Chủ nghĩa Marx

Việc ứng dụng quy luật tỉ lệ giữa các giá trị: a) Tiền tệ

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC

 

CÁC MÁC

_______

 

SỰ KHỐN CÙNG

CỦA TRIẾT HỌC

 

CHƯƠNG MỘT

MỘT PHÁT KIẾN KHOA HỌC

 

§III. VIỆC ỨNG DỤNG QUY LUẬT TỶ LỆ GIỮA CÁC

GIÁ TRỊ

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

A. TIỀN TỆ

"Vàng và bạc là những hàng hoá đầu tiên mà giá trị của chúng đạt đến sự cấu thành".

Vậy, vàng và bạc là những ứng dụng đầu tiên của "giá trị được cấu thành"... bởi ông Pru-đông. Và vì ông Pru-đông cấu thành ra giá trị sản phẩm bằng cách quy định giá trị ấy theo số lượng so sánh về lao động bỏ vào đó, cho nên việc duy nhất mà ông ta phải làm là chứng minh rằng những biến động xảy ra trong giá trị của vàng và bạc bao giờ cũng có thể căn cứ vào những biến động về thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra chúng, mà giải thích. Nhưng ông Pru-đông không nghĩ đến điều đó. Ông ta không nói đến vàng và bạc như là hàng hoá, mà nói đến vàng và bạc như là tiền tệ.

Toàn bộ lô-gích của ông ta, nếu quả thật đó là lô-gích, là ở chỗ ông ta vận dụng một cách giả tạo thuộc tính của vàng và bạc là tiền tệ vào mọi hàng hoá mà giá trị được đo bằng thời gian lao động. Chắc chắn rằng ảo thuật ấy ngây thơ nhiều hơn là có ác ý.

Vì giá trị của một sản phẩm có ích được đo bằng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra nó, nên bao giờ nó cũng có thể được chấp nhận khi trao đổi. Chứng cớ là vàng và bạc - ông Pru-đông kêu to lên như thế- vàng và bạc ở trong những điều kiện "có khả năng trao đổi", mà tôi mong muốn. Vậy vàng và bạc - đó là giá trị đạt đến trạng thái cấu thành, là thể hiện ý niệm của ông Pru-đông. Ông ta chọn được một thí dụ mà không thể có gì hay hơn nữa. Vàng và bạc, ngoài thuộc tính của chúng là một hàng hoá ra, mà giá trị được đo bằng thời gian lao động như bất cứ hàng hoá nào khác, chúng còn có thuộc tính là phương tiện trao đổi phổ biến, là dùng làm tiền tệ. Vì vậy, nếu lấy vàng và bạc làm một ứng dụng của "giá trị được cấu thành" bởi thời gian lao động, thì việc chứng minh rằng mọi hàng hoá mà giá trị được cấu thành bởi thời gian lao động sẽ luôn luôn có thể trao đổi được, sẽ là tiền tệ, - là một việc không có gì dễ hơn nữa.

Một câu hỏi rất giản đơn nảy ra trong óc ông Pru-đông. Tại sao vàng và bạc lại có đặc quyền làm điển hình của "giá trị được cấu thành"?

"Cái chức năng đặc biệt mà tập quán trao cho những kim loại quý là dùng làm phương tiện lưu thông, là một chức năng thuần tuý theo ước lệ, và bất cứ hàng hoá nào khác cũng có thể đóng vai trò ấy, có lẽ không được tiện lợi bằng kim loại quý, nhưng cũng không kém phần đáng tin cậy; các nhà kinh tế học đều thừa nhận điều đó và người ta kể ra nhiều thí dụ về mặt này. Vậy thì tại sao các kim loại lại có quyền được ưu tiên sử dụng làm tiền tệ một cách phổ biến, và có thể giải thích tính chất đặc biệt ấy của chức năng của bạc, tính chất có một không hai trong khoa kinh tế chính trị như thế nào?... Thế nhưng, có thể lập lại cái chuỗi mà từ đó hình như tiền tệ đã tách ra, và do đó đưa tiền tệ trở về nguyên lý chân chính của nó hay không?"

Ngay khi đặt vấn đề như thế ông Pru-đông đã giả định là có tiền tệ rồi. Câu hỏi thứ nhất, mà đáng lẽ ông ta phải đặt ra, là tìm hiểu vì sao, trong những cuộc trao đổi đã hình thành như hiện thời, người ta lại phải cá biệt hoá giá trị trao đổi bằng cách đặt ra một phương tiện trao đổi đặc biệt. Tiền tệ không phải là một vật phẩm, mà là một quan hệ xã hội. Tại sao quan hệ của tiền tệ lại là một quan hệ của sản xuất, như bất cứ một quan hệ kinh tế nào khác, như sự phân công lao động, v.v...? Nếu ông Pru-đông biết đến quan hệ ấy thì ông ta sẽ không còn coi tiền tệ như là một ngoại lệ, một cái khâu tách khỏi một chuỗi mà người ta chưa biết hay là cần phải tìm ra.

Trái lại, ông ta sẽ thừa nhận rằng quan hệ ấy chỉ là một cái khâu và với tính cách như vậy, nó mật thiết liên hệ với toàn bộ dây chuyền của những quan hệ kinh tế khác, rằng quan hệ ấy phù hợp với một phương thức sản xuất nhất định, cũng giống như sự trao đổi cá nhân phù hợp với quan hệ đó. Thế nhưng, ông ta làm gì? Trước hết, ông ta tách tiền tệ ra khỏi toàn bộ phương thức sản xuất hiện thời, để rồi sau đó coi tiền tệ như là cái khâu đầu tiên của một chuỗi tưởng tượng, của một chuỗi phải tìm lại.

Một khi người ta đã thừa nhận sự cần thiết của một phương tiện trao đổi đặc biệt, nghĩa là sự cần thiết của tiền tệ, thì chỉ còn phải giải thích vì sao cái chức năng đặc biệt ấy lại thuộc về vàng và bạc, chứ không phải là thuộc về bất cứ hàng hoá nào khác. Đó là một vấn đề thứ yếu, nó không còn được giải thích bởi toàn bộ hệ thống của các quan hệ sản xuất nữa, mà là bằng những đặc tính riêng biệt vốn có của vàng và bạc với tư cách là một loại vật chất nhất định. Nếu như, nhân dịp này, căn cứ vào tất cả những điều nói trên, các nhà kinh tế học "đã nhảy ra ngoài lĩnh vực khoa học của mình, mà đi vào khoa vật lý, khoa cơ khí, khoa sử, v.v.", như ông Pru-đông đã chỉ trích họ, thì như vậy là họ chỉ làm cái việc mà họ phải làm. Vấn đề không còn thuộc về lĩnh vực của khoa kinh tế chính trị nữa.

Ông Pru-đông nói: "cái mà không một nhà kinh tế học nào thấy được và hiểu được, đó là lý do kinh tế, nó đã quyết định đặc quyền mà những kim loại quý được hưởng".

Cái lý do kinh tế mà không một ai - với nguyên nhân xác đáng - thấy được và hiểu được, thì ông Pru-đông đã thấy, đã hiểu và truyền lại cho hậu thế.

"Thế nhưng, cái mà không một ai chú ý cả, đó là trong tất cả mọi hàng hoá, vàng và bạc là những hàng hoá đầu tiên mà giá trị đạt đến sự cấu thành. Trong thời kỳ chế độ gia trưởng, vàng và bạc còn được mua bán và trao đổi thành thoi, nhưng cũng đã có xu hướng rõ rệt đi đến địa vị thống trị rồi và đã có ưu thế nổi bật đối với những hàng hoá khác rồi. Dần dà các vua chúa chiếm đoạt lấy những kim loại quý và đóng dấu của họ vào đấy; và từ sự công nhận của vua chúa như thế mà sinh ra tiền tệ, nghĩa là cái hàng hoá par excellence1*, hàng hoá mà, mặc dầu mọi sự biến động của thương mại, vẫn giữ được một giá trị theo tỷ lệ nhất định và được người ta chấp nhận trong mọi sự thanh toán... Đặc điểm của vàng và bạc là ở chỗ - tôi xin nhắc lại - nhờ những thuộc tính kim loại của chúng, những khó khăn trong việc sản xuất ra chúng, và nhất là nhờ sự can thiệp của chính quyền, chúng đã sớm có được - với tính cách là hàng hoá - tính chất cố định và tính chất xác thực".

Nói rằng, trong tất cả các hàng hoá, vàng và bạc là những hàng hoá đầu tiên mà giá trị đạt đến sự cấu thành, có nghĩa là, sau tất cả những điều đã nói trên đây, vàng và bạc là những hàng hoá đầu tiên được trở thành tiền tệ. Đó là điều mặc khải vĩ đại của Pru-đông, đó là chân lý mà trước ông ta chưa ai phát hiện ra được.

Nếu như, qua những chữ ấy, ông Pru-đông muốn nói rằng vàng và bạc là những hàng hoá mà thời gian để sản xuất ra chúng được người ta biết sớm hơn là đối với những hàng hoá khác, thì đó còn là một điều giả thiết nữa trong số những điều giả thiết mà ông ta đã hậu hĩ tặng các bạn đọc của ông ta. Nếu chúng ta muốn theo sự trình bày uyên bác kiểu gia trưởng ấy, thì chúng ta sẽ nói với ông Pru-đông rằng thời gian cần thiết để sản xuất những vật phẩm thiết yếu nhất, như là sắt, v.v., đã được người ta biết trước tiên. Ấy là chưa kể đến cái cung cổ điển của A-đam Xmít.

Nhưng, sau tất cả những điều đó, làm thế nào mà ông Pru-đông còn có thể nói đến sự cấu thành của một giá trị, bởi vì một giá trị không bao giờ được cấu thành riêng biệt cả? Nó được cấu thành không phải bởi thời gian cần thiết để sản xuất ra một sản phẩm riêng biệt nhất định, mà là tỷ lệ với số lượng của tất cả các sản phẩm khác có thể được tạo ra trong cùng một thời gian đó. Vậy sự cấu thành ra giá trị của vàng và bạc lấy sự cấu thành đã được thực hiện của giá trị của nhiều hàng hoá khác, làm tiền đề.

Cho nên, không phải là hàng hoá đã đạt được - dưới hình thái vàng và bạc - trạng thái "giá trị được cấu thành", mà chính là "giá trị được cấu thành" của ông Pru-đông đã đạt được - dưới hình thái vàng và bạc - trạng thái tiền tệ.

Bây giờ chúng ta hãy xét một cách tường tận hơn những lý do kinh tế ấy, theo ông Pru-đông thì nhờ những lý do kinh tế đó mà vàng và bạc đã có cái lợi là được nâng lên thành tiền tệ sớm hơn tất cả những sản phẩm khác, sau khi trải qua trạng thái cấu thành nên giá trị.

Những lý do kinh tế ấy là cái "khuynh hướng rõ ràng đi tới chiếm địa vị thống trị", "ưu thế rõ ràng", - những cái đó đã có trong "thời kỳ chế độ gia trưởng" rồi, và những lời nói quanh co khác nữa về bản thân sự kiện ấy, những lời nói đó chỉ  gây khó khăn thêm cho chúng ta, vì do con số các trường hợp mà ông Pru-đông đã đưa ra để giải thích sự kiện, tăng lên, nên số các sự kiện cần phải được giải thích cũng tăng lên. Nhưng ông Pru-đông chưa nói hết những lý do gọi là kinh tế. Sau đây là một lý do có sức mạnh vô thượng, không gì chống lại nổi:

"Từ sự công nhận của vua chúa đã sinh ra tiền tệ: các vua chúa chiếm đoạt lấy vàng và bạc và đóng dấu của họ vào đấy".

Như vậy là theo ý kiến ông Pru-đông, ý muốn tùy tiện của vua chúa là lý do cao nhất trong khoa kinh tế chính trị!

Kỳ thực, phải là người không có một chút hiểu biết nào về lịch sử mới không biết rằng, trong thời nào cũng thế, chính là vua chúa phải phục tùng những điều kiện kinh tế, chứ không bao giờ vua chúa lại ra lệnh cho những điều kiện kinh tế được. Chẳng qua chế độ lập pháp về chính trị cũng như về dân sự chỉ làm cái việc nói lên, ghi chép lại những yêu cầu của những quan hệ kinh tế mà thôi.

Vua chúa đã chiếm đoạt lấy vàng và bạc, để làm thành những phương tiện trao đổi phổ biến bằng cách đóng dấu của họ vào đấy, hay ngược lại, chính những phương tiện trao đổi phổ biến ấy đã chiếm đoạt lấy vua chúa bằng cách bắt buộc họ phải đóng dấu của họ vào vàng, bạc và làm cho vàng, bạc được công nhận về mặt chính trị?

Cái dấu mà người ta đã đóng và hiện nay còn đóng cho bạc không phải là cái dấu của giá trị của bạc, mà là cái dấu của trọng lượng của nó. Tính chất cố định và tính chất xác thực mà ông Pru-đông nói đến chỉ có quan hệ với hàm lượng của đồng tiền, và hàm lượng ấy chỉ rõ trong một miếng bạc đúc thành tiền có bao nhiêu chất kim loại thuần tuý.

Vôn-te đã nói - với trí óc thông minh thiết thực của ông mà ai cũng biết: "giá trị cố hữu duy nhất của một đồng mác bạc là mác bạc, một nửa pao1* nặng 8 ôn-xơ2*. Chỉ có trọng lượng và hàm lượng mới làm thành giá trị cố hữu ấy" (Vôn-te, "Học thuyết của Lô"(52)).

Thế nhưng, câu hỏi: một ôn-xơ vàng hoặc bạc trị giá bao nhiêu? - vẫn chưa được giải đáp. Nếu như một tấm len lông dê của cửa hàng của "Côn-be vĩ đại" mang nhãn hiệu "len nguyên chất", thì nhãn hiệu ấy vẫn chưa nói rõ với anh giá trị của tấm len đó là bao nhiêu cả. Giá trị của len là bao nhiêu, đó vẫn là điều còn phải tìm hiểu.

Ông Pru-đông nói: "Vua nước Pháp Phi-líp I trộn lẫn vào đồng li-vrơ thành Tua của Các đại đế một phần ba tạp chất, tưởng rằng vì chỉ một mình ông ta có độc quyền đúc tiền, nên ông ta có thể làm như bất cứ một thương nhân nào đối với hàng hoá của mình, người đó có độc quyền về một sản phẩm nào đó. Thực ra việc làm tiền giả ấy - về việc này người ta đã công kích Phi-líp và những người nối ngôi ông ta khá nhiều - là cái gì? Một cách lập luận rất đúng về mặt tập quán thương mại, nhưng rất sai về mặt khoa học kinh tế, cho rằng: vì cung và cầu điều tiết giá trị, người ta có thể, bằng cách hoặc gây ra một sự khan hiếm giả tạo, hoặc hoàn toàn nắm lấy việc sản xuất ra các vật phẩm, nâng cao sự đánh giá và do đó nâng cao giá trị của chúng, và điều đó là đúng đối với vàng và bạc cũng như đối với lúa mì, rượu nho, dầu, thuốc lá vậy. Tuy nhiên, sự gian dối của Phi-líp vừa mới bị ngờ vực thì tiền tệ của ông ta đã giảm xuống giá trị thực sự của nó rồi và đồng thời ông ta cũng mất cả cái mà ông ta đã tưởng là lấy được ở thần dân của ông ta. Tất cả những mưu đồ tương tự cũng đều đưa đến những kết quả giống như thế".

Trước hết, người ta đã chứng minh rất nhiều lần rằng nếu vua chúa định làm tiền giả, thì chính là vua chúa bị thiệt. Cái mà ông ta được lợi một lần độc nhất trong kỳ phát hành đầu tiên, thì ông ta sẽ bị thiệt trong bao nhiêu lần sau khi tiền giả trở về tay ông ta dưới hình thức thuế khoá, v.v.. Nhưng Phi-líp và những người nối ngôi ông ta, ít nhiều cũng đã biết tránh sự thiệt hại ấy, vì một khi đã lưu hành tiền giả, việc cấp bách nhất mà họ làm là ra lệnh đúc lại toàn bộ tiền tệ theo mẫu cũ.

Hơn nữa, nếu Phi-líp I đã thật sự lập luận như ông Pru-đông, thì Phi-líp I sẽ không lập luận đúng đắn "về mặt thương mại" rồi. Cả Phi-líp I, cả Pru-đông đều đã không tỏ ra là có tài buôn bán, khi họ tưởng rằng người ta có thể thay đổi giá trị của vàng cũng như giá trị của bất cứ hàng hoá nào khác vì lý do duy nhất là giá trị của chúng do quan hệ giữa cung và cầu quyết định.

Nếu vua Phi-líp ra lệnh là từ nay về sau một đấu lúa mì gọi là hai đấu lúa mì thì nhà vua sẽ là một người gian dối. Ông ta sẽ đánh lừa tất cả những người sống về địa tô, tất cả những người được nhận một trăm đấu lúa mì, ông ta sẽ là nguyên nhân khiến cho tất cả đám người ấy đáng lẽ được nhận một trăm đấu lúa mì thì chỉ nhận được có năm mươi đấu nữa thôi. Giả sử nhà vua mắc nợ một trăm đấu lúa mì, thì ông ta chỉ còn phải trả có năm mươi. Nhưng trong thương mại, một trăm đấu lúa mì sẽ không bao giờ trị giá quá năm mươi đấu. Khi thay đổi tên gọi, người ta không thay đổi sự vật. Chỉ một việc thay đổi tên gọi như vậy, không làm cho số lượng lúa mì, được lấy làm đối tượng của cung hay của cầu, giảm xuống hay tăng lên. Vậy, vì quan hệ giữa cung và cầu vẫn giữ nguyên như cũ mặc dầu có sự thay đổi về tên gọi ấy, nên giá cả của lúa mì không chịu một sự thay đổi thật sự nào cả. Khi nói đến cung và cầu vật phẩm, người ta không có ý nói đến cung và cầu về tên gọi của vật phẩm. Phi-líp I không phải là người làm ra vàng hay bạc, như ông Pru-đông nói; ông ta chỉ là người làm ra tên gọi của tiền tệ. Anh hãy làm cho người ta tưởng rằng những tấm len lông dê nước Pháp của anh là những tấm len lông dê châu Á đi, rất có thể là anh cũng lừa dối được một hay hai người mua đấy; nhưng khi người ta biết được sự gian dối rồi thì những cái gọi là tấm len lông dê châu Á của anh sẽ tụt xuống bằng giá cả của những tấm len lông dê nước Pháp ngay. Khi cho vàng và bạc một cái nhãn hiệu giả, vua Phi-líp I chỉ có thể đánh lừa người ta chừng nào người ta chưa biết sự gian dối mà thôi. Cũng như mọi người chủ hiệu khác, ông ta đã đánh lừa khách hàng của mình bằng một sự nêu tên giả của hàng hoá; việc đó chỉ có thể kéo dài một thời gian mà thôi. Sớm hay muộn ông ta cũng sẽ cảm thấy sự khắc nghiệt của những quy luật thương mại. Phải chăng đó là điều mà ông Pru-đông muốn chứng minh?

Không phải. Theo ông ta thì tiền tệ có giá trị là do vua chúa, chứ không phải do thương mại. Và ông ta đã thực tế chứng minh cái gì? Chứng minh rằng thương mại còn có quyền lực hơn cả vua chúa. Rằng vua chúa thì ra lệnh là từ nay về sau một đồng mác là hai đồng mác, còn thương mại thì luôn luôn nói với anh rằng hai đồng mác ấy chỉ có giá trị bằng đồng mác trước kia mà thôi.

Thế nhưng, tất cả những điều nói trên không đẩy vấn đề giá trị, được quy định bởi số lượng lao động, tiến thêm một bước nào cả. Vấn đề vẫn phải giải quyết là: hai đồng mác ấy, trở lại thành đồng mác trước kia, là do những chi phí sản xuất quy định hay là quy luật cung cầu quy định?

Ông Pru-đông tiếp tục:

"Cũng phải xét xem, nếu như nhà vua không làm giả tiền tệ, mà nhà vua có quyền tăng khối lượng tiền tệ lên gấp đôi, thì giá trị trao đổi của vàng và bạc có giảm đi một nửa ngay không, vẫn vì lý do tính tỷ lệ và sự cân bằng ấy".

Nếu ý kiến ấy, ý kiến mà ông Pru-đông biểu đồng tình với những nhà kinh tế học khác, là đúng thì nó chứng minh được cho học thuyết của họ về cung và cầu, chứ hoàn toàn không chứng minh được gì cho tính tỷ lệ của ông Pru-đông cả. Bởi vì, theo ý kiến này thì số lượng lao động bỏ vào khối lượng vàng và bạc tăng gấp đôi ấy là bao nhiêu chăng nữa, giá trị của nó cũng sẽ giảm đi một nửa, vì số cầu thì vẫn giữ nguyên như cũ mà số cung thì tăng lên gấp đôi. Hay là, phải chăng may ra lần này "quy luật tính tỷ lệ" cũng ăn khớp với quy luật cung cầu - quy luật mà người ta rất khinh bỉ - đó thôi? Quả vậy, cái tính tỷ lệ đúng đắn ấy của ông Pru-đông là rất co giãn, nó có thể kinh qua nhiều sự biến hoá, nhiều sự kết hợp và đổi qua đổi lại, đến nỗi đôi khi nó có thể dễ dàng ăn khớp với quan hệ giữa cung và cầu.

Vậy gán cho "mọi hàng hoá khả năng được chấp nhận trong sự trao đổi, nếu không phải trên thực tế thì ít ra cũng là về mặt pháp lý", bằng cách căn cứ vào tác dụng của vàng và bạc, thì tức là không hiểu biết gì về tác dụng ấy. Sở dĩ vàng và bạc có thể được chấp nhận về mặt pháp lý, đó chỉ là vì chúng có thể được chấp nhận trên thực tế, và sở dĩ chúng có thể được chấp nhận trên thực tế là bởi vì tổ chức sản xuất hiện thời cần có một phương tiện trao đổi phổ biến. Pháp lý chỉ là sự thừa nhận chính thức thực tế mà thôi.

Chúng ta đã thấy rằng ông Pru-đông đã chọn tiền bạc làm thí dụ của sự ứng dụng của giá trị đạt tới trạng thái cấu thành, đó chẳng qua chỉ là nhằm làm cho toàn bộ học thuyết của ông ta về khả năng trao đổi có thể được thông qua một cách trót lọt, nghĩa là nhằm chứng minh rằng bất cứ hàng hoá nào trị giá theo chi phí sản xuất của nó cũng phải được biến thành tiền tệ cả. Mọi việc nói trên đều sẽ tốt lành nếu không có điều bất tiện sau đây: trong tất cả các hàng hoá, vàng và bạc với tư cách là tiền tệ là những hàng hoá độc nhất không do chi phí sản xuất của chúng quy định; và như vậy là rất đúng, đến nỗi trong lưu thông những hàng hoá ấy có thể được thay thế bằng giấy. Chừng nào mà giữa những nhu cầu lưu thông và số lượng tiền tệ phát hành, - dù là tiền tệ bằng giấy, bằng vàng, bằng bạch kim hay bằng đồng cũng vậy - vẫn giữ được một tỷ lệ nào đó, thì sẽ không thể có vấn đề giữ một tỷ lệ nào đó giữa giá trị cố hữu (do chi phí sản xuất quy định) và giá trị danh nghĩa của tiền tệ. Cố nhiên, trong thương mại quốc tế, tiền tệ, cũng như mọi hàng hoá khác, được quy định theo thời gian lao động. Nhưng, đó là vì vàng và bạc trong thương mại quốc tế cũng là những phương tiện trao đổi, với tính cách là sản phẩm chứ không phải với tính cách là tiền tệ, nghĩa là chúng mất tính chất "cố định và xác thực", tính chất "được vua chúa thừa nhận", những tính chất ấy, theo ông Pru-đông, tạo thành tính chất đặc biệt của vàng và bạc. Ri-các-đô đã hiểu rất rõ chân lý ấy, cho nên sau khi đã đặt toàn bộ học thuyết của ông trên cơ sở giá trị được quy định bằng thời gian lao động, và sau khi nói rằng: "vàng và bạc cũng như tất cả những hàng hoá khác, chỉ có giá trị thích ứng với số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng và để đưa chúng ra thị trường" thì dẫu sao ông ta cũng nói thêm rằng giá trị của tiền tệ không do thời gian lao động bỏ vào vật chất của nó quy định, mà chỉ do quy luật cung cầu quy định.

"Tuy rằng tiền giấy không hề có giá trị nội tại gì cả, nhưng nếu người ta hạn định số lượng của nó, thì giá trị trao đổi của nó có thể bằng giá trị của tiền kim loại cùng tên gọi hay của những kim loại được chứa đựng trong những đồng tiền ấy. Cũng theo nguyên tắc ấy, nghĩa là bằng cách hạn định số lượng của tiền tệ, mà những đồng tiền đã mòn có thể lưu hành theo giá trị mà chúng phải có nếu trước kia chúng có trọng lượng và hàm lượng do pháp luật quy định, chứ không phải là theo giá trị nội tại của kim loại nguyên chất mà chúng chứa đựng. Vì thế trong lịch sử tiền tệ nước Anh chúng ta thường thấy rằng tiền tệ lưu thông không bao giờ bị giảm giá theo cùng một mức độ như mức độ chất của nó bị giảm xuống. Nguyên nhân là vì số lượng tiền tệ lưu thông không bao giờ tăng lên theo mức giảm xuống của giá trị nội tại của nó" (Ri-các-đô, s.đ.d).

Gi.B. Xây nhận xét về đoạn ấy của Ri-các-đô như sau:

"Thí dụ ấy có lẽ cũng đủ, - tôi nghĩ vậy, - để làm cho tác giả tin rằng cơ sở của mọi giá trị không phải là số lượng lao động cần thiết để làm ra một hàng hoá, mà là nhu cầu của người ta đối với hàng hoá ấy, nhu cầu được so sánh với sự khan hiếm của hàng hoá ấy"(53).

Như vậy, tiền tệ đối với Ri-các-đô không còn là một giá trị được quy định bởi thời gian lao động nữa, và vì thế Gi.B. Xây đã lấy tiền tệ làm thí dụ nhằm làm cho Ri-các-đô tin rằng những giá trị khác cũng không thể được quy định bởi thời gian lao động; tôi nói thứ tiền tệ ấy, mà Gi. B  Xây lấy làm thí dụ về một giá trị hoàn toàn do cung cầu quy định, đã trở thành, đối với ông Pru-đông, thí dụ thích hợp nhất về ứng dụng của giá trị được cấu thành... bởi thời gian lao động.

Để kết thúc, nếu tiền tệ hoàn toàn không phải là một "giá trị được cấu thành" bởi thời gian lao động, thì nó càng không thể có chỗ nào giống với "tính tỷ lệ" đúng đắn của ông Pru-đông. Vàng và bạc luôn luôn có thể trao đổi, bởi vì chúng có chức năng đặc biệt là dùng làm phương tiện trao đổi phổ biến, chứ hoàn toàn không phải vì chúng tồn tại với một số lượng tỷ lệ với toàn bộ của cải; hay nói đúng hơn, chúng luôn luôn theo tỷ lệ bởi vì, trong tất cả các hàng hoá, chỉ có chúng là dùng làm tiền tệ, làm phương tiện trao đổi phổ biến, mặc dù số lượng của chúng so với toàn bộ của cải là bao nhiêu chăng nữa.

"Tiền tệ trong lưu thông không bao giờ có thể có nhiều đến mức dư thừa; vì nếu người ta giảm bớt giá trị của nó thì người ta sẽ tăng thêm số lượng của nó theo cùng một tỷ lệ như vậy, và khi tăng thêm giá trị của nó, người ta càng giảm bớt số lượng của nó" (Ri-các-đô).

Ông Pru-đông kêu to lên rằng: "Khoa kinh tế chính trị thật là hỗn độn!".

"Một người cộng sản kêu to lên một cách buồn cười" (thông qua cửa miệng ông Pru-đông): "Vàng đáng ghét thay! Khác nào nói: Tiểu mạch đáng ghét thay! Những cây nho đáng ghét thay! Những con cừu đáng ghét thay! - bởi vì, cũng như vàng và bạc, bất cứ giá trị thương mại nào cũng phải đạt đến chỗ được quy định chính xác và chặt chẽ".

Ý nghĩ lấy những con cừu và những cây nho làm tiền tệ không phải là mới mẻ. Ở Pháp, ý nghĩ ấy thuộc về thế kỷ của Lu-i XIV. Thời ấy, tiền bạc đã bắt đầu trở thành vạn năng, người ta phàn nàn về sự mất giá của tất cả những hàng hoá khác, và người ta nóng lòng mong chờ có một ngày mà "bất cứ giá trị thương mại nào" cũng có thể đạt đến sự quy định chính xác và chặt chẽ, đạt đến trạng thái tiền tệ. Boa-ghin-be, một trong số những nhà kinh tế học kỳ cựu nhất của nước Pháp, đã nói như thế này rồi:

"Bấy giờ tiền bạc, do chỗ xuất hiện vô số những kẻ cạnh tranh, tức là bản thân những hàng hoá đã khôi phục lại được giá trị đúng đắn của chúng, - sẽ bị đưa vào trong phạm vi những giới hạn tự nhiên của nó" ("Những nhà kinh tế - tài chính thế kỷ XVIII", tr. 422, Nhà xuất bản Đe-rơ).

Người ta thấy rằng những ảo tưởng đầu tiên của giai cấp tư sản cũng chính là những ảo tưởng cuối cùng của nó.

 

 


1* - chủ yếu, theo nghĩa thật của danh từ

1* - pao: đơn vị đo trọng lượng của Anh, bằng 453,6 gram.

2* - ôn-xơ: đơn vị đo trọng lượng trong hiệu thuốc, bằng 29,8 gram.

(52) Mác đã dẫn ra một trong những chương thuộc tác phẩm của Vôn-te "Lịch sử Nghị viện" ("Histoire du parlement"); chương này nhan đề: "Tài chính trong thời kỳ nhiếp chính và học thuyết của Lô".

(53) Có ý nói tới lời chú thích của Xây viết cho bản in bằng tiếng Pháp cuốn sách của Ri-các-đô (xem chú thích 40), t. II, tr. 206-207.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt