Chủ nghĩa Marx

Học thuyết của Marx: Quan niệm duy vật lịch sử

 

HỌC THUYẾT CỦA MARX

QUAN NIỆM DUY VẬT LỊCH SỬ

 

VLADIMIR ILYICH LENIN (1820-1924)

 


V. I. Lê-nin.Các Mác - Sơ lược tiểu sử, kèm theo sự trình bày chủ nghĩa Mác”. Trong V. I. Lê-nin. Toàn tập, tập 26. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 51-111. | Bản tiếng Anh: The Marxist Doctrine.


 

 

Mục lục

1. Sơ lược tiểu sử

2. Chủ nghĩa duy vật triết học

3. Phép biện chứng

4. Quan niệm duy vật lịch sử

5. Đấu tranh giai cấp

 

Nhận thấy chủ nghĩa duy vật cũ là không triệt để, chưa hoàn bị và phiến diện, nên Mác cho là cần phải "làm cho khoa học xã hội phù hợp với cơ sở duy vật, và dựa vào cơ sở đó để cải tạo khoa học ấy"[1] . Nếu, nói chung, chủ nghĩa duy vật lấy tồn tại để giải thích ý thức chứ không phải ngược lại, thì khi áp dụng vào đời sống xã hội của loài người, nó bắt buộc phải lấy tồn tại xã hội để giải thích ý thứcxã hội. Mác nói ("Tư bản", quyển 1): "Kỹ thuật học cho thấy rõ phương thức tác động của con người đối với tự nhiên, cho thấy rõ quá trình sản xuất trực tiếp ra đời sống vật chất của con người, và do đó cho thấy rõ nguồn gốc của những quan hệ xã hội và của những ý niệm tinh thần phát sinh ra từ những quan hệ xã hội ấy"[2] . Trong lời tựa của tác phẩm "Góp phần phê phán kinh tế chính trị học", Mác nêu ra một công thức hoàn chỉnh về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật áp dụng vào xã hội loài người và lịch sử loài người, như sau:

"Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ với nhau, những quan hệ nhất định, tất yếu, độc lập với ý muốn của họ, tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ sản xuất này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ.

Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức cơ sở thực tại, trên đấy dựng nên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị, và thích ứng với cơ sở thực tại đó thì có những hình thái nhất định của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất ra đời sống vật chất quyết định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, chính tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một trình độ phát triển nào đó, lực lượng sản xuất vật chất của xã hội sẽ mâu thuẫn với nhữngquan hệ sản xuất hiện có, hay − đây chỉ là cách diễn đạt về mặt pháp lý − với những quan hệ sở hữu trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ sản xuất ấy trở thành những trở ngại cho những lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu một thời đại cách mạng xã hội. Cơ sở kinh tế thay đổi thì tất cả cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanhchóng. Khi nghiên cứu những cuộc đảo lộn ấy, người ta phải luôn luôn phân biệt sự đảo lộn vật chất − mà người ta có thể lấy sự chính xác của khoa học tự nhiên ra để chứng thực − của những điều kiện kinh tế của sản xuất, với những hình thái pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học, tómlại là với những hình thái tư tưởng qua đó người ta nhận thức được xung đột ấy và đấu tranh khắc phục nó.

Không thể phán đoán một người mà chỉ căn cứ vào ý kiến của chính người ấy về bản thân, cũng như không thể phán đoán một thời đại đảo lộn nào đó màchỉ căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sựxung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất của xã hội với những quan hệ sản xuất...". "Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuấtÁ châu, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là nhữngthời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế xã hội"[3]. (Xem công thức vắn tắt của Mác viết trong bức thư gửi Ăng-ghen ngày 7 tháng Bảy 1866, đầu đề là: "Lý luận của chúng ta về việc tư liệu sản xuất quyết định tổ chức lao động"[4].)

Việc phát hiện ra quan niệm duy vật lịch sử, hay nói cho đúng hơn, việc áp dụng, việcvận dụng triệt để chủ nghĩa duy vật để xem xét lĩnh vực những hiện tượng xã hội, đã loại bỏ được hai khuyết điểm căn bản của những lý luận lịch sử trước kia. Một là, những lý luận này cùng lắm thì cũng chỉ xem xét những động cơ tư tưởng của hoạt động lịch sử của con người, mà không nghiên cứu căn nguyên của những động cơ đó, không phát hiện ra tính quy luật khách quan trong sự phát triển của hệ thống quan hệ xã hội và không nhận thấy rằng trình độ phát triển của sản xuất vật chất là nguồn gốc của những quan hệ ấy. Hai là, những lý luận trước kia đã không nói đến chính ngay hành động của quần chúng nhân dân, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì lầnđầu tiên, đã giúp ta nghiên cứu một cách chính xác như khoa lịch sử tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những biến đổi của những điều kiện ấy." Xã hội học" và lịch sử học trước Mác thì nhiều lắm cũng chỉ tích lũy được những sự kiện nguyên xi, góp nhặt từng mảnh, và chỉ trình bày một số mặt nào đó của quá trình lịch sử. Chủ nghĩa Mác mở đường cho việc nghiên cứu rộng rãi và toàn diện quá trình phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế xã hội, bằng cách xem xét toàn bộ những xu hướng mâu thuẫn nhau, bằng cách quy những xu hướng ấy vào những điều kiện sinh hoạt và sản xuất đã được xác định rõ ràng của các giai cấp trong xã hội, bằng cách gạt bỏ chủ nghĩa chủ quan và thái độ tuỳ tiện khi lựa chọn những tư tưởng "chỉ đạo" hay khi giải thích những tư tưởng ấy, bằng cách vạch ra nguồn gốc của mọi tư tưởng và của mọi xu hướng khác nhau trong trạng thái của lực lượng sản xuất vật chất, không trừ một tư tưởng, một xu hướng nào cả. Con người tự mình làm ra lịchsử của chính mình, nhưng cái gì quyết định những động cơ của con người và của chính quần chúng nhân dân; nguyên nhân của những xung đột giữa những tư tưởng mâu thuẫn và giữa những nguyện vọng mâu thuẫn là gì; toàn bộ những xung đột ấy trong toàn thể xã hội loài người là như thế nào; những điều kiện khách quan của sự sản xuất ra đời sống vật chất, tức là những điều kiện làm cơ sở cho mọi hoạt động lịch sử của con người, là những gì, quy luật phát triển của những điều kiện ấy là gì − Mác đã chú ý đến tất cả những vấn đề ấy và đã vạch ra con đường nghiên cứu lịch sử một cách khoa học, coi lịch sử là một quá trình thống nhất và có quy luật, mặc dầu quá trình đó cực kỳ phức tạp và có rất nhiều mâu thuẫn.

 



[1] Ph. Ăng-ghen. "Lút-vích Phơ-báchvà sự cáo chung của triết học cổ điển Đức" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 2, t. 21, tr. 289).

[2] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ  2, t. 23, tr. 383.

[3] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ
2, t. 13, tr. 6 - 7.

[4] Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ
2, t. 31, tr. 197.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt