Chủ nghĩa Marx

Học thuyết của Marx: Đấu tranh giai cấp

HỌC THUYẾT CỦA MARX

ĐẤU TRANH GIAI CẤP

 

VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)

 


V. I. Lê-nin. “Các Mác - Sơ lược tiểu sử, kèm theo sự trình bày chủ nghĩa Mác”. Trong V. I. Lê-nin. Toàn tập, tập 26. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 51-111. | Bản tiếng Anh: The Marxist Doctrine.


 

Mục lục

1. Sơ lược tiểu sử

2. Chủ nghĩa duy vật triết học

3. Phép biện chứng

4. Quan niệm duy vật lịch sử

5. Đấu tranh giai cấp

 

Ai cũng biết rằng, trong mọi xã hội, nguyện vọng của những kẻ này thì ngược với nguyện vọng của những kẻ khác; rằng đời sống xã hội chứa đầy mâu thuẫn; rằng lịch sử vạch cho ta thấy cuộc đấu tranh giữa các dân tộcvà giữa các xã hội, cũng như đấu tranh trong nội bộ các dân tộc và nội bộ các xã hội; rằng lịch sử còn vạch cho ta thấy một sự kế tiếp giữa những thời kỳ cách mạng và phản động, chiến tranh và hoà bình, ngừng trệ và tiến bộ nhanh chóng hay suy sụp. Chủ nghĩa Mác đã cho ta cái kim chỉ nam để tìm ra những quy luật trong tình trạng rối tung và hỗn độn bề ngoài ấy, đó là: lý luận về đấu tranh giai cấp. Chỉ có nghiên cứu toàn bộ những xu hướng của mọi thành viên trong một xã hội hay một số xã hội, mới có thể xác định được một cách chính xác khoa học kết quả của những xu hướng ấy. Mà những xu hướng mâu thuẫn nhau ấy lại sinh ra từ sự khác nhau về hoàn cảnh sinh hoạt và điều kiện sinh hoạt của những giai cấp họp thành mọi xã hội. Mác viết trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản": "Lịch sử tất cả các xã hội cho đến nay (sau này Ăng-ghen thêm: trừ lịch sử của công xã nguyên thuỷ) là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, trùm phường và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, vĩnh viễn đối lập với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ cơ cấu xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của cả những giai cấp đấu tranh với nhau... Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến bị diệt vong, đã không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức,những hình thức đấu tranh xưa kia mà thôi. Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại chúng ta, của thời đại giai cấp tư sản, là đã làm đơn giản những đối kháng giai cấp: xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau − giai cấp tư sản và giai cấp vô sản". Từ Đại cách mạng Pháp, lịch sử châu Âu, trong nhiều nước, đã vạch ra đặc biệt rõ nguyên nhân thật sự này của các sự biến: đấu tranh giai cấp. Ngay trong thời đại Phục hưng, ở Pháp đã có một số sử gia (như Chi-e-ry, Ghi-dô, Mi-nhê, Chi-e) trong khi tổng hợp các sự biến, đã không thể không thừa nhận rằng đấu tranh giai cấp là chìa khoá giúp ta hiểu được toàn bộ lịch sử nước Pháp. Còn thời đại hiện đại, tức là thời đại của sự toàn thắng của giai cấp tư sản, thời đại của thể chế đại nghị, của chế độ đầu phiếu mở rộng (nếu không phải phổ thông), của báo hàng ngày giá rẻ đi sâu vào quần chúng, v. v., thời đại của những hội liên hiệp mạnh mẽ và ngày một rộng rãi, những hội liên hiệp của công nhân và những hội liên hiệp của chủ xưởng, v. v., thời đại đó chứng tỏ một cách còn rõ rệt hơn rằng đấu tranh giai cấp (mặc dầu đôi lúc dưới một hình thức rất phiến diện, "hoà bình" , "hiến chính" ) là động lực của những sự biến.

Đoạn văn sau đây trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" chứng tỏ rằng Mác đòi hỏi khoa học xã hội phải phân tích một cách khách quan tình hình của từng giai cấp trong xã hội hiện đại, gắn liền với các điều kiện phát triển của giai cấp ấy: "Trong tất cả các giai cấp hiện đang đương đầu với giai cấp tư sản, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thật sự cách mạng. Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp; trái lại, giai cấp vô sản là sản vật của bản thân đại công nghiệp. Các tầng lớp trung gian: tiểu chủ, tiểu thương, thợ thủ công, nông dân, − tất cả đều đấu tranh chống giai cấp tư sản, để cứu vãn sự tồn tại của họ, với tính cách là tầng lớp trung gian, trước nguy cơ bị tiêu diệt. Cho nên họ không cách mạng, mà bảo thủ. Hơn thế, họ lại phản động: họ tìm cách làm cho bánh xe lịch sử quay ngược trở lại. Nếu họ là cách mạng thì cũng vì họ có cơ bị chuyển sang hàngngũ giai cấp vô sản: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích tương lai của họ, chứ không phải bảo vệ lợi ích hiện tại của họ, họ bỏ quan điểm của chính họ, để đứng về quan điểm của giai cấp vô sản". Trong nhiều tác phẩm sử học (xem Mục lục sách tham khảo), Mác đã cho ta những ví dụ rực rỡ và sâu sắc về cách nghiên cứu lịch sử theo quan điểm duy vật, về cách phân tích địa vị của từng giai cấp và đôi lúc, của các tập đoàn hay các tầng lớp khác nhau trong một giai cấp, vạch ra hết sức rõ vì sao và như thế nào mà" mọi cuộc đấu tranh giai cấp đều là đấu tranh chính trị"[1]. Đoạn văn chúng tôi vừa trích chứng tỏ rõ ràng tính chất phức tạp của hệ thống những quan hệ xã hội và những giai đoạn quá độ từ giai cấp này đến giai cấp khác, từ quá khứ đến tương lai, hệ thống mà Mác đã phân tích để xác định đúng cái hợp lực của sự phát triển lịch sử.

Lý luận của Mác được chứng minh và được vận dụng sâu sắc nhất, toàn diện nhất và tỉ mỉ nhất trong học thuyết kinh tế của ông.

 

 



[1] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 4, tr. 424 - 425, 433, 434.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt