Góc đọc sách

Đọc “Hoàn cảnh hậu hiện đại” và nghĩ về những hoàn cảnh

 

Đọc “Hoàn cảnh hậu hiện đại” và nghĩ về những hoàn cảnh

TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA

 

Cuốn sách Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-Francois Lyotard, đã được Nhà Xuất bản Tri thức ấn hành năm 2007[1]. So với tiêu đề bản gốc bằng tiếng Pháp La Condition postmoderne: rapport sur le savoir (1979), và  bản dịch sang tiếng Anh  The Postmodern Condition: A Report on Knowledge[2]  (1984) thì bản tiếng Việt thiếu mất một mệnh đề. Nếu dịch đầy đủ tiêu đề sang tiếng Việt sẽ là “Hoàn cảnh hậu hiện đại: một báo cáo về tri thức”. Mục tiêu của văn bản này, như Lyotard đã trình bày cụ thể trong phần Giới thiệu là nhằm đệ trình lên Hội đồng các trường đại học trực thuộc chính quyền Quebec quan điểm của ông về tri thức trong những xã hội phát triển cao nhất.

Nội dung của cuốn sách chú trọng tới tri thức, cũng là đi vào hai vấn đề quan trọng có liên quan mật thiết đến nhau là thực tiễn cuộc sống và hình thức trình bày thực tiễn đó. Ta biết rằng tri thức  phản ánh hiện thực xã hội thông qua nhiều chất liệu khác nhau, phổ biến nhất  là ngôn ngữ. Chất liệu ngôn ngữ dệt nên hai tấm vải dùng để “may” hiện thực. Tấm thứ nhất có tên là khoa học và tấm thứ hai là “tự sự” (kể lể).  Lyotard tìm hiểu xem tấm nào may lên được một hiện thực vừa vặn hơn và hấp dẫn hơn, hay nói cách khác tấm nào hợp với bối cảnh xã hội, cụ thể là xã hội hậu hiện đại hơn.

Trước hết, Lyotard cho rằng các xã hội (mặc định là những xã hội phát triển cao nhất, như đã nói ở trên) đang bước vào thời đại hậu công nghiệp và các nền văn hóa bước vào thời kỳ hậu hiện đại mà đặc tính của nó được kế thừa từ  xã hội hiện đại. Ở đây, Lyotard phân tích hai quan điểm trái ngược về xã hội hiện đại. Quan điểm thứ nhất, đại diện là Talcott  Parsons cho rằng xã hội là một thể thống nhất, là một hệ thống tự điều tiết. Và mục tiêu tối cao của xã hội là hướng tới sự đồng thuận, một “độc nhất”. Quan điểm thứ hai, đại diện là trường phái macxit cho rằng xã hội phân chia làm hai cực mâu thuẫn với nhau. Tư tưởng nổi loạn của Karl Marx tạo dấu ấn cho một xã hội phương Tây hiện đại đấu tranh và phản kháng, liên tục loại bỏ cái cũ để thay thế bởi những cái mới theo quy luật phủ định của phủ định và sự đấu tranh của các mặt đối lập.

Lyotard cho rằng giải pháp phân chia xã hội ra làm hai nửa đối lập như vậy là “không thể chấp nhận”[3]. Cũng có nghĩa rằng xã hội hậu hiện đại là một giai đoạn mới của xã hội nhưng không phải là sự phủ nhận hoàn toàn của xã hội hiện đại. Một loạt các trụ cột cũ kỹ như nhà nước-quốc gia, các đảng phái, các nghề nghiệp, các thiết chế, truyền thống lịch sử đang mất đi sức hấp dẫn nhưng dường như chưa thể thay thế được. Đặc biệt, tính thống nhất của xã hội “hậu hiện đại” được hậu thuẫn bởi thế lực hùng mạnh của máy điện toán mà vào năm 1979 ông đã nhìn thấy ở “những xã hội bị máy tính hóa”. Trong xã hội ấy, mỗi phần tử nhỏ đều có vị trí vai trò nhất định nào đó “không một ai, thậm chí những người yếm thế nhất trong số chúng ta, bị tước quyền đối với thông điệp truyền qua mình, vì chúng đặt con người vào vị trí người phát, người nhận hay vật quy chiếu” (Lyotard 2007, 95).

Lyotard dành nhiều tâm huyết hơn để giải quyết vấn đề thứ hai: tri thức. Ở đây ông bàn đến  hình thức của biểu đạt tri thức, giá trị của tri thức, vai trò của tri thức. Về  hình thức biểu đạt tri thức, Lyotard chú trọng đến hai hình thức, cũng là chủ đề xuyên suốt của cuốn sách, là tri thức khoa học và tri thức “kể lể” (narrative), hai thứ mà ông cho là xung khắc với nhau[4]. Khoa học luôn mang trong mình sứ mệnh tìm kiếm sự thật, do đó khoa học phải trang bị cho mình một diện mạo được “hợp thức hóa” (legitimate). Ở vào thời hiện đại, thời của các nhà Khai sáng, trong khi các khoa học chính xác còn chưa phát triển, triết học đóng vai trò quan trọng và  khoác cho mình tấm áo có tên là đại tự sư hay siêu diễn ngôn. Đến thời hậu hiện đại, các đại tự sự này mất dần vai trò độc tôn của nó. Nguyên nhân của sự hoài nghi đối với đại tự sự chính là sự tiến bộ vượt bực của các khoa học, là sự khủng hoảng của lý luận siêu hình. Người ta cần một ngôn ngữ cụ thể hơn, linh hoạt hơn, có thể ứng dụng vào các hoàn cảnh một cách logic, hiệu quả. Và người ta cần đến tự sự, đến kể lể với những trò chơi ngôn ngữ của nó. Nếu tri thức khoa học được mô tả là “bày ra một bộ mặt lạnh lùng,buồn bã thì tri thức “kể lể” đem lại một sự “hòa hợp vui vẻ” (Lyotard 2007, 72). Tri thức khoa học, theo Lyotard được điều hành bởi một nhóm quyền lực nào đó “tri thức và quyền lực là hai mặt của cùng một vấn đề” (Lyotard, 2007, 75)[5] và có thể chính vì thế tri thức khoa học không bao quát hết được thực tại xã hội vì nó chỉ có tính một chiều.

Sau khi đưa ra một loạt các hạn chế của tri thức khoa học, Lyotard khẳng định “kể lể” (tự sự) mới là hình thức tuyệt vời của tri thức. Lý do thứ nhất, “kể lể” dễ được xã hội thẩm định; thứ hai, “kể lể” thể hiện trò chơi ngôn ngữ, nơi ngôn ngữ trưng bày được ưu thế vượt trội của nó; và thứ ba,”kể lể” là hình thức đòi hỏi sự tham dự sòng phẳng, bình đẳng và gắn kết giữa người nói và người nghe, cũng chính là thể hiện tính ngữ dụng (pragmatic).

Lyotard cho rằng một khi tự sự trở thành chất liệu để dệt nên khoa học thì ai cũng có quyền làm khoa học, và khoa học mang tính đại chúng. Tuy nhiên cần phải đem lại tính hợp thức cho tự sự, cũng là hợp thức cho khoa học bởi vì “Một khoa học không tìm thấy sự hợp thức của mình thì không phải khoa học thực sự: nó rơi xuống cấp độ thấp nhất” (Lyotard 2007, 154). Và ở đây, giáo dục nắm một sứ mệnh cao cả là hợp thức hóa tự sự, nói một cách nôm na tức là hướng dẫn/dạy cho tất cả mọi người cách dùng tự sự một cách khoa học, được chấp nhận trong khoa học. Lyotard lấy ví dụ về việc môn triết học từng được giảng dạy  trong trường phổ thông của Pháp chính là nhằm trang bị tính hợp thức cho tự sự, hay như ở Đức, “trường đại học cần phải cung cấp chất liệu của mình, tức khoa học,cho “công cuộc xây dựng tinh thần và đạo đức của quốc gia”….một cách vô vụ lợi” (Lyotard 2007, 138-139)

 Trong khi giữ nguyên quan điểm về tính ưu việt của tự sự, thậm chí “tiểu tự sự”, trong trình bày khoa học, Lyotard vấp phải vấn đề về vai trò của tri thức trong xã hội hậu hiện đại, khi tính thực dụng, tính có thể trao đổi của tri thức được coi trọng. Làm khoa học phải có “đầu vào, đầu ra”chứ không thể phi vụ lợi được nữa. “Người ta mua các nhà khoa học, nhà kỹ thuật và máy móc không phải để nhận thức chân lý, mà để gia tăng quyền lực” (Lyotard 2007, 177). Và điều này ảnh hưởng rất mạnh đến giáo dục “Trong bối cảnh tri thức ngày càng thương mại hóa thì câu hỏi rất hay được đặt ra là: cái đó có thể bán được không? …cái đó có hiệu quả không?” (Lyotard 2007, 192). Ở phần cuối “Báo cáo” của mình, Lyotard nhấn mạnh đến xu hướng khu biệt hóa ngôn ngữ khoa học trong bối cảnh xã hội ngày càng đồng thuận (ở những xã hội phát triển cao nhất). Và chính sự đồng thuận xã hội sẽ tạo khuôn khổ an toàn cho những nghịch biện và tự do sáng tạo “tự sự”, một tự sự được hợp thức hóa (thông qua giáo dục?),  và nó được thể hiện trên sân chơi ngày càng bình đẳng cho tất cả mọi người.

 


Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn



[1] Jean-François Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, Nhà xuất bản Tri thức, 2007.

[2] Jean-François Lyotard, The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, trans. from the French by Geoff Bennington and Brian Massumi, Forward by Fredric Jameson, Manchester University Press, 1984

[3] Câu nguyên bản trong tiếng Anh “I find this partition solution unacceptable” (Lyotard 1984, 14). Câu trong bản tiếng Việt “Chúng tôi sẽ không đi theo giải pháp phân chia này” (Lyotard 2007, 92)

[4] Bản tiếng Việt “Khoa học ngay từ đầu đã xung khắc với các tự sự” (Lyotard 2007, 53), bản tiếng Anh “Science has always been in conflict with narratives” (Lyotard,1984, xxiii) (Khoa học luôn luôn xung khắc với tự sự)

[5] Câu cuối cùng của mục 2 được dịch ra tiếng Anh là “In the computer age, the question of knowledge is now than ever a question of government” (Lyotard,1984, 9). Trong bản tiếng Việt dịch giả Ngân Xuyên dịch là “Vấn đề tri thức ở thời đại tin học hơn bao giờ hết là vấn đề của chính quyền” (Lyotard  2007,75). Theo tôi có thể dịch là “… là vấn đề của quyền lực/quyền năng”

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thái Quang Hiển - 21:24 30/07/2016
Quá hay. Một sự thật không thể chối cãi. Cái để tìm ra bây giờ là hệ quả của xã hội này và tìm thấy bước tiến mới của nó.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt