đối với Cách mạng; nợ máu trả xong, người địa chủ về và gia đình họ vẫn được một phần đất để cày cấy làm ăn; so với việc phong kiến, giết nông dân, cướp đất nông dân thì có thể nói rằng Cách mạng rất khoan hồng. Khi tiến lên xã hội chủ nghĩa ở thôn quê thì vấn đề căn bản là đoàn kết bần trung nông trong công cộng nông trường, đấu tranh với tầng lớp tư sản ở thôn quê, chớ không phải là “sát nhập phú nông vào xã hội chủ nghĩa” như bọn thỏa hiệp Bu-kha-rin chủ trương. Người phú nông sẽ trở thành người nông dân lao động rồi một thời gian sau sẽ được vào nông trường như phú nông lao động khác.

Còn ở thành thị thì, khi giai cấp vô sản lên nắm chính quyền, đem nhà băng, xí nghiệp, hầm mỏ v.v. về tay nhà nước mới rồi thì chính vô sản đã không phải là vô sản nữa rồi, tuy họ còn ăn lương, mà không còn bị bóc lột, họ là chủ công cộng của những phương tiện sản xuất lớn. Thủ tiêu tư bản là tịch thu tài sản đại tư bản, là xây dựng công nghệ và thương mại quốc gia lấn mãi bộ phận công nghệ và thương mại tư bản còn sót lại cho đến khi không còn nữa, khi sản xuất của quốc gia đủ cung cấp cho toàn thể nhân dân. Nhưng thủ công, tiểu chủ có thể qua con đường hợp tác xã mà sát nhập vào xã hội chủ nghĩa, tựa như trung nông ở thôn quê.

Trải thời kỳ thủ tiêu giai cấp này, giai cấp tranh đấu rất kịch liệt về mọi hình thức: chính trị, kinh tế, tư tưởng, quân sự, giáo dục v.v. Những cuộc xử án gần đây ở Bun-ga-ri, Hung-ga-ri v.v. chứng tỏ rằng dưới chính quyền nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo, phe tư bản vẫn không chịu bó tay: Tiệp khắc, Lỗ, thay những tàn tích đại nghị bằng những uỷ ban của thô thuyền và nhân dân, cũng là bằng cớ rằng phải đẩy mạnh giai cấp tranh đấu tới trước mới đi đến xã hội chủ nghĩa được. Ngay ở Liên xô, bọn Bu-ca-rin, Tờ-rốt-ki là gì; nếu không phải là đại biểu cho phú nông, tư sản bị thủ tiêu, giương chống lại với vô sản chuyên chính? Người không hiểu rõ giai cấp tranh đấu, nhà tuyên truyền tư bản tưởng đâu đó là cuộc “giành quyền” giữa các lãnh tụ cộng sản Nga, kỳ thật “tả” và “hữu” phái kia và những cựa quậy cuối cùng của giai cấp tư sản bị tiêu diệt bằng kinh tế. Trong lúc, thế giới còn chia ra làm hai, một bên tư bản chủ nghĩa, một bên xã hội chủ nghĩa; thì phản động quốc tế cố sức ủng hộ phản động chống những nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Cho nên khi cầm quyền rồi, nếu giai cấp vô sản giảm bớt giai cấp tranh đấu vì một lẽ nhân đạo duy tâm, huyền ảo nào thì không khỏi tự mình gây họa cho chính mình và cho quần chúng.

Giai cấp tranh đấu diễn ra trong một nước giữa vô sản và tư bản.

Giai cấp tranh đấu diễn ra trong thế giới giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên xô lãnh đạo và hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu.

Cả hai đều dắt đến thủ tiêu bóc lột giai cấp, áp bức dân tộc. Công cụ mạnh nhất trong sự nghiệp vĩ đại này là chính đảng và chính quyền cách mạng.

 xã hội không giai cấp, con người mới thật là bước hẳn vào thời đại văn minh của nó. Thủ tiêu sự người bóc lột người thì tức là thủ tiêu dân tộc áp bức dân tộc.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt