Chủ nghĩa Marx

Phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị: Phương pháp - Nhận xét thứ năm

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG HAI

PHÉP SIÊU HÌNH

CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ

 

§I. PHƯƠNG PHÁP

 

Nhận xét thứ năm

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

"Trong lý tính tuyệt đối, tất cả những ý niệm ấy... đều là giản đơn và phổ biến  như nhau... Thật ra, chỉ có bằng một thứ giàn dáo dựng bằng những ý niệm của chúng ta thì chúng ta mới đạt được tới khoa học. Thế nhưng chân lý tự nó là độc lập đối với những hình tượng biện chứng đó và không vướng vào những trò ảo thuật của trí tuệ của chúng ta" (Pru-đông, t.II, tr.97).

Thế là bỗng nhiên, bằng một bước ngoặt mà bây giờ chúng ta biết được bí mật rồi, phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị đã trở thành một ảo tưởng! Chưa bao giờ ông Pru-đông đã nói đúng đến như thế. Đương nhiên, khi mà toàn bộ quá trình vận động biện chứng được quy thành cách làm giản đơn là đối lập cái tốt với cái xấu, là đề ra những vấn đề nhằm loại bỏ cái xấu đi và lấy một phạm trù này làm thuốc giải độc cho phạm trù khác, thì những phạm trù không còn vận động tự phát nữa; ý niệm "không còn hoạt động nữa", nó không còn sự sống ở trong nó nữa. Nó không còn tự đề ra cũng không tự phân hoá thành phạm trù nữa. Trật tự kế tiếp của những phạm trù trở thành những thứ giàn dáo. Phép biện chứng không còn là sự vận động của lý tính tuyệt đối nữa. Không còn có phép biện chứng nữa, nhiều lắm thì chỉ có đạo đức hoàn toàn thuần túy mà thôi.

Khi ông Pru-đông nói đến cái chuỗi trong lý tính, đến trật tự lô-gích của các phạm trù, ông ta đã tuyên bố một cách khẳng định rằng ông ta không muốn trình bày lịch sử theo thứ tự thời gian, nghĩa là theo ông Pru-đông, theo trật tự lịch sử trong đó những phạm trù đã biểu hiện ra. Lúc bấy giờ, ông ta cho rằng, hết thảy mọi cái đều diễn ra ở trong cõi thinh không thuần túy của lý tính. Hết thảy mọi cái đều phải nảy sinh ra từ cõi thinh không ấy, thông qua phép biện chứng. Bây giờ khi vấn đề là phải thực hành phép biện chứng ấy thì ông ta lại thiếu lý tính. Phép biện chứng của ông Pru-đông phủ nhận phép biện chứng của Hê-ghen, thế là ông ta buộc phải thừa nhận với chúng ta rằng trật tự mà ông ta trình bày những phạm trù kinh tế, không còn là trật tự theo đó những phạm trù kinh tế đã sản sinh ra nhau nữa. Những sự tiến triển kinh tế không còn là những sự tiến triển của bản thân lý tính nữa.

Vậy ông Pru-đông trình bày với chúng ta cái gì đây? Phải chăng là lịch sử hiện thực, nghĩa là theo quan niệm của ông Pru-đông, trật tự theo đó các phạm trù đã biểu hiện ra phù hợp với thứ tự thời gian? Không phải. Phải chăng là lịch sử như nó diễn ra trong bản thân ý niệm? Lại càng không phải. Như vậy, chẳng phải là lịch sử thần thánh của những phạm trù ấy! Thế thì ông ta trình bày với chúng ta cái lịch sử gì vậy? Lịch sử của những mâu thuẫn của bản thân ông ta. Chúng ta hãy xem những mâu thuẫn ấy diễn ra như thế nào và chúng lôi ông Pru-đông đi theo chúng như thế nào?

Trước khi đề cập đến vấn đề đó, vấn đề đưa đến nhận xét quan trọng thứ sáu, chúng ta còn có một nhận xét quan trọng nữa.

Cùng với ông Pru-đông, chúng ta hãy cho rằng lịch sử hiện thực, lịch sử theo thứ tự thời gian, là trật tự lịch sử theo đó những ý niệm, những phạm trù, những nguyên lý đã biểu hiện ra.

Mỗi một nguyên lý đã từng có thế kỷ của nó, để biểu hiện ra ở đó: nguyên lý quyền uy chẳng hạn thì có thế kỷ XI, cũng như nguyên lý chủ nghĩa cá nhân có thế kỷ XVIII. Suy từ kết quả này sang kết quả khác, chúng ta phải nói rằng chính thế kỷ thuộc về nguyên lý, chứ không phải nguyên lý thuộc về thế kỷ. Nói cách khác, chính nguyên lý đã sáng tạo ra lịch sử, chứ không phải lịch sử đã sáng tạo ra nguyên lý. Nhưng nếu như, để cứu những nguyên lý cũng như để cứu lịch sử, người ta tự hỏi tại sao một nguyên lý nào đó lại biểu hiện ra trong thế kỷ XI hay trong thế kỷ XVIII, chứ không phải trong một thế kỷ nào khác, thì tất nhiên là người ta bắt buộc phải xem xét tỉ mỉ xem những người của thế kỷ XI là những người nào, những người của thế kỷ XVIII là những người nào, những nhu cầu của họ trong mỗi thế kỷ ấy, những lực lượng sản xuất của họ, phương thức sản xuất của họ, những nguyên liệu dùng trong sản xuất của họ là những gì; cuối cùng, những quan hệ giữa người và người do tất cả những điều kiện sinh tồn ấy sản sinh ra là những quan hệ nào. Nghiên cứu sâu tất cả những vấn đề ấy, không phải là theo dõi lịch sử hiện thực, trần tục của con người trong mỗi thế kỷ đó sao? Không phải là hình dung những con người ấy vừa là những tác giả vừa là những diễn viên của vở kịch của bản thân mình đó sao? Thế nhưng, khi anh hình dung con người là những diễn viên và những tác giả của lịch sử của bản thân họ, thì bằng một con đường ngoẹo, anh đi đến điểm xuất phát thật sự, vì anh đã rời bỏ những nguyên lý vĩnh cửu từ đó anh xuất phát lúc đầu, phải không?

Ông Pru-đông cũng chưa đi được bao nhiêu trên con đường tắt mà nhà tư tưởng đi theo để đến con đường lớn của lịch sử.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt