Chủ nghĩa Marx

Khoa học về các hệ tư tưởng và triết học ngôn ngữ

KHOA HỌC VỀ CÁC HỆ TƯ TƯỞNG VÀ TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ

 

V.N. VOLOSHINOV (1895-1936)

 


Nguồn tham khảo: V.N. Voloshinov. 2015. Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. Ngô Tự Lập dịch. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com


 

Vấn đề ký hiệu tư tưởng

Đối với chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay, các vấn đề triết học ngôn ngữ trở nên cực kỳ quan trọng và cấp thiết; ở hàng loạt địa hạt đấu tranh quan trọng bậc nhất của công việc nghiên cứu khoa học, phương pháp Marxist dựa trên chính những vấn đề này và sẽ không thể tiến xa hơn, hiệu quả hơn, nếu như các vấn đề đó không được tập trung khảo sát và giải quyết thấu đáo.

Trước hết, bản thân các cơ sở của khoa học Marxist về sáng tạo tư tưởng – cơ sở của khoa học luận, nghiên cứu văn học, nghiên cứu tôn giáo học, đạo đức học, và nhiều ngành nghiên cứu khác… – hòa quyện chặt chẽ với các vấn đề của triết học ngôn ngữ.

Bất kỳ sản phẩm tư tưởng nào cũng không chỉ là một phần của thực tại – tự nhiên và xã hội – giống như các vật thể vật lý, dụng cụ sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng – mà bên cạnh đó – khác với những hiện tượng nêu trên – còn phản ánh và khúc xạ thực tại bên ngoài nó. Mọi thứ có tính tư tưởng đều có ý nghĩa: nó đại diện, thay thế một cái gì đó nằm bên ngoài nó, nói cách khác, nó là một ký hiệuỞ đâu không có ngôn ngữ – ở đó cũng không có tư tưởng. Một vật thể vật lý, có thể gọi như vậy, đồng nhất với chính nó – nó không có nghĩa gì, nó hoàn toàn trùng khít với bản chất duy nhất của nó. Ở đây không có gì để nói về tư tưởng.

Nhưng bất kỳ vật thể vật lý nào cũng có thể được tiếp nhận như là hình ảnh của một cái gì đó, chẳng hạn, như là hiện thân của quán tính hay tính tất yếu tự nhiên trong một vật cụ thể. Hình ảnh biểu tượng – nghệ thuật của một vật thể vật lý như vậy đã là sản phẩm tư tưởng. Vật thể vật lý ấy đã biến thành ký hiệu. Trong khi vẫn không ngừng là một phần của thực tại vật chất, vật thể đó, bằng một cách nhất định, đã phản ánh và khúc xã một thực tại khác.

Điều này cũng đúng đối với bất kỳ công cụ sản xuất nào. Công cụ sản xuát tự nó không có ý nghĩa, nó chỉ có một chức năng xác định: phục vụ cho mục đích sản xuất này hay mục đích sản xuất khác. Công cụ phục vụ cho mục đích đó với tư cách một vật chuyên biệt, duy nhất, không hề phản ánh và không hề thay thế bất cứ điều gì. Nhưng công cụ sản xuất cũng có thể biến thành ký hiệu tư tưởng. Búa liềm trên quốc huy của chúng ta là như vậy; ở đây chúng có một ý nghĩa thuần túy tư tưởng. Ta cũng có thể trang điểm sắc thái tư tưởng cho công cụ sản xuất. Ngay cả công cụ của người nguyên thủy cũng đã được trang điểm bằng các hình ảnh hoặc hoa văn, tức là đã được trang điểm bằng các ký hiệu. Tất nhiên, bản thân công cụ trong trường hợp này vẫn chưa trở thành ký hiệu.

Tiếp đó, ta có thể hoàn thiện hình thức nghệ thuật của công cụ sản xuất bằng một cách nào đó để cấu hình nghệ thuật của nó hài hòa với các mục tiêu sản xuất. Trong trường hợp này diễn ra một sự tiếp cận tối đa, gần như hòa nhập, giữa ký hiệu và công cụ. Tuy nhiên, ngay cả ở đây chúng ta cũng vẫn nhận thấy một ranh giới ý nghĩa rõ ràng: công cụ, tự thân nó, không trở thành ký hiệu, và ký hiệu, tự thân nó, không trở thành công cụ sản xuất.

Tương tự như vậy, sản phẩm tiêu dùng cũng có thể biến thành ký hiệu tư tưởng. Ví dụ, bánh mì và rượu vang trở thành những biểu tượng tôn giáo trong bí tích hiệp thông Kitô giáo. Nhưng sản phẩm tiêu dùng, tự thân nó, hoàn toàn không phải là ký hiệu. Các sản phẩm tiêu dùng, cũng như công cụ, có thể gắn kết với các ký hiệu tư tưởng, trong sự gắn kết này cái ranh giới ý nghĩa rạch ròi giữa chúng vẫn không bị xóa bỏ. Chẳng hạn, bánh mì có thể được làm thành một hình nhất định, và hình thức này được xác định không chỉ duy nhất bởi các mục đích sử ụng của bánh mì, mà còn có một ý nghĩa tư tưởng nào đó, cho dù là sơ khai (ví dụ, như hình số tám hay hình hoa hồng).

Như vậy, bên cạnh các hiện tượng tự nhiên, các vật phẩm kỹ nghệ và các sản phẩm tiêu dùng, còn tồn tại một thế giới đặc biệt: thế giới ký hiệu.

Các ký hiệu cũng là những vật thể vật chất cá biệt, và, như chúng ta đã thấy, bất kỳ vật phẩm tự nhiên, kỹ thuật hay tiêu dùng nào đều có thể biến thành ký hiệu, và khi đó có một ý nghĩa vượt ra ngoài giới hạn đặc điểm cá biệt của nó. Ký hiệu không đơn thuần tồn tại như là một phần của thực tại, mà còn phản ánh và khúc xạ một thực tại khác, bởi vậy nó có thể xuyên tạc hay trung thành với thực tại ấy hoặc có thể tiếp nhận nó dưới một góc nhìn nhất định… Mọi ký hiệu đều tuân theo các tiêu chí đánh giá tư tưởng (như sự dối trá, chân lý, độ chính xác, tính công bằng, lòng tốt…). Lĩnh vực của tư tưởng trùng hợp với lĩnh vực của ký hiệu. Giữa chúng có thể đặt một dấu bằng. Ở đâu có ký hiệu – ở đó có tư tưởng. Bất kỳ cái gì thuộc về tư tưởng đều có ý nghĩa ký hiệu.

Trong lĩnh vực của ký hiệu, tức là trong phạm vi tư tưởng, tồn tại những lĩnh vực khác biệt sâu sắc: ở đó bao gồm cả hình tượng nghệ thuật, biểu tượng tôn giáo, công thức khoa học lẫn quy phạm pháp luật… Mỗi lĩnh vực sáng tạo tư tưởng hướng tới thực tại theo một cách riêng và cũng theo cách riêng nó khúc xạ thực tại. Mỗi lĩnh vực có một chức năng riêng biệt trong sự thống nhất của đời sống xã hội. Nhưng đặc điểm ký hiệu chính là cái chung quy định tất cả các hiện tượng tư tưởng.

Mỗi ký hiệu tư tưởng không chỉ là một sự phản ánh, một cái bóng của thực tại, mà còn là một phần vật chất của chính thực tại đó. Tất cả các hiện tượng ký hiệu tư tưởng đều được thể hiện qua một chất liệu nào đó: như âm thanh, khối lượng vật lý, màu sắc, vận động cơ thể… Về mặt này, thực tại của ký hiệu hoàn toàn khách quan và có thể được khảo sát bằng một phương pháp nghiên cứu nhất quán, khách quan và duy nhất. Ký hiệu – đó là một hiện tượng của thế giới bên ngoài. Bản thân nó, và tất cả các hiệu ứng mà nó tạo ra, tức là những phản ứng, những hành động và những ký hiệu mới mà nó tạo ra trong môi trường xã hội xung quanh, đều diễn ra ở kinh nghiệm bên ngoài. Luận điểm này cực kỳ quan trọng. Cho dù rất căn bản, cho dù có vẻ hiển nhiên, khoa học về tư tưởng cho đến nay vẫn chưa thấy hết các kết luận rút ra từ nó.

Ký hiệu tư tưởng và ý thức

Triết học duy tâm về văn hóa và văn hóa học tâm lý đặt tư tưởng vào lĩnh vực ý thức. [1] Tư tưởng – họ khẳng định – là một sự kiện của ý thức; thân thể bên ngoài của ký hiệu chỉ là cái vỏ, là phương tiện kỹ thuật để hiện thực hóa hiệu ứng bên trong – sự thấu hiểu.

Cả chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa tâm lý đều không nhận ra rằng bản thân sự hiểu chỉ có thể diễn ra thông qua một chất liệu ký hiệu nào đó (ví dụ, ngôn ngữ bên trong). Không nhận thấy rằng ký hiệu dựa vào ký hiệu, và rằng bản thân ý thức chỉ có thể thể hiện mình và trở thành một sự kiện thực tế khi hiện thân bằng chất liệu ký hiệu. Bởi lẽ, hiểu một ký hiệu có nghĩa là đối chiếu ký hiệu cần phải hiểu đó với một ký hiệu khác đã quen thuộc; nói cách khác, sự hiểu đối đáp lại ký hiệu bằng ký hiệu. Chuỗi sáng tạo tư tưởng và sự hiểu như vậy – đi từ ký hiệu đến ký hiệu và từ ký hiệu đó đến một ký hiệu mới – là một chuỗi nhất quán và liên tục: từ một mắt xích ký hiệu, cũng tức là một mắt xích vật chất chúng ta di chuyển một cách liên tục đến một mắt xích ký hiệu khác. Không nơi nào bị đứt đoạn, không nơi nào chuỗi xích ấy rơi vào cái thực tại bên trong phi vật chất, không nơi nào không hiện thân thành ký hiệu.

Sợi xích tư tưởng này kết nối các ý thức cá nhân, gắn chúng lại với nhau. Bởi vì các ký hiệu chỉ xuất hiện trong quá trình tương tác giữa ý thức cá nhân. Và chính ý thức cá nhân cũng đầy ắp ký hiệu. Ý thức chỉ trở thành ý thức khi được lấp đầy bằng nội dung tư tưởng, tức là nội dung ký hiệu, do đó, chỉ trong quá trình tương tác xã hội.

Triết học duy tâm về văn hóa và văn hóa học tâm lý, dù những khác biệt phương pháp luận giữa hai xu hướng này sâu sắc đến mức nào đi nữa, đề phạm phải cùng một sai lầm cơ bản. Định vị tư tưởng trong ý thức, họ biến khoa học về các hệ tư tưởng thành khoa học về ý thức và các quy luật của nó, bất kể đó là những quy luật siêu việt hay tâm lý – thực nghiệm.

Điều này không chỉ dẫn đến sự bóp méo bản thân thực tại một cách triệt để, mà còn dẫn đến cả sự nhầm lẫn phương pháp luận về quan hệ tương hỗ giữa các lĩnh vực chuyên biệt của tri thức. Sự sáng tạo tư tưởng – một sự kiện vật chất và xã hội – bị cưỡng ép vào khuôn khổ của ý thức cá nhân. Mặt khác, bản thân ý thức cá nhân cũng bị tước mất mọi điểm tựa trong thực tại. Nó hoặc trở thành tất cả hoặc không là bất cứ cái gì.

Với chủ nghĩa duy tâm, nó trở thành tất cả, nằm ở đâu đó bên trên thực tại và quy định thực tại. Thật ra, ở chủ nghĩa duy tâm, sự ngự trị phổ quát này chỉ là sự vật chất hóa mối quan hệ trừu tượng giữa các hình thức và phạm trù chung nhất của sáng tạo tư tưởng.

Đối với chủ nghĩa thực chứng tâm lý, trái lại, ý thức không là gì – một tập hợp các phản ứng tâm – sinh lý ngẫu nhiên, nhờ một phép lạ nào đó mà trở thành sự sáng tạo tư tưởng thống nhất và có ý nghĩa. Bị diễn giải sai lầm như là tính quy luật của ý thức cá nhân, tính quy luật xã hội khách quan của sự sáng tạo tư tưởng tất yếu sẽ mất đi vị trí thực sự của mình trong thực tại và đi vào khoảng lơ lửng bên trên thực tại của thuyết siêu nghiệm (transcendatalism), hoặc xuống tầng đáy, tiền xã hội, của chủ thể tâm – sinh lý học.

Nhưng những gì thuộc về tư tưởng, theo đúng nghĩa, không thể giải thích cả bằng nguồn gốc bên trên con người lẫn bằng nguồn gốc động vật tiền con người. Vị trí thực sự của nó trong thực tại là ở cái chất liệu ký hiệu xã hội đặc biệt, do con người tạo ra. Đặc trưng của nó chính là ở chỗ nó nằm giữa các cá nhân có tổ chức, ở chỗ nó là phương tiện giao tiếp của họ.

Ký hiệu chỉ có thể xuất hiện trên lãnh địa liên cá nhân, và lãnh địa này không phải là “tự nhiên” theo nghĩa trực tiếp của từ này [2]: ngay cả giữa hai homo sapiens ký hiệu cũng không xuất hiện. Hai cá nhân cần phải được tổ chức theo nguyên tắc xã hội, phải tạo thành tập thể, chỉ khi đó giữa họ mới có thể hình thành môi trường ký hiệu. Ý thức cá nhân không những không thể giải thích bất cứ điều gì ở đây, mà ngược lại, chính nó cũng cần được giải thích từ môi trường tư tưởng xã hội.

Ý thức cá nhân là một sự kiện tư tưởng xã hội. Chừng nào luận điểm này còn chưa được chấp nhận cùng với tất cả các hệ quả của nó, việc xây dựng ngành tâm lý học khách quan cũng như một ngành khoa học khách quan về các hệ tư tưởng là không thể thực hiện được.

Chính vấn đề ý thức đã tạo nên những khó khăn chủ yếu và gây ra sự nhầm lẫn sâu sắc trong tất cả các vấn đề liên quan đến cả tâm lý học lẫn khoa học về các hệ tư tưởng. Cuối cùng, ý thức đã trở thành asylum ignorantiae cho tất cả các kiến tạo triết học. Ý thức hóa thành cái kho chứa tất cả các vấn đề chưa được giải quyết, tất cả những tồn đọng không thể phân giải một cách khách quan. Thay vì tìm kiếm một định nghĩa khách quan cho ý thức họ lại sử dụng nó để chỉnh sửa và biến thành chủ quan tất cả các định nghĩa khách quan ổn định.

Định nghĩa khách quan của ý thức chỉ có thể là một định nghĩa xã hội học. Không thể chiết xuất trực tiếp ý thức từ tự nhiên, như tham vọng trong quá khứ cũng như hiện nay của chủ nghĩa duy vật cơ học ngây thơ và tâm lý học khách quan hiện đại (sinh học hành vi hay phản xạ). Không thể chiết xuất hệ tư tưởng từ ý thức như cách làm của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa thực chứng tâm lý. Ý thức hình thành bằng chất liệu ký hiệu, được tạo ra trong quá trình giao tiếp xã hội của tập thể có tổ chức. Ý thức cá nhân được nuôi dưỡng bằng các ký hiệu, lớn lên từ chúng, phản ánh trong bản thân mình lôgích và tính quy luật của các ký hiệu ấy. Lôgích của ý thức là lôgích của giao tiếp tư tưởng, lôgích tương tác ký hiệu của tập thể. Nếu chúng ta loại khỏi ý thức nội dung ký hiệu tư tưởng của nó, ý thức hoàn toàn không còn lại gì. Ý thức chỉ có thể trú ngụ trong hình ảnh, ngôn từ, cử chỉ có nghĩa… Không có các chất liệu này, chỉ còn lại một hành động sinh lý trần trụi, không được ý thức chiếu sáng, tức là không được ký hiệu chiếu sáng và trao ý nghĩa.

Tất cả những điều nói trên đưa đến một kết luận phương pháp luận: khoa học về các hệ tư tưởng không phụ thuộc vào và không dựa trên tâm lý học dù ở bất cứ mức độ nào.Ngược lại, như chúng ta sẽ thấy chi tiết hơn ở một trong các bài sau, tâm lý học khách quan phải dựa trên khoa học về các hệ tư tưởng. Thực tại của các hiện tượng tư tưởng – đó là thực tại của các quy luật xã hội. Các quy luật của thực tại này về bản chất là các quy luật giao tiếp ký hiệu, được xác định trực tiếp bởi tổng thể các quy luật kinh tế – xã hội. Thực tại tư tưởng – đó là kiến trúc thượng tầng trực tiếp bên trên cơ sở hạ tầng kinh tế. Ý thức cá nhân không phải là kiến trúc sư của kiến trúc thượng tầng tư tưởng, mà chỉ là kẻ thuê nhà, kẻ ở trọ trong tòa nhà xã hội của các ký hiệu tư tưởng.

Từ như là ký hiệu tư tưởng par excellence

Khi tách các hiện tượng tư tưởng và quy luật của chúng khỏi ý thức cá nhân, chúng ta cũng đồng thời gắn chặt chúng với các điều kiện và hình thức giao tiếp xã hội. Thực tại của ký hiệu được xác định hoàn toàn bởi sự giao tiếp này. Bởi thực tại của ký hiệu không phải cái gì khác hơn là sự vật chất hóa sự giao tiếp ấy. Tất cả các ký hiệu tư tưởng đều như vậy.

Nhưng không ở đâu đặc tính ký hiệu cũng như vai trò toàn diện và liên tục của giao tiếp xã hội, như là nhân tố tạo điều kiện, lại được thể hiện rõ ràng và đầy đủ như trong ngôn ngữ. Từđó chính là một hiện tượng tư tưởng par excellence. Toàn bộ thực tại của từ hòa tan trọn vẹn trong chức năng ký hiệu của nó. Trong từ, không có bất cứ thứ gì mà lại thờ ơ với chức năng này và không có bất cứ thứ gì không được tạo ra bởi chức năng ấy. Từ, đó là phương tiện thuần khiết nhất và tinh tế nhất của giao tiếp xã hội.

Chỉ riêng khả năng biểu đạt, tính đại diện của từ – với tư cách là một hiện tượng tư tưởng – và tính khu biệt cao độ của cấu trúc ký hiệu của nó – có lẽ đã đủ để đưa từ lên tuyến đầu trong khoa học về các hệ tư tưởng. Việc khám phá các hình thức chính của giao tiếp tư tưởng nói chung tốt nhất là tiến hành ở chất liệu từ.

Tính trung lập tư tưởng của từ

Nhưng chưa hết. Từ không chỉ là ký hiệu thuần khiết nhất và có tính biểu đạt cao nhất, mà hơn nữa, còn là một ký hiệu trung lập. Tất cả các chất liệu ký hiệu khác đều chuyên biệt vào những lĩnh vực cụ thể của sáng tạo tư tưởng. Mỗi lĩnh vực có một chất liệu tư tưởng riêng, hình thành các ký hiệu và biểu tượng riêng, không được sử dụng trong các lĩnh vực khác. Ở đây, ký hiệu được tạo ra bởi một chức năng tư tưởng cụ thể, và không thể tách rời khỏi nó. Còn từ thì trung lập đối với một chức năng cụ thể. Nó có thể thực hiện bất kỳ chức năng tư tưởng nào: khoa học, thẩm mỹ, đạo đức, tôn giáo.

Ngoài ra, có một lĩnh vực giao tiếp tư tưởng rộng lớn không chịu bị cố định vào bất kỳ lĩnh vực tư tưởng nào. Đó là giao tiếp đời sống. Thứ giao tiếp này vô cùng phong phú và quan trọng. Một mặt, nó gắn trực tiếp với các quá trình sản xuất. Mặc khác nó tiếp giáp với không gian của các hệ tư tưởng khác nhau để hình thành và chuyên biệt. Về lĩnh vực cụ thể này của hệ tư tưởng đời sống, chúng ta sẽ trình bày chi tiết trong bài sau. Ở đây chúng tôi xin lưu ý, rằng chất liệu của giao tiếp đời sống chủ yếu là từ. Cái gọi là ngôn ngữ nói và các hình thái của nó tồn tại chính ở đây, trong lĩnh vực hệ tư tưởng đời sống.

Khả năng từ trở thành ký hiệu bên trong

Từ còn có một thuộc tính cực kỳ quan trọng khác, thuộc tính khiến nó trở thành phương tiện chủ yếu của ý thức cá nhân. Mặc dù thực tại của từ, cũng như của bất kỳ ký hiệu nào khác, nằm giữa các cá nhân, từ đồng thời cũng là sản phẩm của các cơ quan trên cơ thể cá nhân, không cần sự trợ giúp của bất kỳ công cụ hay chất liệu bên ngoài nào của cơ thể. Vì vậy, từ trở thành vật liệu ký hiệu của đời sống bên trong – của ý thức(ngôn ngữ bên trong). Bởi ý thức chỉ có thể phát triển khi có một loại chất liệu linh hoạt được thể hiện bằng cơ thể. Chất liệu ấy chính là từ. Từ có thể trở thành ký hiệu nội tâm, có thể nói như vậy; nó có thể thực hiện chức năng của ký hiệu mà không cần biểu lộ hoàn toàn ra bên ngoài. Vì vậy, vấn đề ý thức cá nhân, cũng như vấn đề ngôn từ bên trong (hay nói chung, ký hiệu bên trong) là một torng những vấn đề quan trọng nhất của triết học ngôn ngữ.

Như chúng ta đã thấy rõ ngay từ đầu, việc tiếp cận vấn đề này là bất khả nếu hiểu từ và ngôn ngữ theo cách thông thường, cách của ngôn ngữ học và triết học ngôn ngữ phi xã hội học. Cần phải có một phân tích sâu sắc và tinh tế về từ với tư cách một ký hiệu xã hội, thì mới có thể hiểu được chức năng của nó như là một phương tiện của ý thức.

Chính vai trò đặc biệt ấy của từ, với tư cách là phương tiện của ý thức, xác định thực tế là từ đồng hành, với tư cách là thành phần thiết yếu, với mọi sáng tạo tư tưởng nói chung. Từ đồng hành và chú giải mọi hành vi tư tưởng. Quá trình tìm hiểu bất cứ ký hiện tượng tư tưởng nào (tranh vẽ, âm nhạc, lễ nghi, hành động) đều không thể diễn ra nếu không có sự tham gia của ngôn ngữ bên trong. Mọi thể hiện của sự sáng tạo tư tưởng – tất cả các dạng ký hiệu phi ngôn ngữ khác – đều thấm đẫm dòng chảy lời nói, lơ lửng trong nó, không thể tách rời hoặc ly khai hoàn toàn khỏi nó.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là từ có thể thay thế tất cả các ký hiệu tư tưởng khác. Không, tất cả các ký hiệu tưt ưởng cơ bản, chuyên biệt, đều không thể thay thế hoàn toàn bởi ngôn từ. Về nguyên tắc, không thể dùng lời để chuyển tải đầy đủ nội dung một tác phẩm âm nhạc hay một bức tranh. Từ không thể thay thế hoàn toàn một nghi lễ tôn giáo; ngay cả những cử chỉ đơn giản nhất trong cuộc sống cũng không thể chuyển tải được đầy đủ bằng ngôn từ. Phủ nhận điều này sẽ dẫn đến thứ chủ nghĩa duy lý tầm thường nhất và thô thiển hất. Nhưng đồng thời, tất cả các ký hiệu tư tưởng phi ngôn từ này đều dựa vào ngôn từ và được ngôn từ đi kèm, như tiếng hát luôn có phần nhạc đệm.

Không ký hiệu văn hóa nào, một khi được tiếp nhận và được hiểu, lại đứng cô lập, lại không gia nhập vào khối thống nhất của ý thức tạo nên bằng lời nói. Ý thức có khả năng tìm ra cách tiếp cận nó bằng lời nói. Do đó, xung quanh ký hiệu tư tưởng dường như hình thành những vòng sóng lan tỏa của các hồi đáp và âm vọng bằng lời. Mọi khúc xạ tư tưởng của thực tại đang hình thành, bất kể vật liệu mang nghĩa của nó là gì, đều kèm theo sự khúc xạ tư tưởng bằng ngôn từ như là hiện tượng đồng hành tất yếu. Ngôn từ hiện diện trong mọi hành động hiểu và mọi hành động diễn giải.

Tiểu kết

Tất cả những đặc điểm của ngôn từ mà chúng ta vừa khảo sát – tính thuần khiết ký hiệu, tính trung lập tư tưởng, sự can dự vào giao tiếp đời sống, khả năng trở thành ngôn từ bên trong, và cuối cùng là sự hiện diện tất yếu như là một hiện tượng đồng hành với mọi hành động tư tưởng có ý thức – tất cả những điều này khiến ngôn từ trở thành đối tượng nghiên cứu căn bản của khoa học về các hệ tư tưởng. Các quy luật khúc xạ tư tưởng của tồn tại trong ký hiệu và nhận thức, các hình thức và cơ chế của sự khúc xạ này, cần được nghiên cứu trước hết ở chất liệu ngôn từ. Việc giới thiệu phương pháp xã hội học Marxist ở mọi chiều sâu và độ tinh tế của các cấu trúc tư tưởng “phổ quát” chỉ có thể khả thi trên cơ sở của triết học ngôn ngữ, được phát triển bởi chính chủ nghĩa Marx, với tư cách là triết học về ký hiệu tư tưởng.

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt