Chủ nghĩa Marx

Những quy luật của Biện chứng pháp. Luật mâu thuẫn thống nhất

BIỆN CHỨNG PHÁP

 

CHƯƠNG THỨ BA

NHỮNG QUY LUẬT CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1995. 


 

 

IV. LUẬT MÂU THUẪN THỐNG NHẤT

 

Stalin trình bầy luật mâu thuẫn thống nhất sau đây:

Trái lại với siêu hình học, thì biện chứng pháp xuất phát từ quan điểm này là những sự vật, hiện tượng đều bao gồm mâu thuẫn nội tại, bởi vì chúng nó có một phía tiêu cực và một phía tích cực, một quá khứ và một tương lai, tất cả đều có những yếu tố đương tiêu diệt và những yếu tố đang phát triển, sự đấu tranh giữa những mâu thuẫn ấy, sự đấu tranh giữa cái cũ và  cái mới, giữa cái đang chết và cái đang tiến, là nội dung của quá trình phát triển, của sự biến chuyển của số lượng sang biến chuyển của phẩm chất.

Còn về phương pháp biện chứng căn cứ vào quy luật biện chứng đã được trình bày, thì Stalin nói rằng:

Bởi vậy cho nên phương pháp biện chứng nhận định rằng, quá trình phát triển từ cấp dưới lên cấp trên, không phải là xảy ra trong sự tiến hóa điều hòa của các hiện tượng, mà xảy ra bằng cách phơi bày các mâu thuẫn bản thân của sự vật, của hiện tượng, bằng sự đấu tranh giữa những xu hướng tương phản đương tác động trên cơ sở của những mâu thuẫn ấy 1.

1. Siêu hình học không thừa nhận mâu thuẫn:

Siêu hình học không thừa nhận mâu thuẫn; đã là vật gì thì là vật ấy, không thể vừa có vừa không. Thực ra nếu người ta xem xét sự vật trong trạng thái tĩnh, mà không xem xét nó trong trạng thái động, thì tất nhiên phải đi đến kết luận “không mâu thuẫn”. Nếu tôi là tôi, không già đi, không trẻ lại; thì cần gì tìm mâu thuẫn, song nếu xem xét “tôi” trong quá trình sinh trưởng, lão, tử, thì phải thấy rằng trong cái sống của tôi, ngay trong lúc tôi sống, có những yếu tố gì nó dắt đến cái chết tất nhiên, lẽ sống và lẽ chết tồn tại đồng thời với nhau, duy, trong lúc đó, lẽ sống mạnh hơn cái chết, thì tôi lớn lên, lẽ chết mạnh hơn cái sống, thì tôi già xuống, già xuống đến ngày chết. Vậy nếu không thừa nhận mâu thuẫn nội tại của mọi sự vật thì sự nghiên cứu sự vật trong trạng thái tĩnh tại siêu hình này sẽ dắt đến siêu hình kia.

Angen nói:

Còn ngờ vực gì nữa, nếu ta nhận xét sự vật như tĩnh và chết, mỗi vật riêng rẽ, cái này kế cái nọ, cái nọ sau cái kia, thì ta sẽ không đụng phải mâu thuẫn nào trong sự vật ấy cả… Sự vật sẽ khác đi nếu ta nhận xét sự vật trong quá trình vận động của nó, trong sự thay đổi của nó, trong sự sinh hoạt của nó, trong tác động qua lại giữa vật này với vật khác, thì ở đó chúng ta sẽ thấy ngay những mâu thuẫn. Vậy đây là mâu thuẫn khách quan như “có xương và có thịt” trong các sự vật, trong các hiện tượng”.

Nếu phương pháp siêu hình gặp phải sự mâu thuẫn khách quan, thì nó sẽ không hiểu gì cả, nó sẽ tìm cách để không thấy “mâu thuẫn” hay nếu phủ nhận không được thì nó sẽ nói rằng khoa học bất lực. Song tự nhiên và xã hội đầy dẫy những mâu thuẫn khách quan; thế thì, nếu phủ nhận mâu thuẫn, sẽ không còn có khoa học nữa. Siêu hình học đi vào ngõ bế tắc.

Trong tập “bút ký” Lênin có nhận thấy rằng Kăng với những mâu thuẫn của lý trí, là một điểm nối liền với triết học ngày nay. Nhưng Lênin cũng nói thêm rằng, Kăng sai lầm ở chỗ ông ta tưởng rằng chỉ có bốn cái mâu thuẫn mà thôi, kỳ thật trong tất cả các khái niệm đều có sự thống nhất của những sự vật động trái ngược nhau.

Đừng tưởng rằng biện chứng pháp thừa nhận bất cứ mâu thuẫn nào. Mâu thuẫn về hình thức là sai lầm. Ví dụ trong một bài diễn văn: trên nói rằng thực dân là áp bức, bóc lột, xấu; dưới lại kết luận rằng thực dân tự thủ tiêu, đế quốc trao trả độc lập dân tộc, bảo vệ nền độc lập ấy, đó là mâu thuẫn luận lý, đó là sai lầm. Hay ví dụ Jésus là người, là thần, là cha, là con, cha của con ấy mà con ấy lại là cha của con ấy; đó là mâu thuẫn luận lý không thừa nhận được, vì nó sai lầm mê hoặc. Đứng về mặt này thì biện chứng pháp tán đồng với luận lý hình thức, và hơn ai cả, biện chứng ứng dụng luật đồng nhất của luận lý hình thức, không bồi bổ luật đồng nhất ấy. Người theo phương pháp biện chứng không mâu thuẫn với mình mà tiền hậu nhất trí.

Lại đừng tưởng rằng bất cứ mâu thuẫn khách quan nào cũng thuộc vào phạm trù “mâu thuẫn biện chứng”. Nhà bác học Anh, ông Han-đan, trong quyển “Chủ nghĩa Mác và khoa học” chứng tỏ rằng ông chưa hiểu rõ chủ nghĩa Mác và biện chứng pháp Mác-xít khi ông đưa tỷ dụ “cái cứng cái mềm” làm bằng cho mâu thuẫn thống nhất. Nếu quả như Han-đan nói thì cái xanh cái đỏ, cái vuông cái tròn cũng là mâu thuẫn thống nhất nữa sao ? Chỉ là mâu thuẫn thống nhất, những xu hướng, những yếu tố nào trái nhau mà là một trong một sự vật, trong một hiện tượng; sự đấu tranh của những xu hướng đó, yếu tố đó phát sinh ra sự biến chuyển, sự vận động của sự vật, của hiện tượng.

2. Mỗi sự vật, hiện tượng là một mâu thuẫn thống nhất

Người Trung Quốc từ đời thượng cổ đã phát kiến ra “âm dương” âm dương là hai lẽ mâu thuẫn của một hiện tượng, (trời, đất, con người), cũng là hai lẽ thống nhất trong hiện tượng ấy; rồi họ tính tương lai sức khỏe, chữa bệnh, sinh sản… theo biến chuyển của lẽ âm dương ấy. Ngày nay ta lấy hai chữ âm dương để gọi hai thứ điện, hai thái cực, hai dấu + và - trong toán học…

Hê-gen trả lời cho siêu hình học khi siêu hình học tuyệt đối thừa nhận công thức A = A, và khi nó xem đó là chân lý tuyệt đối:

Trên trời và dưới đất, không có cái gì mà không bao gồm trong bản thân nó hai cái “thực và hư” (Đại luận lý)

Mâu thuẫn thống nhất là thực tại rất phổ biến, đâu đâu cũng có.

a. Trong tự nhiên giới:

-Vạn vật đều vận động, chúng ta đã biết chắc chắn như thế (xem quy luật thứ nhì của biện chứng pháp); ngay sự vận động đó là một mâu thuẫn thống nhất rồi, bởi vì vận động nghĩa là vừa đây mà vừa đó, vừa cái này, mà vừa không phải nó rồi; 

- Có âm điện và dương điện mới thành ra điện;

- Vật chất, ánh sáng (ánh sáng cũng là vật chất) vừa là sóng vừa là hạt, vừa liên tục vừa gián đoạn;

- Các tinh tú vừa xô vừa hút với nhau, xô và hút là mâu thuẫn và thống nhất; nếu có hút mà không xô thì quả đất sẽ đâm sầm vào mặt trời, chảy hết, nếu có xô mà không hút thì nó sẽ du lịch xa quá, lạnh chết thôi, mà tới nay thì cỏ cây, cầm thú, con người không chết cháy mà cũng không chết lạnh; 

- Ta thở ra và hít vào; cả sự sống là gồm hai hiện tượng đồng hóa và dị hóa đồng thời với nhau. Di truyền và tiến hóa là hai mâu thuẫn của một cái sống của các giống loài;

- Trong vật lý học, ai cũng biết có tác động va phản ứng, trong hóa học cũng thế;

- Chất nucléo-protéine, bước đầu của sự sống, bước nối liền giữa vô sinh và hữu sinh, là chất acide và baz hợp lại với nhau, bản thân nó là một mâu thuẫn thống nhất, thống nhất giữa hai chất, thống nhất, giữa vô sinh và hữu sinh;

- Sống là cuộc tranh đấu giữa cái sống và cái chết trong mỗi lúc; nhiều tế bào được thành hình và đồng thời nhiều tế bào bị tan rã.

Angen nói:

Vậy thì sinh hoạt cũng là một mâu thuẫn nằm ngay trong sự vật và hiện tượng, một mâu thuẫn tự bầy ra và được giải quyết, và khi nào hết mâu thuẫn thì cái chết đã đến nơi rồi vậy”.

Tóm lại, trong tự nhiên giới, đâu đâu cũng có mâu thuẫn, mâu thuẫn thống nhất, có phía tiêu cực và phía tích cực, có yếu tố đang xuống và yếu tố đang lên, có sự tranh đấu và liên hệ giữa những trái nghịch ấy.

b. Trong lĩnh vực xã hội: 

Trong xã hội cũng thế:

- Mâu thuẫn căn bản trong bất cứ chế độ xã hội nào là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất (nghĩa là giữa sự quan hệ giữa con người và tự nhiên, với quan hệ giữa người và người); đến xã hội chủ nghĩa vẫn còn cái mâu thuẫn căn bản ấy; khác mấy đều là mâu thuẫn ấy được phát lộ ra bằng những hình thái khác nhau tùy theo chế độ và được giải quyết khác nhau cũng tùy theo chế độ.

- Mâu thuẫn giữa các giai cấp, chủ nô và nô lệ, phong kiến và nông dân, tư bản và vô sản; giai cấp tranh đấu là một trong những động cơ lớn nhất của lịch sử phát triển. Có tư bản và vô sản mới thành ra tư bản chủ nghĩa. Có nông dân và địa chủ mới thành ra phong kiến;

- Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sự sản xuất và tính chất cá nhân trong quyền sở hữu (trong chế độ tư bản).

- Mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc, giữa đế quốc với các dân tộc bị áp bức, giữa dân chủ và phản dân chủ, giữa lực lượng hòa bình và lực lượng gây chiến v.v…

c. Mâu thuẫn trong tư tưởng, học thuật:

- Mâu thuẫn giữa siêu hình và biện chứng, duy tâm và duy vật, bảo thủ và tiến bộ…

- Chúng ta chú trọng vào mâu thuẫn trong toán học là một lãnh vực khoa học mà thường thường người ta nói rằng nó không thể chứa đựng mâu thuẫn, hễ mâu thuẫn tức là sai lầm. Đây này, toán học phản ảnh mâu thuẫn khách quan trong thực tại;

Trong số học (số học, đại số và giải tích) chúng ta đã nói rằng vì cần biểu diễn mọi mặt của tương quan về lượng nên người ta đi từ số nguyên đến số phân, tới đại số, mở rộng mãi khái niệm về số. Mỗi loại số, bản thân của nó là một mâu thuẫn thống nhất, số nguyên là tổng hợp những đơn vị phân biệt nhau mà lại giống như nhau, phân số lại tượng trưng hai phép mâu thuẫn nhau là nhân và chia, mà lại thống nhất trong phân số đó. Một đại số (số có dấu) gồm hai phần đối lập nhau, bổ khuyết cho nhau là trị số tuyệt đối (lượng) và chiều (chất) thống nhất với nhau thành một, để biểu diễn những đại lượng có chiều như nhiệt độ. Còn số vô tỷ thì có thể xác định do sự tụ hội của hai số liệt ngược chiều, một số liệt tiến và một số liệt lùi. Ảo số thống nhất hai phần đối lập, phần thực và phần ảo. Nói đến ảo số (phức số) vô cực (âm và dương) vi phân tích phân đều như thế cả.

Trong hình học thì có mâu thuẫn thống nhất không? Có. Một hình vừa cụ thể vừa là trừu tượng. Điểm là nhỏ bé vô cùng mà hợp lại thì thành đường, đường là mỏng mảnh vô cùng mà hợp lại tạo thành ra mặt. Trong hình học vectơ, thì chính cái khái niệm vectơ tổng hợp hai yếu tố khác hẳn nhau là số lượng và phương hướng. Hai đường cắt đứt nhau, mà cách chỗ cắt đứt bao xa đó, ta có thể coi hai đường  là bình hành. Đường cong, mà một đoạn của nó là ngay. Cong mà ngay, chặt nhau mà bình hành! Quả mâu thuẫn! Song cũng là một sự thực mà toán học cao đẳng cần phải dùng đến luôn và nhờ nó mà lượm được kết quả rất đúng đắn. Lát nữa ta sẽ chứng minh rằng quá trình phát triển của toán học chính là sự giải quyết các mâu thuẫn. Ở đây chỉ cần nói rằng, những mâu thuẫn trong toán học không phải từ trong đầu óc biện chứng của nhà toán học mà xuất phát ra (vô số nhà tóan học trước Mác không rõ biện chứng pháp ); sở dĩ có mâu thuẫn mà thống nhất trong toán học, vì toán học phản ảnh (gần đúng, gần chính xác) những hiện thực khách quan.

Mâu thuẫn thống nhất là một quy luật rất quan trọng. Cho nên Lênin nói:

Biện chứng pháp trong nghĩa trắng của nó là sự nghiên cứu các mâu thuẫn trong chính thực chất của sự vật” (Bút ký)

Lênin cũng nói rằng:

Một mà sinh ra hai, nhận thức các bộ phận mâu thuẫn nhau của một sự vật, đó là một trong những điều căn bản, một trong những đặc điểm căn bản, nếu không phải rằng chính đó là điều căn bản hơn cả của biện chứng pháp1

Theo ý của Lênin thì gọi là mâu thuẫn thống nhất hay gọi mâu thuẫn đồng nhất đều được cả. Vì cả hai cách đều vạch rõ những xu hướng trái nhau trong tất cả các sự vật hiện tượng, các quá trình của tự nhiên xã hội và tư tưởng.

Nói tóm một câu, mâu thuẫn là tính chất phổ biến của mọi sự vật, trước hết là ở trong sự vật, và suốt quá trình của sự vật. Có học phái duy tâm hóa nói rằng, không có mâu thuẫn trong một hệ thống khi hệ thống ấy mới phát sinh, mà chỉ có mâu thuẫn là khi nào hệ thống phát triển đến một trình độ nào rồi. Đó là ý kiến của học phái Đê-bô-rin ở Liên xô độ nọ. Nói như thế rất sai. Vì nếu quả như thế thì mâu thuẫn không còn tính chất phổ biến nữa, mâu thuẫn thống nhất không còn là một quy luật biện chứng pháp nữa. Thực ra, có lúc nào mà điện không gồm cả âm dương, có lúc nào mà không có xô và hút giữa các tinh tú, hút vào và nhả ra của động thực vật ? Khi đã có tư bản chủ nghĩa thì đã có mâu thuẫn lao tư, đợi gì đến cách mạng vô sản? Từ lúc đầu mới phát sinh của sự vật, sự vật vẫn vận động, vẫn tiến triển thì lẽ tất nhiên nó có mâu thuẫn nội tại. Cho nên Mao Trạch Đông nói rằng:

Mâu thuẫn là phổ biến, là tuyệt đối, nó ở trong tất cả quá trình phát triển của sự vật, nó đi từ đầu đến cuối tất cả mọi quá trình

3. Đấu tranh giữa các mâu thuẫn là nguồn gốc của sự vận động

Trong quyển “Phản đối Đuy-ring”, Angen nói rằng chẳng những mâu thuẫn là một sự thực tại, mâu thuẫn cũng là một “lực lượng”. Luận về biện chứng pháp (xem phụ lục của quyển “Duy vật luận và kinh nghiệm phê phán luận”) Lênin cũng nói rằng:

Để nhận thức rộng rãi tất cả các quá trình của vũ trụ trong sự “tự thân vận động” của chúng nó, trong sự tiến triển tự phát của chúng nó, trong sinh hoạt thực của chúng nó, thì phải nhận thức các quá trình đó như là một thống nhất thể do những mâu thuẫn cấu thành. Tiến triển là một cuộc “đấu tranh” giữa những nguyên lý trái ngược nhau”.

Lênin nói rằng thường lệ thì có hai cách quan niệm về sự tiến hóa; cách thứ nhất là xem sự tiến hóa tăng hay giảm; cách thứ nhì là xem sự tiến hóa như là thống nhất của mâu thuẫn, đấu tranh giữa mâu thuẫn.

Quan niệm thứ nhất thì gầy ốm, khô khan vô bổ. Quan niệm thứ nhì thì linh hoạt, sáng tạo. Chỉ cái quan niệm thứ  nhì ấy mới giải thích cho ta được cái tự thân vận động của mọi sự tồn tại, chỉ có nó mới cho ta được cái chìa khóa của những sự “vận động đột khởi” của những sự “phá vỡ liên tục” của những sự chuyển hướng: chỉ có nó mới làm cho ta hiểu được sự tiêu diệt của những sự vật cũ và sự sinh nở của những sự vật mới”1

Xin trích thêm một đoạn nữa của Lênin cũng trong bài “Bàn về biện chứng pháp” để chứng minh rằng Lênin xem sự  “tự thân vận động” là căn bản, xem sự đấu tranh giữa những mâu thuẫn nội tại là nguồn cỗi chính sự vận động.

Nếu ta bằng vào cái quan niệm thứ nhất về tiến hóa, thì sự tự thân vận động bị vùi dập đi, che lấp đi, người ta sẽ không trông thấy cái động lực, cái nguồn cỗi cái lý do, (nếu tìm ở bên ngoài thì sẽ gặp ông thượng đế). Còn cái quan niệm thứ nhì nó hướng ta tìm nguồn cỗi của sự tự thân vận động”.

Chúng ta có thể nói rằng “tự thân vận động” là một trong những điểm mà Lênin phát triển biện chứng pháp Mác-xít cao hơn trước. Vấn đề căn nguyên của sự vận động, căn nguyên của sự biến chuyển, của sự tiến hóa là một vấn đề rất lớn trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; nó đã làm khô cạn rất nhiều mực, mòn gẫy rất nhiều bút: duy thần, cơ giới và biện chứng tranh đấu nhau, mà rốt cục thì chỉ có duy vật biện chứng giải đáp vấn đề này một cách thỏa mãn, khoa học, chính xác.

Trừ ra người mù, ai cũng thấy rằng trời xoay, đất chuyển, vật đổi, sao dời, người sống kẻ chết. Đó là sự vận động. Tại sao có vận động ? Cho đến những nhà khoa học tiến bộ như Đề-các, vì không hiểu căn nguyên của sự vận động nên nói liều rằng “khởi thủy” ông Thượng Đế toàn lượng toàn năng lấy ngón tay búng vào vũ trụ một cái rồi tự đó đến chừ cả vũ trụ cứ xoay dần, cứ vận động. Cách giải thích này, ngày nay, chưa ắt đã làm trò cười cho bầy trẻ được.

Hay là nhiều nhà khoa học tư bản cắt nghĩa sự tiến hóa bằng mục đích luận: cả vũ trụ tiến hóa để thực hiện một mục đích nào đó, mục đích ấy có thể (theo từng người) là mục đích của đấng Thượng đế chí thiện, chí mỹ, có thể là mục đích “cố hữu nằm trong sự vật”.

Tất cả duy thần, duy tâm đó đều tìm căn nguyên, lý do của sự vận động, sự tiến hóa ở ngoài sự vật. Theo lời Lênin, tìm ở ngoài thì gặp Thượng Đế. Đúng như thế. Gặp Thượng đế là phản khoa học, phản tiến bộ.

Cũng có người “Mác-xít” tìm động cơ cách mạng ở trong mâu thuẫn giữa các nước đế quốc chứ không phải bên trong mỗi nước giữa vô sản với tư bản (Bu-kha-rin); hoặc tìm khả năng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nơi các sức vô sản Âu châu, ở bên ngoài Liên xô mà trái lại không tin rằng Liên xô có đủ điều kiện nội tại để xây dựng xã hội chủ nghĩa thắng lợi (Tơ-rốt-ky). Ở Việt Nam thì độ trước, lắm người mong mỏi tin tưởng rằng Nhật bản sẽ đem lại độc lập cho Việt Nam, chứ bản thân người Việt Nam không làm cách mạng giải phóng dân tộc được. Tìm động cơ tiến hóa ở bên ngoài như thế, họ không gặp Thượng đế, mà cả Trốt-ky Bu-kha-rin và một số người Việt gặp đế quốc, gặp phản động có thể trở thành phản cách mạng, trở thành tay sai của kẻ xâm lược.

Đừng thấy mâu thuẫn mà sợ.

Mâu thuẫn nội tại là nguồn gốc tiến hóa; mâu thuẫn là một sức mạnh; sự tự thân vận động là chính; nói chung ảnh hưởng bên ngoài là phụ, là thứ yếu. Sự vận động của một hệ thống mặt trời, cũng như của một nguyên tử (với hạt nhân và các điện tử của nó) là gốc ở sự hấp dẫn, thu hút, ở mâu thuẫn giữa các điện lực âm, dương trong bản thân của nó. Trong sinh vật cũng thế, nếu không còn mâu thuẫn giữa hô hấp, giữa đồng hóa và dị hóa nữa thì sinh vật chết đi, và sự vật vô sinh cũng tan đi. Lẽ tất nhiên hoàn cảnh chu vi có ảnh hưởng rất mạnh, nhưng nói chung đó là thứ yếu; bản thân sự vật không có khả năng tiến hóa (ví dụ như hạt lúa mục, lúa lép) thì vô luận nước phân nào cũng không làm cho nó mọc được; cũng như nếu một dân tộc chưa làm cách mạng được, nghĩa là chưa đủ sức tự thân giải quyết những mâu thuẫn nội tại của nước nhà thì không thể nào ai làm cách mạng dùm cho nó được. Chính vì thế mà đồng chí Stalin nói rằng cách mạng không phải là món hàng nhập cảng.

Trong lĩnh vực xã hội lịch sử  ta thấy rõ sự tự thân vận động đó. Duy vật lịch sử  dạy cho chúng ta biết rằng điều quyết định trong sự tiến hóa của xã hội từ chế độ cộng sản nguyên thuỷ cho đến nay là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất, rằng trong các chế độ có giai cấp thì giai cấp tranh đấu là động cơ của lịch sử. Giải quyết mâu thuẫn kinh tế và mâu thuẫn giai cấp là nguồn gốc của sự tiến bộ.

Trong lĩnh vực toán học, toán học tiến bộ bằng sự giải quyết các mâu thuẫn của nó: chia con số không chia được, trừ con số không trừ được, khai căn số nhì cho một số âm  … nghĩa là giải quyết mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Cái cũ, ví dụ như đại lượng không có phương hướng trong không gian, mới là đại lượng có phương hướng trong không gian; khái niệm vectơ được tạo ra, rất ích lợi cho cơ học, và hình học vi tích. Cái cũ, ví dụ như số cố định; cái mới như biến số, biến số bao gồm số cố định, số cố định là một trường hợp riêng của biến số… Mỗi lần đụng mâu thuẫn phải giải quyết, là một lần tiến bộ của toán học khi giải quyết được mâu thuẫn ấy, chớ không phải gặp mâu thuẫn là toán học tự tỏ ra sai lầm, bất lực, tự tiêu hủy đâu.

Tiến hóa gốc ở sự mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, trước hết là mâu thuẫn bản thân. Mác nói rằng: Nhân loại không đặt ra những vấn đề mà chính nó không giải quyết được bởi vì sở dĩ vấn đề được đặt ra là tại đến lúc các điều kiện đã có để mà giải quyết nó, cho nên các mâu thuẫn đều được giải quyết. Giải quyết mâu thuẫn này thì nẩy nở mâu thuẫn khác đến lúc các mâu thuẫn đó lại đòi phải giải quyết. Sự tiến bộ là ở đó. Không có gì đáng kinh sợ khi đứng trước mâu thuẫn. Mao Trạch Đông nói:

Sự thống nhất cũ và thành phần mâu thuẫn của nó đã nhường chỗ cho sự thống nhất mới và thành phần mâu thuẫn của thống nhất mới, tức là quá trình mới thay cho quá trình cũ. Quá trình cũ kết thúc rồi quá trình mới phát sinh, rồi quá trình mới lại bao gồm mâu thuẫn mới, mâu thuẫn mới lại bắt đầu phát triển.

Nói một cách khác, sự phát triển là gì? Là sự giải quyết các mâu thuẫn trong mọi sự vật; sự vận động là gì? Là sự xung đột mà thống nhất của mâu thuẫn trong mọi sự vật. Giải quyết rồi lại sinh mâu thuẫn, mâu thuẫn rồi lại giải quyết, cứ như thế mãi, từ thấp lên cao.

Gần đây, bên Pháp có một số anh em ta đăng bài trong tạp chí Nouvelle critique (Tạp chí Mác-xít mà mọi người nên đọc) nói rằng danh từ mâu thuẫn thống nhất là một danh từ kiểu Hê-gen, lù mù, nên bỏ, bởi vì, ví dụ như không có thống nhất hay đồng nhất gì giữa hòa bình và chiến tranh cả. Xin góp những ý kiến bất đồng:

Nói mâu thuẫn thống nhất (hay đồng nhất) là nói đến hai mặt cùng một lúc: mặt thống nhất và mặt đấu tranh; mâu thuẫn dù đối kháng vẫn có mặt thống nhất, mà hòa bình và chiến tranh là một loại đối kháng. Theo Lê-nin thì biện chứng pháp là một học thuyết nghiên cứu vì sao mà đối lập có thể thống nhất, lại vì sao biến thành thống nhất. Tư bản độc quyền chủ chiến, thì lẽ tất nhiên nhân dân lao động bênh vực hòa bình; cả hai đều trong một thể tức xã hội hiện đại cũng như có giai cấp tư bản và giai cấp công nhân mới thành xã hội tư bản. Hòa bình và chiến tranh đấu tranh nhau, chuyển hóa nhau, trong lúc chiến tranh có phong trào hòa bình, ta chiến tranh với ý chí xây dựng hòa bình, lâu dài, còn địch thì trong hòa bình chuẩn bị chiến tranh; các mặt mâu thuẫn đó không thể cô lập mà tồn tại trong xã hội ngày nay cũng như nếu không có sống thì không có chết, không có họa thì không phúc, không có tư bản thì không có vô sản, không có thực dân thì không có thuộc địa chống chọi nhau mà liên hệ lẫn nhau, chuyên hóa nhau, tính chất đó gọi là thống nhất. Không có gì mà phải sợ cả, cũng như không sợ dùng chữ duy vật; miễn là kề bên tính thống nhất, phải thấy tính đấu tranh, đặc biệt là trong trường hợp mâu thuẫn đối kháng như chiến tranh và hòa bình, đấu tranh cho đến khi mâu thuẫn ấy không còn nữa, mà nó không còn nữa thì lại có loại mâu thuẫn của thống nhất khác.

4. Stalin nói về sự ứng dụng luật mâu thuẫn thống nhất trong lịch sử  xã hội và trong công tác của đảng

Nếu quả rằng sự phát triển được thực hiện bằng sự phơi bày những mâu thuẫn nội tại, bằng sự xung đột giữa những lực lượng trái ngược nhau trên cơ sở của những mâu thuẫn ấy, xung đột để vượt qua mâu thuẫn, thì rõ ràng rằng cuộc giai cấp  tranh đấu của giai cấp vô sản là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên không tránh khỏi. 

Bởi vậy cho nên không nên dấu diếm các mâu thuẫn của chế độ tư bản mà phải lột trần nó ra, và phải phơi bày nó ra. Không nên bóp chặt cuộc giai cấp tranh đấu mà phải làm giai cấp tranh đấu đến nơi đến chốn.

Bởi vậy cho nên nếu không muốn sai lầm về chính trị, phải theo đường lối giai cấp vô sản, cương quyết, chớ không phải là theo một đường lối cải lương thỏa hợp quyền lợi giữa vô sản và tư bản, không phải là theo đường lối thỏa hợp “sát nhập tư bản chủ nghĩa vào trong xã hội chủ nghĩa1.

Thái độ của vô sản trong khi nghiên cứu các vấn đề là thái độ khách quan. Quan điểm đó là quan điểm khoa học. Mà sở dĩ chúng ta là khách quan, không dấu diếm, che đậy mâu thuẫn là bởi vì có giải quyết mâu thuẫn mới có tiến bộ, mới giải phóng được công nhân, và với sự giải phóng công nhân là sự giải phóng nhân loại. Cho nên Mác, An-gen, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông phơi bầy tất cả các mâu thuẫn của chế độ tư bản và triệt để chủ trương giai cấp tranh đấu. Ngược lại thì bọn cải lương đệ nhị quốc tế dấu diếm che đậy những mâu thuẫn của tư bản, nói láo rằng độc quyền giảm sự cạnh tranh, bằng sự tham gia lợi tức làm cho vô sản có quyền lợi liên kết với tư bản, rằng nền dân chủ tư sản có thể làm cho giai cấp công nhân lần lần lên nắm chính quyền mà khỏi phải khởi nghĩa võ trang gì cả. Sự xung khắc nhau giữa cộng sản và xã hội cải lương có một căn cứ về phương pháp tư tưởng, mà chính của nó là căn cứ về chính trị giai cấp.

Ngay trong chế độ Xô-viết, Đảng Cộng sản Liên Xô dựa vào phương pháp tư tưởng Mác-xít, cũng cứ phơi bày những mâu thuẫn, để giải quyết mâu thuẫn. Ví dụ mâu thuẫn giữa bần cố nông, và phú nông, giải quyết mâu thuẫn ấy lúc cần bằng thủ tiêu lối bóc lột phú nông (bằng cách biến phú nông thành những người lao động không bóc lột) dựa trên sự công cộng hóa nông nghiệp. Trong lúc đó thì phương pháp tư tưởng siêu hình của Bu-kha-rin dấu diếm mâu thuẫn ấy và muốn cho phú nông vào ngay trong các nông trường công cộng.

Gần đây trong quyển “Những vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên-xô” Stalin cũng chỉ rõ những trạng thái mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất, chỉ rõ rằng tương quan sản xuất ở thôn quê Xô-viết đi trễ hơn lực lượng sản xuất, cho nên cần phải giải quyết mâu thuẫn đó, và phải nâng cao dần tài sản nông trường công cộng lên trình độ tài sản quốc gia. Đồng chí Stalin căn dặn các nhà kinh tế học Xô-viết là phải ghi lấy các mâu thuẫn để kịp thời giải quyết. Như thế là trong chế độ không giai cấp vẫn có những mâu thuẫn xuất hiện, giải quyết mâu thuẫn ấy là đẩy xã hội tới trước, duy khác với trước kia là, ở trong chế độ Xô-viết, chính quyền trông thấy mâu thuẫn, kịp thời giải quyết mâu thuẫn chớ không để cho mâu thuẫn ấy tiến đến trình độ đối kháng làm trở ngại cho sự phát triển.

Cũng theo đường lối và phương pháp biện chứng, những lãnh tụ cách mạng Việt nam nghiên cứu tình hình Việt Nam, phô bày các mâu thuẫn hiện tại để giải quyết mâu thuẫn ấy bằng cuộc tranh đấu quyết liệt, không phải bằng cách thỏa hiệp. Cứ xem phương pháp của Trường Chinh trong đoạn “Xã hội Việt Nam” của quyển “Bàn về cách mạng Việt Nam…” thì rõ. Từ trước đến nay, chúng ta nhận định rằng cuộc cách mạng dân tộc giải phóng là một cuộc giai cấp tranh đấu; hiện nay căn bản là tranh đấu giữa nhân dân do vô sản lãnh đạo chống đế quốc phong kiến. Theo chỉ thị và phương pháp Stalin “không bót nghẹt giai cấp tranh đấu mà làm giai cấp tranh đấu đến nơi đến chốn”, Trung Quốc và Việt Nam đương phát động quần chúng, phát động nông dân đấu tranh mà không sợ “vỡ đoàn kết”, đẩy mạnh cuộc cách mạng đến trước, thắt chặt thêm sự đoàn kết ở thôn quê, sự đoàn kết giữa toàn dân.

5. Ánh sáng của luật mâu thuẫn thống nhất trong một số vấn đề khoa học và chính trị hiện tại

a. Vấn  đề “hai hệ thống song song tồn tại”, nhiều người chúng ta tưởng lầm rằng hễ ta chủ trương “hai hệ thống song song tồn tại” tức là ta từ bỏ quan niệm và chủ trương cách mạng toàn thế giới mà đi trở lại, sụt lùi về chính sách thỏa hợp. Thực ra không phải như thế. Thực ra đó là chính sách hòa bình, đấu tranh cho hòa bình, mà đấu tranh cho hòa bình là một hình thái của giai cấp tranh đấu; hòa bình lợi cho phe cách mạng, tức là hại cho phe đế quốc thực dân hiếu chiến và chủ trương ấy căn cứ vào sự đấu tranh giữa hai hệ thống.

Các mâu thuẫn trong hệ thống tư bản cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng cách mạng ở các xứ đó do dân xứ đó làm (cách mạng không phải là món hàng xuất cảng), mà đấu tranh cho hòa bình cũng là cách động viên nhân dân xứ đế quốc đấu tranh chống giai cấp thống trị ở xứ họ. Đối với cách mạng, trong một nước dù nhỏ dù lớn, sự tự lực cánh sinh là chính mà viện trợ từ bên ngoài là thứ yếu; sự viện trợ chỉ có lợi lớn là khi nào nó giúp vào, nó đẩy mạnh sự tự lực cánh sinh. Ở đây ta thấy rõ vấn đề căn nguyên của vận động, vấn đề “tự thân vận động” có một ý nghĩa thực hành rất lớn.

b. Vấn đề “đấu tranh và đoàn kết”: bề ngoài thì dường như chủ trương này là mâu thuẫn; đã đoàn kết thì sao lại tranh đấu ? Tranh đấu mà đoàn kết thì làm sao được ? – Thực ra quả có mâu thuẫn, nhưng đó là mâu thuẫn biện chứng, thống nhất, không phải mâu thuẫn luận lý, hình thức. Đấu tranh bằng cách tự phê bình và phê bình thẳng thắn mà thân ái đối với bạn trong mặt trận, yêu cầu bạn phê bình ta, giải quyết các sự thắc mắc, đả thông các sự hiểu lầm, nhiên hậu chúng ta đoàn kết thành thực và lâu dài hơn. Bằng thỏa hiệp chỉ đoàn kết ở buổi tiệc thôi, mà gờm nhau ở sau lưng thì có đoàn kết thực sự đâu.

Hay là: phát động nông dân tranh đấu thì ở thôn quê đoàn kết, uy thế chính trị, thế lực kinh tế của địa chủ cường hào sập xuống thì bần cố nông thành một khối rất vững, thu hút chặt chẽ trung nông vào đó, trung nông khỏi sự lung lạc của địa chủ; địa chủ sập xuống và bần cố nông đoàn kết thì phú nông sẽ không theo địa chủ; họ phải nghiêng theo khối nông dân lao động. Ngay những phần tử địa chủ ngoan cố bị sập xuống thì cũng phải tuân theo chính sách, thi hành chính sách, chớ không phải như trước: miệng nói đoàn kết và kháng chiến mà thực sự chia rẽ và chống kháng chiến. Hơn nữa, các từng lớp khác như thương gia, như trí thức, thấy rõ lực lượng của nông dân, thấy chính nghĩa, sẽ đứng hẳn về phía nông dân. Lương giáo  càng đoàn kết hơn nữa, một khi nông dân công giáo tranh đấu thắng lợi với địa chủ nhà chung, địa chủ nhà chung này càng có uy thế kinh tế chính trị bao nhiêu thì càng chia rẽ lương giáo bấy nhiêu, phá kháng chiến bấy nhiêu; uy thế ấy càng mất thì đại đa số nhân dân thôn quê mới đoàn kết chặt chẽ. Trong thực tế thì nơi nào đã phát động quần chúng thành công thì nơi ấy lương giáo hết thành kiến đố kỵ nhau, mà giúp đỡ nhau cùng nhau gách vác việc làng nước.

Tranh đấu và đoàn kết là một sự thống nhất là thế.

c. Chuyên chính và dân chủ: Chuyên chính và dân chủ trong chế độ của ta không có gì là mâu thuẫn, không có gì là không hiểu được; chuyên chính với địch, với đối tượng của cách mạng; dân chủ với nhân dân. Dân chủ là dân có quyền thống trị, quyền thống trị này là của đại đa số, thống trị đối với tối thiểu sô; cho nên nếu dân chủ mà không chuyên chính với thiểu số áp bức cũ, với phản động, thì làm gì có quyền dân, làm gì có dân chủ ? Vì vậy mà ta nói rằng chính quyền cách mạng của ta là dân chủ chuyên chính.

d. Nhà bác học Vavilốp đã ứng dụng luật mâu thuẫn thống nhất để nghiên cứu tự nhiên như thế nào ? Ở một đoạn trên chúng ta đã kể chuyện nhà bác học Xô-viết Vavilốp, năm 1942, ứng dụng lời dạy của Stalin về vạn vật tương quan để tìm thấy rằng khi ánh sáng phóng ra trong một môi trường thì môi trường ấy bị biến đổi, môi trường biến đổi ấy biến đổi nguồn ánh sáng và cả cấu tạo của ánh sáng ấy. Vavilốp lại ứng dụng luật mâu thuẫn thống nhất, tìm thấy và cắt nghĩa được hiện tượng mâu thuẫn sau đây:

Một ánh sáng “tự nhiên” đồng thời là phân cực và không phân cực. Đó là một điều mới trong vật lý học, mà, nếu không thấm nhuần biện chứng pháp thì ngơ ngác, không hiểu nổi, cũng như lúc đầu, các nhà bác học siêu hình không hiểu tại sao ánh sáng lại vừa hạt (gián đoạn) vừa là sóng (liên tục).

Ngay về vấn đề hạt và sóng này, những nhà bác học siêu hình đứng trước sự thật khách quan, họ không thể chối cãi được, nhưng họ lại tìm cách đi tránh cái mâu thuẫn thống nhất, họ bẻ vẹo sự thật khách quan đi. Họ chia cắt hai mặt của cái mâu thuẫn thống nhất, hạt và sóng. Họ nói rằng, trong một số trường hợp thì vật chất (gồm cả ánh sáng) biểu hiện ra tính chất hạt, và chỉ hạt thôi; còn trong một số trường hợp khác thì nó biểu hiện ra tính chất sóng và chỉ có sóng thôi.

 Nhà bác học Bohr dựng đứng lên một thuyết siêu hình về vật lý, nói rằng, trong sự vận động của những vật rất nhỏ thì những tính chất về mâu thuẫn có đôi với nhau ấy, hễ cái tính chất này biểu hiện ra thì cái tính chất kia lại mất tiêu đi. Như thế là họ sợ cái mâu thuẫn, họ tránh cái mâu thuẫn khách quan. Sự trốn tránh ấy có ý nghĩa gì ? Có tác hại gì. ?

Trước hết là nó có ý đấu tranh chống biện chứng pháp tức là chống tư tưởng cách mạng. Hơn nữa, lý thuyết của Bohr, cũng như của cả học phái Copenhague (Cô-păng-ha) – Théorie de la complémentarité – dắt đến thái độ bất khả tri luận; họ nói: “Hễ biết mặt này thì không biết mặt kia”. Khi nào bất khả tri luận xen vào khoa học thì không còn có khoa hoïc chaân chính nöõa.

Vavilốp và các học trò của ông căn cứ vào lời chỉ dẫn của Stalin về mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn thống nhất, đã làm vô số thí nghiệm để đả phá các lý thuyết sai lầm, cơ giới, siêu hình về tính chất hạt sóng của vật chất. Các thí nghiệm của Vivalốp, mà người ta có thể trông thấy bằng hai mắt trơn, chứng tỏ một cách không chối cãi được rằng tính chất sóng hạt của vật chất bao giờ cũng đi đôi với nhau (Vavilốp “Con mắt và mặt trời”)

“Cả sự hoạt động khoa học của S.l. Vavilốp căn cứ vào những ý tưởng của triết học Mác-Lê, là một trong những bằng cớ sáng lạng về giá trị sáng tạo của những nguyên lý duy vật biện chứng cho khoa học tự nhiên”.

Lời của Cư-nhêt-sôp (Kouzhetsov) tán dương nhà vật lý học Vavilốp cũng có thể ứng dụng để tán dương nhà sinh lý học Pao-lốp (Pavlov). Hoạt động của thần kinh hệ là cả một sự bí mật từ trước đến nay. Pao-lốp cắt nghĩa được sự hoạt động của thần kinh hệ bằng sự ứng dụng các quy luật của biện chứng pháp trong đó luật mâu thuẫn có tác dụng rất quan trọng. Trên lớp vỏ ngoài của bộ óc, có những điểm mà tuỳ theo điều kiện, ta thấy diễn ra quá trình kích động, hay quá trình thụ động; hai quá trình đó chính là những yếu tố căn bản của sự hoạt động của bộ óc, hai quá trình đó tuy mâu thuẫn mà là thống nhất, nó xung khắc nhau, tương liên với nhau, đấu tranh với nhau, mà cả sự hoạt động của bộ óc đều xuất phát từ sự đấu tranh giữa hai quá trình mâu thuẫn mà thống nhất ấy. Phát kiến của Pao-lốp rất quan trọng cho khoa sinh lý học và cho y học ngày nay; mọi người đều biết rằng đến Pao-lốp, khoa sinh lý học phát triển trên một tầng mới; sự ứng dụng học thuyết Pao-lốp vào sự chữa bệnh, vào sự sinh đẻ… đã đem lại nhiều hạnh phúc cho đời người. Phát kiến của Pao-lốp trước tiên là dựa vào phương pháp biện chứng, và sau đó là nó chứng minh thêm quy luật mâu thuẫn thống nhất.

6. Vài điều căn bản cần phải chú ý đến khi ứng dụng quy luật mâu thuẫn thống nhất.

a. Chúng ta nói rằng mâu thuẫn nội tại, mâu thuẫn bản thân, đấu tranh giữa nó, giải quyết nó, là nguyên nhân căn bản của sự phát triển của sự vận động. 

Nói như thế không có nghĩa là biện chứng pháp không nhận nguyên nhân bên ngoài. Có; có nguyên nhân ngoài của sự phát triển; nó là điều kiện cho sự phát triển, còn nguyên nhân bên trong là nền tảng của sự phát triển; nguyên nhân bên ngoài phải kinh qua, phải dựa trên, phải nhờ vào nguyên nhân bên trong mới có tác dụng. Trong là chính, là ngoài là thứ. Giống như tự lực cánh sinh là chính, viện trợ là thứ.

b. Biết tính chất phổ biến của mâu thuẫn, không đủ. Còn phải biết tính chất riêng biệt của mâu thuẫn. Nói một cách khác hơn, tuy rằng nói chung thì trong mọi sự vật đều có mâu thuẫn, song trong mỗi sự vật, mỗi loại sự vật, thì mâu thuẫn xuất hiện dưới một hình thái riêng biệt, không giống nhau. Nếu hàm hồ thấy đây như đó thì không có khoa học gì cả, không giải quyết được. Toán học có mâu thuẫn của nó thì giải quyết theo lối của toán học. Vật lý lại khác, sinh vật lại khác. Trong sinh vật, mỗi nơi lại một khác. Mỗi chế độ xã hội có loại mâu thuẫn của nó và mỗi chế độ lại giải quyết mâu thuẫn theo một cách. Không có một công thức duy nhất, vạn ứng. Chỉ có một phương pháp tư tưởng  thống nhất. Ví dụ như đòi một cuộc cách mạng bạo động để đi từ dân chủ nhân dân đến xã hội chủ nghĩa là vô lý, hay ví dụ như giải quyết mâu thuẫn giữa âm dương của điện bằng cách nối giây đi giây về; mà giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến bằng cách thủ tiêu phong kiến. Lại ví dụ như cách mạng tư sản giải quyết mâu thuẫn của chế độ phong kiến, cách mạng vô sản giải quyết mâu thuẫn của chế độ tư bản v.v… tuy đều là cách mạng cả, song mỗi loại cách mạng một khác.

“Dùng phương pháp khác nhau để giải quyết mâu thuẫn khác nhau” là thế.

c. Trong những mâu thuẫn phức tạp, cần chú trọng vào mâu thuẫn chính, cũng như trong các điều kiện chu vi của một hiện tượng, phải nắm điều kiện chính, cũng như trong một quá trình cần phải nắm khâu chính. Mâu thuẫn chính quy định bản chất của sự vật, của hiện tượng, nó có tác động quyết định trong sự phát triển hay giải quyết các mâu thuẫn khác.

Ví dụ như trong xã hội Việt Nam ngày nay mà không thấy mâu thuẫn chính là giữa nhân dân với thực dân, giữa nông dân với phong kiến, trái lại, nếu thấy mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản là chính thì chủ trương cách mạng sẽ sai lạc hoàn toàn; sắp ngang hàng cũng là sai lầm nguy hiểm.

Song, thấy mâu thuẫn chính yếu mà không thấy mâu thuẫn thứ yếu thì cũng là sai lầm, nguy hiểm, thiếu sót, vô nguyên tắc.

d. Trong hai mặt của một mâu thuẫn, cần nhận định rõ mặt nào là chính, trong lúc nào thì mặt nào là chính. Ví dụ như: khi con người còn trẻ thì cái mới cái sống mạnh hơn cái cũ, cái chết; khi con người già thì ngược lại. Trong lúc mới kháng chiến, ta lùi nhiều hơn tiến; về sau ta tiến nhiều hơn lùi. Lực lượng sản xuất quyết định tương quan sản xuất; nhưng khi tương quan sản xuất mới đã xuất hiện thì nó có một vai trò quyết định để đẩy lực lượng sản xuất tới trước.

Nhận định rõ vị trí chính phụ của mỗi mặt mâu thuẫn trong mỗi lúc thì sẽ có hành động chính xác, thu được nhiều kết quả tốt.

e. Đối kháng là một “lúc” của mâu thuẫn; nó là một trong những mực đấu tranh giữa các mâu thuẫn, một hình thức đấu tranh giữa các mâu thuẫn. Ví dụ mâu thuẫn giai cấp là một loại đối kháng, là hình thức đối kháng của mâu thuẫn. Đối kháng giai cấp chỉ có ở trong xã hội có giai cấp, và khi mâu thuẫn giai cấp lên cao đến tột độ. Đối kháng giữa các nước chỉ có ở trong những chế độ xã hội căn cứ vào sự bóc lột người, và khi quyền lợi co hẹp của bọn cầm quyền xứ này xung đột mạnh nhất với quyền lợi của bọn cầm quyền xứ khác.

Đối kháng ấy dắt đến chiến tranh, dắt đến cách mạng (cách mạng là chiến tranh giữa các giai cấp bóc lột và bị bóc lột, áp bức và bị áp bức).

Nhiệm vụ của ta là xem xét chính xác coi nơi nào có đối kháng, lúc nào có đối kháng. Nơi nào lúc nào có đối kháng, thì đấu tranh phải quyết liệt mới giải quyết được. Nơi nào lúc nào không có hay chưa có đối kháng mà đấu tranh quá gay gắt lại có khi không hợp, sinh ra thất bại.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ không có đối kháng như trong tư bản chủ nghĩa : nhưng hãy còn mâu thuẫn. Đối kháng rất cần, rất tất yếu ở xã hội trước, sẽ là một cái dở, cái xấu trong xã hội sau ; nhiệm vụ của ta là làm cách mạng trong xã hội trước, không lùi bước trước những lúc phải nắm vũ khí trong tay ; nhưng nhiệm vụ ta, trong xã hội sau là phải theo dõi mâu thuẫn, êm ái giải quyết mâu thuẫn khi nó cần giải quyết. Tựa như là : mâu thuẫn giữa tư tưởng vô sản và tư tưởng tiểu nông không phải là đối kháng, thì cần giải quyết một cách khác hơn là giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa tư tưởng gây chiến của độc quyền đế quốc và tư tưởng yêu chuộng hòa bình của nhân dân lao động.

o0o

Tóm tắt và kết luận

Cả vũ trụ, gồm tự nhiên, xã hội, tư tưởng đều theo bốn quy luật tổng quát căn bản: vạn vật tương quan, vạn vật biến chuyển, chất lượng hỗ biến, mâu thuẫn thống nhất. Những quy luật tổng quát này đồng thời cũng là phương pháp mà chúng ta cần ứng dụng trong sự nghiên cứu các lãnh vực tự nhiên xã hội và tư tưởng, trong hành động thực tiễn.

Vũ trụ là một toàn thể thống nhất, các hiện tượng gắn bó nhau, làm điều kiện cho nhau. Cho nên nghiên cứu một sự vật phải đặt nó vào điều kiện chu vi của nó, trong sự tác động và phản ứng giữa các hiện tượng, quy luật tất yếu làm nảy sinh ra hiện tượng.

Vạn vật chẳng những tương quan mà còn vận động biến chuyển không ngừng, biến chuyển theo quá trình phủ định cái phủ định, cái mới thắng cái cũ, biến chuyển theo chiều phát triển từ thấp lên cao. Nhiệm vụ của ta là chiều theo quy luật tất yếu và khách quan mà gia công vào cho sự phát triển đó mau thành tựu và đúng với lợi ích của con người, tin vào tương lai, tin vào cách mạng.

Trong sự tương quan và biến chuyển của vật, sự phát triển không phải là chỉ ôn hòa, tăng số, đổi lượng mà biến chuyển bằng sự biến chất, nhảy vọt, kế tiếp với sự biến chuyển tuần tự, ôn hòa. Cho nên, trong tự nhiên, cũng như trong xã hội, ta có thể và cần tiến lên  chất mới, tầng mới; ta phải là người cách mạng. Cách mạng là thuận với quy luật của cả thiên nhiên.

Nói vạn vật vận động và phát triển thì phải tìm ra nguyên nhân của sự vận động và phát triển đó nguyên nhân ấy là căn bản là mâu thuẫn nội tại của mọi sự vật. Mỗi sự vật, mỗi hệ thống đều gồm những mâu thuẫn, đấu tranh giữa các mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn, để rồi phát sinh những mâu thuẫn mới, đòi hỏi giải quyết mới, đó là phát triển, không có gì là đáng sợ, đáng dấu cả.

Quy luật biện chứng cần cho khoa học tự nhiên, cần cho nhà khoa học xã hội. Cầm binh đánh giặc, làm thơ, viết tiểu thuyết, sản xuất kỹ nghệ hay nông nghiệp, học tập hay làm chính trị đều hằng ngày đụng phải thực tế tương quan, biến chuyển chất lượng hỗ biến và mâu thuẫn trong mọi sự vật, mọi tình thế. Cho nên muốn phát hiện được vấn đề, giải quyết được vấn đề thì chúng ta phải là người biện chứng, không nên vương víu bởi phương pháp siêu hình của cái hạng người đương xuống dốc.

Biện chứng pháp là tinh thần cách mạng, tinh thần khoa học chân chính trong các lĩnh vực nghiên cứu và hành động, gồm cả tự nhiên, xã hội và tư tưởng.

 



1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Luận về biện chứng pháp

1  Lênin, Bàn về biện chứng pháp

1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt