Chủ nghĩa Marx

Ngẫu nhiên và tất yếu; tất yếu và tự do

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ HAI

NHỮNG PHẠM TRÙ CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 
 

II. NGẪU NHIÊN VÀ TẤT YẾU; TẤT YẾU VÀ TỰ DO

 

Trong những thời đen tối của phong kiến, bọn học giả chánh thống thường không thừa nhận quy luật khách quan, tất yếu và phổ biến. Trái lại, đến thế kỷ 18, 19 thì nguyên nhân luận, quyết định luận lại quá độ, không thừa nhận cái gì là ngẫu nhiên cả. Một bên nói không có tất yếu, một bên nói không có ngẫu nhiên; cả hai đều sai lầm.

1. Có hay không có ngẫu nhiên?

Nhà triết học Pháp, ông Gô-bờ-lô (Goblot) nói:

a.Trật tự của tự nhiên là thường hằng (constant) không thay đổi và không có ngoại lệ nào cả.

b.Trật tự của tự nhiên là phổ biến và không có một việc gì, một chi tiết nào không do quy luật quyết định. 

Ten (Taine) đem văn chương hùng tráng của mình ca tụng tính chất vô cùng nghiêm khắc của quy luật thiên nhiên. Thứ quyết định luận quá mực phi biện chứng ấy trực tiếp mở đường cho tiền định luận và gián tiếp ủng hộ cho tư tưởng siêu hình, tự do, vô quy luật. Mà chính nó cũng là một loại tư tưởng siêu hình bởi vì nó độc đoán gạt bỏ một sự thực khách quan (ngẫu nhiên) và như thế là nó không trông thấy mối tương quan giữa ngẫu nhiên và tất yếu.

Ngẫu nhiên là một sự thực khách quan chối cãi làm gì, chối cãi sao được ? Quyết định luận có cần gì phải phủ nhận sự ngẫu nhiên mới tồn tại đâu ? Ta lấy một tấm phủ thưa, lỗ rộng bằng hai bề dài của cây kim; cứ bỏ rơi cây kim trên mặt lưới ấy, bỏ mãi, làm lại mãi thí nghiệm, ta thấy cái số kim băng qua lưới và số kim phải đụng lưới chia với với tổng số kim rơi, xu hướng =0,3183098. Đó là một quy luật của ngẫu nhiên. Khi ta làm thống kê việc bỏ thư ở thùng thư, việc ô-tô đụng , việc người tự tử so với cuộc kinh tế khủng hoảng v.v… ta cũng tìm được những quy luật của ngẫu nhiên, quy luật của trung bình, quy luật của thống kê. 

Chúng ta đã nói đến quy luật Ma-ri-ốt, không cần nhắc lại; chỉ nhắc lại rằng trong đó, có nhiều sự ngẫu nhiên: trong một thời gian ngắn, trên một khoảng hẹp của mặt bầu đựng không khí, lắm khi không có một vi phân tử nào đụng vào đó cả. Có ngẫu nhiên, có ngoại lệ.

Trong đời sống thường, thiếu gì những ngoại lệ, ngẫu nhiên? Giai cấp công nhân thì cách mạng , song có cá nhân người công nhân theo phản cách mạng phá phong trào công nhân; không phải là vì lẽ ấy mà ta không tin rằng giai cấp công nhân lãnh đạo được cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ nhân dân. Trong phong kiến quý tộc có những cá nhân tán thành và tham gia cách mạng dân chủ, chứ không phải tuyệt đối không; nhưng không phải vì lẽ ấy mà ta có thể nói rằng phong kiến là một giai cấp cách mạng.Người ta có thể sống cao tuổi, song bao nhiêu người khác bị chết non vì tai nạn sông suối, ngựa xe, máy bay; tai nạn kia xảy đến là ngẫu nhiên, không do cơ thể con người quyết định; cơ thể quyết định rằng con người có thể sống trên 100 năm; bị máy bay bắn, bị xe cán là ngẫu nhiên. Hoa hồng mới nở, bị khách qua đường hái, nó chết, chết ấy cũng là ngẫu nhiên, không do quá trình sinh tử nội tại của cây hoa hồng.

Vậy khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội đều không thể phủ nhận sự tồn tại khách quan của ngẫu nhiên, ngoại lệ; cho nên Angen nói:

Người ta tuyên bố rằng “chỉ cái tất yếu là đáng cho khoa học chú ý đến, khoa học không cần chú ý đến cái ngẫu nhiên”. Nếu thế thì chỉ nên chú ý đến cái gì mà ta có thể khép vào quy luật nghĩa là cái gì mà người ta biết hay sao? Kỳ dư, cái gì mà người ta không biết thì lại bỏ qua đi, không cần chú ý đến sao? Nếu thế thì khoa học nào cũng phải ngừng tất cả. Mà chính là khoa học phải nghiên cứu cái gì mà chúng ta chưa biết”.

“Thuyết quyết định luận được sát nhập vào trong khoa học; duy vật Pháp muốn phủ định sự ngẫu nhiên, muốn cho ngẫu nhiên đừng quấy mình với cái loại tất yếu ấy chúng ta không thoát khỏi thần học đâu… Nó là một câu trống rỗng, và ngẫu nhiên vẫn cứ là ngẫu nhiên; người ta không bắt đầu từ cái tất yếu mà giải thích cái ngẫu nhiên, trái lại người ta làm cho tất yếu trụy lạc đi cho đến nỗi chỉ còn đủ gây ra sự ngẫu nhiên mà thôi”.   

Rồi tiếp theo câu ấy, Angen nhắc lại lời của Hê-gen “Ngẫu nhiên là tất yếu, và chính cái tất yếu tự quyết định như là ngẫu nhiên, cho nên cái ngẫu nhiên ấy cũng là hay chính là tất yếu tuyệt đối”. Câu nói rườm rà của Hê-gen có hai ý nghĩa: có ngẫu nhiên và đồng thời có mối liên quan mật thiết giữa ngẫu nhiên và tất yếu.

2. Cả vũ trụ chỉ là một loạt ngẫu nhiên thôi chăng?

Một sai lầm khác của tư tưởng siêu hình là không nhận có tất yếu chỉ thấy có ngẫu nhiên là chính, tất yếu là thứ. Ví dụ:

- Trong sinh vật học, học thuyết tư sản bảo rằng: sự đổi giống (mutation) là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn.

Và Nơ-nam bảo rằng trong nguyên tử chỉ có xác xuất ngẫu nhiên mà thôi. Giáo sư Pháp L.Đờ Bờ rôi (Broglie) phụ họa theo.

- Triết gia đế quốc Rút-xen (Bertrand-Russell, cái anh chàng đã đòi dùng bom nguyên tử để tiêu diệt Liên-xô duy vật) có giảng ở đại học Anh rằng:

Tôi nghĩ rằng ngoại giới có thể là một ảo mộng, nhưng nếu có ngoại giới thật, thì nó gồm những yếu tố nhỏ và những yếu  tố đó phát sinh bằng một cách ngẫu nhiên”.

Kể cả ngày cũng chưa hết những thí dụ trong đó học giả tư sản tung hô vạn tuế cái ngẫu nhiên, chống lại với lẽ tất yếu.

Nếu quả vũ trụ chỉ là một ngẫu nhiên thôi thì khoa học không có giá trị gì nữa cả. Thực ra, quan niệm ngẫu nhiên trong vũ trụ thiên nhiên là phản chiếu tính chất tự phát vô tổ chức của chế độ tư bản; và , chính là vì các nhà tư tưởng tư bản sợ cái tất yếu trong lịch sử nên họ phủ nhận cái tất yếu trong tự nhiên, lý do sâu xa là ở đó.

Nay khoa học, mỗi ngành của khoa học đều tìm được, dùng được hàng chục, hàng trăm quy luật, thì còn ai dám bảo rằng không có tất yếu, chỉ có ngẫu nhiên?

Thế thì không thể nói rằng không có ngẫu nhiên mà cũng không thể nói rằng chỉ có ngẫu nhiên thôi.

Hai cái sai lầm ấy, tuy bề ngoài thì dường như là trái ngược nhau, thực ra chỉ là một loại sai lầm, loại siêu hình; và hơn nữa cái này bắc cầu cho cái kia.

Xét kỹ, ngẫu nhiên là tất yếu, ngẫu nhiên lập đi lập lại: ngẫu nhiên vẫn theo quy luật và có quy luật của ngẫu nhiên và ngẫu nhiên nào cũng có nguyên nhân cả.

3. Ngẫu nhiên là tất yếu. Tất yếu không bài trừ ngẫu nhiên.

 Về sự tồn tại khách quan của quy luật - nghĩa là của tất yếu - thì ở đây chúng ta không cần nói lại nữa; chúng ta bàn đến trong phần “Duy vật luận” rồi.

Giáo sư Fersmann, trong viện Hàn lâm Khoa học Liên-xô viết bài kỷ niệm 30 năm khoa học xô-viết, có nói rằng:

Về vũ trụ quan, chúng tôi hoàn toàn tin chắc rằng tất cả các quá trình tự nhiên đều tuân theo quy luật. Ngày nay chúng tôi biết rất rõ rằng những quy luật lớn của tự nhiên không phải là quy luật số học (loi du nombre) nghiêm khắc như trong toán học. Không thể trừu tượng hóa nó thành những con số tuyệt đối được. Quy luật của tự nhiên là biểu hiện của những tương quan phức tạp, có thực trong tự nhiên giữa những hiện tượng xen lẫn nhau trong không gian và thời gian. Những trường hợp đặc biệt đều là tất yếu cả, lại bị quyết định một cách khách quan bởi những mâu thuẫn cố hữu trong vũ trụ quanh ta.

Ta chú ý nhất đến câu sau cùng này. Câu ấy đúng như lời của Hê-gen mà vừa trích dịch ở bên trên, chỉ rõ mối tương quan giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Tất yếu là căn bản; những cái ngoại lệ, ngẫu nhiên vẫn bị tất yếu chi phối; mỗi ngẫu nhiên đều có nguyên nhân, ngẫu nhiên nào cũng bị lôi cuốn trong vòng tất yếu; và chỉ có thể giải thích các sự ngẫu nhiên đó từ quy luật tất yếu mà thôi. Biết cả tất yếu và ngẫu nhiên mới là biết rõ thực tại; “quy luật không chắc” của He-sen-be là một quy luật khách quan, nó làm cho ta biết “thêm chắc”, làm cho quan niệm về tất yếu càng chính xác.

Angen, Lênin thường nói rằng “Tất yếu là toàn bộ các ngẫu nhiên”, đó cũng là quy định sự tương quan giữa hai phạm trù ấy.

Vì lẽ gì mà “ngẫu nhiên là tất yếu”.

Trong vũ trụ thì vạn vật đều tương quan; tương quan thì có tương quan xa, tương quan gần; gần, như cạnh tranh kinh tế với chiến tranh đế quốc; xa, như anh hàng xóm của tôi chết ốm với cuộc xung đột giữa Ai-cập và Anh; xa lắm thì coi như là độc lập, riêng rẽ.

Khi những sự vật, những hiện tượng tương đối độc lập ấy gặp nhau thì nẩy sinh ra sự ngẫu nhiên; ví dụ: cành dương liễu gẫy làm rụng đóa hoa hồng, hoa hồng chết; chết ấy là ngẫu nhiên, nhưng ngẫu nhiên ấy vẫn là tất yếu bởi vì gió lớn cành yếu thì cành cây rơi; cành cây nặng, hoa hồng mảnh mai, đụng phải nhau nếu hoa hồng không đổ mới là việc kỳ quái.

Hay ví dụ: điện tử vận động trong một không gian vật chất bất đồng; bước chảy của nó không đều; người ta không chắc chừng nào nó đến một điểm nào; nếu bước nhảy nào cũng như bước nhảy nào, thì việc ấy sẽ là kỳ quái, chớ ngược lại, cái ngẫu nhiên dài ngắn, mau chậm ở một đoạn ngắn của quỹ đạo, mới rõ là “tất yếu” tất yếu vì môi trường vật chất bất đồng thì bước nhảy của điện tử làm sao mà đồng đều được. Vả lại những bước nhảy không đều, “ngẫu nhiên” này không bao giờ trái với quy luật căn bản ví dụ như quy luật bảo tồn năng lượng. Lấy một ví dụ khác, dễ hơn: thường ngày ai cũng thấy mỗi người rất tự do để tự tử hay không tự tử; ấy thế mà, trong chế độ tư bản, nhất thiết hàng năm có số trung bình nào đó, số ấy lên xuống tùy các cuộc khủng hoảng kinh tế. Hoặc là ô-tô đụng người, người chết một cách ngẫu nhiên, thế nhưng tất yếu có một số tai nạn trung bình nào đó, trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi tuần ở một thành phố lớn như New York chẳng hạn. Hay là: Một cặp vợ chồng sinh con gái con trai, không ai biết trước được; mỗi trường hợp đó là ngẫu nhiên; mà tính cho toàn nhân loại thì số trai và gái gần đồng nhau, luôn luôn như thế, không có thế kỷ nào mà sinh ra chỉ có con gái, thế kỷ khác lại sinh ra chỉ có con trai. Tất yếu như thế. Nếu ở chế độ tư bản không ai tự tử, không ai bị ô-tô cán, ai cũng đẻ con trai, thì cái đó mới là kỳ quái, mới là ngoài tất yếu. 

Ngẫu nhiên là một sự thực khách quan, nó xảy ra lập đi lập lại luôn luôn. Mà chính trị vì thế nên có cách tính xác xuất, có những công ty bảo hiểm, có những quy luật thống kê của những sự ngẫu nhiên.

4. Quy luật của ngẫu nhiên và ngẫu nhiên của quy luật

Tai nạn là sự ngẫu nhiên. Ay thế nhưng, sự bảo hiểm (ở Anh) cũng như sự đánh bạc (của bọn phong kiến Pháp) làm nẩy sinh ra cách làm tính xác xuất. Cái số gọi là “xác xuất” chính là sự lập đi lập lại của ngẫu nhiên, hoặc ngẫu nhiên nào đó có thể trở đi trở lại bao nhiêu lần có thể tính gần đúng, không sai xa, cứ thống kê và thí nghiệm rất nhiều lần thì rõ điều ấy.

Ngó riêng từng trường hợp, từng số nhỏ trường hợp thì không có gì tất yếu, thấy lộn xộn, vô quy luật, nhưng lấy số nhiều trường hợp thì thấy rõ tất yếu, quy luật, thấy rõ tính đều đặn. Bằng cách nào mà người ta tìm ra quy luật về sự rơi của các vật ? Bằng cách làm rơi vô số vật, vô số lần, rồi lấy thống kê; mỗi vật, mỗi lần có khác nhau, nhưng rốt cùng quy luật kia vẫn đúng. Người ta nói quy luật là sự tổng cộng của tất cả các ngẫu nhiên là thế. Trong một cái bình có ít phân tử không khí thì quy luật Ma-ri-ốt không đúng; nhưng nếu có rất nhiều phân tử không khí thì quy luật Ma-ri-ốt lại đúng, thế nghĩa là sự đụng chạm ngẫu nhiên của từng phân tử riêng rẽ là theo một tương quan chung, một tất yếu lớn. Mỗi người đều tự do tự tử; nhưng mà số người tự tử càng ngày càng đông khi chủ nghĩa tư bản càng suy dồi khủng hoảng; trái lại số người tự tử đó giảm dần đến mất tùy theo sự tiến bộ của xã hội chủ nghĩa: thế là cái ngẫu nhiên vẫn bị quy luật này chi phối.

Sự chi phối của quy luật không phải là hoàn toàn, không phải là 100% đối với từng trường hợp ngẫu nhiên riêng rẽ. Angen nói:

Những quy luật tổng quát của sự vận động tự phát hiện qua vô số những ngẫu nhiên ngoại diện”.”Cái mà người ta khẳng định rằng tất yếu là gồm những sự ngẫu nhiên hoàn toàn”.

5. Khoa học không gạt trường hợp ngẫu nhiên ngoài lĩnh vực của mình, mà phải vược qua cái ngẫu nhiên

Vượt qua không phải là thủ tiêu. Thủ tiêu sao được ?

Nhiệm vụ của khoa học, ngoài sự củng cố quy luật, không phải là chỉ nhận thấy có ngẫu nhiên, mà còn tìm hiểu tính chất của các nguyên nhân “bất kỳ” sinh ra các sự ngẫu nhiên ấy.

Nói chung, những quy luật nào có tính chất thống kê thì nó không chỉ đạo, không chi phối 100% các trường hợp riêng rẽ; cái phần của ngẫu nhiên, tùy điều kiện, mà thành ra nhiều hay ít. Khoa học phải đi vào từng hiện tượng cá biệt để hiểu thấu sự ngẫu nhiên. Không chỉ có quy luật thống kê về số người tự tử làm cho ta biết nạn tự tử mà bài trừ nó; còn phải nghiên cứu về mặt sinh lý, tâm lý của từng trường hợp và nghiên cứu điều kiện xã hội chung để có thêm cách bài trừ nạn tự tử. Hay là: trước đây, hồi thời Bôn-man (Bolz Mann) thì nguyên tử học chỉ có thể xác định số trung bình về sự vận động của các vật mọn (ví dụ điện tử), còn từ ngày phát kiến được cái phòng sương mù của Vin-sơn (Wilson 1899) thì các nhà vật lý học theo dõi được sự vận động của một nguyên tử, một điện tử, theo dõi được sự nổ của một nguyên tử và như thế đã tìm được rất nhiều quy luật mới. Đứng về mặt khoa học lịch sử cũng thế: lịch sử có nhũng quy luật căn bản của nó (duy vật lịch sử ) ; nhưng nếu ta tưởng rằng hễ cái gì xảy ra đều là tất yếu lịch sử cả thì ta sẽ phạm một sai lầm to nhất. Có khối những ngẫu nhiên của lịch sử, mà ta phải đi sâu vào sự nhiên cứu nguyên nhân, kết quả của nó, nghiên cứu đặc tính của mỗi trường hợp ngẫu nhiên ấy. Ở đây cần tránh hai cái sai lầm: một là xem cái gì cũng là ngẫu nhiên (lịch sử viết theo kiểu phong kiến); hai là xem cái gì cũng là tất yếu, biểu hiện một tính lười biếng, một phương pháp tư tưởng siêu hình, máy móc tiếp cận với tiền định luận.

Kết quả của sự nghiên cứu càng sâu sắc, đi vào từng hiện tượng, từng vật mọn như thế, không phải là thủ tiêu cái ngẫu nhiên đâu, không phải là thủ tiêu quy luật thống kê đâu; trái lại, sở dĩ đi sâu vào như thế được là vì ngẫu nhiên có tính chất khách quan và quy luật xác xuất cũng có tính chất khách quan nữa. Ta vượt qua cái ngẫu nhiên mà ngẫu nhiên vẫn tồn tại, nhờ đó mà nhận thức của con người càng được sâu sắc, cụ thể. Đâu đâu và lúc nào cái ngẫu nhiên vẫn là một phần phụ thuộc của tất yếu.

6.Tất yếu không bài trừ tự do

Tự do là tất yếu đã được nhận thức.

Cũng như ngẫu nhiên không bài trừ tất yếu và ngược lại thì tất yếu không bài trừ tự do. Có người nghĩ lầm rằng người Mác-xít đề cao lẽ tất yếu thì phải chôn vùi sự tự do; họ tưởng lầm rằng chúng ta chủ trương kìm hãm con người dưới sức chế ngự vô trị của quy luật. Kỳ thực nếu không thừa nhận sự tất yếu, không thừa nhận quy luật, thì sẽ bị tất yếu chế ngự luôn luôn; tưởng mình tự do đối với quy luật thì hoàn toàn nô lệ với tất yếu. Khác nào người cầy ruộng “tự do” làm cầu tre cho xe mười tấn chạy qua ? Đi ngược với tất yếu thì chỉ có thất bại mà thôi.

Trái lại, biết và theo quy luật của dòng nước thì đem được nước vào ruộng, làm được nhà máy thủy điện; trái với quy luật của dòng nước, “tự do” làm theo ý mình thì đê vỡ, mùa hỏng, nhà trôi. Có bạn tưởng đâu mình có dân, có chánh quyền dân chủ, đủ mạnh rồi, thì không cần phải chịu theo quy luật giá trị trong sự mậu dịch: bạn ấy định giá mua hàng quá rẻ; kết quả là 90% hàng ấy chạy đâu mất, mua không được. Ta thử định giá một kí-lô bông bằng một ký-lô vải và một ký-lô lúa, xem ai còn trồng bông dệt vải bán cho ta không ? Ngược lại, nếu theo lẽ tất yếu của quy luật giá trị thì kế hoạch mua bán của ta mới được thực hiện, ý chí của ta mới thắng, như thế ta mới thực tự do. Tự do là tất yếu được nhận thức; tự do quyết không phải là phớt tất yếu; tự do không ngoài sự nhận thức lẽ tất yếu; càng nhận thức rõ lẽ tất yếu tất yếu thì càng tự do. Tự do là kết quả lâu dài của nhận thức, của thực tiễn đấu tranh. Tôi có mấy người bạn hồi 1952, hay nói : cứ để người tư nhân tự do đảm nhận sự buôn bán, mậu dịch quốc doanh xen vào đó ràng buộc làm gì ? Đến hôm rồi, lúc ở khu 4, hết hạn đến lụt ai cũng sợ gạo lên đến giá hàng chục nghìn bạc một ký-lô; thế nhưng giá gạo được bình ổn. Chính mấy anh bạn kia nói “nhờ mậu dịch quốc doanh, nhờ nắm được quy luật của thị trường, thế mới đáng gọi là tự do”.

Đúng như vậy. Tương quan giữa tất yếu và tự do là thế. Ngẫu nhiên, tất yếu, tự do không gì có mâu thuẫn tuyệt đối với nhau, cái này nằm trong cái kia, cái này biến thành cái kia.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt