Triết học Hy Lạp

Logic học là cần thiết

 

Những lời dạy của Epictetus

(quyển 1, chương 17)

Logic học là cần thiết

EPICTETUS (55-135)

Đinh Hồng Phúc dịch

 

1 Vì lý tính là quan năng phân tích và làm sáng tỏ mọi thứ khác, và bản thân lý tính không nên mãi trong tình trạng không được phân tích, nhưng ta có thể lấy gì để phân tích nó? 2 Đương nhiên, hoặc là lý tính hoặc là cái gì đó khác. Thế thì chắc chắn cái sau tất phải là một hình thức của lý tính hoặc là cái gì đó cao hơn lý tính, nhưng điều này thì không thể. 3 Nếu nó là một hình thức của lý tính thì ai sẽ là kẻ tiến hành phân tích lý tính? Vì nếu nó tự phân tích chính mình thì cái hình thức trước của lý tính ắt cũng có thể làm tốt được việc ấy. Nếu ta buộc phải viện đến một hình thức khác của lý tính ở từng công đoạn, quá trình này sẽ kéo dài vô tận và chẳng bao giờ đi đến hồi kết.

4 Nhưng sẽ có người nói: “Hay lắm, nhưng chăm sóc linh hồn ta mới là điều cấp thiết hơn.” và nhiều ý kiến phản đối khác cũng tương tự.

Vậy, anh muốn nghe ta nói về vấn đề ấy à? Thế thì, anh hãy nghe đây! 5 Giả sử anh bảo ta, “Tôi không biết được luận cứ của ông là đúng hay sai,” và khi ta sử dụng một từ ngữ hàm hồ nào đó, anh bảo: “Làm ơn nói chính xác”, ta sẽ mất kiên nhẫn với anh và đáp trả: “Nhưng có một nhu cầu cấp thiết hơn” được chứ? 6 Đó là lý do tại sao, theo ta nghĩ, các triết gia luôn bắt đầu với logic học, cũng giống như khi cân ngũ cốc, người ta bắt đầu bằng cách kiểm tra dụng cụ đo lường. 7 Vì nếu ngay từ đầu ta không xác định hệ thống đơn vị đo lường và loại cân phải dùng, làm sao ta có thể cân hoặc đo được bất cứ thứ gì? 8 Trường hợp này cũng thế, nếu ta không có được sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về tiêu chuẩn của phán đoán mà ta áp dụng vào việc nhận biết mọi thứ khác, làm sao ta có thể có được bất cứ sự hiểu biết đầy đủ và chính xác nào về những thứ ấy? Điều đó có thể có được không?

9 “Vâng, nhưng đĩa cân chỉ là một miếng gỗ chẳng sinh hoa kết trái.”

Nhưng nó dùng để cân ngũ cốc.

10 “Và logic học cũng thế, khô khan khô khốc!”

Phát biểu này chúng ta sẽ xem xét sau. Ngay cả khi nếu có ai đó chấp nhận nó thì điều đó cũng đủ cho thấy logic học giúp ta có khả năng phân biệt và khảo sát mọi thứ khác, và có thể nói, giúp ta cân đo được chúng. 11 Ai nói ra điều này? Chỉ có Chrysippus, Zeno và Cleanthes[1] thôi sao? 12 Chẳng phải Antisthenes[2] cũng đã nói thế hay sao? Và ai là người đã viết: “Khởi đầu của việc học là khảo sát từ ngữ?” Chẳng phải Socrates đã nói thế hay sao? Và Xenophon đề cập tới ai khi nói rằng ông bắt đầu với việc nghiên cứu từ ngữ, tìm ra ý nghĩa của từng chữ một?

13 Vậy thì, việc có thể hiểu và diễn giải Chrysippus chẳng phải là điều quan trọng và đáng ngưỡng mộ sao? Ai nói điều đó? 14 Vậy cái gì mới thực sự đáng ngưỡng mộ? Hiểu được ý muốn của tự nhiên. Rất hay, nhưng anh có thể tự mình hiểu được điều ấy không? Nếu vậy, anh cần thêm thứ gì nữa? Vì nếu đúng là “chẳng ai cố tình sai lầm”[3] và anh đã hiểu rõ chân tướng của mọi sự thì nhất định anh phải sẵn sàng làm những việc đúng đắn.

15 “Không, xin Zeus chứng giám, tôi không hiểu được ý muốn của tự nhiên.”

Thế thì ai có thể diễn giải được cái ý muốn ấy? Người ta nói đó là Chrysippus. 16 Ta đến gặp ông ấy để tìm hiểu những gì nhà diễn giải về tự nhiên này nói. Lúc đầu, ta không hiểu ý nghĩa trong lời lẽ của ông, và tìm người có thể diễn giải ông. "Hãy xét xem điều này được nói ra như thế nào" - người diễn giải ấy nói - "cứ như thế nó được nói bằng ngôn ngữ của người La Mã vậy."[4] 17 Ở đây có gì để biện minh cho người diễn giải ấy khi ông ta cảm thấy tự hào về bản thân mình? Ngay cả Chrysippus cũng chẳng có lý do chính đáng nào để tự hào nếu ông tự giới hạn mình vào việc diễn giải ý muốn của tự nhiên nhưng bản thân ông lại không theo nó. 18 Bởi lẽ chúng ta không cần Chrysippus vì bản thân ông ấy, mà chỉ cần ông ấy giúp ta sống thuận theo tự nhiên, giống như chúng ta không cần tới nhà tiên tri vì bản thân ông ấy, mà là vì qua ông ấy ta hi vọng ấy có thể biết được tương lai của mình, và ý nghĩa của những điềm báo từ thần linh; 19 ta cũng không cần đến các bộ lòng của những con vật hiến sinh vì bản thân chúng, mà vì những điềm báo được truyền gửi qua chúng, chúng ta cũng không gắn bất cứ giá trị nào cho bản thân con quạ đen, mà cho vị thần đã truyền điềm báo qua loài chim này.

20 Do đó, ta đi gặp người diễn giải kiêm tiên tri này và nói: “Hãy xem giúp tôi bộ lòng này và cho tôi biết những dấu hiệu gì mà nó mang đến cho tôi”. 21 Người ấy cầm lấy bộ lòng, bày nó ra và diễn giải như sau: “Này anh, anh có khả năng lựa chọn, theo lẽ tự nhiên, khả năng này giúp anh thoát ra khỏi mọi trở ngại và ràng buộc. Điều đó được viết ra ở đây, trong bộ lòng này. 22 Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy điều đó trước hết trong lĩnh vực của sự tán thành. Có ai ngăn anh tán thành sự thật không? Không ai cả. Có ai ép anh chấp nhận điều sai quấy không? Không ai cả. 23 Chẳng lẽ anh không thấy trong lĩnh vực này anh có khả năng lựa chọn mà không bị gây trở ngại, ràng buộc và cản trở sao? 24 Vậy, trong lĩnh vực của sự ham muốn và của động cơ hành động có gì khác không? Cái gì có thể chế ngự một động cơ hành động nếu đấy không phải là một động cơ hành động khác? Và cái gì có thể chế ngự được lòng ham muốn hay sự ác ý nếu đấy không phải là lòng ham muốn hay sự ác ý khác?”

25 “Nhưng nếu có ai đó dọa giết tôi”, có người nói, “thì đấy là hắn đang cưỡng ép tôi.”

Không, không phải thứ đang đe dọa anh, mà chính việc anh phán đoán rằng làm điều gì đó thì tốt hơn là bị giết mới là thứ đang cưỡng ép anh. 26 Cho nên, lại một lần nữa, chính phán đoán của anh mới là cái cưỡng ép anh, hay nói cách khác, sự lựa chọn của anh đã cưỡng ép chính nó. 27 Vì nếu Thượng đế đã tạo nên cái phần đặc biệt ấy, cái phần mà ngài đã tách ra từ bản chất của ngài và ban cho chúng ta, có thể bị ngài hay bất cứ thứ gì khác cưỡng ép hay cản trở thì hẳn ngài đã không còn là Thượng đế nữa rồi, và hẳn ngài cũng chẳng chăm sóc chúng ta đúng với bổn phận của ngài. 28 “Điều ta nhận ra trong vật hiến sinh này”, nhà tiên tri nói, “là có những điềm được linh báo đến ngươi. Chúng nói với ngươi rằng nếu ngươi muốn, ngươi sẽ tự do; nếu ngươi muốn, ngươi sẽ không phải trách cứ bất kỳ ai, hay đi cáo buộc bất cứ người nào, mọi chuyện xảy ra tất thảy đều hòa hợp với ý muốn của chính ngươi và ý muốn của Thượng đế.”

29 Không phải vì lời tiên tri này mà ta tìm gặp nhà tiên tri kiêm triết gia, ta cũng không ngưỡng mộ ông ấy vì những gì ông ấy diễn giải, mà chính là vì những sự thật được tiết lộ ra trong lời diễn giải ấy.

 


[1] Chrysippus, Zeno và Cleanthes là các triết gia sáng lập và phát triển trường phái Khắc kỷ ở thời Hy Lạp.

[2] Antisthenes vốn là môn sinh của Socrates, tự coi mình là người thuộc phái Khuyển nho, đã bác bỏ Logic học và Vật lý học. 

[3] Đây là châm ngôn nổi tiếng của Socrates, được phát biểu trong sách Protagoras 345 D của Plato.

[4] Khi Epictetus nói: "ngôn ngữ của người La Mã" có lẽ ông muốn nói rằng đối thủ giả định này là một người La Mã, chưa nói thạo tiếng Hy Lạp.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt