Chủ nghĩa Marx

Thái độ của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH - MỤC LỤC

 

TÌNH CẢNH CỦA GIAI CẤP LAO ĐỘNG Ở ANH.

 

Theo những sự quan sát của bản thân và

những nguồn đáng tin cậy

______________

 

THÁI ĐỘ CỦA GIAI CẤP TƯ SẢN ĐỐI VỚI

 GIAI CẤP VÔ SẢN

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Giai cấp tư sản mà tôi nói trong chương này bao gồm cả cái gọi là tầng lớp quý tộc bởi vì nó là giai cấp có đặc quyền, một tầng lớp quý tộc so với giai cấp tư sản chứ không phải so với giai cấp vô sản. Người vô sản đều xem cả hai loại ấy là giai cấp có của, tức là người tư sản. Đứng trước đặc quyền tài sản, thì mọi đặc quyền khác đều không đáng kể. Chỗ khác nhau chỉ là người tư sản theo nghĩa hẹp thì quan hệ với người vô sản công xưởng và một phần với người vô sản công nghiệp mỏ, và với tư cách là phéc-mi-ê thì quan hệ với công nhân nông nghiệp, trong khi đó cái gọi là người quý tộc chỉ tiếp xúc với một phần giai cấp vô sản công nghiệp mỏ và với giai cấp vô sản nông nghiệp.

Tôi chưa bao giờ thấy một giai cấp nào lại truỵ lạc, hư hỏng vì tự tư tự lợi đến không chữa nổi, thối nát bên trong và không sao tiến bộ được như giai cấp tư sản Anh - tôi nói đây trước hết là giai cấp tư sản theo nghĩa hẹp, đặc biệt là giai cấp tư sản tự do, thù địch đối với các đạo luật ngũ cốc. Đối với họ thì trên thế giới không cái gì tồn tại mà không vì tiền bạc, ngay đến bản thân họ cũng vậy, họ sống chỉ là để kiếm tiền, họ không biết còn có hạnh phúc nào khác, ngoài việc mau chóng phát tài và không có cái gì đau khổ hơn là bị mất tiền 1).

Với cái tính tham lam đến thế, với cái lòng hám tiền đến thế thì không một hoạt động nào của tâm hồn con người còn trong trắng được. Đương nhiên, những người tư sản Anh ấy đều là những người chồng, người cha rất tốt, họ đều có mọi thứ gọi là đức hạnh cá nhân; trong giao thiệp hàng ngày, họ cũng là những người đáng kính và lịch sự không kém gì mọi người tư sản khác; trong việc buôn bán, thậm chí họ còn khá hơn người Đức, họ không mặc cả, so đo cò kè như những thương nhân của chúng ta, nhưng cái đó có lợi gì? Xét cho cùng thì nhân tố quyết định duy nhất vẫn là lợi ích cá nhân, và đặc biệt là lòng thèm khát kiếm tiền. Một lần tôi cùng với một người tư sản như thế đi trên đường phố Man-se-xtơ, tôi nói với hắn ta về lối kiến trúc tồi tệ, không hợp vệ sinh, về tình hình ghê tởm của những khu lao động và bảo rằng tôi chưa hề thấy thành phố nào xây dựng tồi hơn Man-se-xtơ. Hắn ta yên lặng nghe tất cả, khi đi đến chỗ góc phố từ biệt tôi, thì hắn nói: and yet, there is a great deal of money made here - nhưng dù sao ở đây người ta cũng kiếm được rất nhiều tiền, xin tạm biệt ngài! - Đối với người tư sản Anh, công nhân của họ chết đói hay không, họ không thèm để ý, miễn là bản thân họ kiếm được tiền. Tất cả mọi quan hệ sinh hoạt đều lấy tiền bạc làm thước đo, phàm việc không kiếm được tiền đều là những việc ngu dại, không thiết thực, đều là ảo tưởng. Bởi thế cho nên khoa kinh tế chính trị, cái khoa học chuyên nghiên cứu cách kiếm tiền ấy đã thành môn học ham thích nhất của những thương nhân ấy. Mỗi người trong bọn họ là một nhà kinh tế chính trị học. Quan hệ giữa chủ xưởng và công nhân không phải là quan hệ giữa người và người, mà là quan hệ thuần tuý kinh tế. Chủ xưởng là "tư bản" còn công nhân là "lao động". Và khi người công nhân không muốn tự giam mình vào cái khái niệm trừu tượng ấy, thì anh ta cho rằng mình không phải là "lao động" mà là một con người, đành rằng con người ấy ngoài những đặc điểm khác cũng có đặc điểm là năng lực lao động, khi người công nhân cho rằng mình quyết không thể bị xem là "lao động", là hàng hoá để đem ra bán mua trên thị trường thì người tư sản đâm ra lúng túng. Hắn không thể hiểu được rằng giữa hắn và người công nhân, ngoài quan hệ mua bán, còn có quan hệ gì khác nữa; hắn không coi họ là người, mà là những "cánh tay"(hands), như hắn thường gọi công nhân của hắn như thế trước mặt họ; đúng như Các-lai-lơ nói là ngoài sự giao dịch bằng tiền mặt ra, thì nó không thừa nhận một quan hệ nào khác giữa người và người. Thậm chí đến quan hệ giữa hắn và vợ hắn, thì 99 phần trăm cũng chỉ thể hiện ở việc "trả tiền mặt". Tình trạng nô dịch nhục nhã của giai cấp tư sản đối với đồng tiền, do sự thống trị của người tư sản, đã để lại dấu vết ngay cả trong ngôn ngữ. Tiền bạc xác định giá trị của con người: người này trị giá một vạn pao xtéc-linh - he is worth ten thousand pounds, - tức là nói người này có số tiền ấy. Ai có tiền là "đáng kính", là thuộc về "loại người thượng đẳng"(the better sort of people), là "người có thế lực"(influential), và tiếng nói của nó về tất cả mọi việc đều có trọng lượng trong cái giới của nó. Chất con buôn đã thấm vào toàn bộ ngôn ngữ, mọi quan hệ đều được biểu hiện bằng những thuật ngữ thương nghiệp, bằng những khái niệm kinh tế. Cung và cầu,- supply and demand, - đó là công thức lô-gích mà người Anh dùng để phán đoán toàn bộ đời sống của con người. Do đó mà tất cả mọi mặt trong đời sống đều là tự do cạnh tranh, do đó mà chế độ laissez faire, laissez aller123 đang chi phối các ngành hành chính, y tế, giáo dục, có lẽ không lâu nữa sẽ chi phối cả tôn giáo, vì sự thống trị của Giáo hội quốc giáo đã mỗi ngày một tan rã. Tự do cạnh tranh không chịu được bất cứ một hạn chế nào, không chịu được bất cứ sự kiểm soát nào của nhà nước, toàn bộ nhà nước là một gánh nặng đối với nó, đối với nó thì tốt nhất là hoàn toàn không có chế độ nhà nước nào cả để cho mỗi người có thể bóc lột người khác tuỳ theo ý muốn của mình, ví dụ như trong cái "liên bang" mà ông bạn Stiếc-nơ rất thân mến đã tuyên truyền. Nhưng vì giai cấp tư sản lại không thể không cần đến nhà nước, dù chỉ là để kiềm chế những người vô sản rất cần thiết cho họ, cho nên họ dùng nhà nước để đối phó với người vô sản, đồng thời cố sức làm cho nhà nước xa họ hơn.

Nhưng đừng nghĩ rằng người Anh "có học thức" lại công khai thừa nhận lòng ích kỷ ấy. Trái lại, họ dùng cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa ti tiện nhất để che đậy nó. - Thế nào, những người Anh giàu có mà lại không quan tâm đến người nghèo à? Họ chẳng đã lập ra những cơ quan từ thiện mà bất cứ nước nào khác cũng không có đó sao?- Ôi chà, những cơ quan từ thiện! Làm như là người vô sản sẽ dễ chịu hơn khi các người đã rút cạn nhựa sống của họ, rồi sau đó lại cho họ chút ít ơn huệ trong việc từ thiện để cho tâm hồn tự mãn, giả nhân giả nghĩa của các người cảm thấy yên vui và các người tự phô bày trước thiên hạ như là đại ân nhân của nhân loại, khi các người chỉ trả lại cho người bị bóc lột một phần trăm cái họ có quyền được hưởng! Sự bố thí ấy làm cho người bố thí càng mất nhân cách hơn là người được bố thí; sự bố thí ấy làm cho người vốn nhục nhã lại càng nhục nhã thêm, nó đòi người cùng đinh bị xã hội ruồng bỏ và đã mất tính cách con người phải từ bỏ cái vật cuối cùng của họ là cái danh hiệu con người; sự bố thí ấy trước khi thí bỏ một vật làm phúc để đánh dấu ấn nhục nhã lên trán người xấu số, còn bắt người xấu số phải quỳ gối cầu xin! Nhưng tất cả những cái ấy để làm gì? Chúng ta hãy nghe lời nói của bản thân giai cấp tư sản Anh. Trước đây không đầy một năm, trên tờ "Manchester Guardian" tôi đã đọc được bức thư sau đây gửi ban biên tập, bức thư ấy được coi là chuyện hết sức tự nhiên hợp lẽ phải và đã được đăng không cần bình luận gì:

"Thưa ngài Tổng biên tập!

Gần đây, trên những phố lớn của thành phố chúng tôi, đã xuất hiện một số đông người ăn mày, họ thường tìm cách hoặc bằng quần áo tả tơi và hình dáng ốm đau, hoặc phô bày những vết thương và những vết lở loét ghê tởm, dùng những cách thức đê tiện và chướng mắt ấy để cầu người qua đường chú ý và thương hại. Tôi cho rằng khi người ta đã nộp thuế trợ giúp người nghèo và hơn nữa còn quyên nhiều

cho quỹ của các hội từ thiện thì người ta có đủ quyền để yêu cầu sẽ không phải gặp những sự quấy rầy bực mình và nhục nhã ấy. Nếu cảnh sát của thành phố ngay đến việc bảo đảm cho chúng tôi được yên tĩnh đi lại trong thành phố mà không làm được, thì chúng tôi còn nộp bao nhiêu thuế để nuôi họ làm gì? - Tôi hy vọng rằng sau khi bức thư này được đăng trên tờ báo có độc giả rộng rãi như tờ báo của ngài, thì có thể khiến các nhà đương cục tìm cách trừ bỏ cái tệ nạn ấy (nuisance).

Vĩnh viễn trung thực với ngài.

Một phu nhân"

Các bạn xem đó! Giai cấp tư sản Anh làm việc từ thiện chính là vì lợi ích của họ; họ không cho không cái gì cả, mà coi việc bố thí của mình là một thứ buôn bán. Họ mặc cả với người nghèo, nói với người nghèo rằng: ta tiêu bao nhiêu tiền cho việc từ thiện, như vậy ta đã mua cái quyền không bị các người quấy rầy nữa, còn các người phải náu trong ổ chuột tối om của mình, không được đem phô bày sự nghèo khổ của mình để kích thích những thần kinh nhạy cảm của ta! Các người cứ tuyệt vọng như trước đi! Nhưng phải tuyệt vọng trong âm thầm. Đó là điều kiện ta đưa ra, đó là điều ta mua bằng cách quyên góp cho bệnh viện 20 pao xtéc-linh! Ôi, cái thứ từ thiện của người tư bản - tín đồ Thiên chúa giáo mới bỉ ổi làm sao! - "Một vị phu nhân" viết như vậy đó! Ôi, đúng, chính là một vị phu nhân! Bà ta ký tên như vậy thật là xác đáng. May thay, bà ta không còn có can đảm tự gọi mình là một người đàn bà! Nếu các "phu nhân" mà như thế thì các "ngài" phải như thế nào? - Người ta sẽ nói với tôi rằng bức thư ấy là một trường hợp cá biệt. Không, nó biểu hiện rất đúng quan điểm của tuyệt đại đa số trong giai cấp tư sản Anh, vì rằng không thế thì ban biên tập đã không đăng nó lên báo, không thế thì khi đăng nó rồi đã có dị nghị, tôi đã chú ý tìm ở các số báo sau mà không thấy gì cả. Còn về hiệu quả của sự nghiệp từ thiện thì thầy tu Pác-kin-xơn đã tự mồm nói ra rằng những người nghèo được sự giúp đỡ của anh em người nghèo của họ nhiều hơn là của giai cấp tư sản. Ngoài ra người vô sản trung thực hiểu rõ thế nào là đói rét, cho nên mặc dù mình cũng không đủ ăn mà vẫn vui lòng hy sinh mình để giúp người khác, ý nghĩa của sự giúp đỡ ấy của họ hiển nhiên hoàn toàn khác với của bố thí mà người tư sản sống cuộc đời xa hoa vứt ra.

Về các mặt khác, giai cấp tư sản cũng giả bộ từ bi, - nhưng cũng chỉ là khi nào họ thấy có lợi. Trong lĩnh vực chính trị và kinh tế chính trị học họ đã hành động như thế đấy. Từ năm năm nay, giai cấp tư sản vẫn ra sức chứng minh với công nhân rằng chỉ vì lợi ích của giai cấp vô sản mà họ mới muốn phế bỏ các đạo luật ngũ cốc. Nhưng chân tướng của sự việc là như thế này: các đạo luật ngũ cốc làm cho giá lúa mì ở Anh giữ được mức cao hơn các nước khác, do đó nâng cao tiền lương, làm cho bọn chủ xưởng khó cạnh tranh với bọn chủ xưởng các nước khác, ở đó giá lúa mì và tương ứng với nó là tiền lương đều thấp hơn. Nếu phế bỏ các đạo luật ngũ cốc thì giá lúa mì sẽ hạ xuống và tiền lương sẽ gần với mức tiền lương của các nước văn minh khác ở châu Âu. Tất cả những cái ấy rõ ràng là do những nguyên tắc điều chỉnh tiền lương đã thuật ở trên. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho chủ xưởng cạnh tranh, nhu cầu về hàng hoá của Anh sẽ tăng thêm và do đó nhu cầu về tay thợ cũng sẽ tăng lên. Do nhu cầu ấy tăng lên cố nhiên là tiền lương cũng lại sẽ hơi tăng lên một chút, và công nhân thất nghiệp cũng sẽ tìm được việc làm, nhưng thử hỏi tình hình ấy có thể duy trì được bao nhiêu lâu? "Nhân khẩu thừa" ở Anh, đặc biệt là ở Ai-rơ-len đã đủ thoả mãn nhu cầu về nhân công cho công nghiệp Anh, dù cho quy mô của nó có mở rộng gấp đôi; hơn nữa một chút lợi thu được do việc phế bỏ các đạo luật ngũ cốc chỉ qua mấy năm sẽ bị mất đi, cuộc khủng hoảng mới sẽ theo đến, rồi chúng ta lại phải trở về tình hình cũ, bởi vì sự kích thích đầu tiên đối với công nghiệp cũng sẽ đẩy nhanh sự tăng thêm nhân khẩu. Người vô sản nhìn thấy rất rõ tất cả những cái ấy, và đã nhiều lần họ nói thẳng vào mặt giai cấp tư sản. Vậy mà chủ xưởng chỉ nhìn thấy cái lợi ích trực tiếp mà việc phế bỏ các đạo luật ngũ cốc đưa lại cho chúng; do đầu óc thiển cận chúng cũng không hiểu rằng lợi ích đó đối với chúng sẽ không được lâu dài, vì sự cạnh tranh giữa chủ xưởng với nhau sẽ rất nhanh chóng kéo lợi nhuận của mỗi người xuống mức trước kia; mặc dù thế chúng vẫn không ngừng nói ầm lên với công nhân rằng tất cả những cái đó chỉ là vì công nhân, rằng chỉ vì hàng triệu người đói khát mà những người giàu có thuộc Đảng tự do đã đem hàng trăm, hàng nghìn pao xtéc-linh ném vào quỹ của Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc. Song ai mà biết rằng chẳng qua chúng chỉ thả con săn sắt bắt con cá rô, chúng tính toán chỉ trong mấy năm đầu sau khi phế bỏ các đạo luật ngũ cốc thì chúng sẽ có thể thu về gấp mười lần, gấp trăm lần. Nhưng công nhân không mắc lừa giai cấp tư sản nữa, nhất là sau cuộc khởi nghĩa năm 1842. Ai nói rằng mình quan tâm đến hạnh phúc của công nhân thì công nhân yêu cầu người ấy hãy chứng minh ý muốn thành thực ấy bằng cách tán thành Hiến chương nhân dân. Do đó công nhân phản đối mọi sự giúp đỡ của bên ngoài vì trong Hiến chương, họ chỉ đòi trao cho họ quyền hành để họ có thể tự giúp mình. Nếu ai không làm như thế thì công nhân có lý do đầy đủ để tuyên chiến với người ấy, bất luận người ấy là kẻ thù công khai hay là người bạn giả nhân giả nghĩa .- Ngoài ra, để tranh thủ công nhân về phía mình, Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc đã dùng những lời lừa bịp hèn hạ nhất, những quỷ kế đê mạt nhất. Nó mưu toan làm cho công nhân tin rằng giá cả của lao động tỷ lệ nghịch với giá cả của lúa mì, giá lúa mì thấp thì tiền lương cao, và ngược lại thì cũng thế. Nó mưu toan dùng những luận cứ phi lý nhất để chứng minh cho luận điểm ấy; bản thân luận điểm ấy là phi lý hơn bất cứ chủ trương nào nói ra từ mồm bất cứ nhà kinh tế học nào. Khi tất cả những cái ấy đều không có hiệu quả gì thì nó hứa hẹn với công nhân rằng sự tăng thêm nhu cầu về tay thợ chắc sẽ đưa lại hạnh phúc lớn nhất cho họ. Thậm chí nó còn không biết xấu hổ khi khiêng hai cái mô hình bánh mì to đi qua các phố, trên cái mô hình lớn viết: Bánh mỳ Mỹ 8 pen-ni một cái, tiền lương mỗi ngày 4 si-linh, và trên cái mô hình nhỏ hơn nhiều thì viết: Bánh mì Anh 8 pen-ni một cái, tiền lương mỗi ngày 2 si-linh. Nhưng người công nhân không mắc lừa: họ đã hiểu quá rõ những người chủ của họ rồi.

Muốn thấy rõ hoàn toàn tính chất giả dối của những lời hứa đẹp đẽ ấy thì nên xem cuộc sống thực tế sẽ đủ rõ. Trên kia chúng ta đã thấy giai cấp tư sản bóc lột giai cấp vô sản bằng trăm phương nghìn kế như thế nào. Nhưng chúng ta chỉ mới thấy cá nhân những người tư sản, mỗi người tự đảm nhận lấy mọi việc xảy ra, đã bóc lột công nhân như thế nào. Bây giờ chúng ta hãy xem giai cấp tư sản với tư cách là chính đảng hoặc thậm chí là chính quyền nhà nước chống lại giai cấp vô sản như thế nào. Trước hết, toàn bộ pháp luật là để che chở người có của chống lại người không có của, đó là điều hoàn toàn hiển nhiên. Chỉ vì có những người không có của nên phải có pháp luật; mặc dù điểm ấy chỉ được trực tiếp biểu hiện ở một số ít các đạo luật - ví dụ như đạo luật chống những kẻ đi lang thang và những kẻ không nhà cửa tuyên bố rằng giai cấp vô sản như là một giai cấp đứng ngoài pháp luật - nhưng thái độ thù địch đối với giai cấp vô sản chính là cơ sở vững chắc của pháp luật, cho nên các quan toà, đặc biệt là các thẩm phán hoà giải, bản thân thuộc giai cấp tư sản, lại tiếp xúc nhiều với giai cấp vô sản, chẳng cần suy nghĩ cũng nhận ra ý nghĩa ấy trong bản thân pháp luật. Nếu người nhà giàu được gọi đến, hay nói đúng hơn là được mời đến toà án, thì quan toà tỏ ra rất lấy làm tiếc rằng đã quấy rầy hắn, và còn hết sức xoay xở cho vụ kiện trở thành có lợi cho hắn; nếu như bắt buộc phải xử tội hắn thì quan toà hết sức áy náy, v.v., và kết quả là chỉ phạt một số tiền không đáng kể mà người tư sản ném bộp ngay trên bàn một cách ngạo mạn rồi đi ra. Nhưng nếu một người nghèo khó bị gọi đến trước thẩm phán hoà giải thì hầu như bao giờ anh ta cũng bị bắt giam trước một đêm với nhiều người khác giống anh ta; ngay từ lúc đầu, anh ta đã bị xem là tội phạm, bị người ta chửi mắng, tất cả mọi lời biện hộ của anh ta đều bị gạt đi bằng một câu nói khinh bỉ: "Thôi! Chúng tôi biết những lý do ấy rồi!". Cuối cùng anh ta bị phạt, song không nộp được tiền phạt nên phải ở tù một hay mấy tháng để đền tội. Dù cho người ta không thể khép anh ta vào tội gì thì anh ta vẫn bị coi là kẻ bịp bợm và kẻ đi lang thang (a rogue and a vagabond - hai từ này hầu như bao giờ cũng dùng gắn liền nhau) mà bị tống giam. Thái độ thiên lệch của các thẩm phán hoà giải, nhất là ở nông thôn thì quả thực không thể tưởng tượng được, và đó là chuyện xảy ra hàng ngày quen thuộc đến nỗi những việc không quá khác thường đều được đăng lên báo một cách thản nhiên không có bình luận gì. Nhưng cũng không nên mong có cách nào khác. Một mặt, những "Doberries" ấy chỉ giải thích pháp luật theo ý nghĩa do họ đặt ra, và mặt khác bản thân họ vốn là tư sản, họ thấy trước mắt rằng lợi ích của giai cấp họ là cơ sở chủ yếu của mọi trật tự chân chính. Thẩm phán hoà giải thì như vậy, và cảnh sát vẫn lễ phép đối với hắn và làm đúng theo pháp luật; nhưng với người vô sản thì cảnh sát đối xử thô bạo và tàn nhẫn; bản thân sự nghèo khổ đã làm cho người vô sản bị hiềm nghi và mọi thứ tội lỗi, đồng thời cũng bị tước mất những phương tiện về pháp luật để đối phó với những hành vi chuyên quyền của những kẻ có của. Bởi vậy, đối với người vô sản thì pháp luật chẳng có tác dụng bảo hộ gì: cảnh sát có thể tuỳ tiện xông vào nhà anh ta, tuỳ tiện bắt bớ và đàn áp anh ta. Chỉ khi nào một hiệp hội công nhân mời được người bào chữa, như công nhân mỏ đã mời Rô-bớt, thì người ta mới thấy rõ tác dụng bảo hộ của pháp luật đối với người vô sản ít ỏi biết bao, người ta mới thấy rõ người vô sản thường phải chịu tất cả gánh nặng của pháp luật mà không được hưởng một chút lợi ích của nó.

Để nô dịch giai cấp vô sản nhiều hơn, cho đến bây giờ giai cấp có của vẫn không ngừng tiến hành đấu tranh trong nghị viện chống những tình cảm tốt của những nghị sĩ hãy còn chưa hoàn toàn chìm ngập dưới thế lực của tính ích kỷ. Các thửa đất công mảnh nọ tiếp mảnh kia bị thu hồi và đem canh tác, cái đó cố nhiên thúc đẩy việc nâng cao sản xuất nông nghiệp, nhưng làm cho giai cấp vô sản phải chịu thiệt hại nặng. Ở những nơi có đất công, người nghèo còn có thể thả lừa, thả lợn, hoặc thả vài con ngỗng, trẻ con và thanh niên còn có thể tự do vui chơi nhảy nhót thoả thích ở đó. Bây giờ tất cả những chuyện ấy không còn nữa, thu nhập của người nghèo mỗi ngày một kém, người trẻ tuổi mất chỗ vui chơi, chỉ còn cách vào tiệm rượu. Nghị viện mỗi lần họp đều thông qua một loạt những điều luật về việc khai khẩn đất công. - Trong kỳ họp năm 1844 của nghị viện, chính phủ quyết định bắt những công ty đường sắt đã lũng đoạn mọi phương tiện giao thông, phải giảm giá xe lửa một cách thích đáng xuống 1 pen-ni mỗi dặm Anh, ước độ 5 din-béc- grô-sen mỗi dặm Đức, để cho công nhân dễ dàng đi lại và do đó đã đề nghị mỗi một tuyến đường hàng ngày phải thêm một chuyến tàu hạ giá hạng ba, thì vị "cha cố tôn kính" giáo chủ Luân Đôn lại đề nghị trừ ra ngày chủ nhật, - ngày duy nhất mà công nhân có việc làm có thể đi lại được, - tức là đề nghị ngày chủ nhật chỉ người giàu có mới được đi lại, người nghèo thì chịu. Tuy nhiên, đề nghị đó lộ liễu quá, công khai quá, khiến người ta không thể nào thông qua được, cho nên mới bị bác bỏ. - Những vụ xâm phạm ngấm ngầm vào quyền của giai cấp vô sản xảy ra nhiều vô kể đến mức thậm chí những việc xảy ra chỉ trong một kỳ họp của nghị viện, tôi cũng không có đủ chỗ để nêu ra hết. Tôi chỉ nêu thêm một sự kiện nữa có liên quan đến kỳ họp năm 1844, đưa ra một dự luật phần điều chỉnh quan hệ giữa chủ và đầy tớ, dường như vô hại. Chính phủ tán thành và giao nó cho một uỷ ban chuyên môn xét. Trong khoảng thời gian ấy ở Bắc Anh đã nổ ra bãi công của công nhân mỏ than, và Rô-bớt thì đang hoàn thành chuyến đi thắng lợi ở khắp nước Anh, cùng với những người công nhân mà ông đã đòi được trắng án. Khi dự luật ấy được uỷ ban trao lại, thì trong đó đã được thêm vào mấy điều khoản bạo ngược đến cực điểm, nhất là điều này: người lao động nào đã cam kết miệng hoặc viết thành giấy tờ làm cho chủ xưởng một việc gì, dù là việc tạm thời, nếu từ chối làm việc, hoặc có những hành vi không tốt khác (mishehaviour) thì chủ xưởng có quyền đưa người ấy ra trước bất cứ một (any) viên thẩm phán hoà giải nào, viên thẩm phán này căn cứ vào lời khai có tuyên thệ của chủ xưởng hoặc người đại diện hay đốc công của chủ xưởng - tức là căn cứ vào lời khai của bên nguyên - có thể xử người lao động tới hai tháng tù ngồi hoặc lao động khổ sai. Dự luật ấy đã gây phẫn nộ cực độ trong công nhân, nhất là lúc ấy dự luật mười giờ đang được thảo luận ở nghị viện và đang được cổ động mãnh liệt. Công nhân tổ chức hàng trăm cuộc họp, gửi hàng trăm đơn thỉnh nguyện đến Luân Đôn cho người biện hộ của giai cấp vô sản ở nghị viện là Tô-mát Đơn-cơm-bơ. Ngoài người đại biểu của đảng "Nước Anh trẻ" là Phe-ran-đơ ra, thì Đơn-cơm-bơ là nghị sĩ duy nhất kịch liệt phản đối dự luật ấy. Nhưng khi những người cấp tiến khác thấy nhân dân phản đối dự luật ấy thì họ bắt đầu lần lượt hết người này đến người khác lặng lẽ ngả sang phía Đơn-cơm-bơ, và bởi vì bọn tư sản tự do thấy sự phẫn nộ của công nhân cũng không dám bảo vệ dự luật ấy, vì trước sự bất bình của nhân dân, không người nào dám lên tiếng ủng hộ dự luật ấy cho nên nó đã thất bại nhục nhã.

Nhưng sự tuyên chiến công khai nhất của giai cấp tư sản chống giai cấp vô sản là thuyết nhân khẩu của Man-tút và đạo luật mới về người nghèo sản sinh ra từ thuyết đó. Về học thuyết của Man-tút, chúng ta đã nhiều lần nói đến. Chúng ta chỉ nhắc lại vắn tắt, kết luận chủ yếu của nó là trên trái đất luôn luôn có nhân khẩu thừa, cho nên bao giờ cũng nghèo khổ, thiếu thốn, bần cùng và vô đạo đức; số phận là như thế, vận mệnh vĩnh cửu của loài người là sinh ra trên thế giới này quá nhiều, do đó họ đã hình thành những giai cấp khác nhau, có những giai cấp giàu có hơn, được giáo dục và có đạo đức hơn, còn một số giai cấp khác thì nghèo khổ hơn, bất hạnh, ngu muội và thiếu đạo đức hơn. Qua đó rút ra kết luận về thực tiễn sau đây (chính Man-tút đã tự rút ra kết luận như vậy), rằng sự nghiệp từ thiện và quỹ tế bần thực tế không có nghĩa lý gì, bởi vì chúng chỉ duy trì "nhân khẩu thừa" và khuyến khích họ càng sinh đẻ thêm; và do sự cạnh tranh của họ mà tiền lương của những người còn lại bị hạ xuống. Việc các cơ quan trợ giúp người nghèo cho người nghèo việc làm cũng không có nghĩa lý gì, bởi vì chỉ một số lượng nhất định những sản phẩm của lao động là có thể tìm được chỗ tiêu thụ, vì một công nhân thất nghiệp có việc làm tất nhiên phải làm cho một người công nhân khác đang có việc làm phải thất nghiệp; nói một cách khác, sự nghiệp của các cơ quan trợ giúp người nghèo được phát triển trên cơ sở làm tổn hại cho công nghiệp tư nhân. Cho nên, vấn đề quyết không phải ở chỗ nuôi sống "nhân khẩu thừa", mà ở chỗ dùng biện pháp gì để hết sức giảm bớt số "nhân khẩu thừa". Man-tút dứt khoát tuyên bố rằng từ trước đến nay người ta cho rằng mỗi người sinh ra trên thế giới đều có quyền có tư liệu sinh hoạt là hoàn toàn phi lý. Ông ta dẫn lời của một thi sĩ: "Người nghèo đến dự tiệc của thiên nhiên, nhưng không tìm thấy bộ đồ ăn nào còn trống dành cho mình", và Man-tút còn tự nói thêm rằng: cho nên thiên nhiên ra lệnh cho anh ta cút đi (she bids him to be gone), "bởi vì trước khi ra đời, anh ta không hỏi trước xem xã hội có muốn tiếp thu anh ta hay không". Lý thuyết ấy bây giờ đã trở thành lý thuyết được quý mến của tất cả bọn tư sản chính cống ở Anh, điều đó hoàn toàn dễ hiểu: vì thứ lý luận ấy rất tiện lợi cho chúng, chưa kể là trong những quan hệ hiện có thì nó phù hợp với thực tế về nhiều mặt. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là sử dụng và biến "nhân khẩu thừa" thành nhân khẩu có ích, mà chỉ là để cho họ chết đói bằng cách giản đơn nhất và đồng thời ngăn họ đẻ con nhiều quá, thì sự việc sẽ rất đơn giản, song còn phải có một điều kiện là cái "nhân khẩu thừa" ấy tự công nhận mình là quá thừa và vui lòng chết đói. Nhưng điều đó hiện nay vẫn còn chưa có gì hy vọng mặc dù giai cấp tư sản nhân từ đã kiên trì cố làm cho công nhân tin rằng họ vô dụng. Trái lại, những người vô sản kiên quyết tin rằng với hai bàn tay chăm làm, họ chính là những người không thể thiếu được, còn các ngài tư bản giàu có, không làm được việc gì, mới chính là những người thừa.

Nhưng chính quyền hãy còn ở trong tay người giàu, cho nên người vô sản đành phải chịu cho pháp luật tuyên bố rằng họ là "những người thừa" thật sự ngay cả khi bản thân họ không muốn công nhận điều đó một cách tự nguyện. Đạo luật mới về người nghèo chính là như thế. Đạo luật cũ về người nghèo căn cứ vào đạo luật năm 1601 (tức năm 43 của triều đại Ê-li-da-bét) vẫn còn xuất phát ngây thơ một cách từ nguyên tắc cho rằng săn sóc người nghèo là trách nhiệm của giáo khu. Ai không có việc làm thì được cứu tế, lâu dần người nghèo thấy rất tự nhiên rằng giáo khu có trách nhiệm không để cho họ chết đói. Họ coi nhận cứu tế hàng tuần là một quyền lợi chứ không phải là một ơn huệ, và rốt cuộc việc đó làm cho giai cấp tư sản chán ngấy đi. Năm 1833, khi giai cấp tư sản giành được chính quyền nhờ cái cách tuyển cử và đồng thời sự nghèo khổ của các vùng nông nghiệp lại lên đến tuyệt đỉnh thì nó liền bắt tay vào việc sửa đổi đạo luật về người nghèo theo quan điểm của nó. Một tiểu ban được cử ra để điều tra về việc trợ giúp người nghèo và đã phát hiện rất nhiều sự thực ghê người. Tiểu ban ấy phát hiện ra rằng toàn bộ giai cấp công nhân ở các khu nông thôn đã biến thành dân nghèo và đã dựa hoàn toàn hoặc một phần vào quỹ tế bần để sống vì quỹ này khi nào lương thấp thì cấp cho người nghèo một chút phụ cấp. Tiểu ban rút ra kết luận rằng cái chế độ nuôi sống những công nhân thất nghiệp, giúp đỡ những người lương thấp và đông con, bắt những người cha có con ngoài giá thú phải nuôi chúng và nói chung là thừa nhận quyền của người nghèo phải được bảo hộ; rằng chế độ ấy làm cho đất nước phá sản,

"Kìm hãm sự phát triển của công nghiệp, khuyến khích người ta kết hôn bừa bãi, thúc đẩy cho nhân khẩu tăng lên, loại trừ ảnh hưởng của nhân khẩu tăng lên đối với tiền lương; rằng chế độ ấy là một hệ thống toàn quốc nhằm làm cho những người chăm chỉ và lương thiện chán nản và khuyến khích những kẻ lười biếng, phóng đãng và nông nổi; rằng chế độ ấy phá hoại quan hệ gia đình, cản trở một cách có hệ thống việc tích luỹ tư bản, làm hao phí tư bản hiện có và làm phá sản những người nộp thuế; rằng ngoài ra chế độ ấy còn quy định khoán tiền nuôi con ngoài giá thú, quả thực là khuyến khích đẻ con ngoài giá thú" (trích báo cáo của Tiểu ban luật về người nghèo) 1).

Tác dụng của đạo luật cũ về người nghèo trình bày ở đây về đại thể là đúng: quỹ cứu tế khuyến khích sự lười biếng, thúc đẩy nhân khẩu "thừa" tăng lên. Trong những quan hệ xã hội hiện nay, người nghèo tự nhiên là không thể không trở thành tự tư tự lợi, nếu có thể chọn được - làm việc hay không làm gì cả cũng giống như nhau, thì đương nhiên là họ thích cái thứ hai. Nhưng từ đó, chỉ có thể rút ra kết luận rằng những quan hệ xã hội hiện nay chẳng ra gì, chứ không thể kết luận như các uỷ viên đồ đệ của Man-tút là nghèo nàn tức là phạm tội, phải dùng những thủ đoạn khủng khiếp để đối phó với nó.

Nhưng những đồ đệ thông minh ấy của Man-tút lại tin tưởng rằng quan điểm của mình tuyệt đối đúng đắn, đến nỗi họ không chút do dự ném những người nghèo lên cái giường Prô-quýt-xtơ của lý thuyết của họ, và căn cứ vào lý thuyết của họ mà đối đãi hết sức tàn khốc với những người nghèo. Cùng với Man-tút và nhưng người ủng hộ tự do cạnh tranh khác, họ đều tin tưởng sâu sắc rằng tốt nhất là để cho mỗi người tự mình lo liệu cho mình và triệt để thi hành nguyên tắc laissezfaire, cho nên họ muốn phế bỏ toàn bộ luật pháp về người nghèo. Nhưng, vì họ không có can đảm và uy tín để làm như thế, họ liền đưa ra một đạo luật về người nghèo thích hợp hết sức với quan điểm của Man-tút và còn tàn ác hơn là giản đơn thực hiện nguyên tắc laissezfaire, bởi vì ở chỗ mà nguyên tắc ấy chỉ có tác dụng tiêu cực thì đạo luật mới về người nghèo lại can thiệp tích cực. Chúng ta đã thấy Man-tút gọi người nghèo, hay nói chính xác hơn, gọi người thất nghiệp là "người thừa", tuyên bố họ là tội phạm mà xã hội phải dùng việc chết đói để trừng trị. Thực ra thì những uỷ viên của tiểu ban luật về người nghèo chưa dã man đến thế; vì việc để cho người ta chết đói sờ sờ như vậy, ngay dưới con mắt họ, cũng có vẻ đáng sợ đối với họ. Họ nói: được rồi, những người nghèo chúng mày có quyền sống, nhưng chỉ có quyền sống thôi, chúng mày không có quyền sinh sôi nảy nở và càng không có quyền sống như con người. Chúng mày là tai họa cho đất nước, dù cho chúng tao không có thể tức khắc tiêu diệt chúng mày như tiêu diệt bất cứ tai hoạ nào khác, thì ít nhất tự chúng mày cũng nên hiểu rằng mình là tai hoạ; cho nên phải khống chế chúng mày, khiến chúng mày không có thể trực tiếp đẻ ra "những người thừa" khác, hoặc gián tiếp dụ dỗ người ta vào con đường lười biếng và thất nghiệp bằng gương xấu của mình. Chúng mày cứ sống, nhưng chỉ để cảnh cáo những người cũng có khả năng trở thành "người thừa".

Do đó, chúng liền đề ra một đạo luật mới về người nghèo, năm 1834 đã được nghị viện thông qua cho đến ngày nay vẫn còn hiệu lực. Mọi sự cứu tề bằng tiền hoặc bằng hiện vật đều bị bỏ; nó chỉ thừa nhận có một phương thức cứu tế - tức là thu dung những người nghèo vào những nhà tế bần được dựng lên hầu khắp mọi nơi. Những nhà tế bần (workhouses) ấy, hoặc như nhân dân vẫn gọi là ngục Ba-xti của người nghèo (poor-law-bastilles) được thiết lập sao cho dù gây ra được sự ghê sợ cho bất cứ người nào còn có chút hy vọng có thể sống không phải nhờ vào cái hình thức ấy của sự nghiệp từ thiện xã hội. Để cho người nghèo chỉ khi nào vạn bất đắc dĩ mới phải xin quỹ tế bần, để cho họ phải nghĩ hết mọi cách trước khi xin, người ta đã biến nhà tế bần thành một nơi kinh tởm nhất, một nơi mà chỉ có bọn đồ đệ của Man-tút trổ hết tài nghệ mới nghĩ ra được. Thức ăn ở đó còn tồi hơn thức ăn của người công nhân nghèo nhất, mà công việc thì lại nặng nhọc hơn, vì nếu không như thế thì những công nhân ấy sẽ thích vào ở nhà tế bần hơn là sống cuộc sống đáng thương ở ngoài. Những người sống ở nhà tế bần rất ít khi nhìn thấy thịt, nhất là thịt tươi; họ nhận được phần lớn là khoai, bánh mì loại tồi nhất và cháo yến mạch, rượu bia thì rất ít, hoặc không có. Thậm chí thức ăn ở nhà tù nói chung còn tốt hơn ở đây, cho nên những người ở nhà tế bần thường cố ý phạm một tí tội để có thể vào tù. Thực tế thì nhà tế bần cũng là một nhà tù. Người nào không làm xong khối lượng công việc được giao thì không được ăn; người nào muốn ra phố thì xin phép trước, nhưng có được phép hay không thì tuỳ theo hạnh kiểm của anh ta hay ý kiến của quản đốc trại; cấm hút thuốc lá; không được phép nhận quà biếu của họ hàng hoặc bạn bè ở ngoài. Những người nghèo ấy mặc một thứ đồng phục của nhà tế bần và hoàn toàn phải tuân theo quyền độc đoán của quản đốc trại. Để lao động của họ không cạnh tranh với công nghiệp tư nhân, những công việc phân phối cho họ phần nhiều là vô ích: đàn ông phải đập đá, và phải đập "bằng một người đàn ông khoẻ mạnh làm việc khẩn trương có thể đập được trong một ngày"; đàn bà, trẻ con và cụ già thì tước những dây thừng cũ, để làm gì thì tôi quên mất rồi. Để tránh sinh nở thêm "người thừa" và để cho cha mẹ "bại hoại đạo đức" khỏi ảnh hưởng đến con cái, gia đình bị phân tán, vợ, chồng, con cái bị chia ra ở trong nhiều nhà khác nhau, thỉnh thoảng họ mới được gặp nhau, vào thời gian quy định, và chỉ khi nào ban quản trị nhận thấy họ có hạnh kiểm tốt. Còn để cho cái bệnh nghèo truyền nhiễm trong những ngục Ba-xti ấy bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, những người ở trong ấy chỉ khi nào được cấp trên cho phép mới được tiếp khách ở phòng tiếp khách đặc biệt, nói tóm lại có thể tiếp xúc với người ngoài nếu có sự kiểm soát hay sự cho phép của cấp trên.

Theo đạo luật quy định thì thức ăn phải vệ sinh và sự đối xử phải nhân đạo. Nhưng tinh thần của đạo luật đã quá rõ rệt đến nỗi khó lòng thực hiện được những yêu cầu ấy. Các uỷ viên của tiểu ban luật về người nghèo và cả giai cấp tư sản Anh sẽ sai lầm nếu cho rằng có thể chỉ thực hiện nguyên tắc mà tránh được những hậu quả tất nhiên của nó. Cách đối xử với người sống ở nhà tế bần do văn bản của đạo luật mới quy định trái ngược hẳn với toàn bộ tinh thần của nó. Khi mà về thực chất, đạo luật đã coi người nghèo như tội phạm, coi nhà tế bần như nhà tù cải tạo, coi người ở đấy như người ở ngoài pháp luật, ở ngoài nhân loại, như là hiện thân của mọi sự xấu xa, thì mọi mệnh lệnh trái lại cũng đều vô dụng. Cho nên trong thực tế bọn quan chức đối xử với người nghèo không phải theo văn bản mà là theo tinh thần của đạo luật. Ở đây xin đơn cử mấy dẫn chứng.

Mùa hè năm 1843, có một em bé trai lên năm tuổi trong nhà tế bần ở Grin-vích vì lầm lỗi gì đó phải giam trong nhà xác suốt 3 đêm, em phải ngủ trên nắp áo quan. Trong nhà tế bần ở Héc-nơ có một em bé gái cũng bị phạt như vậy chỉ vì đêm ngủ em đái dầm. Lối phạt này hình như rất thịnh hành. Nhà tế bần này ở vào một vùng hẹp nhất của Ken-tơ, có đặc điểm là mọi cửa sổ đều mở vào phía sân trong, mãi gần đây mới mở hai cửa sổ cho phép người trong trại có thể thoáng trông ra thế giới bên ngoài một chút. Một nhà báo đã thuật chuyện ấy trên tờ "Illuminated Magazine" và kết luận bài báo bằng những lời này:

"Nếu Chúa trời trừng phạt con người vì tội lỗi giống như con người trừng phạt con người vì nghèo khổ thì khốn khổ thay cho con cháu A-đam biết bao!".

Tháng Mười một 1843, ở Lê-xtơ có một người ở nhà tế bần Cô-ven-tơ-ri vừa được thả ra hai ngày thì chết. Tình hình trại này đối xử với người nghèo thực đáng căm phẫn. Người nói trên tên là Gioóc Rốp-xơn, có một vết thương ở vai mà không hề được chữa gì cả; người ta bắt anh ta bơm máy nước bằng cánh tay lành; anh ta lại chỉ được ăn uống với mức ăn thường của nhà tế bần; do cơ thể kiệt sức vì vết thương không được chạy chữa khiến anh ta không thể tiêu hoá được thức ăn như vậy; tất nhiên là người mỗi ngày một yếu, nhưng anh ta càng than vãn thì lại càng bị đối xử tàn tệ hơn. Vợ anh cũng ở trong nhà tế bần định nhường cho chồng phần bia ít ỏi của mình thì bị chửi mắng một trận, và còn bắt phải uống hết chỗ bia đó trước mặt tên nữ quản đốc. Rốp-xơn ốm yếu nhưng cũng chẳng được đãi ngộ khá hơn. Sau cùng, theo lời yêu cầu của anh ta cả hai vợ chống cùng được thả ra, khi rời nhà tế bần đã bị những lời chửi mắng tàn tệ nhất. Hai hôm sau Rốp-xơn đã chết ở Lê-xtơ. Theo lời người thầy thuốc khám tử thi thì anh chết vì vết thương không được chữa và vì thức ăn không tiêu hoá được đối với sức khoẻ suy yếu của anh ta. Khi anh ta rời bỏ nhà tế bần, người ta mới đưa cho anh mấy phong thư có tiền gửi cho anh ta, những phong thư này đã bị giữ lại ở văn phòng của nhà tế bần trong 6 tuần lễ và đã bị bóc ra kiểm duyệt theo nội quy của nhà tế bần! - Trong nhà tế bần Bớc-minh-hêm đã xảy ra những việc bỉ ổi đến nỗi tháng Chạp 1843, cuối cùng người ta không thể không cử một quan chức đến điều tra sự việc. Ông này nhận thấy có bốn trampers (chúng tôi đã giải thích danh từ này ở trên)1* bị lột trần truồng giam trong ngục tối (blackhole) ở gầm cầu thang; người ta đã giam họ ở đây 8-10 ngày rồi, họ thường bị đói, từ sáng tới trưa không được ăn tí gì, mà lại vào thời kỳ rét nhất trong năm. Có một em bé trai bị giam trong đủ các loại phòng giam của nhà tế bần này: đầu tiên bị giam trong buồng kho xây cuốn chật chội và rất ẩm thấp, sau đó, hai lần ở trong ngục tối, lần thứ hai bị nhốt ba ngày ba đêm, sau nữa lại bị nhốt trong ngục tối cũ còn tồi tệ hơn lần thứ nhất, cũng trong thời gian như vậy, và sau cũng là buồng trọ đặc biệt dành cho người thất nghiệp đi lang thang, đó là một cái hầm bẩn thỉu hôi thối, kinh tởm kê một chiếc phản; lúc viên chức điều tra đến kiểm tra còn bắt gặp hai đứa bé trai quần áo tả tơi, nằm co quắp vì rét đã bị nhốt ở đó bốn ngày trời rồi. Số người trong ngục tối thường tới bảy người, còn trong buồng trọ thì nhét tới hai chục người. Phụ nữ cũng bị giam trong ngục tối vì không chịu đi nhà thờ. Có một chị bị nhốt đến bốn ngày trong buồng trọ, có trời biết là ở chung chạ với hạng người nào, mà lại vào thời gian chị ấy lại đang ốm phải uống thuốc! Một chị khác tuy trí lực lành mạnh mà đã bị phạt đưa vào nhà thương điên. Tháng Giêng 1844 trong nhà tế bần Bắc-tơn, ở Xúp-phôn, cũng có cuộc điều tra và đã phát hiện được rằng ở đây có một phụ nữ mất trí làm hộ lý, chị ta thực hiện đối với bệnh nhân những điều hết sức kỳ quái: những bệnh nhân hay làm ồn hoặc đêm hay trở dậy, ban đêm bị trói vào giường bằng giây thừng, để cho các hộ lý khỏi phải thức trông bệnh nhân; đã có một bệnh nhân chết trong khi bị trói như vậy.- Trong nhà tế bần ở Xanh-Păng-cra-xơ ở Luân Đôn, nơi đây người ta may quần áo lót rẻ tiền, một người đàn ông mắc bệnh động kinh khi lên cơn đã bị chết ngạt trên giường mà không có ai đến cứu. Cũng ở nhà tế bần này có đến bốn, sáu, có lúc tới tám đứa trẻ nằm chung một giường. - Trong nhà tế bần ở So-rơ-đích ở Luân Đôn đã có người nằm chung với một người đang sốt mê man trên một chiếc giường đầy rệp. - Trong nhà tế bần ở Bét-nan-Grin ở Luân Đôn, một chị có mang sáu tháng không được vào ở phòng trong mà bị nhốt cùng với đứa con chưa đầy hai tuổi trong phòng khách khoá chặt không có giường, không có chỗ đại tiểu tiện, suốt từ ngày 28 tháng Hai tới ngày 20 tháng Ba 1844. Chồng chị ấy cũng bị đưa đến nhà tế bần và khi anh ta xin cho vợ được thả ra khỏi cảnh giam cầm thì người ta cho rằng anh ta hỗn xược, đã phạt giam anh ta trong ngục tối 24 giờ chỉ cho ăn bánh mì với nước lã.- Tháng Chín 1844, trong nhà tế bần ở Xlao gần Vin-do có một người sắp chết; vợ anh ta đến ngay Xlao để thăm chồng sau khi được tha; chị tới nơi lúc mười hai giờ đêm, vội vã đi đến nhà tế bần, nhưng người ta nhất định không cho vào; mãi đến sáng hôm sau chị ấy mới được phép gặp chồng chỉ trong vòng nửa giờ, có mặt người nữ quản đốc ở đó; mấy lần thăm sau cũng vẫn có mặt người nữ quản đốc, vừa hết nửa giờ là giục chị ấy phải ra.- Trong nhà tế bần ở Mít-đơn-tơn ở Lan-kê-sia, một căn phòng có đến 12 người ngủ, có lúc đến 18 người, cả nam nữ. Cơ quan này không bị đạo luật mới về người nghèo chi phối mà chỉ theo đạo luật đặc biệt trước kia (luật Ghin-be). Người quản đốc đã mở ở đấy một xưởng sản xuất rượu bia riêng của hắn.- Ngày 31 tháng Bảy 1844, ở Xtốc-poóc có một ông già bảy mươi hai tuổi bị người ta lôi ra toà án hoà giải vì từ chối không chịu đập đá viện cớ rằng mình già quá cứng đầu gối, không làm nổi việc ấy. Ông cụ đã uổng công cầu xin làm việc gì khác cũng được, miễn là vừa sức; ông đã bị xử hai tuần khổ dịch trong nhà tù.- Tháng Hai 1844, có cuộc điều tra ở nhà tế bần Bát-phoóc, người ta thấy khăn trải giường 13 tuần chưa thay, áo sơ-mi 4 tuần chưa thay, bít tất từ 2 tháng đến 10 tháng chưa thay, đến nỗi trong 45 đứa trẻ chỉ còn ba đứa có bít tất, còn áo sơ-mi của mọi người đều rách tươm. Giường thì đầy rệp, bát đĩa thì rửa trong thùng nước bẩn.- Ở nhà tế bần trong khu Tây Luân Đôn có một người gác cửa mắc bệnh giang mai, hắn đã truyền bệnh cho bốn người con gái mà vẫn không bị đuổi. Một người gác cổng khác đã đem thiếu nữ bị câm và điếc ở một phân xưởng giấu trên giường mình để ngủ với nó trong bốn ngày mà cũng không bị đuổi.

Người ta đối xử với người chết cũng không hơn gì với người sống. Người nghèo chết thì chôn qua loa chẳng khác gì súc vật chết. Nghĩa địa người nghèo Xanh-Brai-đơ ở Luân Đôn là một bãi lầy trơ trụi, dùng làm nghĩa địa từ thời Sác-lơ II, ngổn ngang những đống xương trắng. Cứ tới thứ tư thì người nghèo chết trong tuần bị quăng xuống cái hố sâu 14 phút, người cố đạo đọc kinh cho nhanh rồi người ta lấp qua loa để thứ tư tuần sau lại bới lên mà ném xác khác xuống cho tới bao giờ đầy không nhét được vào đâu được nữa mới thôi. Vì thế mùi thối xông lên từ những xác chết thối rữa lan ra khắp vùng quanh đó.- Ở Man-se-xtơ, nghĩa địa người nghèo nằm trên bờ sông Ai-rơ-cơ, đối diện với thành phố cũ; đó cũng là một bãi hoang vu chỗ lồi chỗ lõm. Cách đây hai năm người ta đặt một đường xe lửa chạy qua. Nếu là một nghĩa địa của các vị đáng tôn kính thì không biết giai cấp tư sản và các giới tu hành sẽ la ó đến thế nào về hành vi xúc phạm thánh thể ấy! Nhưng đây là nghĩa địa người nghèo, là nơi an nghỉ cuối cùng của người nghèo đói và "người thừa", nên người ta thản nhiên như không. Thậm chí người ta cũng chẳng thèm rời những xác chưa rữa hết sang nơi khác của nghĩa địa. Chỗ nào tiện làm đường là họ đào, đóng cọc xuống mồ mả mới, đến nỗi nước chứa đầy chất thối rữa trào lên từ bùn nhão khiến các vùng quanh đó đầy mùi hôi hám có hại vô cùng. Tôi không có ý định thuật lại tỉ mỉ ở đây những hành vi tàn bạo ghê gớm đã xảy ra bấy giờ.

Phải chăng còn có thể ngạc nhiên khi thấy những người nghèo không chịu xin cứu tế xã hội trong điều kiện như thế, khi thấy họ thà chịu chết đói chứ không muốn vào những ngục Ba-xti ấy? Tôi đã thấy năm trường hợp người ta thà chịu chết đói theo nghĩa thật của từ này, hơn nữa trước khi chết mấy hôm, khi cơ quan trợ giúp người nghèo từ chối không chịu giúp cho họ một cái gì ngoài nhà tế bần thì họ thà chịu đói chứ không vào cái địa ngục ấy. Về mặt này tiểu ban luật về người nghèo đã hoàn toàn đạt mục đích của họ. Nhưng đồng thời việc thành lập các nhà tế bần, hơn hết thảy mọi biện pháp nào khác của giai cấp đang nắm chính quyền, càng khơi thêm mối căm thù của giai cấp vô sản đối với giai cấp có của mà đại đa số hân hoan phấn khởi về đạo luật mới về người nghèo. Từ Niu-cát-xơn đến Đu-vrơ, đạo luật này đã gây nên tiếng thét căm hờn nhất trí trong công nhân. Trong luật ấy, giai cấp tư sản đã nói lên cách hiểu nghĩa vụ của chúng đối với giai cấp vô sản rõ ràng đến nỗi ngay những người ngu dốt nhất cũng thấy được. Chưa bao giờ người ta dám tuyên bố công nhiên, trắng trợn đến như thế, rằng người vô sản sống trên đời chỉ là để cho người có của bóc lột, và khi nào người có của không cần đến họ nữa thì họ cứ việc chết đói. Chính vì thế mà đạo luật về người nghèo càng đẩy mạnh phong trào công nhân phát triển, nhất là đẩy mạnh phong trào Hiến chương lan rộng, và bởi vì đạo luật này ứng dụng nhiều nhất trong nông thôn, nên nó càng thuận tiện cho phong trào vô sản phát triển ở các khu nông nghiệp.

Xin nói thêm rằng từ năm 1838 ở Ai-rơ-len cũng có đạo luật về người nghèo tương tự, cũng dự kiến xây những nhà dung thân như thế cho 8 vạn dân nghèo, ở đó, người ta cũng căm ghét đạo luật ấy và nếu như ở Ai-rơ-len nó cũng có ý nghĩa như ở Anh thì nó càng gây ra sự phản đối của người nghèo. Nhưng trong một nước có tới 2 triệu rưởi người vô sản mà hành hạ 8 vạn người thì có nghĩa lý gì! - Ở Xcốt-len, không có đạo luật về người nghèo, trừ một vài địa phương cá biệt.

Tôi hy vọng rằng sau khi đã thấy được những điều nói ra ở đây về đạo luật mới về người nghèo và về những hậu quả của nó thì không còn ai cho rằng tôi nhận xét giai cấp tư sản Anh một cách quá khắt khe. Qua cái biện pháp của nhà nước ấy, giai cấp tư sản Anh đã hành động in corpore 1* với tư cách là kẻ có của cầm quyền, và nói rõ thực sự họ muốn gì và ý nghĩa chính xác của những hành vi đối xử tồi tệ mà giai cấp vô sản phải luôn luôn chịu đựng mà lại đổ tội cho từng cá nhân riêng biệt chịu trách nhiệm về những hành vi đó. Biện pháp ấy không phải là bắt nguồn từ một nhóm nào của giai cấp tư sản mà đã được toàn bộ giai cấp ấy tán thành, cuộc tranh luận ở nghị viện năm 1844 chứng minh rõ ràng điều đó. Đạo luật mới về người nghèo do Đảng tự do ban bố, chỉ sửa vài chỗ lặt vặt bằng Poor-Law-Amendment-Bill1* thông qua năm 1844. Đa số của Đảng tự do đã thông qua đạo luật ấy, đa số của đảng To-ri đã xác nhận nó, còn các vị thượng nghị sĩ cao quý thì đã hai lần "đồng ý". Như vậy là người ta đã tuyên bố rằng giai cấp vô sản là giai cấp ở ngoài nhà nước, ở ngoài xã hội; như vậy là người ta đã công khai trịnh trọng tuyên bố rằng người vô sản không phải là con người, không đáng được đối xử như con người. Nhưng chúng ta có thể an tâm mà tin tưởng ở người vô sản của vương quốc Bri-ten - họ sẽ giành lại được quyền làm người 1).

Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh là như thế, đó là tình cảnh mà tôi đã nghiên cứu được trong hai mươi mốt tháng bằng cách quan sát tận mắt và dựa vào các báo cáo chính thức và các báo cáo đáng tin cậy khác. Nếu tôi khẳng định, như đã khẳng định nhiều lần trong suốt cả quyển sách này, rằng tình cảnh đó là tồi tệ không thể nào chịu nổi, thì không phải chỉ riêng mình tôi giữ quan điểm này. Ngay năm 1833 Ga-xken đã tuyên bố rằng ông ta tuyệt vọng về kết cục hoà bình, rằng cách mạng không chắc có thể tránh nổi. Năm 1838, Các-lai-lơ đã lấy điều kiện sinh sống nghèo khổ của công nhân để giải thích phong trào Hiến chương và tinh thần cách mạng của họ và chỉ lấy làm lạ rằng họ vẫn cứ lặng lẽ ngồi ở bàn Bác-mê-ki-đơ 124 tới tám năm trời, để cho giai cấp tư sản tự do nuôi họ bằng những lời hứa hão huyền. Năm 1844 ông ta tuyên bố rằng phải lập tức tổ chức lao động.

"Nếu không muốn biến châu Âu, hay ít nhất là nước Anh, thành bãi sa mạc hoang vu".

Còn tờ báo "Times", "tờ báo lớn nhất châu Âu", tháng Sáu 1844 nói toạc ra rằng: 

"Tuyên chiến với lâu đài, hoà bình cho lều cỏ! - đó là lời kêu gọi áp dụng chính sách khủng bố, nó có thể lại vang dội một lần nữa ở khắp nước ta. Hãy coi chừng, những người giàu!"

Nhưng chúng ta hãy xem xét tiền đồ của giai cấp tư sản một lần nữa. Trong trường hợp xấu nhất, dù có bãi bỏ các đạo luật ngũ cốc, - mấy năm nữa tất nhiên sẽ phải bãi bỏ - thì công nghiệp nước ngoài trước hết là công nghiệp Mỹ cũng vẫn có thể cạnh tranh được với công nghiệp Anh. Hiện nay công nghiệp của Đức đang phát triển mạnh và công nghiệp của Mỹ đã tiến bước khổng lồ. Nước Mỹ với nguồn tài nguyên vô tận, với trữ lượng than và sắt rất lớn, với nguồn sức nước vô cùng phong phú và các con sông thuận tiện cho tàu bè đi lại, đặc biệt là với những người dân quả quyết và hoạt động, so với họ thì người Anh chỉ là những người phớt đời đang ngủ; trong thời gian chưa tới mười năm nước Mỹ đã xây dựng được một nền công nghiệp hiện nay đã cạnh tranh được với Anh về mặt hàng vải bông đơn giản (sản phẩm chủ yếu của công nghiệp Anh), đã hất cẳng người Anh ra khỏi thị trường Bắc Mỹ và Nam Mỹ, còn ở Trung Quốc thì cũng bán hàng ngang với nước Anh rồi. Tình hình các ngành công nghiệp khác cũng như vậy. Nếu có một nước có khả năng chiếm độc quyền công nghiệp vào tay mình thì đó chính là nước Mỹ.- Nếu công nghiệp Anh bị đánh bại như vậy, - nếu điều kiện xã hội hiện tại không thay đổi thì tất nhiên sẽ như thế trong vòng 20 năm sắp tới, - thì đại đa số giai cấp vô sản sẽ mãi mãi thành "người thừa" và họ chỉ có hai con đường: hoặc chết đói, hoặc làm cách mạng. Giai cấp tư sản Anh có thấy được tiền đồ ấy không? Ngược hẳn lại, nhà kinh tế học yêu mến nhất của họ là Mắc-Cu-lốc đã từ thư phòng của mình, dạy họ rằng không nên nghĩ đến một nước non trẻ, thậm chí còn chưa đủ nhân khẩu như nước Mỹ, mà có thể chuyên làm công nghiệp một cách thắng lợi được, nhất là lại có thể cạnh tranh nổi với nước công nghiệp già đời như nước Anh. Nếu người Mỹ muốn thử làm như vậy là họ điên, vì nhất định họ sẽ lỗ vốn. Tốt nhất là họ cứ chuyên về nông nghiệp, chừng nào ruộng đất của họ đã trồng trọt hết thì có lẽ bấy giờ họ sẽ có thể làm công nghiệp một cách thuận lợi. - Nhà kinh tế học thông minh tuyệt vời ấy nói thế, và cả giai cấp tư sản phụ họa theo ông ta trong khi người Mỹ cứ cướp hết thị trường này đến thị trường khác và trong khi một tay đầu cơ người Mỹ mới cách đây không lâu đã cả gan chở một chuyến hàng Mỹ sang tận nước Anh và đã bán rất chạy cho người Anh mua để xuất khẩu một lần nữa!

Nhưng giả sử người Mỹ cứ giữ vững được độc quyền công nghiệp, giả sử số công xưởng của họ cứ tăng thêm mãi, thì kết quả sẽ ra sao? Khủng hoảng thương nghiệp sẽ cứ tiếp diễn và sẽ ngày càng gay gắt hơn, khủng khiếp hơn theo mức độ phát triển của công nghiệp và tăng thêm nhân số giai cấp vô sản. Theo với sự phá sản liên tục của giai cấp tiểu tư sản, theo với sự tập trung tư sản triển khai trên quy mô đồ sộ vào tay một số ít người, giai cấp vô sản sẽ tăng thêm theo cấp số nhân và sẽ nhanh chóng bao gồm cả dân tộc, trừ một số ít nhà triệu phú. Nhưng, trong quá trình phát triển ấy, tất sẽ đến một lúc mà giai cấp vô sản sẽ thấy rằng họ có thể lật đổ trật tự xã hội hiện tại một cách rất dễ dàng, và thế là cách mạng sẽ xảy ra.

Song sự việc sẽ không phát triển theo hai con đường ấy. Khủng hoảng thương nghiệp là nhân tố mạnh mẽ nhất thúc đẩy giai cấp vô sản phát triển một cách độc lập, cộng thêm với sự cạnh tranh của nước ngoài và sự phá sản càng ngày càng nhiều của giai cấp trung gian sẽ đẩy nhanh toàn bộ quá trình ấy. Tôi không tin rằng nhân dân sẽ có thể lặng lẽ chịu đựng thêm một cuộc khủng hoảng nào nữa. Cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ nổ ra vào năm 1846 hay 1847 có thể sẽ thúc đẩy sự phế bỏ các đạo luật ngũ cốc và thông qua Hiến chương. Hiến chương sẽ dẫn đến phong trào cách mạng như thế nào, bây giờ thật khó nói. Nhưng sau cuộc khủng hoảng này và trước cuộc khủng hoảng sau suy luận theo những cuộc khủng hoảng trước thì phải xảy ra vào năm 1852 hay 1853 dù nó có thể tới chậm do sự phế bỏ các đạo luật ngũ cốc, hay tới nhanh hơn do những nguyên nhân khác chẳng hạn như do sự cạnh tranh của nước ngoài, nhân dân Anh chắc là sẽ chán ghét, không thể nhẫn nhục chịu đựng được sự bóc lột của bọn tư bản và không thể chịu chết đói khi mà bọn chúng không cần đến họ nữa. Nếu từ nay tới đó mà giai cấp tư sản Anh không thông minh lên một chút - cứ theo mọi triệu chứng mà xét đoán thì điều đó không xảy ra với nó thì sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, mà tất cả các cuộc cách mạng từ trước đến nay không thể nào so sánh được. Người vô sản bị bức đến chỗ tuyệt vọng sẽ tiến hành đốt phá như Xtê-phen đã từng tuyên truyền cho họ; lửa phục thù của nhân dân sẽ bùng lên mãnh liệt mà ngay năm 1793 cũng không bì kịp. Cuộc chiến tranh của người nghèo chống người giàu sẽ là một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong mọi cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa người và người. Dù cho có một số người trong giai cấp tư sản sẽ chạy về phía giai cấp vô sản, dù cho tâm tính chung của toàn thể giai cấp tư sản có khá lên thì cũng vô ích. Vả chăng nếu có sự thay đổi quan điểm của toàn bộ giai cấp tư sản thì cũng không thể đi xa hơn cái juste-milieu 1* có tính chất dung hoà; những người tư sản tương đối kiên quyết đi về phía công nhân hình thành phái Gi-rông-đanh mới, và phái ấy cũng sẽ tiêu vong trong quá trình mở rộng hành động bạo lực. Một giai cấp không thể vứt bỏ thiên kiến như vứt bỏ quần áo cũ, nhất là giai cấp tư sản Anh bảo thủ, hẹp hòi và ích kỷ càng ít có khả năng làm việc đó. Chúng ta có thể vững tâm rút ra tất cả những kết luận như thế vì những kết luận ấy một mặt dựa vào những sự thực hoàn toàn không thể chối cãi được của sự phát triển lịch sử, mặt khác dựa vào bản tính của loài người. Làm nhà tiên tri ở nước Anh thì dễ hơn ở bất cứ một nơi nào khác bởi vì mọi nhân tố hợp thành của xã hội ở đây phát triển rõ rệt lắm rồi. Cách mạng là  không thể tránh khỏi, muốn tìm lối thoát hoà bình trong tình hình đã hình thành thì đã quá muộn; nhưng cách mạng có thể tiến hành theo hình thức ôn hoà hơn điều tôi mô tả ở đây. Điều đó sẽ tuỳ thuộc vào sự phát triển của giai cấp tư sản, không bằng tuỳ thuộc vào sự phát triển của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản càng tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa thì cách mạng sẽ càng ít đổ máu, báo thù và tàn khốc. Theo nguyên tắc của nó, thì chủ nghĩa cộng sản vượt lên trên sự thù địch giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản; nó chỉ thừa nhận ý nghĩa lịch sử của sự thù địch đối với hiện tại, nhưng lại phủ nhận tính tất yếu của sự thù địch trong tương lai; chủ nghĩa cộng sản chính là nhằm mục đích thủ tiêu sự thù địch ấy. Khi sự thù địch ấy hãy còn, thì chủ nghĩa cộng sản cho rằng giai cấp vô sản căm phẫn với những kẻ nô dịch họ là điều tất nhiên, là đòn bẩy quan trọng nhất của phong trào công nhân đang bắt đầu; nhưng chủ nghĩa cộng sản còn đi xa hơn sự căm phẫn ấy, bởi vì nó không chỉ là sự nghiệp của riêng một mình công nhân mà còn là sự nghiệp của toàn thể loài người. Dẫu sao cũng không có một người cộng sản nào lại nghĩ đến trả thù một cá nhân riêng lẻ, hay cho rằng người tư sản nào đó trong những điều kiện hiện tại có thể có những hành động khác bây giờ. Chủ nghĩa xã hội Anh (tức chủ nghĩa cộng sản) chính xuất phát từ nguyên tắc không quy trách nhiệm cho một cá nhân riêng biệt nào. Do đó công nhân Anh tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa càng nhiều, thì sự căm phẫn hiện nay của họ càng nhanh chóng biến thành thừa, - nếu sự căm phẫn ấy còn thể hiện trong các cuộc tấn công bạo lực như hiện nay, thì nó cũng vẫn không mang lại kết quả gì, - hành vi thô bạo và dã man chống giai cấp tư sản của họ sẽ càng ít đi. Kể ra nếu có thể làm cho toàn thể giai cấp vô sản trở thành cộng sản trước khi nổ ra cuộc chiến đấu thì cuộc chiến đấu sẽ tiến hành rất hoà bình. Nhưng ngày nay điều ấy không thể làm được nữa; đã muộn quá rồi! Song tôi cho rằng trước khi nổ ra cuộc chiến tranh hoàn toàn công khai và trực tiếp của người nghèo chống người giàu, bây giờ đã không thể tránh ở nước Anh, thì ít nhất trong đội ngũ của giai cấp vô sản cũng đã hiểu được rõ ràng vấn đề xã hội, để cho đảng cộng sản trong hoàn cảnh thuận lợi có thể khắc phục dần dần được những yếu tố căm phẫn và thô bạo của cách mạng và đề phòng sự tái diễn của ngày 9 tháng Nóng. Ngoài ra, kinh nghiệm của nước Pháp chưa hẳn là vô dụng, hơn nữa, hiện nay đa số những lãnh tụ của phong trào Hiến chương đã thành người cộng sản. Mà chính vì chủ nghĩa cộng sản vượt lên trên mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, cho nên so với phong trào Hiến chương thuần tuý vô sản thì nó càng dễ được những đại biểu ưu tú của giai cấp tư sản tán thành - nhưng số người này quá ít và chỉ có thể tìm thấy ở các thế hệ mới trưởng thành.

Nếu những kết luận này ở đây còn thấy chưa đầy đủ căn cứ thì tôi mong rằng sẽ có dịp chứng minh ở chỗ khác, rằng những kết luận này được rút ra một cách tất nhiên từ sự phát triển lịch sử của Anh. Nhưng tôi kiên quyết tin rằng: cuộc chiến tranh của người nghèo chống người giàu, hiện đang gián tiếp tiến hành bằng hình thức xung đột nhỏ cá biệt, sẽ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện và công khai ở Anh. Muốn giải quyết một cách hoà bình thì đã quá muộn. Sự phân hoá giai cấp ngày càng gay gắt, tinh thần phản kháng ngày càng ăn sâu vào lòng người công nhân, sự căm phẫn càng tăng, những cuộc xung đột cá biệt kiểu du kích đang mở rộng thành những cuộc chiến đấu và thị uy lớn hơn, và không lâu nữa, chỉ cần một sự va chạm nhẹ cũng đủ gây nên sóng gió lở đất long trời. Lúc đó khắp cả nước sẽ thực sự lừng vang lời kêu gọi chiến đấu: "Tuyên chiến với lâu đài, hoà bình cho lều cỏ!", nhưng lúc đó những kẻ giàu có muốn tìm biện pháp đề phòng thì đã muộn rồi.

 

 



1) Trong cuốn sách của mình: "Past and Present", London, 1843 ["Quá khứ và hiện tại", Luân Đôn, 1843], Các-lai-lơ đã mô tả một cách tuyệt diệu giai cấp tư sản Anh và tính tham lam ghê tởm của nó; tôi đã dịch một phần cuốn sách ấy cho tờ "Deutsch Französische Jahrbücher" mong độc giả tham khảo122.

122  Xem C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr . 787-825.

123 "Laissez faire, laissez aller" ("Mặc cho tự do hành động") là công thức của các nhà kinh tế học tư sản thuộc phái mậu dịch tự do là những người chủ trương tự do mậu dịch và nhà nước không can thiệp vào lĩnh vực quan hệ kinh tế.

1) "Extracts from Information received by the Poor-Law-Commissioners". Published by Authority, London. 1833 ["Trích báo cáo do Tiểu ban luật về người nghèo trình bày". Do chính quyền công bố. Luân Đôn , 1833].

1*. Xem quyển này, tr. 596-597.

1* - toàn thể, trong toàn bộ, như một chỉnh thể

 

1) Để tránh mọi sự hiểu lầm và do đó có thể sinh ra dị nghị, tôi cần nêu lên là tôi nói đến giai cấp tư sản với tư cách là một giai cấp, và tất cả những điều nói về những hành vi của từng cá nhân riêng biệt, tôi chỉ đưa ra để đặc trưng cho phương pháp tư tưởng và hành động của giai cấp ấy. Bởi thế, tôi cũng không định phân tích sự khác nhau giữa các tập đoàn và các đảng phái riêng biệt của giai cấp tư sản, vì những tập đoàn và đảng phái ấy chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử và lý luận. Cũng vì vậy tôi chỉ có thể nhân tiện nhắc lướt qua vài người tư sản đã tỏ ra là những nhân vật đáng kính ngoại lệ. Trong số những người ngoại lệ này có những người cấp tiến tương đối kiên quyết gần như là người thuộc phái Hiến chương, ví dụ như những hạ nghị sĩ là các chủ xưởng Hen-dli ở A-stơn và Phin-đen ở Tốt-moóc-đen (Lan-kê-sia), ngoài ra còn những đảng viên đảng To-ri là nhà từ thiện cách đây không lâu mới lập ra nhóm "Nước Anh trẻ", trong số ấy có các nghị sĩ Đi-xra-e-li, Boóc-tuých, Phe-ran-đơ, huân tước Giôn Nan-nớc-xơ, v.v.. Huân tước Ê-sli cũng gần gũi với họ.- Mục tiêu của nhóm "Nước Anh trẻ" là khôi phục lại "merry England" cổ xưa với các mặt huy hoàng và chế độ phong kiến lãng mạn của nó; mục tiêu ấy cố nhiên là không thể thực hiện được mà thậm chí còn buồn cười, đó là một sự nhạo báng đối với mọi sự phát triển lịch sử. Những người này đứng lên chống lại chế độ hiện hành,

1*  - Dự án bổ sung đạo luật về người nghèo chống lại những thiên kiến hiện hành một cách có thiện ý, họ dũng cảm thừa nhận tất cả các hành động đê tiện của xã hội hiện tại, điều đó kể cũng thật đáng quý. - Ông Tô-mát Các-lai-lơ nửa người Đức nửa người Anh là độc đáo nhất, ông ta lúc đầu thuộc đảng To-ri, sau lại đi xa hơn tất cả những nhân vật kể trên. Ông ta hiểu một cách sâu xa hơn tất cả mọi người tư sản Anh về nguyên nhân của tình hình hỗn loạn xã hội và yêu cầu phải tổ chức lao động. Tôi mong rằng ông Các-lai-lơ đã tìm thấy con đường đúng đắn, sẽ có thể đi theo con đường đó. Nhân danh cá nhân và nhiều người Đức khác, tôi gửi đến ông những ước vọng tốt đẹp nhất.

(Năm 1892) Nhưng Cách mạng tháng Hai đã làm cho Các-lai-lơ thành ra phần tử hoàn toàn phản động, lòng căm giận chính đáng của ông đối với bọn người tầm thường đã chuyển thành lòng oán hận của kẻ tầm thường hằn học đối với lớp sóng lịch sử đã ném ông ta lên bờ. (Lời chú thêm của Ăng-ghen cho bản tiếng Đức năm 1892).

124 Bàn (hoặc bữa tiệc) Bác-mê-ki-đơ là một thành ngữ lấy trong thần thoại "Một nghìn một đêm lẻ". Trong bữa tiệc này, người ta bưng ra cho những người đói hết đĩa nọ đến đĩa kia nhưng toàn là đĩa không.

1* - thái độ đứng giữa vàng ngọc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt