Chủ nghĩa Marx

Phân công lao động và máy móc

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG HAI

PHÉP SIÊU HÌNH

CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ

 

§II. PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG VÀ MÁY MÓC

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

Theo ông Pru-đông, phân công lao động mở ra chuỗi phát triển kinh tế.

Mặt tốt của phân công lao động.

 

 

"Xét về mặt thực chất của nó, phân công là phương thức thực hiện sự bình đẳng về những điều kiện và những năng lực của trí óc" (t. I, tr.93).

Mặt xấu của phân công lao động.

 

 

"Đối với chúng ta, phân công đã trở thành một nguồn gốc gây ra sự khốn cùng" (t. I, tr. 94).

 

 

                                   Lối nói khác

 

 

"Lao động, phân ra theo quy luật riêng của nó, mà quy luật ấy là điều kiện đầu tiên của sức sinh sản của nó, cuối cùng đi đến phủ định những mục đích của nó và tự nó thủ tiêu nó" (t. I, tr. 94).

Nhiệm vụ phải giải quyết.

 

 

Tìm ra "sự kết hợp mới để xoá bỏ những mặt có hại của phân công, mà vẫn giữ lại được tác dụng có ích của nó" (t.I, tr. 97).

 

Theo ông Pru-đông, phân công lao động là một quy luật vĩnh cửu, một phạm trù giản đơn và trừu tượng. Vậy, để giải thích sự phân công trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử, ông ta chỉ cần cái trừu tượng, ý niệm, câu chữ cũng đủ. Những tầng lớp, những phường hội, chế độ công trường thủ công, đại công nghiệp, đều phải được giải thích chỉ bằng mỗi một chữ: phân chia mà thôi. Trước hết anh hãy nghiên cứu kỹ ý nghĩa của chữ "phân chia", thế là anh sẽ không cần phải nghiên cứu vô số ảnh hưởng khiến cho phân công có một tính chất nhất định trong mỗi thời đại nữa.

Cố nhiên, quy sự vật thành những phạm trù của ông Pru-đông, tức là làm cho sự vật quá giản đơn. Lịch sử không diễn ra theo những phạm trù cứng nhắc như thế. Ở Đức, phải ba thế kỷ tròn mới thiết lập được sự phân công quy mô lớn lần thứ nhất, tức là sự tách rời thành thị khỏi nông thôn. Quan hệ duy nhất giữa thành thị và nông thôn ấy càng biến đổi, thì xã hội cũng biến đổi toàn bộ. Nếu chỉ xét mặt duy nhất ấy của phân công, anh sẽ có những nước cộng hoà cổ đại hay chế độ phong kiến theo đạo Cơ Đốc; nước Anh cũ với những công hầu của nó, hay nước Anh hiện đại với những ông vua ngành vải bông (cotton-lords) của nó. Trong thế kỷ XIV và XV, bấy giờ chưa có thuộc địa, châu Âu chưa biết có châu Mỹ, người ta chỉ biết châu Á thông qua Côn-xtan-ti-nô-plơ, Địa Trung Hải còn là trung tâm của hoạt động thương mại, thì phân công có một hình thức khác hẳn, một tính chất khác hẳn so với thế kỷ XVII, khi mà những người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, những người Anh, người Pháp có thuộc địa lập ra ở khắp nơi trên thế giới. Phạm vi của thị trường, bộ mặt của thị trường đã làm cho sự phân công ở những thời kỳ khác nhau có một bộ mặt, một tính chất, mà nếu chỉ từ mỗi một chữ "phân chia", từ ý niệm, từ phạm trù thì khó lòng mà suy ra được bộ mặt ấy, tính chất ấy.

Ông Pru-đông nói: "Tất cả các nhà kinh tế học, sau A-đam Xmít đều đã nêu lên mặt có ích mặt có hại của quy luật phân công, nhưng họ coi trọng mặt có ích nhiều hơn là mặt có hại, vì như thế phù hợp với tính lạc quan của họ hơn, không một ai trong bọn họ tự hỏi xem mặt có hại của một quy luật có thể là cái gì... Làm sao mà cùng một nguyên lý ấy, mà quán triệt một cách chặt chẽ trong những hậu quả của nó, lại đưa đến những kết quả hoàn toàn trái ngược được? Không một nhà kinh tế học nào, trước cũng như sau A-đam Xmít thấy được rằng ở chỗ ấy có một vấn đề phải làm cho sáng rõ. Xây đã từng đi đến chỗ thừa nhận rằng, trong phân công, chính nguyên nhân sinh ra mặt tốt lành cũng là nguyên nhân sinh ra mặt có hại".

A.Xmít đi xa hơn là ông Pru-đông tưởng. Ông ấy đã thấy rất rõ rằng, "trong thực tế, sự khác nhau về tài năng tự nhiên giữa những cá nhân với nhau ít hơn là chúng ta tưởng. Những năng khiếu rất khác nhau, hình như phân biệt những người làm những nghề khác nhau khi họ đã đến tuổi trưởng thành kỳ thực không phải là nguyên nhân mà là kết quả của phân công"(63). Theo nguyên lý thì một người bốc vác khác một nhà triết học ít hơn là một con chó giữ nhà khác với một con chó săn. Chính sự phân công đã đào ra cái vực thẳm giữa hai người. Tất cả cái đó không ngăn cản ông Pru-đông nói ở một chỗ khác rằng, A-đam Xmít thậm chí không hề nghĩ rằng sự phân công lại có thể sinh ra những điều có hại được. Cũng chính vì vậy mà ông ta còn nói rằng Gi. B.Xây là người đầu tiên đã thừa nhận rằng "trong phân công, chính nguyên nhân sinh ra mặt tốt lành cũng là nguyên nhân sinh ra mặt có hại".

Nhưng chúng ta hãy nghe Lơ-mông-tây nói; suum cuique1*.

"Tôi đã có vinh dự được ông Gi. B. Xây chấp nhận, trong quyển sách ưu tú của ông ấy về khoa kinh tế chính trị, nguyên lý tôi đã làm sáng tỏ trong đoạn nói về ảnh hưởng tinh thần của phân công. Rõ ràng là cái đầu đề chưa được ổn lắm của quyển sách của tôi(64) đã khiến ông ta không nói đến tên tôi. Chỉ lấy lý do ấy tôi mới có thể giải thích được sự im lặng của một nhà văn có những tư tưởng riêng quá phong phú để phủ nhận một việc trích dẫn nhỏ nhặt đến như thế" (Lơ-mông-tây. Toàn tập, tập I, tr. 245, Pa-ri, 1840).

Chúng ta phải công nhận cho ông ta mặt đúng này: Lơ-mông-tây đã trình bày một cách rất tế nhị những kết quả tai hại của sự phân công như tình hình tổ chức phân công hiện thời, và ông Pru-đông không thấy có gì phải thêm vào đó nữa. Nhưng vì, do lỗi của ông Pru-đông, chúng tôi đã bị lôi cuốn một lần vào trong cái vấn đề ai trước ai, nên tiện đây chúng ta hãy nói thêm rằng: trước ông Lơ-mông-tây rất lâu, và mười bảy năm trước A-đam Xmít, ông thầy của A-đam Xmít là A. Phéc-guy-xơn đã trình bày vấn đề này một cách rõ ràng trong một chương chuyên bàn về sự phân công lao động.

"Thậm chí cũng có thể ngờ vực, không biết là năng lực chung của một nước có tăng lên cùng một tỷ lệ với sự tiến bộ của kỹ thuật hay không. Nhiều kỹ thuật máy móc... đã thành công một cách mỹ mãn, mặc dầu những kỹ thuật ấy hoàn toàn không được sự giúp đỡ của lý tính và tình cảm, và sự dốt nát là mẹ của công nghiệp cũng như nó là mẹ của mê tín vậy. Sự suy nghĩ và sự tưởng tượng có thể bị lầm lạc; nhưng thói quen cử động bàn chân hay bàn tay không tuỳ thuộc vào sự suy nghĩ và sự tưởng tượng. Cho nên, người ta có thể nói rằng sự hoàn hảo, đối với công trường thủ công, là ở chỗ có thể không cần đến trí óc khiến cho không cần phải cố gắng suy nghĩ mà công xưởng vẫn có thể được coi như là một cái máy mà các bộ phận của máy này là những con người... Viên tướng có thể rất thành thạo trong nghệ thuật chiến tranh, còn tất cả nghĩa vụ của người lính chỉ giới hạn ở chỗ làm một vài cử động chân hay cử động tay. Cái mà người lính bị thiệt thì viên tư lệnh lại thu được. Trong một thời kỳ mà cái gì cũng bị chia tách thì bản thân nghệ thuật tư duy cũng có thể làm thành một nghề riêng biệt" (A. Phéc-guy-xơn. "Thử bàn về lịch sử xã hội công dân". Pa-ri, 1783(65)).

Để kết thúc đoạn văn này, chúng tôi phủ nhận một cách dứt khoát rằng "tất  cả các nhà kinh tế học đã nhấn mạnh những mặt có ích nhiều hơn là những mặt có hại của phân công lao động". Chỉ cần nêu tên Xi-xmôn-đi cũng đủ.

Do đó, về những mặt có ích của phân công, thì ông Pru-đông không làm cái gì khác ngoài việc nói dông dài một cách ít nhiều cầu kỳ những câu chung chung mà ai cũng biết rồi.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem ông ta đã xuất phát từ sự phân công được coi là quy luật chung, là phạm trù, là tư tưởng, để suy ra những mặt có hại gắn liền với sự phân công như thế nào. Làm sao mà phạm trù ấy, quy luật ấy lại bao hàm một sự phân phối không bình đẳng về lao động, trái với học thuyết bình quân chủ nghĩa của ông Pru-đông?

"Trong giờ phút long trọng này của sự phân công, cơn gió bão đã bắt đầu thổi vào nhân loại. Sự tiến bộ không thực hiện một cách đồng đều và giống nhau đối với tất cả mọi người nữa... nó bắt đầu bằng cách chiếm lấy một số ít những người hưởng đặc quyền đặc lợi... Chính sự thiên vị ấy của sự tiến bộ đối với một số người  nhất định đã làm cho người ta tin rất lâu vào sự không bình đẳng tự nhiên, theo mệnh trời, của những điều kiện sinh hoạt và đã sinh ra các đẳng cấp và tổ chức tất cả các xã hội theo chế độ đẳng cấp" (Pru-đông, t. I, tr.94).

Phân công lao động đã tạo ra các đẳng cấp. Thế nhưng, những đẳng cấp là những mặt có hại của phân công; vậy chính phân công đã sản sinh ra các mặt có hại. Quod erat demonstrandum1*. Nếu người ta còn muốn đi xa hơn nữa và hỏi rằng cái gì đã làm cho phân công tạo ra các đẳng cấp, chế độ đẳng cấp và những đặc quyền đặc lợi thì ông Pru-đông sẽ trả lời: sự tiến bộ. Và cái gì đã làm ra sự tiến bộ? Sự hạn chế. Sự hạn chế theo ông Pru-đông, chính là sự thiên vị của sự tiến bộ đối với một số người nhất định.

Sau triết học thì đến lịch sử. Không còn phải là lịch sử miêu tả, cũng không phải là lịch sử biện chứng nữa, mà là lịch sử so sánh. Ông Pru-đông đối chiếu so sánh giữa người công nhân nhà in hiện thời và người công nhân nhà in của thời trung cổ; giữa người công nhân của những nhà máy luyện kim lớn ở Crơ-dô và người thợ rèn ở nông thôn; giữa nhà văn ngày nay và nhà văn thời trung cổ, và ông ta làm cho cán cân nghiêng về phía những người ít nhiều đại biểu cho sự phân công mà thời trung cổ đã tạo ra hay truyền lại. Ông ta đối lập phân công của một thời đại lịch sử này với phân công của một thời đại lịch sử khác. Phải chăng đó là điều mà ông Pru-đông phải chứng minh? Không phải thế. Ông ta phải vạch cho chúng ta thấy những mặt có hại của phân công nói chung, của phân công với tư cách là phạm trù. Vả lại, cần gì phải nói nhiều về phần này của tác phẩm của ông Pru-đông, bởi vì, chúng ta sẽ thấy sau đó một chút, ông ta đã tự mình thủ tiêu một cách rõ ràng tất cả những cái gọi là phát triển lý luận ấy?

"Kết quả thứ nhất của lao động phân tán" - ông Pru-đông tiếp tục - "sau sự đồi trụy của linh hồn, là sự kéo dài ngày lao động, ngày lao động tăng lên theo tỷ lệ nghịch với tổng số năng lực trí tuệ bị tiêu hao... Nhưng vì thời gian lao động không thể vượt quá mười sáu hay mười tám giờ mỗi ngày, vì không thể lấy trong thời gian một khoản bù thêm nào nữa, cho nên người ta sẽ lấy khoản bù thêm này ở trong giá cả, và tiền công sẽ giảm xuống... Điều chắc chắn và là điều duy nhất mà chúng ta phải ghi nhớ, đó là lương tâm phổ biến không coi lao động của một người đốc công và của một lao công là như nhau. Vì thế có sự cần thiết phải giảm giá cả của ngày lao động, thành thử người lao động, sau khi đã bị tổn thương về tinh thần vì phải nhận một vai trò thấp kém, còn bị tổn thương về thân thể vì phải nhận một món thù lao nhỏ mọn".

Chúng tôi không chú ý đến giá trị lô-gích của những tam đoạn luận ấy, mà Can-tơ sẽ gọi là những ngộ biện.

Sau đây là nội dung của nó:

Phân công lao động dồn công nhân xuống vai trò thấp kém; tương ứng với vai trò thấp kém ấy là tâm hồn đồi trụy; thích hợp với sự đồi trụy của tâm hồn là việc tiền công không ngừng giảm bớt. Và để chứng minh rằng việc giảm bớt tiền công ấy là hoàn toàn thích hợp với một tâm hồn đồi trụy, ông Pru-đông nói - để lương tâm được thanh thản - rằng chính là lương tâm phổ biến đã muốn như vậy đó. Tâm hồn của ông Pru-đông có được tính vào trong lương tâm phổ biến hay không?

Theo ông Pru-đông, máy móc là "phản đề lô-gích của sự phân công" và, để chứng minh cho phép biện chứng của mình, ông ta bắt đầu bằng việc biến máy móc thành công xưởng.

Sau khi đã giả định công xưởng hiện đại, để chứng minh sự phân công đưa đến sự khốn cùng, ông Pru-đông giả định rằng sự khốn cùng là do phân công sản sinh ra, để rồi đi đến công xưởng và để có thể coi công xưởng như là phủ định biện chứng của sự khốn cùng ấy. Sau khi đã làm cho người lao động bị tổn thương về tinh thần vì phải nhận một vai trò thấp kém, bị tổn thương về thân thể vì phải nhận một món thù lao nhỏ mọn; sau khi đã đặt công nhân vào cương vị phụ thuộc vào người đốc công và hạ lao động của anh ta xuống trình độ công việc của một lao công, ông ta lại đổ lỗi cho công xưởng và máy móc là đã hạ phẩm giá người lao động "bằng cách cho anh ta một người chủ", và ông ta hoàn thành việc hạ thấp phẩm giá của người lao động bằng cách làm cho anh ta "từ địa vị người thợ thủ công hạ xuống địa vị người lao công". Phép biện chứng tuyệt diệu thay! Và nếu ông ta ngừng lại ở đó thì còn khá; nhưng không, ông ta cần có một lịch sử mới của sự phân công, không phải là để xuất phát từ đó mà suy ra những mâu thuẫn nữa, mà là để xây dựng lại công xưởng theo cái lối của ông ta. Để đạt được mục đích ấy, ông ta cần quên hết những điều mà ông ta vừa nói về sự phân công.

Lao động được tổ chức, được phân công một cách khác nhau tùy theo những công cụ mà lao động sử dụng. Cái cối xay chạy bằng tay giả định một sự phân công khác với cái cối xay chạy bằng hơi nước. Vậy, nếu muốn bắt đầu bằng sự phân công nói chung, để rồi sau đó đi đến một công cụ sản xuất riêng biệt là máy móc, thì tức là chống lại lịch sử.

Máy móc không phải là một phạm trù kinh tế, cũng như con bò kéo cày không phải là một phạm trù kinh tế. Máy móc chỉ là một lực lượng sản xuất mà thôi. Công xưởng hiện đại, dựa trên việc sử dụng máy móc, là một quan hệ sản xuất của xã hội, một phạm trù kinh tế.

Bây giờ chúng ta hãy xem sự thể diễn ra trong trí tưởng tượng tuyệt vời của ông Pru-đông như thế nào.

"Trong xã hội, việc máy móc không ngừng xuất hiện ngày càng mới là phản đề, lại là công thức đảo ngược của phân công lao động; đó là sự phản đối của thiên tài công nghiệp chống lại lao động phân tán và giết người. Thật vậy, thế nào là một cái máy? Đó là một phương pháp kết hợp những bộ phận nhỏ khác nhau của lao động, những bộ phận mà phân công đã phân chia ra. Bất cứ cái máy nào cũng có thể coi là một sự kết hợp nhiều thao tác khác nhau... Vậy thì, thông qua máy móc, sẽ có sự khôi phục người lao động... Trong khoa kinh tế chính trị, máy móc đối lập với phân công, máy móc là tổng hợp, mà tổng hợp thì đối lập với phân tích trong trí óc của con người... Phân công chỉ phân chia những bộ phận khác nhau của lao động, nó để cho mỗi người làm việc theo ngành chuyên môn thích hợp với mình nhất; công xưởng tập hợp những người lao động, căn cứ vào quan hệ giữa mỗi bộ phận với toàn thể... nó đưa nguyên lý uy quyền vào trong lao động... Nhưng chưa hết: máy móc hay công xưởng sau khi đã hạ phẩm giá người lao động bằng cách cho anh ta một người chủ, thì hoàn thành việc hạ thấp phẩm giá của anh ta bằng cách làm cho anh ta từ địa vị người thợ thủ công hạ xuống người lao công... Thời đại mà chúng ta hiện đang trải qua, thời đại của máy móc, khác với các thời đại khác ở chỗ nó có một tính chất đặc biệt, đó là lao động làm thuê. Lao động làm thuê xuất hiện sau phân công và trao đổi.

Xin có một nhận xét giản đơn với ông Pru-đông. Việc phân chia những bộ phận khác nhau của lao động, - tạo cho mỗi người làm việc theo ngành chuyên môn thích hợp với mình nhất, - việc phân chia mà ông Pru-đông cho là có từ khi khai thiên lập địa rồi, thật ra chỉ tồn tại trong công nghiệp hiện đại, dưới chế độ cạnh tranh, mà thôi.

Sau đó, ông Pru-đông đưa ra cho chúng ta một "phổ hệ" rất mực "thú vị", để chứng minh công xưởng đã do phân công sản sinh ra như thế nào, và lao động làm thuê đã do công xưởng sản sinh ra như thế nào.

1) Ông ta giả định có một người đã "nhận xét rằng bằng cách phân chia sản xuất thành những bộ phận khác nhau của nó, và giao mỗi bộ phận cho từng người công nhân làm", thì người ta sẽ tăng lực lượng sản xuất lên nhiều.

2) Người ấy, "đi theo dòng tư tưởng ấy, tự bảo rằng: bằng cách lập ra một nhóm thường trực những người lao động được chọn lựa vì mục đích đặc biệt mà anh ta tự đề ra, anh ta sẽ có được một quá trình sản xuất liên tục hơn, v.v.".

3) Người ấy nêu ra một đề nghị với những người khác, để làm cho họ nắm được tư tưởng của anh ta và theo dõi dòng tư tưởng của anh ta.

4) Người ấy, trong thời kỳ đầu của công nghiệp, lấy thái độ bình đẳng để đối xử với những người đồng nghiệp của anh ta sau này trở thành những công nhân của anh ta.

5) "Quả vậy, cũng dễ thấy rằng sự bình đẳng nguyên thuỷ ấy đã phải biến mất một cách nhanh chóng do địa vị có lợi của người chủ và địa vị phụ thuộc của người làm thuê".

Đó còn là một kiểu mẫu của phương pháp lịch sử và miêu tả của ông Pru-đông.

Bây giờ chúng ta hãy xét, trên quan điểm lịch sử và kinh tế, xem có thật là công xưởng và máy móc đã đưa nguyên lý uy quyền vào trong xã hội sau khi phân công xuất hiện hay không; có phải là một mặt thì người công nhân được khôi phục lại địa vị, trong khi, mặt khác, anh ta vẫn rơi vào địa vị bị phụ thuộc vào uy quyền hay không; cuối cùng, có phải máy móc là sự kết hợp lại lao động đã bị phân chia ra, là sự tổng hợp lao động đối lập với sự phân tích lao động hay không.

Toàn bộ xã hội có điểm này giống với nội bộ một công xưởng, tức là bản thân xã hội cũng  có phân công của nó. Nếu người ta lấy phân công trong một công xưởng hiện đại làm kiểu mẫu, để ứng dụng nó vào trong toàn bộ một xã hội, thì xã hội được tổ chức tốt nhất cho việc sản xuất ra của cải nhất định sẽ là xã hội chỉ có một chủ xí nghiệp duy nhất làm thủ trưởng, phân phối công việc theo một quy tắc định trước cho những thành viên khác nhau của xã hội. Nhưng trên thực tế, hoàn toàn không phải như vậy. Trong khi trong nội bộ công xưởng hiện đại sự phân công được điều tiết một cách tỉ mỉ bởi uy quyền của người chủ xí nghiệp, thì xã hội hiện đại không có quy tắc nào khác, uy quyền nào khác để phân phối lao động, ngoài tự do cạnh tranh cả.

Dưới chế độ gia trưởng, dưới chế độ đẳng cấp, dưới chế độ phong kiến và phường hội, đã có phân công trong toàn bộ xã hội theo những quy tắc nhất định. Phải chăng những quy tắc ấy do một nhà lập pháp nào đó định ra? Không phải thế. Lúc đầu những quy tắc ấy do những điều kiện của sản xuất vật chất sản sinh ra, mãi về sau chúng mới được đưa lên thành pháp luật. Chính vì thế mà những hình thức khác nhau ấy của phân công đã trở thành bấy nhiêu cơ sở tổ chức xã hội. Còn về phân công trong công xưởng thì nó rất ít được phát triển trong tất cả những hình thái ấy của xã hội.

Thậm chí người ta cũng có thể nêu lên thành quy tắc chung rằng, uy quyền càng ít chỉ đạo sự phân công trong nội bộ xã hội bao nhiêu, thì phân công càng phát triển trong nội bộ công xưởng bấy nhiêu và ở đó, sự phân công càng bị lệ thuộc vào uy quyền của một người độc nhất bấy nhiêu. Như vậy, về mặt phân công thì uy quyền trong công xưởng và uy quyền trong xã hội tỷ lệ nghịch với nhau.

Bây giờ cần phải hiểu thế nào là công xưởng, trong đó những công việc được chia ra rành rọt, ở đó nhiệm vụ của mỗi người công nhân quy lại thành một thao tác rất giản đơn, và ở đó uy quyền, tức là tư bản, tập hợp và điều khiển mọi việc. Công xưởng ấy đã sinh ra như thế nào? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta còn phải nghiên cứu xem công nghiệp công trường thủ công chính cống đã phát triển như thế nào. Tôi muốn nói đến loại công nghiệp chưa phải là công nghiệp hiện đại với những máy móc của nó, nhưng không còn là công nghiệp của thợ thủ công thời trung cổ nữa, cũng không còn là công nghiệp gia đình nữa. Chúng tôi sẽ không đi vào những điểm quá chi tiết, chúng tôi chỉ trình bày một vài điểm vắn tắt, để nói lên rằng với những công thức, người ta không thể nào tạo nên lịch sử.

Một trong những điều kiện cần thiết nhất cho công nghiệp công trường thủ công hình thành là tích lũy tư bản; tích lũy tư bản được thúc đẩy mạnh hơn nhờ việc tìm ra châu Mỹ và việc du nhập những kim loại quý của châu Mỹ.

Một điều rõ ràng là việc tăng thêm những phương tiện trao đổi đưa đến kết quả là, một mặt, tiền công và địa tô hạ xuống, và mặt khác, lợi nhuận công nghiệp tăng lên. Nói cách khác: giai cấp địa chủ và giai cấp người lao động, bọn chúa phong kiến và nhân dân càng sa sút, thì giai cấp những nhà tư bản, giai cấp tư sản càng nhoi lên.

Còn có những hoàn cảnh khác cũng đồng thời giúp cho công nghiệp công trường thủ công phát triển: sự tăng thêm số lượng hàng hoá lưu thông từ khi thương mại xâm nhập vào miền Đông Ấn bằng đường biển qua mũi Hảo Vọng, hệ thống thuộc địa, sự phát triển thương mại đường biển.

Một điểm khác mà trước đây người ta chưa đánh giá đầy đủ trong lịch sử của công nghiệp công trường thủ công, đó là việc giải tán những đoàn tuỳ tùng đông đảo của bọn chúa phong kiến, những bộ hạ của bọn tuỳ tùng ấy trở thành những kẻ lang bạt trước khi vào công xưởng. Trước khi sáng lập ra công xưởng công trường thủ công, người ta thấy một hiện tượng lang bạt, gần như phổ biến vào các thế kỷ XV và XVI. Công xưởng còn có một chỗ dựa mạnh mẽ trong những người nông dân đông đảo liên tiếp bị đuổi ra khỏi nông thôn, do việc biến đồng ruộng thành đồng cỏ và do chỗ nông nghiệp đòi hỏi ít cánh tay để cày ruộng hơn trước kia, họ đã ùn về các thành thị ròng rã trong mấy thế kỷ.

Sự mở rộng thị trường, tích luỹ tư bản, những biến đổi xảy ra trong địa vị xã hội của các giai cấp, việc nhiều người mất đi các nguồn thu nhập của họ, đó là bấy nhiêu điều kiện lịch sử để cho công trường thủ công hình thành. Không phải, như ông Pru-đông nói, là những sự đồng ý ổn thỏa giữa những người bình đẳng đã tập hợp người ta vào trong công xưởng. Cũng không phải là công trường thủ công đã sinh ra từ trong lòng những phường hội cũ. Chính thương nhân chứ không phải người thợ cả cũ của các phường hội đã trở thành người chủ công xưởng hiện đại. Một cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra giữa công trường thủ công và thủ công nghiệp ở hầu khắp mọi nơi.

Sự tích lũy và tập trung công cụ sản xuất và người lao động xuất hiện trước khi sự phân công trong nội bộ công xưởng phát triển. Đặc điểm của công trường thủ công là sự tập hợp nhiều người lao động và nhiều nghề thủ công vào một nơi duy nhất, trong một gian xưởng, dưới quyền chỉ huy của một tư bản, chứ không phải là sự phân tách các công việc và sự thích nghi của từng công nhân chuyên ngành với những thao tác rất giản đơn.

Ích lợi của một công xưởng là ở chỗ có hoàn cảnh để người ta làm việc với một quy mô lớn hơn, người ta giảm bớt được nhiều chi phí gián tiếp hơn, v.v., hơn là ở chỗ có phân công thực sự. Cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, công trường thủ công ở Hà Lan chỉ mới biết đến sự phân công mà thôi.

Sự phát triển của phân công lao động đòi hỏi trước đó phải có sự tập hợp những người lao động vào trong một công xưởng. Thậm chí không có một thí dụ nào, trong thế kỷ XVI cũng như trong thế kỷ XVII, chứng tỏ rằng các ngành khác nhau của cùng một nghề thủ công đã được phát triển, đến nỗi chỉ cần tập hợp chúng lại vào một nơi duy nhất là có thể thành công xưởng hoàn chỉnh. Nhưng một khi người và công cụ sản xuất đã tập hợp lại rồi, thì sự phân công như nó đã tồn tại dưới hình thức trong thời kỳ phường hội, lại hình thành trở lại, lại được phản ánh một cách tất nhiên trong công xưởng.

Theo ông Pru-đông - nếu quả thật là ông ta có nhìn thấy sự vật thì ông ta cũng chỉ nhìn thấy sự vật đảo ngược lại, - sự phân công, theo quan niệm của A-đam Xmít, có trước công xưởng, kỳ thực công xưởng là một điều kiện tồn tại của phân công.

Máy móc thật sự chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Không có gì vô lý bằng việc coi máy móc là phản đề của phân công, là sự tổng hợp khôi phục lại sự thống nhất trong lao động đã bị phân nhỏ.

Máy móc là một sự tập hợp công cụ lao động, chứ quyết không phải là một sự kết hợp những thao tác cho bản thân người công nhân.

"Khi mà do sự phân công, mỗi thao tác riêng biệt được quy lại thành việc sử dụng một công cụ giản đơn, thì sự tập hợp tất cả những công cụ ấy, do một động cơ duy nhất chuyển động, cấu thành một cái máy" (Báp-bít-giơ. "Luận văn về bản chất kinh tế của máy móc", v.v., Pa-ri, 1883(66)).

Công cụ giản đơn, tích lũy công cụ, công cụ phức hợp, việc khởi động một công cụ phức hợp bằng một động cơ thủ công duy nhất, bằng con người, việc khởi động những công cụ ấy bằng các lực lượng tự nhiên; máy móc; hệ thống các máy móc có một động cơ; hệ thống máy móc có một động cơ tự động, - đó là tiến trình phát triển của máy móc.

Việc tập trung các công cụ sản xuất và sự phân công gắn liền với nhau, cũng giống như, trong lĩnh vực chính trị, việc tập trung chính quyền gắn liền với sự phân chia những quyền lợi tư nhân. Nước Anh, với sự tập trung ruộng đất, tập trung những công cụ của lao động nông nghiệp, cũng có phân công trong nông nghiệp, và máy móc áp dụng vào việc canh tác ruộng đất. Ở nước Pháp có tình trạng công cụ bị phân tán và chế độ sở hữu ruộng đất manh mún, nói chung nước Pháp không có phân công nông nghiệp, mà cũng không có việc áp dụng máy móc để canh tác ruộng đất.

Theo ông Pru-đông, sự tập trung công cụ lao động là sự phủ định phân công. Trong thực tế, chúng ta lại thấy trái lại. Công cụ càng tập trung thì phân công càng phát triển và vice versa1*. Chính vì thế mà bất cứ một phát minh lớn nào về máy móc cũng đều đưa đến một sự phân công lớn hơn, và đến lượt nó, mỗi lần phân công tăng lên lại đưa đến những phát minh mới về máy móc.

Chúng ta không cần nhắc lại rằng những bước tiến lớn của sự phân công ở nước Anh đều bắt đầu sau khi phát minh ra máy móc. Chẳng hạn, phần lớn những người dệt vải và những người kéo sợi là những người nông dân như người ta còn thấy cho tới nay trong những nước lạc hậu. Việc phát minh ra máy móc đã làm cho công trường thủ công tách rời hẳn ra khỏi nông nghiệp.

Người dệt vải và người kéo sợi, trước đây tụ họp trong cùng một gia đình, nay bị máy móc tách rời ra. Nhờ có máy móc mà giờ đây người kéo sợi có thể sống ở nước Anh trong khi người dệt vải sống ở xứ Đông Ấn. Trước khi phát minh ra máy móc, công nghiệp của một nước chủ yếu là chế biến những nguyên liệu là sản phẩm của đất nước mình. Chẳng hạn như len ở Anh, lanh ở Đức, tơ và lanh ở Pháp, bông ở xứ Đông Ấn và Cận Đông, v.v.. Nhờ áp dụng máy móc và hơi nước, phân công đã có thể phát triển đến mức độ mà đại công nghiệp, tách rời khỏi nước nhà, chỉ còn tuỳ thuộc vào thị trường thế giới, vào những trao đổi quốc tế, vào một sự phân công quốc tế nữa mà thôi. Cuối cùng, máy móc ảnh hưởng đến sự phân công, đến nỗi một khi trong việc sản xuất một vật phẩm nào đó nếu người ta có thể dùng máy móc để chế tạo ra các chi tiết của vật phẩm đó, thì lập tức việc sản xuất ấy tách ra thành hai ngành độc lập với nhau.

Có cần phải nói đến mục đích theo mệnh trời và bác ái mà ông Pru-đông phát hiện ra ở trong việc phát minh ra máy móc và trong việc áp dụng máy móc lúc đầu hay không?

Ở nước Anh, khi thương mại đã phát triển đến mức độ là lao động thủ công không còn đáp ứng đủ cho lượng cầu trên thị trường nữa, thì người ta cảm thấy cần phải có máy móc. Lúc bấy giờ người ta nghĩ đến việc áp dụng khoa học cơ khí đã hình thành đầy đủ trong thế kỷ XVIII rồi.

Công xưởng tự động đánh dấu bước đầu của nó bằng những hành vi không bác ái một chút nào. Các trẻ em bị giữ lại làm việc bằng roi vọt; người ta coi chúng là một đối tượng trao đổi, và người ta ký những hợp đồng với các trại trẻ mồ côi. Người ta bỏ hết những đạo luật về việc học nghề của công nhân, bởi vì, theo lối nói của ông Pru-đông, người ta không cần đến những công nhân tổng hợp nữa. Cuối cùng, từ 1825 về sau, hầu hết những phát minh mới đều là kết quả của những vụ xung đột giữa công nhân và chủ xí nghiệp, chủ xí nghiệp tìm đủ mọi cách làm giảm giá đào tạo chuyên môn của công nhân. Cứ sau mỗi lần bãi công mới ít nhiều quan trọng, thì lại xuất hiện một cái máy mới. Người công nhân không cho rằng việc áp dụng máy móc là một thứ khôi phục địa vị, một thứ khôi phục, như ông Pru-đông nói, nên trong thế kỷ XVIII, trong một thời gian khá lâu, họ đã kháng cự lại sự thống trị mới xác lập của thiết bị tự động.

Tiến sĩ I-u-rơ nói: "Oai-ét đã phát hiện ra những ngón tay kéo sợi (loạt các trục có đường rãnh) trước Ác-crai-tơ lâu... Khó khăn chủ yếu không phải là ở chỗ phát minh ra một thiết bị cơ khí tự động... Khó khăn chủ yếu là ở chỗ giáo dục kỷ luật cần thiết để làm cho người ta bỏ được những thói quen vô tổ chức trong lao động của họ, và để làm cho họ làm việc ăn khớp với nhịp điệu đều đặn không thay đổi của một máy tự động lớn. Nhưng, phát minh ra và cho lưu hành một bộ luật về kỷ luật công xưởng, thích hợp với những nhu cầu và tốc độ của hệ thống tự động, đó là một sự nghiệp xứng đáng với Héc-quyn, đó là công việc cao quý của Ác-crai-tơ".

Tóm lại, với việc sử dụng máy móc, phân công lao động trong xã hội đã tăng lên, công việc của người công nhân trong nội bộ công xưởng đã trở thành giản đơn hơn, tích tụ tư bản tăng lên, con người càng bị phân chia hơn.

Ông Pru-đông muốn làm nhà kinh tế học tạm thời gác lại sự "phát triển trong cái chuỗi của lý tính" chăng, thế là ông ta đi lấy nguồn học thức của mình ở A.Xmít, vào một thời kỳ mà công xưởng tự động chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Giữa phân công của thời đại A-đam Xmít và phân công như ta thấy trong công xưởng tự động hiện thời, có sự khác nhau thật sự rất xa ! Để làm cho người ta hiểu rõ sự khác nhau ấy, chỉ cần trích dẫn vài đoạn của "Triết học về công trường thủ công", của tiến sĩ I-u-rơ cũng đủ.

"Khi A. Xmít viết tác phẩm bất hủ của ông ta về những nguyên lý cơ bản của khoa kinh tế chính trị, thì hệ thống tự động trong công nghiệp hầu như chưa được người ta biết đến. Ông ta thấy một cách rất tự nhiên rằng phân công là nguyên lý lớn của sự cải tiến trong công trường thủ công. Ông ta đã chứng minh rằng, trong nghề chế tạo kim băng, một công nhân ngày càng thành thạo do chuyên làm một thao tác duy nhất và nhất định sẽ làm việc nhanh hơn và tiền công rẻ hơn. Trong mỗi ngành công trường thủ công, ông ta thấy rằng căn cứ vào nguyên lý ấy thì một số thao tác nào đó, như cắt dây đồng thành những đoạn bằng nhau, sẽ là một công việc rất dễ dàng; còn một số thao tác khác như khâu gia công thêm và nối đầu kim thì tương đối khó hơn; vì thế ông ta kết luận rằng, đương nhiên người ta có thể làm cho một người công nhân thích ứng với mỗi thao tác ấy, tiền công của người công nhân này sẽ phù hợp với tài nghệ của anh ta. Chính sự thích ứng ấy là thực chất của phân công. Thế nhưng, điều mà thời tiến sĩ Xmít có thể dùng làm thí dụ có ích thì ngày nay chỉ có thể làm cho công chúng hiểu lầm đối với nguyên lý thực tế của công nghiệp công xưởng mà thôi. Quả vậy, phân công hay nói cho đúng hơn, việc làm cho các công việc thích nghi với những năng lực cá nhân khác nhau không hề nằm trong kế hoạch hoạt động của công xưởng tự động; trái lại, ở bất cứ chỗ nào mà quá trình thao tác đòi hỏi phải có một sự thành thạo và một sự chính xác cao độ, thì người ta lại không trao quá trình thao tác đó cho người công nhân quá thành thạo và thường có xu hướng không theo đúng quy tắc về nhiều mặt, mà trao cho một thiết bị máy móc đặc biệt làm thay, động tác tự động của thiết bị này rất đều đặn nhịp nhàng đến nỗi một em bé cũng có thể coi máy được.

Vậy nguyên lý của hệ thống tự động là thay thế kỹ thuật cơ khí vào lao động thủ công và lấy việc phân tích một quá trình thao tác thành những bộ phận cấu thành của nó để thay thế sự phân công giữa những người thợ thủ công với nhau. Theo chế độ lao động thủ công thì nhân công thường thường là yếu tố đắt tiền nhất của một sản phẩm nào đó, nhưng theo chế độ tự động thì những tài nghệ của người thợ thủ công được thay thế dần dần bằng những người coi máy tầm thường.

Bản tính của con người yếu đuối đến nỗi người công nhân càng thành thạo thì càng tự tiện và càng cố chấp, và do đó càng ít thích hợp với một hệ thống máy móc, vì những động tác tùy tiện của anh ta có thể gây thiệt hại lớn cho toàn bộ hệ thống. Vậy, mục tiêu lớn nhất của người chủ công xưởng hiện đại là, bằng cách kết hợp khoa học với những tư bản của anh ta, hạ thấp công việc của những người công nhân của anh ta thành việc chỉ sử dụng sự chú ý và sự khéo léo của họ - những năng lực đó được rèn luyện trong thời niên thiếu của họ, khi chúng được tập trung vào một đối tượng duy nhất.

Căn cứ vào chế độ cấp bậc công tác thì người công nhân phải tập sự trong nhiều năm trước khi con mắt và bàn tay của anh ta trở nên khéo léo để có thể làm được một số thao tác cơ giới đặc biệt khó khăn nào đó mà thôi. Nhưng theo hệ thống phân tích một quá trình thao tác thành những bộ phận cấu thành của nó, và đem tất cả các phần việc giao cho một cái máy tự động làm, thì người ta có thể giao những phần việc cơ bản ấy cho một người chỉ có năng lực bình thường, sau khi người ấy được thử thách trong một thời gian ngắn, cũng đủ. Trong trường hợp khẩn cấp, người ta cũng có thể chuyển người ấy từ chỗ đứng máy này sang đứng máy khác, tuỳ theo ý muốn của người chủ xí nghiệp. Những việc chuyển qua chuyển lại như thế rõ ràng là trái ngược với lề lối cũ, lề lối cũ chia nhỏ lao động và trao cho một công nhân nhiệm vụ chỉ làm một cái đầu kim băng, trao cho một công nhân khác nhiệm vụ mài nhọn mũi kim, những công việc đơn điệu và buồn tẻ, làm cho người công nhân đần độn... Thế nhưng, căn cứ vào nguyên lý bình quân hoá, nghĩa là căn cứ vào hệ thống tự động, thì những năng khiếu của công nhân chỉ được sử dụng vào một công việc dễ chịu," v.v.."... Vì nhiệm vụ của công nhân là trông coi công việc của một thiết bị máy móc chạy đều đặn và nhịp nhàng, nên anh có thể học việc ấy trong một thời gian ngắn; và khi anh ta chuyển từ máy này sang máy khác, thì nội dung công việc của anh ta phong phú lên, anh hiểu biết được nhiều hơn bằng cách suy nghĩ về những sự kết hợp chung trong công việc của anh và công việc của các đồng sự của anh. Như vậy, sự gò bó năng khiếu ấy, sự hạn chế hiểu biết ấy, tình trạng khó phát triển của thân thể ấy đã được coi như là kết quả của phân công, mà như vậy không phải là không có lý, - không còn có thể tồn tại được, trong những điều kiện bình thường, dưới chế độ phân phối bình đẳng về lao động.

Trên thực tế, mục đích thường xuyên và khuynh hướng của mọi sự cải tiến kỹ thuật cơ khí là bỏ được hoàn toàn lao động của con người hoặc giảm được giá lao động ấy, bằng cách lấy lao động của phụ nữ và trẻ em thay thế cho lao động của công nhân đàn ông, hay lấy lao động của người công nhân không được huấn luyện thay thế cho lao động của người công nhân thành thạo... Cái xu hướng chỉ dùng những trẻ em có con mắt tinh nhanh và những ngón tay mềm dẻo thay thế cho những công nhân lành nghề có kinh nghiệm chứng tỏ rằng cái nguyên lý giáo điều về sự phân công theo các trình độ thành thạo khác nhau về tay nghề của công nhân, cuối cùng đã bị các chủ công xưởng sáng suốt của chúng ta bác bỏ" (En-đriu I-u-rơ. "Triết học công xưởng, hay là Kinh tế công nghiệp", t. I, ch.I(67)).

Đặc điểm của phân công lao động trong nội bộ xã hội hiện đại là nó sản sinh ra những ngành chuyên môn và những nghề biệt lập và cùng với những cái đó là sự ngu dốt về nghề nghiệp.

Lơ-mông-tây nói: "Chúng ta hết sức ngạc nhiên khi thấy trong số những người đời xưa có những nhân vật cùng một người mà tài giỏi về nhiều mặt, kiêm cả nhà triết học, nhà thơ, nhà hùng biện, nhà sử học, giáo sĩ, nhà cai trị quốc gia, tướng quân. Chúng ta kinh hoàng trước một hoạt động rộng lớn đến như thế. Mỗi người chúng ta chỉ dám rào lấy một khoảnh nào đó cho mình và thu mình trong đó mà thôi. Tôi không hiểu do sự chia cắt nhỏ ra như thế, lĩnh vực hoạt động có rộng lớn không, nhưng tôi biết chắc chắn rằng con người thu nhỏ lại".

Đặc điểm của phân công trong công xưởng tự động là ở đó lao động đã mất hết tính chất chuyên môn rồi. Nhưng một khi mà mọi sự phát triển chuyên môn chấm dứt, thì nhu cầu về tính vạn năng, xu hướng đi đến một sự phát triển toàn diện của cá nhân bắt đầu lộ rõ. Công xưởng tự động xoá bỏ các nghề biệt lập và sự ngu dốt nghề nghiệp.

Không biết đến cả đến cái mặt cách mạng duy nhất ấy của công xưởng tự động, ông Pru-đông đi thụt lùi một bước, và đề nghị với công nhân không những chỉ làm bộ phận thứ mười hai của một cái kim băng, mà làm lần lượt tất cả mười hai bộ phận. Như vậy, người công nhân sẽ đạt đến sự hiểu biết đầy đủ và toàn diện về cái kim băng. Lao động tổng hợp của ông Pru-đông chính là như thế. Không ai có thể chối cãi được rằng vận động lên đằng trước và vận động lùi lại đằng sau, cũng chính là một vận động tổng hợp.

Tóm lại, ông Pru-đông đã không đi xa hơn lý tưởng của người tiểu tư sản. Và để thực hiện lý tưởng ấy, ông ta không nghĩ ra cách nào khác hơn là kéo chúng ta trở về với người thợ bạn thời trung cổ hay nhiều lắm là với người thợ cả của thời trung cổ. Ở chỗ nào đó trong quyển sách của ông ta, ông ta có nói: trong đời mình chỉ cần một lần duy nhất làm được một kiệt tác, một lần duy nhất cảm thấy mình là người, cũng đủ rồi. Về hình thức cũng như về nội dung, đó chẳng phải là kiệt tác mà phường hội thời trung cổ yêu cầu đó sao?

 



(63) Mác trích dẫn cuốn sách của A. Xmít "Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các dân tộc" xuất bản bằng tiếng Pháp: "Recherches sur la nature et les causes de la richesse des nations". T. I, Paris, 1802, p. 33-34.-209.

1* - mỗi người đều có ý kiến của riêng mình.

(64) Lơ-mông-tây nói đến cuốn sách của mình: "Raison, folie, chacun son mot; petit cours de morale mis à la portée des vieux enfants". Paris, 1801 ("Lý trí, sự điên rồ, mỗi cái có tiếng nói của mình; giáo trình luân lý tóm tắt dễ hiểu đối với những trẻ em lớn tuổi". Pa-ri, 1801). Mác dẫn ra tác phẩm của Lơ-mông-tây "Influence morale de la division du travail" ("Ảnh hưởng đạo đức của sự phân công lao động"), trong đó Lơ-mông-tây viện dẫn cuốn sách nói trên.-209.

(65) A. Ferguson. "Essai sur l'histoire de la société civile". T. II. Paris. 1783, p. 108-110.-210.

1* - Đó chính là điều cần phải chứng minh.

(66) Ch. Babbage. "Traité sur l'économie des machines et des manufactures".Paris, 1833, p. 230 (S. Báp-bít-giơ. "Luận văn về bản chất kinh tế của máy móc và công xưởng". Pa-ri, 1833, tr. 230).

1* - ngược lại.

(67) A. Ure. "Philosophie des manufactures, ou Économie industrielle". Bruxelles, 1836, t. I, première partie, chapitre I

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt