Chủ nghĩa Marx

Tính triệt để của sự phê phán có tính phê phán, hay là sự phê phán có tính phê phán thể hiện ở ông I-U (I-ung-nít-xơ)

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

C.MÁC VÀ PH. ĂNG-GHEN

 

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH HAY LÀ

PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn

_____________________

 

 

CHƯƠNG III

 

TÍNH TRIỆT ĐỂ CỦA SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN,

HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG I-U. (I-UNG-NÍT-XƠ?)9

 

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 26-27. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Sự phê phán không thể không chú ý đến cuộc tranh luận vô cùng quan trọng giữa ngài Nau-véc và hệ triết học đại học Béc-lin. Nó vốn đã kinh qua tình cảnh tương tự và tất nhiên phải lấy số phận ngài Nau-véc làm bối cảnh để làm cho người ta chú ý đến việc bản thân nó bị cách chức ở Bon10. Vì sự phê phán đã quen coi giai đoạn lịch sử ở Bon là một sự kiện nổi bật của thời đại chúng ta, thậm chí đã viết "triết học về vụ cách chức sự phê phán", nên có thể dự tính rằng nó sẽ dùng phương thức giống như thế để biến "sự xung đột" ở Béc-lin thành một hệ thống triết học được vạch ra một cách chi tiết. Nó chứng minh a priori1* rằng mọi việc phải xảy ra như thế này chứ không thể khác được. Nghĩa là nó chỉ ra:

1) Tại sao hệ triết học nhất định phải "xung đột" với nhà triết học của nhà nước chứ không phải với nhà lô-gíc học hoặc nhà siêu hình học;

2) Tại sao cuộc xung đột này không thể gay gắt và triệt để như cuộc xung đột ở Bon giữa sự phê phán và thần học;

3) Tại sao cuộc xung đột đó nói đúng ra chỉ là một sự ngu xuẩn sau khi trong vụ xung đột của mình ở Bon, sự phê phán đã tận dụng tất cả những nguyên tắc và nội dung có thể có, và từ đó trở đi lịch sử thế giới chỉ còn là kẻ sao chép lại sự phê phán mà thôi?

4) Tại sao hệ triết học cho rằng việc công kích những tác phẩm của ngài Nau-véc chính là chĩa vào nó;

5) Tại sao ngài N không có cách nào khác hơn là tự động rời bỏ chức vụ;

6) Tại sao hệ triết học phải bênh vực ngài N, nếu nó không muốn từ bỏ bản thân nó;

7) Tại sao "sự tranh chấp bên trong hệ triết học tất nhiên phải biểu hiện dưới hình thức" là hệ triết học, đồng thời cho rằng cả ngài N. lẫn chính phủ đều vừa đúng vừa sai;

8) Tại sao hệ triết học không thể tìm thấy trong các tác phẩm của ngài N. căn cứ đầy đủ của việc cách chức ông ta;

9) Cái gì khiến cho toàn bộ sự phán đoán thiếu rõ ràng;

10) Tại sao hệ triết học, "với tính cách là cơ quan khoa học (!), cho rằng mình (!) có quyền (!) xem xét nguồn gốc của sự việc", và sau hết;

11) Tại sao hệ triết học, dẫu sao, vẫn không muốn viết như ngài N.

Sự phê phán đã phân tích, trong bốn trang sách, những vấn đề quan trọng đó một cách triệt để hiếm có, đồng thời dùng lô-gích của Hê-ghen để chứng minh tại sao tất cả những việc ấy đã xảy ra như vậy và tại sao không có vị thần nào có thể phản đối điều đó. Sự phê phán nói ở một chỗ khác rằng chưa có một thời kỳ lịch sử nào đã được nhận thức cả; tính khiêm tốn ngăn cản nó nói rằng ít ra nó cũng đã nhận thức được đầy đủ vụ xung đột của nó và vụ xung đột của Nau-véc, là những vụ xung đột tuy không phải là những thời đại, nhưng theo quan niệm của nó, vẫn làm ra thời đại.

Sự phê phán có tính phê phán, đã "tước bỏ" của bản thân mình "nhân tố" tính triệt để, lại biến thành "sự yên tĩnh của nhận thức".



9 Đây là nói về bài "Ngài Nau-véc và hệ triết học" đăng trong "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 6 (tháng Năm 1844) ký tên "I.U." - chữ cái đầu tiên của họ I-ung-nít-xơ (Jungnitz).

10 Chỉ việc cách chức B.Bau-ơ là người đã bị chính phủ Phổ tạm thời tước quyền giảng dạy ở Trường đại học tổng hợp Bon vào tháng Mười 1841, và sau đó vào tháng Ba 1842 thì bị vĩnh viễn tước quyền, vì ông đã viết tác phẩm phê phán Kinh thánh.

1* - một cách tiên nghiệm

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt