Chủ nghĩa Marx

Học thuyết của Marx: Phép biện chứng

 

HỌC THUYẾT CỦA MARX

PHÉP BIỆN CHỨNG

 

VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)

 


V. I. Lê-nin.Các Mác - Sơ lược tiểu sử, kèm theo sự trình bày chủ nghĩa Mác”. Trong V. I. Lê-nin. Toàn tập, tập 26. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 51-111. | Bản tiếng Anh: The Marxist Doctrine


 

Mục lục

1. Sơ lược tiểu sử

2. Chủ nghĩa duy vật triết học

3. Phép biện chứng

4. Quan niệm duy vật lịch sử

5. Đấu tranh giai cấp

 

Mác và Ăng-ghen coi phép biện chứng của Hê-ghen − học thuyết toàn diện nhất, phong phú nhất, sâu sắc nhất về sự phát triển − là một thành quả lớn nhất của triết học cổ điển Đức. Đối với hai ông thì diễn đạt nguyên lý về sự phát triển, nguyên lý về sự tiến hoá bằng bất cứ cách nào khác đều là phiến diện, nghèo nàn, đều bóp méo và cắt xén quá trình thực tế của sự phát triển (thường có những bước nhảy vọt, những sự đột biến, những cuộccách mạng) trong tự nhiên và trong xã hội." Có lẽ hầu như chỉ có Mác và tôi là những người đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ cứu phép biện chứng tự giác" (thoát khỏi sự phá hoại của chủ nghĩa duy tâm, kể cả chủ nghĩa Hê-ghen)" để đưa nó vào trong quan điểm duy vật về tự nhiên" . "Tự nhiên là vật chứng thực cho phép biện chứng, và phải nói rằng chính khoa học tự nhiên hiện đại đã chứng tỏ rằng vật chứng thực ấy vô cùng phong phú" (đoạn này viết trước khi phát hiện ra ra-đi-um, điện tử và luật biến hoá của nguyên tố, v. v.!)," mỗi ngày tích lũy thêm nhiều tài liệu và chứng tỏ rằng, xét đến cùng, thì trong giới tự nhiên, mọi sự việc đều xảy ra một cách biện chứng chứ không phải siêu hình"[1].

Ăng-ghen viết:" Tư tưởng cơ bản vĩ đại cho rằng thế giới không phải là gồm những sự vật đã có sẵn, đã được hoàn thành vĩnh viễn, mà là một tập hợp gồm những quá trình, trong đó những sự vật, tuy có vẻ bất biến, nhưng cũng như những hình ảnh của chúng phản ánh vào đầu óc chúng ta, tức là những khái niệm, đều trải qua một quá trình biến đổi không ngừng: phát sinh, diệt vong,− tư tưởng cơ bản vĩ đại đó từ thời Hê-ghen, đã thâm nhập sâu vào ý thức chung đến nỗi dưới hình thức chung ấy thì hầu như nó không gặp một sự phản đối nào cả. Nhưng thừa nhận tư tưởng ấy trên lời nói và vận dụng nó trong từng trường hợp riêng biệt và từng lĩnh vực nghiên cứu cụ thể là hai việc khác nhau". "Đối với triết học biện chứng thì không có gì là vĩnh viễn không thay đổi, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Trên mọi sự vật và trong mọi sự vật, nó đều nhìn thấy dấu vết của sự nhất định tiêu vong, và đối với nó thì không có cái gì đứng vững được, ngoài quá trình không ngừng phát sinh và diệt vong, ngoài sự tiến triển vô tận từ thấp lên cao. Chính triết họcấy cũng chỉ là sự phản ánh của quá trình đó vào trong bộ óc có tư duy". Vậy theo Mác thì phép biện chứng là" khoa học về những quy luật chung của sự vận động của thế giới bên ngoài cũng như của tư duy con người"[2].

Chính phương diện cách mạng ấy của triết học Hê-ghen là phương diện mà Mác đã thừa nhận và phát triển. Chủ nghĩa duy vật biện chứng" không cần đến một thứ triết học đứng lên trên mọi khoa học khác". Phần còn được giữ lại của triết học cũ là" học thuyết về tư duy và về những quy luật của tư duy − lô-gích hình thức và phép biện chứng"[3]. Theo quan niệm của Mác, cũng như của Hê-ghen thì phép biện chứng bao gồm cái mà ngày nay người ta gọi là lý luận nhận thức hay nhận thức luận, lý luận này cũng phải xem xét đối tượng của nó theo quan điểm lịch sử, bằng cách nghiên cứu và khái quát nguồn gốc và sự phát triển của nhận thức, bước chuyển từ không biết đến biết.

Ngày nay, quan niệm về sự phát triển, về sự tiến hoá hầu như đã hoàn toàn thâm nhập vào ý thức xã hội, nhưng bằng những con đường khác, chứ không phải bằng triết học của Hê-ghen. Tuy nhiên quan niệm đó, quan niệm mà Mác và Ăng-ghen đã dựa vào Hê-ghen để nêu lên, có một nội dung toàn diện hơn và phong phú hơn nhiều so với quan niệm thông thường về sự tiến hoá. Sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã qua, nhưng dưới một hình thức khác, ở một trình độ cao hơn ("phủ định của phủ định"); sự phát triển có thể nói là theo đường trôn ốc chứ không theo đường thẳng; − sự phát triển bằng những bước nhảy vọt, bằng những sự đột biến, bằng những cuộc cách mạng; − " những bước gián đoạn của sự tiến triển dần dần" ; sự biến đổi lượng thành chất; − những kích thích nội tại theo hướng phát triển, những kích thích gây ra bởi sự mâu thuẫn, bởi sự xung đột giữa những lực lượng và giữa những xu thế khác nhau đang tác động vào một vật thể nhất định, trong phạm vi một hiện tượng nhất định, hoặc trong nội bộ một xã hội nhất định; − sự phụ thuộc lẫn nhau và mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết giữa tất cả các mặt của từng hiện tượng (và lịch sử luôn luôn làm lộ ra những mặt mới), cái mối liên hệ quy định quá trình vận động có tính chất thế giới, thống nhất và có quy luật; − đó là một số đặc điểm của phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển, có một nội dung phong phú hơn (so với học thuyết thông thường). (Xem thư Mác gửi Ăng-ghen ngày 8 tháng Giêng 1868, trong đó Mác đã chế nhạo thuyết" ba giai đoạn cứng nhắc" của Stanh là thuyết mà nhầm lẫn với phép biện chứng duy vật thì thật là vô lý[4].)

 

 


[1] Ph. Ăng-ghen. "Chống Đuy-rinh" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lầnthứ 2, t. 20, tr. 116, 10, 22).

[2] Ph. Ăng-ghen. "Lút-vích Phơ-báchvà sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 21, tr. 302, 276, 302).

[3] Ph. Ăng-ghen. "Chống Đuy-rinh" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 20, tr. 25).

[4] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 32, tr. 7.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt