Chủ nghĩa Marx

Giai cấp đấu tranh và động cơ của lịch sử (3)

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

GIAI CẤP TRANH ĐẤU ĐỘNG CƠ CỦA LỊCH SỬ

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 
 

III. GIAI CẤP TRANH ĐẤU, ĐỘNG CƠ CỦA LỊCH SỬ

Bên trên chúng ta đã cắt nghĩa giai cấp và giai cấp tranh đấu; bây giờ hãy xét xem vì lẽ gì, với những bằng chứng gì, mà chúng ta có thể cần phải xem giai cấp tranh đấu là động cơ của lịch sử:

- Bởi vì từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến nay, cuộc giai cấp đấu tranh làm cho một chế độ xã hội cũ chuyển sang chế độ xã hội mới căn cứ vào sự phát triển của lực lượng sản xuất, căn cứ vào mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất.

- Bởi vì ngay trong khuôn khổ của một chế độ xã hội nhất định, những sự biến đổi quan trọng về chính trị và về văn hóa đều là kết quả trực tiếp hay gián tiếp của giai cấp tranh đấu.

- Và bởi vì, cho đến các cuộc áp bức dân tộc, giải phóng dân tộc rốt cùng cũng là những hình thái đấu tranh giai cấp. Chính vì những lẽ căn bản ấy mà học thuyết giai cấp tranh đấu phải là nền tảng, là ngọn đuốc rọi đường của mọi chủ trương cách mạng, từ cách mạng vô sản xây dựng chủ nghĩa xã hội đến cách mạng dân tộc giải phóng, thì mới có thể thành công được.

Nói về thuyết giai cấp đấu tranh của Marx, Lê-nin viết:

“ Mỗi người đều biết rằng trong mọi xã hội, kỳ vọng của những kẻ này đụng chạm với kỳ vọng của những kẻ khác; rằng sinh hoạt xã hội dẫy đầy mâu thuẫn; rằng lịch sử phát hiện trước mắt ta cuộc đấu tranh giữa các dân tộc và xã hội, cả cuộc đấu tranh trong nội bộ các dân tộc và xã hội; rằng ngoài ra, lịch sử còn chỉ cho ta thấy nối tiếp nhau những thời kỳ cách mạng và phản động, hòa bình và chiến tranh, đình trệ và phát triển mau chóng hay là suy sụp. Trong chỗ rối ren phức tạp ấy, chủ nghĩa Mác cung cấp cho chúng ta một mối dây để phát kiến sự tồn tại của quy luật; ấy là học thuyết về giai cấp đấu tranh.”

Lê-nin lại nói thêm:

Đặc biệt là từ cuộc đại cách mạng Pháp, thì lịch sử Âu châu, trong nhiều xứ, đã phơi bày một cách rõ rệt, đặc biệt rằng nguyên nhân thực sự của các biến cố là giai cấp đấu tranh... rằng giai cấp đấu tranh là động cơ của biến cố.” 1

1. Giai cấp tranh đấu làm cho một chế độ xã hội mới thay thế một chế độ xã hội cũ. 

Nền tảng sâu xa của sự biến chuyển từ một chế độ xã hội này lên một chế độ xã hội kia là sự phát triển của lực lượng sản xuất; chúng ta đã biết rồi. Chúng ta cũng đã biết rằng sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định sự biến chuyển của tương quan sản xuất; tương quan sản xuất cũ phải đổ đi để mà thích ứng với trình độ mới của lực lượng sản xuất. Đó là một quy luật tuyệt đối.

Thế nhưng: trong xã hội, nhất là trong xã hội có giai cấp, quy luật có khác với quy luật tự nhiên, đúng như lời của đồng chí Staline đã dạy trong quyển “Những vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên xô.”

Khác với quy luật của tự nhiên, trong đó thì gần như không có sự trở ngại trong sự phát triển và ứng dụng quy luật, còn trong lĩnh vực kinh tế, sự phát triển và ứng dụng quy luật nào có đụng chạm đến quyền lợi của những lực lượng suy tàn của xã hội, đều gặp phải sức phản kháng cương quyết nhất của lực lượng ấy. Phải có một lực lượng xã hội có sức đánh bại sức phản kháng ấy.”

Bọn chủ nô có muốn giải tán chế độ chiếm hữu nô lệ đâu? Bọn phong kiến có muốn giải phóng nông nô đâu, nhất là có muôn tự giải tán giai cấp nó mà đem quyền sở hữu ruộng đất về cho dân cày đâu? Bọn tư bản đế quốc có muốn thủ tiêu tư bản chủ nghĩa, lập xã hội chủ nghĩa đâu?

Ngược lại, mặc dầu quy luật phát triển của quy luật đòi hỏi, mặc dầu tương quan tài sản cũ xung đột với lực lượng sản xuất mới, các giai cấp bóc lột nhất định cùng chính quyền của nó mà giữ tương quan tài sản cũ, giữ chế độ cũ. Cho nên phải có cách mạng. Cách mạng là giai cấp tranh đấu: Cách mạng của người nô lệ; Cách mạng Tư sản; Cách mạng Vô sản. Điển hình nhất của Cách mạng của người nô lệ là cuộc đánh đổ Đế chế La mã (376-378); của Cách mạng Tư sản là cuộc Cách mạng Pháp 1789-93; của Cách mạng Vô sản là Cách mạng Nga năm 1917.

a. Cách mạng của những người nô lệ

Nguyên nhân căn bản của sự sụp đổ của chế độ nô lệ là phong trào Cách mạng của người nô lệ, là cuộc Cách mạng của người nô lệ. Staline nói:

Cuộc Cách mạng của người nô lệ thủ tiêu bọn chủ nô, nó thủ tiêu hình thức nô lệ của sự bóc lột người lao động; nhưng nó thay vào đó những người phong kiến và chế độ nông nô trở thành hình thức bóc lột ngưồi lao dộng. Bọn bóc lột này thay bằng bọn bóc lột khác.”1

Có Cách mạng của người nô lệ không? Nếu có thì nó xảy ra hồi lúc nào? Xưa nay sử gia tư bản nói rằng sở dĩ chế độ La mã sụp đổ là vì người dã man xâm lăng, nói như thế có đúng không?

+ Những yếu tố và những giai đoạn của cuộc Cách mạng của những người nô lệ.

Cách mạng của người nô lệ là một sự thực lịch sử. Không phải Stalin và những người Mác-xít bẻ vẹo lịch sử theo giai cấp đấu tranh và Cách mạng của họ; mà chính là bọn (lý thuyết) học giả tư bản giấu diếm sự thực lịch sử để toan bài xích Cách mạng. Ở chế độ La mã, cuộc Cách mạng của người nô lệ trải qua mấy giai đoạn sau đây:

- Những cuộc khởi nghĩa dưới chế độ Cộng hòa trong những thế kỷ thứ hai và thứ nhất trước C.L.; cực điểm của phong trào này là cuộc khởi nghĩa lịch sử do Spartacus cầm đầu. Đứng về quan điểm lịch sử mà nhận xét thì đây chỉ là một phong trào cách mạng của người nô lệ chưa phải là một giai đoạn của Cách mạng nô lệ, bởi vì trong thời kỳ này chế độ chiếm hữu nô lệ hãy còn đang tiến lên.

Tuy nhiên nguyên nhân chính của sự biến đổi chính thể (từ Cộng hòa sang Đế chế) chính là các cuộc khởi nghĩa này.

(Spartacus đứng đầu một đạo quân gồm có 70.000 người nô lệ, rất nhiều người chăn bò, người tiểu nông, người chăn chiên và liên kết với hàng vạn người dã man bị người La mã áp bức, chống lại chính quyền chủ nô, thắng nhiều trận lớn. Trong hàng ngũ quân đội nô lệ có sự chia rẽ giữa người giống này và người giống kia. Spartacus tử trận năm 71 trước C.L.)

Khởi nghĩa Spartacus rất oanh liệt, làm cho La mã gặp phải một lúc nguy kịch, nhưng nó không làm sụp đổ chiếm hữu nô lệ.

- Phải đến khi chế độ La mã bị khủng hoảng nặng trong thế kỷ thứ hai, thì cuộc cách mạng của người nô lệ mới bắt đầu.

Cổ sử ghi lại rằng:

Những người công dân xưa nay không biết gì về nghệ thuật chiến tranh thì bây giờ lại thích nghệ thuật chiến tranh.

Người cày ruộng trở thành anh bộ binh, người chăn bò hóa ra anh kỵ binh, người nhà quê lại phá phách ruộng vườn của mình, bắt chước kẻ địch dã man.”

Xem đó thì biết nội tình La mã rối rắm thế nào.

Trong lúc đó thì những cuộc xâm lăng lớn của người dã man. Nô lệ khởi nghĩa là yếu tố thứ nhất của cuộc cách mạng nô lệ; yếu tố thứ hai là nông dân nghèo ở các nơi nổi dậy liên minh với người nô lệ; yếu tố thứ ba là cuộc nổi dậy của người dã man bị đế chế La mã trực tiếp hay gián tiếp áp bức bóc lột, đó là chưa kể rằng dân cả nước Ý, các nước tiến bộ ở Đông phương chống lại bọn thống trị La mã.

Tỉ dụ: Theo sự ghi chép của nhà sử học Fascáite thì năm 28 Drusus (thống trị La mã) bắt buộc người dân ở vùng Frise (Tây bắc lục địa Âu châu) phải nộp da bò cho quân đội La mã, không đủ bò thì nộp con và nộp vợ, vì thế họ nổi lên bắt những người lính La mã đóng lên cây thập ác.

Nông dân và người ‘dã man’ là đồng minh của người nô lệ.

- Các lực lượng cách mạng liên kết nhau đánh quỵ chế độ La mã vào khoảng 376-378. Lúc đó người Hung nô đuổi người Goth từ đông sang tây và từ bắc xuống nam trên lục địa Đông Âu. Người Goth xin vào ở Thrace (Đông bắc Hy lạp hiện nay) lẽ cố nhiên là bọn thống trị La mã tán thành bởi vì như thế thì càng có thêm dân để mà bóc lột. Người Goth đói, bọn cầm quyền La mã sai đi bắt chó các nơi đổi cho người Goth ăn thịt, mỗi con chó thì đổi lấy một người nô lệ. Người Goth  bực tức nổi dậy. Trong lúc ấy, người nô lệ, người phu hầm mỏ người Goth hiệp sức với nhau để võ trang khởi nghĩa, hoàng đế Valens thân chinh đứng đầu một đạo quân lớn, có những tướng tá tài ba nhất, kinh nghiệm nhất của La mã; chúng bị dân đánh du kích đêm ngày, đến trận Andrinople thì quân La mã bị hoàn toàn thất bại, theo đó cả chế độ chiếm hữu nô lệ bị tan rã, trong lịch sử nhân loại, ít ra là ở Âu châu, chế độ chiếm hữu nô lệ chấm dứt từ đấy, và từ đấy bắt đầu thời trung cổ phong kiến, khúc ngoặt lịch sử ở đó; cuộc cách mạng nô lệ là thế.

+ Những nét khủng hoảng khác của chế độ nô lệ

Chế độ chiếm hữu nô lệ đô vì giai cấp đấu tranh, vì cách mạng. Nó cũng đổ vì sự suy nhược kinh tế có những hiện tượng suy nhược và khủng hoảng như sau khiến cho nền tảng kinh tế của chế độ nô lệ lần lần sinh ra những điều kiện cho kinh tế phong kiến:

Nô lệ không có một tý quyền lợi nào trong sự sản xuất, nói chung chủ thì có tất cả, họ thì chẳng có gì cả, con thú còn có phần hơn vì thú không biết nghe chửi mắng, thú da lại dày hơn chịu đòn, vì thế mà sự sản xuất không có động cơ để tiến bộ, kỹ thuật bị nhân công nô lệ mà tiến chậm rồi đến lúc không tiến nữa; nhân công rẻ quá ai lại nghĩ đến việc cải tiến kỹ thuật làm chi cho nên nhiều nhà điền chủ lần lần thấy rằng nếu muốn có thóc lúa hơn phải để cho nông nô đất làm miếng nào đó còn phần lớn thì giờ đó phải cày đất của chủ. Người nông nô bắt đầu xuất hiện hơn nữa đến lúc suy sụp của chế độ chiếm hữu nô lệ, còn quyền quý La mã không còn tiền để tăng cho quân lính. Chúng nó phải trả lương cho quân lính bằng cách cắt ban cho một khoảng đất nhỏ hay cắt ban cho tướng tá những quảng đất rộng hơn. Những bộ tộc hay bộ tộc liên hiệp gọi là dã man khi chiến thắng những quốc gia chủ nô thì chiếm đất cát từng vùng đất rộng chia cho những người có công, chia cho bà con của vua chúa thành những thái ấp (rộng bằng cả huyện cả tỉnh cả xứ hiện giờ). Thế thì trong lúc chế độ chiếm hữu nô lệ suy xuống thì mầm mống phong kiến đã nẩy nở.

Trong nông nghiệp, từ từ kinh tế thu hẹp lại cho từng địa phương nhỏ mà bớt hẳn sự sản xuất to lớn (do nộ lệ) để bán đi xa xăm. Trong công nghệ cũng thế. Thương mãi do đó mà sút kém xuống đi. Da dĩ vào thành phố suy tàn đi thì sự mua bán thị trường của nông sản hay xa xỉ phẩm cũng có hẹp lại kinh tế phong kiến bắt đầu có ít nhiều tính chất từng vùng, bế quan tỏa cảng

2. Cách mạng tư sản

Chế độ chiếm hữu nô lệ bị chế độ phong kiến thay thế. Nhưng chế độ phong kiến không vĩnh cữu được, mặc dù nó là bước tất yếu trong lịch sử. Độ thế kỷ 13, 14, 15 trở đi thì các thành thị xuất hiện. Một giai cấp mới xuất hiện, giai cấp  tư sản. Rồi thương mãi, công nghệ cứ phát triển, sự phát triển của công thương bị tương quan tài sản và luật pháp phong kiến ngăn trở. Ví dụ: chế độ nông nô ngăn cản việc tìm nhân công của tư sản; chế độ phường hội ngăn cản công nghệ; sự bất thống nhất về đo lường; các loại quan thuế từ tỉnh này sang tỉnh khác của một nước ngăn cản thương mãi, tư sản đã giàu có đã chiếm quyền kinh tế, mà quyền chính trị vẫn nằm trong tay của phong kiến quý tộc, chính quyền phong kiến này không bảo đảm được quyền lợi của giai cấp tư sản.

Chính vì thế mà giai cấp tư sản lãnh đạo các tầng lớp bình dân làm cách mạng cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và phong kiến đã xuất hiện từ lâu nói chung đến đầu thế kỷ thứ 18 thì chế độ phong kiến sụp đổ hẳn. Chúng ta đã biết rằng những phong trào phục hưng, Tin lành, lập quốc gia thống nhất là tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa tư sản và phong kiến, trước khi có những cuộc cách mạng tư sản như cách mạng Hà lan, cách mạng Anh, và đặc biệt nhất, điển hình nhất, triệt để nhất là cách mạng Pháp 1789-93, sau đó, còn có những cuộc cách mạng tư sản ở Pháp trung tây, và nam Âu quanh những năm 1848-1850.

Cách mạng 1789 căn cứ vào lực lượng bình dân do giai cấp tư sản lãnh đạo kéo luôn tiểu quí tộc và hạ giáo sĩ lật đổ nền quân chủ chuyên chính lập dân chủ tư sản (tức là tư sản chuyên chính). Vua chồng vua vợ đều bị chém đầu, bọn quý tộc lớn đều bị tịch thu tài sản, ruộng đất của chúng bị bán lại cho nông dân khá giả, các đặc quyền phong kiến bị thủ tiêu, sự thống nhất quốc gia về các mặt cai trị, đo lường, giao thông, luật pháp v.v. được hoàn thành. Về sau bọn phong kiến còn có lần trở lại cầm quyền Louis 18, Louis Phillip vv. Nhưng vẫn không thể nào gạt tư sản ra được, vẫn không thể nào phục hồi phong kiến được và rốt cùng thất bại hoàn toàn, chế độ tư bản chủ nghĩa được tự do phát triển chính quyền tư sản được củng cố, quay về trấn áp cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã xuất hiện và đã đứng dậy ngay trong những bước đầu của cách mạng tư sản.

Thế kỷ 19 và những năm đầu của thế kỷ 20 là thời kỳ thịnh đạt của tư bản. Nhưng tư bản chủ nghĩa phát triển lại dắt đến cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa

3. Cách mạng vô sản

Ngay trong những giai đoạn cách mạng tư sản thì đã có ở Anh, ở Đức, ở Pháp những phong trào mới bắt đầu của công nhân. Riêng bên Pháp hồi thời 1792-93 đã có nhóm của Babeuf. Nhưng lúc bấy giờ giai cấp vô sản còn ít ỏi, rời rạc chưa có ý thức giai cấp; chưa có đoàn thể riêng của mình, mãi đến giữa thế kỷ 19, với sự phát triển của đại công nghệ, thì giai cấp vô sản mới bắt đầu trở thành một lực lượng chính trị độc lập, nó chứng tỏ sức mạnh và ý thức của nó trong các cuộc bạo động cách mạng như 1848, nhất là 1871 với Paris Công xã.

Đầu thế kỷ 20, đứng về mặt lịch sử phát triển thì xã hội đã gấp rút đòi hỏi một sự biến đổi cách mạng lớn để đánh đổ tương quan tài sản tư bản, lập tương quan mới, xã hội chủ nghĩa, thích ứng với trình độ mới của lực lượng sản xuất (máy hơi nước, máy điện, sản xuất đại quy mô của công nghệ v.v.) lúc này, trung tâm cách mạng thế giới đã xoay về đông Âu. Tất nhiên là giai cấp tư sản cố bám lấy chế độ tư bản. Tất nhiên là tư bản chủ nghĩa không thể nào “tự nhiên sụp đổ” như có người tưởng tượng lý thuyệt “tư bản chủ nghĩa tự nhiên sụp đổ” “tự nó sụp đổ” của Rosa Luxembourg đã sai với sự thực, hại cho giai cấp vô sản mà cũng trái với đời hoạt động cách mạng hăng hái của chính Rosa Luxembourg. Chúng ta đã có dịp phê bình thuyết “tiêu đế quốc chủ nghĩa” của Kaubky hay “thời kỳ Hoa kỳ” của Trốt ky, các lý thuyết này đều có tác dụng ru ngủ vô sản toan “tiếp hạch” cho đế quốc chủ nghĩa suy tàn. Thực tế lịch sử là đế quốc chủ nghĩa không thể trường sinh, mà cũng không tự nó đổ nát. Xã hội chủ nghĩa là tất yếu, song phải có cách mạng, có xây dựng nó, chớ không phải nó từ từ đến một cách ngẫu nhiên. Paris Công xã, cách mạng 1905 ở Nga đã là những dấu báo hiệu của thời kỳ cách mạng vô sản. Chính cách mạng vô sản (giai cấp đấu tranh giữa vô sản và tư bản, vô sản đánh đổ tư bản bằng bạo lực) là cô đỡ là cái khẩu hiệu căn bản, tất yếu để chấm dứt chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Cách mạng vô sản đã bắt đầu thành công ở nước Nga năm 1917 tháng 10 lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại cách mạng đã đưa lên cầm chính quyền không phải là một giai cấp bóc lột mà là một giai cấp lao động bị bóc lột Từ đó đến nay, cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo đã thành công trên hơn mười nước nữa. Và từ nay về sau trên con đường tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa nhân dân các nước muốn đạp đổ tư bản chủ nghĩa tiến qua xã hội chủ nghĩa thì không thể không dùng cách mạng nghĩa là giai cấp tranh đấu vẫn là động cơ lịch sử, đẩy  lịch sử các nước qua từ chế độ xã hội này đến xã hội kia, cao hơn. Nói tóm lại: Từ chiếm hữu nô lệ đến phong kiến: có cách mạng của người nô lệ. Từ phong kiến đến tư bản chủ nghĩa có cách mạng tư sản, từ tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa có cách mạng vô sản. Cách mạng võ trang khởi nghĩa là mực cao nhất của giai cấp đấu tranh.

- Nhà sử học Liên xô, giáo sư Machkine cắt nghĩa vì lẽ gì mà ở La mã (thượng cổ) nền cộng hòa bị thay thế bằng đế chế; một mặt thì thế lực La mã đã phát triển rộng ra tứ phương. Vượt qua cương giới eo hẹp của một thị trấn và ngoại vi của nó; một mặt khác, và mặt này là mặt quyết định các cuộc nội chiến, các cuộc khởi nghĩa của nô lệ và nông dân đã làm cho nền cộng hòa không đứng vững được; cần có một bộ máy thống trị, một hình thức chính quyền mạnh mẽ hơn để đối phó với các cuộc đấu tranh của nô lệ, nông dân và các “man tộc”, bảo đảm quyền lợi của giai cấp chủ nô và quý tộc: đó là đế chế.

o0o

Lại một tỷ dụ trong chế độ phong kiến: làm sao cắt nghĩa sự tiến triển của nước Pháp chẳng hạn từ phong kiến phân quyền đến phong kiến tập quyền? Tất nhiên phải thấy một là sự phát triển của thương mại đòi hỏi thống nhất, hai là phải thấy rằng giai cấp tư sản còn yếu chưa tự nó làm việc lớn được mà nhà vua thì bản thân cũng yếu, tự mình không thắng nổi chư hầu nên tư sản ủng hộ ý chí thống nhất của nhà vua để cùng nhà vua phá tan sức cát cứ địa phương của vương hầu phong kiến. Hay là nếu muốn cắt nghĩa tại sao trong lịch sử Việt Nam chúng ta, nhà Lý thay cho nhà Tiền Lê, nhà Trần thay cho nhà Lý mà ta cắt nghĩa bằng tài ba của Lê Hoàn, mưu trí của Lý Công Uẩn, thủ đoạn của Trần Thủ Độ, thì chúng ta sẽ không cắt nghĩa gì cả, bởi vì cách giải thích duy tâm ấy giống như các loại chìa khóa mở tủ nào cũng được, mà không phải là chìa khóa thật của tủ nào.

Nhà sử học Hoàng Xuân Hãn trong quyển Lý Thường Kiệt tập Hai có viết:

Lý Thuờng Kiệt biết trọng quyền lợi chung. Nếu không thì sao khi vua còn nhỏ, ông cầm hết quyền bính và quân đội trong tay mà không bắt chước Lê Hoàn hay Lý Công Uẩn chỉ ra một lệnh là cướp được ngai vàng.” (trang 382)

Ông Hãn lại viết thêm:

“...mỗi lúc ta thấy có Nho gia bài xích Phật giáo thì ta biết rằng nước sẽ có cuộc tranh quyền lợi giết hại lẫn nhau. Sau khi Đàm Dĩ Mông sa thải tăng già thì có Trần Thủ Độ liền sau tà sát họ Lý. Cuối đời nhà Trần, nho học nên thịnh. Có Trương Hán Siêu, Lê Quát chỉ trích đạo Phật, thì sau lại có Hồ Quý Ly sát hại nhà Trần. Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly làm những việc kia ấy cũng vì muốn thi hành chính trị vi danh, xa hn lòng bác ái từ bi của Phật.”1

Nói một cách khác ông Hoàng Xuân Hãn xem việc nhà Lý thế nhà Tiền Lê, nhà Trần thế nhà Lý, nhà Hồ thế nhà Trần là những việc lịch sử gây ra bởi tính tình cá nhân, bởi cá nhân có uy quyền không chịu ảnh hưởng từ bi của đạo Phật! Đó là duy tâm luận lịch sử. Có phải thế không? Hay là vì lý do sâu xa nào? Trong nước không có khủng hoảng chính trị trầm trọng do giai cấp đấu tranh mà ra thì quần thần làm sao có ý khuynh đảo chính quyền, và nếu Lý Thường Kiệt có cướp ngôi liệu có được không hay là bị toàn dân phản đối rồi phải bị tiêu diệt mặc dầu quyền bính và quân đội ở trong tay? Vậy phải cắt nghĩa như thế nào? Vì lẽ gì mà Lý thay Lê, Trần thay Lý?

- Nhằm vào quy luật phát triển của lịch sử, chúng ta sẽ tìm thấy những ánh sáng sơ bộ như sau đây: sử ta không có (hay là chưa tìm ra) chép gì mấy về tình hình sinh hoạt của nhân dân thời ấy, nhưng ta biết rằng Lê Hoàn và con đã phát triển chế độ phong kiến cao hơn một bước so với thời Đinh tức nhiên là thuế vụ thêm tăng, các việc đào kênh suốt từ Bắc thành vào tới Nam thành chắc phải lớn, phu phen rất nhiều nhất là với kỹ thuật thời bấy giờ sau khi đánh bại quân Tống thì còn có nhiều cuộc đánh nhau giữa các thân vương (Long Tích, Long Đỉnh, Long Kính, Long Việt) tranh ngôi giữa triều đình và các tù trưởng, các cuộc đề kháng của người thiểu số (989, 990, 999, 1000, 1001, 1005, 1008… ) từ Hà Giang, Ninh Bình tới thành Nghệ mà vua thân chính mới bình định được. Nói loạn ly, chinh chiến là nói bắt lính bắt phu, tăng thuế v.v. cho nên không lạ gì mà sử còn chép lại nhiều cuộc nổi lên của nhân dân, ví dụ như ở vùng Hoan Diễn (1909) bị Long Đỉnh tàn sát rất dữ dội. Long Đỉnh nổi tiếng tàn ác, tàn ác nổi tiếng ấy là cá tính hay đó là một phản ứng cực độ của phong kiến cầm quyền đối với các cuộc khởi nghĩa của nông dân và dân tộc thiểu số? Các cuộc khởi nghĩa ấy không đánh đổ nổi ngôi vua Lê, song từ trung châu đến miền núi, từ Bắc vào Nam, cả kinh thành ai cũng oán ghét nhà vua. Vì thế mà năm 1000 nghĩa là chính cái năm nổi lên của nông dân Hoan Diễn (Nghệ Tĩnh), Lý Công Uẩn thừa nhân tâm, thừa quyền bính quân sự trong tay đoạt ngôi vua tiền Lê mà nhân dân hoàn toàn không phản ứng nghịch lại, lại còn có ý trông mong rằng anh con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp sẽ là một minh quân. Giá là thời Lê Hoàn thắng Tống thì Công Uẩn có chiếm ngôi Lê được không, nhân dân sẽ không cho phép. Vậy căn bản là nhân dân tranh đấu chống nhà vua làm cho nhà Tiền Lê đổ, Lý Công Uẩn lợi dụng thời cơ mà thôi. Trong tình trạng phong kiến lạc hậu khởi nghĩa của nông dân chỉ có thể dắt đến sự thay đổi thời đại.

Bây giờ lại nói đến sự thay đổi thời đại từ Lý sang Trần? Người làm sử trước kia thường hay cắt nghĩa điều ấy bằng sự bất lực của những tên vua cuối cùng của nhà Lý, bằng mưu mô xảo quyết của Trần Thủ Độ. Các điều ấy có thực song xét sâu hơn nữa, xét vào gốc của hiện tượng thì ta thấy rằng:

Không kể từ xa xôi, chỉ kể từ đời Thiên Tường thì nhân dân đã khổ ghê gớm lắm, sử cũ chép những việc kỳ quái, những việc kỳ quái ấy có hay không là một điều khác nhưng đó là bằng cớ tình cảnh dân khổ sở, lòng dân uất ức, muốn có một sự thay đổi về chính trị: động đất, sao chổi, mưa máu, mưa dầm, mưa đá, lụt lội, sâu keo, ôn dịch. Tới đời Long Cán thì những việc đó xảy ra nhiều hơn, nghĩa là lòng dân càng muốn thay đổi chính cục hơn. Sự còn chép việc Thiên Tường định luật lệ cấm chuộc đất, thế nghĩa là việc địa chủ chiếm đất của nông dân rất phổ biến, nghiêm trọng. Dân Ninh Bình khởi nghĩa, vua Thiên Tường phải thân chinh mới dẹp được. Sang thời Long Cán thì phụ chính là Đỗ Yên Di cấm bán muối và đồ sắt cho dân thiểu số, chắc chắn là vì họ chống triều đình và triều đình làm như thế là họ lại càng chống mạnh hơn. Cán lại thích xây cung điện ăn chơi, dân càng phải đóng góp hơn nữa. Năm năm 1202 dân Mang Hoá (Thanh Hóa) nổi lên và người Mường ở miền Đại hoàng nổi lên. Năm 1203 dân Mường lại nổi lên nữa, rất mạnh; nói thẳng la chống tàn bạo của thái phó Đàm Dĩ Mông, nhà vua đánh mãi không dẹp nỗi. Sử cũ chép lại là: “giặc cướp ấy là nhân dân chỗ nào cũng nổi.” Đặc biệt là năm 1201, sau một năm mất mùa đói khổ nghiêm trọng thì “dân nghèo vong mệnh ở trong vùng Nghệ Tinh nỗi lên cứ gỡ phá nhà giám” (địa chủ) phản kháng triều đình, nông dân lại được sự ủng hộ của quân lính dưới quyền của Phạm Du. Biến động trong dân sinh ra rối ren trong anh em bà con nhà vua.

Chính vì lẽ ấy, vì lẽ nhân dân oán ghét chế độ nhà Lý, yêu cầu thay đổi, nổi lên đòi thay đổi, mà Thủ Độ thừa được cơ hội, truất ngôi nhà Lý, lập đời nhà Trần. Lòng dân không ai luyến tiếc Lý nữa, lại hy vọng minh chúa Trần. Mot lần nữa, nông dân đấu tranh đưa đến một sự thay đổi triều đại, việc Hồ thay Trần, Tây Sơn thay Hậu Lê, thì càng dễ cắt nghĩa hơn nữa. Ta không cần phải chứng minh thêm làm gì.

o0o

Trong thời đại tư bản chủ nghĩa và cách mạng vô sản, sử liệu nhiều hơn là trong những thời đại trước, cho nên càng thấy rõ rằng giai cấp tranh đấu quyết định các biến cố lịch sử quan trọng về một chính quyền; ở đây không cần phải chứng minh dài giòng.

Tại sao ở Pháp cách mạng tư sản  đưa đến cộng hòa dân chủ tư sản; còn ở Anh chẳng hạn lại đưa đến quân chủ lập hiến? – Căn bản là bởi trình độ và điều kiện của giai cấp đấu tranh ở hai nơi khác nhau; bên Pháp giai cấp đấu tranh triệt để hơn.

Tại sao phát xít Hít-le lên cầm quyền ở Đức phải cắt nghĩa bằng sự khủng hoảng của chế độ tư bản chủ nghĩa ở Đức, bằng cuộc đấu tranh rất kịch liệt của vô sản Đức, chống tư bản Đức từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2; và sự kháng cự đàn áp vô cùng tàn bạo của tư bản đặc quyền. Không thể cắt nghĩa được hiện tượng phát xít bằng tâm lý của Hít-le, bằng tâm lý của người Đức.

Cũng bằng cách căn cứ vào giai cấp đấu tranh, ta cắt nghĩa chính phủ mặt trận bình dân ở Pháp, chớ không có cách cắt nghĩa nào khác hơn.

Có người hỏi tại sao ở Liên bang Xô viết, chỉ có một đảng trong chính quyền là Đảng Cộng sản Liên xô? – Đó là vì điều kiện giai cấp đấu tranh ở xứ Nga trong khoảng 1917; sau tháng 2 năm 1917, các đảng tiểu tư sản như men-sơ-vích, xã hội cách mạng trở thành đảng giai cấp tư sản, nắm chính quyền; chống cách mạng vô sản. Cách mạng vô sản nổi lên tháng mười năm 1917, “đánh đổ” giai cấp tư sản, chính là đánh đổ các đảng ấy; chỉ có đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân làm cách mạng và kháng chiến thì lẽ tất nhiên là trong chính quyền chỉ có một Đảng Cộng sản thôi. Còn ở Trung quốc chẳng hạn, điều kiện giai cấp đấu tranh khác đi: chống đế quốc, phong kiến, tư sản, quan liêu, không chỉ có Đảng Cộng sản, mà có cả nhiều đảng khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, cho nên chính phủ Bắc kinh sau đại thắng 1949 là một chính phủ Liên hiệp đa đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

o0o

Không phải rằng bất cứ hiện tượng chính trị kinh tế, văn hóa nào cũng là giai cấp đấu tranh; những hiện tượng chính trị kinh tế, văn hóa nào cũng dính dấp hoặc gần, hoặc xa với giai cấp đấu tranh, mà gần hơn là xa. Nhưng hiện tượng thuộc hạ tầng cơ sở tất nhiên là không do giai cấp đấu tranh quyết định; song vẫn chịu ảnh hưởng khá mạnh của giai cấp đấu tranh: ví dụ sự phát triển của máy móc chắc hẳn là không xa lạ gì mấy với ý chí tư bản bóc lột công nhân thêm nhiều (đấu tranh giai cấp về mặt kinh tế); hay như sự sử dụng máy móc trong nông nghiệp Liên xô, cũng chắc hẳn không xa lạ gì ý chí của công nhân thủ tiêu lối bóc lột tư bản (đấu tranh kinh tế và chính trị); đó là chưa kể rằng sự kỹ nghệ hóa một vùng nông nghiệp lạc hậu như Slovaquie, có tác dụng tính toán trước là đấu tranh chống mê tín dị đoan của một số đông nông dân (đấu tranh tư tưởng).

Tối đại đa số các hiện tượng văn hóa, nếu xét cho cùng, cũng do giai cấp đấu tranh quyết định, từ một tông phái tư tưởng, văn chương, nghệ thuật, cho đến môt tác giả, một bài thơ, duy có sự tìm kiếm mối tương quan giữa giai cấp đấu tranh với hiện tượng ấy có khi là rất khó, khó vì nó trải qua nhiều nấc trung gian.

Khó mấy cũng phải tìm, vì tư tưởng, văn chương nghệ thuật nào cũng tiêu biểu cho một hiện tượng xã hội đều do con người mà ra; có tác dụng đến con người khác, mà con người nào phải là con người trừu tượng, con người là con người thuộc một giai cấp nào, trong một xã hội nào, ở thời nào, mặc dù tác giả có viết để mà viết đi nữa, tác giả vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng đến người xung quanh, những người ấy lại thuộc các giai cấp, và có giai cấp thì tất có giai cấp tranh đấu, gần hay xa, rõ hay mờ, cuộc giai cấp tranh đấu quyết định tâm hồn, ý chí, tư tưởng của tác giả, luôn của những người không biết gì về giai cấp tranh đấu, không thích tham gia giai cấp tranh đấu.

Nói như thế có phải là máy móc quá chăng? Không, nếu có máy móc là ta áp dụng một cách máy móc, chứ không phải lý thuyết về giai cấp tranh đấu là máy móc.

Máy móc khi có một bạn bảo một cách quá đơn giản rằng: Đức phát xít đánh Ba lan, Bỉ, Hà lan, Pháp năm 1940 là giai cấp đấu tranh; nhưng sẽ không còn là máy móc khi ta nói rằng, tình hình giai cấp tranh đấu ở Đức sau chiến tranh thế giới Đức cắt nghĩa chế độ phát xít của Hitler; mà phát xít cầm quyền thì chiến tranh xâm lược tất nẩy ra, Hitler tìm sự thắng lợi bên ngoài để củng cố chế độ của nó bên trong, mà chế độ bên trong tức là tư bản độc quyền thống trị vô sản, thống trị nhân dân (tức giai cấp tranh đấu). Hitler cốt ý đánh tây phương và đông nam Au châu để thu góp toàn lực Au châu đánh Liên xô. Đức (tư bản) đánh Liên xô (vô sản) là giai cấp tranh đấu; và Anh, Mỹ cố lái con mắt Hilter qua phía đông, chúng nó trù trừ không sớm mở mặt trận thứ hai, mong Đức đánh cho Liên xô suy nhược, thái độ đó là giai cấp tranh đấu, rồi khi Hong quân lùa quân phát xít về phía Trung Au, Đức bại trận tới nơi, quân Anh Mỹ xông vào để cứu vãn chế độ tư bản một phần trung Au, đó là do ý thức giai cấp đấu tranh quyết định. Hiểu như thế thì không có gì là máy móc cả, và hiểu như thế mới đúng.

Cũng như thế chắc hẳn người vô sản Pháp không máy móc mà bảo một cách đơn giản rằng đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam là giai cấp đấu tranh, nhưng Đảng Cộng sản Pháp đứng vào quan điểm giai cấp đấu tranh mà nhận xét thấy cuộc xâm lược ấy đã hại cho nhân dân Việt Nam lại hại cho nhân dân Pháp, cho nên Đảng Cộng sản Pháp huy động giai cấp vô sản và toàn dân chống chiến tranh bẩn thỉu, ủng hộ việt nam kháng chiến, đó là giai cấp tranh đấu, một mặt khác giai cấp vô sản Pháp thấy rằng tư bản xâm chiếm thuộc địa càng nhiều thì nó lại bóc lột vô sản Pháp  lại càng nặng, áp bức càng lâu, đúng như lời Lê-nin: “một dân tộc nào đi áp bức một dân tộc khác thì bản thân nó không được tự do,” cho nên một cuộc chiến tranh xâm lược chống một dân tộc nhỏ yếu, gián tiếp cũng là một cuộc tấn công của tư bản đối với vô sản, với nhân dân lao động. Tư bản xâm lưọc thua trận, thì ách thống trị của nó càng lung lay đổ.

Về phía Việt nam ta, cuộc cách mạng dân tộc giải phóng đúng là một cuộc giai cấp đấu tranh, bởi vì đang liên hiệp với địa chủ, tư sản mại bản mà xâm lược ta; bởi vì ta nếu muốn thắng, không những phải đánh đế quốc, mà còn phải đánh phong kiến, đồng minh của đế quốc; và bởi vì ta đánh đế quốc Pháp mà lại liên kết với giai cấp vô sản, với nhân dân Pháp. Không đứng về quan điểm giai cấp đấu tranh thì chẳng những không hiểu được nội dung, thực chất của cuộc kháng chiến, mà cũng không thể có chủ trương đúng để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

o0o

Còn như đứng về quan điểm giai cấp đấu tranh để nghiên cứu một tác giả, một tác phẩm, một bài thơ thì có phải là “gò bó” quá chăng? –Không! Nếu không đứng về quan điểm giai cấp, giai cấp đấu tranh thì ta làm sao hiểu được tính chất phản phong của ca dao, vè, tục ngữ, tiếu lâm của ta chẳng hạn. Có người nói rằng, ca dao, tục ngữ nào chỉ có tính chất phản phong? –Trả lời rằng tính chất phản phong đó là căn bản của ngay những tính chất khác như trào phúng, tính dục, trữ tình, lao động cũng là những mặt khác của tính chất phản phong, và có biết như thế thì trong kho tàng văn chương bình dân ta mới loại được cái gì là ngoại lai, cái gì do thống trị hay tay sai chúng làm ra để nhồi sọ bình dân.

Không đứng về quan điểm giai cấp tranh đấu thì làm sao cắt nghĩa được nội dung của một truyện ví dụ như truyện Kiều? Từ 1945 đến giờ thi gia phong kiến có viết cái gì như truyện Kiều được chăng? Thời Pháp thuộc có thể có truyện Kiều không? Thế mới hay rằng chỉ có thể có truyện Kiều sau khi Tây Sơn thất bại, phản động Nguyễn lên ngôi. Truyện Kiều lợi cho ai? Hại cho ai? Vì sao quan triều đình thắng mà thằng quan nào cũng bị tác giả vẽ một cách đểu giả? Vì sao Từ Hải bại mà được miêu tả như là anh hùng? Nếu không gắn liền với tình hình giai cấp đấu tranh thuở ấy thì không thể đọc truyện Kiều được.

Không những tác phẩm, cả một đoạn thơ ngắn cũng phải gắn nó với tình hình xã hội, tâm lý giai cấp và giai cấp đấu tranh mới hiểu nó được. Con cò trên cánh phân vân của Xuân Diệu với sức búa phá xiềng của Tố Hữu, không chỉ tiêu biểu hai phái thơ lãng mạn và hiện thực xã hội mà thôi, mà cả hai tâm lý giai cấp, hai tâm lý, hai thái độ, tâm lý và thái độ ấy là bộ phận của giai cấp đấu tranh ở xứ ta hồi trước chiến tranh lần thứ hai.

o0o

Nói tóm lại, giai cấp đấu tranh quả là động cơ của lịch sử, quan điểm giai cấp đấu tranh là quan điểm cần phải có để hiểu lịch sử, để đẩy lịch sử tới trước. Đến khi xã hội khắp năm châu, không còn giai cấp thì không còn giai cấp đấu tranh thì quy luật giai cấp đấu tranh sẽ không còn tác dụng nữa; hãy còn các quy luật lịch sử khác, hãy còn phê bình tự phê bình là các quy luật đẩy xã hội tới trước.

Một điều cuối cùng và quan trọng bậc nhất  chúng ta cần biết là quan điểm giai cấp đấu tranh trong sự nghiên cứu lịch sử phải đi đôi với lập trường giai cấp công nhân; nhà sử học có đứng về một phe, phe tiến bộ thì mới nghiên cứu lịch sử một cách khách quan được. Nhược bằng không đứng về một phe, phe tiến bộ thì mặc dầu ta có biết lịch sử loài người từ thời cộng sản chủ nghĩa từ trước đến nay là lịch sử của giai cấp đấu tranh ta cũng không thể nhìn rõ quá khứ, không thể nhận định được hiện tại và tất nhiên là không dự đoán được tương lai. Nhà làm sử không thể bàng quan mà trông vào cuộc đấu tranh giữa nô lệ và chủ nô, giữa bình dân và phong kiến, giữa vô sản và tư bản, giữa dân tộc bị áp bức và đế quốc thực dân.

Nói như thế không phải bảo rằng bất cứ hình thức lịch sử nào của giai cấp bóc lột, thống trị đều là phản động, tất cả đều là đáng vứt bỏ cả. Có những trường hợp thời phong kiến được cả dân tộc thừa nhận là anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… của ta. Có những nhà văn tư sản và vô sản liệt vào hàng bất hủ, ví dụ Bal-zac, Hugo của Pháp. Trái lại có một ít trường hợp mà lập trường giai cấp vô sản không cho phép ta thừa nhận là tiến bộ mặc dầu đó là hành động của người bị áp bức, tỷ dụ như phong trào “thờ lý trí” pho tượng nhà thờ của một phân số dân nghèo Paris hồi 1783 hay việc người thủ công kéo nhau đến phá máy kéo sợi, máy dệt, máy may hồi thế kỷ 17 ở Anh. Phán đoán của người theo duy vật lịch sử thì khác với sự phán đoán ví dụ như của Khổng tử trong kinh Xuân Thu. Mot bên lấy sự tiến bộ trong đầu hàng giữa cái cũ và cái mới mà làm gốc, một bên dựa vào chữ nhân trừu tượng mà phán đoán.

Nhà sử đả phá cái gì phản tiến bộ, tán dương cái gì tiến bộ, sự tiến bộ xưa nay từng có chứ không phải đến giai cấp vô sản mới có tiến bộ; giai cấp vô sản thừa huởng và tiếp tục tất cả những sự tiến bộ từ trước đến nay của nhân loại, dù sự tiến bộ đó do giai cấp bóc lột đem đến trong những thời kỳ đang lên của chúng nó.

Giai cấp đang lên hiện nay là  giai cấp công nhân, hướng lên hiện nay là hướng xã hội chũ nghĩa, cho nên cái gì lợi cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống tư bản, lợi cho cách mạng xã hội chũ nghĩa, đánh đổ tư bản chủ nghĩa, là tiến bộ. Giai cấp công nhân cần cải tạo xã hội, nó cải tạo được xã hội, nó vượt được tất cả các khó khăn, cho nên nó không cần dấu mà chỉ cần kiểm đúng thực tế; cho nên chỉ có giai cấp công nhân  mới có đầy đủ tinh thần khách quan sáng suốt, chỉ có lập trường công nhân mới là lập trường khoa học thực sự. Vì thế mà quan điểm giai cấp đấu tranh về lịch sử tiến hóa của chúng ta là quan điểm khoa học, có sức giải thích được quá khứ, nhận rõ được hiện tại và làm kim chỉ nam cho tương lai. Ưng dụng học thuyết giai cấp đấu tranh, ta sẽ soi sáng được lịch sử Việt nam, cũng như ứng dụng học thuyết giai cấp đấu tranh, chúng ta đang đưa Cách mạng dân tộc giải phóng của Việt nam đến chỗ thành công rực rỡ.

 



1 Lê-nin, bài viết Các Mác

1 Stalin, Đại hội lần thứ I của nông dân tập thể chiến sĩ 1935

1  Hoàng Xuân Hãn, Lý Tường Kiệt, trang 409. 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt