Chủ nghĩa Marx

Những quy luật của Biện chứng pháp. Luật lượng chất hỗ biến

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ BA

NHỮNG QUY LUẬT CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

III. LUẬT LƯỢNG CHẤT HỖ BIẾN

 

Stalin trình bầy quy luật chất lượng hỗ biến như sau:

Trái lại với siêu hình học thì biện chứng pháp xem xét quá trình phát triển không phải như một quá trình trưởng thành đơn giản, trong đó những sự biến đổi về lượng không kết thúc bằng sự biến đổi về chất biện chứng xem xét quá trình phát triển như là một sự phát triển đi từ những biến đổi nhỏ nhặt, lâu dài đến những biến đổi rõ rệt, căn bản, biến đổi về chất; trong quá trình đó, những biến đổi về chất không phải từ từ mà mau lẹ, đột khởi, tiến bằng bước nhảy vọt, tiến từ một trạng thái này sang trạng thái khác, những sự biến đổi ấy không phải là tự do, vô định mà là tất yếu, nhất định: nó là kết quả của sự tích tụ nhiều sự biến đổi nhỏ nhặt từ từ, về lượng.

Và Stalin nói về đặc điểm của phương pháp biện chứng chiếu theo quy luật chất lượng hỗ biến này:

Bởi vậy cho nên, phương pháp biện chứng nhận xét rằng, không thể xem quá trình phát triển như một sự vận động theo hình vòng tròn, không phải là chỉ đơn thuần đi lại con đường đã đi rồi, mà phải xem quá trình phát triển như một sự vận động tiến bộ, hướng lên, như một sự biến đổi, từ thể chất cũ sang thể chất mới, như một sự phát triển đi từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao

Để đi sâu vào quy luật biện chứng này, chúng ta sẽ chú ý đến những vấn đề căn bản sau đây:

a. Không chất nào không lượng, không lượng nào không chất:

Khi ta bàn đến lượng và chất, chúng ta cần nhận định dứt khoát rằng hai phạm trù ấy dính liền với nhau, không tách rời nhau. Không thể có lượng mà không có chất, cũng không thể có chất mà không có lượng. Chất và lượng là hai mặt của một sự vật. Ví dụ: như khi ta nói một lít nước thì một lít là lượng, mà nước là chất; một bầu không khí, một bầu là lượng không khí là chất.

Nhiều nhà tư tưởng siêu hình của tư bản, như Béc-son chẳng hạn, tách rời lượng và chất. Cứ theo Béc-son thì sự biến chuyển của vật chất chỉ là sự biến chuyển về lượng, còn sự biến chuyển của tinh thần chỉ là sự biến chuyển về chất; cái gì bên ngoài là lượng, cái gì bên trong mới là chất, chất thì không lượng, lượng thì không chất. Ý kiến của Béc-son, là như thế.

Khỏi phải thảo luận dài, ai cũng thấy, cũng biết rằng không đợi tới tinh thần mới là chất: nước, hơi, đá đều là chất; trời lạnh nước thành đá, trời nóng đá ra nước, đun nước nước thành hơi; ba chất khác nhau. Hay là phong kiến đổ, tư bản lập; tư bản đổ, cộng sản lên, phong kiến, tư bản, cộng sản là ba chất khác nhau của xã hội loài người.

Còn tinh thần thì, nào phải có chất không, mà không có chất lượng? Cái gì đeo nó, cái gì mang nó, nó căn cứ vào cái gì? Tinh thần duy tâm của ông Béc-son căn cứ vào cái xác, khối óc, trái tim, cuộc sống của ông Béc-son; tinh thần đơn sơ của con voi được cái xác to cái đuôi nhỏ của con voi mang nó. Làm chi có cái tinh thần vu vơ trên không trung?

Một vũ trụ, nếu chỉ là số lượng, nó sẽ tựa như một mớ tơ vò, rối ren không gì phân biệt với gì cả, không sống được. Mà ta sống được, ta phân biệt được sự vật, sự vật phân biệt với nhau, chớ không phải chỉ có cái to cái nhỏ, cái ít cái nhiều mà thôi; thực ra thì cái gì ra cái ấy, nghĩa là có chất. Một vũ trụ, nếu chỉ là chất, sẽ tựa như một đám sương mù đặc biệt, vô hình, vô dạng không thể hiểu được, không cơ cấu; mà vũ trụ có cơ cấu, ta hiểu nó được, đo lường nó được, nghĩa là nó có lượng.

Sở dĩ nhà tư tưởng tư bản tách rời chất và lượng, chắc hẳn là có dụng ý là để làm cho người ta không nhận thấy, không trông chờ, không chuẩn bị những sự biến chuyển về chất ở trong cái vũ trụ đầy lượng.

Theo J.P.Sác (Sartre, nhà triết học sinh tồn luận của thời đế quốc suy tàn) thì toán học là khoa học của số lượng và chỉ của số lượng mà thôi; trong toán học không có gì là chất, không có sự biến đổi về chất. Cho nên theo Sác, biện chứng pháp có thể đúng ở các lĩnh vực nào, chứ trong lãnh vực toán học thì, vì có lượng mà không có chất, nên không có sự biến đổi về chất.

Lẽ tất nhiên là J. P. Sác lầm. Sao trong toán học lại không có chất. Có chứ! Một vài tỉ dụ đơn giản như : dấu âm và dấu dương, như trong 3 + 7 = 10, cái 10 ấy đã có cái gì khác hơn là 3 cộng 7, thí dụ như 3 và 7 không chia chẵn cho 2 được, mà 10 thì chia chẵn cho hai được ; cái hình đa giác và cái hình vòng tròn, đa giác tiếp cận với vòng tròn, biến thành nó, mà đa giác và vòng tròn là hai chất khác nhau.

Không thể trục xuất cái chất ra khỏi tóan học được ; đó là chưa kể rằng những tầng phát triển của tóan học từ một đường đến quan niệm một véc-tơ đã có chất lượng khác nhau rồi.

Tóm lại, trong vũ trụ chất và lượng đi đôi với nhau, đó là hai mặt thống nhất của một sự tồn tại cụ thể.

Bởi vậy cho nên khi ta nói “lượng đổi thành chất” là ta muốn nói rằng một sự vật từ trạng thái này biến thành một trạng thái khác, rằng sự tiệm tiến sự biến đổi tăng tiến dần dần đến một mức độ nào đó thì “một số lượng nào đó của một phẩm chất nào đó sẽ biến thành một phẩm chất khác với một số lượng khác” (ví dụ hơn một lít nước đá biến thành một lít nước lỏng).

Ơ đây chúng ta cần đính chính một quan niệm sai lầm về công thức đương lượng giữa khối lượng và năng lượng (E = m × c² ) nói cho đúng đó là qui luật tương quan giữa khối lượng và năng lượng ; giữa vật chất và sự vận động luôn luôn đi đôi với nhau chứ không phải là đương lượng giữa hai bên, cũng không phải khối lượng biến thành năng lượng, công thức ấy có ý nghĩa là : khối lượng của một hệ thống nào đó biến đổi thì có một sự biến đổi nhất định của năng lượng của nó, và ngược lại hễ có sự biến đổi của năng lượng thì nhất định có sự biến đổi tương ứng của khối lượng của hệ thống ấy.

Cho nên không thể nói “khối lượng biến thành năng lượng” để làm một tỉ dụ rằng đó là chất thành lượng.

b. Tiệm tiến và đột biến

Tiệm tiến là sự biến đổi từ từ, dần dần, liên tục, từng bước một, chỉ thay đổi bằng số lượng thôi, mà phẩm chất thì giữ nguyên như cũ, hoặc có đổi chất mà không có bộc phát, không có nhảy vọt. Tư tưởng siêu hình thường không thấy sự biến đổi, và nếu thấy sự biến đổi thì chỉ thấy sự tiệm tiến mà thôi. Họ sợ đột biến lắm, họ sợ sự biến đổi mau lẹ, sợ biến đổi từ thể chất này vùng trở thành thể chất kia. Nếu bất dắc dĩ mà tư tưởng siêu hình đụng chạm ngay với sự đột biến,bị bắt buộc phải cắt nghĩa cái đột biến thì họ sẽ cho rằng đột biến là hiện trạng bất thường, đặc biệt, không tất yếu; ví dụ như nó nói rằng: cách mạng Pháp sở dĩ nổi lên (1789-1793), đánh đổ nhà vua là vì Lu-y XVI vụng về, hay nói sở dĩ Cách mạng tháng Tám ta thành công là tại Việt Minh khéo lợi dụng cơ hội.

Sự thật thì sự đột biến, sự biến đổi về phẩm chất, phá liên tục, gây gián đoạn, một trạng thái này sang một trạng thái khác, là việc rất phổ biến, tất yếu.

+ Trong tự nhiên giới:  Theo lời của Angen, tự nhiên là đá thử vàng của biện chứng pháp; biện chứng trong tư tưởng phản chiếu biện chứng trong tự nhiên. Mỗi người có học khoa học ít nhiều đều biết rằng vô số kinh nghiệm của dân, vô số thí nghiệm của nhà bác học, đã chứng thực rằng có những hằng số, khí điểm, băng điểm, dung điểm trong vật lý học, hóa học (ví dụ O0 thì nước thành đá, tức băng điểm, 1000 thì nước thành hơi, tức khí điểm; cái mực độ nào mà một kim khí chảy ra như nước đó là dung điểm).

Quy luật lượng đổi thành chất quyết định sự tồn tại khách quan của những hằng số, những điểm biến chất đã nói trên. Trước khi đến những điểm ấy thì sự biến chuyển là từ từ, liên tục, bằng số lượng (ví dụ như càng lúc càng nóng nhưng nước vẫn là nước), đến điểm kia (khí điểm) thì độp một cái, nước thành ra hơi, sự biến đổi này gọi là đột biến, không còn liên tục nữa mà gián đoạn, không còn giữ chất cũ nữa mà đổi chất. Có sự đổi lượng kia mới có sự đổi chất này.

Trong vật lý học, năng lượng biến đổi từ hình thái này sang hình thái nọ. Trong hóa học, sự biến chất lại càng thấy rõ hơn nữa; ví dụ như về loại acide mà thành cơ cấu là C, H và O thì tùy theo sự biến đổi số lượng của C, H và O ta có một acide mới:

CH202 = acide formique

C2H402= acide acétique

C3H6O2=acide propionique

Ta chồng chất những khối uranium 235 lên nhau 2, 3, 4, v.v… bỗng đến một số lượng uranium nào nhất định thì tất cả đều nổ lên; đó là “mức nổ”, đó là mức đột biến, cho nên người ta dùng nguyên lý này để làm bom nguyên tử: một quả bom nguyên tử gồm có 2 khối uranium 235 ở 2 đầu, cách nhau một khoảng trống; ở một đầu, có chất nổ và cái mồi; mồi cháy, chất nổ, đẩy khối uranium này đụng khối uranium kia, 2 khối đụng nhau tới hay quá “mức nổ” thì bom nguyên tử nổ lên, toát ra sức nóng bằng triệu độ. Đó là lượng biến chất.

Trong các giới sinh vật, sự biến chất cũng rõ rệt và phổ biến, bỏ con trùng thuốc lá vào chai, nó là chất muối (vô sinh); bỏ chất muối ấy lên lá thuốc, nó trở thành sinh vật, ăn hại lá thuốc. Gà mẹ ấp trứng, đến mực bao ngày đó, trứng nở thành gà con. Người già thì chết; sinh tử đều là mức đột biến, biến chất, phá liên tục, gây gián đoạn, kết quả của sự biến đổi lâu dài, liên tục về số lượng (sống lâu, ấp nóng, thêm bớt C, O, H…)

Hiện nay, người ta biết 96 nguyên tố của vũ trụ vật chất; người ta biết cái số điện tử quay chung quanh hạt nhân của một nguyên tử  nào. Điện tử của một nguyên tử thuộc nguyên tố này có thể, vì áp lực nhảy qua một nguyên tử khác, và khi thay số điện tử như thế (đổi về số lượng) thì nguyên tử thuộc nguyên tố này biến thành nguyên tử thuộc nguyên tố kia. Bằng cách nhân tạo, ta có thể gây ra sự đổi loại, bởi vì trong thiên nhiên có sự đổi loại ấy, ta có sức đổi azote thành hydrogen “Trơ đá hóa vàng” không còn là cái mộng nữa, song làm như thế thì vàng ấy đắt hơn vàng đào ở dưới đất, bòn ở ngọn suối.

Nói tóm lại, trong tự nhiên giới, bất kỳ ở bộ phận nào ta cũng đều thấy sự biến đổi từ lượng qua chất, sự đột biến do tiệm tiến, do biến đổi liên tục, tăng hay giảm số lượng mà ra, Angen trả lời cho những ai vừa không nhận sự biến chất, vừa cho sự biến chất là thường tình.

Những người nào trước kia xem sự biến đổi từ lượng sang chất như là thần bí siêu hình, xa thực tế, thì ngày nay những người ấy lại có thể tuyên bố lên rằng: cái đó có gì là lạ ? Đơn giản lắm thôi, và họ cũng nói rằng họ đã áp dụng quy luật ấy từ lâu lắm rồi!

Tuy nhiên sự phát biểu lần đầu tiên ra một quy luật tổng quát của sự phát triển trong tự nhiên, xã hội, và tư tưởng, để nó ra với một hình thức phổ biến thì sự phát biểu ấy vẫn là một chân lý có ý nghĩa lịch sử quan trọng1

+  Sự biến đổi về chất trong toán học

Ở đây chúng tôi muốn nói riêng về toán học để phản đối bằng những bằng chứng chắc chắn những ai nói rằng trong toán học không có sự biến đổi về chất. Ai ai đều biết đường bầu dục biến thành đường Parabole khi mà số tâm sai của nó bằng 1, rồi số tâm sai lên quá 1 thì đường ấy lại biến thành hyperbole. Khảo cứu về hàm số ta thấy rằng đạo hàm quá 0 mà đổi dấu, thì hàm số đổi chiều biến thiên của nó, tức là đổi chất một cách đột ngột. 

Hai hàm số vô hạn công với nhau có thể thành một hàm số hữu hạn. Phép tích phân cộng những đường thẳng với nhau thành một đường cong. Trong phép cộng hai vectơ, ta được một vectơ khác phương hướng.

Những tỉ dụ biến chất trong toán học cao cấp thì lại càng nhiều hơn nữa, song mấy tỉ dụ đơn giản trên đã đủ chứng minh rằng toán học phản ảnh hiện thực khác quan thì không thể không phản ảnh theo kiểu của nó sự biến đổi từ lượng sang chất.

+ Trong khoa học xã hội, Mác nói:

Ở đây cũng như trong khoa học tự nhiên, cái quy luật mà Hê-gen đã tìm thấy và đã trình bày trong quyển “luận lý” được chứng minh chắc chắn: đến một trình độ nào đó thì những biến đổi thuần túy bằng số lượng trở thành những sự khác nhau về phẩm chất”.

Chúng ta lấy vài tỉ dụ để làm bằng cớ:

- Ta tiêu diệt sinh lực địch, đồng thời tăng quân của ta, đến một mực nào đó, thế quân bình, thế cầm cự giữa ta và địch bị vỡ đi, ta mạnh hơn địch, địch yếu hơn ta, ta phản công, địch bị tiêu diệt. Muốn đổi cái chất thì đánh vào cái lượng, đổi lượng đến mực nào thì chất phải đổi.

Không phải lúc nào cũng có thể tổng phản công; nó là kết quả của một công trình lâu dài gồm 2 nhiệm vụ, một là tiêu hao địch, hai là thêm quân ta, cho đến khi mất sự thăng bằng.

- Nông dân nhờ cách mạng điền địa mà có mỗi người một phần đất để cày. Tư hữu tập trung của phong kiến biến thành tư hữu phân tán của tiểu nông đó đã là một biến chất. Rồi, trong quá trình cách mạng, khi công nghệ phát triển khá mạnh, ta giúp đỡ nông dân hợp lại lại thành công cộng nông trường (như ở Liên xô và nhiều nước dân chủ nhân dân) thì kinh tế tiểu chủ, tiểu nông trở thành nông nghiệp xã hội chủ nghĩa; đó cũng là một sự biến chất.

- Ở xứ tư bản, thuộc địa, đại đa số nông dân và tiểu tư sản bị bóc lột, bị nghèo, mỗi năm một thêm rút cùng, anh bần nông bán đất, anh thủ công bán công cụ, vào đồn điền, hầm mỏ, thành ra công nhân đó cũng là lượng đổi thành chất. Hằng ngày ta trông thấy sự biến chất đau đớn ấy dưới chế độ thuộc địa trước đây.

- Phong trào công nông tăng tiến: bãi công lẻ tẻ, biểu tình lẻ tẻ rồi tới lúc tổng bãi công, biểu tình có vũ trang, tới mức đột biến: làm khởi nghĩa cách mạng vô sản chuyên chính thay thế cho tư bản chuyên chính; đó là biến đổi về chất do sự biến đổi về lượng (phát triển của tư bản chủ nghĩa, của phong trào nhân dân).

- Trong tập I, quyển “Tư bản luận” Mác đã đưa ra tỉ dụ sau đây về sự biến đổi từ lượng sang chất trong kinh tế học: trong một ngành công nghệ kia một người chủ có vốn, có máy, mướn một anh thợ, anh thợ làm mỗi ngày 8 giờ cho anh thợ, nghĩa là làm 8 giờ thì sản xuất ra đủ đồng lương mà chủ trả cho mình còn 4 giờ sau nữa thì anh thợ làm ra thặng giá cho người chủ. Nếu thế thì hễ người chủ kia muốn sống một đời sống bằng đời sống của anh thợ, hẳn phải có tiền, có khí cụ, có nguyên liệu đủ cho hai người thợ làm việc. Nhưng ta biết rằng tư bản không muốn sống bằng mực sống của anh công nhân, mà phải hơn và phải sản xuất tăng tiến lên (tái sản xuất mở rộng) cho vốn lời tăng tiến mãi. Người chủ với hai người công nhân như trên chưa phải là tư bản chính cống. Muốn sống bằng hai đời sống của anh thợ và muốn để ½ thặng giá vào vốn kinh doanh, thì người chủ phải đủ tiền, đủ máy, đủ vật liệu để mướn 8 người thợ; nghĩa là phải có 4 lần số vốn cần dùng khi mướn hai người như trước. Vậy theo Mác, không phải hễ có bất cứ số vốn nào cũng thành tư bản, số vốn phải được tích lũy lại đến mực nào đó thì một số vốn mới thành ra tư bản, người tiểu thủ mới thành ra nhà tư bản.

Nói tóm lại, lượng biến thành chất cũng là một quy luật phát triển của xã hội. Muốn tìm bao nhiêu bằng chứng cũng có. Song điều quan trọng chưa phải là tìm bằng chứng để chứng minh nó, điều quan trọng là nhận định rằng nó là một quy luật của hành động thực tiễn.

c. Những sự biến đổi về chất mà không nhất thiết phải có đột biến

Sự biến đổi của lượng thành chất là một quy luật chung của vũ trụ. Nhưng không nên máy móc mà tưởng rằng bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào,đều có đột biến trong quá trình phát triển. Trong quá trình lượng đổi thành chất, không phải nhất thiết phải có sự “nổ bùng”; song ở nơi nào dù không có đột biến, không có nổ bùng, cũng có sự biến đổi từ lượng qua chất. Trong quyển “bàn về ngôn ngữ học” đồng chí Stalin nói:

Chủ nghĩa Mác dạy rằng sự biến chuyển của một ngôn ngữ từ chất cũ sang chất mới, không phải trải qua một đôt biến, một sự tiêu hủy ngôn ngữ cũ để thành lập một ngôn ngữ mới, mà phải trải qua một sự tích tụ dần dần những yếu tố của phẩm chất mới, qua sự tiêu diệt lần lần những yếu tố của phẩm chất cũ.

Phải trải qua hàng trăm năm biến chuyển thì một ngôn ngữ nào đó mới từ từ thành một ngôn ngữ mới. Đồng chí Stalin cực lực phản đối những người nào gán cái đột biến vào sự tiến dần của ngôn ngữ: không chỉ trong ngôn ngữ mới thế; theo Stalin, sự đột biến ấy “là một quy luật tất yếu cho một xã hội chia thành giai cấp xung khắc nhau; nhưng nó không phải là tất yếu cho một xã hội không có giai cấp xung khắc”.

Tỉ dụ Cách mạng tháng 10 năm 1917 là một sự đột biến. Còn xét trong quá trình biến chuyển của nông nghiệp Liên xô, khi nông nghiệp tiểu nông tiến lên nông nghiệp xã hội chủ nghĩa đại quy mô, thì sự biến chuyển ấy có giá trị bằng một cuộc cách mạng. Cách mạng ấy không có đánh đổ giai cấp này để đem giai cấp khác lên cầm quyền; nó là một cuộc cách mạng xảy ra dưới chánh quyền của giai cấp vô sản. Theo ý đồng chí Stalin, sở dĩ có cuộc cách mạng rất quan trọng như thế mà không có “nổ bùng”, đột biến, , đổ máu như một cuộc khởi nghĩa võ trang, vì đó là một cuộc cách mạng từ trên xuống, vì đó là sáng kiến của chánh quyền Xô-viết có đa số nông dân ủng ho. Dưới chánh quyền Xô-viết, Đảng nắm vững quy luật phát triển của xã hội, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, thì sự biến chất không nhất thiết phải trải qua đột biến, không cần có bạo động gì nữa. Và ngày nay, khi xã hội chủ nghĩa chuyển sang cộng sản chủ nghĩa, cũng sẽ không có đột biến, nổ bùng. Ngay ở xứ ta thì khi chế độ dân chủ nhân dân chuyển sang xã hội chủ nghĩa, vi có ba quyền của giai cấp công nhân, tuy sẽ có ít hay nhiều sự đàn áp đối với lực lượng phản động trong nước (điều ấy không thể nào tránh khỏi, và cũng chẳng tránh làm gì) ta có thể đoán được rằng sẽ không phải trải qua cuộc võ trang khởi nghĩa nào nữa, chỉ có thể còn nhiều dịp vất vả chống ngoại xâm.

d. Dạng thức của sự vận động:

Qua những quy luật biện chứng đã được trình bày, đặc biệt là luật vạn vật biến chuyển và lượng chất hỗ biến, chúng ta có thể hiểu được cái dạng thức của sự vận động, ta có thể biểu hiện nó bằng một đường nào ? Tất nhiên không phải là một đường ngay bằng phẳng; một đường như thế không tỏ được sự phát triển từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ trạng thái này sang trạng thái khác, Angen nói:

Khoa học tự nhiên chứng minh rằng, rốt cùng lại, thì tự nhiên biến hóa một cách biện chứng, chứ không phải là siêu hình, tự nhiên không vận động trong một vòng tròn muôn thủa, không mãi mãi lấp đi lấp lại, mà , trái lại, tự nhiên có một lịch sử thật sự”.

Vậy chúng ta cũng không thể biểu hiện sự vận động của vũ trụ bằng một vòng tròn, vì cái vòng tròn nhắc lại câu “thiên địa tuần hoàn chu nhi phục thủy”, vòng tròn không tỏ được sự phát triển luôn luôn, tầng sau cao hơn tầng trước dù có những lúc dường như lập lại cái cũ. Thực tế thì tự nhiên, xã hội có lập lại cái cũ đâu? Cộng sản văn minh khác cộng sản nguyên thủy, nó dựng trên một tầng phát triển rất cao của lực lượng sản xuất mà thời nguyên thủy không tưởng tượng được. Bông lúa từ hạt lúa, cây lúa mà ra, song nó là cả một bông lúa, không còn là cái hạt mùa trước nữa. Mấy giáp thành một chu kỳ theo lịch Đông phương ta, nhưng nếu có như thế đi nữa, trong chu kỳ sau, quả đất, mặt trời, mặt trăng đã khác trước đi rồi, có hoàn toàn giống trước đâu, tuy trong một cõi đời người ta khó bề nhận thấy sự đổi thay lâu dài, rất lâu ấy được. “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Hồ Chủ tịch ngày nay, về hình thức, đâu phải là mới, nhưng nội dung ý nghĩa của nó ở thời dân chủ nhân dân khác xa với thời phong kiến.

Sự vận động sự biến chuyển không giống một hình tròn, lịch sử không phải ở trong vòng luẩn quẩn.

Đường ngay tiến lên cũng không tiêu biểu nổi sự vận động, nó chưa tỏ được sự biến chất, những khúc ngoặt của lịch sử: ”Biện chứng cao hơn, phong phú hơn, đúng hơn là tiến hóa luận thông tục”.

Dạng thức vận động gần nhất với nội dung biện chứng pháp là đường xoáy trôn ốc. Trong bài “Luận về biện chứng pháp “ Lênin nói:

Nhận thức của con người không phải tiến theo con đường thẳng, mà theo con đường cong, đường cong này  tiếp cận với đường xoáy trôn ốc”.

Lênin thêm rằng :

Hình trôn ốc không tỏ thật rõ ràng rằng trong sự lập lại (bề ngoài) ở giai đoạn cao hơn có sự đi sâu hơn đối với cái cũ.”

Nói chung đường xoáy trôn ốc chỉ tỏ được sự phát triển, chỉ tỏ được những bước phát triển lên tầng cao hơn (tựa như ta lên lầu có khi ngó thấy như là ta trở lại chỗ cũ, kỳ thật đã lên tầng trên) đường cong này gồm đường tiến thẳng (mỗi đoạn của đường cong có thể xem như là đường thẳng). Cái mới vừa tiêu hủy cái cũ, vừa bao gồm cái cũ, vượt qua khỏi cái cũ, đi đến phức tạp hơn, sâu sắc hơn: sinh hoạt không tiêu diệt hẳn vật chất vô sinh mà bao gồm nó. Chế độ sau tiêu hủy chế độ trước, nhưng vẫn tiếp tục phát triển cái mức tiến bộ của lực lượng sản xuất. Trong tư tưởng cũng thế: lý luận về nguyên tử ngày nay tiến cao hơn, đi sâu hơn lý luận về nguyên tử thời cổ Hy-lạp. Gián đoạn và liên  tục được bao gồm trong sự vận động theo hình trôn ốc, vô thủy vô chung.

e. Stalin nói về sự ứng dụng luật lượng chất hỗ biến trong lịch sử xã hội và trong hoạt động thực tiễn của Đảng:

Nếu quả sự biến chuyển từ từ về số lượng sang biến chuyển mau lẹ về phẩm chất là quy luật của sự phát triển thì rõ ràng là cuộc cách mạng của giai cấp bị áp bức là một hiện tượng hoàn toàn tất nhiên, không tránh khỏi.

Bởi vậy cho nên, sự biến chuyển từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa và giải phóng giai cấp công nhân khỏi ách tư bản, có thể thực hiện không phải bằng sự biến đổi chầm chậm, không phải bằng những sự cải lương mà chỉ có thể bằng một sự biến đổi về phẩm chất của chế độ tư bản, bằng cách mạng 

Bởi vậy cho nên, muốn khỏi mắc phải sai lầm về chính tri thì phải là người cách mạng chớ không phải là người cải lương.”1

Người cách mạng, người ái quốc tán dương khởi nghĩa của nhân dân, tán dương bạo lực cách mạng; có phải là vì họ khát máu đâu? Có phải vì họ không muốn hòa bình đâu? Trái lại vì lòng nhân của họ rộng lớn bao quát cả nhân loại như chủ nghĩa đại đồng của họ. Họ phản đối cái “trật tự” dựng trên xương máu của đa số con người. Họ quyết lập trật tự mới, công bằng hơn, và muốn đi đến đó thì không thể không theo quy luật phát triển chung của tự nhiên và xã hội, quy luật lượng biến thành chất. Những cuộc võ trang khởi nghĩa của dân, cuộc kháng chiến lâu dài của ta chẳng những có căn cứ trong lòng người, trong chính nghĩa, mà cũng có căn cứ trong quy luật tổng quát và tự nhiên của vũ trụ.

Đảng cách mạng không phản đối sự cải lương, chỉ phản đối chủ nghĩa cải lương. Sự cải lương của người cách mạng chủ trương là sự tiệm tiến, là động viên nhân dân tranh đấu đòi quyền lợi thiết thực trong khuôn khổ của chế độ cũ, giác ngộ nhân dân, đoàn kết nhân dân, đẩy mạnh đấu tranh tới trước, và tới mực nào đó thì có khởi nghĩa cướp chánh quyền, biến đổi chế độ phong kiến thực dân thành chế độ dân chủ nhân dân (đột biến, lượng đổi thành chất). Chúng ta càng không phản đối mà lại chủ trương sự cải cách dần dần , sự tiệm tiến, một khi nhân dân đã nắm được chính quyền; ví dụ như cải cách nông thôn của ta đương thực hiện. Số nhiều cải cách tích tụ lại (chia ruộng của đế quốc, Việt gian, chia công điền công thổ, giảm tô tức, khuyến khích khai hoang, phát động quần chúng, cải cách ruộng đất…) sẽ đưa đến một chất mới của nông thôn; ruộng đất hoàn toàn về tay của nông dân, cách mạng điền địa hoàn thành, giai cấp địa chủ không còn, tài sản phong kiến bị tiêu diệt.

Đảng cách mạng cực lực phản đối chủ nghĩa cải lương, dù là quốc gia cải lương hay xã hội cải lương; vì bọn này lấy cải lương làm mục đích; vì họ ru ngủ quần chúng; vì cải lương của họ có tác dụng củng cố chế độ cũ; vì họ phản đối chế độ mới, cao hơn. Bọn giặc Pháp và bù nhìn hiện nay ầm ỹ xung quanh sự cải cách nông thôn của chúng, không ngoài mục đích tranh thủ quần chúng với phe kháng chiến, không ngoài mục đích lừa bịp để bảo toàn tính mạng của thực dân, bảo toàn chế độ thuộc địa. Cải lương ấy là phản động, phải phản đối nó, cương quyết phản đối nó.

Hiểu biện chứng pháp thì không còn nghi ngờ tác dụng của cách mạng là tất yếu, và hiểu biện chứng pháp thì không còn hững hờ với cách mạng. Cách mạng là tốt đẹp. Cách mạng cần sự được sự góp sức của mọi người, tích tiểu thành đại. Sự biến chất, cuộc cách mạng chỉ cốt hễ thành công bằng sự cộng lại sức lực, công lao của vô số con người tiến bộ. Cho nên người cách mạng trông thấy sự biến đổi lớn, chuẩn bị nó mà đồng thời không hề khinh rẻ sự biến đổi nhỏ, không hề khinh rẻ những công tác vận động lẻ lẻ, từng phần; thích cách mạng mà khinh thường việc nhỏ nhặt hằng ngày thì không phải là cách mạng nữa hay chỉ là “cách mạng” ở lỗ miệng mà thôi. Muốn đổi chất mà không muốn tăng lượng thì đổi làm sao? Muốn tổng phản công mà không chịu gánh từng gánh gạo ra tiền tuyến, không chịu đóng đủ đóng mau số thuế của cửa hàng mình thì lấy lượng ở đâu để đổi thành chất mới ? Cho nên Hồ Chủ tịch thường bảo: không phải hỏi “chừng nào tổng phản công” mà nên tự hỏi “tôi đã làm gì để góp phần tiến đến tổng phản công”

g. Lượng biến thành chất là một quy luật của hành động:

Cứ theo các chỉ giáo của Stalin thì lượng chất hỗ biến rõ là một quy luật của hành động; chẳng những hành động về mặt chính trị mà về nhiều phương diện khác nữa.

Trong những điều kiện nào đó, số lượng là nhược điểm của chất lượng. Cho nên muốn đổi chất thì hãy dập vào lượng: đun nước, nước sôi; muốn hoàn toàn tiêu diệt địch, muốn chuyển sang tổng phản công thì trước tiên phải tiêu diệt sinh lực địch, góp thắng nhỏ thành thắng to. Người mình nói “góp gió thành bão”.

Muốn cải tạo tư tưởng, phải chỉnh huấn, chỉnh huấn phải bắt đầu học tập, học tập càng tiến lên đến một lúc nào mới có thể tổng kiểm thảo, thì sẽ ra chất mới; bằng tổng kiểm thảo một cách đột ngột thì khó có kết quả, hay bằng cứ mãi mãi phê bình lặt vặt thì cũng khó có chất mới, khó tiến lên tầng cao hơn về tư tưởng.

Một lính Pháp mạnh hơn một đội viên Việt Nam, 10 lính Pháp may ra bằng 10 đội viên Việt Nam; 100 lính Pháp thua 100 đội viên Việt Nam; sự rèn luyện về tinh thần của một đội viên, sự huấn luyện kỹ thuật tính, đoàn thể tính, góp nhiều người thành một đơn vị có sự chuyển biến chất lượng là như thế.

Muốn biến cải một vật gì cần biết rõ điểm biến chất của nó, điểm khủng hoảng của nó, để chuẩn bị cái phút nào mà thêm một giọt nước thì cốc nước tràn ra. Chưa đến mực ấy thì chưa thành công được.

Dưới áp lực thường, nước phải đến 1000 mới thành hơi; mỗi thứ không khí bị ép phải đến mực nào đó mới thành ra nước. Gà ấp 10 ngày, đập trứng ấy ra thì trứng ấy phải vất đi hay ăn đi, gà con chưa đủ thành hình. Trong xã hội, trong lịch sử, phải đến trình độ nào của phong trào quần chúng mới khởi nghĩa cướp chính quyền được; sớm thì hỏng, muộn cũng hỏng, cho nên, trông vào đó mới thấy rõ vai trò của lãnh tụ trong những giai đoạn quyết liệt nhất của cách mạng: trong chiến dịch đường số 4 (1950) nếu sau cuộc công hãm Đông khê đêm thứ nhất không thành công mà ta thôi, ta không thêm một kỳ tấn công đêm sau nữa thì không lấy được Đông khê. Ta biết chắc rằng hạ Đông khê thì cả trận tuyến biên giới của địch phải đổ. Ta tấn công Đông khê đêm thứ 2, lấy Đông khê, Cao bằng cô lập rút lui, Thất khê đi đón. Ta tiêu diệt tất cả 2 binh đoàn. Cả phòng tuyến biên giới của địch sụp từ Lạng sơn đến Lào cai, không kể Hòa bình. Trong phạm vi một chiến dịch, đó là biết ứng dụng luật chất lượng hỗ biến. Không phải đây là ăn may rủi, đây là tính trước, tính theo quy luật biện chứng pháp trong chiến tranh. Ta hãy trông lại cuộc cách mạng tháng 8 thì càng thấy rõ hơn nữa, rằng khi Đảng cộng sản Đông dương đi tổ chức từng xã, từ nhà máy, từng đơn vị du kích vận động từng cuộc chống nhổ lúa trồng đay, từng cuộc phá kho chia thóc… đó là tích thiểu thành đa để đi đến biến chất, đến cách mạng. Trung hạ tuần tháng 8 năm 1945, mức độ đột biến đến; Đảng thấy rõ, nên tổng khởi nghĩa kịp thời, kịp thời nên thắng lợi. Nếu sớm thì Nhật còn quá mạnh, nếu trễ thì Anh và Quốc dân Đảng Trung Quốc đã kéo quân vào rồi, sớm hơn điểm đột biến hay trễ hơn thì gây đột biến sẽ thất bại. Khoa học chính trị nhờ biện chứng duy vật mà chính xác không kém gì khoa học tự nhiên.

Cũng như thế, phải đến mực nào đó của sự chuẩn bị tư tưởng và chính trị mới làm cải cách điền địa triệt để, bằng chưa thì hỏng, muộn cũng hỏng; phải đến mực phát triển nào đó của công nghệ của trình độ tổ chức nông dân mới công cộng hóa được nông nghiệp. Đó là những vấn đề thực tiễn mà chỉ có căn cứ vào biện chứng pháp mới thông suốt được, giải quyết được.

Trong giới khoa học tự nhiên của Liên xô, nhà bác học căn cứ vào tinh thần của quy luật lượng chất hỗ biến mà tạo được những giống loài mới, sửa đổi hoàn cảnh, tăng cường dinh dưỡng, chuyển biến giống loài trong nhiều đợt, đến mực nào đó của sự biến chuyển thì nảy sinh ra giống loài mới, rồi cố định cái giống, cái chất mới ấy. Tư tưởng thần bí về sự không thể “biến chủng” được, tư tưởng ấy đã bị đánh đổ; con người cướp quyền của tạo hóa đã từ lâu mà nhất là từ nay.

Cuối cùng phải cẩn thận xem xét chất lượng; chớ nhầm lẫn chất này với chất khác; một nước như nước Anh, có lúc có Chính phủ “Lao động”, thực hiện nhiều loạt quốc hữu hóa công nghệ, nhà băng, vận tải… thực ra không có gì là xã hội chủ nghĩa, chưa có sự biến chất, chưa có đột biến bởi vì bộ máy nhà nước cũ còn y nguyên; xứ ấy chỉ là tư bản chủ nghĩa mà thôi. Ngược lại, như Stalin đã chỉ rõ, đừng thay các công cộng nông trường ở Liên xô hồi 1929-1930, thiếu máy móc tân thời, trong đó nông dân còn có của riêng, còn chia mùa màng… mà không nhận đúng cái tính chất xã hội chủ nghĩa của nông trường ấy. Nhận định sai cái chất, cái thực chất thì không thể có hành động đúng để chuyển lượng thành chất được, ngược lại sẽ bị rơi vào cái hố cải lương (xã hội đệ nhị) hay phản cách mạng (bọn Trôt-kýt). 

 



1 F.Angen, Về vấn đề chất lượng.

1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt