Chủ nghĩa Marx

Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Democritus và triết học tự nhiên của Epicurus: Phần thứ nhất

 

SỰ KHÁC NHAU GIỮA

TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA DEMOCRITUS

VÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA EPICURUS

KARL MARX (1818-1883)

 

PHẦN THỨ NHẤT

SỰ KHÁC NHAU GIỮA TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA DEMOCRITUS VÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA EPICURUS NÓI CHUNG

 

I. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Thoạt nhìn, triết học Hy Lạp đã kết thúc theo cách mà một tấm bi kịch hay không được kết thúc như vậy, tức là: bằng một kết cục vô vị. Hình như, với Aristotle- một nhân vật Alexander Macedon của triết học Hy Lạp - đã kết thúc lịch sử khách quan của triết học ở Hy Lạp, và ngay cả những người theo chủ nghĩa khắc kỷ mạnh mẽ và dũng cảm cũng không làm được điều mà người Sparta đã làm được trong các đền thờ của họ: cột chặt Athena vào Hercules để Athens không thể bỏ chạy được.

Người ta xem các trường phái Epicurus, khắc kỷ, hoài nghi hầu như là một vật phụ không đúng chỗ, tuyệt nhiên không phù hợp chút nào với những tiền đề vĩ đại của mình. Triết học Epicurus tuồng như thể là một tổ hợp gồm vật lý học Democritus và đạo đức học của trường phái Cyrenaics chủ nghĩa khắc kỷ tựa hồ như là sự kết hợp triết học tự nhiên của Heraclitus, thế giới quan đạo đức của trường phái Cynic và có lẽ cả lô-gích học của Aristotle; sau chót chủ nghĩa hoài nghi tựa hồ như là tai ương tất yếu chống lại tất cả những hệ thống giáo điều ấy. Như vậy, qua việc biến những học thuyết triết học ấy thành chủ nghĩa chiết trung phiến diện và có thiên hướng, người ta đã liên kết một cách vô ý thức chúng với triết học thuộc trường phái Alexander. Sau cùng, triết học thuộc trường phái Alexander được xem là sự viển vông hoàn toàn và sự hỗn loạn, như là một mớ bòng bong mà trong đó người ta bảo là nhiều lắm cũng chỉ có thể thừa nhận có tính vạn năng của chủ định.

Tuy nhiên, tồn tại một chân lý rất cũ xưa nói rằng sự xuất hiện, sự hưng thịnh và sự diệt vong tạo thành vòng tròn sắt thép trong đó chứa đựng mọi cái mang nhân tính và cái nhân tính ấy phải đi qua vòng tròn đó đến cùng. Trong trường hợp này không có gì đáng ngạc nhiên nếu triết học Hy Lạp sau khi đạt đến điểm cực thịnh, mà đại diện là Aristotle, sau đó nó lại tàn lụi. Nhưng cái chết của những anh hùng lại giống mặt trời lặn, chứ không giống cái chết của con ếch bị vỡ bụng vì căng phồng.

Ngoài ra, sự nảy sinh, sự hưng thịnh và sự diệt vong - đó là những quan niệm hoàn toàn chung chung, hoàn toàn mù mờ, tuy nhiên, người ta có thể nhồi nhét vào những quan niệm ấy mọi cái, nhưng qua những quan niệm ấy lại không thể hiểu gì được. Bản thân sự diệt vong đã chứa đựng trong sinh vật, nên vì vậy cần xem hình thức đặc trưng của nó - cũng y như hình thái nhất định của sự sống - trong tính chất đặc biệt đặc thù của nó.

Sau cùng, nếu nhìn vào lịch sử thì liệu triết học Epicurus, chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa hoài nghi có phải là những hiện tượng có tính chất bộ phận không? Liệu những học thuyết ấy có đại diện cho những loại hình cơ bản của tinh thần La Mã hay không, có đại diện cho cái hình thức trong đó Hy Lạp đã đi sang La Mã không? Về thực chất, liệu những học thuyết ấy có mang tính chất điển hình, mạnh mẽ, vĩnh cửu đến mức là ngay cả thế giới hiện tại cũng phải công nhận các học thuyết ấy hoàn toàn có quyền công dân xét về phương diện tinh thần?

Tôi nêu điều này ra chỉ cốt để lưu ý tính chất quan trọng về mặt lịch sử của những hệ thống này. Nhưng ở đây vấn đề không phải là ý nghĩa chung của chúng đối với học vấn nói chung; vấn đề là mối liên hệ của chúng với triết học Hy Lạp cổ xưa hơn.

Phải chăng cần phải thức tỉnh thái độ ấy, ít ra là đối với việc nghiên cứu xem bằng cách nào mà triết học Hy Lạp lại kết thúc bằng hai nhóm khác nhau của những hệ thống chiết trung mà một hệ thống trong đó gồm một chuỗi các triết học: Epicurus, khắc kỷ và hoài nghi, mà hệ thống triết học khắc kỷ thì được biết đến dưới tên gọi chung của triết học tư biện của trường phái Alexander? Tiếp nữa, phải chăng không tuyệt vời hay sao khi có sự thật là sau các hệ thống triết học của Plato và Aristotle, gần đạt đến sự hoàn thiện xét về bề rộng của tầm bao trùm của chúng, thì lại xuất hiện những hệ thống mới không dựa vào những hình thức tinh thần phong phú ấy, mà lại quay lùi hết sức xa về phía sau, trở về với những trường phái giản đơn nhất: trong lĩnh vực vật lý thì quay về với các nhà triết học tự nhiên, còn trong lĩnh vực đạo đức học thì quay về với trường phái Socrates? Tiếp nữa, lấy gì giải thích sự thật là những hệ thống xuất hiện sau Aristotle lại tựa hồ như tìm thấy trong quá khứ cái nền tảng của mình như là cái gì có sẵn, còn Democritus lại được kết hợp với trường phái Cyrenaics, Heraclitus thì được kết hợp với trường phái Cynic? Phải chăng là hiện tượng ngẫu nhiên khi mà ở trường phái Epicurus, khắc kỷ và hoài nghi đã hoàn toàn thể hiện tất cả mọi yếu tố tự giác, nhưng mỗi yếu tố đều được thể hiện ở đây như là gì đó tồn tại riêng biệt? Phải chăng là hiện tượng ngẫu nhiên khi mà những hệ thống ấy gộp cả lại, tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh của tự giác? Sau hết, phải chăng là sự ngẫu nhiên, khi mà những hệ thống nêu trên đã thừa nhận là hiện thực của khoa học đích thực cái hình tượng - mà đại diện cho nó là bẩy nhà thông thái - đánh dấu nguồn gốc thần thoại của triết học Hy Lạp, và hình tượng ấy, tựa như tiêu điểm, kết tinh trong Socrates, thần tượng của triết học, tôi muốn nói đến hình tượng nhà thông thái - dojós.

Tôi cảm thấy rằng nếu như những hệ thống triết học trước kia đáng chú ý nhiều hơn và có ý nghĩa lớn hơn, xét về nội dung của triết học Hy Lạp, thì những hệ thống hậu Aristotle, chủ yếu là chuỗi các trường phái Epicurus, khắc kỷ và hoài nghi, lại có ý nghĩa lớn hơn và đáng chú ý xét về hình thức chủ quan của nó. Song, chính cái hình thức chủ quan ấy - hiện thân tinh thần của các hệ thống triết học - cho đến nay gần như hoàn toàn bị lãng quên vì những định nghĩa siêu hình của chúng.

Tôi dự định trong một công trình khảo cứu chi tiết hơn sẽ trình bày các triết học Epicurus, khắc kỷ và hoài nghi, trong tổng hoà của chúng và với sự thể hiện đầy đủ thái độ của chúng đối với tư duy triết học sớm hơn về trước và muộn hơn sau này của Hy Lạp.

Ở đây chỉ cần phát triển quan hệ này, có thể qua một ví dụ và chỉ ở một khía cạnh - cụ thể ở khía cạnh mối liên hệ của những triết học ấy với tư duy triết học thời kỳ sớm hơn về trước.

Tôi dẫn ra đây một ví dụ, đó là thái độ của triết học tự nhiên của Epicurus đối với triết học tự nhiên của Democritus. Tôi không nghĩ rằng thái độ ấy là điểm xuất phát thích hợp nhất. Bởi vì, một mặt, đây là một định kiến cũ, đã ăn sâu - quy đồng vật lý học của Democritus với vật lý học của Epicurus và chỉ nhìn thấy, những điều mơ tưởng tuỳ tiện qua những sửa đổi mà Epicurus đã đưa vào, mặt khác, về những chi tiết thì tôi buộc phải đi vào những điều có thể tưởng như là vụn vặt. Song, chính vì định kiến này cũng cũ xưa như lịch sử của triết học, và những sự khác biệt bị ẩn giấu sâu đến nỗi tưởng như thể chỉ có dùng kính hiển vi mới phát hiện thấy những cái khác biệt ấy,- Chính vì thế mà đặc biệt cần phải chỉ rõ sự khác biệt căn bản, đến tận những chi tiết nhỏ nhất, giữa vật lý học của Democritus và vật lý học của Epicurus, mặc dù giữa hai vật lý học ấy có mối liên hệ. Những gì có thể phát hiện thấy qua những chi tiết thì lại dễ dàng phát hiện ra hơn ở nơi mà những quan hệ ấy được thể hiện trên một quy mô lớn hơn, - trong khi đó thì, ngược lại, những lý do hoàn toàn chung chung khiến người ta nghi ngờ liệu trong mỗi trường hợp riêng rẽ kết luận chung có được chứng thực không.

II. NHỮNG SUY XÉT VỀ QUAN HỆ GIỮA VẬT LÝ HỌC CỦA DEMOCRITUS VỚI VẬT LÝ HỌC CỦA EPICURUS

Nói chung, ý kiến của tôi có quan hệ như thế nào đối với những ý kiến trước kia, - điều đó sẽ rõ khi chúng ta xem xét lướt qua những suy xét của người xưa về quan hệ giữa vật lý học của Democritus và vật lý học của Epicurus.

Posidonius the Stoic, NicolausSotion quy lỗi cho Epicurus rằng ông này đã nhận học thuyết của Democritus về nguyên tử và học thuyết của Aristippus về lạc thú là học thuyết của chính mình1*. Viện sĩ hàn lâm Cotta đặt câu hỏi với Cicero: "Vậy, ở đây trong vật lý học của Epicurus cụ thể có gì không thuộc về Democritus? Đúng là Epicurus đã sửa đổi vài điều, nhưng phần nhiều ông ta lặp lại lời của Democritus"2*. Bản thân Cicero thì nói: "Trong vật lý học - khoa học mà Epicurus đặc biệt khoe khoang - ông ta hoàn toàn không am hiểu. Phần lớn thuộc về Democritus; còn ở chỗ nào mà Epicurus tách khỏi Democritus, ở chỗ nào mà ông ta muốn sửa đổi ở những chỗ ấy ông ta chỉ làm hỏng và làm xấu đi"3*. Nhưng trong khi nhiều người quở trách Epicurus rằng ông ta đã bôi nhọ tên tuổi của Democritus, thì ngược lại Leonteus lại khẳng định (như Plutarch đã nói như thế) rằng Epicurus đã quý trọng Democritus vì trước Epicurus ông ấy đã đưa ra một học thuyết chân chính, rằng ông ấy đã phát hiện ra từ sớm hơn những nguyên tắc của giới tự nhiên4*. Trong tác phẩm "Về những ý kiến của các nhà triết học"[1] Epicurus tự đặt tên cho mình là nhà triết học theo tinh thần Democritus5*. Trong tác phẩm "Colotes" của mình Plutarch đã đi xa hơn. So sánh theo trình tự Epicurus với Democritus,  Empedocles, Parmenides, Plato, Socrates, Stilpo, trường phái Cyrenaics và các viện sĩ hàn lâm, ông ta đã cố gắng đưa ra kết luận cho rằng "Trong toàn bộ triết học Hy Lạp Epicurus đã quán triệt cái sai lầm, nhưng đã không hiểu được cái chân lý"6*. Cả tác phẩm có nhan đề là "Đi theo Epicurus không thể sống hạnh phúc" cũng tràn đầy những sự bịa đặt thù địch loại đó.

Cũng thấy như vậy cái ý kiến ghét bỏ ấy của các tác giả thời kỳ xa xưa hơn ở các cha cố giáo hội. Trong phần chú thích tôi chỉ dẫn ra một đoạn từ tác phẩm của Clement ở Alexandria7*, một cha cố giáo hội, mà thái độ của ông ta đối với Epicurus đặc biệt đáng được nêu lên, vì lời cảnh báo của tông đồ Paul chống lại triết học đã được ông ta biến thành lời cảnh báo chống lại triết học Epicurus là triết học thậm chí đã không nói hão huyền về thiên mệnh và những điều tương tự8*. Nhưng người ta nói chung đã có xu hướng quy tội Epicurus đánh cắp văn - điều này đã được Sextus Empiricus chỉ ra một cách rõ ràng nhất, ông này toan đưa ra một số đoạn hoàn toàn không thích hợp trong tác phẩm của Homer và Epicharmus9* để coi đó như là những nguồn chủ yếu của triết học Epicurus.

Như đã biết, các tác giả hiện đại nói chung tất cả cũng đều chỉ xem Epicurus - trong chừng mực Epicurus là nhà triết học tự nhiên - là kẻ đánh cắp văn của Democritus. Ở đây ý kiến của họ nói chung có thể được thể hiện qua một ý kiến nhận xét của Leibniz:

"Chúng ta biết về con người vĩ đại ấy" (Democritus) "gần như chỉ những gì mà Epicurus đã vay mượn của ông, Epicurus thì luôn luôn không đủ năng lực lấy ở ông cái ưu tú nhất"10*.

Như vậy, theo lời Cicero, nếu Epicurus làm cho học thuyết của Democritus kém đi, Cicero lại thừa nhận rằng Epicurus ít ra cũng có ý định sửa đổi học thuyết của Democritus và có năng lực nhìn thấy những khiếm khuyết của học thuyết ấy; nếu như Plutarch quy cho ông là không nhất quán11* và vốn từ trước đã có xu hướng làm cho đỡ đi, qua đó mà cũng nghi ngờ cả những ý định của ông, thì Leibniz thậm chí còn cho rằng ông không có năng lực biết cách rút ra những đoạn trích dẫn của Democritus.

Song mọi người đều đồng ý là Epicurus đã vay mượn vật lý học của Democritus.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN NẢY SINH KHI QUY ĐỒNG TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA DEMOCRITUS VỚI TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN CỦA EPICURUS

Ngoài những bằng chứng lịch sử thì còn nhiều cái nói lên sự đồng nhất giữa vật lý học của Democritus và vật lý học của Epicurus. Không nghi ngờ gì nữa những nguyên lý - các nguyên tử và khoảng trống - đều như nhau. Chỉ có trong những định nghĩa riêng lẻ hình như thấy nổi trội sự khác biệt tuỳ tiện, do đó là sự khác biệt không quan trọng.

Nhưng nếu vậy thì có một điều bí ẩn kỳ lạ không thể giải quyết được. Hai nhà triết học đều đưa ra cùng một môn khoa học, phát triển môn khoa học ấy bằng cùng một phương pháp, song - đây là điều không nhất quán! - họ lại đối lập hoàn toàn với nhau về mọi khía cạnh liên quan đến vấn đề chân lý, tính xác thực, cách ứng dụng môn khoa học ấy, những gì nói chung liên quan đến quan hệ giữa các nhà tư tưởng và hiện thực. Tôi nói rằng họ đối lập hoàn toàn với nhau, bây giờ tôi sẽ cố gắng chứng minh điều này.

A) Hình như khó mà xác định được suy xét của Democritus về tính chân lý và tính xác thực của tri thức con người. Ông có những đoạn mâu thuẫn với nhau, hay là nói đúng hơn, không phải những đoạn ấy mâu thuẫn với nhau, mà chính là các quan điểm của Democritus mâu thuẫn với nhau. Trong bài bình luận về tâm lý học của Aristotle, Trendelenburg đưa ra lời khẳng định rằng chỉ có các tác giả thời kỳ sau này, chứ không phải Aristotle, mới biết về sự mâu thuẫn này; trên thực tế thì lời khẳng định ấy không đúng. Trong tác phẩm tâm lý học(a) của Aristotle, có nói: "Democritus coi linh hồn và lý trí chỉ là một, bởi vì, theo ý kiến ông, hiện tượng là chân lý"12*, nhưng ngược lại, trong tác phẩm "siêu hình học" lại nói: "Democritus khẳng định rằng hoặc chẳng có gì là chân lý hoặc chân lý bị che khuất khỏi chúng ta"13*. Phải chăng những câu ấy trong tác phẩm của Aristotle không mâu thuẫn với nhau? Nếu hiện tượng là chân lý thì làm sao chân lý có thể bị che khuất được? Cái bị che giấu chỉ bắt đầu tồn tại ở chỗ nào hiện tượng và chân lý tách xa nhau ra(b). Nhưng Diogenes Laertius nói rằng người ta liệt Democritus vào trường phái hoài nghi. Người ta dẫn ra danh ngôn của ông: "Quả thật chúng ta không biết gì cả, bởi vì chân lý bị che khuất trong cõi sâu thẳm"14*. Những nhận xét có thể tìm thấy ở Sextus Empiricus 15*.

Quan điểm hoài nghi, không vững tin và đầy mâu thuẫn nội tại ấy của Democritus chỉ được tiếp tục phát triển ở cái cách ông xác định quan hệ của nguyên tử và thế giới cảm thụ được bằng cảm giác.

Một mặt, hiện tượng cảm tính không phải là đặc trưng của bản thân nguyên tử. Nó không phải là hiện tượng khách quan, mà là vẻ bề ngoài mang tính chủ quan. "Những nguyên tắc đích thực - đó là những nguyên tử và khoảng trống; mọi thứ khácý kiến, là vẻ bề ngoài"16* "Chỉ có trong ý kiến mới tồn tại cái lạnh, chỉ có trong ý kiến mới tồn tại cái nóng, còn trong hiện thực thì chỉ có các nguyên tử khoảng trống"17*. Do vậy, cái đơn nhất thực ra không được tạo ra từ nhiều nguyên tử, còn "kết quả sự kết hợp các nguyên tử lại là cảm thấy rằng đã xuất hiện mọi cái đơn nhất"18*. Vì thế chỉ có dùng trí tuệ mới thấu hiểu được những nguyên tắc mà vì quy mô nhỏ bé nên chúng không đến được với con mắt cảm tính và vì thế chúng thậm chí được gọi là những ý tưởng19*. Song, mặt khác, hiện tượng cảm tính là khách thể duy nhất đích thực, và "sự cảm thụ cảm tính" chính là "sự tư duy lý trí", nhưng cái đích thực ấy lại biến đổi, không cố định, nó là hiện tượng. Nhưng nếu nói: hiện tượng là cái đích thực thì có nghĩa là mâu thuẫn với chính bản thân mình20*. Như vậy, lúc thì mặt này, lúc thì mặt khác luân phiên biến thành cái chủ thể hoặc cái khách thể. Thế là mâu thuẫn tựa hồ được loại bỏ nhờ cả hai mặt mâu thuẫn ấy được phân bố giữa hai thế giới. Do đó, Democritus biến hiện thực cảm tính thành vẻ bề ngoài mang tính chủ thể, nhưng nghịch lý bị xua đuổi ra khỏi thế giới của các khách thể lại tiếp tục tồn tại trong tự ý thức của chính thế giới ấy, trong tự ý thức ấy khái niệm nguyên tử và sự trực quan cảm tính lại va chạm với nhau một cách thù địch.

Như vậy, Democritus không tránh khỏi nghịch lý. Ở đây chưa phải là chỗ giải thích nghịch lý ấy. Không thể phủ nhận sự tồn tại của nó, như thế là đủ rồi.

Ngược lại, chúng ta hãy nghe Epicurus.

Ông nói: nhà thông thái có thái độ giáo điều, chứ không phải thái độ hoài nghi21* đối với các sự vật. Và sự nổi trội của ông so với những người khác chính là ở chỗ ông vững tin vào tri thức của mình22*. "Tất cả mọi cái cảm giác thực chất là những tín hiệu của cái đích thực23* "Không có gì có thể bác bỏ sự cảm thụ cảm tính: sự cảm thụ đồng nhất không thể bác bỏ sự cảm thụ khác đồng nhất với nó, bởi vì chúng như nhau, còn cái không đồng nhất thì không thể bác bỏ cái không đồng nhất, bởi vì chúng suy xét không về cùng một cái; khái niệm cũng không thể bác bỏ nó, vì khái niệm phụ thuộc vào những sự cảm thụ cảm tính"24*, - đã được nói ra như thế trong tác phẩm "Giáo luật". Nhưng trong khi Democritus làm cho thế giới cảm tính trở thành vẻ bề ngoài mang tính chủ thể thì Epicurus lại làm cho thế giới ấy trở thành hiện tượng mang tính khách thể. Và ông cố ý xem đây là sự khác biệt của ông với Democritus, vì ông khẳng định rằng ông cũng chia sẻ chính những nguyên lý ấy, song ông không coi những chất lượng cảm tính chỉ tồn tại trong ý kiến25*.

Nhưng như thế, nếu sự cảm thụ cảm tính là tiêu chí đối với Epicurus; nếu hiện tượng mang tính khách thể phù hợp với sự cảm thụ, - thì chỉ còn có việc thừa nhận những gì đã buộc Cicero phải nhún vai kết luận đúng đắn. "Democritus, với tư cách là con người khoa học và hoàn toàn nắm vững môn địa lý, quan niệm mặt trời là vĩ đại xét về quy mô, còn Epicurus lại quan niệm mặt trời to khoảng bằng hai phút, bởi vì ông cho rằng trong thực tế quy mô của mặt trời bằng với cỡ mà chúng ta tưởng"26*.

B) Sự khác biệt đó trong các quan điểm lý luận của Democritus và Epicurus về tính xác thực của khoa học và tính đích thực của các đối tượng của khoa học biểu hiện ra qua sự khác nhau về nghị lực khoa học hoạt động thực tiễn của hai nhà tư tưởng ấy.

Democritus - đối với ông nguyên lý không biểu hiện ra trong hiện tượng, mà bị tước mất tính hiện thực và sự tồn tại - lại thấy được trước bản thân mình một thế giới của sự cảm thụ mang cảm tính với tư cách là thế giới hiện thực và đầy đủ nội dung. Thật ra, thế giới ấy chỉ là vẻ bề ngoài mang tính chủ thể, nhưng chính vì thế mà nó tách rời khỏi nguyên lý và tồn tại trong hiện thực độc lập của mình; đồng thời là khách thể hiện thực duy nhất, thế giới ấy có giá trị và ý nghĩa trong tư cách như thế. Vì vậy, Democritus buộc phải chuyển sang quan sát bằng kinh nghiệm. Không thoả mãn với triết học, ông đã lao vào lòng tri thức thực chứng. Chúng ta đã nghe nói rằng Cicero gọi ông ấy là vir eruditus(d). Ông thông thạo về vật lý học, đạo đức học, toán học, về tất cả các môn khoa học thuộc phạm vi tri thức trong thời đại ông, về tất cả các môn nghệ thuật27*. Chỉ riêng bản liệt kê các tác phẩm của Democritus - do Diogenes Laertius dẫn ra - cũng đã chứng tỏ sự uyên bác của ông28*. Nhưng vì đối với tinh thần uyên bác thì điều tiêu biểu là chí hướng muốn càng ngày càng tự mở rộng tầm hiểu biết, thu thập tư liệu, hướng những tìm tòi của mình ra ngoài, cho nên chúng ta thấy Democritus đi nửa vòng thế giới để tích luỹ kinh nghiệm, tri thức và những sự quan sát. Democritus kiêu hãnh nói về bản thân: "Trong tất cả những nhân vật cùng thời đại với tôi, tôi là người đã đi qua phần lớn nhất của trái đất để nghiên cứu cái xa xôi nhất; tôi đã được nhìn thấy nhiều miền đất và quốc gia nhất, tôi đã được nghe thấy những lời phát biểu của một số lượng lớn nhất các nhà khoa học, còn trong việc kết hợp các tuyến có liên quan đến việc chứng minh thì không một ai vượt trội tôi, thậm chí cả những nhân vật Ai Cập gọi là Arsipedonapts (e)29*.

Trong tác phẩm "Những tác giả cùng tên", Demetrius, cũng như trong tác phẩm "Những người kế thừa" Antisthenes đã kể lại rằng Democritus đã lên đường đi Ai Cập, đến gặp các nhà tư tế để học môn hình học, và đến gặp các người thuộc bộ tộc Chaldeans ở Ba Tư và ông đã đi đến Hồng Hải. Một số người khẳng định rằng ông đã gặp gymnosophists[2] (các nhà triết học khổ hạnh) ở Ấn Độ và ông đã có mặt ở Ethiopia30*. Một mặt, lòng khao khát tri thức không để ông được yên; mặt khác, thái độ không bằng lòng với tri thức chân chính, tức là tri thức triết học, đã xô đẩy ông đi đến miền xa xôi. Tri thức mà ông xem là đích thực thì lại trống rỗng; tri thức nào đem lại cho ông nội dung thì lại không có tính đích thực. Có thể, câu chuyện giai thoại của người xưa nói về Democritus chỉ là chuyện bịa đặt, nhưng trong trường hợp này đây là chuyện hư cấu rất giống sự thật, vì nó nhấn mạnh tính mâu thuẫn nội tại đặc trưng cho Democritus. Người ta kể rằng tuồng như thể bản thân Democritus đã làm cho mình mù để ánh sáng, do mắt cảm thụ được bằng cảm giác, không che mờ sự sắc bén trí tuệ của ông31*. Và đó chính là con người, mà theo lời của Cicero, đã đi khắp nửa thế giới. Nhưng ông đã không tìm được cái mà ông tìm kiếm.

Trong con người Epicurus chúng ta lại thấy một nhân vật hoàn toàn đối lập.

Epicurus tìm thấy trong triết học sự thoả mãn niềm hạnh phúc. Ông nói: "Người phải phục vụ triết học để đạt được đến tự do đích thực. Ai đã quy thuận và toàn tâm toàn ý tự hiến dâng mình cho triết học thì không phải chờ đợi lâu; người đó lập tức trở nên tự do. Bởi vì bản thân sự phục vụ triết học chính là tự do"32*. Ông răn dạy tiếp: "Cả thanh niên cũng không được trì hoãn việc nghiên cứu triết học, cả ông già cũng không được từ bỏ công việc ấy. Bởi vì đối với những sự quan tâm về sức khoẻ của tâm hồn thì không một ai là người chưa chín chắn, cũng như quá chín muồi. Còn ai nói rằng chưa tới lúc hoặc đã qua thời gian làm công việc nghiên cứu triết học thì người ấy giống như một người khẳng định rằng chưa đến giờ phút hạnh phúc hoặc giờ phút hạnh phúc ấy đã trôi qua"33*. Trong khi Democritus, không thoả mãn với triết học, lao vào tri thức kinh nghiệm, thì Epicurus lại khinh rẻ các môn khoa học thực chứng, vì những môn khoa học ấy, theo ý kiến ông, không hề giúp ích gì vào việc đạt đến sự hoàn thiện chân chính34*. Người ta gọi ông là kẻ thù của khoa học, là người chống lại văn phạm35*. Người ta thậm chí còn quở trách ông là dốt nát, "nhưng - như một người thuộc phái Epicurus trong tác phẩm của Cicero đã nói - không phải Epicurus là người vô học thức, mà những kẻ dốt nát chính là những ai nghĩ rằng cả ông già cũng phải học thuộc lòng những điều mà cậu bé cảm thấy xấu hổ nếu không biết những điều đó"36*.

Nhưng trong khi Democritus cố gắng trau dồi tri thức ở những nhà tư tế Ai Cập, những người thuộc bộ tộc Han-đây ở Ba Tư những gymnosophists ở Ấn Độ, thì Epicurus lại tự hào về việc ông đã không có những người thầy nào cả, rằng ông là người tự học37*. Theo sự chứng nhận của Seneca thì Epicurus đã nói: một số người hướng tới chân lý mà không cần đến sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Ông là người tự mở đường cho mình, thuộc vào số những người ấy và ông ca ngợi nhiều nhất họ, những người tự học. Theo ông những người khác là những khối óc loại hai38*. Trong khi tinh thần hiếu động của Democritus xô đẩy ông đến tất cả mọi miền của thế giới thì Epicurus chỉ có hai hoặc ba lần rời khỏi mảnh vườn của mình ở Athens và đi đến Ionia không phải để nghiên cứu, mà là để thăm viếng bạn bè39*. Sau cùng, trong khi Democritus do khao khát tri thức mà tự làm mù mắt mình, thì Epicurus, do cảm thấy cái chết đến gần, đã ngồi vào bồn tắm nước nóng, đòi mang rượu vang thuần khiết đến và khuyên bạn bè của mình hãy trung thành với triết học40*.

C) Không thể quy những sự khác biệt vừa nêu ở trên chỉ là do cá tính ngẫu nhiên của hai nhà triết học; hai khuynh hướng đối lập nhau - đó là điều đã kết tinh trong hai ông. Ở đây chúng ta thấy hiện lên như là sự khác nhau trong hoạt động thực tiễn - điều mà ở trên đây đã được thể hiện ra như là sự khác biệt trong ý thức lý luận.

Sau hết, chúng ta hãy xem xét hình thức phản tư biểu thị quan hệ của tư duy đối với tồn tại, biểu thị quan hệ qua lại của chúng. Thông qua quan hệ chung do nhà triết học xác lập giữa thế giới và tư duy, nhà triết học chỉ khách thể hoá, cho bản thân mình, quan hệ của ý thức đặc biệt của mình đối với thế giới hiện thực.

Democritus xem sự tất yếu là hình thức phản chiếu hiện thực41* Aristotle nói về Democritus rằng ông này quy tụ mọi cái về sự tất yếu42*. Diogenes Laertius cho biết rằng cơn lốc xoáy của các nguyên tử tạo ra mọi cái, nó chính là sự tất yếu của Democritus43*. Điều này được nói tỉ mỉ hơn qua lời của tác giả tác phẩm "Về ý kiến của các nhà triết học". "Theo Democritus thì sự tất yếu vừa là số mệnh vừa là quyền vừa là thiên mệnh, vừa là đấng sáng tạo ra thế giới. Thực thể của sự tất yếu ấy là sự kháng cự của vật chất, là sự chuyển động và sự va đập của vật chất"44*. Cũng có một đoạn như thế trong các bài khảo cứu vật lý của Stobaeus45* và trong quyển thứ sáu của bộ sách "Cuộc chuẩn bị Phúc âm" của Eusebius 46*. Trong những bài khảo cứu đạo đức học của Stobaeus còn lưu giữ danh ngôn dưới đây của Democritus47* mà đã được lặp lại hầu như nguyên văn trong quyển thứ mười bốn trong tác phẩm của Eusebius 48*, cụ thể là: con người tự nghĩ ra bóng ma sự ngẫu nhiên - bằng chứng về sự bất lực của chính mình, bởi vì sự ngẫu nhiên thù địch với tư duy mạnh mẽ. Cũng y như vậy, Simplicius quy cho Democritus đoạn nói trong tác phẩm của Aristotle, trong đó ông nói về học thuyết cổ xưa loại trừ sự ngẫu nhiên49*.

Ngược lại, Epicurus lại nói: "Sự tất yếu - mà một số người đưa vào như là bà chúa tể tối cao - không tồn tại nhưng cái này thì mang tính ngẫu nhiên, còn cái khác thì phụ thuộc vào sự tuỳ tiện của chúng ta. Sự tất yếu là bất di bất dịch, trái lại, sự ngẫu nhiên thì không cố định. Tất nhiên nên tuân theo thần thoại về các vị thần, còn hơn là trở thành nô lệ của eimapme’nh”(g) của các nhà vật lý học. Bởi vì thần thoại này làm cho ta hy vọng về sự rủ lòng thương của các vị thần thông qua việc sùng bái các vị thần còn e’imapenh lại là sự tất yếu tàn nhẫn. Cần phải thừa nhận sự ngẫu nhiên, chứ không phải thượng đế, như đám đông vẫn nghĩ như thế"50*. "Điều bất hạnh là sống trong sự tất yếu, nhưng sống trong sự tất yếu lại tuyệt nhiên không phải là điều tất yếu. Những con đường dẫn đến tự do đều rộng mở ở khắp nơi, có nhiều con đường ấy, chúng ngắn và dễ dàng. Chúng ta hãy cảm ơn thượng đế vì không thể giữ được ai trong cuộc sống. Ngăn ngừa chính sự tất yếu - đó là điều được phép"51*.

Trong tác phẩm của Cicero một nhân vật theo trường phái Epicurus là Velleius cũng phát biểu một ý kiến nào đó giống như vậy khi nói về triết học khắc kỷ: "Cần nghĩ gì về một học thuyết triết học mà theo quan điểm của nó - giống như quan niệm của mấy mụ già và hơn nữa lại ngu dốt - thì mọi cái đều diễn ra theo ý muốn của số mệnh? ... Epicurus là người giải thoát chúng ta, ông đã đem đến sự tự do cho chúng ta"52*.

Để tránh phải thừa nhận bất kỳ một sự tất yếu nào, Epicurus đã phủ nhận ngay cả sự suy xét mang tính chất chia tách53*.

Tuy nhiên, người ta khẳng định rằng cả Democritus cũng thừa nhận sự ngẫu nhiên, nhưng trong hai đoạn mà chúng tôi tìm thấy trong tác phẩm của Simplicius54* nói về vấn đề này, thì một đoạn lại làm cho đoạn kia trở nên đáng ngờ, như vậy nó cho thấy rằng không phải Democritus đã áp dụng phạm trù ngẫu nhiên, mà Simplicius đã gán phạm trù ấy cho Democritus như là một kết luận nhất quán. Cụ thể Simplicius nói rằng Democritus không nêu lên nguyên nhân tạo ra thế giới nói chung và rằng ông ta có lẽ coi sự ngẫu nhiên là nguyên nhân. Nhưng ở đây vấn đề không phải là xác định nội dung, mà vấn đề là hình thức mà Democritus đã tự giác áp dụng. Tình hình cũng như vậy với lời thông báo của Eusebius: sau khi biến sự ngẫu nhiên thành chúa tể của cái chung và cái thần thánh, Democritus đã khẳng định rằng ở đây mọi cái đều diễn ra nhờ sự ngẫu nhiên, trong khi đó ông đã ném sự ngẫu nhiên ra khỏi đời sống loài người và ra khỏi giới tự nhiên được biểu hiện trong kinh nghiệm, còn những người truyền bá ông thì bị ông mắng nhiếc là những kẻ ngu dốt55*.

Chúng ta thấy ở đây một phần đơn giản chỉ là những phỏng đoán của vị giáo chủ Thiên chúa giáo Dionysius còn một phần - ở chỗ bắt đầu tồn tại cái chung và cái thần thánh lại là quan niệm của Democritus về sự tất yếu thôi không còn khác với sự ngẫu nhiên nữa.

Như vậy, có một điều đúng về phương diện lịch sử: Democritus thừa nhận sự tất yếu, còn Epicurus thì thừa nhận tính ngẫu nhiên, và cả hai ông, với nhiệt tình luận chiến, đều phủ nhận quan điểm đối lập.

Hậu quả chủ yếu của sự khác biệt ấy thể hiện qua phương pháp giải thích các hiện tượng vật lý riêng lẻ.

Sự tất yếu biểu hiện ra trong giới tự nhiên cuối cùng, với tư cách là sự tất yếu tương đối, với tư cách là quyết định luận. Sự tất yếu tương đối chỉ có thể được rút ra từ khả năng hiện thực, điều đó có nghĩa là: tồn tại một chuỗi những điều kiện, những nguyên nhân, những cơ sở v.v.. làm trung gian cho sự tất yếu ấy. Khả năng hiện thực là sự mở ra sự tất yếu tương đối. Và chúng ta tìm thấy sự ứng dụng sự tất yếu ấy ở Democritus. Chúng tôi xin dẫn ra một số bằng chứng trong tác phẩm của Simplicius.

Nếu như một người cảm thấy khát nước, uống no nước và sẽ trở nên khoẻ, thì Democritus sẽ coi nguyên nhân là cơn khát nước, chứ không phải sự ngẫu nhiên. Bởi vì nếu như ông đã giả định - dường như - sự ngẫu nhiên khi thế giới được tạo ra, thì dù sao ông cũng khẳng định rằng trong từng hiện tượng riêng lẻ sự ngẫu nhiên không phải là nguyên nhân của một cái gì đó, mà chỉ chỉ ra những nguyên nhân khác. Ví dụ, nguyên nhân của sự tìm ra kho báu là việc đào hố hoặc nguyên nhân của sự lớn lên của cây ô liu là việc trồng cây đó56*.

Lòng nhiệt thành và thái độ nghiêm túc của Democritus khi ông áp dụng phương pháp giải thích này vào việc khảo cứu thiên nhiên, ý nghĩa mà ông gán cho ý nguyện muốn luận chứng mọi cái, - được bộc lộ qua sự thừa nhận rằng: "Tôi sẽ lựa chọn sự phát hiện ra một mối liên hệ nhân quả mới, hơn là chọn lấy ngai vàng Ba Tư !57*.

Epicurus vẫn lại trực tiếp đối lập với Democritus. Sự ngẫu nhiên là hiện thực chỉ có ý nghĩa như là khả năng, còn khả năng trừu tượng sự đối lập trực tiếp với cái hiện thực. Hiện thực thì bị hạn chế bởi những giới hạn nghiêm ngặt, giống như lí trí; còn khả năng trừu tượng thì không có giới hạn, giống như sự viễn tưởng. Khả năng hiện thực hướng đến sự luận chứng tính tất yếu và tính hiện thực của khách thể của mình; còn khả năng trừu tượng thì quan tâm không phải đến khách thể nhận được sự giải thích, mà quan tâm đến chủ thể cung cấp sự giải thích ấy. Miễn là đối tượng có khả năng tồn tại, hình dung được. Cái gì có khả năng tồn tại một cách trừu tượng, cái gì mà ta có thể hình dung được, thì cái đó không cản đường chủ thể tư duy, không đặt giới hạn, không đặt ra hòn đá thử vàng cho chủ thể ấy. Khả năng ấy có thực hay không, điều đó không có ý nghĩa, bởi vì ở đây lợi ích hướng không phải vào đối tượng với tính cách là như thế.

Vì vậy, Epicurus đã có một thái độ vô tâm thờ ơ không giới hạn khi giải thích những hiện tượng vật lí riêng lẻ.

Điều đó sẽ thấy rõ hơn qua bức thư gửi Pythocle mà chúng ta sẽ còn xem xét đến. Ở đây chỉ cần lưu ý đến thái độ của Epicurus đối với ý kiến của các nhà vật lí học trước kia. Ở đâu mà tác giả của tác phẩm "Về ý kiến các nhà triết học" và Stobaeus đưa ra các quan điểm khác nhau của các nhà triết học về thực thể các tinh tú, về qui mô và hình thức của mặt trời v.v., - ở đó họ thường nói đến Epicurus: ông không bác bỏ một ý kiến nào trong số những ý kiến ấy; theo ông, tất cả những ý kiến ấy có thể là đúng, ông ngả theo cái có thể58* Epicurus thậm chí còn luận chiến chống lại phương pháp lấy khả năng hiện thực để giải thích một phương pháp lập luận một cách lô-gích, do đó mang tính chất phiến diện.

Chẳng hạn, Seneca, nói như sau trong tác phẩm của mình "Các vấn đề về tự nhiên": Epicurus khẳng định rằng tất cả những nguyên nhân ấy có thể tồn tại, ngoài ra ông tìm cách đưa ra những sự giải thích khác nữa và ông quở trách những ai khẳng định rằng chỉ tồn tại một nguyên nhân nào đó trong số những nguyên nhân ấy, bởi vì thật là mạo hiểm nếu suy xét một cách thực chính xác về điều chỉ có thể rút ra từ những sự giả định59*.

Như chúng ta đã thấy, ở đây không có sự quan tâm đến việc nghiên cứu những cơ sở hiện thực của các khách thể. Đây chỉ là vấn đề làm yên lòng chủ thể đưa ra sự giải thích. Vì mọi cái có thể được giả định như cái có thể - điều này phù hợp với tính chất của khả năng trừu tượng - cho nên hiển nhiên tính ngẫu nhiên của tồn tại chỉ chuyển vào tính ngẫu nhiên. Qui tắc duy nhất mà Epicurus quy định "sự giải thích không được mâu thuẫn với sự cảm thụ cảm tính" - là một cái gì đó dễ hiểu bởi vì cái có thể trừu tượng chính là ở chỗ tránh không có mâu thuẫn mà do đó - ta cần tránh60*. Sau cùng, Epicurus nhận ra rằng phương pháp giải thích của ông nhằm mục đích có được sự tĩnh lặng của tự ý thức, chứ không phải bản thân sự nhận thức giới tự nhiên61*.

Đương nhiên, không cần thiết phải chứng minh thêm rằng trong cả trường hợp này ông cũng là sự đối lập hoàn toàn với Democritus.

Như vậy, chúng ta thấy rằng cả hai nhà tư tưởng ở mọi nơi đều đối lập nhau. Một người theo thuyết hoài nghi, người kia theo giáo điều; một người coi thế giới cảm tính là vẻ bề ngoài mang tính chủ quan, người kia lại coi thế giới cảm tính ấy là hiện tượng khách quan. Coi thế giới cảm tính là vẻ bề ngoài mang tính chủ quan thì dựa vào khoa học thực nghiệm về giới tự nhiên và dựa vào những tri thức thực chứng và kết tinh trong mình một thái độ hiếu động của một sự quan sát tiến hành thực nghiệm, tìm kiếm tri thức ở mọi nơi, phiêu du khắp thế giới. Người kia coi thế giới các hiện tượng là thế giới hiện thực, khinh thường kinh nghiệm; trong con người ấy kết tinh sự bình thản của tư duy tự mãn, một tính độc lập khai thác tri thức của mình ex principio interno(h). Nhưng mâu thuẫn tiến xa hơn nữa. Người theo thuyết hoài nghi thuyết thực nghiệm thì coi giới tự nhiên cảm tính là vẻ bề ngoài mang tính chủ quan, xem xét giới tự nhiên từ góc độ sự tất yếu và cố gắng giải thích và hiểu sự tồn tại hiện thực của các sự vật. Ngược lại, nhà triết học nhà giáo điều thì thừa nhận hiện tượng là hiện thực, ở đâu đâu cũng chỉ nhìn thấy sự ngẫu nhiên, và phương pháp giải thích của nhà triết học ấy, nói đúng ra, chung quy là bác bỏ mọi tính hiện thực khách quan của tự nhiên. Trong những sự đối lập ấy dường như ẩn giấu một tính phi lí nào đó.

Chỉ khó khăn lắm mới còn có thể giả định được rằng những nhà triết học ấy, tuy mâu thuẫn nhau về mọi mặt, nhưng sẽ đi theo cùng một học thuyết. Tuy vậy, dẫu sao thì họ vẫn là những người bị cột chặt vào nhau.

Làm sáng tỏ một cách tổng thể quan hệ của họ đối với nhau - đó là nhiệm vụ của chương sau đây[3].

 


Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 40. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn


 

1* Diogenes Laertius X. 4: "Cả các môn đồ của nhà triết học khắc kỷ Posidonius, cả Nicolus, cả Sotion cũng...[khẳng định] rằng ông ta (Epicurus) đã truyền bá những học thuyết của Democritus về nguyên tử và học thuyết của Aristippus về lạc thú như là những học thuyết của chính mình" (Các chú thích có kèm dấu * là của Karl Marx, còn các loại chú thích còn lại là của Nhà xuất bản)

2* Cicero, "Về bản chất của các vị thần" I,26 [73]: "Trong vật lý học của Epicurus có cái gì không phải là của Democritus? Nên nhớ rằng nếu như ông ta [Epicurus] có đưa một số thay đổi vào... thì dù sao trong đa số các luận điểm của mình ông ta cũng khẳng định chính điều đó mà thôi".

3* Cicero, " Về cái thiện cao nhất và cái ác", I,6 [21]:" Nghĩa là, tất cả những gì ông ta [Epicurus] thay đổi thì ông ta đều xuyên tạc, còn những luận điểm của ông ta theo thì hoàn toàn là của Democritus".

Như trên: [17, 18]"... trong môn vật lý học - là môn khoa học mà ông ta đặc biệt khoe khoang - trước hết ông ta hoàn toàn không am hiểu; ông ta có những điều bổ sung cho Democritus, đưa vào những sửa đổi không đáng gì, nhưng - chí ít thì theo quan điểm của tôi - lại xuyên tạc những điều mà ông ta muốn sửa đổi... Còn ở chỗ nào ông ta theo Democritus thì ông ta hầu như không có những sơ xuất".

4* Plutarch, "Colotes" ["Chống Colotes"] (ấn bản của Xylander), tr.1108: "Leonteus... khẳng định rằng Democritus được Epicurus đánh giá cao vì Democritus đã đi đến sự nhận thực đúng đắn..., vì sớm hơn Epicurus, Democritus đã lần ra được dấu vết những yếu tố ban đầu của tự nhiên", hãy tham khảo sách đã dẫn, tr.1111.

[1] Mặc dù tác phẩm "De placitis philosophorum" ("Về những ý kiến của các nhà triết học") được đứng tên Plutarch, nhưng trong thực tế chắc chắn ông ta không phải là tác giả của nó.

5* Plutarch, "Về ý kiến của các nhà triết học", t. V, tr.235, ấn bản của Tauchnitz: "Epicurus, con trai của Neocles, quê ở Athens, là người trong triết học của mình, đã đi theo con đường của Democritus..."

6* Plutarch, "Colotes", tr.1111,1112, 1114, 1115, 1117, 1119, 1120 và các trang tiếp theo.

7* Clement ở Alexandria, "Những tấm thảm", VI, tr. 629 (xuất bản ở Khuên): "Vả lại, ngay Epicurus cũng vay mượn ở Democritus những luận điểm cơ bản của mình..."

8* Như trên, tr. 295: ""Hỡi anh em, hãy cẩn thận đừng để ai đó cám dỗ các anh em bằng triết học và bằng sự quyến rũ rỗng tuyếch, theo truyền thuyết của người đời, theo những thế lực tự phát trên thế gian, chứ không phải theo đấng Christ".  [Các anh em hãy tránh] không phải mọi thứ triết học, mà tránh thứ triết học như triết học của Epicurus mà Paul đã nhắc đến trong cuốn "Sách tông đồ công vụ", trong đó ông lên án triết học ấy vì nó đã bài bác Thiên mệnh... và mọi thứ triết học khác nếu nó đề cao các lực lượng tự nhiên, không đặt bên trên chúng khởi nguyên sáng tạo và không đi đến ý tưởng về tạo hoá".

9* Sextus Empiricus, "Chống lại các nhà toán học" (xuất bản ở Geneva) [ I, 273]: "Epicurus bị tố giác đã đánh cắp của các thi sỹ những luận điểm quan trọng nhất của mình. Bởi vì, hoá ra ông ta đã rút ra luận điểm của mình - nói rằng giới hạn sức mạnh của những khoái cảm là sự loại bỏ đầy đủ nhất nỗi đau đớn - từ một câu thơ [của Homer]:

Và khi người ta làm nguôi cơn đói

Bằng nước uống và thức ăn1*

Còn lời khẳng định về cái chết, rằng đối với chúng ta cái chết không là gì hết, thì ông ta đã được gợi ý qua danh ngôn của Epicharmus:

"Tôi chẳng cần biết, chết hay là trở thành người chết..."

Cũng như [lời khẳng định] rằng khi trở thành xác chết thì các thân thể không cảm nhận được gì hết, - ông ta cũng vay mượn ở Homer, là người đã từng nói:

Lão đàn ông điên rồ đã làm ô uế miếng đất câm lặng2*

10* "Bức thư của Leibniz gửi Des Maizeaux trong đó giải thích sự trình bầy v.v...", tr. 66, t. 2, [Geneva, 1768], ấn bản của Dutens [Toàn tập].

11* Plutarch "Colotes", tr. 1111: "Cần chê trách Democritus tuyệt nhiên không phải về việc ông đã đưa ra các kết luận rút ra từ [ sự tồn tại] của những yếu tố ban đầu của mình, mà về việc ông đã đưa ra những yếu tố ban đầu dẫn đến những kết luận như thế... Nếu với sự lặng thinh sự thể cũng là như thế, thì như vậy phải chăng ông ta" (Epicurus) "đã thừa nhận rằng ông làm cái việc mà ông đã quen? Chẳng hạn, loại bỏ sự mặc khải, theo lời ông, như thế là ông đã gác lại lòng mộ đạo; khi khẳng định rằng ông tìm kiếm tình bằng hữu chỉ vì khoái cảm thì [đồng thời] ông tuyên bố rằng vì bạn bè mà ông chịu đựng những nỗi đau đớn lớn nhất; thừa nhận tính vô giới hạn của thế giới, ông lại khước từ [những quan niệm] về "phía trên" và "phía dưới".

(a) Marx sửa lại; lúc đầu là: "trong khoa học về thiên nhiên".

12* Aristotle. "Về linh hồn", I, tr. 8 (theo bản in do Trendelenburg xuất bản): "Đối với ông" (tức là Democritus) "linh hồn và lý trí hoàn toàn trùng khớp, bởi lẽ cái hiện hữu đích thực và hiện tượng trùng khớp".

13* Aristotle, "Siêu hình học", IV, 5: "Đó là lý do tại sao, chẳng hạn, Democritus lại khẳng định rằng hoặc là không có gì đích thực cả, hoặc là nó là điều chúng ta không với tới được. Nói chung, nhờ tư duy lý trí đồng nhất với sự cảm thụ cảm tính - mà cảm thụ cảm tính lại được thừa nhận là sự biến đổi về chất - nên người ta đi đến sự khẳng định rằng cái hiện hữu - như nó được cảm thụ - chính là cái hiện hữu - đích thực tất yếu. Chính dựa trên cơ sở này mà Empedocles khẳng định rằng khi trạng thái [trước] thay đổi thì trong người ta khả năng nhận thức cũng thay đổi, cả Democritus cũng khẳng định điều đó, và có thể nói rằng trong số tất cả các nhà triết học khác thì mỗi nhà triết học đều rơi vào những quan điểm như thế".

Tuy nhiên, ở đoạn này của chính tác phẩm "siêu hình học" đã biểu hiện mâu thuẫn.

(b) Câu này và câu trước do tay Marx viết vào.

14* Diogenes Laertius, IX, 72: "Nhưng thậm chí cả Xenophanes, cả Zeno ở Elea, cả Democritus, theo ý kiến của họ, đều là thuộc trường phái hoài nghi... Còn Democritus [lại nói]: "Vậy mà quả thật là chúng ta không am hiểu gì hết, bởi vì chân lý bị giấu kín trong vực sâu thăm thẳm"".

15* Tham khảo Ritter, "Lịch sử triết học cổ đại", ph.I, tr. 579 và các trang tiếp theo.

16* Diogenes Laertius, IX, 44: "Theo quan điểm của ông" (tức là của  Democritus) "thì những yếu tố ban đầu của tất cả cái hiện hữu là nguyên tử và khoảng trống, tất cả những cái khác chỉ là kết quả của một sự thừa nhận mang tính ước lệ, là ý kiến".

17* Diogenes Laertius, IX, 72: "... Còn Democritus thì bác bỏ chất lượng ở đoạn ông nói: "chỉ có trong ý kiến mới tồn tại cái lạnh, chỉ có trong ý kiến mới tồn tại cái nóng; còn trên thực tế chỉ có các nguyên tử và khoảng trống"".

18* Simplicius, trong tập các chú giải gửi Aristotle (do Brandis sưu tầm), tr. 488: "Song từ chúng [tức là từ các nguyên tử] ông ta" (tức là   Democritus) "tuyệt nhiên đã không làm ra thiên nhiên thật sự thống nhất. Bởi vì thật hoàn toàn là ngây thơ [nếu tưởng rằng] hai hoặc nhiều cái có thể lúc nào đó tạo ra một cái".

Như trên, tr. 514: "Chính vì thế mà họ" (tức là Democritus và Leucippus) "đã phủ định sự hình thành số nhiều từ cái duy nhất..., cũng như phủ định sự hình thành sự duy nhất chỉnh thể đích thực từ số nhiều. Nhưng chỉ có vẻ dường như do sự liên kết các nguyên tử nên mới xuất hiện cái chỉnh thể duy nhất này hoặc cái chỉnh thể duy nhất kia".

19* Plutarch, "Colotes", tr. 1111: "... những nguyên tử mà ông" (tức là Democritus)" gọi là những ý tưởng".

20* Hãy tham khảo Aristotle, đoạn đã dẫn.

21* Diogenes Laertius, X, 121: "Ông ta" (tức là nhà thông thái) [Epicurus nói] "sẽ đưa ra những học thuyết thực chứng, chứ sẽ không luẩn quẩn trong vấn đề còn tranh chấp".

22* Plutarch, "Colotes", tr.1117: "Vì một trong số các luận điểm của Epicurus nói: "ngoài nhà thông thái ra, sẽ không có một ai lại có niềm tin không thể lay chuyển khiến cho người ta không thể làm cho người ấy nghĩ lại"".

23* Cicero, "Về bản chất các vị thần", I, 25: "theo sự khẳng định của ông" (tức là của Epicurus) "mọi cảm giác đều là những thông tin về cái chân lý".

Hãy tham khảo Cicero, "Về cái thiện tối cao và cái ác”, I.7,

(Plutarch), "Về ý kiến của các nhà triết học", IV, tr. 287: "Theo ý kiến của Epicurus thì mọi cảm giác và mọi quan niệm đều là thực".

24* Diogenes Laertius, X.31: "Vậy là, trong tác phẩm "Giáo luật" Epicurus khẳng định rằng các tiêu chuẩn của chân lý là những cảm thụ cảm tính, cũng như các dự cảm và cảm giác... và không gì có thể bác bỏ được chúng". 32: "Thật vậy, sự cảm thụ cảm tính đồng nhất không thể bác bỏ cái khác đồng nhất với nó, bởi vì chúng ngang bằng nhau, còn cái không đồng nhất thì không thể bác bỏ cái không đồng nhất, bởi vì chúng không suy xét về cùng một cái. Và nói chung thì một sự cảm thụ cảm tính này không thể phán xét sự cảm thụ khác: bởi vì chúng ta đều lắng nghe tất cả những sự cảm thụ ấy như nhau. Nhưng cả lý trí cũng không thể phán xét các cảm thụ cảm tính; bởi vì bản thân lý trí hoàn toàn phụ thuộc vào chúng".

25* Plutarch, "Colotes", đoạn đã dẫn: "Tất cả những điều mà Democritus đã nói, cụ thể là mầu sắc, vị ngọt, sự kết hợp, - đều chỉ là tồn tại trong ý kiến được mọi người công nhận, [ còn trên thực tế tất cả những cái đó chỉ là khoảng trống và] những nguyên tử - ông [tức là Colotes] nói -[đều mâu thuẫn] với những cảm thụ cảm tính... tôi không cần phải bác bỏ sự khẳng định này, tôi chỉ có thể nói rằng những luận điểm dẫn ra ở trên cũng không tách rời những luận điểm của Epicurus cũng giống như - theo lời phát biểu của chính họ [trường phái Epicurus] - hình thức và trọng lượng không tách rời khỏi nguyên tử. Vậy Democritus khẳng định điều gì? - Những bản chất nhiều vô kể, không thể phân chia và không thể phân biệt, không có phẩm chất và không chịu tác động, chuyển động tản mạn trong khoảng trống. Khi chúng tiến đến gần nhau hoặc va đập vào nhau, hoặc đan xen nhau thì sự tích tụ chúng làm cho ta có ấn tượng lúc thì về nước, lúc lại về lửa, lúc thì về cây cỏ, lúc thì về con người, nhưng thật ra tất cả những cái đó là những nguyên tử mà Democritus gọi là những ý tưởng, chứ không phải cái gì khác. Bởi vì, theo ý ông, [mọi] sự phát sinh từ cái không tồn tại đã bị loại trừ, mà từ [cái tồn tại] thì không có gì có thể hình thành được, vì các nguyên tử, do không thẩm thấu, nên không để có những sự tác động từ bên ngoài, cũng như những biến đổi nội tại; từ đó thấy rằng cả mầu sắc cũng không thể hình thành từ cái không mầu sắc, cả thiên nhiên hoặc linh hồn cũng không thể hình thành từ cái phi chất lượng. Vậy, cần chê trách Democritus tuyệt nhiên không phải vì ông ấy đưa ra những kết luận từ [sự tồn tại] của những yếu tố ban đầu, mà vì ông ta đưa ra những yếu tố ban đầu dẫn đến những kết luận như thế... Còn về Epicurus thì ông ấy khẳng định rằng ông ta giả định [để làm cơ sở cho mọi cái], chính những khởi nguyên [mà Democritus đã giải định], nhưng lại không nói rằng mầu sắc... và những phẩm chất khác chỉ tồn tại trong ý kiến".

26* Cicero, "Về cái thiện tối cao và cái ác", I,6: "Democritus với tư cách là nhà khoa học và là người hoàn toàn hiểu rõ môn hình học quan niệm mặt trời có kích thước, vĩ đại, nhưng còn ông ta" (tức là Epicurus, "thì lại quan niệm mặt trời chỉ có kích thước vẻn vẹn khoảng hai phút; nghĩa là, ông cho rằng trên thực tế kích thước của mặt trời bằng kích thước mà chúng ta tưởng". Hãy tham khảo Plutarch, "Về ý kiến của các nhà triết học", II, tr.265.

(d) - bác học

27* Diogenes Laertius, IX, 37: "Không những trong vật lý học và đạo đức học, mà cả trong toán học và trong các môn khoa học phổ thông, cũng như trong lĩnh vực tất cả các ngành nghệ thuật, ông ta" (tức là Democritus), "đã nắm vững hoàn toàn đầy đủ các tri thức".

28* Hãy tham khảo Diogenes Laertius [IX], 46 - [49]

(e) - người trắc địa

29* Eusebius, "Chuẩn bị kinh phúc âm", X, tr. 472: "Ở đâu đó, về vấn đề này ông ta" (tức là Democritus) "đã nói về mình với sự khoe khoang: "... Trong số tất cả những nhân vật cùng thời với tôi, tôi là người đi qua phần lớn nhất của trái đất, nghiên cứu miền xa xôi nhất; tôi đã nhìn thấy nhiều miền đất và nhiều nước nhất, và tôi đã được nghe lời nói của một số lượng lớn nhất các nhà khoa học, còn trong việc kết hợp các đường tuyến gắn với bằng chứng thì chưa có ai nổi trội hơn tôi, ngay cả những người gọi là các nhà trắc địa Ai Cập. Trong tất cả những [ cuộc hành trình] ấy tôi đã ở nơi đất khách trong suốt tám mươi năm". Thật ra ông đã đi qua các nước Babylon, Ba Tư và Ai Cập và có học tập ở các nhà tư tế Ai Cập".

[2] Người Hy Lạp gọi các nhà triết học ấn Độ, những người cấm dục nghiêm ngặt là những người gymnosophists.

30* Diogenes Laertius , IX, 35: " Demetrius trong tác phẩm của mình "Các tác giả cùng tên" và Antisthenes trong tác phẩm của mình "Những kẻ hậu bối" đã khẳng định rằng ông ta" (tức là Democritus) "đã thực hiện cuộc hành trình, đến Ai Cập và lưu lại ở chỗ các nhà tư tế ở đó để học môn hình học, sau đó đã ở chỗ bộ tộc Chaidaeans ở Ba Tư và đã đến Hồng Hải. Một số người khẳng định rằng ông đã gặp gỡ các tín đồ giáo phái khổ hạnh của đạo Hin-đu ở Ấn Độ, và rằng ông đã đến Aethiopia ".

31* Cicero "Nhưng cuộc đàm đạo ở Tu-xcu-lan", V, 39 "Khi Democritus bị mất thị giác... ông ta, vị trượng phu ấy, vẫn còn cho rằng thị giác thậm chí là vật cản trở đối với sự sắc sảo của trí tuệ, và trong khi những người khác thường không nhìn thấy những gì nằm dưới chân họ, thì ông ấy lại nhìn tới sự bất tận, không dừng lại ở bất cứ giới hạn nào".

Cicero, "Về cái thiện tối cao và cái ác", V,29: "Democritus..., người mà, như người ta bảo, đã tự làm mù mắt mình chính là nhằm mục đích để cho trí tuệ của ông thật ít bị xa rời khỏi những suy tưởng".

32* Luc. Ann. Seneca, Bộ tác phẩm, II. Bức thư số 8, tr. 24 (xuất bản ở Amsterdam, 1672) "Từ trước đến nay chúng ta lặp lại theo Epicurus: "... anh phải phục vụ triết học để đạt đến tự do chân chính. Những ai quy thuận và toàn tâm hiến dâng mình cho triết học thì người ấy sẽ không phải chờ lâu; người ấy sẽ lập tức trở nên tự do. Bởi vì chính sự phục vụ triết học là tự do””.

33* Diogenes Laertius , X, 122: "Thời niên thiếu thì không được trì hoãn việc nghiên cứu triết học đến thời gian sau này, khi về già thì không được chấm dứt công việc đó. Bởi vì đối với công việc chăm sóc sức khoẻ của linh hồn thì không một ai là người chưa chín chắn, cũng như quá chín chắn. Còn những ai nói rằng để tiến hành nghiên cứu triết học thì vẫn chưa đến lúc hoặc thời gian đã qua, - thì người đó giống kẻ đã khẳng định rằng đối với hạnh phúc thời điểm chưa đến hoặc thời điểm ấy đã qua rồi. Hãy để cho ông già và chàng thanh niên triết lý; ông già triết lý để khi về già ông ta lấy lại tuổi trẻ trong niềm hạnh phúc mà cuộc sống tươi đẹp trong quá khứ đã đem lại cho ông; chàng thanh niên triết lý để khi còn trẻ anh ta đã có được - như ông già- lòng dũng cảm đứng trước tương lai". Hãy tham khảo Clement  ở Alexandria, IX, tr.501.

34* Sextus Empiricus, "Chống lại các nhà toán học" [qu.I] tr.1: "Các học trò của Epicurus và các môn đồ của Pyrrho hình như có cùng một lập trường trong cuộc luận chiến chống lại đại diện của các môn khoa học, song những tiền đề xuất phát điểm của họ lại không giống nhau. Vì trường phái Epicurus cho rằng các môn khoa học không giúp gì vào việc đạt tới sự thông thái".

35* Sextus Empiricus, như trên, tr.11: "Phải liệt Epicurus vào số đó, tuy rằng hình như ông cũng có thái độ thù địch đối với các đại diện của các môn khoa học".

Như trên, tr. 54: "... những người chống lại văn phạm, Pi-rôn và Epicurus"

Hãy tham khảo Plutarch, "Về việc đi theo Epicurus thì không thể sống hạnh phúc", tr.1094.

36* Cicero, "Về cái thiện tối cao và cái ác", I, 21: "Vậy, không phải     Epicurus vô học, mà kẻ ngu độn là những ai nghĩ rằng đến già vẫn cần phải học những gì mà cậu bé con lấy làm xấu hổ nếu không biết điều đó".

37* Diogenes Laertius, X, 13: "Trong tác phẩm "Thời sự" Apollodorus đo nói rằng ông ta" (tức là Epicurus) "đã từng là người nghe Nausiphanes và Praxiphanes giảng dạy. Bản thân ông thì phủ nhận điều đó và trong bức thư gửi Eurydicus ông nói rằng ông đã nghe mình tự giảng bài cho mình".

Cicero. "Về bản chất của các vị thần", I, 26: "ông ta khoe" (tức là Epicurus), "khoe rằng ông không có ai là thầy học của mình, còn tôi thì có thể dễ dàng tin vào điều này, chẳng cần có lời khoe khoang của ông".

38* Seneca, Bức thư số 52, tr. [176] - 177: "Epicurus nói có những người muốn hướng tới chân lý mà chẳng cần bất cứ một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài; ông thuộc vào số người tự bản thân mở đường cho mình. Ông ca ngợi nhiều nhất chính là những con người ấy, những người nhờ sự thôi thúc nội tại mà đã tự mình vươn lên, một cách độc lập. Mặt khác, lại có những người cần đến sự giúp đỡ của người khác; bản thân họ sẽ không tiến lên phía trước nếu như không có ai mở đường ở phía trước họ, nhưng đến khi đó họ sẽ đi theo rất hăng hái. Ông liệt Metrodorus vào loại người ấy. Theo ý ông, đây cũng là một trí tuệ xuất chúng, nhưng chỉ thuộc loại hai”.

39* Diogenes Laertius , X, 10: "Mặc dù thời ấy Hy Lạp trải qua thời kỳ nặng nề nhất, nhưng ông [ Epicurus] vẫn thường xuyên lưu lại ở đó và chỉ có đôi ba lần đi đến gặp bạn bè ở Ionia. Bản thân những người bạn ấy đã tự mình đến với ông từ mọi nơi và cùng với ông sống trong khu vườn, như Apollodorus cũng nói về điều này [theo lời Apollodorus] Epicurus đã mua khu vườn này với giá 80 min".

40* Diogenes Laertius, X, 15. "... như Hermippus thuật lại, đến khi ấy ông ta [Epicurus] ngồi vào bồn tắm bằng đồng đổ đầy nước ấm, yêu cầu đưa rượu vang nguyên chất và uống một ngụm”. §16: "Và tiếp đó, sau khi dặn bạn bè nhớ đến học thuyết của mình, ông đã qua đời".

41* Cicero, "Về số phận", X: "Epicurus... [ cho rằng] có khả năng né tránh tất yếu định mệnh... Còn Democritus thì lại ưa chấp nhận rằng tất cả diễn ra do tất yếu".

Cicero. "Về bản chất các vị thần", I,25: "Để tránh khỏi sự tất yếu, ông ta [Epicurus] đã nghĩ ra một cách mà hiển nhiên là Democritus đã không nghĩ tới".

Eusebius, "Sự chuẩn bị kinh phúc âm", I, tr. 23 và các trang tiếp theo: "Democritus quê ở xứ Abdera... [cho rằng] mọi cái nói chung, cả quá khứ, cả hiện tại, cả tương lai đều vốn dĩ được hoàn toàn định trước bởi sự tất yếu".

42* Aristotle, "Về nguồn gốc các loài động vật", V. 8, "Democritus... quy mọi cái thành sự tất yếu".

43* Diogenes Laertius , IX, 45: Democritus "khẳng định rằng mọi cái diễn ra do sự tất yếu, rằng sự quay tròn hình xoắn lốc chính là nguyên nhân nảy sinh ra mọi cái, và ông đã gọi chính sự quay tròn dạng xoáy lốc ấy là sự tất yếu".

44* (Plutarch), "Về ý kiến của các nhà triết học", I. tr. 352: "Theo Parmenides và Democritus, mọi cái đều diễn ra do sự tất yếu: sự tất yếu ấy chính là số mệnh và là quyền hạn, là mặc khải, là đấng sáng tạo ra thế giới".

45* Stobaeus, "Đàm đạo về vật lý học", I, 8: "Parmenides và Democritus khẳng định rằng mọi cái đều diễn ra do sự tất yếu và rằng nó là số mệnh, là quyền hạn, là mặc khải [ và là đấng sáng tạo ra thế giới]. Leudppus khẳng định rằng mọi cái đều diễn ra do sự tất yếu, còn sự tất yếu lại là số mệnh... Không một vật nào lại xuất hiện mà không có nguyên nhân, nhưng mọi cái [đều xuất hiện] trong mối liên hệ nhân quả và do sự tất yếu".

46* Eusebius, "Sự chuẩn bị kinh phúc âm", VI, tr. 257: Đối với ông (tức là Democritus) số mệnh, định mệnh... là kết quả của sự chuyển động rất nhanh xuống phía dưới và của sự chuyển động lên phía trên của các vật thể nhỏ bé kể trên, những vật thể đã đan xen nhau và tách rời nhau ra, lúc thì tách nhau ra, lúc thì tụ họp lại do sự tất yếu"

47* Stobaeus, "Những cuộc đàm đạo về đạo đức học", II: "Con người đã nghĩ ra cho mình bóng ma sự ngẫu nhiên, [như là] một sự biện minh [dễ coi] cho tình trạng bất lực của chính mình; trên thực tế chỉ đối với một trí tuệ yếu đuối thì sự ngẫu nhiên mới là tác động đối chọi".

48* Eusebius, "Sự chuẩn bị kinh phúc âm", XIV, tr. 782 và các trang tiếp theo: "Khi đặt lên hàng đầu của mọi cái hiện hữu tính ngẫu nhiên, xem đó là nữ chúa tể và nữ hoàng của mọi cái thần thánh, và chứng minh rằng mọi cái diễn ra tuân theo sự lộng quyền của vị nữ hoàng ấy, ông ta (tức là Democritus) đồng thời cũng loại bỏ tính ngẫu nhiên ra khỏi đời sống con người, và ông gọi là những kẻ điên rồ những ai lên tiếng thừa nhận tính ngẫu nhiên. Thử xem ít ra ông đã nói những gì ở phần đầu tác phẩm của mình "Những di huấn": "Con người nghĩ ra cho mình bóng ma sự ngẫu nhiên để biện minh cho sự dốt nát của chính mình. Vì xét về bản chất thì lý trí chống lại sự ngẫu nhiên. Và thế là kẻ thù độc ác nhất của lý trí, theo sự khẳng định của con người, tỏ ra mạnh hơn lý trí; hơn thế nữa, con người hoàn toàn loại bỏ lý trí và ỉm đi không nói về nó, con người lại đặt sự ngẫu nhiên vào vị trí của lý trí. Vì họ hát ca ngợi không phải lý trí tốt lành, mà lại ca ngợi sự ngẫu nhiên vô cùng dễ chịu"".

49* Simplicius, tác phẩm đã dẫn, tr. 351: "Câu nói "ngày xưa mọi người bảo là không có tính ngẫu nhiên" tuồng như thể trực tiếp ám chỉ Democritus".

(g) - số mệnh

50* Diogenes Laertius, X, 133: "... về số mệnh - mà một số người đưa vào như là đấng chúa tể tối cao - thì ông ta" (tức là Epicurus) "tuyên bố không tồn tại số mệnh. Nhưng [ theo ý kiến của ông] cái này phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên, cái kia lại phụ thuộc vào bản thân chúng ta, vì sự tất yếu thì vô trách nhiệm, còn sự ngẫu nhiên thì hình như không cố định; còn cái phụ thuộc vào chúng ta thì mang tính tuỳ tiện vì vậy bước liền theo sau nó là sự phê phán, cũng như cực đối lập của nó", 134: "Thà nghe theo thần thoại nói về các vị thần, còn hơn là trở thành kẻ nô lệ của sự định trước của các nhà vật lý. Bởi vì thần thoại này làm cho người ta hy vọng làm động lòng thương hại của các vị thần qua sự sùng bái các vị thần, còn sự tiền định thì chứa đựng sự tất yếu nghiệt ngã. Về sự ngẫu nhiên thì ông không coi đó là thần thánh như đám đông vẫn làm..."

51* Seneca, "Nhưng bức thư", XII, tr.42: "Thật là điều bất hạnh phải sống trong sự tất yếu, nhưng sống trong sự tất yếu thì tuyệt nhiên không phải là điều tất yếu... Ở đâu những con đường dẫn tới tự do cũng rộng mở, có nhiều con đường như thế, chúng ngắn và dễ dàng. Chúng ta hãy cảm ơn thượng đế về chuyện không thể giữ nổi ai trong cuộc đời. Kiềm chế ngay chính sự tất yếu - đó là điều được phép làm... Epicurus... đã nói".

52* Cicero, "Về bản chất của các vị thần", I, 20: "Nhưng phải nghĩ gì về thứ triết học ấy (tức là triết học khắc kỷ), theo quan điểm của triết học ấy - như quan niệm của các mụ già, hơn nữa lại là những mụ già dốt  nát -  thì mọi cái diễn ra theo ý của định mệnh... Những người đã được     Epicurus cứu [thoát những nỗi sợ hãi ấy] và đã có được tự do..."

53* Cicero, sách đã dẫn, ch. 25: "Ông ta" (tức là Epicurus), "cũng sử dụng cách thức ấy trong cuộc luận chiến của mình chống lại các nhà biện chứng. Những nhà biện chứng dạy rằng trong tất cả những lời suy xét mang tính chất chia tách, trong đó đặt ra một đề hai cực "hoặc có, hoặc không", thì một trong hai điều của đề hai cực ấy phải đúng. Vì khiếp sợ trường hợp phải giả định tình huống chọn một trong hai, chẳng hại giống như: "Epicurus ngày mai hoặc sẽ sống, hoặc sẽ không sống", - biết đâu một trong hai điều sẽ không tránh khỏi xẩy ra, cho nên ông đã hoàn toàn bác bỏ hiệu lực bắt buộc của đề hai cực "hoặc có, hoặc không" ấy".

54* Simplicius, tác phẩm đã dẫn, tr. 351: "... nhưng ở chỗ nào mà ông ta đòi hỏi phải xác định những sự khác biệt giữa các loại hình đa dạng căn cứ theo một nguyên lý nào đó thì ngay cả Democritus cũng không cho biết xác định bằng cách nào và trên cơ sở nào; vì vậy mà giống như là ông ta giả định mầm mống tuỳ tiện và ngẫu nhiên của những loại hình ấy"

Simplicius, tác phẩm đã dẫn, tr. 352: "Và ông này" (tức là Democritus) "cũng đã từng thừa nhận sự ngẫu nhiên trong quá trình tạo ra thế giới".

55* Hãy tham khảo Eusebius, tác phẩm đã dẫn, XIV, tr. [781] - 782: "... và thế là ông ta" (tức là Democritus) đã triết lý một cách trống rỗng và vô căn cứ như thế, xuất phát từ yếu tố ban đầu trống rỗng và cơ sở mong manh, không nhìn thấy gốc rễ và sự tất yếu chung của bản chất các vật, lại xem sự nhận thức ra những sự ngẫu nhiên mù quáng như là sự thông thái vĩ đại nhất".

56* Simplicius, tác phẩm đã dẫn; tr. 351: "Chẳng hạn, nếu có ai đó cảm thấy cơn khát, uống no nước lạnh và sẽ khoẻ mạnh thì Democritus dĩ nhiên sẽ không nói rằng nguyên nhân của điều đó là sự ngẫu nhiên, mà [sẽ coi nguyên nhân] là cơn khát đã choán lấy người đó".

Sách đã dẫn, tr. 351: "Ông ta" (tức Democritus) "hoá ra cũng giả định có sự ngẫu nhiên trong quá trình tạo ra thế giới. Còn trong những hiện tượng mang tính chất bộ phận hơn thì ông không coi sự ngẫu nhiên là nguyên nhân của bất kỳ một hiện tượng nào trong số những hiện tượng ấy, nhưng ông lại quy những hiện tượng ấy có những nguyên nhân khác, ví dụ, nguyên nhân tìm thấy kho báu lại được ông [coi là] việc đào hố hoặc nguyên nhân sự phát triển cây ô liu là việc trồng cây này".

Hãy tham khảo Simplicius, tác phẩm đã dẫn, tr. 351: "còn trong các hiện tượng có tính chất bộ phận thì ông ta" (tức là Democritus) "lại không thừa nhận sự ngẫu nhiên của nguyên nhân của bất kỳ một hiện tượng nào cả".

57* Eusebius, tác phẩm đã dẫn, XIV, tr. 782: "Theo người ta nói, bản thân Democritus đã tuyên bố rằng ông thích [phát hiện ra] một mối liên hệ nhân quả còn hơn là hưởng ngai vàng Ba Tư".

58* (Plutarch), "Về ý kiến của các nhà triết học", II, tr. 261: "Epicurus không bác bỏ một ý kiến nào trong số ý kiến ấy" (tức là những ý kiến của các nhà triết học về thực thể của giới tự nhiên1*[ mà tuân theo] cái có thể".

(Plutarch), tác phẩm đã dẫn, tr. 265: "Epicurus vẫn lại khẳng định rằng tất cả những ý kiến dẫn ra ở trên [ về quy mô của mặt trời] là có thể có".

Sách đã dẫn: "Epicurus [thừa nhận] rằng tất cả những ý kiến dẫn ra trên đây là có thể có".

Stobaeus, "Đàm đạo về vật lý học", I, tr. 54: "Epicurus không bác bỏ bất kỳ một ý kiến nào trong số những ý kiến ấy [về các vì sao] mà tuân theo cái có thể".

59* Seneca, "Những vấn đề về giới tự nhiên", [VI], XX, tr. 802, t. II: "Epicurus khẳng định rằng tất cả những nguyên nhân ấy có thể tồn tại, và ông ta toan tính đưa ra một loạt các nguyên nhân khác; đồng thời ông ta quở trách những ai khẳng định rằng chỉ có một nguyên nhân nào đó trong số những nguyên nhân ấy: vì thật khó bảo đảm về bất kỳ một độ chính xác nào trong những vấn đề mà tất yếu chỉ có thể đưa ra những giả thiết về chúng mà thôi".

60* Hãy tham khảo phần II, ch.5. Diogenes Laertius , X, 88: "Song cần quan sát mỗi hiện tượng [vũ trụ] dưới dạng mà chúng ta quan niệm về nó và cần giải thích tất cả những gì liên quan đến nó. Điều đó không mâu thuẫn với sự đa dạng của những hiện tượng đang diễn ra [trên trái đất]... Vì điều đó có thể diễn ra bằng mọi cách: vì không một hiện tượng nào chứng tỏ điều ngược lại..."

61* Diogenes Laertius, X, 80: "Tiếp nữa, cần tránh định kiến cho rằng việc nghiên cứu những hiện tượng [vũ trụ] ấy là không chính xác và không tinh tế, vì nó đưa chúng ta đến trạng thái ataraxy và thoả mãn".

(h) từ nguyên lý nội tại

[3] Không tìm thấy bản thảo những đoạn được nhắc đến trong nội dung (Xem  tr. 42-43) phần đầu của luận án " Sự khác biệt chung về nguyên tắc giữa triết học tự nhiên của Democritus và triết học tự nhiên của Epicurus" và "Kết quả".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

do minh anh - 12:14 14/02/2015
Kinh chuc triethoc.edu.vn mot mua xuan moi voi nhung buoc tien moi dai hon, vung chac hon tren con duong triet hoc.
Triết học - 22:21 18/02/2015
Cảm ơn bạn Đỗ Minh Anh. Triethoc.edu.vn xin kính chúc bạn và các quý anh chị gần xa một năm mới nhiều sức khỏe để tình yêu triết học thêm mặn nồng.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt