Chủ nghĩa Marx

Quy luật tương ứng tất yếu giữa cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc

 

CHƯƠNG THỨ BA

 

QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA

CƠ SỞ KINH TẾ VÀ THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG THỨ BA

Mục đích

1. Nhận rõ cơ sở kinh tế là gì; nhận rõ những đặc điểm của thượng tầng kiến trúc, và vì đó mà có thể phân biệt xem hình thái nào của ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc, còn hình thái nào lại là không thuộc vào đó.

2. Nhận định rằng cơ sở kinh tế nào quyết định thương tầng kiến trúc ấy và thượng tầng kiến trúc sở dĩ được dựng lên là để củng cố cơ sở; thượng tầng thay đổi tùy sự thay đổi của cơ sở, nhận định rõ tính chất giai cấp của thượng tầng.

3. Thấy rõ rằng tồn tại xã hội quỵết định ý thức xã hội, và nhận định rõ vai trò của ý thức, nhận định rõ nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng là quan trọng.

Trọng tâm

1. Đặc điểm của thượng tầng.

2. Tính chất giai cấp của nhà nước

3. Vai trò của ý thức trong Cách mạng

 

 

I. THẾ NÀO GỌI LÀ CƠ SỞ KINH TẾ CỦA XÃ HỘI

Trong sự sản xuất xã hội những điều nhu yếu vật chất cho đời sống cùa mình, con người tự khép vào những tương quan nhất định, tất yếu, độc lập với ý chí của họ; những tương quan sản xuất ấy tương ứng với một trình độ phát triển nào của lực lượng sản xuất. Toàn bộ những tương quan ấy lập thành cơ cấu kinh tế của xã hội, cơ sở thực sự trên đó một thượng tầng pháp lý và chính trị được dựng lên, và những hình thái của ý thức tương ứng với nó.” (Mác, Tư bản)

Nói một cách khác, mỗi chế độ xã hội, kể cả chề độ xã hội chủ nghĩa, đều có cơ sở kinh tế của nó, cơ sở này gồm toàn bộ các tương quan sản xuất giữa người với người” (Stalin, Những vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô).

Vậy nói đến cơ sở hay cơ sở kinh tế là nói đến các tương quan sản xuất, tương quan giữa người và người; nhắc lại rằng tương quan sản xuất gồm có tương quan về tài sản đối với các tư liệu sản xuất, tương quan giữa các nhóm và các lớp người trong sự sản xuất và tương quan trong sự phân phối các sản phẩm vật chất.

Mỗi chế độ xã hội có loại tương quan sản xuất của nó, tức là cơ sở kinh tế của nó; chế độ xã hội chủ nghĩa cũng thế. Trong chương rồi chúng ta đã nghiên cứu mối tương quan giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất; bây giờ ta lại nghiên cứu mối tương quan giữa toàn bộ các tương quan sản xuất, tức cơ sở kinh tế, đối với thượng tầng kiến trúc (chính trị, pháp lý và các hình thái của ý thức).

Làm một cái giản đồ để cho dễ hiểu thì xã hội gồm có mấy tầng sau đây: dưới nhất là lực lượng sản xuất; kế đó là tương quan sản xuất hay cũng gọi là cơ sở kinh tế rồi trên cơ sở kinh tế đó, có thượng tầng chính trị và pháp lý, có những hình thái của ý thức.

Trong quyển “Duy vật Lịch sử” viết hồi 1... tôi mắc phải một sai lầm: nói rằng “hạ tầng cơ sở gồm cả lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất.”

Trong các quyển “Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử”, “Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học”, “Những vấn đề kinh tế  xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô”, Stalin không dùng chữ “hạ tầng cơ sở” –infrastructure- mà dùng chữ “cơ cấu, cơ sở kinh tế”, structure, base économique. Vậy nên theo đúng Staline, và cũng dùng danh từ của Marx dùng trong bài tựa quyển “Phê bình kinh tế chính trị học.”

Gọi toàn bộ tương quan sản xuất là cơ sở kinh tế bởi vì ta xem nó như là cái nền mà trên nó thì có những tầng khác được xây dựng lên, liên hệ với nó, tuỳ thuộc nó.

II. THẾ NÀO LÀ THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC? NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC

Đồng chí Stalin dạy rằng đặc điểm của cơ sở là nó phục vụ xã hội trong lãnh vực kinh tế, còn thượng tầng thì cung cấp cho xã hội những quan điểm, ý tưởng v tổ chức chính trị, pháp lý, văn nghệ v.v. Thượng tầng kiến trúc gồm hai nhóm: một là những tổ chức (institution) về chính trị pháp lý v.v., hai là những hình thái của ý thức (không phải hình thái nào của ý thức xã hội cũng đều thuộc vo thượng tầng kiến trúc).

1. Mỗi cơ sở có thượng tầng tương ứng với nó... Nếu cơ sở thay đổi hay là bị tiêu diệt, thì thượng tầng của nó cũng thay đổi hay bị tiêu diệt đi, nếu một cơ sở mới phát sinh ra thì một thượng tầng mới tương ứng phát sinh ra.

Nói một cách khác, thượng tầng nảy sinh, phát triển và tiêu diệt theo sự nảy sinh, phát triển và tiêu diệt của cơ sở tương ứng của nó. Tỷ dụ: cơ sở kinh tế tư bản sinh ra chính thể đại nghị tư bản, tư bản chủ nghĩa tiến lên độc quyền lũng đoạn thì chính thể đại nghị tư bản bị phát xít hóa; tương quan sản xuất tư bản đổ đi thì giai cấp công nhân cũng phá tan nhà nước (đại nghị hay phát xít) của tư bản; lớp vô sản chuyên chính mà thay thế vào. Cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa nảy sinh ra thì tương ứng với cơ sở đó có nhà nước xô viết của công nông. Hay lấy tỷ dụ trong lịch sử nuớc ta: cơ sở kinh tế phong kiến cũ, tương quan bóc lột chủ tớ, nên có luân lý cũ dựa vào lẽ vua tôi, cha con, chồng vợ bất bình đẳng, và nên có nhà nước phong kiến, vua cha hình luật phong kiến; còn giờ cơ sở kinh tế dân chủ nhân dân phát sinh, nên phát sinh ra nền luân lý mới, còn luân lý phong kiến thì tàn tạ đi với sự tàn tạ của di tích phong kiến trong nền kinh tế và nên có quân đội nhân dân, công an nhân dân và tòa án nhân dân.

2. “Thượng tầng kiến trúc là sản phẩm của cơ sở, điều ấy không có nghĩa rằng nó chỉ phản chiếu có cơ sở mà thôi, không phải là nó bị động trung lập, hững hờ đối với vận mạng của cơ sở, đối với vận mạng các giai cấp, đối với tính chất giai cấp của hệ thống... Thượng tầng sở dĩ được tạo ra chính là để phục vụ cho cơ sở, tích cực giúp đỡ cho cơ sở thành hình và củng cố, để tích cực đấu tranh tiêu diệt cơ sở cũ tàn tạ và cả thượng tầng của cơ sở cũ. Nếu nó từ bỏ vị trí tích cực ủng hộ cơ sở của nó mà sang qua vị trí hững hờ đối với cơ sở, nếu nó tỏ thái độ trung lập đối với các giai cấp thì thượng tầng kiến trúc sẽ làm mất vai trò phục vụ của nó đi, nó sẽ mất giá trị của nó và không còn là một thượng tầng kiến trúc nữa”

Nói cách khác, chẳng những thượng tầng bị cơ sở quyết định, do cơ sở sinh ra, mà sinh ra là để giúp ích cho cơ sở, thượng tầng có trách nhiệm, có tác dụng đến cơ sở, ví dụ như nhà nước dân chủ nhân dân (thượng tầng) có nhiệm vụ mở rộng cơ sở kinh tế dân chủ nhân dân, thủ tiêu lối bóc lột phong kiến, chia đất cho dân cày, mở mang kỹ nghệ thương mại, tiêu diệt đế quốc, tịch thu tài sản đế quốc v.v. nếu nó không làm được việc ấy thì nó vô ích, nó không còn ý nghĩa thượng tầng nữa. Cái gì mường tượng như thượng tầng mà phục vụ cho tồn thể xã hội, ví như ngôn ngữ thì không phải là thượng tầng. Thượng tầng có tính giai cấp, phục vụ giai cấp. Giai cấp nào lên xây dựng và củng cố thượng tầng của nó, đánh đổ thượng tầng của giai cấp khác, chớ không “lợi dụng” được. Ví dụ như công nông và quần cúng không thể dâng cỗ máy chính quyền của đế quốc Pháp được mà phải đánh đổ, phá nát nó đi lập bộ máy chính quyền mới của mình, chính quyền không vô tư vô lự, không hững hờ với quyền lợi giai cấp, nó là thượng tầng kiến trúc, nó là thượng tầng chính trị của cơ sở kinh tế. Hay dưới thời phong kiến, hễ làm lụng là hèn, ở không là sang; còn còn giờ thì ta yêu mến kính trọng lao động, luân lý mới ny có tác dụng đẩy mạnh sự sản xuất như thế cũng là thượng tầng phục vụ cơ sở .

3. “Thượng tầng là sản phẩm của một thời kỳ, thời kỳ mà cơ sở kinh tế nó tồn tại và hoạt động. Cho nên thượng tầng chỉ sống tạm thời, khi cơ sở nào đó đổ đi, mất đi thì thượng tầng của nó không còn nữa.”

Đặc tính này xem xét thượng tầng về phương diện thời gian hay nói một cách khác hơn là một thượng tầng kiến trúc không thể là thượng tầng chung cho các cơ sở kinh tế khác nhau. Ví dụ, nếu khoa học tự nhiên tồn tại và có giá trị đối với phong kiến cũng như đối với tư bản, cũng như ở trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa thì không phải là thuộc thượng tầng kiến trúc. Trái lại, bộ luật Hồng Đức chỉ dâng trong thời phong kiến, bộ luật Napolon chỉ dâng trong thời tư bản, đến thời dân chủ nhân dân lại có bộ luật khác... Luật pháp nào đó không sống dai hơn cơ sở kinh tế của nó thì luật pháp rõ ràng là thuộc thượng tầng kiến trúc. Có một luật sư thẩm phán ta, sau Cách mạng Tháng Tám, toan cứ dâng luật pháp của Pháp (tư bản và thực dân); họ muốn  kéo dài cái đời sống của một thượng tầng qua một cơ sở kinh tế khác và trái ngược; lẽ tất nhiên là họ thất bại, vì người ta không thể dung dưỡng luật pháp thực dân, tư bản, trên cơ sở kinh tế dân chủ nhân dân của một nước độc lập được.

4. Thượng tầng không trực tiếp dính với sự sản xuất với sự hoạt động sản xuất của con người. Nó dính với sự sản xuất qua môi giới của kinh tế, bằng môi giới của kinh tế. Cho nên thượng tầng phản chiếu những sự thay đổi trong trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, không phải bằng cách cấp thời và trực tiếp, mà phản chiếu sau khi có cơ sở thay đổi. Thế nghĩa là phạm vi tác động của thượng tầng thì hẹp và có hạn.

Lấy tỉ dụ cho dễ hiểu. Như pháp lý của một chế độ. Pháp lý thực dân bênh vực đặc quyền của bọn thực dân bảo đảm một số lợi quyền cho đồng minh phong kiến và tư sản mại bản của cúng nó, trấn áp quần chúng nhân dân. Thực dân được xử ở tòa án riêng, địa chủ được đem ra tòa và đưa vào tù những tá điền thiếu tô. Như quan tây hay quan nam triều có quyền xử tù những người mà nó tình nghi, chỉ tình nghi thôi. Pháp lý ấy không dính liền với sản xuất, với việc làm ra những món vật dụng (gạo, vải, cao xu, than); dính liền với sự sản xuất thì như ngôn ngữ để giao thiệp hàng ngày, như khoa học tự nhiên, còn pháp lý thì do đâu mà ra? Trực tiếp là do cuộc giai cấp tranh đấu mà ra, giai cấp tranh đấu là do tương quan tài sản mà ra, tức do tương quan sản xuất mà ra (tương quan sản xuất tức cơ sở kinh tế). Vì thế mà nói rằng thượng tầng kiến trúc dính một cách gián tiếp với sự sản xuất, với hành động sản xuất. Sản xuất tiến bộ thì trực tiếp theo đó, sự chế tạo máy móc tiến bộ, học thuật về khoa học tự nhiên tiến bộ: cần buôn bán xa xôi thì nghề làm tàu; sự chế ra máy hơi nước bị trực tiếp ảnh hưởng ngay; nhưng ví dụ như, trong lĩnh vực pháp lý thì phải qua nhiều lượt đấu tranh giữa chủ và thợ, giữa tư nhân và nhà nước, giữa tư nhân và tư nhân thì sau đó mới có bộ luật về nghề hàng hải. Nói “sau đó” tức là nói rằng không phản ảnh sự thay đổi trong sản xuất một cách cấp thời; nói “sau nhiều lượt đấu tranh giai cấp, xung đột công tư v.v.” tức là nói rằng nó không phản ảnh một cách trực tiếp. Ta cứ xem việc gần đây, như sắc lệnh của chính phủ ta về việc giảm tô tức, về sự chia công điền chia đất thực dân, Việt gian, địa chủ… có phải là sau khi (và sau rất lâu) có việc chủ điền có nhiều đất và bóc lột tá điền không đất (tức tương quan sản xuất), sau khi có việc chủ tớ tranh đấu nhau chăng? –Phải! Thế là luật pháp (thượng tầng) qua môi giới cơ sở mà dính với sự sản xuất ra lúa gạo. Trái lại, ngay trong sự sản xuất nông nghiệp thì người mình tạo ra những danh từ mới như: “tăng gia”, “hợp đồng đổi công”, “chiến sĩ nông nghiệp” v.v. thế là ngôn ngữ dính dáng trực tiếp với sự sản xuất và cấp thời phản ảnh sự thay đổi trong sự sản xuất vật chất.

Những đăc điểm của thượng tầng kiến trúc mà đồng chí Staline đưa ra trong khi thảo luận về “Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học” là một bước phát triển mới của duy vật lịch sử về vấn đề tương quan giữa cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc xã hội. Nó có sức rọi đường cho chúng ta căn cứ vào đó để coi hiện tượng xã hội nào thuộc vào tầng nào trong tòan bộ cấu tạo của xã hội, hiện tượng nào có tính chất giai cấp, hiện tượng nào không. Nó lại vạch ra cho ta phải có thái độ chín chắn đối với thượng tầng kiến trúc lạc hậu của chế độ cũ, và đối với thượng tầng kiến trúc tiến bộ của chế độ mới.

III. TƯƠNG QUAN GIỮA CƠ SỞ KINH TẾ VÀ CÁC HÌNH THÁI CỦA Ý THỨC

1. Điều kiện sinh hoạt vật chất quyết định cách tư tưởng

“Phương thức sản xuất của sinh tồn vật chất làm điều kiện cho  quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và trí tuệ nói chung. Không phải ý thức con người quyết định sự sinh tồn của họ; ngược lại, sự sinh tồn xã hội của họ quyết định ý thức của họ.” 1

Đó là nền tảng lý luận của duy vật lịch sử nói chung và của vấn đề tương quan giữa cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc nói riêng. Trong chương thứ hai của “Vũ trụ quan”, chúng ta đã giải quyết vấn đề này, chứng minh tính chất quyết định tồn tại xã hội đối với ý thức, ở đây chỉ nhắc lại những điểm căn bản. Mới nghĩ qua thì dường như đăc điểm của xã hội phát triển trải qua các thời đại, là tính chất tự giác của nó; dường như xã hội phát triển, lịch sử tiến hóa theo mục đích có ý thức của con người. Nếu như thế tồn tại xã hội không quyết định tư tưởng xã hội mà chính là ngược lại ý thức xã hội quyết định tồn tại xã hội; và nếu thế thì kinh tế không phải là cơ sở mà cơ sở thực sẽ là ý thức và thượng tầng sẽ là kinh tế. Song đó là ảo tưởng duy tâm.

Xã hội sẽ giống như cái nhà cất trên mây, lấy không khí làm nền! Nếu quả ý thức quyết định tồn tại thì Hitler đã thành công trong cái mộng lập chế độ phát xít dài nghìn năm. Nếu ý thức xã hội quyết định tồn tại thì địa chủ cường họ cứ mãi mãi cỡi lưng đè cổ nông dân, thì vua Louis 16 không mất đầu, kế hoạch xâm lăng Việt Nam của đế quốc Pháp đã được thực hiện. Song chúng nó không thực hiện được mong muốn bởi vì ý thức của bọn bóc lột, bọn cướp nước còn bị ý thức của những người bị bóc lột chống lại: như thế là ý thức tùy giai cấp, giai cấp nào có ý thức ấy, vì điều kiện sinh hoạt của các giai cấp khác nhau. Chắc chắn là chủ điền cho việc phát động nông dân đói giảm tô, thối tô, chia đất, là phi lý, vô nhân đạo, “ai đời chủ lại phải qùy trước tớ bao giờ” “quả luân thường đảo ngược” chúng nó thét ầm lên như thế. Song cũng chắc hẳn rằng tá điền cố bần trung nông xem việc phát động quần chúng, việc tố khổ, việc giảm tô, thối tô, chia đất rất là công bằng nhân đạo. Cũng đồng một sự mà có nhiều loại ý thức khác nhau, nguyên nhân sự khác đó ta không phải tìm trong sự cấu tạo khối óc quả tim con người mà tìm ở tương quan sản xuất nghĩa là tìm thấy một bên có nhiều ruộng cho thu, một bên thuê ruộng đóng tô; nhiều ruộng, thì muốn giữ ngôi bá chủ, không ruộng thì đòi có ruộng, tất nhiên như thế. Ý thức tuỳ giai cấp; ý thức cũng tùy thời đại: cho nên trong thời đại phong kiến, người nông dân tranh đấu chống phong kiến địa chủ nhưng lại muốn thay ông vua xấu bằng ông vua tốt, thay ông chủ điền ác bá bằng ông chủ điền nhân từ hay là nếu muốn tịch thu đất cát của chủ điền để chia nhau thì tự mình cũng có tham vọng là cần lao tiện tặn để trở thành anh chủ điền. Trái lại đến thời nay, thời anh nông dân tranh đấu chống phong kiến bằng cách đánh đổ nền quân chủ tiêu diệt bất cứ thứ vua nào, lập cộng hòa dân chủ chia đất và hướng về xã hội chủ nghĩa. Vì sao thế? Cũng không tìm được lý do sâu sắc của ý thức cách mạng dân chủ ấy ở trong sự cấu tạo khối óc quả tim của nông dân mà tìm ở tương quan sản xuất mới: tương quan giữa nông dân và giai cấp công nhân; giai cấp công nhân đã xuất hiện và đã lãnh đạo nông dân tranh đấu, còn ngày xưa nông dân không được một giai cấp nào ở thành thị lãnh đạo.

Như thế rõ ràng là điều kiện sinh hoạt vật chất quyết định cách tư tưởng.

Rõ ràng là tương quan sản xuất quyết định ý thức, cơ sở quyết định thượng tầng, tương quan sản xuất là cơ sở kinh tế, tư tưởng, ý thức là thượng tầng xây dựng trên cơ sở ấy, được cơ sở ấy quyết định.

Tất nhiên không phải trong trường hợp nào đối với hiện tượng hễ ý thức nào cũng đi tìm nguyên nhân ở cơ sở kinh tế một cách dễ dâng như trong tỉ dụ vừa mới kể trên. Như hỏi nguyên nhân nào làm phát sinh Cao Đài, Hòa Hảo, hai cái “đạo” ở Nam Bộ và nhiều cái đạo kỳ quặc hơn nữa như “đạo ngồi”, “đạo nằm”, “đạo chuối” v.v. Nam bộ là nơi mà đại đa phần ruộng đất tập trung trong tay một số ít đại địa chủ; sự tập trung ấy ở Trung bộ và Bắc bộ không so sánh kịp; Nam bộ có 2.500.000 mẫu (ha) trong số 4.500.000 mẫu ở tòan Việt Nam; địa chủ Nam bộ và Pháp chiếm 75% ruộng đất, đại đa số nông dân là nông dân hoàn toàn không có ruộng đất. Người ta đóan được cảnh ngộ của những người bần cố nông ấy. Đó là điều thứ nhất cần lưu ý đến.

Điều thứ nhì cần lưu ý đến, Nam bộ đất mới của Việt Nam không có một truyền thống Khổng Mạnh trong đầu óc; tư tưởng Khổng Mạnh qua các đời dường bị vơi ra khỏi thói phong trần của những người di cư xuống phía Nam, vải trắng dễ nhuộm với bất cứ màu nào tra vào nó. Mà, người Nam, người mình lẫn lộn với người Chàm, người Miên v.v. tất cả bao nhiêu sự tin tưởng kỳ quặc rất phức tạp ảnh hưỏng đến tư tưởng, kể cả ảnh hưởng của vô số các chuyện kiếm hiệp, phong thần của Bắc phương, tập truyện dị đoan của người Nam hải. Đạo Phật cổ truyền chỉ còn là một nghề kiếm ăn dễ, Công giáo ra mặt là một vũ khí cướp nước trong tay của thực dân. Lối thoát của cách mạng lúc bấy giờ thì chưa nghĩ thấy.

Điều thứ ba cần chú ý đến là một mặt sau chiến tranh 1914-1918, độ năm 1924-1925 bọn tư sản và địa chủ tư sản hóa ở Nam bộ tuy còn non đã từ từ có ý thức về lợi quyền, lợi quyền có nhiều phần nghịch với Pháp, một số đại diện của chúng mới còn ra cái đạo Cao Đài, dâng cách gọi là “cầu hồn” mà chống Tây hay chơi để mê hoặc nhân dân, tụ họp nhân dân dưới quyền chúng nó, để thành một lực lượng có tính cách quốc gia cải lương, núp dưới bóng tôn giáo, mà tôn giáo ấy không thể là các tôn giáo đã có sẵn, họ không sáng tạo nổi tư tưởng gì mới, họ gộp lại những cái tầm thường nhất của mọi tôn giáo, ý tưởng để làm một thứ đạo tạp hóa, xà bần mang danh Tam Kỳ Phổ Độ, nông dân ngoài Bắc sẽ nực cười trước đạo ấy, nông dân trong Nam vì những lẽ nói trên lại nghe theo mà họ lại xem đó là một lối thoát, nó vừa yên ủi người cùng khổ vừa mập mờ chống Tây…

Một mặt khác là lần lần về sau, khi dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, nông dân tranh đấu mạnh hơn thì địa chủ (và cả đế quốc) xem đạo Cao Đài, Hòa Hảo như là một vũ khí tranh đấu, tranh thủ quần chúng với phe cách mạng, một vũ khí chống cách mạng.

Ba điều trên đã có thể cho ta hiểu căn nguyên của Cao Đài, tuy ảnh hưởng phức tạp nhưng rốt cùng thì cũng là tương quan sản xuất (giữa nông dân và địa chủ) và (giữa địa chủ tư bản và đế quốc, giữa đế quốc và nhân dân) nghĩa là cơ sở kinh tế quyết định trong những điều kiện đặc biệt của miền Nam nước Việt.

Bằng cớ gián tiếp để chứng minh càng rõ hơn nữa rằng cơ sở kinh tế cuối cùng quyết định là: ngày nay trong quá khứ cách mạng phản đế và phản phong, khi ta chỉ có tuyên truyền giải thích thì không thể đi đến đâu xa, mà khi ta thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ, đem ruộng đất của Việt gian, thực dân, công điền chia cho dân cày nghèo  (đến 1952 đ chia đến trên 40 vạn mẫu tây ở Nam bộ) làm cho hàng chục vạn gia đình không có đất trở thành có đất, bần nông thấp trở thành trung nông  sung túc thì chẳng những không còn các thứ đạo nằm, đạo ngồi, đạo chuối v.v. mà cả Hòa Hảo, Cao Đài cũng tan rả khá mau. Tương quan sản xuất mới không dung thứ cho hình thái ý thức cũ, cơ sở kinh tế mới sinh thượng tầng ý thức mới. Đó là ý thức trong hành động. Lẽ cố nhiên không nên chủ quan mà tưởng rằng hễ chia đất xong là ý thức tôn giáo hết; chưa hết đâu. Còn phải lâu ngày mới thủ tiêu được sự phân chia giai cấp, thủ tiêu tình cảnh nghèo  đói. Và hơn nữa, dư ba của ý thức lạc hậu cũ còn có thể kéo dài mới tắt dần trong quá trình tiến đến cộng sản chủ nghĩa. 

2. Ý thức phản ứng trở lại đối với cơ sở kinh tế và điều kiện sinh hoạt vật chất

Ý thức đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển lịch sử: hoặc nó có thể làm trở ngại sự tiến bộ bằng cách bênh vực tương quan sản xuất cũ, cơ sở kinh tế cũ; hoặc nó có thể đẩy lịch sử tới trước bằng cách ủng hộ tương quan mới, động viên nhân dân thành lực lượng mạnh. Ai cũng biết rằng công giáo từ trên ngàn năm nay trở thành khí cụ thống trị của chủ nô, vua chúa và tư bản; ai cũng biết rằng thế lực của La mã là một thế lực phản cách mạng, đồng minh với Tư bản, cha cố lợi dụng sự bênh vực đạo, lợi dụng mê tín của dân để chống Cộng sản. Ai cũng nhớ rằng tư tưởng quốc xã của Hitler truyền trong nhân dân rất là tai hại, làm cho một phân số quần chúng bị mê muội đi, 10 năm sau khi Hitler chết, nọc độc ấy vẫn chưa khỏi hẳn trong thanh niên Tây Đức. Khi Hitler lên cầm quyền bao nhiêu triệu người bị giết chóc, phong trào cách mạng Đức tạm thời lui trong một lúc, cơ sở kinh tế tư bản phần lớn được duy trì. Ở nhiều xứ đế quốc tuy là từ lâu đã đầy đủ điều kiện khách quan cho cách mạng vô sản thành công mà giai cấp vô sản chưa làm cách mạng được bởi vì đa số còn mang nặng ý thức cải lương chủ nghĩa của đệ nhị quốc tế, mà ý thức cải lương là của công nhân quý tộc lần lần trở nên vũ khí đấu tranh của tư sản chống công nhân. Ai cũng biết ý thức quốc gia cải lương là của Găng-đi của tư sản An đã kìm hãm được nhân dân An trong thời kỳ khá dài; và sự xung đột giữa Hồi giáo và An giáo bị đế quốc Anh khơi thêm, lợi dụng để duy trì cơ sở thực dân của nó. Ngay ở xứ ta hiện giờ, có phải là trong mấy năm trời bị đế quốc Nhật, Pháp lợi dụng để làm ngăn trở cho cách mạng không, để bảo vệ cơ sở kinh tế thực dân không? Thượng tầng ý thức cũ bảo vệ cơ sở kinh tế cũ; ai tưởng rằng nó hững hờ, trung lập vô tư là người ấy lầm; nội cái sức ỳ của nó đã là một cách bảo vệ chế độ cũ rồi.

Khi chủ nghĩa Marx nói rằng tồn tại là chính mới quyết định ý thức xã hội thì có nhiều người tưởng rằng chủ nghĩa Marx xem rẻ ý thức, ý tưởng và lý luận; ngược lại nói như thế là nói đến căn nguyên của ý thức, nói đến sự phát sinh của ý thức, của thượng tầng đối vối sinh họat xã hội và lịch sử xã hội, thì chúng ta xin trích đọan sau đây của Stalin để chứng minh rằng chủ nghĩa Marx chú trọng đặc biệt đến những ý tưởng và lý luận.

Ý tưởng và học thuyết xã hội phân biệt nhau. Có những ý tưởng và học thuyết già cỗi, lỗi thời, bênh vực lợi quyền của những lực lượng xã hội suy tàn. Quan trọng của nó là ở chỗ nó kìm hãm sự phát triển, sự tiến bộ của xã hội. Có những ý tuởng và học thuyết mới, tiên phong, phục vụ lợi quyền của những lực lượng tiên phong của xã hội; quan trọng của nó là ở chỗ nó làm cho xã hội phát triển, tiến bộ dễ hơn; và, hễ nó phản ảnh càng trung thành những nhu cầu phát triển của sự sinh hoạt vật chất của xã hội thì nó càng quan trọng hơn.

Nói thực ra, nếu các ý tưởng và học thuyết xã hội xuất hiện ra chính vì nó là tất yếu cho xã hội, là vì nếu thiếu tác động tổ chức, động viên và biến đổi của nó, thì không thể nào giải quyết được những vấn đề cấp bách mà sự phát triển của sinh hoạt vật chất của xã hội đặt ra.”1

Chúng ta đặc biệt chú ý tới hai ý kiến: 

a. một ý tưởng, một học thuyết nào phản ảnh càng trung thành những nhu cầu phát triển vật chất của xã hội thì nó càng quan trọng cho lịch sử tiến bộ;

b. không có nó thì không thể nào giải quyết được các vấn đề lớn của lịch sử phát triển.

Như thế đã rõ: ý tưởng học thuyết quan trọng vô cùng và chính chủ nghĩa Mác-Lê, ý thức xã hội chủ nghĩa phản ảnh một cách rất trung thành những nhu cầu tiến bộ của xã hội; nếu không có chủ nghĩa Mác-Lê, nếu không có ý thức xã hội chủ nghĩa thì không có cách mạng vô sản thắng lợi, xây dựng cộng sản thành công.

Cho nên người cách mạng mới đặt vấn đề đấu tranh tư tưởng, xây dựng tư tưởng trên một mức độ cao rất cao, vô cùng quan trọng. Một cuộc cách mạng có thay đổi cơ sở kinh tế mới thực sự là một cuộc cách mạng, muốn làm một cuộc cách mạng như thế, không thể không có số đông quần chúng tham gia; muốn có số đông quần chúng tham gia; nhất thiết phải có một cuộc cách mạng về tư tuởng. Thường thường cách mạng về tư tưởng tới truớc cách mạng về chính trị và kinh tế, tuy rằng nó do cơ sở kinh tế quyết định nó.

Cách mạng về tư tưởng, văn hóa là bằng tư tưởng tiến bộ, văn hóa tiến bộ, đánh lui và đánh bại tư tưởng và văn hóa lạc hậu cũ của cơ sở kinh tế cũ. Chúng ta đã biết vai trò của những tư tưởng duy vật và dân chủ của những nhà triết học Pháp hồi thế kỷ thứ 18 đối với sự sụp đổ của phong kiến và thành hình của tư bản. Chúng ta lại càng biết hơn nữa vai trò giác ngộ, động viên quần chúng của chủ nghĩa Mác-Lê để làm cách mạng đạp đổ cơ sở kinh tế cũ và xây dựng cơ sở kinh tế mới. Rõ ràng nhất đối với chúng ta là các cuộc chỉnh huấn bộ đội, cán bộ suốt năm 1952-1953.

Cho nên Lénine nói rằng nếu không có lý luận cách mạng thì không có vận động cách mạng.

Và Staline nói rằng:

Sự xung đột giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất cũ, nảy sinh ra những ý tưởng xã hội mới; những ý tưởng mới ấy tổ chức và động viên quần chúng, quần chúng hiệp sức nhau trong một đạo quân chính trị mới sáng lập chính quyền mới cách mạng và dùng chính quyền này để giải tán bằng vũ lực cái trật tự cũ trong lĩnh vực tương quan sản xuất để mà thành lập ở đó một chế độ mới” 1

Một khi một lý luận đã xâm nhập vào quần chúng thì lý luận ấy trở thành một sức mạnh vật chất. Ý thức soi hành động, tăng cuờng năng lực tranh đấu làm cho người ta mạnh lên mười phần. Khi duy vật lịch sử nói rằng, tìm thấy rằng tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, thì duy vật lịch sử không hề xem rẻ vai trò tổ chức và động viên của ý thức tiến bộ; ngược lại mới đúng. Và trong thực tế hằng ngày chúng ta từng thấy rõ, từng ứng dụng cái khả năng vô biên của những tư tưởng vĩ đại của Stalin, Hồ Chủ tịch, của các lãnh tụ (ý tưởng về hòa bình thế giới, về giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa ái quốc và chủ nghĩa quốc tế, về anh hùng mới; thi đua, v.v.) để động viên nhân dân, để tự cải tạo, để đánh bạt các ý thức địch, để thực hiện cách mạng; xã hội học thường gọi là những “ý tưởng động lực” (idées-forces).

3. Vai trò của ý thức xã hội chủ nghĩa

Ý thức xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn rất rõ rệt với sự phát triển tư bản chủ nghĩa; tuy rằng cả hai chế độ đều phát triển theo quy luật khách quan và tất yếu.

Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, xã hội phát triển tự phát đến mực độ tối cao thành vô tổ chức, thành dã man vô cùng. Chúng ta lấy một đọan của văn sĩ Mỹ St Chase viết trong quyển “Mục đích cho Mỹ”, đoạn ấy vô tình đã lột trần tính chất tự phát của xã hội Mỹ, trong lúc bọn tư bản Mỹ ầm ĩ lên rằng chủ nghĩa cộng sản giam hãm con người trong cõi vô tri vô giác, xem con người như con số; St Chase nói về cuộc đại khủng hoảng kinh tế của Mỹ:

Thế mà không có một lý do vật chất nào cho những tai họa ấy. Không có mất mùa, không có hạn hán; bão lụt không, ngọai xâm cũng không; trại ấp, công xưởng; vận tải, nhà điện lực, tất cả đều sẵn sàng sản xuất như hồi 1929, hay là nhiều hơn nữa. Và, cũng như trước, dân chúng vẫn cần phải tiêu thụ. Tình thế này gần giống như tình thế của một người chủ trại ấp mà ruộng vườn đầy hoa quả, song, khi đi thăm ruộng vườn rồi về nhà ông chủ ấy lại tuyên bố với gia đình rằng không có gì để ăn cả. Một ngưòi như thế, phải gởi nó vào nhà thương điên” 1

Lão Dewey thừa nhận rằng chánh khách tư bản mù mịt tuy mắt vẫn mở, không thấy trước, và hễ đóan trước là đóan sai:

Cho đến những ngưòi hiểu sâu thấy rộng, cũng không thể tiên đóan hồi 50 năm truớc rằng sau đó thời cuộc sẽ như thế nào. Những bậc tài ba thông thái nào đã nuôi nhiều hy vọng thì lại thấy rằng thời cuộc biến đổi theo chiều ngược lại.2

Thì ngược lại, từ 35 năm nay, ở Liên Xô không có khủng hoảng, sản xuất mấy cũng không bao giờ thừa, không bao giờ người ta chết đói dưới chân núi bánh, núi thịt, bên cạnh sông sữa, suối rượu; kế hoạch định trước thế nào thì thực hiện được hoàn toàn như thế và hơn, chỉ có hơn thôi.

Và thực ra, những nhà sáng tạo ra chủ nghĩa Mác, cách đây hơn một trăm năm, từ ngày quyển “Tuyên ngôn Cộng Sản” ra đời, đã ngó thấy trước, ngó thấy đúng thời cuộc sẽ xảy ra, không sai một mảy may.

Chế độ tư bản là hiện thân của sự tự phát.

Chế độ xã hội chủ nghĩa là hiện thân của sự tự giác, của ý thức.

Chúng ta đã nói rằng chỉ tới trình độ phát triển nào của cơ sở kinh tế thì sự tự phát vô tri mới thống trị hoàn toàn nhưng đến một trình độ phát triển nào đó, khi những lực lượng chính trị mới nẩy nở và tiến lên thì sự tự phát vô tri nhường chỗ cho sự phát triển có ý thức tự giác: cách mạng thay thế cho tiệm tiến.

Vai trò của ý thức xã hội  nổi bật lên trong lúc ấy.

Vai trò ấy thay đổi tùy hình thái và tính chất của xã hội; tùy quy luật phát triển riêng của xã hội ấy; tùy bản chất xã hội của những ý thức tư tưởng (nó khoa học hay ảo tưởng; nó phản ảnh đúng thực trạng xã hội và tiến hóa của xã hội đến mức nào, nó là của giai cấp nào); lại tùy việc truyền bá rộng hay hẹp, sâu hay cạn những tư tưởng ý thức ấy trong quần chúng. Đứng về phương diện đó không thể nào so sánh những ý thức tiền Mác-xít, dù là những ý thức tư tưởng tiến bộ của tư sản như học thuyết xã hội của những nhà triết học Pháp hồi thế kỷ 18.

Chủ nghĩa Mác do Mác, Engels, Lê-nin, Stalin sáng lập là hình thái cao đẳng nhất, tập trung nhất của ý thức xã hội chủ nghĩa.

Trong khuôn khổ chế độ tư bản thì chủ nghĩa Mác-Lê vũ trang cho quần chúng động viên nhân dân làm cách mạng; xưa nay, từ ngày có nhân loại chưa có một ý thức nào ăn sâu, lan rộng và huy động đông người như chủ nghĩa Mác-Lê. Ấy là vì đặc tính của giai cấp vô sản: xưa nay chưa có một giai cấp nào như giai cấp công nhân đại diện thực sự cho đại đa số con người.

Cách mạng vô sản, cách mạng nhân dân mở một thời kỳ mới cho lịch sử nhân loại; đó là thời kỳ hành động của ý thức của hàng trăm triệu quần chúng, một thời kỳ xây dựng những tương quan sản xuất mới, xây dựng thượng tầng chính trị và tư tưởng mới một cách có kế họach, theo những quy luật khách quan mà con người vừa lĩnh hội được, vừa vận dụng được không còn sợ sự tất yếu mù quáng nữa, sự tất yếu bây giờ là tất yếu có ý thức, tức là tự do, thực sự tự do, một nền tự do được biểu hiện trong chính sách của Đảng, của chính phủ, trong các kế họach kiến thiết ở Liên Xô và các nước nhân dân.

Ở các thời kỳ xã hội trước, các cuộc biến thiên là kết quả của sự xung đột giữa vô số xu hướng khác nhau, quyền lợi trái nhau, mục đích nghịch nhau; trái lại dưới chế độ mới, hầu hết hay tối đại đa số con người đều gắn bó nhau bằng một ý thức duy nhất, một chủ nghĩa duy nhất để thực hiện một mục đích vĩ đại và duy nhất.

Ngòai chủ nghĩa Mác-Lê có tư tưởng nào có sức đóng vai nhất thống như thế? Ngòai ý thức xã hội chủ nghĩa có gì có thể làm nền tảng tinh thần cho sự nhất thống cần yếu đó? Cái điều đáng chú ý đến là ngày trước, triệu ức quần chúng xây dựng lịch sử một cách vô tri mà chỉ có ý thức ít nhiều trong những thời kỳ mà bạo động giành chỗ của tiến hóa hòa bình, tiệm tiến nhường chỗ cho đột biến. Ngược lại trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản, mỗi người có ý thức về hành động, công lao của mình, về phương hướng, mục đích của sự kiến thiết. Điều này cắt nghĩa tại sao cách mạng thành công thì năng động tính, sáng tạo tính của quần chúng được phát triển vô hạn độ. Điều này cắt nghĩa tại sao gọi Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cách mạng sâu sắc nhất của lịch sử: có thể đo mực sâu sắc của một cuộc cách mạng, một cuộc cải biến xã hội bằng số quần chúng và ý thức của quần chúng tham gia.

Mục đích vĩ đại gây nên nghị lực vĩ đại. Ý thức vĩ đại tăng sức mạnh của dân tộc lên gấp bội. 

Mục đích cộng sản, ý thức Mác-xít đóng một vai trò quyết định là vì thế: nhận định như thế hòan tòan không phải là lật ngược mối tương quan giữa cơ sở và thượng tầng. Ý thức xã hội chủ nghĩa vẫn phát sinh từ cơ sở kinh tế. Chủ nghĩa Mác-Lê vẫn là sản phẩm của cuộc giai cấp đấu tranh giữa tư bản và công nhân. Nhận định như thế không phải là hòan tòan bảo rằng chính trị là chính kinh tế là phụ, cũng không phải là bảo rằng không còn có quy luật khách quan chỉ còn có kế họach chủ quan; ngược lại chủ nghĩa Mác-Lê chính là tất yếu, lịch sử được nhận thức một cách rất chính xác. Quy luật khách quan là khách quan chính vì nó sinh nở và họat động một cách độc lập với ý thức con người. Chỉ khi nào điều kiện thay đổi thì quy luật nào đó mới bớt hay mất hẳn tác dụng để nhường chỗ cho quy luật mới sinh nở và họat động trong những điều kiện mới. Tính vĩ đại của ý thức vô sản, ý thức xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lê là ở chỗ nhận thức quy luật, ứng dụng nó để biến chuyển xã hội một cách có kế họach. Kịp thời giải quyết các mâu thuẫn. Không có gì bất ngờ đối với mình. Không để cho mâu thuân biến thành đối lập.

4. Không phải là mỗi hiện tượng ý thức đều có thể giải thích trực tiếp bằng những nguyên nhân kinh tế.

Có người tưởng rằng để giải thích mỗi hiện tượng ta cứ chìa cái nguyên nhân kinh tế ra thì đủ; kỳ thật, không phải thế. Ý thức nói chung đều xuất phát từ cơ sở (kinh tế) tức là tương quan sản xuất. Nhưng ý thức ấy một khi đã phát sinh và phát triển rồi thì mang một tính chất tương đối độc lập. Hơn nữa là thượng tầng nó bị tiêu diệt với sự tiêu diệt của cơ sở, song không phải là bị tiêu diệt hòan tòan. Nó còn có ảnh hưởng không phải nhỏ đối với các ý thức về sau: tỷ dụ như ảnh hưởng của duy vật luận cổ đại, duy vật luận thế kỷ mười tám (18) đối với chủ nghĩa Mác (Cho nên trong bài “ba nguồn cội, ba bộ phận của chủ nghĩa Mác” Lê-nine có nói chủ nghĩa Mác xuất phát từ triết học Kinh Điển Đức, xã hội chủ nghĩa Pháp và Kinh tế học kinh điển Anh”). Lại tỉ dụ như truyện Phong thần Trung Quốc, truyện cổ tích Cao Miên v.v. ảnh hưỏng rất mạnh đến ý thức của người dân Nam bộ đến trước cách mạng tháng 8, 1945. Cho nên dựa trên những ý thức tương đối mới căn cứ vào cơ sở lúc ấy (như chủ nghĩa dân chủ và chính thể đại nghị tư sản, như chủ nghĩa phát xít trong thời tư bản độc quyền dãy chết v.v..) thì có những ý thức được xây dựng lên với “nguyên liệu” do vô số ý thức cũ cung cấp vào. Vậy nếu ta muốn tìm nguyên nhân của chủ nghĩa phát xít ta có thể tìm ngay trong tương quan sản xuất của tư bản độc quyền (cơ sở) và trong cuộc giai cấp đấu tranh (tương quan tài sản phân phối của cải) giữa tư bản và vô sản. Dimitrov định nghĩa chủ nghĩa phát xít là độc tài ra mặt của phần tử phản động trong thế giới tư bản tài chánh. Hay là nếu ta muốn hiểu cái thế giới chủ nghĩa của Mỹ hiện nay, hay nếu ta muốn cắt nghĩa tại sao Mỹ xây dựng và truyền bá cái thuyết: “Người Mỹ thuộc dân tộc tự do nhất nhân loại”, “Nước Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ nhân loại khỏi tai họa xã hội chủ nghĩa,” v.v. thì ta có thể tìm ngay nguyên nhân của ý thức đó ở cơ sở kinh tế độc quyền to nhất thế giới, kinh tế đế quốc đòi hỏi thị trường thế giới, Mỹ làm giàu to từ hai cuộc thế giới chiến tranh trên xương máu của nhân loại, quy luật kinh tế căn bản của tư bản chủ nghĩa hiện tại (chạy đua theo lợi nhuận tối đa).

Nhưng nếu ta muốn tìm nguyên nhân vì đâu mà ở Nam bộ lại có những tín ngưỡng cục kỳ dị đoan biểu hiện trong các đạo Cao Đài (ăn cháo cho nhẹ mình để tập đằng vân giá võ, tập bay cầu hồn bà Trưng, Rousseau, Lý Thái Bạch, thờ Jésus lẫn Thích Ca, lẫn Mohamed v.v.), Hòa Hảo (tin thầy Phú Sổ có phép tưởng mình là Phàn Lê Hoa xuất thế niệm thần chú chống lại súng) hay nhiều thứ đạo khác: đạo nằm, đạo ngồi, đạo chuối v.v. thì tất nhiên không thể trực tiếp giải thích bằng nguyên nhân kinh tế được, phải qua nhiều môi giới ý thức khác mới đến cơ sở, cơ sở là nguyên nhântối hậu.

Hay là muốn cắt nghĩa  Nhị Độ Mai chẳng hạn, ta không thể vớ ngay cái kinh tế phong kiến của thế kỷ 18, mà có lẽ là phải hiểu cuộc giai cấp đấu tranh hồi thế kỷ 18, với tất cả ảnh hưởng Khổng giáo, Phật giáo trong văn hóa Việt Nam.

Hoặc giả muốn cắt nghĩa cái lối vẽ gọi là “lập thể” của một số họa sĩ Việt Nam trước đây thì nhất định không thể cắt nghĩa bằng kinh tế thực dân được mà phải xem họ bị ảnh hưởng bởi trường phái “lập thể”  ở bên Pháp bên Tây Âu thế nào, rối lại tìm coi vì sao mà một số họa sĩ trước ở Tây Âu lại vẽ như thế, cách vẽ ấy cũng không thể tìm thấy ở kinh tế mà có thể cắt nghĩa được bằng một loạt ý thức tồi bại của tư bản, tiểu tư sản, rồi đến cuộc đấu tranh giai cấp trong những điều kiện nào đó rốt cùng mới đến cơ sở kinh tế.

Có khi nguyên nhân kinh tế mất hút đi vì xa lắm: ví dụ như, học về nghệ thuật Hy lạp, chúng ta thấy rằng, muốn hiểu nó thì trước tiên phải biết các truyện thần thoại cổ Hy lạp, thần thoại theo lời của Marx là “miếng đất” là “công xưởng” của nghệ thuật cổ phong Hy lạp; rồi muốn hiểu thần thoại ấy phải biết cái trí tưởng tượng của người dân bấy giờ.

Rốt cùng mới lấy sự sinh hoạt xã hội mà cắt nghĩa sự tưởng tượng ấy. Lại ví dụ như bảo tìm nguyên nhân kinh tế để cắt nghĩa vì sao thứ chum của ta thời Lê Lợi chạm con rồng thế này, mà đến thời Ming Mạng thì lại chạm kiểu khác hơn, thế là làm một việc quái gỡ, vô ích, buồn cười mà thôi.

Cũng như thế, không phải đoạn lịch sử, hiện tượng lịch sử nào cũng có thể cắt nghĩa trực tiếp bằng nguyên nhân kinh tế.

Ví dụ như nhiều cuộc chiến tranh nhỏ thời phong kiến chẳng hạn, và nếu có người đã cắt nghĩa cái thắng của Lý Thường Kiệt ở Châu Khâm, Châu Liêm bằng cách bảo rằng “Kinh tế thời Lý cao hơn kinh tế nhà Tống (111-) thì rõ ràng là ngốc ngáo vô cùng, không khác nào, có người thấy bà Trưng, bà Triệu cầm đầu nhân dân khởi nghĩa mà bảo rằng xã hội Việt Nam thời ấy còn ở trong chế độ mẫu hệ!!

Ngay cái việc nhà Lý tấn công ở Khâm, Liêm và Ung châu, việc ấy có nguyên nhân kinh tế trực tiếp (cấm giao thương), nhưng nguyên nhân kinh tế trực tiếp ấy trong cuộc chiến tranh ấy vẫn là phụ thuộc so với nguyên nhân chính trị, nguyên nhân của những nguyên nhân sau này lại là kinh tế.

Về vấn đề này Engels có nói:

“Mác và một phần nào là tôi nữa, chúng tôi phải chịu trách nhiệm về cái việc mà, thỉnh thoảng những người thanh niên xem quá nặng cái phương diện kinh tế, chống lại với những kẻ địch của chúng ta, chúng tôi đã phải nhấn mạnh cái nguyên lý cơ bản mà chúng nó không thừa nhận; và lúc bấy giờ không phải là chúng tôi gặp mãi những nơi, những lúc, những dịp mà chú ý đúng mức đến những yếu tố khác đã tham dự vào tác động tương hỗ. Nhưng mà khi phải xét đến một đoạn lịch sử, nghĩa là khi phải chuyển qua sự ứng dụng thực tế thì, khi ấy sẽ khác đi, không thể có sai lầm được.”

Engels cũng nói thêm:

Nếu không thì sự ứng dụng lý thuyết vào bất cứ giai đoạn lịch sử nào sẽ dễ hơn là sự giải quyết một phương trình bậc một”1

Những người hiểu duy vật lịch sử một cách máy móc, dễ xem nó như là một phương trình bậc một, kỳ thực duy vật lịch sử không phải đơn giản như thế, không phải là đụng cái gì cũng lấy kinh tế để giải thích mà được đâu.

5. Không phải mỗi hình thái nào của ý thức đều thuộc thượng tầng kiến trúc dựng trên một cơ sở kinh tế.

Một sai lầm rất phổ biến trong chúng ta từ trước đến khi Staline viết quyển “Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học” là tưởng rằng loại ý thức nào cũng thuộc thượng tầng và có tính chất giai cấp cả. Thực ra không phải như thế.

Staline đã chứng minh rằng ngôn ngữ không thuộc thượng tầng kiến trúc, không có tính chất giai cấp. Chúng ta dựa vào phương pháp của Staline, dựa vào các đặc tính của thượng tầng kiến trúc để nhận xét về khoa học tự nhiên xem nó có phải là một thượng tầng kiến trúc không.

a. Cơ sở kinh tế này đổ, cơ sở khác dựng lên, từ chế độ nô lệ cho đến xã hội chủ nghĩa, nhưng khoa học tự nhiên không đổ xuống và dựng lên theo các cơ sở ấy. Bằng cớ, toán của Euclide mười mấy thế kỷ nay vẫn còn, vẫn có giá trị, nghề y cũng thế, các quy luật vật lý, hóa học cũng thế. Không thấy khoa học tự nhiên đổ theo một cơ sở kinh tế; chỉ thấy nó phát triển, người đời sau tiếp tục gia tài của người đời trước, kinh nghiệm qua một thế hệ lại càng phong phú thêm lên, nhận thức khoa học thêm chính xác. Ví phỏng khoa học tự nhiên phải đổ xuống và dựng lên, thay cũ, đổi mới theo phương thức sản xuất thì sẽ rất là phiền, không còn sản xuất liên tục được nữa.

b. Khoa học tự nhiên không phục vụ riêng cho giai cấp nào, ý thức quần chúng nào, chỉ phục vụ cho phong kiến, tư sản lên cầm quyền, gây dựng và củng cố một ý thức khác, ví dụ ý thức tự do cá nhân, dân chủ đại nghị, vô sản giai cấp khi làm cách mạng thì truyền bá và củng cố ý thức xã hội chủ nghĩa. Súng phong kiến, tư bản, vô sản đều có thể và cần phải làm toán như nhau, dùng các quy luật vật lý hóa như nhau, chế thuốc trị bệnh như nhau, chớ không phải rằng hễ một một giai cấp mới lên thì phải xoá bỏ tất cả khoa học của thời cũ, làm toán cách khác, pha thuốc cách khác.

c. Như thế thì sinh mạng của khoa học tự nhiên được lâu dài, qua tất cả các chế độ xã hội, cứ tiến triển theo sự tiến triển của lực lượng sản xuất nói riêng, của sự sản xuất nói chung.

d. Khoa học tự nhiên trực tiếp dính liền với sự hoạt động sản xuất của con người mà chính nó là tổng kết kinh nghiệm. Trình độ phát triển nào của lực lượng sản xuất thì cấp thời và trực tiếp có trình độ phát triển ấy của khoa học tự nhiên. Còn trái lại, thượng tầng (ví dụ như ý thức chính trị luân lý, nhà nước, pháp luật v.v.) thì phản ảnh sự tiến bộ kia một cách chậm trễ (sau một thời gian như ý thức về vô sản chuyên chính và nhà nước vô sản xuất hiện khá lâu sau khi lực lượng sản xuất đã tiến lên mạnh gây đủ điều kiện khách quan cho xã hội chủ nghĩa) và cũng phản ảnh một cách gián tiếp qua cuộc giai cấp đấu tranh qua tương quan sản xuất.

Như thế khoa học tự nhiên không thuộc thượng tầng. Nó là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh giữa người và thiên nhiên. 

Tuy thế ta còn phải và cần phải chú trọng đến những điều sau đây:

a. Mỗi giai cấp đều dùng khoa học để bảo đảm lợi quyền của mình cũng tựa như mỗi giai cấp đều dùng ngôn ngữ để tuyên bố cho tư tưởng của mình. Nhân dân quyết dùng khoa học để nâng cao đời sống của loài người, để xây dựng xã hội chủ nghĩa; đế quốc đương dùng khoa học dể thu lợi nhuận tối đa (hợp lý hóa sản xuất, đuổi bớt thợ), gây chiến tranh để tàn sát nhân loại mà tranh đoạt thị trường.

b. Nhà bác học tư bản nghiên cứu khoa học theo triết lý duy tâm, phương pháp siêu hình; nhà bác học vô sản và những nhà bác học tiến bộ khác nghiên cứu Khoa học dưới ánh sáng của Duy vật luận Biện chứng pháp; nếu bản thân Khoa học không có tính chất giai cấp thì duy tâm và duy vật, biện chứng và siêu hình lại thuộc thượng tầng và có tính chất giai cấp. Phương pháp có ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu. Cho nên Khoa học Xô viết mới 30 năm nay mà trở thành Khoa học tiên phong cao nhất, chẳng những ở chỗ ứng dụng mà cả ở trình độ nữa. Chúng ta thấy, ví dụ như ở Pháp; chính phủ cấm du nhập những quyển sách khoa học của Mitchourin, thì tính chất giai cấp của phương pháp luận thực là rõ rệt. Nhưng, như lời Vavilov, sớm hay chầy các nhà bác học Tây phương cũng phải học Biện chứng pháp.

c. Khoa học Xô viết và Khoa học tư bản còn khác nhau ở một chỗ nữa: chúng ta  giải thích, suy luận về một phát kiến của Khoa học tự nhiên bằng một cách khác với cách giải thích, suy luận của bọn tư bản về cái phát kiến ấy (tỷ như bước nhảy không đều của điện tử) một bên thì tìm hiểu càng sâu những hiện tượng, một bên thì rình mò quanh hề khoa học để “chứng minh” sự tồn tại của thượng đế, để gieo mối hoài nghi của khoa học, để ngăn cản sự phát triển của khoa học.

d. Điều căn bản là nếu bản thân khoa học tự nhiên không thuộc thượng tầng, không có tính chất giai cấp thì những tổ chức khoa học (institutions) của nhà nước dựng lên có tính chất giai cấp rõ rệt và lệ thuộc vào nhà nước ấy, mà nhà nước là thượng tầng, chính vì những lẽ đã nói trên đây. Cho nên chánh phủ phản động Pháp mới khai trừ nhà bác học Joliot Curie ra khỏi Uỷ ban nghiên cứu nguyên tử lực; cho nên ở Mỹ, bọn do thám của thượng nghị viện thải hồi nhiều nhà bác học nổi tiếng ra khỏi nhiều viện hàn lâm khoa học, cho nên tên Eisenhower sát nhân xử tử hai vợ chồng Rosenberg, những viện hàn lâm ấy là những cái lò xuyên tạc khoa học, những nơi mà bọn tư bản tập trung một số nhà thông thái để tìm cách hợp lý hóa công nghệ làm sao cho bọn chủ lấy lợi to hơn, để chế tạo các vũ khí giết người như vi trùng, bom nguyên tử.

6. Triết học, luân lý, tôn giáo, văn chương, nghệ thuật, đều là thượng tầng kiến trúc và có tính chất giai cấp.

Về triết học chúng ta đã có dịp thấy rõ tính chất giai cấp của nó, nay không cần phải trở lại nữa.

a. Còn về luân lý thì có thể có người tưởng rằng luân lý là đạo làm người, đâu đâu cũng thế, khi nào cũng thế, từng lớp người nào cũng phải theo vì đó là những chân lý muôn thuở như: phải yêu nước, như cần kiệm liêm chính, đừng ăn cắp của người, đừng làm cái gì với người khác mà mình không muốn người khác làm với mình, làm phải, lánh quấy v.v. Thực ra thì một chữ có thể có nghĩa khác nhau, tùy thời đại, tuỳ giai cấp. Phải cho địa chủ thì quấy cho tá điền, tốt cho tư bản thì xấu cho công nhân, cho nên chữ phải quấy, tốt xấu trống không thì không có ý nghĩa. Đối với các nước phong kiến mạnh, các nước đế quốc đi xâm chiếm thuộc địa là “khai hóa”, là cần, là nên làm, mặc dầu bản thân nó không muốn cho xứ khác tới thống trị; Mỹ cấp súng ống cho Pháp đánh Việt nam nhưng nó không ưng Trung hoa viện trợ cho Việt nam; như thế thì “vật thi ư nhân... v.v.” là thế nào?

Còn ta thì quý lao động; chúng thì khinh lao động; làm lụng là vinh quang đối với ta, làm lụng là hèn hạ đối với chúng. Yêu nước ta đánh giặc Pháp, còn bọn bù nhìn nói “yêu nước” mà cùng giặc Pháp giết hại đồng bào. Mọi nguyên tắc luân lý đều từa tựa như thế cả. Nói luân lý tức là nói đến nhân sinh quan, mỗi giai cấp tuỳ thời đại lịch sử mà có nhân sinh quan của nó. Chế độ phong kiến thì có vua tôi, vua bảo tôi chết, không chết không trung; chồng chúa vợ tôi; cha bảo con chết, con không chết không hiếu. Chế độ dân chủ nhân dân thì: vua ra rìa, dân là chủ, nam nữ bình đẳng, và có hội nghị gia đình, kiểm thảo gia đình, hai loại luân lý trái nhau như nước và lửa. Ngay nhân sinh quan của một giai cấp, như phong kiến cũng tuỳ thời mà sau khác trước: Lý, Trần chống ngoại xâm cứu nước, Gia Long, Bảo Đại mang voi về dày mồ ông bà. Thế thì có luân lý vĩnh hằng cho tất cả các giai cấp đâu? Luân lý dựa trên cơ sở kinh tế mà thành lập. Sáu tiêu chuẩn của cán bộ tốt, đó là luân lý, là nhân sinh quan của ta, phong kiến, đế quốc có thích đâu?

Vì thế mà nhân dân bao giờ cũng xây dựng riêng luân lý của mình, khác với luân lý của kẻ bóc lột, chống lại luân lý của chúng. Ta cứ xem ca dao tục ngữ, vè, truyện tiếu lâm của bình dân ta thì rõ. Luân lý thuộc thượng tầng kiến trúc dựng trên cơ sở kinh tế và giai cấp đấu tranh. Tám năm kháng chiến, tám năm giai cấp đấu tranh dưới chính thể dân chủ nhân dân chúng ta tiếp tục truyền thống luân lý nhân dân mà xây dựng nhân sinh quan mới, luân lý mới, con người mới, biết yêu ghét đúng lập trường giai cấp. Như thế để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở của xã hội dân chủ nhân dân, để làm cho chế độ mới càng chóng tiến, chóng mạnh; ta chống lại với luân lý phong kiến, đế quốc vì luân lý ấy chỉ có thể kéo dài chế độ bóc lột của đế quốc và phong kiến mà thôi. Cứ xem một cuộc “đấu” đối với địa chủ phản động, nhất là –sự chuẩn bị cuộc đấu ấy (khi phải giác ngộ một người tá điền, một cố nông, một phụ nữ bị hiếp, một đứa con nuôi v.v.) thì ai ai đều có thể trông thấy sự đấu tranh quyết liệt gay go giữa hai luân lý giai cấp khác nhau, mỗi luân lý phục vụ một cơ sở xã hội khác nhau.

b. Chúng ta đã học khá nhiều về tính chất và tác dụng của tôn giáo; ở đây không cần nói lại nữa.

Chúng ta nói đến văn chương, nghệ thuật:

Nhìn vào văn chương của xứ ta suốt hằng mấy thế kỷ phong kiến, ai cũng thấy hai giòng văn chương đối lập: văn chương bình dân và văn chương quý tộc, một bên thì phong phú vô cùng, một bên thì nô lệ và nghèo nàn. Rồi gần đây cũng thế: Tự lực văn đoàn không tự xưng là tư sản mà chính là văn chương tư sản với tất cả cái bất lực của giai cấp này; kề bên đó có văn chương cách mạng của công nông và tầng lớp tiểu tư sản cách mạng, phản phong, phản đế với những nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Tố Hữu.

Ngôn ngữ không có tính chất giai cấp, nó không phải là thượng tầng, bởi vì nó trực tiếp dính với sự sản xuất, nó là công cụ giao tế giữa các tầng lớp của xã hội, vô luận giai cấp nào cũng đều dùng nó. Nhưng dùng nó để phát biểu tâm tình, ý chí, chính kiến v.v. tức là làm văn thì văn chương lại có tính chất giai cấp và thuộc vào thượng tầng kiến trúc dựng trên cơ sở kinh tế và giai cấp đấu tranh, và phục vụ cho giai cấp, cho cơ sở kinh tế nhất định nào đó. Xem văn của Vũ Trọng Phụng, Tố Hữu thì ta ghét phong kiến đế quốc; xem văn của Tự lực văn đoàn thì truỵ lạc, mất nhuệ khí đấu tranh; xem loại truyện anh hùng, chiến sĩ thì tăng lòng phấn khởi, chiến đấu và kiến thiết cho cách mạng dân chủ mới. Vô tình hay cố ý , người làm văn, ai cũng viết cho người khác đọc, nghĩa là “viết cho ai”, “viết để làm gì”, là những câu hỏi mà văn sĩ nào cũng có giải đáp trong thực tế cả; mỗi văn sĩ nếu không đứng trên lập trường giai cấp này thì đứng trên lập trường giai cấp khác, không phục vụ giai cấp này thì phục vụ giai cấp kia, không chạy đâu khỏi cả. Cho nên ngay người đọc cũng phải lựa sách mà đọc, cũng như người viết phải lựa ai mà phục vụ.

c. Về nghệ thuật cũng thế, mặc dầu rằng sự nhận định tính chất giai cấp và tác dụng giai cấp của một tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiều khi không phải là chuyện dễ. Tuy thế, về kiến trúc: đường tàu hầm ở Mạc-tư-khoa được cả thế giới văn minh gọi là địa hạ cung, đường tàu hầm ở Paris, trái lại là địa ngục lộ, bởi vì, bên này làm ra cho lao động Liên xô hưởng tiện lợi giao thông, bên kia làm ra để bóc lột lao động Pháp; cho nên sự kiến trúc, quan niệm kiến trúc hai đường tàu hầm khác hẳn nhau như hai chế độ khác nhau. Đó là một tỷ dụ về kiến trúc.

Một tỷ dụ khác: Đời Lý còn hưng thịnh, vua tôi đánh cầu mua vui, đời Lý suy tàn thì âm nhạc bi ai tràn ngập triều đình; Nam bộ trước 1930 bị vọng cổ, hoài lang ru ngủ; nhưng từ đó, tức là từ ngày có Đảng Cộng sản Đông Dương thì bao nhiêu chiến sĩ công nông dự các cuộc đấu tranh được nhạc mới nâng cao tinh thần để xông pha súng đạn hoặc để vững lòng trong ngục đế quốc.

Ngày nay, với cách mạng tháng 8 và kháng chiến, cơ sở kinh tế mới, giai cấp đấu tranh mới, còn đâu vọng cổ, các anh chị còn ai hát vọng cổ, Trương Chi, Thiên Thai? Nó chẳng những lôi thôi mà còn phản động, phản cách mạng, mà khắp xóm làng, cơ quan đều vang tiếng nhạc mới, thơ mới lành mạnh như nông dân, hùng tráng như chiến sĩ. Thì rõ ràng là văn học nghệ thuật đều có tính chất giai cấp, đều thuộc thượng tầng kiến trúc và để phục vụ cơ sở, một chế độ xã hội.

Song, có người hỏi nếu văn học nghệ thuật, luân lý, triết lý có tính chất giai cấp thì tại sao ta còn đọc một số sách cũ, xem một số tuồng cũ, ta còn trọng vọng nhiều văn nghệ sĩ của thời phong kiến, tư bản. Họ là phi giai cấp chăng? Tác phẩm của họ không thuộc thượng tầng kiến trúc chăng?

Sở dĩ ta trọng vọng họ và tác phẩm của họ bởi vì trong lịch sử tiến hóa của xã hội, những giai cấp đang lên đều có những lúc tiến bộ, ví dụ như tư sản, có lúc chống áp bức của phong kiến, cho nên nhà văn học nghệ thuật của họ lúc ấy là tiến bộ và có đẩy mạnh tư tưởng loài người tới trước trên con đuờng giải phóng. Cái gì tiến bộ trước kia đều là những gia tài của giai cấp công nhân. Giai cấp tư bản suy tàn không thừa nhận gia tài ấy, tỷ dụ tư sản Pháp bây giờ ruồng bỏ J.J. Rousseau, Diderot mà công nhân Pháp lại học hỏi hai nhà văn đó. Hay là có một số nhà văn tư bản, phong kiến nữa, mô tả thực trạng của xã hội phong kiến, tư bản, nhưng đọc họ, ta thấy các chế độ kia bị bóc trần ra với tất cả xấu xa của nó: ví dụ Balzac hay như truyện Kiều của Nguyễn Du; Tố Như chống Tây Sơn, theo Lê, đầu Nguyễn, nhưng mà ca tụng Từ Hải, bênh vực Kiều, lật tẩy bọn quan lớn triều đình đểu giả. Chính vì thế mà truyện Kiều có nhiều yếu tố tiến bộ trong nội dung, đó là chưa kể rằng Tố Như đã khéo dùng những cái hay tuyệt vời của văn chương bình dân trong sự phát triển của văn chương dân tộc.

Những cái vốn nhân văn đã có từ lâu, và từ lâu dân chúng đã ảnh hưởng mạnh đến một số nhà văn của giai cấp bóc lột. Gia tài ấy, ta không bỏ, ngược lại. Cộng sản chủ nghĩa đúng là tất cả các hiểu biết của loài người tổng cộng lại, như lời Lê-nin. Điều ấy không thủ tiêu được mà càng làm sáng tỏ tính chất giai cấp, thượng tầng của văn chương, nghệ thuật, luân lý…

Về những chính kiến, lý thuyết về xã hội thì là trông thấy rất rõ tính chất giai cấp của nó, ta trông thấy rõ nó là thượng tầng kiến trúc dựa trên cơ sở kinh tế, trên tương quan sản xuất nên bất tất phải nói nhiều.

Chủ nghĩa tôn quân, quân chủ độc tài chỉ có thể thịnh hành dưới chế độ nông nô, phong kiến; khi chế độ ấy còn thấp, từng địa phương tự túc thì phong kiến phân quyền, vua chỉ có vị mà chư hầu lên mặt cát cứ mọi nơi. Khi trong chế độ đó, thương mãi phát triển đến mực nào thì tư tưởng quân chủ tập trung, thống nhất lại xuất hiện.

Tư bản mọc lên thì tư tưởng tôn quân suy xuống, tư tưởng dân chủ, đại nghị, tự do, bình đẳng được truyền bá với tất cả ý nghĩa đả phá khuôn khổ chật hẹp trói buộc của chế độ phong kiến, với tất cả ý nghĩa đòi hỏi tự do lập xí nghiệp, tự do buôn bán, tự do cạnh tranh v.v.

Rồi khi đế quốc suy sụp, giai cấp tranh đấu của công nhân lên cao, tư tưởng và chính kiến phát xít ra đời, Mussolini, Hitler, Eisenhower…

Ngược lại, căn cứ vào sự phát triển của tư bản chủ nghĩa còn thấp, các loại xã hội chủ nghĩa không tưởng được truyền bá; khi tư bản đã vào, thời kỳ tư bản kỹ nghệ giai cấp vô sản cứng cáp lên thì xã hội chủ nghĩa khoa học được thành lập, lúc này các mâu thuẫn của chế độ tư bản đã lộ ra rõ và nó cũng đưa ra đủ điều kiện để giải quyết các mâu thuẫn ấy bằng cuộc Cách mạng Vô sản; chủ nghĩa Mác-Lê ra đời do cuộc xung đột tư sản vô sản, càng giúp cho giai cấp vô sản tiến mạnh trên con đường làm Cách mạng Vô sản.

Nếu dùng phương pháp này mà nghiên cứu đến các học thuyết về xã hội, về kinh tế, về lịch sử, thì chúng ta mới hiểu nổi nguồn cội, tính chất và tác dụng của các loại thượng tầng ý thức ấy.

Ví dụ như khi đồng chí Stalin trình bày về gốc rễ lịch sử của chủ nghĩa Lê-nin và cắt nghĩa tại sao Lê-nin là người sáng lập ra chủ nghĩa Lê-nin, thì đó là kiểu mẫu của cách ứng dụng Duy vật lịch sử mà tìm nguồn cội của một tư tưởng, một chính kiến, một chủ nghĩa. Đồng chí Stalin bắt đầu bằng sự nghiên cứu các điều kiện của tư bản chủ nghĩa phát triển - điều kiện đế quốc chủ nghĩa - các mâu thuẫn của chế độ này, cuộc giai cấp đấu tranh trong giai đoạn mới này, để đi đến kết luận rằng:

Chủ nghĩa Lê-nin là chủ nghĩa Mác trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và Cách mạng vô sản.”

Và khi cắt nghĩa tại sao Lê-nin là người sáng tạo ra chủ nghĩa Lê-nin, đồng chí Stalin cũng bắt đầu bằng sự nghiên cứu các điều kiện xã hội của xứ Nga hoàng, một xứ “đế quốc, phong kiến và quân phiệt”, một “nhà tù của các dân tộc”, nơi trung tâm của Cách mạng thế giới trong đầu thế kỷ thứ hai mươi, để đi đến kết luận rõ ràng rằng: Không lạ gì mà người lãnh tụ của Đảng Cách mạng trong xứ Nga chính là người sáng tạo ra chiến lược và chiến thuật của vô sản chuyên chính cho nhân dân toàn thế giới.

Nếu không hiểu Duy vật lịch sử, nếu là duy tâm, thì hoặc ta sẽ chỉ tìm nguồn cỗi của cách mạng Lê-nin trong đầu óc thông minh của Lê-nin, hoặc ta sẽ chỉ xem chủ nghĩa Lê-nin là sự phát triển “đơn thuần luận lý” của chủ nghĩa Mác; hoặc ta xem cách mạng Lê-nin như một hiện tượng Nga, một hiện tượng địa phương.

Nói tóm lại, quy luật thứ hai của duy vật lịch sử làm cho ta hiểu thấu đáo và chính xác bất cứ thượng tầng ý thức nào của xã hội.

Chính vì lẽ trên mà chúng ta phải:

- Rất mực dè chừng, cảnh giác đối với mọi hình thái của ý thức địch (đánh võ, bài nhạc, bức họa, luân lý, tôn giáo… )

- Tranh đấu kiên nhẫn chống các ý thức địch và phát triển ý thức giai cấp của quần chúng, tự rèn luyện cho bản thân mình tiêu diệt ý thức cũ mà thấm nhuần được ý thức mới.

- Như thế để mau tiêu diệt tương quan sản xuất và xã hội cũ, mau xây dựng tương quan sản xuất và xã hội mới, giải phóng con người ở tận gốc rễ của nó.

- Mỗi khi  ta nghiên cứu một trạng thái của ý thức, một tác phẩm văn nghệ, luân lý, triết lý nào, ta không thể không tìm hiểu chế độ xã hội đã làm nền móng cho nó. Lẽ tất nhiên là chúng ta không quên chú trọng đến ảnh hưởng tương quan giữa những hình thái của ý thức đương thời hay trước đó. Ví dụ, chủ nghĩa Mác ví một luận lý lịch sử thì tiếp nối trên một giai đoạn mới hẳn, xã hội chủ nghĩa Pháp, kinh tế học Anh và triết lý Đức; song căn bản là nó mọc lên trong cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư bản và vô sản trong điều kiện tương quan kinh tế xã hội của thời đại tư bản chủ nghĩa phát triển.

IV. TƯƠNG QUAN GIỮA CƠ SỞ KINH TẾ VÀ THƯỢNG TẦNG CHÍNH TRỊ VÀ PHÁP LÝ

Chúng ta đã phân thượng tầng kiến trúc ra hai loại:

- Loại ý thức tư tưởng (tôn giáo, triết lý, luân lý, văn chương, nghệ thuật, chánh kiến v.v.) và

- Loại tổ chức chính trị, pháp lý. Trong loại này thì chúng ta đặc biệt chú ý đến nhà nước, luật pháp.

Nhà nước là thượng tầng xây dựng trên cơ sở, trên tương quan sản xuất, vì ba lẽ căn bản:

- Lẽ thứ nhất: là vì nói chung nó là sản phẩm của giai cấp đấu tranh.

- Lẽ thứ nhì: là vì mỗi loại tương quan sản xuất có nhà nước tương ứng.

- Lẽ thứ ba: là khi không có giai cấp và giai cấp đấu tranh thì không còn là giai cấp nữa. Nói một cách khác, nhà nước có tính chất giai cấp, phục vụ giai cấp, phục vụ cơ sở kinh tế nào đẻ ra nó, cơ sở ấy mất thì nó không còn, cácơ sở kinh tế mới không thể dùng nhà nước cũ.

Căn nguyên của nhà nước ở đâu?

- Ta gọi “nhà nước” là cái số người chuyên môn lo việc cai trị, với tất cả bộ máy của họ: vua quan hay chính phủ các cấp chính quyền, các bộ phận của chính quyền, quân đội, tòa án, cảnh sát, nhà tù.

Do đâu mà có nó? Có nhà nước?

- Ngày xưa bọn vua chúa truyền rằng trời sai chúng nó xuống trị dân; vua là thiên tử, là con trời. Ngày gần đây, hồi trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Cao Đài “giáng cơ” bảo rằng: “Thầy sai hai họ Hít mà Mút xuống phàm để nhất thống thiên hạ.” (lúc đó Cao Đài thân Đức-Ý-Nhật). Nhiều nhà triết học, ví dụ như Hegel xem Nhà nước, đặc biệt là nhà nước Phổ-lỗ-sĩ là hiện thân của lý trí tuyệt đối, của chân lý tuyệt đối. Còn nhiều bọn chính khách tư bản khác thì nói rằng, xưa sao nay vậy, đã có con người thì có Nhà nước, không có Nhà nước thì không còn có trật tự, không làm ăn gì được.

Thực ra nguồn gốc của Nhà nước đã không phải là thần thánh, mà Nhà nước cũng không phải là lúc nào cũng có. Có những chế độ xã hội không cần có nhà nước; Nhà nước chỉ là thượng tầng kiến trúc phát sinh trên những cơ sở kinh tế nào, trên những tương quan sản xuất nhất định nào mà thôi.

Xã hội cộng sản nguyên thủy không có Nhà nước, vì không có giai cấp, không ai bóc lột ai. Không có nhóm người nào chuyên môn để cai trị các người khác; ai cũng lo làm lụng; có việc gì thì lại các cụ già (đàn ông hay đàn bà) mà xin xét đoán; có giặc thì cả bộ lạc đều võ trang mà đi đánh, không có quân đội riêng, không có cảnh sát, nhà tù nào cả. Ngay hiện giờ, ở những nơi lạc hậu nhất ở Tây nguyên hãy còn di tích của chế độ không Nhà nước này.

Có một lúc nọ, không có Nhà nước. Nhà nước xuất hiện ra ở chỗ nào và ở lúc nào mà xã hội chia phân từng giai cấp, khi có kẻ bóc lột và người bị bóc lột.”1

Khí cụ bằng sắt xuất hiện.

Tương quan sản xuất mới xuất hiện = chế độ chiếm hữu nô lệ. Sau nó, có chế độ nông nô, phong kiến. Rồi đến chế độ tư bản chủ nghĩa.

Ở trong các chế độ nào có đa số bị bóc lột, thiểu số bóc lột, cho nên, thiểu số bóc lột kia thường bị đa số kháng cự; muốn giữ vững quyền lợi của chúng, chúng phải tổ chức ra một số người chuyên môn cai trị, với tất cả bộ máy nhà nước của chúng (tòa án, quan liêu, nhà tù, cảnh sát, quân đội). Nhà nước xuất hiện. Nó xuất hiện trên những cơ sở kinh tế, nô lệ, phong kiến, tư bản.

Nhà nước là một bộ máy cốt để duy trì quyền thống trị của giai cấp này trên giai cấp kia.” (Lê-nin)

Chúng ta đã học, đã biết rằng dưới thời Hy La nhà nuớc thể có nhiều hình thức: đế chế, cộng hòa, quý tộc, dân chủ, song nội dung của nó, là nhà nước chủ nô, cốt để giữ nô lệ làm nô lệ, chủ nô làm chủ nô.

Chúng ta cũng đã học, đã biết rằng, ngày nay, nhà nước tư bản có thể là quân chủ lập hiến như ở Anh, cộng hòa như ở Pháp, chế độ tổng thống như ở Mỹ, phát xít như ở Tây ban nha v.v. đều là Nhà nước của giai cấp tư bản, của bọn tư bản độc quyền, đều là tư bản chuyên chính cả.

Vậy tính chất giai cấp của Nhà nước là rất rõ.

Chính vì thế mà một giai cấp bị trị khi làm Cách mạng, phải phá vỡ Nhà nước cũ mà tổ chức Nhà nước mới của mình, hợp với quyền lợi của mình, hợp với tương quan sản xuất mới. Ví dụ cách mạng Pháp 1789-93 đánh đổ quân chủ chuyên chính lập cộng hòa, cách mạng tháng 10 Nga đánh đổ nhà nước tư bản lập chánh quyền Xô viết, lập vô sản chuyên chính; hay là cách mạng tháng 8 Việt nam phá tan bộ máy đế quốc  phong kiến, lập chính quyền nhân dân, lập nhân dân dân chủ chuyên chính.

Tương quan sản xuất (cơ sở) nào có Nhà nước (thượng tầng) ấy; một  nhà nước này không thể phục vụ cho một  tương quan kia. Khi mối tương quan sản xuất nào đổ đi thì nhà nước của nó phải đổ theo; bằng còn nó, thì đó là bằng chứng rằng tương quan sản xuất chưa đổ trong căn bản: ví dụ, At-li (Lao động Anh) thay thế cho Churchill (Bảo thủ) mà Nhà nưóc vẫn y nguyên; thế nghĩa là mặc dầu có một số công nghệ bị quốc gia hóa, chế độ xã hội Anh vẫn là tư bản đế quốc.

Nhà nước không hững hờ với cơ sở và giai cấp, mà phục vụ cho cơ sở, cho giai cấp.

Có người tưởng tượng rằng, ví dụ như ở Pháp, nghị viện bầu chính phủ, mà nghị viện lại được tòan dân bầu, thì nhà nước ở Pháp là của tòan dân, phục vụ cho tòan dân, đứng lên trên giai cấp.

Nếu nghĩ như thế là trông thấy bề ngòai, không thấy bề trong, mà riêng cái bề ngòai thì cũng chỉ trông thấy một vài măt phụ thuộc mà thôi.

- Nội cái việc các đế quốc đi chiếm thuộc địa đã thừa đủ để chứng tỏ rằng nhà nước của nó là nhà nước tư bản. Người thợ Pháp, người nông dân Pháp, người học sinh Pháp có hưởng gì, mà phải đóng của, đóng máu vì bị các đội quân thuộc địa đàn áp khi họ bãi công biểu tình.

- Khi nhân dân tranh đấu đòi tăng lương, đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt nam thì chính phủ Pháp, tòa Pháp, công an Pháp bắt chiến sĩ họ bỏ tù, trong lúc đó thì những bọn tư bản phản quốc theo Đức hồi Áo được thả ra cả, được trọng dụng.

- Đó là chưa kể rằng tư bản nắm tất cả các đảng (trừ Cộng sản) từ xã hội đến Đờ-gôn; nắm tới đại đa số các tờ báo, muốn là quan võ cao cấp, phải là con bọn quyền quý tư bản v.v.

Vậy nhà nước phục vụ cho giai cấp. Nhà nước phong kiến thì phục vụ cho quý tộc phong kiến; nhà nuớc tư bản thì phục vụ cho tư bản, nhà nước nhân dân thì phục vụ cho nhân dân, cho công nông, cho đa số.

Đừng nói đâu xa, cứ trông vào lịch sử của chúng ta:

- Chế độ quốc gia phong kiến khi mới được thành lập thì trải mấy trăm năm hòan tòan chỉ có con quan được làm quan mà mỗi người quan là một địa chủ nhỏ hay lớn, có tư điền; thực ấp hay thái ấp của nhà vua ban cho, mà nhà vua là tên địa chủ lớn nhất. Mãi về sau mới có học, có thi, mà trước thì có trường giành riêng cho sĩ tộc, sau có nới ra cho dân, nhưng khi đó thì bộ máy nhà nước phong kiến đã mạnh lớn rồi, sĩ phu nghèo có vào đó, cũng là một cái bánh xe nhờ của bộ máy lớn mà thôi…

- Rồi cứ xem nhà nước phong kiến ở xứ ta tiêu diệt hàng trăm các cuộc nông dân bạo động thì rõ.

- Đến đời bây giờ thì chính quyền bù nhìn cũng lộ thật rõ cái chân tướng địa chủ và tư sản mại bản của nó: muốn làm một tên tề quèn ổ thôn quê phải là phú nông cường hào hay địa chủ nhỏ; muốn đi học sĩ quan phải là con nhà “giòng dõi”, nghĩa là giàu có, có đất, có làm nghề đại lý, co cho quèn nghề nô lệ xưa nay. Hầu hết tất cả các chủ tướng bù nhìn đều ở Nam bộ, việc đó chẳng phải bất ngờ, vì Nam bộ là nơi có nhiều địa chủ nhất, địa chủ lại to nhất. Chúng nó phục vụ đế quốc, địa chủ.

- Ngược lại nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta là của nhân dân, phục vụ nhân dân, căn bản là phục vụ công nông, chúng ta đã học kỹ trong phần chính trị, ở đây không cần nhắc lại chỉ cần nói rằng nhà nước không thể đứng lên trên các giai cấp, nó là một tổ chức giai cấp, cho nên để củng cố chính quyền cách mạng, nhà nước nhân dân, chúng ta đề bạt công nhân, và bần cố nông lên, kéo cường hào, địa chủ phản động cúông, chúng ta lấy công nông làm rường cột cho quân đội, công an, chúng ta giúp đỡ cho con em công nông, trí thức đi học, tất cả các chánh đảng và đòan thể đều thừa nhận quyền lãnh đạo của Đảng Lao động… đều là cần yếu để đẩy mạnh kháng chiến đến thành công.

Ví dụ cơ sở kinh tế phong kiến thì mới có Ngô Đinh Lê Lý…  Nhà nước phong kiến  thành lập thì đời vua này qua đời vua kia, chúng nó củng cố và phát triển cơ sở kinh tế phong kiến như ban tư điền, thực ấp, thái ấp cho quần thần chúng nó. Hay là chủ trương chiến tranh xâm lược để lấy thêm đất, cung cấp cho địa chủ, bắt người hàng vạn để làm nô tỳ, điền nô, phân phát cho bọn có thái ấp.

Ví dụ như nhà nước tư bản đi thương thuyết hay làm chiến tranh để tranh thị trường, tìm nguồn nguyên liệu cho tư bản. Ví dụ như thống nhất đo lường, làm đường giao thông, lập truờng đào tạo kỹ sư…  để cho công thương phát triển. Nhất là hễ công nhân, nông dân rục rịch nổi lên thì đàn áp cho bọn tư bản địa chủ yên tâm sống trên đống vàng.

o0o

Cũng như nhà nước phong kiến hay tư bản, nhà nước của chúng ta có tính chất giai cấp rõ, khác chăng là tư bản phong kiến che đậy tính chất giai cấp của nhà nước chúng nó, bởi vì chúng nó là thiểu số, thiểu số và đa số, song đeo mấy tầng mặt nạ cũng bị lật tất. Còn chúng ta là đa số có chính nghĩa, không sợ thiểu sợ nên chúng ta không cần úp mở không cần giấu tính chất giai cấp của  nhà nước chúng ta, trái lại càng nói rõ ra đa số nhân dân càng tỉnh ngộ càng thấy rõ đường đi tới. Cũng như các nhà nước khác, nhà nước  của chúng ta là thượng tầng thì nó phục vụ cho cơ sở. Phục vụ cơ sở nghĩa là làm cho tương quan sản xuất mới được tiến mạnh, được hòan thành, làm cho tương quan sản xuất cũ chóng bị tiêu diệt và không thể mọc trở lại được; hơn nữa nhà nước có nhiệm vụ phát triển các lọai thượng tầng khác, tiêu diệt di tích của các lọai thượng tầng cũ còn rơi rớt lại. Cơ sở kinh tế  phong kiến đã bắt đầu trong chế độ nô lệ, cơ sở kinh tế tư bản đã có trong chế độ phong kiến, nhưng trong chế độ tư bản đế quốc chủ nghĩa thực dân chưa có cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa, chỉ có những điều kiện để xây dựng nó. Chính vì thế mà tác dụng phục vụ cơ sở của nhà nước nhân dân, nhà nước công nông lại càng quan trọng và năng nề vô cùng. Kinh tế tư bản địa chủ ít ra trong tối đại bộ phận là tư nhân; ngược lại kinh tế xã hội chủ nghĩa căn bản là kinh tế quốc gia, kinh tế của tòan dân. Cho nên vai trò tổ chức cơ sở của nhà nước nhân dân thật là quan trọng. Xây dựng kỹ nghệ quốc gia, mậu dịch quốc gia, ngân hàng quốc gia, các nông trường v.v. Nếu nhà nước ta lơ là với cơ sở kinh tế thì không có cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa được. Vã chăng trong bước đầu của chế độ mới, tương quan sản xuất cũ hãy còn nhiều, mạnh: cần phải tiêu diệt nó, ví dụ cách mạng và kháng chiến của ta thực hiện giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, từng bước có kế họach và lãnh đạo tiêu diệt kinh tế phong kiến. Ngay kinh tế tư nhân của tiểu tư sản thành thị và của tiểu nông ở thôn quê, nếu nhà nước cách mạng không chỉ huy nó, dẫn dắt nó thì tự nơi nó không đi vào xã hội cũ mà ngược lại nó sẽ sinh ra tư bản chủ nghĩa. Cho nên nhà nước phải tuần tự có kế họach, có lãnh đạo mà dẫn dắt nó qua đường hợp tác mới để lần lần đi vào xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt tư bản chủ nghĩa tận cái gốc của nó (là quyền tư hữu những tư liệu sản xuất).

Ngay nhà nước của chúng ta cũng không phải là vĩnh viễn. Có ngày nó sẽ tự tiêu diệt. Nhà nước tư bản phong kiến đế quốc thì bị cách mạng xã hội, cách mạng dân chúng tiêu diệt. Ta lật chính phủ nó, ta giải tán bộ máy thống trị của nó, ta lập hội đồng và ủy ban, ta giải tán hội tề, ta lập quân đội mới, công án mới v.v. Còn nhà nước của chúng ta thì, khi nó làm sứ mạng của nó xong thì, không ai tiêu diệt nó, nó lần lần tự tiêu diệt mà thôi. Nhưng từ đây đến đó hãy còn xa. Cần phải luôn luôn nghĩ đến củng cố và phát triển bộ máy Nhà nước, dù là ở Liên xô là nơi đã hết giai cấp, hết người bóc lột người, hết dân tộc áp bức dân tộc rồi.

Bởi vì quanh Liên xô, hãy còn có các đế quốc bao vây.

Bởi vì mỗi nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân cần phải thẳng tay đàn áp bọn phản động trong nước, bọn này liên hiệp với đế quốc bên ngòai.

Bởi vì trong nhiều nước dân chủ nhân dân hãy còn có những giai cấp bóc lột; một giai cấp không bao giờ khoanh tay chịu chết mà không kháng cự đến phút chót.

Bởi vì kinh tế chưa phát triển đến mức mà mỗi người làm tùy sức, hưởng tùy cần.

Chỉ khi nào đến mực này, khi nào tất cả các khả năng bóc lột bị thủ tiêu, trong các xứ xã hội chủ nghĩa rất thù giai cấp, ngoài biên cương các xứ xã hội chủ nghĩa không còn đế quốc lăm le phá hoại, thì khi đó, vì hết giai cấp, nên không thể còn nhà nước là tổ chức giai cấp, vì hết người thống trị người nên không còn có nhà nước và cơ quan thống thị ấy: lập quân đội để đánh ai? Nhà tù để bỏ tù ai? Các cơ quan để quản lý sự vật (tổ chức sản xuất, phân phối, vă hóa) không gọi là Nhà nước được. Xã hội cộng sản thế giới tuy thế, hay vì thế, mà có trật tự, có tổ chức hơn bất cứ xã hội nào trước. Người làm ít giờ về học được bách khoa, có thể đổi nhau mà sản xuất, mà quản lý, không nhất thiết phải bị ràng buộc suốt đời trong một nghề, không có một hạng người chuyên môn việc cai trị hay quản lý nữa. Ngày ấy hãy còn xa.

Muốn đi đến chỗ nhà nước tự tiêu diệt thì phải củng cố nhà nước, chiến đấu không ngừng với phản động, đàn áp chúng, giáo dục ta, bạn, cả thù cũ, tổ chức kinh tế.

o0o

Chúng ta nói đến thượng tầng pháp lý.

Hễ một giai cấp lên cầm quyền thì nó lập luật pháp, tòa án của nó, đúng với những quyền lợi căn bản của nó.

Nhìn vào lịch sử nước ta sẽ thấy ngay rằng, nói chung, pháp lý là thượng tầng dựng trên cơ sở kinh tế, trên một tương quan sản xuất nào.

Tỉ dụ: Khi chế độ phong kiến Việt Nam được hoàn thành dưới nhà Lý, thì Càn-Đức lập Hình Thư, trong hình thư này, phần nhiều các tội (trừ thập ác) thì được lấy tiền mà chuộc tội; đánh chết người thì không bị xử tử. Xét sơ cũng thấy tính chất  giai cấp của luật ấy: nhà giàu mới mua tội được. Lại có luật cấm giết trâu, luật quy định việc mua bán và tranh tụng đất cát; cái luật này rõ ràng là dựng trên cơ sở kinh tế; nó chứng tỏ rằng lúc ấy việc địa chủ chiếm đoạt ruộng đất rất là quan trọng, và chứng tỏ rằng nhà vua săn sóc tài sản của phong kiến địa chủ. Chí ư việc cấm mua con trai quá 18 tuổi làm nô tỳ, hạn chế số nô tỳ hoàng nam quá 18 tuổi ở mỗi nhà, là cốt để cho có người làm điền nô, đi lính, đóng thuế… .

Lại tỉ dụ như: nếu ta muốn hiểu bộ luật Hồng Đức vì sao có tính chất khá tiến bộ đối với luật pháp đời Trần trước đó, thì ta phải tìm lý do trong sự thay đổi về chế độ chiếm hữu ruộng đất từ thời này đến thời kia; nhà Trần dựa trên cơ sở điền trang tháí ấp, nhà Trần suy vong, căn bản tại sự khủng hoảng của chế độ điền trang thaí ấp đó. Qua Hồ, đến 10 năm kháng chiến chống phong kiến Minh xâm lược, thì người nông dân kháng chiến đả phá, trong căn bản, cái chế độ điền trang thaí ấp ấy –điều này là lý do chính của cuộc chiến thắng của Lê Lợi-; cho nên khi nhà Lê thành lập thì tình trạng nông thôn đã đổi mới rồi; luật pháp về quân điền, hạn điền, thủ tiêu chế độ nô tỳ, định lương người làm công, đàn bà có một ít quyền lợi, cũng đều do đó mà ra cả.

Lẽ cố nhiên, không chỉ có thế thôi.

Cũng có thể lấy một tỉ dụ nữa là: khi ta muốn hiểu vì sao bộ luật Gia Long lại phản động vô cùng thì ta phải chú ý đến những điều sau đây:

- Gia Long dựa vào thế lực của bọn đại địa chủ Nam kỳ (và dựa vào thế lực của ngoại quốc) mà chiến thắng.

- Gia Long thắng Tây Sơn, xét cho cùng là địa chủ phong kiến thắng quần chúng nông dân, quần chúng nông dân này, trong lúc Tây Sơn mới khởi nghĩa, bắc chinh và nam phạt đã ủng hộ Tây Sơn, và sau thất vọng với Triều Tây Sơn...

- Phong kiến thủ cựu, chống lại sự tiến bộ theo con đường tư bản chủ nghĩa, nên bắt chước một cách vụng về những pháp luật của nhà Thanh cũng vô cùng phản động, phản tiến bộ.

o0o

Đến ngày nay, Cách mạng tháng 8 và kháng chiến và kháng chiến trường kỳ của chúng ta tuần tự sinh ra pháp lý mới. Tất cả pháp lý phong kiến bị thủ tiêu; tất cả pháp lý thực dân đều không dùng được nữa. Pháp lý mới dựa vào tình hình giai cấp đấu tranh mới, dựa vào tương quan sản xuất mới. Cho nên, một mặt thì bộ máy tư pháp của ta tổ chức khác hẳn khi trước (tòa án nhân dân, hội thẩm nhân dân, biện hộ nhân dân v.v.); một mặt nữa, chỉ còn cái gì lợi cho nhân dân, lợi cho cách mạng, lợi cho kháng chiến thì cái ấy là hợp pháp: giảm tô tức, chia ruộng đất, bảo vệ của công, luật lao động, lao tư lưỡng lợi, công tư kiêm cố, trừng trị cường hào, phản động, lưu manh… 

Tất cả pháp luật ấy, không phải có sẵn trong đầu óc của một nhà làm luật nào, mà xuất phát tự tương quan sản xuất mới, tự giai cấp đấu tranh mới.

Lẽ tất nhiên là khi từ chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa thì luật pháp sẽ phải tiến lên, đổi mới, bởi vì nó tiêu biểu cho tương quan sản xuất mới nữa, tiêu biểu cho một trình độ giai cấp đấu tranh cao hơn, mới hơn.

Cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ mà thấy rằng cách mạng tháng 10 thủ tiêu quyền tư hữu của địa chủ tư bản Nga thì luật pháp cũ đổ nát theo, thì có hiến pháp của Lê-nin; rồi khi sự xây dựng xã hội chủ nghĩa được thắng lợi, các giai cấp bóc lột bị thủ tiêu toàn bộ, toàn bộ nông dân vào công cọng nông trường, thì hiến pháp Stalin ra đời. Hiến pháp là trụ cột của các luật pháp khác.

Có người sẽ hỏi: nếu vậy thì tại sao giai cấp tư sản khi quyết đánh đổ phong kiến, lại theo tinh thần của pháp lý La mã cũ kỹ?

- Bơi vì pháp lý La mã là một pháp lý bênh vực tư hữu tài sản và hoàn toàn không vướng với tài sản và chế độ phong kiến cho nên, so với luật pháp phong kiến thì pháp lý La mã tiện lợi cho sự giải phóng của tư bản khỏi ách phong kiến. Đến khi chế độ tư bản được hoàn thành, thì những bộ luật như bộ luật của Napoleon quy định những thắng lợi của tư bản đối với phong kiến và đối với nhân dân lao động nữa; nó được dựng trên cơ sở của một tương quan sản xuất mới, tương quan tư bản, tương quan giữa tư bản và vô sản.

Vì những lẽ trên của những ai xem tinh thần pháp lý và pháp lý nói chung, như là chân lý vĩnh hằng, xa rời với kinh tế và giai cấp, thời nào dùng cũng được thì người ấy chẳng những sai lầm mà là tôi đòi của các giai cấp thống trị.

Cuộc bút chiến trên báo “Sự thật” năm 1918-49 đã kết thúc bằng sự thất bại của những người duy tâm, mà đó là một mặt của sự thất bại của đế quốc Pháp trong cuộc xâm chiếm xứ ta trong âm mưu phá Cách mạng dân chủ nhân dân của chúng ta và đó là một thắng lợi của tư tưởng Mác-Lê của quan điểm duy vật lịch sử của Cách mạng và Kháng chiến.

V. TƯƠNG HỖ TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG BỘ PHẬN KHÁC NHAU CỦA THƯỢNG TẦNG KIẾN TRÚC

Bên trên chúng ta đã nói đến các điểm chính của sự tương ứng giữa cơ sở và thượng tầng ý thức pháp lý, chính trị, cơ sở quyết định thượng tầng, thượng tầng ảnh hưởng ngược lại đến cơ sở.

Ở đây chúng ta dần nói thêm đến một điểm nữa là ảnh hưởng qua lại giữa các bộ phận của thượng tầng với nhau. Nếu thiếu điểm này thì ta dẽ bị sa vào sai lầm máy móc. Thời thượng cổ, lúc tổ tiên của chúng ta sống bằng nghề đánh cá, vượt biển, nên lấy con chim Lạc làm hướng dẫn biểu hiện do đó lần lần tin rằng chim Lạc làm vật tổ; rồi sự tin ấy ảnh hưởng đến nghệ thuật người Lạc Việt. Cũng như sau đó hè lâu, sự tin tưởng vào Đạo Phật là “miếng đất” của rất nhiều mặt văn chương, triết lý, kiến trúc, điêu khắc… suốt mấy đời Lý, Trần.

Về sau nữa, tư tưởng Khổng Mạnh ảnh hưởng rất mạnh đến văn chương, phong tục của chúng ta suốt nhiều thế kỷ.

Ai cũng biết rằng chủ nghĩa Mác-Lê có sức làm cho một nhà văn, một nghệ sĩ thay đổi nhãn quan của mình –ngó đúng hơn, hiểu sâu hơn- do đó mà họ thay đổi đề tài hình thức và nội dung của các tác phẩm của họ.

Ai cũng biết rằng chính quyền (nhân dân) có một tác dụng rất quyết định trong việc đặt ra luật pháp, trong việc đào tạo văn nghệ sĩ, phát triển văn học, nghệ thuật, triết lý, luân lý và một nhân sinh quan như “Cần, Kiệm, Liêm Chính”, “Chí công vô tư” như sáu tiêu chuẩn của một cán bộ tốt, có sức làm cho chính quyền ta trong sạch hơn, phục vụ nhân dân một cách đắc lực hơn.

Đã đành rằng muốn đánh đổ mê tín, phải chia đất cho dân cày, phải nâng cao mực sống của nhân dân, phải phát triển kỹ thuật sản xuất v.v. nghĩa là phải xây dựng tương quan sản xuất dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa; nhưng trên con đường ấy, sự giáo dục, tuyên truyền, sách vở, tranh ảnh, cả pháp lý (ví dụ như luật tách rời Nhà nước và Nhà thờ, luật ngăn cản sự tuyên truyền và hành động phản quốc của bọn gian ác đội lốt thầy tu) đều giúp mạnh vào việc giác ngộ quần chúng.

Để mặc nó, chỉ lo cải biến cơ sở thì tự nó nó sẽ không sớm chết đâu, lại còn có tác hại lớn cho sự xây dựng cơ sở mới. Một trong những đặc điểm của ý thức hệ là sau khi xuất hiện, nó có thể sống một cách tự lập, có thể sinh ra những hình thái ý thức khác, và rất nhiều khi nó hãy còn có ảnh hưởng mạnh sau khi cơ sở của nó đã tan rồi.

Nói tóm lại, nghiên cứu một thượng tầng kinh tế nào chẳng những chúng ta phải tìm lý do ở cơ sở kinh tế, mà cả ảnh hưởng qua lại nhiều khi rất sâu sắc và phức tạp giữa những bộ phận khác nhau của thượng tầng.

 



1 Karl Marx., Tựa của sách Phê bình kinh tế chính trị học.

1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Stuart Chase, Goal for America

2 Dewey, Problem of men, 1946

1           (Thư gửi cho Block)

1 Lê-nin

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt