Chủ nghĩa Marx

Hai vũ trụ quan

 

BÀN VỀ MÂU THUẪN

(Tháng Tám 1937)

 

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)

 


Mao Trạch Đông. Bàn về thực tiễn. Bàn về mâu thuẫn. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1966. | Nguyên bản tiếng Trung | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

Quy luật mâu thuẫn của sự vật, tức quy luật về sự thống nhất của các mặt đối lập, là quy luật căn bản nhất của phép biện chứng duy vật. Lê-nin đã nói: "Theo nghĩa đen, phép biện chứng là sự nghiên cứu mâu thuẫn trong ngay bản chất của sự vật"[1]. Lê-nin thường gọi quy luật ấy là bản chất của phép biện chứng, lại gọi nó là hạt nhân của phép biện chứng.[2] Do đó khi nghiên cứu quy luật ấy, chúng ta không thể không đề cập tới những phương diện rộng rãi, không thể không đề cập tới nhiều vấn đề triết học. Nếu chúng ta làm sáng tỏ được những vấn đề ấy, thì về căn bản chúng ta sẽ hiểu được phép biện chứng duy vật. Những vấn đề ấy là: hai vũ trụ quan; tính phổ biến của màu thuẫn; tính riêng biệt của mâu thuẫn; mâu thuẫn chủ yếu và mặt chủ yếu của mâu thuẫn; tính đồng nhất và tính đấu tranh giữa các mặt của mâu thuẫn; vai trò của đối kháng trong mâu thuẫn.

Trong mấy năm gần đây, giới triết học Liên xô đã phê phản chủ nghĩa duy tâm của học phải Đê-bô-rin[3], việc đó làm cho chúng ta rất hứng thú. Chủ nghĩa duy tâm của Đê-bô-rin đã có ảnh hưởng rất xấu đến Đảng cộng sản Trung-quốc, không thể nói là tư tưởng giáo điều chủ nghĩa trong Đảng ta không có quan hệ gì đến tác phong của học phái đó. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu của công tác nghiên cứu triết học hiện nay của chúng ta phải là quét sạch tư tưởng giáo điều chủ nghĩa.

 

I. HAI VŨ TRỤ QUAN

 

Từ trước đến nay, trong lịch sử nhận thức của loài người, có hai loại quan điểm về quy luật phát triển của vũ trụ, một loại là quan điểm của siêu hình học, một loại là quan điểm của phép biện chứng, đã hình thành ra hai vũ trụ quan đối lập nhau. Lê-nin đã nói: “Hai quan điểm cơ bản (hay là hai quan điềm có thể có? hay là hai quan điểm đã thấy trong lịch sử?) của sự phát triền (sự tiến hóa): sự phát triển coi như là giảm đi và tăng lên, như là lắp lại; và sự phát triển coi như là thống nhất của các mặt đối lập (sự phân đôi của cái thống nhất thành những mặt đối lập bài trừ lẫn nhau và những mối quan hệ lẫn nhau giữa các mặt đối lập ấy)"[4]. Điều mà Lê-nin nói, chính là hai vũ trụ quankhác nhau.

Siêu hình học cũng còn gọi là huyền học. Bất cứ ở Trung-quốc hay ở châu Âu, trong một thời kỳ lịch sử rất dài, tư tưởng đó thuộc về vũ trụ quan của chủ nghĩa duy tâm, và đã chiếm địa vị thống trị trong tư tưởng của người ta. Ở châu Âu, chủ nghĩa duy vật của giai cấp tư sản trong thời kỳ đầu cũng là siêu hình. Vì tình hình kinh tế xã hội ở nhiều nước châu Âu đã tiến đến giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, lực lượng sản xuất, đấu tranh giai cấp và khoa học đã phát triển tới mức chưa từng có trong lịch sử, giai cấp vô sản công nghiệp đã trở thành động lực to lớn nhất của sự phát triển lịch sử, do đó mà đẻ ra vũ trụ quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác. Từ đó, trong giai cấp tư sản, ngoài chủ nghĩa duy tâm phản động công khai và cực kỳ lộ liễu ra, còn nảy ra thuyết tiến hóa tầm thường để chống lại phép biện chứng duy vật.

Vũ trụ quan của siêu hình học, hoặc của thuyết tiến hóa tầm thường, đã xem xét thế giới bằng quan điểm cô lập, đứng im và phiến diện. Vũ trụ quan đó cho rằng tất cả mọi sự vật của thế giới, tất cả các hình thái và chủng loại của sự vật đều vĩnh viễn cô lập đối với nhau và vĩnh viễn không thay đổi. Nếu cho rằng có biến đổi chăng nữa, thì cũng chỉ là thêm bớt về số lượng và thay đổi vị trí. Mà nguyên nhân của sự thêm bớt và thay đổi đó không phải là ở bên trong sự vật mà ở bên ngoài sự vật, tức là do sức bên ngoài thúc đẩy. Các nhà siêu hình học cho rằng các sự vật khác nhau trên thế giới và đặc tính của sự vật, ngay từ khi các sự vật đó bắt đầu tồn tại là đã như thế rồi. Những sự biến đổi về sau chỉ là tăng thêm hoặc giảm bớt về số lượng. Họ cho rằng mỗi sự vật vĩnh viễn chỉ có thể xuất hiện theo cách lắp lại những sự vật đồng dạng, chứ không thể biến đổi thành một sự vật khác. Theo các nhà siêu hình học thì sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, sự cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của xã hội tư bản chủ nghĩa, v.v., đều có thể tìm thấy được trong xã hội nô lệ cổ đại, thậm chí cả trong xã hội nguyên thủy nữa, và sau này vẫn cứ mãi mãi tồn tại nguyên vẹn, không biến đổi. Nói về nguyên nhân của sự phát triển xã hội, thì họ lại lấy những điều kiện bên ngoài của xã hội như địa lý, khí hậu, v.v., để giải thích. Họ đi tìm nguyên nhân của sự phát triển một cách giản đơn ở bên ngoài sự vật, họ phủ nhận học thuyết của phép biện chứng duy vật chủ trương rằng sự vật phát triển là do mâu thuẫn bên trong của nó gây nên. Do đó, họ không thể giải thích được tính nhiều vẻ về chất của sự vật, không thể giải thích được hiện tượng một chất này biến thành chất khác. Ở châu Âu, trong thế kỷ XVII và XVII, tư tưởng ấy là chủ nghĩa duy vật máy móc; cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì có thuyết tiến hóa tầm thường. Ở Trung quốc thì có tư tưởng siêu hình, như người ta nói : « Trời không thay đổi, đạo cũng không thay đổi »[5] đã được giai cấp thống trị phong kiến thối nát ủng hộ lâu dài. Gần một trăm năm nay, giai cấp tư sản lại ủng hộ chủ nghĩa duy vật máy móc và thuyết tiến hóa tầm thường từ châu Âu đưa vào. 

Trái với vũ trụ quan của siêu hình học, vũ trụ quan của phép biện chứng duy vật chủ trương nghiên cứu sự phát triển của sự vật từ bên trong sự vật, từ mối quan hệ giữa sự vật này với sự vật khác, tức là coi sự phát triển của sự vật là sự tự vận động tất nhiên bên trong sự vật, và sự vận động của mỗi sự vật đều có liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau với những sự vật khác chung quanh nó. Nguyên nhân phát triển căn bản của sự vật không phải ở ngoài sự vật, mà ở bên trong sự vật, ở tính mâu thuẫn bên trong sự vật. Bên trong bất cứ sự vật nào cũng đều có tính mâu thuẫn đó, cho nên dẫn tới sự vận động và phát triển của sự vật. Tính mâu thuẫn đó bên trong sự vật là nguyên nhân phát triển căn bản của sự vật, còn mối liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau giữa sự vật này với sự vật khác là nguyên nhân phát triển thứ yếu của sự vật. Như vậy phép biện chứng duy vật hết sức phản đối lý luận siêu hình về nguyên nhân bên ngoài hoặc về sức thúc đẩy bên ngoài của chủ nghĩa duy vật máy móc và của thuyết tiến hóa tầm thường. Rõ ràng là : nguyên nhân đơn thuần bên ngoài thì chỉ có thể dẫn tới sự vận động máy móc của sự vật, tức là phạm vi to nhỏ, số lượng tăng giảm, chứ không thể giải thích được vì sao sự vật lại khác nhau thiên hình vạn trạng về mặt tính chất, và vì sao sự vật chuyển hóa lẫn nhau. Thực tế thì dù là sự vận động máy móc do sức bên ngoài thúc đẩy, cũng phải thông qua tính mâu thuẫn bên trong sự vật. Sự lớn lên đơn thuần, sự phát triển về số lượng của thực vật và động vật, chủ yếu cũng là do mâu thuẫn bên trong gây nên. Sự phát triển của xã hội cũng vậy, chủ yếu không phải do nguyên nhân bên ngoài mà là do nguyên nhân bên trong. Có nhiều nước điều kiện địa lý và khí hậu gần giống nhau, thế mà những nước đó phát triển khác nhau và không đều nhau rất nhiều. Cùng là một nước trong tình hình địa lý và khí hậu không thay đổi, mà xã hội thì lại biến đổi rất nhiều. Nước Nga đế quốc chủ nghĩa biến thành Liên-xô xã hội chủ nghĩa; nước Nhật phong kiến rào đường lấp ngõ[6] biến thành nước Nhật đế quốc chủ nghĩa, mà địa lý và khí hậu ở những nước đó thì không biến đổi. Trung-quốc bị chế độ phong kiến thống trị lâu đời, gần một trăm năm nay đã biến đổi rất nhiều, hiện nay đang biến đổi theo hướng thành một nước Trung-hoa mới tự do giải phóng, mà địa lý và khí hậu của Trung quốc thì vẫn không biến đổi. Địa lý và khí hậu của toàn bộ trái đất và của các bộ phận trên quả đất cũng có biến đổi, nhưng so sánh với sự biến đổi của xã hội thì địa lý và khí hậu rõ ràng là biến đổi rất ít; sự biến đổi về địa lý và khí hậu thì phải trải qua hàng vạn năm mới thấy rõ ràng, còn sự biến đổi của xã hội thì chỉ trải qua mấy nghìn năm, mấy trăm năm, mấy chục năm, thậm chí vài năm hoặc vài tháng (trong thời kỳ cách mạng) là đã thấy rõ ràng ngay. Theo quan điểm duy vật biện chứng thì sự biến đổi của giới tự nhiên chủ yếu là do sự phát triển của mâu thuẫn bên trong giới tự nhiên. Sự biến đổi của xã hội chủ yếu là do sự phát triển của mâu thuẫn bên trong xã hội, tức là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, mâu thuẫn giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, do sự phát triển của những mâu thuẫn đó nên đã thúc đẩy xã hội tiến lên, đã thúc đẩy xã hội mới thay thế cho xã hội cũ. Như thế phép biện chứng duy vật có gạt bỏ nguyên nhân bên ngoài không? Không gạt bỏ. Phép biện chứng duy vật cho rằng nguyên nhân bên ngoài là điều kiện của sự biến đổi, còn nguyên nhân bèn trong là căn cứ của sự biến đổi, nguyên nhân bên ngoài thông qua nguyên nhân bên trong mà có tác dụng. Trứng gà nhờ có độ ẩm thích hợp mà biến thành gà con, song độ ẩm không thể biến hòn đá thành gà con, vì căn cứ của quả trứng và căn cứ của hòn đá khác nhau.

Sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa nhân dân các nước, thường thường vẫn có. Trong thời đại tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, các nước có ảnh hưởng lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau rất nhiều về chính trị, kinh tế và văn hóa. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười không những đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước Nga, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử thế giới, nó ảnh hưởng đến những biến đổi bên trong các nước trên thế giới, nó cũng ảnh hưởng như vậy và còn ảnh hưởng một cách đặc biệt sâu sắc đến những biến đổi bên trong của Trung-quốc; song những biến đổi ấy chính đã thông qua tính quy luật của bản thân bên trong các nước và của Trung-quốc mà sinh ra. Hai quân đội đánh nhau, một bên thắng một bên bại, sở dĩ thắng bại đều do nguyên nhân bên trong quyết định. Hoặc vì mạnh, hoặc vì chỉ huy giỏi mà thắng; hoặc vì yếu, hoặc vì chỉ huy kém mà bại; nguyên nhân bên ngoài thông qua nguyên nhân bên trong mà có tác dụng. Năm 1927, giai cấp đại tư sản Trung-quốc thắng giai cấp vô sản là do thông qua chủ nghĩa cơ hội bên trong giai cấp vô sản Trung-quốc (nội bộ Đảng cộng sản Trung-quốc). Khi chúng ta đã thanh toán được chủ nghĩa cơ hội đó, thì cách mạng Trung-quốc lại phát triển. Về sau, cách mạng Trung-quốc lại bị kẻ địch đả kích nặng, vì trong Đảng ta có chủ nghĩa mạo hiểm. Khi chúng ta thanh toán được chủ nghĩa mạo hiểm đó, thì sự nghiệp của chúng ta lại phát triển. Do đó có thể thấy rằng một chính đảng muốn lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi, phải dựa vào đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức vững chắc của mình.

Ở Trung-quốc cũng như ở châu Âu, từ đời xưa cũng đã có vũ trụ quan theo phép biện chứng. Nhưng phép biện chứng đời xưa mang tính chất tự phát và thô sơ, vì trong điều kiện lịch sử xã hội lúc đó chưa có thể có một lý luận đầy đủ nên không thể hoàn toàn giải thích được vũ trụ, về sau nó đã bị siêu hình học thay thế. Nhà triết học Đức nổi tiếng là Hê-ghen sống ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đã từng góp phần cống hiến rất quan trọng vào phép biện chứng, nhưng phép biện chứng của Hê-ghen là phép biện chứng duy tâm. Mãi cho tới khi Mác và Ăng-ghen, hai nhà hoạt động vĩ đại của phong trào vô sản, đã tổng hợp những thành quả tích cực trong lịch sử nhận thức của loài người, đặc biệt là đã hấp thụ một cách có phê phán những phần hợp lý trong phép biện chứng của Hè-ghen, và đã sáng tạo ra lý luận vĩ đại là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì trong lịch sử nhận thức của loài người mới có một cuộc đại cách mạng chưa từng có. Về sau, Lê-nin và Sta-lin lại phát triển thêm lý luận vĩ đại đó. Khi lý luận ấy truyền đến Trung-quốc, đã làm cho giới tư tưởng ở Trung-quốc thay đổi rất lớn.

Vũ trụ quan biện chứng ấy chủ yếu dạy cho người ta biết xem xét và phân tích sự vận động của mâu thuẫn trong mọi sự vật, và căn cứ vào sự phân tích đó mà nêu ra cách giải quyết các mâu thuẫn. Vì vậy, hiểu biết cụ thể quy luật mâu thuẫn của các sự vật là điều hết sức quan trọng đối với chúng ta.

 



 

 


[1] V. Lê-nin : Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội; 1963, tr. 282.

[2] Như trên, xem ở tr. 381 và tr. 247.

[3] Đê-bô-rin (1881 – 1963) là nhà triết học Liên xô. Năm 1930, giới triết học Liên-xô đã phát động cuộc phê phán phái Đê-bô-rin, chỉ rõ rằng họ đã mắc sai làm có tính chất duy tâm chủ nghĩa như lý luận tách rời thực tiễn, triết học tách rời chính trị, v.v..

[4] V. Lê-nin: Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1963, tr. 382.

[5] Đại biểu nổi tiếng của phái Khổng tử đời Hán là Đổng Trọng- thư (179 – 104 trước công lịch) đã từng nói với vua Vũ nhà Hán: "Nguồn gốc lớn của đạo là ở trời mà ra, trời không thay đổi, đạo cũng không thay đổi”. “Đạo” là tiếng thông dụng của các nhà triết học Trung quốc cổ đại, ý nghĩa của nó là “con đường" hoặc "đạo lý", có thể giải thích là “quy tắc” hoặc “quy luật”.

[6] Nguyên văn: bế quan tỏa cảng. (N.D.)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt