Thông diễn học

Văn bản và giải thích cấu trúc

 

VĂN BẢN VÀ GIẢI THÍCH CẤU TRÚC

 

PAUL RICOEUR (1913-2005)

 


Paul Ricoeur, “Văn bản là gì?”. Những bài viết lý luận văn học chọn lọc trong sách của Jeneyéva (Nhiều người dịch, Nxb. Osiris, Budapest, 1999). Trương Đăng Dung dịch.| Phiên bản điện tử: http://nguyenducmau.blogspot.com/2016/07/van-ban-la-gi-paul-ricoeur.html


 

Mục lục

1. Văn bản là gì?

2. Giải thích hay là hiểu

3. Văn bản và giài thích cấu trúc

4. Hướng tới khái niệm diễn giải mới

Chúng ta hãy xuất phát từ sự phân tích văn bản và từ vị thế tự trị mà chúng ta thừa nhận như là đặc điểm của văn bản so với lời nói và sự thay thế từ ngữ. Cái mà chúng ta gọi là sự che khuất thế giới thực nhờ thế giới giả định của các văn bản, tạo ra cho chúng ta hai khả năng: Chúng ta có thể như là những người đọc trước sự bấp bênh của văn bản, có thể ứng xử với văn bản như là cái không thế giới, không tác giả; và nếu làm như vậy là chúng ta giải thích văn bản theo các mối quan hệ bên trong của nó, tức là theo cấu trúc văn bản. Hoặc là chúng ta có thể triệt tiêu sự bấp bênh của văn bản, làm cho văn bản hoàn thành, trở nên trọn vẹn bằng từ ngữ qua đó đưa văn bản trở lại với sự giao tiếp trực tiếp. Đây là lúc chúng ta diễn giải văn bản. Cả hai khả năng đều thuộc về sự đọc, và sự đọc là biện chứng của hai thái độ trên.

Chúng ta phải xem xét những thái độ này riêng rẽ, trước khi bắt đầu thảo luận về chúng. Trước hết, chúng ta đảm nhận một lối đọc với nhận thức rằng văn bản loại bỏ tất cả các mối quan hệ với cái thế giới mà chúng ta có thể chỉ ra, với cả những chủ thể có thể tiếp tục sự đối thoại. Sự chuyển tiếp vào “vị trí” này - mà thực ra không phải là vị trí - đại diện cho ý đồ riêng về mặt văn bản: nó kéo dài việc đình chỉ sự thông báo của thế giới và chủ thể nói. Thông qua ý định riêng này, người đọc quyết định rằng ở “vị trí của văn bản” trong “sự khép kín” của nó, có một “tu viện khép kín”. Trên cơ sở của sự lựa chọn này, văn bản không có cái bên ngoài, chỉ có cái bên trong; không có mục đích tiên nghiệm như lẽ ra lời nói nhận được phải có trên cơ sở một điều gì đó của ai đó.

Ý định này không chỉ hoàn toàn có thể mà còn hợp lý nữa: trong thực tế văn bản như là văn bản và sự hiện thân của các mạng lưới văn bản như là văn học làm cho sự trì hoãn yếu tố tiên nghiệm hai mặt này của lời nói hướng tới thế giới và thế giới khác, trở nên hợp lý. Thái độ giải thích có xuất phát điểm như thế này trước văn bản là có thể được.

Khác với suy nghĩ của Dilthey, chúng tôi không lấy thái độ giải thích từ mô hình nhận thức luận khác về lĩnh vực nhận thức khác, mà từ chính lĩnh vực ngôn ngữ. Mô hình này không phải là mô hình khoa học tự nhiên được lan rộng sang các khoa học tinh thần một cách muộn màng. Sự đối đầu tự nhiên - tinh thần không đóng vai trò gì trong nó cả. Nếu chúng ta nói về sự vay mượn thì điều đó xảy ra ngay trên lĩnh vực đó, bên trong các ký hiệu ngôn ngữ. Chúng ta xem xét các văn bản theo những nguyên tắc giải thích mà ngôn ngữ học đã vận dụng thành công đối với những hệ thống đơn giản của các ký hiệu giống như ở ví dụ ngôn ngữ (langue) đối diện với lời nói (parole). Như chúng ta biết, ngôn ngữ - lời nói (langue - parole) là sự phân biệt cơ bản tạo nên đối tượng thống nhất cho ngôn ngữ học. Trong khi lời nói thuộc về tâm lý học, sinh lý học, xã hội học, thì ngôn ngữ chỉ thuộc về ngôn ngữ học, giống như trò chơi mà các quy tắc của nó được người ta thực hiện trong lời nói. Chúng ta cũng đều biết rằng ngôn ngữ học chỉ biết đến cái hệ thống của những đơn vị bị tước bỏ khỏi các nghĩa thuần khiết, mỗi một đơn vị chỉ có thể xác định được qua sự tách biệt của nó ra khỏi toàn bộ những đơn vị còn lại. Các đơn vị, - cứ cho là chúng khác biệt, như là các đơn vị của sự kết nối âm vị học hay là những cái mang nghĩa như là các đơn vị từ vựng - là những đơn vị đứng đối diện. Cái trò chơi hỗn hợp các mâu thuẫn và những mâu thuẫn bên trong nội bộ các đơn vị nghĩa thầm kín, đã quyết định khái niệm cấu trúc trong ngôn ngữ học.

Mô hình trên đây dẫn đến thái độ giải thích mà dưới đây chúng tôi vận dụng vào văn bản.

Có thể nêu những nhận xét phản bác lại điều đó trước khi chúng ta cho vận dụng: Không thể dùng những quy luật chỉ có hiệu lực đối với ngôn ngữ qua những phẩm chất khác biệt của lời nói để giải thích văn bản. Văn bản - thay cho lời nói - phải chăng không đứng cùng một phía giống như lời nói so với ngôn ngữ? Phải chăng không cần phải đối chứng diễn ngôn với ngôn ngữ mà rốt cuộc cũng chính là trình tự của các câu? So với sự phân biệt diễn ngôn - ngôn ngữ thì sự phân biệt giữa nói - viết phải chăng là thứ yếu, bởi vì cả lời nói và sự viết đều cùng ở phía diễn ngôn? Những nhận xét này đều hoàn toàn hợp lý, chúng cho phép chúng ta suy nghĩ rằng mô hình giải thích cấu trúc không tận dụng những thái độ có thể có trước văn bản. (N. D. nhấn mạnh). Tuy vậy, trước khi chỉ ra những giới hạn của thái độ giải thích, chúng ta cần nắm bắt được sự phong phú của nó. Giả thuyết làm việc của giải thích cấu trúc về mọi văn bản là cho dù sự viết giống như lời nói quan hệ với ngôn ngữ, đều ở phía diễn ngôn, thì đặc trưng của sự viết - so với lời nói thực thụ - được xác lập trên những đặc điểm cấu trúc có thể nhận biết qua những tương đồng bên trong của sự thể hiện ngôn ngữ. Giả thuyết này hoàn toàn xác đáng, nhờ việc xác định được rằng với những điều kiện nhất định, các đơn vị lớn của ngôn ngữ, tức là các đơn vị phía trên câu - thuộc vùng ảnh hưởng của ngôn ngữ học - được tổ chức giống với các đơn vị nhỏ hơn câu của ngôn ngữ.

Trong tác phẩm Nhân chủng học cấu trúc, Levi - Strauss đã diễn đạt cái giả thuyết làm việc trên như sau, liên quan đến một phạm trù văn bản là thần thoại: “Cũng như tất cả mọi sự tồn tại ngôn ngữ, thần thoại cũng được các đơn vị cấu thành tạo nên. Các đơn vị cấu thành này giả thuyết về sự hiện diện của các đơn vị vẫn xuất hiện một cách bài bản trong cấu trúc ngôn ngữ, đó là các âm vị, hình vị và nghĩa vị. Các đơn vị cấu thành của thần thoại quan hệ với các nghĩa vị giống như các nghĩa vị với các hình vị và cũng như các hình vị với các âm vị. Mỗi một hình thức tách khỏi hình thức đi trước nó trong sự phức tạp ở mức cao nhất của nó. Do đó ta gọi những yếu tố thuộc về thần thoại (là yếu tố phức tạp nhất trong tổng số các yếu tố) là những đơn vị lớn cấu thành”. (tr. 233). Trong ý nghĩa của giả thuyết này thì ít ra những đơn vị lớn ở mức câu, được xếp cạnh nhau tạo nên câu truyện kể có đặc điểm thần thoại, đều có thể ứng xử như là các đơn vị nhỏ hơn đã quen thuộc của các nhà ngôn ngữ học. Lévi Strauss nhấn mạnh sự tương đồng này khi nói về thần thoại, giống như chúng ta nói về âm vị, hình vị và nghĩa vị. Tuy nhiên, để sự tương đồng giữa thần thoại và các đơn vị ngôn ngữ học ở bình diện thấp còn lại trong khuôn khổ của nó thì sự phân tích văn bản cần phải quan tâm như nhà âm vị học. Đối với nhà âm vị học thì âm vị không phải là âm có trong thực thể không cụ thể, vang lên một cách độc lập mà là chức năng được xác định bằng phương pháp giao hoán, hoà tan trong giá trị mâu thuẫn với tất cả chức năng khác. Trong ý nghĩa này, nói như Saussure, không phải là “thực thể”, mà là “hình thức”, là toàn bộ trò chơi của các mối quan hệ. Tương tự mitéma không phải là một câu của thần thoại, mà là giá trị đối diện liên quan với nhiều câu đặc trưng; cái giá trị mà nói theo Lévi Strauss tạo nên “cái bọc quan hệ”: “Các đơn vị cấu thành chỉ đến được với chức năng thông báo trong hình thức của những sự kết hợp tương tự”. (tr. 234). Cái mà ở đây người ta gọi là chức năng thông báo, hoàn toàn không phải tất cả đều có nghĩa là thần thoại; không phải sức nặng triết học hay sinh tồn mà là sự sắp xếp, phân chia mitema, nói một cách ngắn gọn là cấu trúc thần thoại.

Bây giờ tôi dẫn ra một cách ngắn gọn sự phân tích theo phương pháp trên đây mà Lévi Strauss đề nghị dành cho thần thoại Oidipusz. Các câu của thần thoại được chia làm bốn cột. Ở cột thứ nhất, ông đưa vào những yếu tố nói về mối quan hệ họ hàng được đánh giá quá cao (ví dụ Oidipusz lấy mẹ là Iokasztét làm vợ; Antigoné chôn cất em là Poluneikész, bất chấp sự cấm đoán. ) Chúng ta cũng gặp ở cột thứ hai mối quan hệ đó, nhưng là mối quan hệ họ hàng được đánh dấu ngược lại, bị coi thường hoặc hạ thấp (Oidipusz giết cha là Laiosz; Eteoklesz thì giết em là Poluneikész. ) Còn cột thứ ba nói đến quỷ sứ và sự tiêu diệt chúng. Cột thứ tư là nơi tái phân nhóm các tên riêng mà nghĩa của chúng nói đến những khó khăn của việc đi lại (chân thọt, vụng về, hoặc bị sưng to). So sánh cả bốn cột với nhau, ta sẽ thấy được mối liên hệ. Giữa cột một và cột hai là mối quan hệ thân thuộc được đề cao quá hoặc bị hạ thấp quá; ở cột ba và cột bốn chúng ta bắt gặp sự đồng tình và sau đó là sự phủ định nguồn gốc của con người. “Từ đây tôi rút ra kết luận rằng cột thứ tư cũng quan hệ với cột thứ ba giống như cột thứ nhất với cột thứ hai. . . sự đánh giá quá mức mối quan hệ ruột thịt tỉ lệ thuận với sự hạ thấp nó, giống như nỗ lực trốn chạy trước nguồn gốc xuất xứ, sự bất thành của việc đề cao mối quan hệ thân thuộc”. Như vậy, thần thoại xuất hiện như là công cụ logic kéo các mâu thuẫn lại gần nhau hơn để rồi vượt lên những mâu thuẫn đó. “Việc không thể đưa các nhóm quan hệ vào mối liên hệ chung đã bị vượt lên bởi tuyên bố cho rằng hai mối quan hệ mâu thuẫn bộc lộ sự tương đồng nếu như từng mối quan hệ có mâu thuẫn tự thân”. (tr. 239). Chúng ta sẽ trở lại với kết quả này của Lévi Strauss không bao lâu nữa; trước hết, chúng ta chỉ giới hạn ở tuyên bố của ông.

Có thể nói rằng chúng ta đã giải thích thần thoại như thế nào, nhưng đáng lẽ ra chúng ta phải diễn giải nó. Với sự giúp đỡ của phân tích cấu trúc, chúng ta đã làm nổi bật cái lô gíchcủa những hoạt động liên kết “các gói quan hệ” nhất định với những người khác. Cái lô gích này tạo nên “quy luật cấu trúc thần thoại đã nói đến” (tr. 241). Chúng tôi không quên ghi nhớ rằng cái tuyệt vời của quy luật này là sự đọc và nó không phải là đối tượng của lời nói, trong ý nghĩa của sự thuyết trình, nơi quyền uy của thần thoại lại hoạt động trong tình thế đặc trưng. Ở đây văn bản chỉ là văn bản và sự đọc chỉ như phủ lên văn bản trong sự bấp bênh của nghĩa đối với chúng ta, là cái phụ thuộc vào sự thực hiện lời nói bất kì nào đó.

Vừa rồi, tôi đã lấy ví dụ từ lĩnh vực thần thoại. Tôi đã có thể lấy ví dụ từ những lĩnh vực kề cận, về truyện kể dân gian mà các nhà hình thức Nga của trường phái Propp và các chuyên gia phân tích cấu trúc truyện kể người Pháp, là Barthes và Greimas, từng nghiên cứu. Chúng ta có thể gặp những điều kiện cơ bản tương tự ở các tác giả này giống như ở Lévi Strauss: Các đơn vị phía trên câu đều có cùng kết cấu như các đơn vị dưới câu; nghĩa của truyện kể tự có trong sự sắp xếp các yếu tố, trong quyền uy của sự hội tụ và hợp nhất hoá tất cả các đơn vị thứ yếu. Và ngược lại: nghĩa của một yếu tố nào đó tức là cái cho thấy khả năng của yếu tố đó, cái khả năng mà qua đó yếu tố đó quan hệ với các yếu tố khác và với toàn bộ tác phẩm. Trên cơ sở đó, những điều kiện cơ bản quyết định quá trình kể chuyện. Như vậy, nhiệm vụ của phân tích cấu trúc là phát động sự phân đoạn để xác lập các cấp độ khác nhau của đơn vị thuộc bộ phận nằm trong cái toàn thể. Vậy là khi nhà phân tích tách biệt các đơn vị của hành động thì những đơn vị đó không phải là những đơn vị tâm lý học có thể trải nghiệm, hoặc những đơn vị lôi cuốn sự vận dụng chủ nghĩa hành vi của ứng xử, những thái cực của các bộ phận tiếp theo nhau chỉ là những vị trí của người lính gác, để nếu chúng ta thay đổi một yếu tố thì toàn bộ sự tiếp tục sẽ khác đi. Trong phương pháp này, chúng ta có thể nhận biết sự chuyển dịch của phương pháp giao hoán từ bình diện âm vị học đến bình diện của các đơn vị truyện kể. Lôgích hoạt động có từ mắt xích của các điểm nối, chúng cùng tạo nên tính liên tục của cấu trúc truyện kể. Việc vận dụng kỹ thuật này dẫn đến “sự loại bỏ trật tự thời gian” bằng cách làm nổi bật lôgích tự sự ẩn sau thời gian tự sự. Rốt cuộc, truyện kể có thể quay về với tổ hợp của một vài đơn vị mang kịch tính (hứa hẹn, phản bội, cản trở, giúp đỡ v. v. . . ), qua đó, các đơn vị cũng là những bệ biến hoá của hành động. Như vậy, mỗi điểm nối của hành động đều khép lại khả năng khác đã được mở của cái trước nó. Những đơn vị nhỏ sát nhập vào các đơn vị lớn hơn bằng sự kết nối các mắt xích của chúng. Ví dụ sự gặp gỡ che lấp những hoạt động nhỏ hơn như đến gần, gọi tên, chào hỏi v. v. . . Giải thích một câu chuyện nào đó có nghĩa là chúng ta nắm bắt sự kết nối, cái kết cấu dễ thay đổi của quá trình các hành động sát nhập vào nhau.

Các mối quan hệ có tính chất giống nhau của những người hành động “trong truyện kể phù hợp với hàng loạt các đơn vị và sự hoà nhập vào nhau của các hoạt động. Ở đây, chúng tôi không hiểu các nhân vật như là các chủ thể tâm lý học có sự tồn tại riêng, mà đó là các vai phù hợp với những hoạt động đã được hình thức hoá trong bản thân chúng. Chỉ có các vị ngữ của hoạt động, các trục ngữ nghĩa của câu và truyện kể là quyết định những người hành động: người hành động là người. . . , người có. . . , người bị. . . , người cùng. . . v. v. . . Hành động xảy ra đó là việc có người hứa hẹn, người chấp nhận điều hứa hẹn, là người cho, người nhận v. v. . . Như vậy, sự phân tích cấu trúc làm nổi bật cái tôn ti phụ thuộc lẫn nhau của người hành động và hành động.

Bằng cách này chỉ còn lại việc chúng ta phải sắp xếp truyện kể và đưa nó trở lại sự giao tiếp tự sự. Như vậy có nghĩa là diễn ngôn được gửi đến người nhận thông qua người kể chuyện. Tuy nhiên, sự phân tích cấu trúc phải tìm trong văn bản những người đối thoại; chỉ có những dấu hiệu thuộc về việc xây dựng truyện kể là có thể giúp nhận ra người kể chuyện. Vượt qua ba bình diện (hành động, chủ thể hành động và truyện kể) thì không có gì thuộc về khoa ký hiệu học, chỉ có người sử dụng truyện kể là có thế giới của mình, cái thế giới có thể thuộc về những ngành ký hiệu học khác (các hệ thống xã hội, kinh tế, tư tưởng), nhưng những ngành này lại không mang tính chất ngôn ngữ học. Việc chuyển dịch sang lý luận truyện kể của mô hình ngôn ngữ nào đó đã chứng thực một cách chính xác điều chúng tôi nhận định từ đầu: ngày nay, sự giải thích không còn là khái niệm lấy từ khoa học tự nhiên đưa sang lĩnh vực xa lạ, lĩnh vực của những ký ức được viết ra. Khái niệm giải thích cũng xuất xứ từ lĩnh vực ngôn ngữ, từ sự chuyển dịch tương tự của những đơn vị nhỏ hơn của ngôn ngữ đến các đơn vị lớn ở trên câu như là truyện kể, folklore, thần thoại. Do đó, chúng ta không đối lập sự diễn giải với mô hình nằm ngoài các khoa học tinh thần, nếu ta cho nó ý nghĩa đi chăng nữa. Nó sẽ gây tranh luận với mô hình dễ hiểu mà chúng ta có thể nói rằng ngay từ khi ra đời đã thuộc về các khoa học tinh thần, thuộc về một trong những đỉnh cao của các khoa học này là ngôn ngữ học.

Do vậy, sự tranh luận giữa giải thích và diễn giải đều ở trên lĩnh vực đó, lĩnh vực ngôn ngữ.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt