Góc đọc sách

Điểm sách "Hai mươi lăm năm triết học" của Eckart Forster

Điểm sách

HAI MƯƠI LĂM NĂM TRIẾT HỌC

Một sự tái kiến tạo có hệ thống

của ECKART FORSTER

MEADE MCCLOUGHAN*

 


Thông tin sách: Eckart Forster. The Tweenty-Five Years of Philosophy:  A Systematic Reconstruction. Translated by Brady Bowman. Harvard University Press, Cambridge MA, 2012. 432pp., $55.00 / £39.95 hb. ISBN 9780674055162


 

‘‘Hai mươi lăm năm triết học’ là khoảng thời gian từ năm 1781 đến 1806: từ lúc Phê phán lý tính thuần túy xuất bản đến lúc bản thảo Hiện tượng học tinh thần được hoàn tất.  Vậy những gì chúng ta có ở đây có thể nói là một phiên bản khác của Câu chuyện ‘từ Kant đến Hegel’, một câu chuyện chứa đựng nhiều sự tinh tế học thuật và nội dung triết học. Nói chung, câu chuyện được Forster kể khá quen thuộc, nó bàn về cách thức củamột loạt các triết gia tronghai thập niên từ 1790 và 1800, họ đã tranh cãinhững bất cập của hệ thống phê phán Kant, điều này dẫn đến việc xây dựng các hệ thống mang tính duy ý niệm triệt để hơn của Schelling và Hegel. Điểm mới thực sự trong câu chuyện của Forster là vai trò quan trọng được dành cho Goethe, cụ thể hơn, đó được xem như là kết quả của các nghiên cứu về tự nhiên của Goethe lấy cảm hứng từ Spinoza và chịu ảnh hưởng ngôn ngữ của Kant.Forster cho rằng tác phẩm của Goethe ở lãnh vực này có ảnh hưởng đáng kể đến Hegel trong suốt thời kì tại Jena giai đoạn sau, nghĩa là bao bồm cả giai đoạn Hegel viết Hiện tượng học tinh thần.

Nửa đầu cuốn sách là sự trình bày cực kỳ khéo léo về nét nổi trội trong hệ thống phê phán của Kant tính từ năm 1781 cho đến năm 1790, phần này bàn về các tác phẩm chính được xuất bản của Kant trong thời kì đó, bao gồm cả tác phẩm Các cơ sở siêu hình học của khoa học tự nhiên. Dĩ nhiên, mục tiêu của Forster là chỉ ra tại sao và như thế nào mà những người đi sau Kant bị thúc đẩy để đưa Kant đi xa hơn. Vì thế Forster đã chỉ ra hai điểm: a) Những khía cạnh mà hệ thống phê phán tỏ ra thiếu sót, và b) Các biểu hiện bên trong chính hệ thống cho thấy rằng những thiếu sót đó có thể được sửa chữa. Chính tại đây, câu chuyện của Forster trở nên đặc biệt thú vị. Chúng ta đều biết rằng những người đi sau Kant đã khó chịu với các ranh giới mà Kant đã đặt ra cho tri thức con người, và luận điểm ấy cho rằng chúng ta không tài nào biết được các sự vật như chúng thực sự hiện hữu, điều đó làm cho những người đi sau Kant tỏ ra khó chấp nhận. Nhưng Forster biết cách chỉ ra cho chúng ta thấy có hai con đường chính mà qua đó Kant lập luận về sự hạn chế của tri thức con người: trước tiên, chúng ta không thể biết được những ‘vật tự thân’, chúng là những đối tượng siêu cảm tính, chúng không ở trong không gian hay thời gian; thứ hai, chúng ta thậm chí không thể biết các đối tượng tự nhiên thường nghiệm nữa nếu chúng không khơi gợi tính mục đích đến chúng ta. Kết nối hai mức độ hạn chế của nhận thức đó, Kant chuyển sang các dạng thức tri nhận mà qua đó ta có thể sẽ lãnh hội được những đối tượng như vậy. Với những ‘vật tự thân’, Kant đề xuấttrực quantrí tuệ, một dạng thức tạo sinh tri nhận mà khi ta tư duy về bất kì thứ gì cũng đồng thời cần có nó. Đối với các đối tượng tự nhiên được tổ chức, Kant đề xuất giác tính trực quan, một dạng thức tri nhận giúp ta lãnh hội đúng đắn nhất các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa những bộ phận và những cái toàn thể, nhưng dạng thức đó không hề liên can đến việc tạo ra các quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó. Đối với Kant, vấn đề cốt lõi là chẳng có cái nào dù trực quan trí tuệ hay giác tính trực quan, là khả thể với con người; nhưng những người đi sau Kant đã dùng những cái đó theo các cách khác nhau, với tư cách là các mô hình cho sự tri nhận mà loài người phải có khả năng đạt được.

Một diễn tiến quen thuộc hơn nối tiếp trong câu chuyện là phần tiếp thu ý tưởng về trực quan trí tuệ của Kant, nhất là khi nó đã được phát triển trong các triết học của Fichte và Schelling. Forster gợi ý rằng điều này dẫn đến các phản ứng quá mức đối với những bất cập của hệ thống Kant, chính xác là vì yêu sách đối với những năng lực tạo ra tri thức con người mà nó không thể cung cấp. Thay vào đó, có con đường hứa hẹn hơn là con đường được gợi ý từ ý tưởng về giác tính trực quan của Kant, và chính ở đây vai trò của Goethe lại được đẩy lên hàng đầu. Goethe đã tiến hành các nghiên cứu khoa học, tiêu biểu là các nghiên cứu về thực vật và lý thuyết về màu sắc, trong nỗ lực đạt được cái mà ban đầu ông gọi là scientia intuitiva (trực quan khoa học) của Spinoza, và sau này nó đã được nhìn nhận tương đương với giác tính trực quan của Kant. Trong tay của Goethe, giác tính trực quan được xem là dạng thức cố gắng tìm hiểu hiện tượng như là các quá trình chuyển tiếp phát triển, có nghĩa là các giai đoạn của sự tăng trưởng – nghĩa đen là sự biến thái – của một thực vật. Forster cho rằng những khát vọng và thành quả của Goethe trong lãnh vực này sau đó đã bắt đầu ảnh hưởng lên Hegel, khi sự cộng tác của Hegel với Schelling bắt đầu lạnh nhạt, thể hiện tập trung trong cuốn Hiện tượng học tinh thần (hoàn thành năm 1806, xuất bản năm 1807).

Các chương cuối bàn về sự tiến triển của tư tưởng Hegel trong thời kì tại Jena, đặc biệt phong phú và rõ ràng sẽ là các chương gây hứng thú nhất đối với các bạn đọc thuộc Hiệp hội Điểm sách Marx và Triết học. Các điểm chính ở đây là:

  • Một là, Forster cung cấp những chứng cứ và luận cứ mới cho khẳng định rằng Hegel vốn chỉ dự định viết một bài giới thiệu gồm năm chương cho hệ thống của ông, ông đã gọi hệ thống này là ‘Khoa học về Kinh nghiệm Ý thức’ và chỉ sau đó mới đổi ý, quyết định mở rộng thành cuốn sách gồm tám chương mang tên Hiện tượng học tinh thần.
  • Hai là, Forster bảo vệ, mặc dù rất ngắn, về sự vẹn toàn của năm chương ‘Khoa học về Kinh nghiệm Ý thức’ bằng những thuật ngữ của chính nó, đó là nó thành công trong việc mang ý thức vào lập trường của ‘khoa học’ (đặc biệt xem trang 375-376). Điều này là do Hegel đã học từ Goethe cách lãnh hội các quá trình chuyển tiếp phát triển và như vậy đạt được một kiểu giác tính trực quan.
  • Ba là, Forster cho rằng tuy nhiên Hegel đã đi sai hướng trong nỗ lực muốn đưa ra một hệ thống triết học hoàn bị từ vị thế của ‘tri thức tuyệt đối’, chứ không trung thành với sự cởi mở đối với các hiện tượng cụ thể được lấy làm ví dụ trong các nghiên cứu về tự nhiên của Goethe; nói ngắn gọi, Hegel trở lại với cám dỗ của trực giác trí tuệ.

Mục tiêu của Forster đề ra trong cuốn sách này là xem ý tưởng về giác tính trực quan được khởi thảo bởi Goethe và Hegel theo nhiều cách thức khác nhau, đó mới là di sản thực sự của ‘hai mươi lăm năm triết học’, tuy nhiên điều đó đã bị bỏ qua kể từ lúc đó cho đến ngày nay, hệ quả đó phần lớn do chính Hegel đã trở lại với một quan niệm bị quy định quá mức về khoa học triết học. Tuy chính Forster không nói gì hơn về những phát triển sau đó, câu chuyện của ông chắc chắn rất quan hệ đến các cố gắng khác nhau sau này của hàng loạt những nhân vật cấp tiến chịu ảnh hưởng của Hegel nhằm nhận diện cái ‘hạt nhân thuần lý’ trong triết học của Hegel, tiêu biểu nhất dĩ nhiên là Marx. Và có thể không quá khó để thấy rằng Marx đã chịu ảnh hưởng của mô hình giác tính trực quan theo lối Goethe-Hegel khi ông viết bộ Grundrisse (Các bản thảo của bộ Tư Bản) và bộ Tư bản. Đây có thể sẽ là khu vực nghiên cứu hữu ích trong tương lai. Ngay lúc này, tôi hết sức khuyến nghị những ai hứng thú với triết học cổ điển Đức hãy đọc cuốn Hai mươi lăm năm triết học.

Ngày 10 tháng 01 năm 2014

LÊ QUANG HỒ dịch

Chiều ngày 26 tháng 02 năm 2014.

Xem và duyệt lại chiều ngày 03 tháng 03 năm 2014.


Nguồn: Bản gốc tiếng Anh:http://marxandphilosophy.org.uk/reviewofbooks/reviews/2014/925 Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Lê Quang Hồ gửi cho triethoc.edu.vn

*  Meade McCloughan thuộc nhóm tổ chức Hiệp hội Marx & Triết học, ông giảng dạy triết học tại Trường Triết học London và tại Khoa Giáo dục tiếp diễn của Đại học Oxford. (meade.mccloughan@gmail.com )

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt