Chủ nghĩa Marx

Vấn đề Do Thái số 1. Cách đặt vấn đề

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG VI

PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN TUYỆT ĐỐI,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN THỂ HIỆN

Ở ÔNG BRU-NÔ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 131-136. | Nguyên văn tiếng Đức Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

1) CUỘC CHINH PHẠT THỨ NHẤT CỦA SỰ PHÊ PHÁN 

TUYỆT ĐỐI

1 2 3

 

 

b- Vấn đề Do Thái, số 1. Cách đặt vấn đề

Trong sự đối lập với quần chúng, "tinh thần" lập tức tỏ rõ tính phê phán của nó bằng cách coi cái tác phẩm thiển cận của bản thân nó, tức "Vấn đề Do Thái" của Bru-nô Bau-ơ, là tuyệt đối và chỉ có những người phản đối tác phẩm đó mới là những kẻ có tội. Trong bài số 136, bác lại những lời công kích tác phẩm đó, ông ta không mảy may nói gì về các khuyết điểm của tác phẩm đó, mà trái lại vẫn khẳng định là đã phát hiện ra ý nghĩa "chân chính" và "phổ biến" (!) của vấn đề Do Thái. Ta sẽ thấy trong những bài biện bác về sau, ông ta đã phải thừa nhận những điều "thất sách" của mình.

"Cách người ta đón tiếp tác phẩm của tôi bắt đầu chứng minh rằng chính những người xưa nay đã đấu tranh cho tự do và hiện nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho tự do, cần phải đứng lên chống lại tinh thần hơn ai hết. Việc hiện nay tôi bênh vực tác phẩm này là tiếp tục chứng minh thêm rằng những người bênh vực quần chúng và tự tâng bốc mình là vĩ đại hết mức, vì đã ủng hộ sự giải phóng và tín điều "nhân quyền", những người đó nghèo nàn về tư tưởng biết bao".

Sự ra đời của tác phẩm của sự phê phán tuyệt đối tất nhiên là đã thúc đẩy "quần chúng" bắt đầu tỏ rõ thái độ thù địch đối với tinh thần, vì bản thân sự tồn tại của "quần chúng" là do sự tồn tại của sự đối lập giữa "quần chúng" và sự phê phán tuyệt đối quyết định và chứng minh.

Sự công kích của một số người Do Thái tự do chủ nghĩa và duy lý chủ nghĩa chống lại "Vấn đề Do Thái" của ông Bru-nô dĩ nhiên là có một dụng ý phê phán hoàn toàn khác sự công kích có tính quần chúng của những người tự do chủ nghĩa chống lại triết học và của những người duy lý chống lại Stơ-rau-xơ. Vả lại, có thể phán đoán về mức độ độc đáo của nhận xét nói trên qua đoạn văn sau đây của Hê-ghen:

"Ở đây, có thể lưu ý đến hình thức đặc biệt của lương tâm không trong sạch biểu hiện ở sự hùng biện mà sự hời hợt đó" (sự hời hợt của những người tự do chủ nghĩa), "lấy làm kiêu hãnh: hình thức đó thể hiện trước hết ở chỗ là nơi nào mà sự hời hợt đó thiếu tinh thần nhất thì nó lại hay nói đến tinh thần nhất, và nơi nào mà nó khô khan héo hắt nhất thì nó lại hay dùng chữ sức sống nhất"., v.v.37.

Còn về "nhân quyền" thì chúng tôi đã chứng minh cho ngài Bru-nô ("Về vấn đề Do Thái" trong "Deutsch-Französische Jahrbücher"38) rằng không phải là những người bênh vực quần chúng, mà trái lại chính "bản thân ông ta" không hiểu thực chất của các "quyền" đó và đã có thái độ giáo điều đối với các quyền đó. So với điều phát hiện của ông ta cho rằng nhân quyền không phải "bẩm sinh", một điều mà hơn 40 năm nay ở Anh đã phát hiện không biết bao nhiêu lần, thì sự khẳng định của Phu-ri-ê coi sự đánh cá, săn bắn, v.v., là những quyền bẩm sinh của con người phải nói là một khẳng định thiên tài.

Chúng tôi chỉ nêu vài ví dụ trong cuộc tranh luận của ông Bru-nô với Phi-líp-xơn, Hiếc-sơ, v.v.. Ngay cả những đối thủ đáng thương ấy cũng không tỏ ra là bị sự phê phán tuyệt đối đánh bại. Dù sự phê phán tuyệt đối nói gì thì nói, ông Phi-líp-xơn hoàn toàn không nói điều gì phi lý khi ông chỉ trích nó như sau:

"Bau-ơ đang suy nghĩ một nhà nước kiểu đặc biệt... một lý tưởng triết học về nhà nước".

Ông Bru-nô đã lẫn lộn nhà nước với nhân loại, nhân quyền với bản thân con người, sự giải phóng chính trị với sự giải phóng con người, thì tất nhiên là phải suy nghĩ, và nếu không thì cũng phải tưởng tượng một nhà nước kiểu đặc biệt, một lý tưởng triết học về nhà nước.

"Giá như nhà nghệ sĩ ngâm thơ" (ông Hiếc-sơ) "làm thế này thì hay hơn: đừng trình bày tư tưởng của mình một cách chán ngấy, mà chỉ bác bỏ điều chứng minh của tôi nói rằng nhà nước Cơ Đốc... không thể cho những người theo một tôn giáo nhất định nào khác được hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi với các đẳng cấp cơ đốc, vì nguyên tắc sống còn của nhà nước đó là một tôn giáo nhất định".

Giá như nhà nghệ sĩ ngâm thơ Hiếc-sơ thực sự bác bỏ điều chứng minh của ông Bru-nô và - như tờ Deutsch - Französische Jahrbücher "đã làm - vạch rõ rằng nhà nước của đẳng cấp và của độc một mình Cơ Đốc giáo chẳng những là một nhà nước nói chung không hoàn bị mà còn là một nhà nước Cơ Đốc không hoàn bị, thì ông Bru-nô cũng trả lời như đã trả lời những ý kiến bác bẻ đăng trên "Deutsch - Französische Jahrbücher" rồi:

"Những lời chỉ trích về việc này chẳng có ý nghĩa gì cả"

Ngược lại với điều khẳng định của ông Bru-nô nói rằng

"áp lực của người Do Thái trên lò xo lịch sử đã gây nên một áp lực ngược lại".

Ông Hiếc-sơ đã nhận xét hoàn toàn đúng rằng:

"Như vậy thì người Do Thái hẳn đã là một cái gì trong sự nghiệp hình thành lịch sử, và nếu bản thân Bau-ơ khẳng định điều đó thì ông ta không có quyền khẳng định một đằng khác là họ chẳng góp tý gì của mình vào sự nghiệp hình thành thời kỳ hiện đại cả"

Ông Bru-nô trả lời:

"Cái mống trong con mắt cũng là một cái gì đó. Nó có vì vậy mà đóng góp chút gì vào sự phát triển thị giác của tôi không?".

Cái mống, cũng như dân Do Thái trong thế giới Cơ Đốc, đã có trong con mắt tôi từ khi tôi mới đẻ, nay vẫn tiếp tục nằm đấy, cùng lớn lên và phát triển với con mắt, nó không phải là một cái mống bình thường nào đó: nó là một cái mống kỳ lạ, không thể tách khỏi con mắt tôi, và nhất định là có góp phần vào sự phát triển độc đáo ở trình độ tối cao của thị giác của tôi. Như vậy là cái "mống" phê phán không làm đau được "Hiếc-cơ"1* đang ngâm nga. Ngoài ra, bài phê bình nói trên còn vạch rõ cho ông Bru-nô ý nghĩa của tinh thần Do Thái đối với "sự hình thành thời kỳ hiện đại".

Tâm hồn thần học của sự phê phán tuyệt đối cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi nhận xét của một ông nghị của hội đồng tỉnh Ranh cho rằng "người Do Thái làm điều kỳ quái là theo tập quán của họ, tập quán Do Thái, chứ không phải theo tôn giáo của ta, tức là theo cái gọi là tập quán Cơ Đốc", đến nỗi bây giờ nó vẫn chưa quên "khiển trách ông nghị về việc dùng lý lẽ như vậy".

Về ý kiến của ông nghị khác nói rằng "sự bình đẳng về quyền công dân của người Do Thái chỉ có thể có ở nơi nào mà bản thân đạo Do Thái không còn nữa", ông Bru-nô nhận xét như sau:

"Đúng là đúng chính trong trường hợp nếu đồng thời chú ý đến một ý kiến khác của sự phê phán nêu trong quyển sách của tôi", tức là ý kiến nói rằng cả Đạo Cơ Đốc cũng nên thôi đừng tồn tại nữa.

Do đó, rõ ràng là sự phê phán tuyệt đối trong bài phản đối số 1 chống lại những lời công kích quyển "Vấn đề Do Thái" vẫn coi sự thủ tiêu tôn giáo, coi chủ nghĩa vô thần, là điều kiện tất yếu của sự bình đẳng về quyền công dân. Thế là trong giai đoạn đầu của nó, sự phê phán tuyệt đối còn chưa tiến được một bước nào trong việc lãnh hội được bản chất của nhà nước và "sự thất sách" trong "tác phẩm" của mình.

Sự phê phán tuyệt đối lấy làm bực tức khi có người nào đó chứng minh rằng phát hiện khoa học "mới nhất" do nó nghĩ ra chẳng qua chỉ là lặp lại một quan điểm ai nấy đều đã biết từ lâu. Một nghị sĩ tỉnh Ranh nhận định:

"Chưa ai có ý định khẳng định rằng Pháp và Bỉ đã tỏ ra nhận thức được đặc biệt rõ ràng các nguyên tắc khi tổ chức cơ cấu chính trị của mình".

Sự phê phán tuyệt đối sẽ có thể phản đối rằng cách nói đó chuyển cái hiện tại vào quá khứ, vì đã lấy cái kiến giải ngày nay đã trở thành tầm thường về tính không thoả đáng của các nguyên tắc chính trị của Pháp làm một kiến giải có tính chất truyền thống. Đây là một sự phản đối sát với thực chất vấn đề, nhưng sự phản đối ấy không thể làm hài lòng sự phê phán tuyệt đối. Trái lại, sự phê phán tuyệt đối phải trình bày kiến giải đã lỗi thời như là một kiến giải hiện đang chiếm địa vị thống trị và biến kiến giải hiện đang thống trị thành một điều bí mật có tính phê phán mà sự phê phán tuyệt đối còn phải thông qua những sự nghiên cứu của mình để vạch ra cho quần chúng. Vì  vậy, sự phê phán tuyệt đối mới phải nói rằng:

"Điều đó" (tức là cái thiên kiến đã lỗi thời") "đã được hết sức nhiều người" (tức là quần chúng) "khẳng định"; "nhưng sự nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc chứng minh rằng ngay cả sau những công việc lớn lao mà nước Pháp đã hoàn thành, vẫn còn phải làm nhiều nữa, mới đạt tới chỗ nhận thức được các nguyên tắc".

Như vậy là bản thân việc nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc không "đạt tới" được sự nhận thức các nguyên tắc. Không, với thái độ nghiêm túc, nó chỉ mới chứng minh rằng "còn phải làm nhiều nữa mới đạt tới" được. Thật là một thành tựu vĩ đại! Vĩ đại nhất sau các tác phẩm của các nhà xã hội chủ nghĩa. Nhưng đối với việc nhận thức chế độ xã hội hiện đang tồn tại, Bru-nô đã làm được nhiều với điều nhận xét sau đây của ông ta:

"Tính quy định hiện đang chiếm địa vị thống trị là tính không quy định".

Nếu Hê-ghen nói rằng tính quy định Trung Quốc chiếm địa vị thống trị là "Tồn tại", tính quy định Ấn Độ chiếm địa vị thống trị là "Hư không", v.v., thì sự phê phán tuyệt đối phụ hoạ với Hê-ghen "một cách thuần tuý" bằng cách quy tính chất của thời đại hiện nay thành phạm trù lô-gich "Tính không quy định", một cách thuần tuý hơn là đem "Tính không quy định" cùng với "Tồn tại" và "Hư không" nhất loạt xếp vào chương đầu của lô-gich tư biện, chương nói về "Chất".

Chúng ta còn phải nêu một nhận xét chung nữa mới có thể chấm dứt không nói đến số 1 của "Vấn đề Do Thái".

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của sự phê phán tuyệt đối là trước hết phải có cách đặt vấn đề đúng đắn cho tất cả các vấn đề của thời đại. Cụ thể là nó không giải đáp các vấn đề hiện thực, mà lại đưa ra những vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Vì nó chế tạo ra hết thảy mọi thứ, nên nó ắt phải chế tạo sẵn từ trước "các vấn đề của thời đại", nghĩa là phải làm cho các vấn đề ấy thành ra những vấn đề của nó, thành những vấn đề phê phán có tính phê phán. Nếu nói về bộ luật của Na-pô-lê-ông, thì nó sẽ chứng minh rằng thực ra đó là nói về "Ngũ kinh". "Cách đặt các vấn đề thời đại" của nó là một sự xuyên tạc bóp méo các vấn đề ấy một cách phê phán. Ví dụ, nó đã bóp mép "vấn đề Do Thái" theo tinh thần là nó không cần phải nghiên cứu sự giải phóng chính trị, tức là nội dung của vấn đề ấy, mà trái lại, nó có thể bằng lòng với việc phê phán tôn giáo Do Thái và mô tả nhà nước Cơ Đốc giáo Đức.

Cũng như tất cả các biểu hiện độc đáo khác của sự phê phán tuyệt đối, phương pháp đó cũng là sự tái diễn trò ảo thuật tư biện. Triết học tư biện, nhất là triết học Hê-ghen, cho là cần phải biến tất cả các vấn đề từ hình thức lý trí bình thường của con người sang hình thức lý trí tư biện và biến vấn đề hiện thực thành vấn đề của tôi và mượn lời của tôi để nói những vấn đề riêng của nó như kiểu giảng đạo vấn đáp thì dĩ nhiên là triết học tư biện cũng có thể, giống như lối giảng đạo vấn đáp, đã có sẵn cách giải đáp cho mỗi một vấn đề của tôi.

 

 


36 Mác chỉ bài "Luận văn mới nhất về vấn đề Do Thái" của B.Bau-ơ đăng trên "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 1 (tháng Chạp 1843).

37 G. W. F.Hegel. Werke. Bd.  VIII, S. 12, Berlin, 1833, "Grundlinien der Philosophie des Rechts". Vorrede (G. V. Ph. Hê-ghen, Toàn tập, t. VIII, tr. 12, Béc-lin, 1833. "Những nguyên lý của triết học pháp quyền", Lời tựa).

38 Đây là chỉ bài báo của C.Mác "Vấn đề Do Thái". Xem C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 525-568.

1* - Chơi chữ: tiếng Đức "Hirsch" vừa là một tên họ, vừa có nghĩa là "con hươu".

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt