Hiện tượng học

Phương pháp hiện tượng học

PHƯƠNG PHÁP HIỆN TƯỢNG HỌC

(Wesensschau [trực quan các bản chất],

Epoché, eidetische Variation [biến đổi bản chất])

  

WOLFGANG BRAUNER 

 

 

(Bài thuyết trình được trình bày tại trường Đại học Nam Khai, thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, tháng Năm 2005)

 

Hiện tượng học, do triết gia người Đức là Edmund Husserl sáng lập vào nửa đầu thế kỷ trước [thế kỷ 19 – ND], là một trong những quan niệm triết học quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất ở thế kỷ 20. Các công trình của Husserl là khởi điểm cho một phong trào có nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất, những trụ cột của nền triết học đương đại, như: Scheler, Heidegger, Sartre, Merleau-Ponty, Levinas và nhiều người khác. Các công trình chính của Husserl mà các nhà tư tưởng này quy chiếu đến là Nghiên cứu Lôgic học, in lần đầu vào năm 1900/01, Những ý tưởng về hiện tượng học thuần túy và triết học hiện tượng học, quyển thứ nhất (từ năm 1913) và các công trình khác như bài tiểu luận mang tính cương lĩnh Triết học như là khoa học chặt chẽ (1911), Lôgic học hình thức và lôgic học siêu nghiệm (1929) và Những suy niệm của Descartes (1931).

Husserl là một tác gia ngoại hạng. Các cuốn sách, các bài giảng, các bài tiểu luận và các bản thảo của ông, khoảng chừng 4 vạn trang, hầu hết đã được xuất bản trong bộ hợp tuyển nổi tiếng là Husserliana. Bộ hợp tuyển này hiện nay gồm khoảng 35 quyển. Do chỗ bộ công trình quá đồ sộ này của Husserl, nên ta khó lòng nói được đâu là tư tưởng cô đọng và xác định trong triết học của ông. Cũng có một thực tế là tư duy của ông trải dài một giai đoạn khoảng 50 năm và đã thay đổi và biến đổi nhiều lần. Chúng ta không thể nói rằng chỉ có một hiện tượng học siêu nghiệm: trước đây, lối tiếp cận hiện tượng học ít ra đã xuất hiện như là hiện tượng học mô tả, và khi xuất bản cuốn Các Ý niệm I, nó xuất hiện như là hiện tượng học siêu nghiệm, và như là Hiện tượng học tổng quát trong các bản viết tay sau này. Cho nên ta chỉ căn cứ vào một vài công trình của ông để giải thích phương pháp hiện tượng học mà thôi.

Khởi điểm của Husserl và phương pháp hiện tượng học chuyên biệt là tâm lý học thường nghiệm của Franz Brentano. Brentano đã sáng tạo ra một thứ tâm lý học mô tả các hiện tượng thường nghiệm và các sự kiện của ý thức được trực quan trong một ý thức bên trong [innere Wahrnehmung]. Các sự kiện của ý thức này, ví dụ, một phán đoán [Urteil], một lòng tin [Glaube] hay một ước muốn [Wunsch] là những ví dụ về các hành vi [Akte] và đặc điểm chính của chúng là tính ý hướng, nghĩa là chúng hướng đến một đối tượng thực, một cái cây trong công viên chẳng hạn, nhưng đối tượng này lại tồn tại “ở bên trong” ý thức như là một “đối tượng ý hướng” [intentionales Objekt].

Các công trình ban đầu của Husserl, như Triết học Số học (1891), vẫn mang tính tâm lý học đặc Brentano. Trong Triết học Số học, Husserl áp dụng phương pháp thường nghiệm cho lĩnh vực toán học đang đòi hỏi phải có những hành vi tâm lý, vốn là những hành vi chịu trách nhiệm cho năng lực làm toán. Chẳng hạn như có một hành vi của ý thức được gọi là “Kolligieren” là cái nối nhiều ấn tượng khác nhau lại thành một đơn vị như các khái niệm [Inbegriffe].

Việc Husserl phê phán chống môn tâm lý học và phương pháp của nó trước hết diễn ra trong Nghiên cứu Lôgic học. Khi xem xét các quy luật tâm lý như quy luật liên tưởng và phương pháp quy nạp của tâm lý học, vốn là phương pháp đưa đến các quy luật này, ông tin rằng tâm lý học không thể đặt những nền tảng cho một thứ triết học tiên nghiệm với các quy luật có hiệu lực phổ quát và tất yếu tương tự như các quy luật của khoa học tự nhiên. Cho nên mục đích của ông là tìm ra một phương pháp cho phép ta tìm ra các thực thể và các quy luật không phải thường nghiệm. Các thực thể và các quy luật này là “các bản chất” [Wesen], tức là “các quy luật của các bản chất” [Wesensgesetze] và phương pháp ông tiến hành trong Nghiên cứu Lôgic họcÝ niệm I và các công trình khác là cái được gọi là “trực quan về các bản chất” [Wesensschau].

Giả định về các bản chất đã gây ra một cuộc tranh luận rộng rãi kể từ triết học Hy Lạp cổ. Platon nghĩ rằng các bản chất, các ý niệm, ví dụ: “cái Tốt [hay cái Thiện] tự thân” [agathon] là những thực tại đang hiện hữu thực sự, rằng chúng hiện hữu độc lập với các sự vật thường nghiệm mà chúng ta biết được qua các giác quan. Còn Aristoteles thì lại phê phán thuyết duy thực của Platon về các ý niệm và cố gắng khắc phục sự phân ly giữa các ý niệm với thế giới các sự vật thường nghiệm, thí dụ bằng luận đề cho rằng mô thức [eidos] là một phần của các sự vật thường nghiệm xét như là mục đích nội tại của chúng. Trong triết học kinh viện, cuộc tranh luận này dẫn tới cái gọi là vấn đề về những cái phổ quát [Universalienstreit]. Người thì cho rằng các bản chất, tức là những cái phổ quát, ví dụ “cái Đẹp tự thân”, “sự tồn tại của cái Cây” hay “bản chất của con người” là những thực tại hiện hữu thực sự; người thì cho rằng chúng chỉ là những tên gọi hay khái niệm về các sự vật và chỉ hiện hữu ở trong đầu hay trong linh hồn của chúng ta. Cuộc tranh luận về những cái phổ quát này còn được tiếp tục cho tới nay.

Đối với một số nhà lý giải, lập trường của Husserl trong vấn đề này có vẻ như là lập trường Platon. Nhưng trên thực tế Husserl có cho rằng các bản chất là những thực thể đang hiện hữu thực sự như các ý niệm của Platon không? Hẳn nhiên là Husserl đã bác bỏ siêu hình học và huyền thoại của Platon. Cho nên hệ hình của ông không phải là ý hệ [Ideenlehre] của Platon, mà về đại thể là lôgic học thuần túy và toán học thuần túy, trước hết là do các bản chất không phải thường nghiệm của nó, ví dụ các suy luận như dạng BARBARA[1] hay quy luật cấm mâu thuẫn[2] [Satz vom Widerspruch], thứ đến là do các bản chất như các con số hay các định đề Pythagore[3] [Satz des Pythagoras]. Husserl nghĩ rằng các bản chất và các quy luật của bản chất là những thực thể phổ quát, giá trị hiệu lực của chúng độc lập với hoàn cảnh cụ thể trong việc ta nắm bắt chúng. Chúng là một và chỉ là một bất chấp các hành vi khác nhau trong đó chúng có thể được suy tưởng hay được hướng tới.

Thế thì, mục tiêu của Husserl là tìm cho ra các bản chất tiên nghiệm tương tự như các bản chất đã được nói trên không chỉ trong lĩnh vực toán học và lôgic học mà còn trong mọi loại hiện tượng và trong mọi lĩnh vực của thực tại. Vì thế, ông cố gắng tạo dựng ra một môn khoa học mới: khoa học bản chất mở rộng, là môn khoa học khai triển các bản chất thuần túy và các quy luật của các bản chất làm nền cho mọi hiện tượng. Khoa học bản chất này trước hết được phát triển trong Nghiên cứu lôgic học, một công trình ảnh hưởng đến nhiều triết gia như Roman  Ingarden,  Alexander  Pfänder,  Hedwig  Conrad-Martius  hay Max  Scheler là những người đang áp dụng trực quan các bản chất vào nhiều lĩnh vực khác nhau như các xúc cảm, tôn giáo, đạo đức học hay mỹ học. Nhưng vì suy tưởng của Husserl trong Các Ý niệm I đổi thành hiện tượng học về tính chủ thể siêu nghiệm, nên hầu hết các môn đệ đều không theo ông. Trong Các Ý niệm I, đối tượng của khoa học bản chất [được] ý hướng là ý thức siêu nghiệm thuần túy, cấu trúc tiên nghiệm và những kinh nghiệm thuần túy của nó. Các bản chất được phân tích ở đây là những kinh nghiệm thuần túy và các quy luật của chúng, ví dụ như các kinh nghiệm của tri giác.

Nhưng thế nào là bản chất? Nghiên cứu lôgic học là một nỗ lực làm sáng tỏ những điều kiện tiên nghiệm, những khái niệm (mang tính phạm trù) thuần túy [kategorialen Begriffe] và các quy luật làm nền cho mọi thứ khoa học thường nghiệm. Cho nên nỗ lực của Husserl ở đây có thể được gọi là “lôgic học” hay “lý thuyết về khoa học”, là lý thuyết xem các khái niệm tiên nghiệm và các quy luật của các lý thuyết khoa học là các bản chất. Sự việc ông đi tìm các điều kiện tiên nghiệm không khác gì việc Kant đi tìm “các điều kiện khả thể của kinh nghiệm”, ví dụ như các khái niệm thuần túy của giác tính, tức là các phạm trù như “nhất thể”, “đa thể” hay “nguyên nhân và kết quả”[4]. Đối với Husserl, có nhiều khái niệm thuần túy và các quy luật cần phải được khảo sát bởi “trực quan về các bản chất”, ví dụ như các khái niệm “nhất thể”, “quan hệ”, “nối kết”, “biểu tượng”, “chân lý”, “khái niệm”, “biểu hiện”, “nghĩa” và những khái niệm khác, các quy luật kết hợp mệnh đề [Verknüpfung  von  Sätzen], ví dụ như phán đoán giả thiết[5] [hypothetisches Urteil] hay các quy luật của nền tảng, ví dụ như nền tảng tương hỗ của màu sắc và ngoại diên (extension) trong thế đối lập với nền tảng nhất phiến  giữa các hành vi của biểu tượng và phán đoán[6]. Nhà hiện tượng học được thuyết phục rằng các khái niệm được dùng trong ngôn ngữ chuẩn tắc có một nghĩa ý thể [ideale Bedeutung] độc lập với lối sử dụng ngôn ngữ cụ thể hay nói theo ngôn ngữ của Wittgenstein thời kỳ sau là độc lập với “trò chơi ngôn ngữ” [Sprachspiel] trong đó khái niệm này được dùng.

Nghĩa ý thể phổ biến này, là cái không đổi trong mọi trường hợp sử dụng cụ thể, có thể được “bóc tách ra” khỏi nghĩa chuẩn tắc bằng phương pháp trừu tượng hiện tượng học, mà Husserl còn gọi là phương pháp “trừu tượng ý thể” [ideierende Abstraktion] hay “giảm trừ bản chất” [eidetische Reduktion].

Nhưng với tư cách là một thái độ hiện tượng học chuyên biệt, các nhà hiện tượng học quan tâm đến các khái niệm thuần túy và các quy luật chứ không xét đến những hành vi, tức là các kinh nghiệm của ý thức vốn là những cái có quan hệ với các thực thể tiên nghiệm này. Cho nên một trong những kết quả tổng quát của nghiên cứu hiện tượng học trong Nghiên cứu lôgic học đó là một số hành vi của ý thức có thể áp dụng cho một bản chất đồng nhất, ví dụ các hành vi của việc nói lên nghĩa tính nhất thể của cái gì (một cái cây, một chiếc xe, một ngôi nhà, v.v.) áp dụng cho một và chỉ một nghĩa ý thể của [khái niệm] “tính nhất thể” ấy hay các phán đoán như “bông hoa này màu vàng”, “giảng viên này là người nước ngoài” và cứ thế áp dụng cho một phán đoán ý thể “S là P”.

Tính chất của các bản chất ý thể này là tính đồng nhất của chúng, mà đối với Husserl, đó là tính đồng nhất về loại[7]. Ví dụ chủ yếu ông dùng để minh họa cho điều này là “màu đỏ”[8]. Chẳng hạn, có một vài mẩu giấy đỏ đang nằm trên bàn trước mặt tôi. Xét từng mẩu giấy thì chúng được nhuộm đỏ, tức là màu đỏ của chúng – nói như Husserl là “mômen đỏ” [Rotmoment] của chúng – là một trường hợp riêng lẻ của “màu đỏ về loại”, vốn là một trong “những đối tượng phổ quát” hay “Generalia”, theo Husserl những đối tượng này không hiện hữu giống như những ý niệm của Platon ở một vị trí trên trời [topos ouranios]. Chúng chỉ hiện hữu như là yếu tố của một trực quan đặc biệt, gọi là trực quan phạm trù[9] [kategoriale  Anschauung], trực quan này không giống với trực quan khả giác [sinnliche Anschauung]. Mặc dù trực quan phạm trù có thể được xem xét riêng rẽ trong một hành vi phản tư thêm vào, trực quan này thoạt tiên không tách biệt mà dựa vào các hành vi trực quan một đối tượng khả giác [sinnlichen Gegenstand] hay một đối tượng của trí tưởng tượng. Mảnh giấy đỏ ở trên bàn, trước hết được ta nắm bắt như là một toàn bộ trong một hành vi tri giác đơn giản, sau đó có thể được nắm bắt trong những hành vi mới liên quan tới các yếu tố, các cố kết nội tại, các phạm trù và các bản chất của nó, ví dụ “màu đỏ về loại”. Vì thế, các bản chất này không “ở bên ngoài” hay “tách biệt với” các đối tượng khả giác. Cho nên một mặt chúng không giống như các ý niệm của Platon, nhưng mặt khác chúng cũng không là “những hư cấu” hay “những tên gọi”, do giác tính tạo ra, như các nhà duy danh nghĩ. Chúng có một vị thế của “tồn tại ý thể” [ideales Sein] và có thể nhìn theo một phương cách giống với “tồn tại thực tồn” [reales Sein], tức là các đối tượng khả giác[10].

Theo tôi, luận cứ này của Husserl gây ra một số vấn đề. Nó làm cho tôi nhớ đến thuyết duy nghiệm và cuộc tranh luận giữa Hume và Kant về nguồn gốc của các phạm trù, mà phạm trù “tính nhân quả” là một ví dụ. Ở Hume, nguồn gốc của quan hệ nhân quả là thế giới thường nghiệm, thói quen, sự liên tưởng và học tập. Và có vẻ như là cùng một kiểu “rút các phạm trù ra từ thế giới thường nghiệm”, nếu Husserl nói rằng các bản chất có thể “được thấy trong” hay “được rút ra từ” các đối tượng khả giác, ví dụ như các mẩu giấy đỏ. Bản chất “màu đỏ về loại” được mang lại thông qua một số hành vi tri giác các sự vật cá biệt, các mẩu giấy đỏ. Trong sự lặp lại của các hành vi cá biệt này, chúng ta biết được về bản chất của “màu đỏ” bằng một hành vi đồng nhất hóa [Akt  der Identifizierung][11]. Chúng ta đồng nhất tất cả mẩu giấy này có cái gì đó chung. Cho nên nguồn gốc của bản chất “màu đỏ về loại” ít ra là các sự vật thường nghiệm. Nhưng hiện tượng học của Husserl chẳng có chút gì là duy nghiệm cả. Do đó Husserl yêu sách rằng các phạm trù như “nhất thể” hay “quan hệ nhân quả” là những yếu tố không phải của các sự vật thường nghiệm, những cái được hướng đến trong các hành vi của ý thức, mà của bản thân các hành vi này. Nhưng làm thế nào mà  luận đề này có thể tương hợp với luận đề về “màu đỏ về loại” và hành vi đồng nhất hóa? Và chính các khái niệm trừu tượng như “tồn tại”, “đối tượng” hay “chân lý” thì thế nào? Chúng cũng có thể được tìm thấy trong các hành vi không liên quan gì đến thế giới thường nghiệm? Có phải những nguồn gốc của chúng cũng được các đối tượng khả giác tri giác?

Về câu hỏi này, tôi muốn xét đến ví dụ của Husserl về trực quan phạm trù, trực quan về khái niệm “và”, ví dụ trong mối quan hệ “Sokrates  Platon”, “một cuốn sách và một tờ tạp chí” và cứ thế. Trước hết, trực quan về liên từ “và”, tức là về phạm trù “tập hợp” [Kollektion], có thể quy chiếu đến hai loại nối kết [Verknüpfungen] khác nhau: (a) hình thức nối kết khả giác hay thực tồn [sinnliche  oder  reale  Verknüpfungsform] và (b) hình thức nối kết phạm trù hay ý thể [kategoriale oder ideale Verknüpfungsform][12]. Hình thức nối kết thực tồn là, như Husserl nói, “các mômen của các đối tượng thực tồn”, “tự chúng chứa đựng lấy chúng, cho dù chỉ là mặc nhiên và có thể được rút ra từ chúng bằng một tri giác trừu tượng”[13]. Trái lại, các hình thức nối kết ý thể là những hình thức “thuộc về hành vi tổng hợp, tức là các hình thức tự cấu tạo mình thành đối tượng trong những hành vi tổng hợp dựa trên cảm năng.”[14]. Cho nên trực quan phạm trù là một loại hành vi mới, vốn là cái cấu tạo nên các hình thức phạm trù như [liên từ] “và” như là một “đối tượng cấp cao [Gegenstand  höherer  Ordnung]  hay như là một “mẫu mực” [Inbegriff]. Các bản chất này là bộ phận của các hành vi chứ không phải là bộ phận của các đối tượng thực tồn được hướng tới.

Cho nên trong các luận cứ của Husserl, chúng ta có thể tìm thấy ít ra là hai câu trả lời khác nhau cho câu hỏi về nguồn gốc của các bản chất: một “câu trả lời của thuyết duy nghiệm” và một “câu trả lời của thuyết siêu nghiệm”. Theo tôi, cả hai câu trả lời này đều mang tính nghi vấn chứ không thực sự có thể so sánh với nhau được. Một mặt, các bản chất không phải là tiên nghiệm nếu được rút ra từ các sự vật thường nghiệm, mặt khác các phạm trù siêu nghiệm chỉ được khẳng định là phải được xây dựng trong các hành vi tổng hợp chuyên biệt và phải được xem xét trong trực quan phạm trù. Nhưng có lẽ chính một vấn đề tổng quát của “trực quan các bản chất” ở Husserl một mặt quy chiếu đến các sự vật thường nghiệm và mặt khác quy chiếu đến các bản chất và các phạm trù, vốn mang tính tiên nghiệm và có lẽ không phải là những đối tượng của bất cứ trực quan nào.

Tuy nhiên, trong Nghiên cứu lôgic học thứ năm và đặc biệt là trong Các ý tưởng I, trực quan các bản chất đặt tiêu điểm vào các hành vi, tức là các kinh nghiệm của ý thức, và muốn tìm ra các bản chất của các kinh nghiệm này và các quy luật tiên nghiệm của chúng. Trong ngữ cảnh này, Husserl cũng khai triển các chi tiết của phương pháp đã dẫn ông đến một nhận thức nền tảng về sự vận hành và các yếu tố của ý thức. Sự giảm trừ ý thể giờ đây được hoàn chỉnh bằng một phương pháp được gọi là giảm trừ hiện tượng học-siêu nghiệm – tiếng Hy lạp là epoché. Vì mục đích của Các Ý tưởng I vẫn còn là một môn khoa học ý thể, Husserl giờ đây quan tâm riêng đến các bản chất của kinh nghiệm và các tác vụ của ý thức thuần túy. Và quan niệm siêu nghiệm trong Các Ý tưởng I, giống như triết học trong Nghiên cứu lôgic học, cũng là một nỗ lực vượt qua thuyết duy nghiệm và thuyết duy tâm lý. Do đó, Husserl nhấn mạnh đến sự việc [Tatsachen] và sự độc lập của cái sau đối với cái trước. Các bản chất không cần phải dựa vào các hiện tượng thường nghiệm, chúng cũng có thể được dựa trên các đối tượng của trí tưởng tượng và sự huyễn tưởng như một con kỳ lân hay một giai điệu, mà tôi vừa tạo ra trong trí tưởng tượng của tôi. Cái hiện hữu thực tồn không liên quan đối với trực quan về các bản chất: bản chất của một giai điệu tôi nghe là giống với bản chất của một giai điệu tôi tưởng tượng ra. Do đó, Husserl có thể nói rằng việc lĩnh hội các bản chất không hàm ý bất cứ điều gì về việc lĩnh hội sự việc[15]. Các bản chất là những cái phổ quát và thuộc về tất yếu, các sự việc là những cái cá biệt và ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, có những mối quan hệ giữa một bản chất và một sự việc, ví dụ các sự việc: những âm thanh được nghe, một hình tam giác được nhìn, v.v, có thể là điểm xuất phát cho trực quan về bản chất, “âm thanh tự thân” hay “hình tam giác eidos”, nhưng chúng không tất yếu đối với trực quan này.

Trực quan về các bản chất không ít chắc chắn hơn trực quan cảm tính. Cái trước, như Husserl nói, là một “trực quan nguyên thủy được mang lại” [originär gebende Anschauung] và phục tùng “nguyên tắc của mọi nguyên tắc”, vốn là nguyên tắc nói rằng “bất cứ cái gì được mang lại một cách căn nguyên (có thể nói như vậy trong thực tại hiện thân của nó [leibhafter  Wirklichkeit]) trong trực quan phải được chấp nhận như là nó được mang lại, nhưng chỉ trong những giới hạn trong đó nó được mang lại”[16]. Cho nên trực quan về các bản chất, không hề giống với phương pháp quy nạp được sử dụng trong khoa học toán học và lôgic học, một phương pháp cũng quan trọng đối với triết học không kém gì trực quan cảm tính đối với các khoa học thường nghiệm. Giờ ta hãy xem xét kĩ hơn phương pháp hiện tượng học, như được mô tả trong Các ý tưởng I. Trong sách này, một trong những cuốn sách cơ bản về hiện tượng học, Husserl phân tích bản chất của các yếu tố của ý thức thuần túy một cách chi tiết. Cách thức tìm các bản chất này ngay từ đầu bao gồm hai bước: (1) giảm trừ hiện tượng học-siêu nghiệm và (2) giảm trừ bản chất. Và có một bước thứ ba, được mô tả trong các công trình khác của Husserl và dẫn tới một bản chất (eidos) xác định hơn: (3) biến đổi bản chất [eidetische Variation].

Bước thứ nhất (1) mở ra lĩnh vực của ý thức siêu nghiệm hay thuần túy và đưa chúng ta rời khỏi lĩnh vực của các hiện tượng thường nghiệm và tâm lý học, bước thứ hai (2) cho phép chúng ta đi tìm những cái phổ quát, các bản chất của các hiện tượng cá biệt của ý thức và với bước thứ ba (3) chúng ta có thể cô lập và xác định một cách rõ ràng hơn những gì mà bản chất chứa đựng hay không chứa đựng. Ở phần sau, tôi muốn mô tả ba bước này, vốn là những bộ phận chính của phương pháp hiện tượng học xét như là toàn thể.

Các giải thích của Husserl về (1) giảm trừ hiện tượng học-siêu nghiệm khởi đầu bằng mô tả “thái độ tự nhiên” [natürliche Einstellung] của con người. Trong thái độ tự nhiên, chúng ta trải nghiệm các sự vật và các quá trình trong tự nhiên, ta quan sát chúng, cảm nhận chúng, mô tả chúng, v.v. Vì các sự vật được coi đơn giản là cái đang hiện hữu, cho nên không có một câu hỏi nào hỏi về thực tại của chúng cả. Đó là phương cách ta xử lý chúng như thế nào trong đời sống hàng ngày hay thậm chí trong các môn khoa học thường nghiệm. Và trong thái độ này, việc ta có xem xét các sự vật, các con người, các lý thuyết, các vấn đề tâm lý học giống như các xúc cảm hay các tư tưởng, các giá trị hay các thứ khác hay không không quan trọng. Nói cách khác, chúng ta đang thực hiện một “luận đề tổng quát” [Generalthesis]. Thuật ngữ này của Husserl có nghĩa như sau: chúng ta coi mọi sự trong môi trường của chúng ta là cái đang hiện hữu thực sự nhưng không suy tưởng hay hoài nghi về thực tại của chúng, như Descartes đã tiến hành trong Các suy niệm của ông chẳng hạn.

Thế thì, thái độ này phải được thay đổi khi chúng ta tiến hành phương pháp hiện tượng học. Trong thái độ hiện tượng học, chúng ta “đặt” luận đề tổng quát “vào trong dấu ngoặt” [einklammern], chúng ta “trung tính hóa” [ausschalten] hay “vô hiệu hóa” [außer Aktion setzen] nó, chúng ta thực hành một “sự tạm gác phán đoán” [Urteilsenthaltung] hay, nói theo tiếng Hy Lạp là “epoché”. Bằng những ngữ thức này, Husserl biểu thị phương cách đặc biệt của hiện tượng học để coi nhẹ câu hỏi triết học được bàn luận nhiều về thực tại của các tồn tại. Nhà hiện tượng học quan tâm đến bản chất và các yếu tố của ý thức thuần túy, chứ không quan tâm đến thực tại thường nghiệm. Cho nên ông ta tránh bất cứ phán đoán nào về thực tại, chẳng hạn, cái bàn này ở đây có thực sự tồn tại hay không. Do đó, thái độ hiện tượng học khác với thái độ hoài nghi hay thái độ Descartes, một thái độ hoài nghi sự hiện hữu có thực của sự vật. Nhà hiện tượng học không yêu sách rằng các sự vật, con người hay các vấn đề tâm lý phải hiện hữu, cũng không yêu sách rằng chúng phải không hiện hữu.

Nhưng điều gì còn chưa được giải quyết khi chúng ta “trung tính hóa” thực tại như kiểu thực tại này? Theo quan niệm của Husserl, phần dư còn lại là cái tôi siêu nghiệm với những kinh nghiệm thuần túy, tức cái cấu thành mọi nhận thức của ta. Thế nhưng, với tính cách là kết quả của sự tạm gác phán đoán hiện tượng học, lĩnh vực này của cái tôi siêu nghiệm không phải là lĩnh vực của các bản chất phổ quát, nó vẫn còn là lĩnh vực của tồn tại cá biệt, tức là của các kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm của việc tri giác cái bàn trước mặt tôi chẳng hạn. Trong khi mục đích của Các ý tưởng I không phải là các bản chất của sự vật mà là các kinh nghiệm của ý thức, Husserl đặt tiêu điểm vào những loại kinh nghiệm khác nhau đang xuất hiện ra trong lĩnh vực của tồn tại siêu nghiệm, ví dụ như những hành vi của tri giác, phán đoán, xúc cảm hay nhớ lại. Và để có được tính chất phổ quát, tức là các bản chất của các hành vi này, thì giảm trừ bản chất, được mô tả trong Nghiên cứu lôgic học, phải được tiến hành. Nhưng trong Các ý tưởng I giảm trừ bản chất được giới hạn vào các kinh nghiệm của ý thức, trong khi đó cái trước phân tích các bản chất như “màu đỏ về loại” bấy giờ được gọi là “các bản chất siêu nghiệm” [transzendente Wesen] và do đó cũng được “đặt vào dấu ngoặt” trong quá trình giảm trừ hiện tượng học. Cuối cùng, hết thảy các bước phương pháp, giảm trừ hiện tượng học và giảm trừ bản chất, đôi khi chưa được phân biệt rõ ràng ở Husserl và ít nhiều mang tính tiền giả định hơn là giải thích trong Các ý tưởng I, cho phép ta nắm bắt các bản chất của các kinh nghiệm thuần túy.

Ví dụ hết sức chi tiết của Husserl ở đây là hành vi tri giác. Ta hãy xét ví dụ này để thấy cách tiến hành và cách đi đến kết quả của phương pháp hiện tượng học. Có một mẫu giấy trắng ở trên bàn trước mặt tôi. Tôi thấy nó và chạm vào nó và tôi có một kinh nghiệm thực sự về tờ giấy này. Điều này cũng tương tự với mọi vật thể khác ở trên bàn như sách, bút, thư từ, v.v. Cho nên nếu ta tiến hành giảm trừ hiện tượng học, thì ta sẽ bỏ qua việc liệu các vật này và kinh nghiệm của ta về chúng có thực sự hiện hữu hay không. Có thể đấy chỉ là sự tưởng tượng, nhưng chúng ta không cần phải quan tâm. Và nếu ta thực hiện bước phương pháp tiếp theo, giảm trừ bản chất, ta sẽ trừu tượng hóa khỏi các hành vi tri giác cá thể về một mẫu giấy, một cuốn sách hay một cây bút và tìm thấy những đặc điểm nào đó mà mọi hành vi tri giác này đều có: ví dụ, chúng được bao bọc bởi “các tri giác về hậu cảnh” [Hintergrundsanschauungen], các sự vật được mang lại qua “tấm màn mờ đục” [Abschattungen] hay chúng cốt yếu là một yếu tố đang hoạt động được gọi là “noesis” và một yếu tố được hướng đến được gọi là “noema”. Vì thế, ở bước tiếp cận thứ nhất, ta có được bản chất của một hành vi tri giác, tức là “tri giác tự thân”. Ta tìm thấy và ghi lại những thuật ngữ mô tả nó. Ở bước tiếp theo, bản chất của tri giác này có thể được cho là dựa vào bản chất của các loại kinh nghiệm khác, ví dụ các kinh nghiệm của phán đoán, để đi đến bản chất của một “kinh nghiệm tự thân” hay “kinh nghiệm nói chung. Và kết quả của “trực quan các bản chất” trừu tượng hóa hơn nữa này có thể đó là: đặc điểm chính của “kinh nghiệm tự thân” là ý hướng tính.

Vì thế, trực quan các bản chất không phải là một cách thức nắm bắt các bản chất tức thời. Thông thường, nó trải qua nhiều “cấp độ gạn lọc” [Klarheitsstufen], cho đến khi ta có được một bản chất hoàn toàn toàn diện và được xác định rõ ràng. Khi ta quan sát một hiện tượng của ý thức lần đầu, hành vi tri giác một mẫu giấy chẳng hạn, thì ta không dám chắc là hiện tượng này liên quan tới điều gì, nó chứa điều gì và bản chất của nó là gì. Cho nên ta phải thực hiện các bước tiếp theo để có được một ý niệm rõ ràng về bản chất. Một bước để đạt đến các bản chất là giảm trừ bản chất bằng các hành vi trừu tượng hóa và đồng nhất hóa của nó mà ta đã nói ở trên. Bước tiếp theo là cái được gọi là sự biến đổi bản chất [eidetische Variation] mà tôi muốn trình bày dưới đây.

Mặc dù trong Ý tưởng I Husserl có bàn đến sự biến đổi bản chất, nhưng ông khai triển phương pháp này chi tiết hơn trong những bài viết khoảng năm 1925, chúng được Ludwig Landgrebe, trợ lý của Husserl, xuất bản vào năm 1938 với nhan đề Kinh nghiệm và phán đoán [Erfahrung und Urteil]. Các luận cứ của Husserl trong văn bản này phần nào đó là sự tổng quan ít nhiều có tính phê phán những đi tư tưởng trước ông về vấn đề trực quan các bản chất.

Cơ sở cho trực quan này phải là các hiện tượng thường nghiệm giống như những mẩu giấy đỏ, tức là sự tri giác của chúng. Các bản chất được tìm thấy bằng giảm trừ hiện tượng học và giảm trừ bản chất. Bấy giờ Husserl nhấn mạnh rằng mọi hiện tượng thường nghiệm có một chân trời các khả thể, trong đó hiện tượng này có thể được nắm bắt. Chẳng hạn, mẩu giấy đỏ có thể được nhìn dưới các viễn tượng khác, từ bên trái, từ bên trên, trong ánh sáng rỡ ràng hay trong ánh sáng lờ mờ, và v.v. Trong tất cả các viễn tượng khác nhau này “màu đỏ về loại” được mang lại như là một hằng số. Do đó, mọi kinh nghiệm thực tế đều bộc lộ một loạt các kinh nghiệm khả hữu về một hiện tượng. Nhưng số lượng và các loại kinh nghiệm khả hữu không bị quy định và hoàn toàn tự do, chúng bị quy định bởi bản thân cái bản chất. Trong ví dụ của chúng ta, bản chất “đỏ về loại” không thể được tìm thấy trong tri giác về một mẩu giấy xanh chẳng hạn. Hay bản chất “tri giác tự thân” có thể được tìm thấy trong nhiều tri giác khác nhau về các tờ giấy, các cây bút, các cuốn sách và v.v., nhưng nó không thể được tìm thấy trong một hành vi của xúc cảm chẳng hạn, khi tôi thích tờ giấy đỏ này, vì nó là một lá thư của một tiểu thư yêu kiều gửi. Theo Husserl, bản chất quy định trước và giới hạn các kinh nghiệm hay các hiện tượng thuộc về nó và các quy tắc liên quan đến các hiện tượng này.

Trong các tác phẩm thời kỳ đầu của mình, ông nói rằng bản chất có thể được tìm thấy bằng cách trừu tượng hóa và nhận diện điểm chung giữa các sự vật hay kinh nghiệm. Còn bây giờ ông nhấn mạnh rằng năng lực rất quan trọng đối với trực quan các bản chất là năng lực tưởng tượng. Vai trò của năng lực tưởng tượng là phải dẫn nhà hiện tượng học đến những khả thể thuộc về các bản chất. Xuất phát từ cái biết thường nghiệm có liên quan, ví dụ tờ giấy đỏ mà ta thấy, ta hình dung ra các hiện tượng hay các kinh nghiệm tương tự hơn nữa, ta tạo ra một sự biến đổi bản chất. Chẳng hạn, ta tưởng tượng ra một quyển sách màu đỏ, một cây bút chì đỏ và một mẩu giấy xanh. Bằng cách trừu tượng hóa khỏi tất cả các hiện tượng vừa được hình dung này, thừa nhận những sự dị biệt của chúng và nhận diện hằng số của chúng, ta sẽ có ý niệm về bản chất “đỏ về loại” rõ ràng hơn trước và cái cuối cùng nhưng không kém quan trọng này bởi sự kiện là tờ giấy xanh không thuộc về bản chất này. Và khi ta giữ tất cả những sự biến đổi mà ta hình dung trong đầu, ta có được các yếu tố và các đặc điểm thiết yếu hay một loại định nghĩa về bản chất này.

Còn bây giờ, kết thúc bài thuyết trình này, tôi muốn cho thấy một cách sơ lược ba bước của phương pháp hiện tượng học bằng một ví dụ khác: tri giác về cái bàn trước mặt tôi. Trong thái độ tự nhiên, tôi thực sự coi nó là đang hiện hữu và có lẽ phán đoán rằng nó là một cái bàn khá mới và đắt tiền. Trong giảm trừ hiện tượng học, tôi bỏ qua sự hiện hữu của nó hay “đặt nó vào trong ngoặc” và đạt tới kinh nghiệm thuần túy về việc tri giác cái bàn này tức là cái bàn xét như là yếu tố của kinh nghiệm này. Sau nhiều hành vi tri giác hơn, ta có thể thực hiện sự giảm trừ bản chất để có được hằng số trong các hành vi này, ví dụ bản chất “là cái bàn” hay “cái bàn tự thân”. Và cuối cùng trong một sự biến đổi bản chất tôi hình dung ra những kinh nghiệm tương tự về việc tri giác một cái bàn tức là các loại bàn khác nhau, ví dụ: một cái bàn màu vàng, một cái bàn nhỏ, một cái bàn tròn và cứ thế. Và tôi tưởng tượng ra một cái bàn ba chân, một cái bàn một chân và một cái bàn không có cái chân nào. Bằng cách giữ những sự biến đổi đó trong đầu, tôi có thể thấy, như là một đặc điểm thiết yếu của bản chất “là cái bàn” chẳng hạn, rằng một cái bàn phải có một hay nhiều chân, nếu không như vậy thì nó không phải là cái bàn, mà là một tấm gỗ. Vì thế, bản chất được quy định toàn diện hơn và sự trực quan các bản chất mới đến gần mục tiêu của nó hơn.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch


Nguồn: Wolfgang Brauner. “The method of Husserls phenomenology. (Wesensschau [intuition of essences], Epoché, eidetische Variation [eidetic variation])”: www.geistundkultur.de/husserls_method.pdf‎ . Bản dịch tiếng Việt thuộc bản quyền của triethoc.edu.vn.



[1]  Dạng suy luận BARBARA:

Mọi sinh thể đều chết (đại tiền đề)

Con người là sinh thể (tiểu tiền đề)

Con người phải chết (kết luận)

[2]  Aristoteles: “Ta không thể nói về cái gì đó tồn tại và không tồn tại trong cùng một phương diện và trong cùng một lúc.” (Met. 1005b)

[3]  Định lý Pythagore phát biểu: “Tổng diện tích của các hình vuông vẽ trên cạnh kề của một tam giác vuông bằng diện tích hình vuông vẽ trên cạnh kề của tam giác này.”

[4]  Xem Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B 106.

[5] Phán đoán giả thiết: “Nếu thực sự có công lý thì cái ác sẽ bị trừng trị.”

[6] Xem LU II 2, III. LU, §§14ff.

[7] Xem LU II 1, I. LU, §31, 100.

[8] Xem LU II 1, I. LU, §31, 100f.

[9] Xem LU II 2, VI. LU, §§45ff.

[10] Xem LU II 1, II. LU, §8.

[11] Xem LU II 2, VI. LU, §48, 162.

[12] Xem LU II 2, VI. LU, §48, 156.

[13] LU II 2, VI. LU, §48, 156.

[14] LU II 2, VI. LU, §48, 156.

[15] Xem Các ý tưởng I, §4.

[16] Xem Các ý tưởng I,§24

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mai Nguyen Truong - 10:08 09/12/2022
Cảm ơn công trình tạo ra trang website cũng như đăng bài viết về triết học. Quả thật, tôi đã được hiểu biết rất nhiều từ công trình của các bạn. Chúc mọi người thành công và tiếp tục phát huy nền triết học thông qua công việc mà các bạn đang làm.
Triết học - 22:21 13/12/2022
Cảm ơn tấm thịnh tình của bạn Mai Nguyen Truong. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để góp chút niềm vui triết học đến cho bạn và những ai yêu triết học.
Trân trọng
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt