Thông diễn học

Hướng tới khái niệm diễn giải mới

 

HƯỚNG TỚI KHÁI NIỆM DIỄN GIẢI MỚI

 

PAUL RICOEUR (1913-2005)

 


Paul Ricoeur, “Văn bản là gì?”. Những bài viết lý luận văn học chọn lọc trong sách của Jeneyéva (Nhiều người dịch, Nxb. Osiris, Budapest, 1999). Trương Đăng Dung dịch.| Phiên bản điện tử: http://nguyenducmau.blogspot.com/2016/07/van-ban-la-gi-paul-ricoeur.html


 

 

Mục lục

1. Văn bản là gì?

2. Giải thích hay là hiểu

3. Văn bản và giài thích cấu trúc

4. Hướng tới khái niệm diễn giải mới

Bây giờ chúng ta hãy xem xét thái độ khác đối diện với văn bản mà ta gọi là sự diễn giải. Trước tiên chúng ta đối chứng với khái niệm giải thích để đưa ra khái niệm diễn giải, theo cách làm của Dilthey. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy ở những phần tiếp theo, từng bước chúng ta đến với mối quan hệ bổ sung và tương tác chặt chẽ hơn giữa giải thích và diễn giải.

Một lần nữa, chúng ta hãy xuất phát từ sự đọc. Chúng ta từng nói có hai phương thức đọc dành cho chúng ta. Thông qua việc đọc, chúng ta kéo dài và làm gia tăng sự bấp bênh liên quan đến sự thông báo của văn bản dành cho thế giới bên ngoài và của chủ thể nói dành cho công chúng đọc. Đây là thái độ giải thích. Nhưng chúng ta cũng có thể cắt đứt sự bấp bênh này và làm cho văn bản được trọn vẹn trong lời nói thật sự. Thái độ thứ hai này là mục đích chính của sự đọc. Điều này cho thấy bản tính đích thực của sự bấp bênh, cái phẩm chất làm cho văn bản vận động hướng tới nghĩa. Ngay cả phương thức đọc thứ hai này cũng không có được nếu nó không cho thấy, trước hết, văn bản như là cái được viết ra, nó chờ được đọc và mời gọi đọc. Có được sự đọc là vì văn bản không khép lại mà là mở ra sự việc khác. Đọc có nghĩa là kết nối sự biểu lộ mới với sự biểu lộ của văn bản. Sự kết nối của sự biểu lộ nào đó với một sự biểu lộ khác thể hiện trong kết cấu văn bản về cái khả năng bắt đầu lại mang tính nguyên khởi, là tính chất mở của văn bản. Sự diễn giải văn bản là kết quả cụ thể của sự kết nối và bắt đầu này.

Thoạt đầu chúng tôi có ý nghĩ rằng cần phải tạo ra khái niệm sự vận dụng đối lập với khái niệm giải thích. Thao tác này không đẩy chúng tôi ra khỏi Dilthey một cách đáng kể, ngoại trừ cái bối cảnh là khái niệm giải thích đứng đối diện đã vững vàng, vì nó xuất xứ từ ngôn ngữ học và ký hiệu học thay vì được chúng tôi lấy từ các khoa học tự nhiên.

Trong ý nghĩa nguyên khởi này thì sự diễn giải giữ lại tính chất chiếm hữu mà Schleiermacher, Dilthey và Bultmann đã nhận ra. Thực ra, chúng tôi không rời bỏ ý nghĩa này, mà chỉ làm cho nó trở nên gián tiếp nhờ sự giải thích thay vì chúng tôi đối chứng với nó một cách ngây thơ, trực tiếp. Tôi hiểu sự chiếm hữu là sự diễn giải văn bản đến cùng, đạt tới đỉnh điểm trong sự diễn giải chính mình của một chủ thể nào đó, người mà qua sự diễn giải văn bản càng hiểu hơn, hiểu khác đi hoặc mới bắt đầu hiểu chính bản thân. Sự hoàn hảo trong việc hiểu chính bản thân thông qua sự hiểu văn bản là đặc trưng cho loại triết học ngẫm nghĩ mà tôi gọi là tư duy cụ thể trong những trường hợp khác nhau. Tường giải học và triết học ngẫm nghĩ, bằng cách này, đã bổ sung lẫn nhau. Một mặt, việc hiểu bản thân xẩy ra với người né tránh sự hiểu các kí hiệu văn hoá thông báo làm hình thành cái tôi, mặt khác, sự hiểu văn bản không phải là sự kết thúc chính nó (văn bản), mà đó là sự chuyển tiếp mối quan hệ của chủ thể đến với cái tôi, người không tìm thấy ý nghĩa của đời sống trong giới hạn của tư duy tự phát. Tức là bên cạnh những điều kiện như nhau, chúng ta cần phải nói rằng không có sự chuyển tiếp các dấu hiệu nghĩ ngợi và các tác phẩm thì sự giải thích văn bản cũng không là cái gì cả, nếu nó không bắt rễ vào quá trình tự hiểu bản thân như là yếu tố quá độ. Nói một cách ngắn gọn, trong nghiền ngẫm tường giải học - hoặc trong tường giải học ngẫm nghĩ - thì sự thiết lập của cái tôi và của ý nghĩa là một.

Tôi xin nhấn mạnh hai đặc điểm nữa khi nói đến khái niệm chiếm hữu. Một trong những mục đích cuối cùng của mọi loại tường giải học là tiếp tục sự tranh đấu chống lại khoảng cách văn hoá. Chỉ có thể nắm bắt được cuộc tranh đấu này bằng những khái niệm thời gian như là cuộc chiến chống lại sự rời xa thế kỷ, hoặc nói một cách tường giải học hơn như là cuộc chiến của ý nghĩa và hệ thống giá trị chống lại sự rời xa của cái mà ở đó văn bản được thiết lập. Trong ý nghĩa này thì văn bản “đưa đến gần hơn”, “làm cho cân bằng”, “giống với người đương thời và trở thành người đương thời”. Điều đó có nghĩa là văn bản làm thay đổi cái lúc đầu còn xa lạ trở thành sở hữu, của riêng.

Phân tích sự diễn giải như là sự chiếm hữu, chủ yếu chúng tôi muốn nhấn mạnh “thời gian tính”: sự đọc giống như sự trình diễn bảng tổng phổ âm nhạc; nó đánh dấu việc thực hiện những khả năng ngữ nghĩa của văn bản và sự có mặt của nó. Đặc điểm sau cùng là quan trọng nhất bởi vì điều kiện của cả hai đặc điểm khác là: chiến thắng khoảng cách văn hoá và sự nhất thể hoá giữa văn bản và sự diễn giải bản thân của người đọc. Trong thực tế, đặc điểm của việc thực hiện sự diễn giải cho thấy diện mạo xác định của sự đọc, nghĩa là sự đọc làm cho sự thể hiện của văn bản trở nên trọn vẹn trong chiều kích giống với lời nói. Cái mà chúng tôi giữ lại từ khái niệm lời nói không phải là lời nói được phát âm, nói ra, mà là cái sự kiện của sự thể hiện, đúng như Benveniste khẳng định. Các câu của văn bản thể hiện hic et nuce (ở đây, bây giờ - N. D). Như thế, cái văn bản đã được làm cho “cập nhật”, tìm đến môi trường và người nghe, lấy lại sự vận động thông báo của nó đã bị giữ lại và trì hoãn để hướng tới thế giới và các chủ thể tiếp nhận. Thế giới này là thế giới của người đọc, và chủ thể chính là người đọc. Trong sự diễn giải, sự đọc trở nên giống lời nói. Tôi không nói là nó trở thành lời nói, bởi vì không bao giờ sự đọc đạt tới bằng việc thay đổi từ ngữ bằng sự đối thoại, nhưng sự đọc thật sự đạt tới độ đỉnh điểm trong hành vi quan hệ với văn bản giống như lời nói với ngôn ngữ; nó là sự kiện, cái sự kiện của diễn ngôn.

Văn bản đã có ý nghĩa là những mối quan hệ bên trong, cấu trúc của nó; chỉ bây giờ nó mới có nghĩa, và sự thực hiện nghĩa này có trong lời nói riêng của chủ thể đọc. Thông qua ý nghĩa, văn bản chỉ có trước chiều kích ký hiệu học, và giờ đây thông qua nghĩa của nó, văn bản có được sự mở mang ngữ nghĩa.

Chúng ta hãy dừng lại ở đây. Chúng tôi đã đạt tới điểm nhạy cảm của các lập luận, nơi sự diễn giải được hiểu như là sự chiếm hữu trong ý nghĩa của phân tích cấu trúc, nó còn nằm ngoài sự giải thích. Ở những phần tiếp sau đây, chúng tôi sẽ đối chứng sự giải thích với sự diễn giải như là hai thái độ; phải có sự lựa chọn rõ ràng giữa hai thái độ đó.

Tôi những muốn vượt lên mâu thuẫn tương phản và làm nổi bật sự chia tách làm cho sự phân tích cấu trúc và tường giải học bổ sung lẫn nhau.

Chính vì vậy, tôi cần phải cho thấy rằng cả hai thái độ đối đầu nhau này dựa vào nhau như thế nào thông qua những đặc điểm riêng.

Chúng ta lấy lại những ví dụ của phân tích cấu trúc từ lý thuyết thần thoại và truyện kể. Chúng tôi đã cố gắng gắn bó bản thân với khái niệm ý nghĩa phù hợp với sự sắp xếp các yếu tố sáng tạo nên văn bản nào đó một cách nghiêm túc, theo như cách hành động và các phân đoạn của người hành động hoà hợp với toàn bộ truyện kể được xem là khép kín ở chính nó. Thực ra không ai dừng lại ở quan niệm hình thức đến mức đó về ý nghĩa truyện kể hay thần thoại. Ví dụ, cái mà Lévi Strauss gọi là mitema, và cái mà trong mắt ông có nghĩa là đơn vị xây dựng nên thần thoại, nó được thể hiện trong câu mang nghĩa riêng: Oidipusz giết cha, Œdipe lấy mẹ làm vợ v. v. . . Chúng ta có thể nói rằng giải thích cấu trúc đã làm trung tính hoá ý nghĩa thực của các câu, rằng nó chỉ giữ lại vị trí đã có của chúng trong thần thoại? Tuy nhiên, cái gói quan hệ mà Lévi Strauss đưa mitéma trở lại, vẫn còn thuộc về bình diện câu và nghĩa; và cái trò chơi đối chứng xuất hiện ở bình diện rất trừu tượng này vẫn còn thuộc về phạm vi của câu và nghĩa. Nếu chúng ta nói về “họ hàng huyết thống” đã được đánh giá quá cao hoặc quá coi thường, về tính bản địa hay không phải tính bản địa của con người, thì những mối quan hệ này vẫn còn có thể mô tả trong hình thức của câu: tính huyết thống ở trên tất cả, nhưng lại thấp hơn mối quan hệ xã hội, ví dụ trong việc nghiêm cấm sự loạn luân v. v. . . Rốt cuộc, cái mâu thuẫn mà theo Lévi Strauss, thần thoại có vẻ giải quyết được, chính nó cũng thể hiện trong các mối quan hệ thông báo như tác giả buộc phải thừa nhận, khi ông viết: “Nguyên nhân của những sự lựa chọn này lộ diện, nếu chúng ta thừa nhận rằng tư duy thần thoại bắt nguồn từ sự nhận biết những mâu thuẫn nhất định và nó cố gắng đạt tới sự hoá giải hài hoà những mâu thuẫn đó. ” (tr. 248). Ông còn viết: “Thần thoại là công cụ lô gíchcó năng lực đối với sự chuyển tiếp giữa cuộc sống và cái chết”. (tr. 243). Phía sau thần thoại là câu hỏi có ý nghĩa, liên quan đến cuộc sống và cái chết. “Chúng ta sinh ra từ một hay hai nơi?” “Con người sinh ra từ một nơi hay từ nơi khác?” Về cơ bản, vẫn là câu hỏi của sự lo âu ở trên cả sự xuất xứ của con người: Con người từ đâu đến? Con người sinh ra từ đất hay từ bố mẹ? Cũng không có mẫu thuẫn, kể cả thể nghiệm hướng tới giải pháp cho câu hỏi đó, nếu không có những câu hỏi, những câu nói có ý nghĩa về nguồn gốc và cái chết của con người. Chúng tôi cũng đã muốn cho vào ngoặc đơn cái chức năng của thần thoại như là chức năng truyện kể về nguồn gốc con người. Phân tích cấu trúc không tránh được chức năng này, nó chỉ đẩy ra xa hơn. Thần thoại không phải là bất kì cái gì, mà là người thực hiện lô gíchgiữa các câu hướng đến tình thế giáp ranh, đến nguồn gốc và cuối cùng là đến cái chết, sự chịu đựng và hoạt động tình dục. Phân tích cấu trúc, chẳng những không làm cạn kiệt những câu hỏi chiều sâu mà còn làm việc đó ở mức sâu sắc hơn. Vậy phải chăng vai trò của phân tích cấu trúc là bác bỏ cái ngữ nghĩa bề mặt nào đó của thần thoại đã kể để làm nổi lên cái ngữ nghĩa sâu xa nào đó, cái ngữ nghĩa sống của thần thoại? Tôi muốn tin rằng nếu đấy không phải là chức năng của phân tích cấu trúc thì tôi đã giới hạn ở trò chơi vô bổ, ở cái tổ hợp buồn cười; và tôi tước đoạt thần thoại khỏi cái chức năng mà Lévi Strauss cũng thừa nhận, khi ông công bố rằng tư duy thần thoại toát lên từ ý thức của những mâu thuẫn nhất định và nó cố gắng có giải pháp đi trước cho những mâu thuẫn đó. Sự ý thức này là ý thức về sự tồn tại, nơi tư duy thần thoại quay quanh. Loại bỏ ý định có ý nghĩa này có nghĩa là chúng ta giới hạn lý thuyết thần thoại ở lời cáo phó của diễn ngôn vô vị của nhân loại. Nếu ngược lại, chúng ta xem phân tích cấu trúc là giai đoạn cần thiết nào đó giữa những sự diễn giải ngây thơ và phê phán, hời hợt và sâu sắc, thì lúc đó sự giải thích và diễn giải có thể có sự chuyển dịch trở lại duy nhất, phụ thuộc vào tường giải học; và chúng ta hội tụ thái độ mâu thuẫn của giải thích và hiểu vào sự đọc như là hội nhập vào khái niệm chinh phục lại ý nghĩa.

Nếu ở điểm này chúng ta quay về với thành viên thứ hai của cặp đối lập khởi đầu thì tức là chúng ta có thể đi được một bước nhiều hơn theo hướng hoà hợp giữa giải thích và diễn giải. Cho đến lúc này, chúng tôi đã làm việc bằng khái niệm diễn giải, một khái niệm rất mang tính chủ quan. Chúng tôi nói, diễn giải có nghĩa là sự chiếm hữu hic et nunc (ở đây bây giờ) của ý đồ văn bản. Với nhận định này, chúng tôi đã ở lại trong vùng “sự hiểu” của Dilthey. Nhưng điều mà vừa rồi chúng tôi khẳng định về ngữ nghĩa sâu xa của văn bản, về cái ngữ nghĩa mà sự phân tích cấu trúc nhắc đến, nó lưu ý chúng tôi hiểu rằng ý định hay mục đích của văn bản, trước hết không phải là ý đồ giả thiết của tác giả, không phải là cái mà nhà văn đã sống trải hoặc là nơi mà chúng ta có thể chuyển dịch vào, mà là cái văn bản muốn, cái mà văn bản muốn nói cho người tuân lệnh nó. Văn bản muốn chúng ta chuyển dịch vào ý nghĩa của nó, theo nội dung khác của từ ý nghĩa, vào cái hướng đồng nhất với nó. Nếu ý định là ý định của văn bản và ý định này là hướng mà nó mở cho tư duy, thì lúc đó chúng ta, về cơ bản, cần phải hiểu cái ngữ nghĩa sâu xa một cách năng động. Vậy tôi nói rằng: Giải thích nghĩa là chúng ta giải phóng cấu trúc, tức là các mối quan hệ phụ thuộc bên trong tạo nên sự tĩnh tại của văn bản; còn diễn giải có nghĩa là chúng ta lựa chọn con đường suy tư để ngỏ của văn bản, chúng ta lên đường về nơi mà văn bản hướng tới. (N. D nhấn mạnh). Nhận định này lưu ý chúng ta phải sửa đổi khái niệm diễn giải khởi thuỷ của mình, phải tìm kiếm ở hoạt động chủ quan của sự diễn giải như là tìm kiếm hoạt động diễn giải khách quan về văn bản, nó là hoạt động của văn bản.

Ví dụ sau đây tôi lấy từ bài viết của mình về sự chú giải câu chuyện Đấng sáng tạo. (Sách Sáng thế I - II, 4a): qua đó, sự chú giải nêu lên trò chơi của hai câu chuyện bên trong văn bản, một Tatberich mà trong đó sự sáng tạo được thể hiện như là hành động kể chuyện: “Đức Chúa trời sáng tạo nên. . . và một Wortberich là lời nói kể chuyện: “Đức Chúa trời phán rằng. . . ” Chúng ta có thể nói rằng câu chuyện đầu tiên thực hiện vai trò truyền thống, câu chuyện thứ hai thể hiện vai trò của sự diễn giải. Trong trường hợp này điều đáng chú ý là sự diễn giải trước khi là hoạt động chú giải thì đã là hoạt động của văn bản: mối quan hệ của truyền thống và sự diễn giải là mối quan hệ nằm trong văn bản. Sự diễn giải đối với sự chú giải có nghĩa là sự chuyển dịch được định hướng nhờ mối quan hệ diễn giải mà văn bản có được.

Như chúng ta đã thấy, trong khái niệm sự diễn giải khách quan nằm trong văn bản trên đây không có gì là lạ lẫm. Thậm chí, nó cũ đến mức xứng đáng cạnh tranh với khái niệm chủ quan về sự diễn giải mà như chúng ta biết, nó liên hệ với vấn đề hiểu cái khác thông qua những ký hiệu nói về đời sống ý thức riêng của cái khác đó. Về phần mình, tôi liên hệ một cách quả quyết khái niệm diễn giải mới này với khái niệm Về sự diễn giải, cũng là tựa đề của một công trình của Aristole. Hermenetiacủa Aristole - khác với kỹ thuật chú giải học của những thầy bói và những người diễn giải sấm truyền - bản thân nó là hoạt động của ngôn ngữ được thực hiện bằng các sự việc. Diễn giải đối với Aristole không phải là cái mà chúng ta thực hiện ở một ngôn ngữ thứ hai trong sự liên đới đầu tiên, mà là cái mà ngôn ngữ đầu tiên thực hiện trong khi nó chuyển tiếp mối quan hệ của chúng ta đối với các sự việc thông qua các ký hiệu. Tức là sự diễn giải, theo ý nghĩa của lời bình luận của Boethius, chính là tác phẩm của vox significativa per se ipsam aliquid significans, sive complexa, sive incomplexa. Như vậy, tên, động từ, diễn ngôn là cái diễn giải ở mức mà nó có nghĩa.

Đúng là sự diễn giải theo quan niệm của Aristole không chuẩn bị cho việc hiểu mối quan hệ năng động giữa nhiều bình diện nghĩa của văn bản. Trong thực tế, ông đặt điều kiện tiên quyết về lý thuyết lời nói chứ không phải lý thuyết văn bản:. . . “Những gì vang lên trong lời nói là những dấu hiệu của nội dung tâm hồn, còn những điều mà chúng ta mô tả là dấu hiệu của những gì đã vang lên trong lời nói”. Chính vì thế mà sự diễn giải bị hoà lẫn với chiều kích ngữ nghĩa của lời nói: sự diễn giải chính là diễn ngôn, hoàn toàn là diễn ngôn. Do đó, tôi giữ lại ý nghĩ có từ Aristole, rằng sự diễn giải là sự diễn giải trên ngôn ngữ trước khi nó là sự diễn giải về ngôn ngữ. (N. D nhấn mạnh).

Tôi tìm ở Charles Sanders Peirce khái niệm diễn giải gần hơn với cái mà sự chú giải làm cho nó trở nên cần thiết, nó làm cho sự diễn giải liên quan với truyền thống ở bên trong văn bản. Theo Pierce, mối quan hệ của ký hiệu đối với sự vật giống như một mối quan hệ khác, mối quan hệ của người diễn giải đối với ký hiệu, và nó có thể quan hệ với cái trước đó. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là mối quan hệ của ký hiệu đến người diễn giải là mối quan hệ mở, trong ý nghĩa là luôn luôn có người diễn giải khác, thích hợp cho việc chuyển tiếp mối quan hệ đầu tiên. Giống như G. G. Granger trong tác phẩm Tiểu luận về triết học phong cách được xác lập một cách rất chính xác rằng: “Người diễn giải xuất hiện trong tâm hồn chúng ta thông qua ký hiệu không thể là kết quả của sự suy diễn vô điều kiện cái lấy khỏi ký hiệu điều gì đó mà lẽ ra nó đã chứa đựng. Diễn giải là sự bình luận, định nghĩa, giải thích ký hiệu trong mối quan hệ với đối tượng. Bản thân nó cũng là sự thể hiện tượng trưng. Chỉ có đặc điểm chung ít nhiều không hoàn thiện của kinh nghiệm người nói và người tiếp nhận là làm cho sự liên kết ký hiệu - người diễn giải trở thành có thể, dù nó phải thực hiện thông qua quá trình tâm lý như thế nào đi nữa. . . Kinh nghiệm luôn luôn là cái không giới hạn hoàn toàn vào ý nghĩa của ký hiệu hoặc vào đối tượng mà chúng tôi đã nói là cấu trúc. Từ đây xuất hiện tính không xác định của “dòng diễn giải” kiểu Peirce.

Chắc chắn chúng ta cần phải vận dụng một cách thận trọng khái niệm người diễn giải của Peirce đối với sự diễn giải các văn bản. Người diễn giải của Peirce diễn giải các ký hiệu, trong khi các nhà diễn giải của chúng ta diễn giải những điều thổ lộ. Tuy nhiên, sự vận dụng sự diễn giải chuyển từ các đơn vị nhỏ đến các đơn vị lớn ít nhiều cũng không giống với việc chuyển sang các đơn vị có đẳng cấp ngang bằng hoặc cao hơn ở các nhà cấu trúc. Kết cấu âm vị học của ngôn ngữ ở chủ nghĩa cấu trúc như là mô hình mã hoá phục vụ cho các cấu trúc biểu hiện ở mức cao hơn. Trong trường hợp của chúng tôi thì đặc điểm của các đơn vị từ vựng được chuyển sang bình diện của những điều thổ lộ và các văn bản. Nếu chúng ta hoàn toàn có ý thức về tính chất tương đồng của sự tiếp biến thì chúng ta có thể nói rằng sự diễn giải là mở, nó được xây dựng trên mối quan hệ giữa ký hiệu và đối tượng, đưa mối quan hệ của bộ ba đối tượng - ký hiệu - người diễn giải đến với sự thể hiện. Và đây có thể là mô hình cho một bộ ba khác được xây dựng trên bình diện văn bản: văn bản chính là đối tượng, ký hiệu, và cái ngữ nghĩa được giải phóng bởi phân tích cấu trúc; còn những người diễn giải là do cộng đồng diễn giải tạo nên, là những sự diễn giải gắn liền với tính năng động của văn bản, như là công việc liên quan đến ý nghĩa của văn bản. Những diễn giải đầu tiên của loạt diễn giải này tạo nên truyền thống cho những diễn giải đến sau, chúng tạo nên sự diễn giải đích thực.

Nhờ được chuẩn bị bằng khái niệm sự diễn giải của Aristole và cơ bản là khái niệm diễn giải kiểu Peirce, chúng tôi có khả năng đưa khái niệm diễn giải của mình ra khỏi tâm lý học, - trong khả năng có thể - để cho nó quan hệ với sự việc đang diễn ra trong văn bản. Sự diễn giải từ đây đối với sự chú giải có nghĩa là nó chuyển dịch vào hướng mối quan hệ diễn giải của văn bản.

Chúng tôi vẫn chưa loại bỏ ý nghĩ về sự diễn giải được hiểu như là sự chiếm hữu, mà chỉ đưa nó sang khái niệm quá trình. Sự diễn giải chuyển dịch ở ranh giới bên ngoài, cái mà ở trên chúng tôi gọi là vòng tường phải học, nó tạo nên cái trụ cuối cùng của chiếc cầu, sự bám chặt vào lòng đất có thực của vòm đỡ. Tuy nhiên, toàn bộ lý luận của tường giải học nằm trong sự chuyển tiếp sự chiếm hữu thông qua hàng loạt diễn giải thuộc về hoạt động hướng tới chính nó của văn bản. Tức là sự chiếm hữu mất đi tính chuyên chế một khi đó là sự khởi đầu lại của cái đang hoạt động, đang làm việc, tức là sự sinh thành của nghĩa trong văn bản. Lời tường giải giống như nói lại, làm cho lời của văn bản trở nên mới mẻ.

Cuối bài viết chúng tôi mới thấy rằng sự đọc là hoạt động thật sự mà ở đó số phận của văn bản được hình thành trọn vẹn. Chính ngay ở trung tâm sự đọc có sự đối diện và hoà hợp đến vô cùng giữa giải thích và diễn giải.

 

Trương Đăng Dung dịch

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt