Chủ nghĩa Marx

"Quần chúng sắt đá" và "Quần chúng không thoả mãn"

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VII

NHỮNG BỨC THƯ CỦA SỰ PHÊ PHÁN

CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

2) "QUẦN CHÚNG KHÔNG CÓ TÍNH PHÊ PHÁN"

VÀ "SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN".

 

a- "Quần chúng sắt đá" và "Quần chúng không thoả mãn"

Trái tim khắc nhiệt, tính sắt đá và sự không tin mù quáng của quần chúng có một đại biểu kiên định hơn. Vị đại biểu này nói về "sự giáo dục triết học Hê-ghen thuần tuý của nhóm Béc-lin"72. Thông tín viên ấy khẳng định:

"Tiến bộ chân chính có thể có được trên cơ sở nhận thức được hiện thực. Thế nhưng hội viên của nhóm Béc-lin cho chúng ta biết rằng nhận thức của chúng ta không phải là nhận thức hiện thực mà là nhận thức một cái gì không hiện thực ".

Thông tín viên gọi "khoa học tự nhiên" là cơ sở của triết học:

"Quan hệ giữa nhà khoa học tự nhiên ưu tú với nhà triết học cũng giống như quan hệ giữa nhà triết học với nhà thần học".

Y tiếp tục nhận xét về "nhóm Béc-lin":

"Tôi không muốn nói nhiều về các ngài ấy mà chỉ định giải thích rằng tình trạng của họ sở dĩ như vậy là vì họ tuy đã trải qua quá trình lột xác về tinh thần nhưng chưa thoát khỏi sản phẩm của sự lột xác đó để có thể tiếp thu được những yếu tố mới hình thành và cải lão hoàn đồng". "Chúng ta còn phải nắm những tri thức (khoa học tự nhiên và công nghiệp) đó". "Tri thức về thế giới và loài người mà chúng ta cần thiết hơn cả, không thể chỉ đạt được nhờ sự sắc bén của tư tưởng mà còn phải có tác dụng của mọi giác quan, còn phải sử dụng mọi năng lực của con người, coi như công cụ cần thiết và quan trọng nhất; nếu không thì trực quan và sự nhận thức sẽ vĩnh viễn không đủ... và sẽ đưa tới cái chết về đạo đức".

Nhưng thông tín viên đó tìm cách bọc đường viên thuốc mà y đưa tặng sự phê phán có tính phê phán. Y "tìm ra sự vận dụng một cách đúng đắn những từ ngữ của Bau-ơ", y "theo dõi tư tưởng của Bau-ơ", y nói "Bau-ơ nhận xét rất đúng", cuối cùng, hình như y không tiến hành luận chiến chống lại bản thân sự phê phán mà là chống lại "nhóm Béc-lin" nào đó khác với sự phê phán.

Càm thấy bị tổn thương và trong mọi việc về tín ngưỡng đều nhạy cảm như cô gái đồng trinh già, sự phê phán có tính phê phán không chịu để mắc hợm vì những sự phân biệt và những sự ân cần giả dối đó. Nó trả lời:

"Nếu anh định coi cái đảng mà anh mô tả ở đầu bức thư của anh là kẻ thù của mình thì anh lầm rồi. Tốt hơn là hãy thừa nhận" (tiếp đó là lời nguyền rủa đẩy người ta vào chỗ tuyệt vọng) "anh là đối thủ của bản thân sự phê phán!".

Bất hạnh thay! Con người của quần chúng! Một kẻ thù của bản thân sự phê phán ! Nhưng còn về nội dung của cuộc luận chiến có tính quần chúng nói trên thì sự phê phán có tính phê phán lại tỏ ra tôn trọng thái độ phê phán của nó đối với khoa học tự nhiêncông nghiệp.

"Thành tâm tôn kính sự nghiên cứu giới tự nhiên! Thành tâm tôn kính Giêm-xơ Oát và" - lối nói thật là cao thượng - "không mảy may tôn kính hàng triệu bạc mà Oát đem lại cho bà con mình".

Thành tâm tôn kính sự tôn kính đó của sự phê phán có tính phê phán! Trong một bức thư trả lời, sự phê phán có tính phê phán chê trách các đại biểu của nhóm Béc-lin nói trên là đã lướt qua những tác phẩm nghiêm túc và quan trọng một cách quá nhẹ nhàng mà không bỏ công nghiên cứu chúng, chê trách rằng họ đã coi nhiệm vụ đánh giá một tác phẩm nào đó là đã hoàn thành khi họ nhận xét tác phẩm đó là một tác phẩm vạch thời đại, v.v. - nhưng cũng trong bức thư ấy, bản thân sự phê phán nói hết ý nghĩa của toàn bộ khoa học tự nhiên và công nghiệp chỉ bằng cách tuyên bố tôn kính mọi khoa học tự nhiên và công nghiệp. Sự dè dặt của sự phê phán có tính phê phán khi nó biểu lộ lòng tôn kính của nó đối với khoa học tự nhiên giống như những tia chớp đầu tiên của cố hiệp sĩ Cru-gơ chống lại triết học tự nhiên:

"Giới tự nhiên không phải là hiện thực duy nhất, vì chúng ta ăn và uống các thứ sản phẩm của nó".

Những cái mà sự phê phán có tính phê phán biết về các thứ sản phẩm của giới tự nhiên chỉ là "chúng ta ăn và uống những sản phẩm đó". Thành tâm tôn kính khoa học tự nhiên của sự phê phán có tính phê phán!

Sự phê phán đối lập một cách hoàn toàn triệt để yêu cầu - yêu cầu gán ghép và làm cho người ta khó chịu - phải nghiên cứu "giới tự nhiên và công nghiệp" bằng câu cảm thán có tính chất tu từ ý nhị không thể bàn cãi sau đây:

"Hoặc là "! "anh cho rằng nhận thức về hiện thực lịch sử kết thúc rồi? hoặc là" (!) "anh có thể kể ra dù chỉ là một thời kỳ lịch sử đã thực sự được nhận thức?".

Hoặc là sự phê phán có tính phê phán cho rằng nó có thể đạt tới dù chỉ là bước đầu của sự nhận thức về hiện thực lịch sử sau khi đã gạt bỏ khỏi sự vận động lịch sử, quan hệ lý luận và quan hệ thực tiễn của con người đối với giới tự nhiên, tức là gạt bỏ khoa học tự nhiên và công nghiệp? Hoặc là nó tưởng rằng nó đã thực sự nhận thức được một thời kỳ lịch sử nào đó mà không cần nghiên cứu, chẳng hạn, công nghiệp của thời kỳ đó và phương thức sản xuất trực tiếp ra bản thân đời sống? Đúng là sự phê phán có tính phê phán, duy linh chủ nghĩa và thần học chỉ biết (chí ít cũng biết trong trí tưởng tượng của nó) những sự kiện quan trọng về chính trị, văn học và thần học trong lịch sử. Sự phê phán có tính phê phán tách rời lịch sử với khoa học tự nhiên và công nghiệp, cũng như nó tách rời tư duy với cảm giác, linh hồn với xác thịt, bản thân nó với thế giới, và cho rằng lịch sử không phải bắt nguồn từ sản xuất vật chất thô thiển ở trên trái đất mà bắt nguồn từ những đám mây mù trên trời.

Đại biểu của quần chúng "sắt đá", "khắc nghiệt", với những lời chỉ trích và khuyên răn đúng của họ đã bị sự phê phán liệt vào hạng "nhà duy vật có tính quần chúng". Sự phê phán cũng không đối xử tốt hơn đối với một thông tín viên khác không độc ác bằng, không có tính quần chúng bằng, thông tín viên này tuy có đặt hy vọng vào sự phê phán có tính phê phán nhưng không thấy nguyện vọng của mình được sự phê phán đáp ứng. Vị đại biểu của quần chúng "không thoả mãn" này viết:

"Song tôi phải thừa nhận rằng số 1 của quý báo hoàn toàn chưa làm tôi thoả mãn. Vì chúng tôi đã mong đợi một cái gì khác".

Vị gia trưởng phê phán đích thân trả lời:

"Nói rằng nó không đáp ứng được nguyện vọng thì điều đó tôi đã biết trước rồi vì tôi có thể hình dung được khá dễ dàng những nguyện vọng đó. Người ta kiệt quệ quá đến nỗi muốn có ngay tất cả cùng một lúc. Tất cả ư? Không ! Nếu có thể thì tất cả và đồng thời không gì hết. Cái thứ tất cả không đòi hỏi công sức gì, cái thứ tất cả mà người ta có thể tiếp thu được mà không trải qua một quá trình phát triển nào là cái thứ tất cả có thể thâu tóm trong một chữ".

Bực mình trước những tham vọng quá đáng của quần chúng đòi hỏi sự phê phán về nguyên tắc và về bản chất vốn "không cho gì hết" mà lại phải cho họ một cái gì, thậm chí tất cả mọi cái, vị gia trưởng phê phán liền kể theo giọng các cụ già một câu chuyện lý thú như sau: cách đây không lâu, một trong những người quen ở Béc-lin đã than phiền chua chát về sự dài dòng dây cà dây muống; của tác phẩm của ông ta (mọi người đều biết rằng với một ảo tưởng cỏn con hết chỗ nói, ông Bru-nô đã viết thành một tác phẩm đồ sộ), ông Bau-ơ an ủi người đó bằng cách hứa sẽ gửi cho một cục mực in hình quả cầu nhỏ để người đó hiểu được dễ dàng hơn. Vị gia trưởng giải thích rằng "tác phẩm" của mình sở dĩ dài lê thê là vì mực in rải ra không đều cũng như ông ta đã giải thích cái trống rỗng của tờ "Literatur-Zeitung" của ông ta bằng cái trống rỗng của "quần chúng thế tục" muốn nuốt chửng tất cả và không gì cả cùng một lúc, để cho mình có nội dung.

Tuy không hề phủ nhận tầm quan trọng của những ý kiến trên, người ta cũng vẫn khó lòng nhìn thấy được một sự đối lập có tính lịch sử toàn thế giới trong việc một người quen có tính quần chúng của sự phê phán có tính phê phán cho rằng sự phê phán là rỗng tuếch, còn sự phê phán thì trái lại buộc tội người đó là không có tính phê phán; trong việc một người quen khác cho rằng "Literatur-Zeitung" đã phụ lòng mong ước của anh ta, và cuối cùng trong việc một người quen thứ ba và là bạn thân cho rằng những tác phẩm của sự phê phán quá ư dài dòng. Tuy vậy người quen số 2 ôm ấp hy vọng và người bạn thân số 3 ít ra cũng muốn biết những cái bí mật của sự phê phán có tính phê phán đều là cái cầu dẫn đến mối quan hệ có nội dung hơn và căng thẳng hơn giữa sự phê phán và "quần chúng không phê phán". Sự phê phán càng ác với quần chúng có "trái tim khắc nghiệt" tức là quần chúng có "lý trí bình thường của con người" bao nhiêu thì nó càng ân cần với quần chúng đang van xin được giải thoát khỏi sự đối lập bấy nhiêu. Quần chúng tìm đến sự phê phán với trái tim tan vỡ, với tinh thần hối lỗi và tinh thần ngoan ngoãn xứng đáng được sự phê phán ban cho những lời khôn ngoan, tiên tri và thẳng thắn làm phần thưởng cho nguyện vọng thành tâm của nó.

 



72 "Nhóm Béc-lin ("Berliner Couleur") là cái tên do phóng viên "Allgemeine Literatur-Zeitung" đặt ra để gọi những người thuộc phái Hê-ghen trẻ Béc-lin trong đó có Mác Stiếc-nơ là những người không thuộc nhóm B.Bau-ơ và đã phê bình "Allgemeine Literatur-Zeitung" về vài vấn đề chi tiết.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt