Triết học Hy Lạp

Làm thế nào để giữ phẩm cách của mình trong mọi việc

 

Những lời dạy của Epictetus

(Quyển 1, chương 2)

Làm thế nào để giữ phẩm cách của mình trong mọi việc

 

EPICTETUS (55-135)

Đinh Hồng Phúc dịch

 

[1] Đối với hữu thể có lý tính, chỉ những gì trái với bản tính tự nhiên mới không thể chịu đựng được, còn những gì hợp lý tính thì có thể chịu đựng được. [2] Theo lẽ tự nhiên, những đòn đánh đập là không thể chịu đựng được. - "Thế thì sao?" - Hãy xem xét nó theo lối này: Người Sparta sẽ chịu đựng đòn roi khi hiểu ra đây là một sự trừng phạt hợp lý. [3] - "Nhưng bị treo cổ có phải là quá mức chịu đựng không? Khi ai đó cảm thấy việc đó là hợp với lý tính thì thì anh ta sẽ rời đi và tự mình treo cổ. [4] Tóm lại, nếu xem xét với mối quan tâm thích đáng, chúng ta sẽ thấy chẳng có gì khiến sinh vật có lý tính sầu não hơn là làm trái với lý tính, và chẳng có gì cuốn hút anh ta hơn là làm những điều hợp với lý tính.

[5] Nhưng cũng giống như các khái niệm tốt và xấu, có lợi và không có lợi, các khái niệm hợp lý tính và không hợp lý tính này được mỗi người hiểu theo một kiểu khác nhau. [6] Trước hết, chính vì lý do đó mà chúng ta mới cần đến giáo dục, để có thể áp dụng các tiền niệm (preconceptions) về cái hợp lý tính và cái không hợp lý tính vào những trường hợp cụ thể, thuận với tự nhiên. [7] Cho nên, để xác định đâu là cái hợp lý tính và đâu là cái không hợp lý tính, không những ta phải hình thành một phán đoán về giá trị của những thứ bên ngoài ta, mà còn phải xét xem chúng có quan hệ với phẩm cách riêng của chính ta như thế nào. [8] Đối với người này, việc bưng đi đổ bô cứt đái cho người khác là hợp với lý tính chỉ vì thực tế là nếu anh ta không làm thì sẽ bị đánh đập và bỏ đói, nhưng anh ta sẽ không bị bạc đãi đầy thô bạo và đau đớn ấy nếu anh ta làm việc đó; [9] còn người khác hẳn không chỉ sẽ khó lòng chấp nhận được việc tự mình đi bưng bô, mà thậm chí còn khó lòng cho người khác làm việc đó thay mình. [10] Nếu anh hỏi ta: "Tôi có nên đi bưng đi đổ bô ấy hay không?" Ta sẽ đáp rằng có ăn thì tốt hơn là không có ăn, bị đánh đập thì tệ hơn là không bị đánh đập, cho nên nếu anh cân đo đong đếm lợi ích của mình theo những tiêu chuẩn này thì anh nên đi bưng cái bô ấy mà đổ. [11] "Vâng, nhưng việc đó hạ tiện quá!" Chính anh, chứ không phải ta, mới là người xem xét kĩ lưỡng hơn vấn đề này, bởi chỉ có anh mới biết được bản thân anh, biết được những giá trị nào anh đặt ra cho mình, và chỉ có anh mới biết được anh bán bản thân mình với mức giá nào; vì mỗi người bán bản thân mình với một mức giá khác nhau.

[12] Đó là lý do tại sao khi Florus đang cân nhắc xem mình có nên dự buổi biểu diễn của Nero và diễn một vai trong đó không, Agrippinus bảo ông: "Đi đi!; [13] và khi Florus hỏi ông, "Thế thì tại sao ông không đi?", ông đáp, "Vì tôi thậm chí còn chưa nghĩ tới việc đó nữa." [14] Vì ngay khi ai đó bắt đầu suy xét những câu hỏi như thế, đánh giá và so sánh các giá trị của những thứ bên ngoài mình, anh ta đang tiến gần đến chỗ là một trong những người đánh mất toàn bộ ý thức của mình về phẩm cách riêng của mình. [15] Thế thì ông đang hỏi tôi điều gì đây? "Chết hay sống mới là cái đáng chuộng?" Tôi đáp: Sống. [16] "Khổ hay sướng?" Tôi đáp: Sướng. "Nhưng nếu không đồng ý đóng vai trong vở kịch ấy, tôi sẽ bay đầu." [17] Thế thì ông hãy đi và đóng vai ấy đi, còn tôi, tôi sẽ không tham gia. "Tại sao?" Vì ông tự coi mình chỉ là một sợi vải trong muôn vàn sợi vải dệt nên chiếc áo toga[1] kia. "Ý ông muốn nói gì?" Ông nên tìm cách làm sao ông có thể trở nên giống với người khác, giống như một sợi vải không muốn trở nên khác biệt với mọi sợi vải khác. [18] Còn về phần tôi, tôi muốn mình là màu tía[2], một dải băng nhỏ lấp lánh làm tôn lên vẻ nhã nhặn và đẹp đẽ của phần còn lại [của chiếc áo toga ấy]. Thế tại sao ông lại bảo tôi là "hãy giống với phần đông mọi người?" Nếu làm vậy thì sao tôi còn là màu tía được nữa?

[19] Helvidius Priscus cũng nhận ra điều này, và sau khi nhận ra, ông đã biến nó thành hành động. Khi Vespasian truyền dụ bảo ông không được đến dự họp ở Viện Nguyên lão, ông đáp: "Không cho phép tôi làm chức trách của một vị nguyên lão, điều đó thuộc thẩm quyền của ngài, nhưng bao lâu tôi vẫn còn là một vị nguyên lão, tôi phải tham dự các cuộc họp của Viện này." [2] - "Được rồi, nếu ngươi đến dự thì chớ nói năng gì." - "Nếu ngài không hỏi ý kiến của tôi, tôi sẽ không nói gì." - "Nhưng chắc chắn ta phải hỏi ý ngươi" - "Về phía tôi, tôi sẽ trả lời những gì tôi cho là đúng." [21] - "Nhưng nếu ngươi trả lời, ta sẽ xử tử ngươi." - "Tốt thôi, có bao giờ tôi nói với ngài rằng tôi là người bất tử đâu? Ngài cứ làm tròn vai của ngài, tôi sẽ làm tròn vai của tôi. Vai của ngài là giết tôi, còn vai của tôi là chết không nao núng; vai của ngài là đày tôi đi biệt xứ, còn vai của tôi là đi không oán trách."

[22] Anh hỏi, Priscus làm thế thì được gì, trong khi ông ấy chỉ là một cá nhân nhỏ bé? Màu tía thì làm được gì cho chiếc áo tôga? Là màu tía thì còn gì khác ngoài việc nó làm nổi bật lên phẩm chất của nó trên chiếc áo choàng và làm một tấm gương tốt cho phần còn lại noi theo? [23] Nếu người khác bị Caesar bảo không được tới Viện Nguyên lão trong hoàn cảnh như vậy, anh ta ắt sẽ đáp, "Đội ơn bệ hạ đã miễn xá cho thần." Nhưng như thế thì Caesar ngay từ đầu ắt đã chẳng nhọc công ngăn cản con người ấy đến Viện Nguyên lão làm gì, vì vị hoàng đế ấy biết rằng ông ta hoặc sẽ ngồi đó câm như thóc, hoặc nếu có phát biểu thì sẽ chỉ nói đúng những gì Caesar muốn, thậm chí còn tán hươu tán vượn vô nữa.

[25] Một vận động viên nào đó cũng đã hành xử theo cách này, khi anh ta có nguy cơ bị giết nếu không cắt bộ phận sinh dục của mình. Người anh em của anh ta (một triết gia) đến nói với anh ta, "Thế nào người anh em, anh định làm gì? Chúng tôi sẽ cắt bộ phận sinh dục của anh và anh trở lại phòng tập chứ?" Nhưng người vận động viên ấy không chịu, chống lại việc ấy và bị giết. [26] Khi ai đó hỏi, "Anh ta hành động như thế với tư cách nào? Tư cách một vận động viên hay tư cách một triết gia? Epictetus đáp: Với tư cách một con người, và với tư cách một người đã được tuyên bố là kẻ chiến thắng tại Olympia, đã quyết tâm bảo vệ danh hiệu của mình tại đó, và đã coi những nơi như thế như là nhà của mình, chứ không chỉ đơn thuần là được xức dầu ở lò luyện thi đấu của Baton. [27] Nhưng người khác thậm chí còn muốn đầu lìa khỏi cổ, nếu anh ta có thể sống mà không cần đầu. [28] Đây chính là ý nghĩa của việc hành động theo phẩm cách của chính mình, và đấy là sức nặng cần có cho những ai có thói quen suy tính thiệt hơn cho hành động của mình. [29] Thế thì, lại đây, Epictetus, và cạo râu[3] của ông đi." Nếu tôi là một triết gia, ta trả lời: tôi sẽ không cạo nó. "Thì ta sẽ giết ngươi." "Nếu giết tôi mà ngài thấy vui thì cứ việc."

[30] Ai đó hỏi: "Vậy làm thế nào mỗi người trong số chúng ta sẽ đi đến chỗ nhận biết được điều gì là phù hợp với phẩm cách của mình. Epictetus đáp: khi một con sư tử tấn công thì chỉ có con bò mộng mới ý thức được sức mạnh của chính nó và lao lên phía trước để bảo vệ cho toàn bộ đàn bò, có phải vậy không? Chẳng phải rõ ràng là có được sức mạnh như thế phải cùng lúc đi kèm việc ý thức về sức mạnh ấy hay sao? [31] Và chúng ta cũng vậy, nếu ai đó có sức mạnh như thế, anh ta sẽ không thể không ý thức về nó. [32] Thế nhưng, con bò mộng không thể trở thành con bò mộng ngay lập tức, một người không thể bỗng dưng ngay lập tức có tinh thần thượng võ được; anh ta phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt trong mùa đông, và do đó luôn trong trạng thái sẵn sàng, chứ không phải cứ như con thiêu thân, lao đầu vào những thứ không thích hợp với mình.

[33] Chỉ có điều, hãy suy xét anh đang muốn bán năng lực chọn lựa của anh ở mức giá nào. Còn nếu muốn bán thì, con người kia ơi, hãy chắc chắn rằng anh đừng bán nó với giá rẻ mạt. Nhưng những gì lớn lao phi thường có lẽ thuộc về người khác, thuộc về Socrates và những người giống như ông.

[34] "Nếu đấy thực sự là bản tính tự nhiên của chúng ta, thế thì tại sao tất cả hay phần lớn chúng ta đều không thể làm như vậy được?"

Có phải con ngựa nào cũng phi nhanh và con chó nào cũng đánh hơi giỏi đâu? [35] Có phải vì thực sự không có tài cán gì mà tôi từ bỏ mọi nỗ lực để làm tốt nhất việc của mình? Nhất định là không. [36] Epistetus này sẽ chẳng thể nào giỏi hơn Socrates, nhưng chỉ cần không quá tệ so với ông cụ ấy thì ta cũng đã cảm thấy vui rồi. [37] Hoặc ta sẽ chẳng bao giờ được như Milo[4], thế nhưng không vì thế mà ta bỏ bê cơ thể của mình; hoặc cũng chẳng bao giờ như Croesus, nhưng không vì thế mà ta thờ ơ với tài sản của mình; nói chung là ta không từ bỏ mọi nỗ lực của mình trong bất cứ chuyện gì chỉ vì cùng đường tuyệt lối trong việc đạt đến sự hoàn hảo.

 

Dịch từ: Robin Hard. Epictetus: Discourses, Fragments, Handbook. Nxb. Oxford University Press, 2014.



[1] một dạng áo choàng của người La Mã cổ đại

[2] Áo toga của các vị nguyên lão thường được viền bằng một dải màu tía để phân biệt với áo toga của thường dân.

[3] Ở thời cổ đại, các triết gia, nhất là các nhà Khắc kỷ và Khuyển nho, thường để râu.

[4] Milo: một vận động viên nổi tiếng người Hy Lạp (thế kỷ VI TCN)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt