Chủ nghĩa Marx

Tương quan giữa luận lý học và biện chứng pháp

BIỆN CHỨNG PHÁP - MỤC LỤC

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

 

TƯƠNG QUAN GIỮA

LUẬN LÝ HỌC VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Biện chứng pháp. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1955. 


 

 

MỤC ĐÍCH CỦA CHƯƠNG IV

Mục đích

1. Chủ nghĩa Mác không bài trừ luận lý hình thức, vì luận lý hình thức không phải là công cụ tư tưởng riêng của kẻ thù giai cấp. Cũng như ngôn ngữ, luận lý học hình thức không phải là thượng tầng kiến trúc nó không có tính chất giai cấp.

2. Quan hệ giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp không phải là quan hệ giữa hai lối tư tưởng, một lối siêu hình và một lối biện chứng. Không có hai thứ luận lý hình thức, một thứ siêu hình và một thứ biện chứng.

3. Quan hệ giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp là:

a. Quan hệ giữa một phương pháp nhận thức sơ cấp và một phương pháp nhận thức cao cấp.

b. Quan hệ giữa một khoa học chuyên môn về hình thức và quy luật của tư tưởng một phía, và hệ thống những nguyên tắc lãnh đạo các khoa học chuyên môn, một phía khác.

 

 

I. LUẬN LÝ HÌNH THỨC LÀ GÌ?

Đến thế kỷ 19, biện chứng pháp mới được hoàn thành. Còn trong lịch sử của tư tưởng nhân loại thì luận lý học (hình thức) được Aritốt sáng lập từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Ở Trung Quốc, luận lý học đã manh nha trong những cuộc tranh luận giữa các phái danh gia, Mặc gia, Nho gia, Đạo gia. Khoa luận lý học, Pháp gọi là logique, Nga gọi là logika… đều do chữ Hylạp “Logos” mà ra; logos là tư tưởng. An độ xưa gọi là nhân minh, Trung Quốc trước đây gọi là luận lý, bây giờ gọi là La-tập (theo phiên âm Việt Nam). Trong tiếng Việt Nam, hãy còn dùng chữ luận lý, thì ta hẳn giữ chữ luận lý, theo nội dung ý nghĩa sẽ trình bày sau đây. Luận lý học thuộc một giáo trình khác biện chứng pháp; ở đây chỉ nói rất sơ lược để tìm thấy mối tương quan giữa luận lý học và biện chứng pháp.

1. Đối tượng của luận lý học

Mỗi khoa học đều có đối tượng của nó. Các khoa học khác đều lấy tư tưởng làm công cụ để nghiên cứu đối tượng của mình. Luận lý học thì lấy tư tưởng làm đối tượng nghiên cứu, nó tìm quy luật chính xác của tư tưởng.

Tư tưởng là hình thái tối cao của tâm lý con người; nó riêng biệt cho con người. Hằng ngày, trong cuộc sống cũng như trong sự nghiên cứu xã hội và vũ trụ, chúng ta đều cần vận dụng tư tưởng.

Mà tư tưởng thì, có khi nó chính xác, có khi nó sai lầm; sai lầm nghĩa là trái ngược hay chênh lệch với thực tế khách quan; chính xác là phù hợp với thực tế khách quan. Song, đúng hay sai với thực tế khách quan cũng chưa đủ, cần phải vận dụng tư tưởng như thế nào, bằng những cách gì, thì mới đạt những kết quả chính xác ? Nói một cách khác, sự vận dụng tư tưởng phải theo những hình thức nào thì mới đạt được nội dung và kết quả đúng ? Luận lý học hình thức không nghiên cứu toàn bộ các quy luật của tư tưởng; đối tượng của nó chỉ là những hình thức cần phải theo để làm cho tư tưởng được chính xác.

2. Quy luật căn bản của luận lý học:

a. Luật đồng nhất: Yêu cầu của quy luật này là : trong quá trình tư tưởng, trong cuộc đàm luận, thì tư tưởng mình phải trước sau như một, không thay đổi đối tượng mà cũng không thay đổi khái niệm về đối tượng đó. Nếu có thay đổi thì phải báo trước.

Công thức của quy luật này là A=A.

Tôi là người Việt nam; thì tôi là người Việt nam, không phải là người Nhật bản.

Người là người, không thể vừa là người vừa là thần linh, ma quỷ được.

Con sông là con sông, không thể đồng thời là dải núi được.

Suốt trong một loạt hành động, ta phải giữ A = A; ví dụ, cái cốc pha lê trong vắt, dễ vỡ; thì, khi tôi uống rượu vang, màu rượu vang tuy vàng nhưng tôi phải nhớ rằng cái cốc trong; tôi thấy người ta đánh rơi cái thìa không gẫy, nhưng tôi không giả vờ bỏ rơi chiếc cốc pha lê xuống sàn. Như thế là tôi có luận lý với tôi, tiền hậu như nhất trong hành động. Cũng tiền hậu như nhất, khi bảo rằng đế quốc tham tàn, tôi tranh đấu chống nó; nếu tôi nói nó tham tàn  mà tôi lại đồng thời nhờ nó giúp tôi xây dựng độc lập, thì tôi trước sau không như một, tôi bất nhất với tôi, tôi không luận lý, tôi sai.

Tên B là ăn cướp, nó gặp tôi giữa rừng, nó định cướp tôi, tôi định chống nó. Cọp đến; nó và tôi không muốn bị cọp ăn; nó và tôi vừa đánh cọp, vừa kêu làng; làng xóm đến, cọp chạy, ai về nhà nấy. B là ăn cướp mà tôi cùng nó tạm hợp tác; cái đó không đồng nhất, nhưng tôi có báo trước, có đưa những điều kiện mới xảy ra, điều kiện đó là cọp đến. Tôi không trái với luận lý, tôi làm đúng luận lý.

b. Luật không mâu thuẫn : Việc vừa mới xảy ra, dắt đến quy luật thứ 2 của luận lý học, luật không mâu thuẫn. Yêu cầu của luật này là trong tư tưởng cũng như trong một cuộc đàm luận, thì, đối với một đối tượng nhất định hay đối với một khái niệm nhất định, không thể có hai ý kiến trái ngược nhau.

Đối với thực dân: chỉ có thể nói rằng nó bóc lột, áp bức. Không có thể nói rằng nó vừa bóc lột áp bức, vừa giúp cho ta độc lập phú cường.

Tờ giấy này trắng; chỉ có thể nói nó là trắng; không thể nói nó trắng và đen. Hoa hồng này thơm, chỉ có thể nói nó là thơm, không thể nói nó thơm và thối.

Nếu nói nó thơm và thối, nó áp bức ta và giúp đỡ ta, thì mâu thuẫn; mâu thuẫn là sai lầm.

Ở đây cần đặc biệt chú ý đến sự hạn chế của thời gian, không gian, điều kiện: lúa cần mưa mới tốt; nhưng lúc đã trổ bông mà trời mưa mãi thì không tốt. Rét thì ăn cơm ngon, mau lớn lên, nhưng đối với trẻ kia, còn đối với già thì nếu rét lắm, ăn ngủ không được, mau già thêm.

Công thức của quy luật này là; A không phải là cái khác A.

Quy luật này là một mức triển khai của luật đồng nhất A = A.

c. Luật bài trung: Bài là bỏ, trung là giữa, bài trung là bỏ cái giữa chừng. Yêu cầu của luật này là trong tư tưởng hoặc trong đàm luận, đối với một đối tượng hay một khái niệm, ta phải lấy một trong hai ý kiến đúng hay sai, không thể có ý kiến thứ ba nào ở giữa, vừa sai vừa đúng.

Có hai ý kiến: đế quốc Mỹ là kẻ thù, đế quốc Mỹ là người bạn. Người Việt nam chỉ phải chọn một cái đúng. Mỹ là thù, không thể nói nó là thù và là bạn.

Công thức của luật này là A là B hoặc không là B.

Quy luật này cũng là sự triển khai của hai quy luật trên.

d. Luật đầy đủ lý do : Trong thế giới khách quan, mọi sự vật đều liên hệ với nhau. Cho nên không có quả nào không nhân, không có nhân nào không quả. Cho nên trong tư tưởng hay trong quá trình đàm luận, cần phải dựa trên những nguyên nhân và lý do cho đầy đủ và xác thực, có thế tư tưởng mới chính xác.

Công thức của quy luật này là: có A vì có B.

Có những sự vật chỉ cần một lý do là đầy đủ. Lại có những sự vật cần nhiều lý do mới rõ. Nên công thức trở thành có A vì có B, có B vì có C… như vậy phải đi đến lý do rõ rệt nhất mới là đầy đủ: đê vỡ vì nước nhiều, vì đê yếu, nước nhiều vì mưa to, đê yếu vì giặc Pháp bắn dân hộ đê…

Tuy nhiên, cũng có nhiều sự vật, nhiều hiện tượng không cần lý do, vì bản thân nó đã rõ ràng quá: tôi có hai tay, một bộ phận của vật thì nhỏ hơn toàn bộ của vật đó: A>B, B>C thì A>C v.v…

3. Những nguyên tố chính của luận lý học: khái niệm, phán đoán, suy luận.

a. Khái niệm: những sự vật, những hiện tượng của ngoại giới quanh ta, theo danh từ của luận lý học, ta gọi là đối tượng: cái bút, mặt trời, thành phố, mùa lúa, Đảng cách mạng… Người ta nhận thức thế giới khách quan bằng cách so sánh các đối tượng với nhau, so sánh các sự vật, các hiện tượng. Do đó mà thấy chỗ giống nhau, và chỗ khác nhau giữa các sự vật, các hiện tượng. Cũng do đó mà có khái niệm về đối tượng.

Khái niệm về con người kết hợp những cộng tính của con người: làm công cụ, sản xuất, tư tưởng v.v…

Khái niệm về động vật: những loài người, thú cầm biết đi đi lại lại.

Khái niệm về sinh vật: những loài động vật, thực vật có sinh mệnh.

Khái niệm rất cần thiết cho sự phán đoán, cho khoa học, nó phản ảnh thực tế khách quan trong vũ trụ, nó phản ảnh những đặc tính cơ bản và cộng đồng của đối tượng. 

b. Phán đoán: Phán đoán là đối với các đối tượng trong ngoại giới, phát biểu một nhận thức của mình; là phát biểu một sự khẳng định hay phủ định của mình đối với sự vật.

Phán đoán là liên hệ nhiều khái niệm lại để làm nổi lên cái ý mình muốn nói.

Hà nội là Thủ đô nước Việt nam dân chủ cộng hoà; Hà nội là đối tượng để phê phán, là chủ từ; “Thủ đô nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà” là thuật từ;  “là” là liên từ.

Một phán đoán đúng là một phán đoán đúng với thực tế; một phán đoán sai là một phán đoán trái với thực tế khách quan.

Có phán đoán về tồn tại (Hà nội đẹp, Hà nội không phải là xấu; Hà nội không phải một tỉnh lỵ). Có phán đoán về suy xét (người này có ngày sẽ chết, những người này có ngày sẽ chết, mọi người có ngày sẽ chết). Có phán đoán về tất yếu (cây hồng là một thực vật; mặt trời mọc thì chim vui vẻ hát; chạy nhảy thì người nóng lên). Ba loại phán đoán cũng là ba bực phán đoán, đi từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ hiện tượng đến quy luật. Trong khoa học vật lý, ba bực phán đoán đó có thể được soi sáng bằng ba tỉ dụ sau đây: xưa nay người ta biết rằng “cọ xát sinh ra nhiệt”. Năm 1842, Mai-de và Jun-lơ nói: “mỗi vận động cơ giới đều có thể sinh ra nhiệt”. Năm 1845, Mai-de nói: “Mỗi hình thức của sự vận động, trong những điều kiện nhất định, chuyển biến một cách trực tiếp hay gián tiếp thành một hình thức vận động khác”. Ba tỉ dụ này là ba bực phán đoán; đi từ tồn tại của sự vật đến quy luật của sự vật.

c. Suy luận: suy luận là dựa trên những phán đoán đã có, tìm ra một phán đoán mới. Ví dụ: các loài kim khí đều dẫn điện; sợi dây này là kim khí; nó dẫn điện. Hay ví dụ: Cách mạng ruộng đất thì công thương phát triển, ta muốn công thương phát triển, ta phải làm cách mạng ruộng đất. Hay là: Cách mạng ruộng đất thì công thương phát triển, ta làm cách mạng ruộng đất, công thương ta sẽ phát triển. Như thế luận lý học là một phương pháp để phát kiến tuy là sơ bộ.

4. Những phương pháp thông thường của luận lý học

Đó là: quy nạp và suy diễn, phân tích và tổng hợp. Trong chương II ta đã nói qua, ở đây không cần trở lại nữa.

Chúng ta đã trình bày những nét chính của luận lý học. Bây giờ chúng ta đã có thể trình bầy những mối tương quan giữa luận lý học và biện chứng pháp.

a. Chủ nghĩa Mác không bài trừ luận lý hình thức vì luận lý học hình thức không phải là thượng tầng kiến trúc và không có tính chất giai cấp.

Ở xứ ta, cũng như ở nhiều xứ khác, gồm cả Liên xô trước đây, có nhiều người Mác xít nghĩ rằng biện chứng pháp tuyệt đối mâu thuẫn với luận lý học (luận lý hình thức), họ cho rằng luận lý hình thức là thượng tầng kiến trúc, là công cụ riêng của giai cấp bóc lột, là một học thuật siêu hình sai lầm, cơ sở của một vũ trụ quan thần bí và duy tâm, v.v… Cho nên, ví dụ như trong quyển “Những vấn đề căn bản của chủ nghĩa Mác” của Pờ-lê-kha-nốp (Plékanov) mà nhiều nhà trí thức và cán bộ cách mạng ta đã có lúc học, tác giả đả phá luận lý hình thức một cách sai lạc và quá đáng; cho nên, trong cuộc tranh luận giữa Hải Triều và Phan Khôi về luận lý học và biện chứng pháp, cả hai nhà văn Việt Nam đều lầm lạc; Hải Triều sai lầm ở chỗ phủ nhận tính chất khoa học của luận lý học, Phan Khôi sai lầm ở chỗ tuyệt đối hóa luận lý học. Mãi gần đây, trong kháng chiến, nhiều quyển sách triết học nhận định không đúng về tính chất, tác dụng của luận lý hình thức, quan hệ giữa nó với biện chứng pháp. Và đến nay, vì ở cấp 2, cấp 3 trường phổ thông ta, không có dậy luận lý học, nên một mặt thì diễn tả suy luận của học sinh gặp nhiều trở ngại, một mặt khác là đến khi đọc biện chứng pháp họ dễ ngớ ngẩn tựa như người chưa học toán học sơ cấp mà nhảy vào toán học cao cấp.

Chẳng những ở bên Việt nam, ở bên Liên xô cũng có tình trạng từa tựa như thế; một vài giáo sư toan trục xuất luận lý học hình thức ra khỏi cửa của các trường học, hay là, nếu phải dạy luận lý hình thức (theo chỉ thị của Lênin hồi 1921 và chỉ thị của Stalin hồi 1945) thì họ lại làm ra một thứ luận lý hình thức mới gọi là luận lý Xô-viết hay là luận lý học biện chứng hoá. Một số các sách về “La tập” dịch ra chữ Trung Quốc hiện (1952) lưu hành ở xứ ta đều mang những sai lầm trên.

Liên xô mấy năm gần đây, quyển “Vấn đề ngôn ngữ học” của Stalin đã gây ra nhiều cuộc tranh luận rất sôi nổi về luận lý hình thức; các cuộc tranh luận này đem lại nhiều kết quả quan trọng, đem lại cho chúng ta nhiều ánh sáng soi rọi mối quan hệ giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp.

Một vị cựu Bộ trưởng giáo dục viết:

Trong thời nô lệ, luận lý hình thức bảo vệ hệ thống tư tưởng chủ nô lệ; trong thời trung cổ nó là tôi đòi của thần học; đến thời đại tư bản nó lại thích hợp với giai cấp tư bản đàn áp giai cấp bị trị, khiến cho họ bị cầm tù trong tư tưởng của giai cấp tư bản”.

Người ta sẽ tự hỏi ngay: nếu luận lý hình thức tai hại như thế, thù địch như thế, thì tại sao Lênin và Stalin chỉ thị phải dạy luận lý hình thức ở các trường phổ thông? Ai đúng? Ai sai? Người sai chắc hẳn không phải là Lênin và Stalin.

Lênin và Stalin lại bảo phải dạy luận lý hình thức mà một số giáo sư lại nhận định rằng luận lý hình thức là công cụ của giai cấp bóc lột, nên số giáo sư ấy mới nghĩ ra việc dựng lên một thứ luận lý hình thức mới mà, họ gọi là luận lý Xô viết, làm vũ khí tư tưởng để tranh đấu chống tư tưởng tư bản siêu hình; thứ “luận lý mới” này dung hòa biện chứng pháp với luận lý hình thức. Những người tạo ra nó có cái tham vọng kỳ quặc là “luận lý Xô-viết” của họ tạo ra đó vừa có thể thay cho  luận lý hình thức cũ “kinh viện, siêu hình” vừa có thể thay cho biện chứng pháp nữa ! Một chủ trương như thế rất sai lầm và rất nguy hiểm, sai lầm vì nó lẫn lộn biện chứng pháp với luận lý hình thức, nguy hiểm vì nó thủ tiêu biện chứng pháp; rốt cùng sẽ còn lại một thứ “xào bần” không mùi vị. Ta cứ tưởng tượng một loại hình học mới nào đó thay cho cả hình học Euclide và hình học không phải Euclide, phủ nhận cả hai, thay thế cho cả hai. Thì ta sẽ rõ cái tham vọng kỳ quặc của những người tạo ra “luận lý mới”.

Thực ra luận lý hình thức và biện chứng pháp là hai môn học, hai bậc học khác nhau, có liên hệ mà phân biệt nhau.

Muốn nhận thức một sự vật gì, muốn hiểu rõ một hiện tượng gì cho chính xác, thấu đáo, thì dùng luận lý hình thức không đủ, nhưng không thể không dùng nó được.  Muốn nhận thức, phải tư tưởng; muốn tư tưởng thì không thể không có những hình thức cơ bản của tư tưởng như khái niệm, phán đoán, suy luận… cũng như không thể không dùng những “ vật liệu tự nhiên” của tư tưởng tức là từ và ngữ. Muốn tư tưởng thì tư tưởng phải rõ ràng, có mạch lạc, trước sau nhất trí, cho nên không thể không tuân theo những quy luật của luận lý hình thức như luật đồng nhất, luật không mâu thuẫn, cũng như muốn phát biểu tư tưởng rành mạch, có hệ thống, có đầu đuôi, có thể hiểu được, thì phải theo văn pháp.

Ta cần nhận định một cách dứt khoát rằng: nếu ngôn ngữ là khí cụ để phát biểu tư tưởng cho xác định, thì luận lý hình thức chính là khí cụ để tư tưởng cho xác định.

Thế thì cần thiết phải giữ, phải dùng luận lý hình thức cũng như cần thiết phải giữ, phải dùng từ ngữ, văn pháp trong ngôn ngữ. Cách mạng tư sản không thay đổi từ, ngữ, văn pháp dùng trong thời phong kiến, cách mạng vô sản cũng không thấy cần thay đổi từ, ngữ, văn pháp dùng trong thời tư bản, vì thay đi thì chẳng còn ai hiểu ai cả. Có ai cần phải cuốc cái “đường thực dân” đi mà thay nó bằng cái “đường dân chủ” đâu ? Ôtô dân chủ vẫn đi chở hành khách, hàng hóa, chở súng đạn cách mạng trên các đường đắp thời thực dân. Bây giờ, chợ vẫn gọi là chợ, không cần gọi sông ra chợ, gọi chợ ra sông, bây giờ vẫn nói “tôi đi chợ” không cần nói “chợ tôi đi”. Thì sau cuộc cách mạng cũng không cần đặt ra luận lý hình thức mới, vì sau như trước, tôi vẫn nói, vẫn tư tưởng mạch lạc, trước sau nhất trí, tôi không được mâu thuẫn với tôi, tôi không thể nói “tôi đã chết mất hôm qua nên ngày hôm nay tôi đi xe đạp rất khoẻ”, tư bản không nói thế mà vô sản cũng không nói thế.

Cũng như ngôn ngữ, luận lý hình thức không phải là thượng tầng kiến trúc; nó không có tính chất giai cấp. Các giai cấp phong kiến tư bản vẫn dùng ngôn ngữ mà ngôn ngữ có tính chất giai cấp đâu ? Ngôn ngữ là khí cụ giao tế của tất cả các giai cấp; nếu mỗi giai cấp có từ, ngữ, văn pháp riêng, khác nhau hẳn, thì sự sản xuất sẽ bị tan rã ngay, xã hội sẽ bị tiêu diệt ngay. Địa chủ và tá điền, tư bản và thợ, công nhân và nông dân… của một nước, chưa hề phải dùng thông ngôn để nói chuyện với nhau. Cũng như thế, luận lý hình thức không có giai cấp tính, bất kỳ thuộc giai cấp nào, dân tộc nào, ai ai đều phải dùng khái niệm, suy luận, phán đoán, ai ai đều phải tư tưởng một cách nhất trí, không mâu thuẫn với mình. Luận lý hình thức là khí cụ chung, tư tưởng chung cho tất cả nhân loại. Luận lý hình thức là một sản phẩm của nhiều thời đại; nó dính liền với hoạt động sản xuất và mọi hoạt động khác, nó không do giai cấp đấu tranh ở mọi thời đại sinh ra và không chết theo với chế độ xã hội; khi một chế độ xã hội chết đi thì khái niệm, suy luận, phán đoán, luật đồng nhất, luật không mâu thuẫn vẫn còn, duy nó có phong phú thêm, nó tiến bộ từ từ, không đột biến; giả sử nó đột biến thì tư tưởng sẽ rối loạn, sản xuất rối loạn, mọi hoạt động đều đình đốn.

Sự tương tự giữa luận lý hình thức và ngôn ngữ thật là rõ rệt. Không phải ngẫu nhiên mà chúng nó lại tương tự với nhau, không phải chúng nó tương tự với nhau ở bề ngoài. Sự tương tự ấy là tất yếu bởi vì tư tưởng ngôn ngữ có tính chất thống nhất cơ thể với nhau. Công cụ tư tưởng (luận lý hình thức) và công cụ giao tế (ngôn ngữ) dĩ nhiên có những điều giống nhau.

Dưới ánh sáng của quyển “chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ học của Stalin” ta không thể xem luận lý hình thức là thuộc thượng tầng kiến trúc và có tính chất giai cấp; ta không thể bác bỏ cái khoa học về hình thức và quy luật của tư tưởng, tức luận lý hình thức. Chỉ cần tu chỉnh nó theo chỉ thị của Lênin, nghĩa là tước bỏ những vết tích siêu hình, kinh viện trong lý luận hình thức, chỉ cần phản đối những ai muốn tuyệt đối hóa luận lý hình thức, những ai chỉ dùng luận lý hình thức ở những nơi mà luận lý hình thức không đủ để giải quyết vấn đề; chỉ cần đả phá hiện tượng luận lý hình thức thoát ly sinh hoạt, thoát ly thực tiễn, tách hẳn với nội dung, trở thành hình thức chủ nghĩa khô héo.

Luận lý hình thức, với hình thức và quy luật của tư tưởng là sản phẩm của lịch sử xã hội mà ý thức nhân loại đã khái quát được và củng cố lại. Nó không phải là quan niệm tiên thiên. Nó phản ảnh được phương diện nào của sự thực khách quan. Và chúng ta sẽ noi theo dấu của Angen và Lênin mà chứng minh rằng, trong chừng mực nào đó, nó là một khí cụ để phát kiến, duy phải biết rằng người ta đo vườn, đo nhà bằng thước, mà người ta lại đo khoảng cách giữa trái đất và tinh tú bằng năm ánh sáng song dù sao đi nữa, không thể vứt bỏ cái thước, không thể không xem nó là khí cụ để đo lường.

Nói tóm lại, luận lý hình thức là công cụ tư tưởng của toàn thể nhân loại. Không có nó thì không thể tư tưởng và không thể hiểu được gì và không thể hiểu nhau được. Tư tưởng theo biện chứng pháp hay tư tưởng theo siêu hình học đều phải dùng luận lý hình thức. Dưới đây, ta sẽ thấy rằng nếu biện chứng pháp có chống cái gì đó là chống lại tư tưởng siêu hình chứ không phải chống lại luận lý hình thức. Những ông bạn hăng hái nhất trong việc phản đối luận lý hình thức ví như Hải Triều chính là những người sành sỏi trong sự áp dụng luận lý hình thức, bằng cớ là họ nói viết, tư tưởng rất rành mạch, trước sau nhất trí. 

b. Tương quan giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp không phải là tương quan giữa hai lối tư tưởng một siêu hình, một biện chứng.

Sở dĩ gọi là luận lý hình thức là luận lý hình thức, chính là vì nó nghiên cứu hình thức. Nói nghiên cứu coi hình thức của tư tưởng phải theo những quy tắc nào để tư tưởng được xác định, có luận chứng, có mạch lạc, trước sau nhất trí; tất nhiên là nó không chỉ nghiên cứu có hình thức mà thôi; luận lý hình thức, ít hay nhiều, thấp hay cao; vẫn được xem được, dùng như là một khí cụ để phát kiến, để từ cái đã biết rồi mà đi đến cái chưa biết.

Hình thức cũng rất cần, miễn ta đừng đi tới cái mực quá khích mà quên đứt nội dung tư tưởng đi; sở dĩ ta nghiên cứu được riêng cái hình thức tư tưởng là vì, nhờ năng lực trừu tượng hóa, ta tạm thời tách rời nội dung với hình thức, chú ý riêng đến hình thức.

Hình thức khác với hình thức chủ nghĩa, khác với siêu hình. Khi nào ta chỉ còn biết đến hình thức mà không còn biết đến nội dung, thì khi ấy ta rơi vào hình thức chủ nghĩa. Ví dụ A=A; luật đồng nhất (hay thống nhất) đòi hỏi sự nhất trí, trước sau nhất trí của một tư tưởng được phổ biến ra trong bài nói hay viết; nếu đẩy cái hình thức trừu tượng A=A đến cái mực tưởng tượng rằng A=A thì mực là mực, chớ không thể nói mực là xanh, là nâu, hay mực để viết, nếu đến thế thì đó là hình thức chủ nghĩa tột độ, như thế thì tư tưởng tự tiêu diệt rồi. Lẽ cố nhiên là Aritốt chưa hề có ý nghĩ định lập ra luận lý hình thức để cầm tù tư tưởng. Nội dung nào cũng cần hình thức của nó cả, hình thức xác định và làm sáng tỏ nội dung; nội dung không hình thức sẽ lông bông, rối rắm, nắm không được, hiểu không được.

Hình thức khác với siêu hình. Chúng ta đã biết siêu hình là gì. Siêu hình cắt rời sự liên hệ, không thấy vận động, không tháy phát triển, không thừa nhận sự biến chất, không thừa nhận mâu thuẫn trong sự vật

. Hình thức chủ nghĩa mới thật là bè bạn của siêu hình, vì, với nó, nguyên lý đồng nhất trở thành gông cùm của tư tưởng phát triển; ngược lại càng muốn biểu diễn tư tưởng biện chứng sáng tỏ, càng phải vận dụng khái niệm, phán đoán, suy luận một cách chính xác và sắc bén.

Luận lý hình thức khảo sát hình thức và quy luật của tư tưởng. Khi khảo sát khái niệm, suy luận, phán đoán thì luận lý hình thức không lấy một khái niệm cụ thể, một suy luận cụ thể hay một phán đoán cụ thể nào, mà lấy khái niệm nói chung, phán đoán nói chung hay suy luận nói chung, tước bỏ nội dung cụ thể để tìm ra những quy tắc vận dụng, tiến hoá chung cho tất cả các khái niệm, phán đoán, suy luận. Ví dụ như, không nói khái niệm “đèn” liên kết với khái niệm “sáng” thành phán đoán “đèn sáng” mà nói: hai hay nhiều khái niệm liên kết nhau thành một phán đoán. Rồi tiến lên hơn nữa để chia sự phán đoán ấy ra là mấy loại, cái này cao hơn cái kia; phán đoán về tồn tại (cọ sát thì sinh ra nóng), phán đoán về suy nghĩ (tất cả các thứ vận động cơ giới đều có thể chuyển thành nhiệt lượng) và phán đoán về tất yếu (trong những điều kiện nhất định, bất cứ hình thức vận động nào đều trực tiếp hay gián tiếp thành ra hình thức vận động khác) (Mayer 1743); mỗi bực phán đoán đi sâu vào sự vật từ nhận xét bề ngoài tới nắm thực chất. Nói khác hơn, luận lý hình thức cũng tựa như ngôn ngữ quyết định một cách rất chung rằng một mệnh đề gồm có chủ từ, động từ và túc từ, chớ không nói một cách cụ thể là chủ từ nào (tôi, anh) động từ nào (đi, ăn) hay túc từ nào (chậm, no).

Về văn pháp đồng chí Stalin nói rằng:

Đặc điểm của văn pháp là nó cho chúng ta biết quy tắc tiến hóa của các từ không phải một từ cụ thể nào, mà một loại từ không có tính cách cụ thể nào cả. Nó cho chúng ta biết phương pháp đặt câu không phải câu cụ thể nào, mà là cả một loại câu không liên quan gì đến hình thức cụ thể của một câu. Vặy văn pháp đem trừu tượng hóa từ và ngữ, không kể đến nội dung cụ thể của nó. Văn pháp đem những điểm giống nhau trong sự biến hoá của từ và ngữ, những điểm căn bản trong cách dùng tự đặt ra câu góp nhặt lại, xếp đặt những điểm giống nhau lại thành quy tắc văn pháp, định lụật văn pháp. Văn pháp là kết quả của công tác trừu tượng hoá lâu dài trong tư tưởng nhân loại, là một sự thành công lớn của nhân loại1

Lời nói của Stalin về văn pháp có thể ứng dụng rất đúng cho luận lý học. Sự cấu thành những quy tắc văn pháp phải trải qua quá trình trừu tượng hóa như thế nào thì sự cấu thành quy tắc trong luận lý học hình thức cũng phải trải qua như thế. Sự thành lập lý luận học hình thức là một thành công lớn của tư tưởng nhân loại.

Một điều luôn luôn cần phải nhớ là duy quy luật của luận lý học hình thức có tính chất hình thức, nó vẫn bắt nguồn trong hiện thực cụ thể, nó vẫn có một cơ sở vật chất chớ không phải là thuần lý, hoàn toàn do tư tưởng tạo ra; những quy luật căn của luận lý học hình thức đều phản ảnh phương diện nào của sự hiện thực khách quan:

- Phải xem một vật đã gọi là A là A (A=A), đó là sự đòi hỏi phải có sự đồng nhất của khái niệm trong quá trình suy luận.

- Khi dưới những điều kiện nào đó đã gọi một vật là A, thì không thẻ dưới những điều kiện ấy, đồng thời không xem nó là A.

Đối với tư tưởng nào cũng tất yếu phải như thế. 

Tư tưởng siêu hình hay tư tưởng biện chứng đều phải áp dụng phương pháp của luận lý hình thức để tìm kết quả mới, khác nhau là kết quả mỗi lối tư tưởng siêu hình hay biện chứng đó có giá trị không giống nhau. Tỉ dụ tư tưởng siêu hình suy luận sai lầm rằng “nông dân là tiểu chủ mà cộng sản thủ tiêu tư hữu tài sản, cho nên nông dân ghét cộng sản”. Sở dĩ tư tưởng siêu hình đạt một kết quả sai lầm là vì nó hiểu khái niệm “nông dân” “tài sản” “cộng sản” một cách siêu hình, không liên hệ gì với sự biến chuyển, với điều kiện, với hoàn cảnh. Thực tế thì quả thấy nông dân đi với cộng sản. Tư tưởng biện chứng suy luận như sau đây: “nông dân bị đế quốc và địa chủ giật đất; cộng sản chủ nghĩa lãnh đạo nông dân tranh đấu đặng lấy lại ruộng đất, cho nên nông dân đi với cộng sản chủ nghĩa”. Ở đây ta đi đến kết quả đúng đắn. Hai kết quả khác nhau tuy rằng cả hai phe (siêu hình và biện chứng) đều dùng tam đoạn luận của luận lý hình thức để suy luận, đều tìm kết quả mới. Vậy, nếu có cái gì đang bị công kích, ruồng bỏ, cái ấy là tư tưởng siêu hình chớ không phải là tam đoạn luận, không phải là luận lý hình thức. Lẽ tất nhiên là chúng ta phải hiểu và ứng dụng tam đoạn luận như Lênin.

Lênin nói:

Tất cả đều là tam đoạn luận; cái phổ biến dính liền với cái cá thể bằng cái đặc biệt. Nhưng lẽ cố nhiên không phải tam đoạn luận nào cũng có ba câu”.

Biện chứng pháp không đối lập với luận lý hình thức. Biện chứng pháp chỉ đối lập với siêu hình học. Luận lý hình thức không phải là siêu hình học. Vì thế không thể nói rằng có hai thứ luận lý hình thức, thứ biện chứng và thứ siêu hình; cũng như không thể nói rằng có hai thứ văn pháp, thứ siêu hình và thứ biện chứng. Chỉ có một thứ luận lý hình thức, thứ luận lý hình thức bắt đầu từ Aritốt. Có người gán cho Angen một ý kiến mà ông không hề có bao giờ; họ bảo rằng Angen không phân biệt siêu hình học với luận lý hình thức; họ bảo rằng Angen xem siêu hình học với luận lý hình thức là một. Chúng ta chỉ cần nhắc lại một câu của Angen khi Angen nói rằng cái thời mà các nhà triết học bay bổng lên trên các khoa học, các thời ấy đã qua rồi, hiện giờ triết học phải xâm nhập vào các khoa học; các triết học cũ đều đổ nát đi. Nhưng “trong các triết học cũ, cái còn giữ lại là luận lý hình thức và biện chứng pháp”.

Những dấu vết, tính cách siêu hình nếu có (và có thật) ở trong luận lý hình thức được học và dùng lâu nay không phải là ở tự bản thân nó, mà ở chỗ đem dùng nó vào tư tưởng siêu hình, đem giải thích hình thức và quy luật của nó theo quan điểm siêu hình. Lấy vài tỉ dụ: - Có người nói rằng (trong cuộc thảo luận về triết học, về luận lý học, ở Liên xô mấy năm vào rồi đây) “luận lý hình thức nghiên cứu tính chất chính xác của tư tưởng mà không nghiên cứu tính chất chính xác của tư tưởng mà không nghiên cứu tính chất chân thực của tư tưởng”. Nói một cách khác, theo họ, luận lý hình thức chỉ nghiên cứu cách luận lý làm sao cho đúng, cho chỉnh, còn có phù hợp với thực hay không thì nó không cần đến.

Nói như thế là siêu hình, là tách rời tính chất chính xác với tính chất chân thực của tư tưởng. Tư tưởng chỉ chính xác khi nào nó chân thực; chỉ đúng là khi nào nó phù hợp với khách quan. Quy luật biến hóa của khái niệm, phán đoán, suy luận phải đúng cả về hình thức và về nội dung, thì mới thật là đúng: ta không thể tách hẳn hình thức với nội dung. Có một nhà văn nổi tiếng viết câu sau đây: “Cỗ xe xã tắc ngược dòng trên hỏa diệm sơn”. Nó đúng về văn pháp đấy, nhưng sai về nội dung ý nghĩa, nên không thể coi là chính ác hay chân thật được; nó chứa đựng mâu thuẫn luận lý, nó xếp liền những khái niệm không ăn khớp với nhau để thành một phán đoán: cỗ xe thì đi trên lộ, làm sao cỗ xe lại xuôi dòng với ngược dòng được như một chiếc thuyền ? Mà hễ ngược hay xuôi dòng thì xuôi ngược ở dưới sông chớ có dòng gì trên hỏa diệm sơn, trên núi? Tính chất chính xác không thể tách rời hẳn ra khỏi tính chất chân thực.

Có người khác nói: “Trong luận lý hình thức, quy luật tư tưởng không phản ảnh phương diện nào của hiện thực khách quan, mà chỉ là quy luật riêng của tư tưởng”. Họ lấy cớ rằng trong tự nhiên và xã hội, cái gì cũng biến hóa và phát triển, còn trong luận lý hình thức, quy luật căn bản lại là quy luật đồng nhất A=A. Họ cố ý hay vô tình hiểu sai rằng đồng nhất là vĩnh hằng, bất biến, để rồi hùa theo với duy tâm, với Kăng, cho quy luật của tư tưởng là quy luật đặc biệt riêng của tư tưởng, là thuần lý, không do kinh nghiệm nào mà ra cả. Nếu quả có hai loại quy luật, loại của tư tưởng, loại của tự nhiên, hai loại không ăn chung gì với nhau, mâu thuẫn nhau, thì cả sự nhận thức của loài người sẽ tan vỡ, chủ nghĩa bất khả tri sẽ thống trị cả. Thực ra, trong luận lý hình thức, đồng nhất = thống nhất (Lênin đã nhận định như thế). Sự vật nào mà chả thống nhất với nó ? Mâu thuẫn hãy còn thống nhất kia ! Vả lại bảo cây đa là cây đa, chờ bảo cây đa là ông thần hay sao? Hêgen là Hêgen chớ bảo Hêgen là Kăng thế nào được ?

Trong thực tế, mỗi quy luật, mỗi hình thức của tư tưởng đều phản ảnh một quan hệ nào đó của hiện tượng khách quan. Khi thảo luận về vấn đề phán đoán mà Hêgên đã trình bày một cách thần tình, Angen có nói rằng: “Điều ấy biểu mình rằng những quy luật của tự nhiên là tất yếu phải phù hợp với nhau nếu nó được trình bày một cách chính xác”.

Vì vậy nếu ta dùng những quy luật và hình thức của tư tưởng để nhận thức hiện thực khách quan, thì nó chỉ giúp đỡ ta chớ không trở ngại gì. Đó là lý do khiến cho việc ứng dụng quy luật và hình thức của luận lý hình thức là cần yếu, hợp thức. Song, mỗi quy luật, mỗi hình thức của nó không thể phản ảnh hết được cái biện chứng trong hiện thực khách quan; nó bị hạn chế, nó bị phiến diện hoá.  Nếu ta đem biện chứng pháp mà nghiên cứu nó trong tương quan giữa các quy luật và các hình thức với nhau, trong sự phát triển từ thấp đến cao, thì những quy luật và hình thức đó hợp lại thành biện chứng pháp tư tưởng.

Trong “Bút ký”, Lênin có ghi về cách của Hêgen vận dụng tam đoạn luận như sau đây:

Hêgen đã thực sự chứng minh rằng hình thức và quy luật luận lý không phải là một cái vỏ trống không mà là một phản ảnh của vũ trụ khách quan: nói cho đúng hơn, ông không có chứng minh điều ấy, mà ông đã cảm thấy một cách thiên tài”.

Tóm lại, luận lý hình thức và biện chứng pháp không đối lập nhau, chỉ có siêu hình và biện chứng đối lập nhau. Tư tưởng siêu hình trái với biện chứng pháp vì nó không căn cứ trên hiện thực khách quan còn hình thức và quy luật của luận lý hình thức vẫn phản ảnh những phương diện nào của hiện thực khách quan. Cho nên nó không trái với biện chứng pháp.

c. Tương quan giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp là tương quan giữa một phương pháp nhận thức sơ cấp và một phương pháp nhận thức cao cấp

Có người sẽ hỏi: nếu luận lý và biện chứng không đối lập nhau và cả hai đều phản ảnh hiện thực khách quan, thì cần gì phải có cả luận lý học và biện chứng pháp ? Đặt câu hỏi đó là đề cập đến quan hệ giữa hai phương pháp nhận thức, phương pháp luận lý và phương pháp biện chứng.

Vấn đề này, Angen có viết:

“Luận lý hình thức là phương pháp tìm những kết quả mới bằng cách từ cái đã biết rồi suy ra cái chưa được biết, thì biện chứng pháp cũng giống như thế; chỉ có điều là biện chứng pháp được đem ứng dụng vào những tư tưởng cao cấp và không những nó chỉ đả phá cái phạm vi chật hẹp của luận lý hình thức, mà bản thân nó còn chứa đựng mầm phôi thai của một vũ trụ quan rộng rãi hơn”.

Có ba điểm cần phải chú ý đến:

+ Luận lý hình thức và biện chứng pháp đều là phương pháp nhận thức, phương pháp của tư tưởng để từ cái đã biết tìm ra cái chưa biết, tìm ra kết quả mới.

+ Nhưng luận lý hình thức thì bị hạn chế ở trong một phạm vi chật hẹp, còn biện chứng pháp được ứng dụng vào những tư tưởng cao cấp.

+ Biện chứng pháp lại còn dính liền với một triết học rộng rãi, sâu sắc, trong đó phương pháp nhận thức (biện chứng) chỉ là một bộ phận.

Tuy rằng Angen đã nói một cách rất minh bạch như thế, song còn có người vẫn cho rằng luận lý hình thức không phải là một phương pháp nhận thức. Theo họ, biện chứng pháp và luận lý hình thức mỗi bên có một chủ định riêng, một mục đích khác: biện chứng pháp thì nghiên cứu phương pháp nhận thức còn luận lý hình thức thì nghiên cứu hình thức của tư tưởng. Nghĩ như thế là sai.

Một mặt cần phải nhận rằng luận lý hình thức là khoa học của tư tưởng, trong đó có cả những yếu tố của phương pháp phân tích và tổng hợp, quy nạp và suy diễn, có cả khái niệm, suy luận, phán đoán… Vậy nó cũng là một bộ phận của triết học tuy chưa phải là toàn thể của triết học. Theo định nghĩa của Lênin thì luận lý hình thức nghiên cứu một bộ phận của nhận thức luận, của phản ảnh hiện thực khách quan.

Một mặt khác phải thừa nhận rằng biện chứng pháp là môn khoa học triết lý nghiên cứu những quy luật tổng quát của sự vận động, đồng thời là khoa triết học về phương pháp nghiên cứu, lấy những quy luật tổng quát ấy làm cơ sở; song biện chứng pháp đồng thời cũng nghiên cứu hình thức của tư tưởng. Trong “Bút ký” Lênin đã nói rằng đối tượng nghiên cứu của biện chứng pháp cũng là đối tượng nghiên cứu của luận lý hình thức, nghĩa là hình thức của tư tưởng. Có khác nhau ở chỗ này:

Luận lý hình thức chỉ đem các hình thức vận dụng của tư tưởng, đem các hình thức phán đoán, suy luận mà kể ra, sắp xếp chúng nó ngang hàng nhau, không liên hệ gì với nhau. Còn biện chứng pháp, trái lại, tìm ra những hình thức nào đó trong sự tương quan giữa các hình thức, không xem chúng nó ngang nhau, mà xem chúng nó là lệ thuộc vào nhau, từ hình thức thấp phát triển đến hình thức cao

Mác, Angen, Lênin không phủ nhận rằng luận lý hình thức là phương pháp nhận thức; họ chỉ hạn chế sự ứng dụng nó trong những sự vật và hiện tượng tầm thường nhất, rõ ràng nhất. Là vì luận lý hình thức mới là bước đầu trong sự phát triển của tư tưởng, nó là giai đoạn sơ bộ, còn bị hạn chế ở bề ngoài của đối tượng; hình thức và quy luật của luận lý hình thức chưa bao hàm được nội dung thực tế của đối tượng, chưa bao hàm được những liên hệ về phát triển của đối tượng. Cho nên chân lý của luận lý hình thức là chân lý nông cạn, không đủ sâu sắc và cụ thể như chân lý của biện pháp. Nếu như đối tượng của nhận thức (sự vật, hiện tượng) không biến chuyển và không mật thiết liên hệ với nhau, thì ngoài luận lý hình thức sẽ không cần phải có một thứ luận lý nào khác, không cần phải có biện chứng pháp. Những trong thực tại thì không thế, sự vật biến chuyển, hiện tượng liên quan, nên sự phát sinh ra luận lý biện chứng là một điều tất yếu một khi khoa học đã tiến triển đến mực nào, một khi phải đi sâu vào nội dung và bản chất của thực tại. Luận lý biện chứng nghiên cứu những hình thức của tư tưởng liên quan mật thiết với nhau, luôn luôn vận động, luôn luôn biến chuyển và phát triển.

Hơn một trăm năm gần đây số nhận thức, mức nhận thức của con người đạt được nhiều tiến bộ rất lớn. Nếu chỉ dùng luận lý hình thức (tức là sơ cấp) để toan giải thích, giải quyết những vấn đề phức tạp trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thì tuyệt đối là không đủ (thí dụ như những vấn đề khối lượng và không gian, hạt và sóng, gián đoạn và liên tục, hữu sinh và vô sinh, đấu tranh giai cấp để thủ tiêu giai cấp…).

Để cho chúng ta thấy rõ quan hệ giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp, Angen đã so sánh quan hệ ấy với quan hệ giữa số học sơ cấp và số học cao cấp. Trong khoa học của tư tưởng (luận lý) thì luận lý hình thức (sơ cấp) đối với luận lý biện chứng (cao cấp) giống như trong khoa học về lượng (số học), số học sơ cấp (khoa học của những lượng thường) đối với số học cao cấp, (khoa học của những lượng biến đổi).

Ai ai đều biết rằng số học cao cấp không thủ tiêu số học cao cấp (ai ai đều biết rằng hiện giờ người ta vẫn học Euclide, Newton, rồi kế đó người ta học Riemann, Einstein) thì, cũng tựa như thế, biện chứng pháp không thủ tiêu luận lý hình thức mà chỉ hạn chế phạm vi ứng dụng nó. Nào có ai nghi ngờ tính chất chính xác của quy tắc toán học sơ cấp ? Nhưng ngay trong đại số học, các quy tắc ấy đã bị thay đổi rồi (cộng một số âm là trừ). Song đại số nào có bác bỏ toán thuật sơ cấp, nó chỉ bước một bước cao hơn, mà bao gồm cái cũ. Trong phạm vi nào dùng quy tắc toán thuật sơ cấp có kết quả thì vẫn dùng nó, và thực tế là phải dùng nó luôn; còn khi nào dùng nó mà không đủ thì phải phát triển thêm.

Cũng như toán học sơ cấp, luận lý hình thức bị hạn chế trong phạm vi ứng dụng. Lên phạm vi cao thì biện chứng pháp phải bổ sung cho luận lý hình thức. Tỉ dụ như luận lý hình thức bị bóp hẹp trong luật không mâu thuẫn: +A và –A không thể cùng tồn tại. Thì ở đây, biện chứng pháp được đem ra ứng dụng với luật mâu thuẫn thống nhất của nó, luật này vừa để nói rõ lên rằng hai cái mâu thuẫn +A và –A tuy phải cùng tồn tại mà không thể tồn tại hoà bình được, luật này vừa để thuyết minh mâu thuẫn vừa để giải quyết mâu thuẫn.

Ngoài ra luận lý biện chứng còn nghiên cứu những hình thức của tư tưởng mà luận lý hình thức không nghiên cứu đến như những phạm trù biện chứng (cụ thể và trừu tượng, tương đối và tuyệt đối, khả năng và hiện thực…) Cách phân hạng những hình thức của tư tưởng trong luận lý biện chứng cũng khác trong luận lý hình thức, vì lẽ rằng biện chứng pháp thấy rõ sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các hình thức, sự phát triển từ hình thức thấp đến hình thức cao (ví dụ như ba loại phán đoán tồn tại, suy nghĩ và tất yếu, mà chúng ta đã nói bên trên).

d. Quan hệ giữa luận lý hình thức và biện chứng pháp là quan hệ giữa một khoa học chuyên môn và hệ thống những nguyên tắc lãnh đạo các khoa học.

Trên đã nói rằng luận lý hình thức là phương pháp nhận thức; thì nếu chỉ nói như thế thôi, người ta có thể hiểu lầm rằng nó cũng là một hệ thống nguyên tắc lãnh đạo các khoa học. Phải nói thêm rằng, luận lý hình thức vẫn là một khoa học chuyên môn, mà đối tượng trực tiếp của khoa học chuyên môn ấy là hình thức và quy luật của tư tưởng, làm sao cho tư tưởng được chính xác, có căn cứ, trước sau nhất trí, không mâu thuẫn.

Tư tưởng không phải chỉ là đối tượng nghiên cứu của khoa học triết lý, mà còn là đối tượng của nhiều khoa học chuyên môn; mỗi khoa học chuyên môn ấy nghiên cứu một phương diện, một khía cạnh của tư tưởng. Ví dụ sinh lý học của tư tưởng, tâm lý học của tư tưởng, nghiên cứu hai phương diện sinh lý và tâm lý của tư tưởng. Về mặt này thì quan hệ giữa biện chứng pháp và luận lý hình thức là như sau:

+ Biện chứng pháp chỉ những quy luật phát triển chung cho luận lý hình thức cũng như nó chỉ cho bất cứ khoa học chuyên môn nào khác; bản thân luận lý hình thức không bàn về những quy luật chung đó, nhưng đối tượng của nó, tư tưởng, quy luật và hình thức của tư tưởng, cũng như đối tượng của bất cứ khoa học chuyên môn nào khác, lại phụ tùng vào quy luật chung của biện chứng pháp.

+ Biện chứng pháp chỉ cho luận lý hình thức rõ thế nào là một lý luận về nhận thức, nguyên lai của nhận thức là thế nào, thế nào là sai lầm mà thế nào là chân lý; tiêu chuẩn của chân lý là gì ? v.v… Nếu không có những khái niệm đó, thì luận lý hình thức không thể nào thành một khoa học chuyên môn chính xác về phán đoán, chứng minh, suy luận. Vậy mà luận lý hình thức chưa hề tạo ra một khái niệm nào về chân lý cả. Duy vật luận biện chứng pháp cung cấp khái niệm ấy cho nó, cũng như cho bất cứ khoa chuyên môn nào.

Vậy phải xây dựng luận lý học hình thức trên cơ sở vững chắc của duy vật luận biện chứng. Luận lý hình thức phụ thuộc vào biện chứng pháp tựa như vật lý, hoá học, sử học v.v… phụ thuộc vào biện chứng pháp.

Một phương diện khác, đứng về phương diện luận lý hình thức là khoa học chuyên môn mà xét, thì bất cứ tư tưởng nào, kể cả tư tưởng biện chứng đều cần đến luận lý hình thức. Một người theo biện chứng pháp muốn khỏi tự mâu thuẫn trong lý luận, trong suy luận thì không thể nào không theo quy luật “không mâu thuẫn” của luận lý hình thức; bởi vì hơn ai cả, hơn bất cứ tư tưởng nào, tư tưởng biện chứng cần phải xác định có căn cứ, trước sau nhất trí. Ở đây chúng ta xin mở một cái ngoặc: không phải rằng luận lý hình thức nhất thiết và tuyệt đối bài trừ  mâu thuẫn đâu, nó dạy rằng, nếu có mâu thuẫn thì cái mâu thuẫn ấy phải là có ý thức, có được cho biết trước; ví dụ như nói “giai cấp vô sản không tán thành chính thể đại nghị tư sản vì chính thể này là một hình thái của tư bản chuyên chính; nhưng trong lúc lực lượng phát xít lăm le chiếm chính quyền, lăm le thủ tiêu dân chủ tư sản thì giai cấp vô sản chủ trương bênh vực dân chủ ấy.” Nói có cho hay trước, có báo trước, có ý thức như thế, thì mâu thuẫn mới trở thành không trái với luật “không mâu thuẫn” và trước sau tư tưởng vẫn được nhất trí, xác định.

Song nói rằng người theo biện chứng pháp phải tuân theo quy luật của luận lý hình thức, không phải là bảo rằng khoa học biện chứng pháp phải phục tùng khoa học luận lý hình thức đâu. Sự tư tưởng khác với khoa học về tư tưởng, tuy có dính dấp nhau. Người làm toán đại số thường thường phải dùng đến những phép tính đơn giản của toán thuật, song có phải vì thế mà bảo rằng đại số phải phục tùng toán thuật đâu ? Vả chăng biện chứng pháp có một đối tượng cao hơn, rộng hơn nhiều so với đối tượng của luận lý hình thức là một khoa học chuyên môn.

Hơn nữa, nếu chỉ nắm được quy luật và hình thức của tư tưởng, chúng ta chưa nắm được chân lý, ngay chân lý của cái bộ môn riêng mà một khoa học chuyên môn nghiên cứu. Muốn nắm được chân lý, phải có một điều kiện không thể thiếu, là nắm được một triết học chính xác: duy vật luận biện chứng pháp. Chính vì lẽ này mà Angen đã bảo rằng biện chứng pháp cao hơn luận lý hình thức không những vì nó đả phá phạm vi chật hẹp của luận lý hình thức, mà cũng vì “bản thân nó chứa đựng mầm mống của một vũ trụ quan rộng rãi hơn”; chữ “đả phá” ở đây có ý nghĩa là “phủ định” biện chứng, là vượt qua, là nhận thấy nó thiếu sót, hẹp hòi, phải có một phương pháp cao đẳng cho nó có thể đi vào những nhận thức cao đẳng, phức tạp; “đả phá” đây không phải là thủ tiêu luận lý hình thức đặng trên tro tàn của nó dựng lên luận lý học biện chứng như có người “Mác xít” đã toan làm mà thất bại.

Nói tóm lại, chủ nghĩa Mác không bài trừ luận lý hình thức, luận lý hình thức vẫn cần cho sự diễn tả tư tưởng, cho sự nghiên cứu sự vật. Nếu hiểu luận lý hình thức thì càng hiểu biện chứng pháp. Luận lý hình thức không phải là thượng tầng kiến trúc trên cơ sở kinh tế; tương quan giữa luận lý học và biện chứng pháp là tương quan giữa một phương pháp nhận thức sơ cấp và một phương pháp nhận thức cao cấp, giữa một khoa học chuyên môn và những nguyên tắc lãnh đạo các khoa học. 

Trong các lớp trung cấp nên học môn luận lý hình thức cũng như đến cuối phổ thông và bước vào đại học, cần học biện chứng pháp. Học biện chứng pháp trong triết học, trong tinh thần của các giáo trình sử, địa, văn, toán, lý, hóa, vạn ; học biện chứng pháp trong hành động cụ thể của chính quyền dân chủ nhân dân, trong sự nghiệp lãnh đạo của đảng tiền phong. Vô luận ở nhà trường hay công xưởng, đồng ruộng hay dinh trại, nếu có hướng dẫn, nếu có suy nghĩ, thì mỗi người chúng ta đều được học biện chứng pháp.

Học biện chứng pháp là học phương pháp tư tưởng, rèn tinh thần cách mạng, chí khí đấu tranh nuôi dưỡng đức tin ở ngày mai.

Nếu tự nhiên là đá thử vàng của biện chứng pháp thì công tác (bao gồm cả công tác lý luận khoa học văn nghệ) là thi trường của người học biện chứng pháp.

Lịch sử hơn 100 năm nay là lịch sử thành công của biện chứng pháp duy vật. Trong một thời gian tương đối ngắn, nó chinh phục được nhiều khối óc hơn vô luận một hệ thống tư tưởng nào từ cổ đến kim. Trong một thời gian tương đối ngắn, nó giúp cải tạo vũ trụ và giải thoát con người, sâu hơn, đông hơn là vô luận chủ trương chính kiến nào của nghìn năm lịch sử. Tương lai còn dành cho nó nhiều thành công lớn hơn nữa; thành công lớn đó sẽ là tổng cộng của những thành công nhỏ mà từng người từng nhóm chúng ta thu lượm được khi học tập và ứng dụng biện chứng pháp trong mỗi lãnh vực đấu tranh của mình.

Viết xong tại

làng Nguyệt Viên tỉnh Thanh Hóa

Ngày 18-5-1953

 

 


1 Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ học.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt