Nhập môn triết học

Sách triết nhập cuộc

 

Việc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao

Trong những năm trước đây, hầu hết các sách triết học được dịch ra tiếng Việt chủ yếu là của các tác gia Trung Quốc như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử... và một số triết gia phương Tây như Freud, Marx, Nietzsche. Sartre...

Thế nhưng, rất nhiều triết gia, nhà khoa học mà tác phẩm của họ có thể coi là nền tảng của hệ thống tư tưởng và văn minh phương Tây và thế giới như Platon, Aristote, Kant, Hegel, Newton, Einstein... lại ít được dịch ra tiếng Việt. Theo nhận định của giáo sư, tiến sĩ khoa học Chu Hảo, việc thiếu hụt những kiến thức ấy đã góp phần ảnh hưởng đến toàn bộ nền học thuật, giáo dục tư tưởng và cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam tụt hậu với thế giới.

Xuất phát từ nhu cầu của người đọc

Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các tựa sách triết từ cổ đại đến cận đại đã được phát hành với mật độ khá dày tại Việt Nam: Triết học nhân sinh (Stamley Rossen); Triết học thời Phục Hưng (Arturo B. Fallico- Herman Shapiro); Thiền luận (Daisetz Teitaro Suzuki); Minh triết phương Đông (Michael Jordan)...

Tiếp đó, 8 tác phẩm triết học kinh điển đầu tiên thuộc Tủ sách tinh hoa của NXB Tri thức như Bàn về tự do của John Stuart Mill, Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein... cũng đồng loạt ra mắt độc giả. Mới đây, NXB Trẻ cho ra đời Tủ sách nhập môn triết học và khoa học, dưới hình thức truyện tranh minh họa về tư tưởng và cuộc đời của Freud, Marx, Kierkeggard...

Trước sự chuyển biến tích cực này, ông Kiều Minh Đạo, Công ty Văn hóa Minh Trí, khẳng định: “Việc sách triết được xuất bản và được đón nhận rất nhiều như hiện nay không phải là trào lưu nhất thời. Nó xuất phát từ chính nhu cầu rất cao của người đọc hiện nay”. Ông cũng cho biết thêm, người đọc tìm mua sách triết rất đa dạng, từ các nhà nghiên cứu cho đến sinh viên. Những đơn vị làm sách đã chọn mảng triết học hiện nay không còn sợ lỗ như trước đây.

Vì vậy mà những cây đa, cây đề trong giới làm sách tư nhân như Nhà sách Văn Lang, Nhà sách Thời Đại... từ lâu đã chọn kinh doanh sách triết làm thương hiệu thì nay lại tiếp tục khẳng định thế mạnh của mình.

Những luận đề khô khan được làm “mềm”

Nếu điều làm cho sách triết vẫn “kén” người đọc là do cách viết phức tạp đến khó hiểu của các triết gia thì hiện nay những định luật, luận đề khô khan đó đã được “mềm mại” hóa để người đọc dễ tiếp nhận.

Đúng như tiêu chí dành cho những người bắt đầu làm quen với triết học, tư tưởng của các triết gia được trình bày trong bộ Nhập môn triết học và khoa học theo lối truyện kể, có trình tự thời gian, từ khi khởi nguồn cho đến lúc hòan chỉnh tư tưởng nên việc tiếp nhận những kiến thức này khá dễ dàng. T.Thảo, sinh viên ĐH Luật TPHCM, cho biết so với các giáo trình triết học dành cho sinh viên, tập sách nhập môn Marx có lượng kiến thức cung cấp sâu hơn nhưng lại thể hiện bằng truyện tranh nên rất gần gũi với các sinh viên lần đầu tìm hiểu triết học.

Khác với tác phẩm nhập môn, tủ sách Tinh hoa (NXB Tri Thức) chọn dịch nguyên bản các tác phẩm gốc của những triết gia lớn nhằm phục vụ những đối tượng nghiên cứu triết học. Những đầu sách này được “chọn mặt gởi vàng” cho đội ngũ dịch giả Việt kiều, những người đi sâu sát với đời sống triết học phương Tây và có kinh nghiệm chuyển ngữ lâu năm như Bùi Văn Nam Sơn, Vũ Ngọc Thăng, Nguyễn Tiến Văn... nên hầu như ngôn ngữ trong các đầu sách này rất dễ đọc. Qua các cuốn sách đã xuất bản: Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Bàn về tự do (John Stuart Mill)... độc giả hết sức hài lòng về chất lượng chuyển ngữ.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, Tủ sách Tinh hoa sẽ ấn hành từ 500 đến 1.000 tác phẩm quan trọng nhất của tri thức nhân loại, phục vụ cho thành phần trí thức nhằm tạo nền tảng để giới trẻ tiếp thu các nguồn kiến thức mới của nhân loại.

Triết học không bao giờ cũ. Việc các đầu sách triết học được đầu tư xuất bản và được độc giả đón nhận như hiện nay là một tín hiệu rất đáng mừng. Theo dịch giả Bùi Văn Nam Sơn: “Triết học không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của những thiên tài cô độc, không phải là những “định luận” bất biến, mà là nỗ lực suy tư không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, là một cuộc đối thoại có thể tái hiện được. Trong đó, mỗi quan điểm đều được hiểu như lời giải đáp đối với câu hỏi của tiền nhân và gợi mở những câu hỏi mới cho kẻ đến sau”.

ĐẶNG QUÝ YÊN

Nguồn: http://suckhoedinhduong.nld.com.vn/153721p0c1020/sach-triet-nhap-cuoc.htm

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn văn giáp - 23:04 15/09/2018
Cảm ơn về bài viết. Tôi rất thích triết học
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt