Chủ nghĩa Marx

Lời tựa cho tác phẩm Hệ tư tưởng Đức

LỜI TỰA

Cho tác phẩm Hệ tư tưởng Đức

 

KARL MARX (1818-1883)

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


Karl Marx và Friedrich Engels. “Hệ tư tưởng Đức” trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, tập 3. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử:http://www.dangcongsan.vn


 

Cho đến nay, con người luôn luôn tạo ra cho mình những quan niệm sai lầm về bản thân, về mình hiện nay đang là như thế hoặc sau này sẽ là như thế nào. Họ đã xây dựng những quan hệ của họ căn cứ vào những quan niệm của họ về thần, về kiểu mẫu của con người,v.v.. Những sản phẩm của bộ óc của họ đã trở thành kẻ thống trị họ. Là những người sáng tạo,họ lại phải cúi mình trước những cái họ sáng tạo ra. Chúng ta hãy giải thoát họ khỏi những ảo tưởng, những khái niệm, những giáo điều, những điều tưởng tượng mà cái ách của chúng đã giày vò họ. Chúng ta hãy nổi dậy chống lại sự thống trị ấy của những quan niệm. Chúng ta hãy dạy cho con người - một người này nói - biết đổi những ảo tưởng đó lấy những tư tưởng phù hợp với bản chất con người, - một người khác nói - biết có thái độ phê phán đối với những ảo tưởng đó, - một người thứ ba nói - biết trục xuất những ảo tưởng ra khỏi đầu óc, - thế là hiện thực hiện tồn tại sẽ sụp đổ.

 

Những điều tưởng tượng ngây thơ và trẻ con ấy là hạt nhân của triết học hiện đại của phái Hê-ghen trẻ là thứ triết học, ở Đức, không những được công chúng hoan nghênh với một thái độ thành kính xen lẫn sợ hãi mà còn được bản thân các anh hùng triết học giới thiệu với một ý thức trịnh trọng về tính nguy hiểm chấn động thế giới và tính thô bạo tội lỗi của nó. Tập thứ nhất của cuốn sách này nhằm mục đích lột mặt nạ của những con cừu đó, - chúng tự coi và được coi là chó sói, - nhằm mục đích chỉ ra rằng những tiếng be be của chúng chỉ lặp lại, dưới hình thức triết học, những quan niệm của bọn tư sản Đức và những lời khoa trương của những nhà bình luận triết học ấy chỉ phản ánh sự nghèo nàn cùng cực của hiện thực Đức mà thôi. Cuốn sách này nhằm mục đích vạch mặt cuộc đấu tranh triết học chống cái bóng của hiện thực - cuộc đấu tranh thích hợp với dân tộc Đức mơ mộng và nửa tỉnh nửa mê - và làm cho cuộc đấu tranh đó mất tín nhiệm.

 

Có lần, một con người dũng cảm nghĩ rằng sở dĩ người ta chết đuối chỉ vì bị tư tưởng về trọng lực ám ảnh. Nếu họ loại trừ được khái niệm ấy ra khỏi đầu óc của họ chẳng hạn bằng cách tuyên bố rằng đó là một khái niệm tôn giáo, mê tín thì họ sẽ tránh được mọi nguy cơ chết đuối. Ông ta đấu tranh suốt đời chống cái ảo tưởng về trọng lực mà những hậu quả có hại của nó đã được môn thống kê chỉ ra cho ông ta ngày càng thêm nhiều bằng chứng mới. Con người dũng cảm ấy chính là cái mẫu của những nhà triết học cách mạng Đức hiện đại1*.

 



1* Tiếp theo là đoạn bị gạch bỏ trong bản thảo: "Không có sự khác nhau đặc thù nào giữa chủ nghĩa duy tâm Đức với hệ tư tưởng của tất cả các dân tộc khác. Hệ tư tưởng này cũng cho rằng thế giới bị những ý niệm thống trị; rằng ý niệm và những khái niệm là những nguyên tắc nhất định; rằng những tư tưởng nhất định hợp thành cái bí mật của thế giới vật chất mà chỉ có các nhà triết học mới hiểu được.

   Hê-ghen đã hoàn chỉnh chủ nghĩa duy tâm thực chứng. Ông cho rằng chẳng những toàn bộ thế giới vật chất biến thành thế giới những ý niệm mà toàn bộ lịch sử cũng biến thành lịch sử tư tưởng.Ông không hài lòng với việc ghi chép những điều tư tưởng, ông còn tìm cách miêu tả hành vi sáng tạo ra chúng.

   Các nhà triết học Đức đã rời khỏi thế giới ảo mộng đều phản đối thế giới ý niệm, mà... họ... quan niệm về... hiện thực, hữu hình...

  Tất cả những nhà phê phán triết học người Đức đều khẳng định rằng những ý niệm, biểu tượng, khái niệm, cho đến nay, vẫn thống trị và quy định thế giới hiện thực của con người; rằng thế giới hiện thực là sản phẩm của thế giới những ý niệm. Điều đó tồn tại cho đến nay, nhưng sẽ phải thay đổi. Họ khác nhau ở cách thức họ muốn dùng để cứu vớt nhân loại mà họ cho là đang rên siết dưới sức nặng của những ý niệm cố định của chính mình; họ cũng khác nhau tùy theo họ định nghĩa thế nào là tư tưởng cố định; nhưng họ giống nhau ở chỗ họ tin vào sự thống trị của những ý niệm; họ giống nhau ở chỗ họ tin rằng tác dụng của tư tưởng phê phán của họ nhất thiết sẽ chấm dứt trạng thái hiện nay của sự vật - một số người này tưởng rằng hoạt động tư tưởng biệt lập của họ cũng đủ đạt được kết quả đó, một số người khác lại muốn chiếm được ý thức của mọi người.

   Lòng tin rằng thế giới hiện thực là sản phẩm của thế giới những ý niệm, rằng thế giới ý niệm...

   Lạc đường trong thế giới những ý niệm của Hê-ghen, - đã trở thành thế giới của họ, - những nhà triết học Đức phản đối sự thống trị của tư tưởng, ý niệm, biểu tượng, tức là những cái, cho đến nay, theo quan niệm của họ, nghĩa là theo ảo tưởng của Hê-ghen, đã sản sinh ra thế giới hiện thực, đã quyết định, đã thống trị thế giới đó. Họ tuyên bố phản đối và đình chỉ...

   Theo hệ thống của Hê-ghen, chính những ý niệm, tư tưởng, khái niệm sản sinh ra, quyết định, thống trị đời sống hiện thực của con người, thế giới vật chất của họ, quan hệ hiện thực của họ. Những môn đồ phản nghịch của ông mượn của ông điểm đó...".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt