Chủ nghĩa Marx

Hin-rích, số 1. Những điều ám chỉ bí mật về chính trị, chủ nghĩa xã hội và triết học

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 131-136. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

1) CUỘC CHINH PHẠT THỨ NHẤT CỦA SỰ PHÊ PHÁN 

TUYỆT ĐỐI

1 2 3

 

c - Hin-rích, số 1. Những điều ám chỉ bí mật về chính trị, chủ nghĩa xã hội và triết học

"Chính trị"! Bản thân sự tồn tại của từ này trong các bài giảng của giáo sư Hin-rích39 cũng làm cho sự phê phán tuyệt đối nổi giận thật sự.

"Ai đã theo dõi sự phát triển xã hội của thời hiện đại và thông thuộc lịch sử, ắt cũng phải biết rằng các cuộc vận động chính trị hiện đang diễn ra đều có một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn" (!) "và tuyệt nhiên không phải là ý nghĩa chính trị: trong cơ sở của chúng", (trong cơ sở... tiếp theo là một sự sáng suốt triệt để ) "các cuộc vận động ấy có ý nghĩa xã hội" (!) "mà như mọi người đều biết" (!) "đó là một ý nghĩa thuộc một loại" (!) "mà đứng trước nó, tất cả các lợi ích chính trị đều hoá ra không có ý nghĩa gì hết" (!).

Một vài tháng trước khi tờ "Literatur - Zeitung" có tính phê phán ra đời, như mỗi người đều biết (!), đã xuất hiện tác phẩm chính trị không tưởng của Bru-nô "Nhà nước, tôn giáo và chính đảng"40.

Nếu như các cuộc vận động chính trị là có ý nghĩa xã hội thì làm sao mà các lợi ích chính trị, đứng trước ý nghĩa xã hội của chính bản thân mình, lại hoá ra "không có ý nghĩa gì hết"?.

"Ông Hin-rích không phải là một người giỏi giang ở nhà mình cũng như ở bất cứ nơi nào trên thế giới... Ông ta chẳng hiểu được cái gì hết, vì... vì... ông ta hoàn toàn" (!) "chẳng hay biết gì về sự phê phán đã bắt đầu và đã tiến hành cái công việc tuyệt nhiên không có tính chất "chính trị' có tính chất xã hội" (!) "của nó trong bốn năm qua".

Theo ý kiến quần chúng, sự phê phán đã tiến hành một công việc "tuyệt nhiên không có tính chất chính trị" "hoàn toàn có tính chất thần học", hiện nay - khi mà lần đầu tiên, không phải chỉ trong bốn năm nay, mà lần đầu tiên, từ khi ra đời trên văn đàn, nó đã bắt đầu dùng từ "có tính chất xã hội", - nó vẫn lấy làm thoả mãn với độc một mình từ đó thôi!

Từ khi các tác phẩm xã hội chủ nghĩa truyền bá ở Đức quan điểm cho rằng tất cả các nguyện vọng và sự nghiệp của con người, không trừ một cái nào, đều có ý nghĩa xã hội, từ khi đó, ông Bru-nô cũng có thể gọi các công việc thần học của ông là những công việc xã hội. Nhưng yêu cầu có tính phê phán quái gì mà lại đòi giáo sư Hin-rích phải lĩnh hội chủ nghĩa xã hội qua việc tìm hiểu các tác phẩm của Bau-ơ, khi mà tất cả các bài của B.Bau-ơ, xuất hiện trước khi các bài giảng của Hin-rích được công bố, hễ lúc nào rút ra những kết luận thực tế thì đều rút ra những kết luận chính trị. Nói một cách không phê phán, giáo sư Hin-rích không thể nào bổ sung những bài văn đã xuất hiện của ông Bru-nô bằng những bài văn chưa xuất hiện của ông ta được. Theo quan điểm phê phán, dĩ nhiên là quần chúng phải đứng trên giác độ tương lai và theo ý nghĩa của sự tiến bộ tuyệt đối để giải thích những "sự vận động" "chính trị" cũng như tất cả những "sự vận động" có tính quần chúng của sự phê phán tuyệt đối. Nhưng để cho ông Hin-rích sau khi làm quen với tờ "Literatur-Zeitung" rồi thì không bao giờ còn quên từ "xã hội" và không bao giờ phủ nhận "tính chất xã hội" của sự phê phán nên trước toàn thể thế giới, sự phê phán lại một lần thứ ba cấm dùng từ "có tính chất chính trị" và một lần thứ ba trịnh trọng nhắc lại từ "có tính chất xã hội":

"Nếu xét đến xu hướng thật của lịch sử hiện đại, thì không thể nói đến ý nghĩa chính trị được nữa, nhưng... nhưng ý nghĩa xã hội", v.v..

Giáo sư Hin-rích đã là con vật tế thần để chuộc tội cho những sự vận động "chính trị" trước đây của sự phê phán tuyệt đối nên cũng là con vật tế thần để chuộc tội cho tất cả những sự vận động và những cách của sự phê phán tuyệt đối nói "theo lối phái Hê-ghen" mà người ta đã cố ý sử dụng trước khi "Literatur-Zeitung" ra đời và vô tình sử dụng trên báo đó.

Sự phê phán có một lần gắn cho Hin-rích biểu hiện "người theo phái Hê-ghen chân chính", và có hai lần gắn cho Hin-rích biệt hiệu "nhà triết học phái Hê-ghen". Chẳng phải chỉ có thế mà thôi đâu ! Ngài Bru-nô thậm chí "hy vọng" rằng "những cách nói sáo cũ đã chu du một vòng mệt mỏi qua tất cả các sách vở của học phái Hê-ghen" (và nhất là qua sách vở của bản thân Bru-nô) trong "sự kiệt sức" rất mực mà chúng bộc lộ ra trong các bài giảng của giáo sư Hin-rích, thì trên bước đường sau này của chúng, chúng sẽ rất nhanh chóng đi tới điểm cuối cùng của chúng. Ông Bru-nô mong chờ rằng "sự kiệt sức" của giáo sư Hin-rích sẽ phá vỡ nền triết học của Hê-ghen và giải thoát bản thân ông ta khỏi sự trói buộc của nền triết học đó.

Thế là trong cuộc chinh phạt thứ nhất, sự phê phán tuyệt đối lật đổ những vị thần mà nó đã sùng bái bao lâu nay, tức là "chính trị" "triết học", coi những vị thần đó chỉ là những thần tượng của giáo sư Hin-rích.

Vinh quang thay cuộc chinh phạt thứ nhất !

 



39 Chỉ bài bình luận của B.Bau-ơ đối với tập bài giảng thứ nhất của Hin-rích, một phần tử thuộc phái Hê-ghen cánh hữu, xuất bản ở Ha-lơ năm 1843 dưới đầu đề "Politische Vorlesungen", Bd. I-II ("Bài giảng chính trị" tập I-II). Bài bình luận này của Bau-ơ đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 1 (tháng Chạp 1843). Bài sau tức là "Hin-rích", số 2, chỉ bài bình luận của B.Bau-ơ đối với tập bài giảng thứ hai, đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 5 (tháng Tư 1844).

40 Staat, Religion und Parthei". Leipzig, 1843. Cuốn sách của B.Bau-ơ xuất bản nặc danh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt