Chủ nghĩa Marx

Nội dung căn bản của biện chứng pháp

BIỆN CHỨNG PHÁP

 
CHƯƠNG THỨ NHẤT
 
NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG
 
CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP

 

1 2 3 4 5 6

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

 

VI. NỘI DUNG CĂN BẢN CỦA BIỆN CHỨNG PHÁP:

NHỮNG PHẠM TRÙ BIỆN CHỨNG

VÀ NHỮNG QUY LUẬT BIỆN CHỨNG

 

Từ ngày nhân loại có triết học thì có duy vật và duy tâm, có biện chứng và siêu hình. Trong thời đại thượng cổ ở Đông phương cũng như ở Tây phương, thấy xuất hiện nhiều nhà triết học, nhiều tác phẩm triết học trong đó những yếu tố, biện chứng pháp được trình bày tương đối rõ rệt. Ví dụ Hê-ra-cờ-lít (Heraclite, một nhà triết học nổi danh của thời đại cổ Hy-lạp) nói:

Vũ trụ là một; không thượng đế nào, không người nào tạo ra nó cả; nó đã là, đương là; và sẽ là một ngọn lửa đời đời linh hoạt, ngọn lửa ấy cháy lên và tắt xuống theo quy luật nhất định”.

Về câu đó, Lênin phê rằng :

Trình bày hoàn hảo những nguyên lý duy vật luận biện chứng pháp “.

Hê-ra-cờ-lít cũng đã nói:

Cái gì sinh ra đều do nơi sự đấu tranh của những mâu thuẫn”.

Trung Quốc đời thượng cổ có quyển Kinh Dịch. Kinh Dịch, theo tôi, là vũ trụ quan của một phần lớn nhà nho. Trong quyển sách lâu đời ấy, nhiều tư tưởng biện chứng được trình bày một cách tương đối rõ ràng như trong thiên “Hệ Từ”:

Sinh sinh ấy gọi là dịch

Dịch cùng tắc biến

Thái cực sinh lưỡng nghi, sinh tứ tượng, sinh bát quái

Những câu ấy chỉ có thể có ý nghĩa là vạn vật biến thiên, dịch đến lúc nào đó thì biến (điểm đột biến)… tuy là người đời xưa tất nhiên không thể nói tiếng của chúng ta ngày nay. Dịch nghĩa là lẽ biến chuyển trong trời đất mà mọi sự đều liên can với nhau. Còn “âm dương” là những điều mâu thuẫn đi đôi, biến hóa sinh tử, do xung khắc hay điều hòa của các mâu thuẫn ấy.

Duy vật luận thời cổ đại Hy-lạp, Trung Quốc cũng như biện chứng pháp của thời ấy là thô sơ, vụn vặt, có tính chất trực giác; tất nhiên như thế. Khoa học đình đốn trong thời phong kiến làm cho tư tưởng biện chứng chết nghẹt đi dưới ách của vua chúa và Giáo hoàng. Những hạng này muốn sao cho luân lý vua tôi chủ tớ phải đời đời như nhật nguyệt, hà sơn (mà chúng nào biết rằng núi sông trời đất đều có lịch sử biến thiên của nó ?) Mãi về sau, trong thời kỳ tư bản, lúc khoa học tiến bộ mạnh đòi hỏi một công trình tổng hợp, nhất là lúc giai cấp vô sản biến thành động cơ giác ngộ và độc lập của lịch sử , thì khi ấy, với Mác và Angen, biện chứng pháp duy vật được hoàn thành; nó vượt qua biện chứng Hê-gen; nó dường như lặp lại cái biện chứng tự nhiên ngày xưa, nhưng kỳ thật đã ở trên một tầng cao vọi hơn trước, với một hình thức diễn tả cụ thể, với một nội dung phong phú tương ứng với tầng phát triển mới của nhận thức khoa học. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng nhận thấy rằng, ngay từ lúc nhân loại có mầm mống của khoa học thì biện chứng của tự nhiên và xã hội đã phản ảnh vào đầu óc con người, tạo thành những tiền đề tư tưởng mà ngày nay chúng ta thừa hưởng. Mác, Angen, Lênin khen ngợi Hêracơlít, Điđơrô, Hê-gen. Như thế ta không được phép khinh miệt gia tài cũ, và đồng thời cũng không nên nghĩ rằng biện chứng pháp Mác-Lê không có gì mới. Ngược lại như lời Đa-nô, biện chứng pháp Mác-Lê là một chất biện chứng mới, nhất thống, bao quát cả tự nhiên , xã hội và tư tưởng con người. 

Thường thường, khi chúng ta nói đến biện chứng pháp thì chúng ta chỉ nghĩ tới những quy luật tổng quát của sự vận động. Sự thực, trong quyển “Đại luận lý” của Hê-gen cũng như trong những quyển “Chống Duyring” và “Biện chứng pháp tự nhiên” của Angen, trong bao nhiêu sách vở khác của Mác và Stalin, các nhà sáng lập ra biện chứng pháp đã nói rất nhiều về các phạm trù của biện chứng, những phạm trù ấy có phần có, có phần không nằm trong các quy luật biện chứng, nhưng không thể không nghiên cứu được. Số phạm trù này rất nhiều, chúng ta chỉ nhặt một bộ phận nào quan trọng nhất mà thôi. Ở đây như khắp các nơi, tư tưởng siêu hình và tư tưởng biện chứng đối chọi nhau từng điểm một mà hằng ngày trong suy luận hay công tác chúng ta luôn luôn gặp, luôn luôn cần giải quyết.

Vì vậy, học biện chứng pháp mà không học đến phạm trù biện chứng sẽ là một thiếu sót. Phạm trù biện chứng hợp với quy luật biện chứng là nội dung căn bản của biện chứng pháp, phần quan trọng nhất là quy luật biện chứng pháp.

Trong quyển “biện chứng pháp tự nhiên” Angen trình bày ba quy luật:

- Lượng chất phổ biến, 

- Mâu thuẫn thống nhất, 

- Phủ định của phủ định;

Nhưng trong suốt sách vở của Mác, Angen, Lê-nin, đều thấy các vị thầy luôn luôn vận động nguyên lý vạn vật tương quan, mặc dầu các vị lãnh tụ ấy chưa viết ra thành một quy luật. Đến Stalin thì, biện chứng pháp được trình bầy một cách rõ ràng nhất, có hệ thống nhất, gồm bốn quy luật căn bản.

Một giáo sư Pháp, trong quyển “Luận lý hình thức và luận lý cụ thể” đề nghị thêm một quy luật thứ năm mà ông gọi là “Quy luật phát triển theo hình trôn ốc”. Chúng tôi nghĩ rằng “Phát triển theo trôn ốc” chỉ là trạng thái phát triển, ý tứ ấy Lê-nin đã trình bày rõ rệt, và nó nội thuộc quy luật vạn vật biến chuyển, nó không thành một quy luật riêng biệt.

Có anh em khác bảo rằng nên xem tự phê bình và phê bình là quy luật thứ năm của biện chứng pháp. Chúng tôi nghĩ rằng, mặc dầu tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của mỗi đoàn thể và cá nhân tiến bộ của Đảng công nhân, của xã hội mới nó không phải là quy luật chung cho tất cả vũ trụ. Con người phê bình và tự phê bình; thiên nhiên thì không phê bình và tự phê bình; cho nên phê bình tự phê bình dù quan trọng mấy, vẫn nằm trong quy luật biến chuyển trong sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái và cái tiến : cũ và mới, thoái và tiến đó đều có ở trong tự nhiên, xã hội và tư tưởng. Quy luật nào bao gồm cả vũ trụ (tự nhiên, xã hội, con người) mới là quy luật tổng quát, nghĩa là quy luật của biện chứng pháp.

Còn nên chú ý đến điều này nữa : Stalin trình bày biện chứng pháp một cách mới hơn trước; chẳng những thế, ý tứ, nội dung của các quy luật có phong phú hơn trước. Điều ấy không lạ lùng gì cả; từ Angen đến Stalin khoảng cách 100 năm, khoa học thêm cao, kinh nghiệm đấu tranh thêm nhiều, sự tổng kết tất nhiên phải tiến hơn trước. Hơn nữa, Stalin không nhắc lại những danh từ kiểu Hê-gen như chính đề, phản đề, hợp đề, hay là phủ định của phủ định; Stalin thay vào đó những khái nhiệm, những phạm trù rõ rệt hơn, thực tế hơn, và cũng phong phú hơn, đầy ý nghĩa hơn; Stalin đã phát triển biện chứng pháp đến một mức độ tương ứng với thời đại xã hội chủ nghĩa đương tiến lên cộng sản chủ nghĩa.

Con người đã tư tưởng một cách biện chứng trước khi họ biết biện chứng pháp là gì, cũng như nói văn xuôi trước khi có các từ ngữ văn xuôi”!

Đó là lời của Angen. Thế nhưng đời nay, khi biện chứng pháp đã được phát hiện thì, một mặt, có những người thề sống chết phản đối biện chứng pháp ; lại có những kẻ khác học thuộc lòng những câu biện chứng pháp mà không thể ứng dụng được. Vì sao ?

Vì bọn đế quốc phong kiến, tất cả bè lũ phản động không muốn cho cuộc đời tiến bộ. Chúng muốn ngăn xe lịch sử lại, hệt như là ông già không muốn tóc mình bạc, răng mình long, và ngạc nhiên khi trẻ em thưa “cụ” thưa “cố”. Đối với đế quốc phong kiến, biện chứng pháp là tử thù của chúng nó; chúng nó công kích, xuyên tạc biện chứng pháp ; chúng nó bám lấy siêu hình học. Nhiều nhà khoa học trứ danh lẽ ra rất dễ tán thành biện chứng pháp nhưng lại tán thành siêu hình học. Chúng ta không lấy gì làm lạ, chúng ta chỉ lấy làm lạ khi mà bằng một cách siêu hình, chúng ta tách rời nhà khoa học ra khỏi thời đại và giai cấp của họ. Ngược lại, nếu bằng một cách biện chứng, chúng ta xem cuộc tranh đấu giữa siêu hình và biện chứng, như là một trạng thái, một phương diện đấu tranh giữa phản động và tiến bộ, bên này là vô sản và nhân dân, bên kia là đế quốc và độc quyền tư bản, thì chúng ta sẽ đồng ý với Vavilôp (chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) rằng :

Những điều ấy chỉ có thể biểu hiện cái chân lý hiển nhiên này : các người lao động về khoa học, kể cả những người thiên tài nhất, những người vĩ đại nhất, là người của thời đại và giai cấp họ”.

Vậy thì biện chứng pháp duy vật chỉ có thể là vũ khí của các giai cấp cần lao tiến bộ mà thôi. Chỉ có các giai cấp này với các nhà khoa học của họ mới vận dụng được biện chứng pháp duy vật. Muốn thấm nhuần và vận dụng được biện chứng pháp không những phải học biện chứng pháp, mà trước hết là cần có lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, của nhân loại tiến bộ, bằng không thì chỉ có thể nhớ được những câu sáo, những danh từ mà thôi. Triết học của chúng ta không có tính chất bàng quan; thực chất của nó là cách mạng. Chúng ta không ngại kẻ thù học phương pháp biện chứng mà đương đầu càng đắc lực với ta, cũng như ta không sợ con khỉ lấy lửa rồi làm bếp ngon hơn người. Đồng thời chúng ta tâm niệm rằng nếu muốn thành công trong sự nghiên cứu biện chứng pháp thì sự nghiên cứu ấy phải đi đôi với nhiệm vụ tự xây dựng lập trường vô sản, đi đôi với sự phục vụ nhân dân, sự đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại cần lao, sự đấu tranh để cải tạo thiên nhiên.

 

VII. TÓM TẮT VÀ KẾT LUẬN

1. Xưa nay, suốt các giai đoạn lịch sử tư tưởng của nhân loại, các giai cấp tiến bộ đều dùng một vũ trụ quan duy vật để đấu tranh, để xây dựng. Vũ trụ quan duy vật là sự nhận định rằng vũ trụ là thực tại, vật chất và có thể biết được. Tùy trình độ phát triển của khoa học, duy vật luận mang những hình thức khác nhau. Duy vật luận mang những hình thức khác nhau. Duy vật luận thế kỷ 18 Au châu là rất tiến bộ so với thần học của mấy thế kỷ phong kiến mê muội; tuy nhiên trong căn bản của nó, duy vật luận ấy, kể cả duy vật luận của Phước-bách, mang nhiều khuyết điểm lớn : nó là cơ giới, siêu hình, bàng quan, không triệt để. 

Sở dĩ như thế là vì trình độ phát triển của khoa học chưa cung cấp được cho nó một tinh túy biện chứng; bản chất không triệt để của giai cấp tư sản ngay lúc tư sản hãy còn là cách mạng , cũng không cho phép duy vật luận của thế kỷ 18 có một tinh thần biện chứng thực sự.

2. Từ ngày có triết học thì đã có duy vật và duy tâm, có siêu hình và yếu tố biện chứng pháp. Đến Hê-gen thì biện chứng pháp được phát triển thành hệ thống sâu sắc, với một bản chất cách mạng. Nhưng biện chứng pháp của Hê-gen là biện chứng pháp duy tâm, không triệt để, gói trong một hình thức rườm rà tối nghĩa.

3. Mác và Angen thừa hưởng những di sản quý báu nhất của nhân loại, đặc biệt là duy vật luận trong Phước bách và biện chứng pháp trong Hê-gen, nghiêm chỉnh phê bình những học thuyết tiến bộ ấy, dựa vào những phát kiến mới của khoa học (tế bào, biến đổi của năng lượng, căn nguyên các giống loài v.v…) ứng đáp nhu cầu tranh đấu giai cấp của công nhân, sáng tạo ra biện chứng pháp duy vật của mình.

Triết học của Mác, Angen là một chất lượng triết học mới, một cuộc cách mạng trong tư tưởng nhân loại. Biện chứng pháp duy vật mang nặng cái tính chất cách mạng, triệt để cách mạng của giai cấp đã phát kiến ra nó : giai cấp công nhân.

4. Ta sẽ phạm một sai lầm căn bản nếu ta tưởng rằng biện chứng pháp chỉ là một lối biện luận, một cách chứng minh. Biện chứng pháp trước hết là một phương pháp tiên tiến để nghiên cứu, là khí cụ tinh xảo để phát kiến. Nó là linh hồn của các khoa học tự nhiên và xã hội. Sở dĩ như thế, vì theo Angen :

Biện chứng pháp là khoa học của những quy lật tổng quát của sự vận động”.

Chính vì biện chứng pháp là quy luật tổng quát của sự vận động trong vũ trụ, cho nên, biện chứng pháp cũng là phương pháp luận tổng quát của các khoa học. Người ta tư tưởng bằng khối óc; mà khối óc là sản phẩm của tự nhiên; cho nên, quy luật tổng quát của tự nhiên rốt cùng lại cũng là thống nhất với phương pháp của tư tưởng.

5. Biện chứng pháp gồm bốn quy luật căn bản: vạn vật tương quan, vạn vật biến chuyển, chất lượng phổ biến, mâu thuẫn thống nhất. Luật mâu thuẫn thống nhất là cái mấu chốt trong biện chứng pháp. Ngoài ra, còn phải kể đến những phạm trù của biện chứng pháp mà ta luôn luôn gặp phải trong sự nghiên cứu, trên đường nhận thức. So với luận lý học thì biện chứng pháp là một phương pháp tư tưởng cao đẳng gồm luận lý học là một phương pháp tư tưởng sơ đẳng. Không chỉ có nhà khoa học tự nhiên “ cần phải sớm hay muộn học biện chứng pháp “, mà mỗi nhà khoa học xã hội , mỗi người thường dân cần học biện chứng pháp ; bởi vì, xuất phát tự nhu cầu đấu tranh giải phóng của người lao động, nó là vũ khí sắc bén nhất cho mọi người chúng ta, trong phạm vi của mình, đóng góp đắc lực vào công nghiệp giải phóng chung, công nghiệp cải tạo thiên nhiên, xã hội và tư tưởng.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt