Chủ nghĩa Marx

Những phát kiến khoa học nào đã làm nền móng cho biện chứng pháp duy vật

BIỆN CHỨNG PHÁP

 
CHƯƠNG THỨ NHẤT
 
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG
 
CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

 

1 2 3 4 5 6

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1995. 


 

III. NHỮNG PHÁT KIẾN KHOA HỌC NÀO ĐÃ LÀM NỀN MÓNG

CHO BIỆN CHỨNG PHÁP DUY VẬT

 

Phương pháp siêu hình xem mọi sự vật như tách rời nhau, như bất biến, như không mâu thuẫn, như không có sự thay đổi về chất. Sai lầm ! Những sai lầm ấy rất dễ hiểu nếu ta biết rằng trình độ của triết học tất nhiên phải tương ứng với trình độ của khoa học. Nghề chụp ảnh có trước nghề quay phim, vật tĩnh dễ trông hơn vật động; nhìn cục bộ dễ hơn nhìn toàn bộ; thì duy vật cơ giới sinh nở ra trước duy vật biện chứng, điều đó không có gì lạ.

Song, nếu chỉ diễn giảng như trên thì người ta có thể tưởng tượng rằng biện chứng pháp Mác-xít xuất phát đơn thuần từ một cuộc phê bình duy vật luận cơ giới và biện chứng pháp duy tâm. Thật ra, biện chứng pháp duy vật được dựng lên trên một nền móng khoa học nhất định trong những điều kiện xã hội nhất định; giả sử không có nền móng khoa học ấy và điều kiện xã hội ấy thì sự phê bình Hê-gen và Phước-bách chưa đủ để sáng lập biện chứng pháp duy vật.

Vậy những phát kiến khoa học nào làm nền móng cho biện chứng pháp duy vật?

Trình độ khoa học của thế kỷ 18 quyết định tính chất siêu hình, cơ giới của triết học trong thế kỷ ấy. Đến khi khoa học phát hiện được những điều mới, tìm thấy sự biến chuyển, sự vận động trong tự nhiên thì trên mặt triết học, biện chứng pháp duy vật ra đời điều ấy không có gì là lạ… Angen nói :

Đến cuối thế kỷ 18, khoa học tự nhiên là khoa học tích tụ trước hết, nó nghiên cứu những sự vật mà nó xem như là trường tồn, bất biến. Đến thế kỷ 19, nó trở thành khoa học phân loại, nó nghiên cứu các hiện tượng; nó nghiên cứu căn nguyên và phát triển các sự vật, nó nghiên cứu những mối liên hệ giữa các hiện tượng tự nhiên hợp lại thành một toàn bộ to lớn”.

Những môn khoa học như sinh vật học, địa chất học.., đều là con đẻ của thế kỷ 19. Trong số rất nhiều phát kiến thì có ba phát kiến quan trọng đặc biệt đã ảnh hưởng rất quyết định đến biện chứng pháp duy vật của Mác:

- Phát kiến về tế bào. 

- Phát kiến về sự biến đổi của năng lượng.

- Phát kiến về căn nguyên của các giống loài.

1. Phát kiến về tế bào

Hai ông Sơ-oan (Schwan) và Sơ-lay-đe (Schleider) tìm ra tế bào, đơn vị của sự sống. Phát kiến ấy dạy chúng ta rằng tất cả các loài sinh vật, dù cỏ cây, cầm thú, hay con người từ rong rêu, trùng dế đến vua chúa, tất cả đều phát sinh từ một đơn vị giống nhau: tế bào. Tế bào sinh nở, phát triển lên mãi thành ra cơ thể càng cao càng phức tạp, rốt cùng mới đến con người có trí tuệ. Sự sống không còn là cái ân của thượng đế nữa. Nền móng của sự sống là duy nhất. Sự phát triển của tế bào cắt nghĩa sự phát triển của các loài sinh vật, thực vật, động vật, từ thấp lên cao. Duy vật luận được chứng minh, biện chứng pháp được đà tiến tới. 

Tư tưởng thần bí, phương pháp siêu hình bị một đòn chí tử: uy linh của thượng đế sáng tạo sự sống bị sụp đổ. Người ta không còn ngưỡng lên không trung để tìm lẽ huyền diệu của sinh hoạt nữa; người ta ngó xuống đất, xuống thực tế, người ta mổ xẻ cơ thể, phân chất tế bào, tìm tòi trong phòng thí nghiệm để vén màn bí mật của vũ trụ hữu sinh cắt nghĩa căn nguyên và phát triển sự sống.

Xin nhắc lại một đoạn trong giáo trình “Vũ trụ quan” nói về căn nguyên của sinh hoạt. Chúng ta đã biết rằng phát kiến của Sơ-oan và Sơ-lay-đe rất quan trọng, rất xác thực nhưng nó hãy còn để cửa trống cho chủ nghĩa duy thần lẻn vào. Sinh lý học lúc bấy giờ chưa giải quyết được vấn đề biến chuyển từ vật vô sinh đến vật hữu sinh; giữa vật vô sinh và vật hữu sinh hãy còn một cái hố sâu chia rẽ; cho nên bọn duy tâm duy thần vẫn còn nói lếu láo rằng  “tuy thượng đế không sinh ra sinh vật, nhưng thượng đế sinh ra cái tế bào đầu tiên”. Mãi đến gần đây khi các nhà bác học Liên-xô như bà Lê-pê-sinh-kai-a dựng lên được thuyết mới về tế bào, đi sâu vào sự nghiên cứu phần sinh hoạt phi tế bào, chứng minh sự cấu tạo tế bào từ nguyên sinh chất và nghiên cứu sự cấu tạo ra nguyên sinh chất từ vật vô sinh, thì vấn đề căn nguyên của sự sống mới được giải quyết một cách triệt để hơn. Tế bào học Xô-viết còn hứa hẹn nhiều tiến bước khác nữa.

2. Phát kiến về biến đổi của năng lượng

Hai ông Mai-de (Mayer) và Jun(Joule) tìm ra quy luật dương lượng cơ giới của nhiệt. Rồi bằng cớ này tới bằng cớ khác thi nhau xuất hiện để chứng minh sự biến chuyển  của năng lượng. Sức nóng, ánh sáng, điện quang, năng lượng hóa học v.v… đều có thể và thường thường biến từ hình thái này sang hình thái khác, cái này mất đi lại sinh ra cái nọ, thực ra chẳng mất mát đi đâu, tất cả các hình thức đều là những cách tồn tại của vật chất luôn luôn vận động.

Hằng ngày ta thấy sự biến chuyển của năng lượng trong tự nhiên giới ; chẳng những thế,  ngay trong phòng thí nghiệm, trong công nghệ, chúng ta đã tạo được, dùng được sự biến chuyển của năng lượng, tính toán một cách rất chính xác những sự biến chuyển: đốt nước thành hơi, hơi nước quay máy, máy quay cho điện, điện sinh ánh sáng, ánh sáng làm phân hóa hay kết hợp những chất hóa học v.v… Sự biến chuyển năng lượng, sự vận động của vật chất trở thành một sự thực hiển nhiên mà không ai chối cãi được. Biện chứng pháp của tự nhiên càng có cơ sở vật chất rõ ràng, tư tưởng siêu hình càng mất chỗ đứng ít ra là trên lĩnh vực khoa học tự nhiên. 

Ơ đây cũng xin nhắc lại một đoạn trong giáo trình “Vũ trụ quan”. Bọn duy tâm cố sức tử chiến; hoạc chúng nó bảo rằng “vật chất biến thành năng lượng tức là vật chất tiêu tan đi”, rút cục chỉ còn “có vận động mà không còn vật chất”; hoặc có bọn bám vào nguyên lý Các-nô để kết luận rằng năng lượng mất dần đến chỗ “vũ trụ sẽ chết lạnh”. Nói một cách khác, khi bọn duy tâm phải thừa nhận sự vận động không ngừng của vật chất , thì bọn ấy lại xuyên tạc sự vận động ấy bằng cách bảo rằng chỉ có sự vận động thôi chớ không có vật chất vận động, và vận động đến một lúc kia sẽ hết vận động bởi vì không còn năng lượng nữa.

Nhà bác học Xô-viết Va-vi-lốp đả phá các học thuyết siêu hình ấy, chỉ rằng sự bảo tồn năng lượng và vật chất là một nguyên lý vững vàng. Và từ đầu thế kỷ, Lênin đã vạch mặt các phái duy tâm khi chúng nó bảo rằng có vận động mà không có vật chất. Mỗi bước của khoa học ngày nay chứng minh chắc chắn sự thực khách quan không chối cãi được là: có vật chất thì có vận động, sự vận động là vĩnh hằng, vật chất là vô tận, nguyên tử là vô tận mà điện tử cũng là vô tận, có vận động là có vật chất, và những quy luật của lý hóa đều dựa trên quy luật bảo tồn vật chất và năng lượng.

3. Phát kiến về căn nguyên của các giống loài

Cái phát kiến làm sôi nổi dư luận nhất hồi thế kỷ 19 là phát kiến của Đác-uyn (Darwin) về căn nguyên của các giống loài.

Nhờ dày công quan sát và thí nghiệm ông Đa-ruyn nhận thấy rằng: không thể chia tách các giống loài một cách tuyệt đối; không phải thượng đế tạo ra mỗi giống loài rồi giống loài nào cứ giữ nguyên bản sắc của nó từ xưa đến giờ. Ngược lại mới đúng. Theo Đa-ruyn, các giống loài đều biến chuyển, sinh ra tính mới, tích thiểu thành đa, do sự tuyển trạch tự nhiên, do sự sinh tồn cạnh tranh, do sự thích ứng với hoàn cảnh, giống này có thể chuyển thành giống khác, không cần có ý muốn của thượng đế. Ở trong các trại chăn nuôi, ở trong các trại thí nghiệm, con người có thể tự tay mình tuyển trạch giống loài, làm cho giống loài chuyển biến mạnh hơn cách tuyển trạch tự nhiên, và làm cho giống loài chuyển biến theo lợi ích của con người.

Lần lần người ta biết rằng tất cả các sinh vật, từ con người đến cầm thú, đến cỏ cây đều là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của hàng chục vạn năm, hàng triệu năm, từ thấp lên cao, từ vô sinh đến hữu sinh, từ đơn bào đến đa bào, từ đơn giản đến phức tạp, mà mực cao nhất là con người có trí tuệ. Con người đâu phải là cái sản phẩm đặc biệt, cái ân tứ của Chúa Trời ? Con người là kết quả của sự phát triển của những loài thú cao cấp nhất; khoa học ngày nay đã tìm được đủ dấu tích để chứng minh “gia phả” của loài người. Chúng ta sẽ có dịp nói dài về vấn đề “cỗi rễ của xã hội loài người” trong một chương của xã hội phát triển sử. Xin nói ngay rằng, sen mọc từ bùn  mà sen vẫn thơm, vẫn đẹp; người phát nguyên từ một loài thú cao cấp, gốc tích ấy có gì làm xấu chúng ta đâu ? Nó chỉ có thể làm sáng tỏ cái lịch sử tiến bộ của nhân loại nhờ sự lao động, nhờ sức sáng tạo của bàn tay và khối óc.

Tới ngày nay, đế quốc, giáo hội La mã tư bản Mỹ hãy còn thù oán Đa-ruyn, hãy còn bêu cái “án con khỉ”. Chúng nó càng hò hét, cắn inh lên, chúng ta càng nhận định được thêm đúng mực ý nghĩa tiến bộ, cách mạng của phát kiến của Đa-ruyn đã cống hiến cho nhân loại. Lẽ tất nhiên rằng chủ nghĩa Đa-ruyn hãy còn nhiều khuyết điểm, cả sai lầm nữa; chúng ta không thể đòi hỏi một công nghiệp hoàn hảo, tuyệt mỹ: nhận thức khoa học của nhân loại là cả một quá trình. Những sai lầm và khuyết điểm của Đa-ruyn đã được các nhà bác học Liên-xô Misurin, Lysenko sửa chữa và bồi bổ; khoa học Xô-viết tiếp nối công nghiệp của Đa-ruyn trên một tầng mới, trong điều kiện của những nông trường xã hội chủ nghĩa thành công.

o0o

Ba phát kiến được kể trên đây hợp với sự phát triển của sinh lý học, địa chất học, đã cung cấp cho Mác và Angen những tài liệu căn bản để sáng lập biện chứng pháp duy vật. Mác và Angen không đi tìm biện chứng pháp trong trí não của hai ông; hai ông đã nhờ trí não thông thái của mình mà tìm biện chứng pháp trong tự nhiên; biện chứng tư tưởng là phản ảnh của biện chứng tự nhiên.

Triết học Mác-xít, phương pháp Mác-xít là sự tổng kết những điều mà khoa học chính xác đã chinh phục được ; nhờ đó Mác và Angen lại cung cấp cho khoa học một nền lý luận duy vật chính xác, một phương pháp biện chứng tinh vi để làm kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu, mọi sự hành động. 

Tất nhiên, chúng ta không nên nhắc lại rằng Mác và Angen đã thừa hưởng được những cống hiến tư tưởng lớn lao của những nhà triết học trước đó, đặc biệt là của Hê-gen và Phước bách, kể cả những nhà triết học Pháp hồi thế kỷ thứ 18. Cộng sản chủ nghĩa chính là “tổng số các nhận thức của toàn thể nhân loại” (Lênin).

Nhấn mạnh vào sự quan trọng của ba phát kiến khoa học vừa kể trên đây đối với công trình sáng lập ra biện chứng pháp duy vật, Angen viết:

Nhờ ba phát kiến lớn lao ấy và nhờ các bước tiến vĩ đại của khoa học tự nhiên, ngày nay chúng ta đã có thể đại khái chỉ rõ những tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên không chỉ trongcác lãnh vực mà cả những tương quan giữa các lãnh vực (chúng tôi gạch dưới hai chữ trong và giữa : Trần Văn Giàu) và chúng ta có thể nhờ đó mà trình bày một bản nhất lãm về toàn bộ tự nhiên giới, một cách gần có hệ thống, bằng những sự kiện mà chính khoa học tự nhiên thực nghiệm đã cống hiến cho ta”.

Về tính chất cách mạng và sự quan trọng của phương pháp biện chứng của Hê-gen, liên hệ với vận mạng của nhận thức khoa học, Angen có nói rằng:

Sự quan trọng thực sự và tính chất cách mạng của triết học Hê-gen... chính là ở chỗ nó chấm dứt hẳn cái tính chất hoàn thành của các kết quả nhận thức và hoạt động của con người. Trong triết học của Hê-gen, chân lý không phải là một số giáo điều sẵn có, một số giáo điều mà khi đã tìm ra được, thì còn có một việc là học thuộc lòng; từ nay, chân lý nằm trong bản thân cái quá trình nhận thức, trong sự phát triển lịch sử lâu dài của khoa học từ đê cấp đến cao cấp, nhưng không bao giờ đi tới chỗ cùng tột, không bao giờ phát kiến được cái gọi là chân lý tuyệt đối nghĩa là không bao giờ đi đến một lúc mà ta không còn gì để làm nữa, chỉ còn việc khoanh tay ngắm nghía cái chân lý tuyệt đối đã tìm được rồi”.

Mác và Angen dựa vào sự phát triển mới của khoa học, nắm lấy mặt cách mạng của biện chứng pháp Hê-gen, vứt bỏ cái vỏ duy tâm lạc hậu của triết học ấy, tạo nên biện chứng pháp duy vật triệt để và toàn bộ, cung cấp cho nhà khoa học một phương pháp nghiên cứu hiệu nghiệm, cho người cách mạng một vũ khí tranh đấu sắc bén.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt