Nhập môn triết học

Ý niệm về triết lý

 

Ý NIỆM VỀ TRIẾT LÝ

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 1: "Ý nghĩa tổng quát của triết lý". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 3-46.


 

Đến đây có lẽ có người có cảm tưởng rằng triết lý là môn học tiếp tục giải thích những gì không thuộc thẩm quyền khoa học hay vượt khoa học. Cảm tưởng ấy một phần nào đúng. Bởi vì căn cứ vào lịch sử, nhiều khi khoa học đã muốn bàn đến những gì không thuộc thẩm quyền mình. Nhưng cảm tưởng ấy không đúng vì như đã nói, chúng tôi không đặt vấn đề triết lý tiếp tục cho khoa học : mỗi khoa có đối tượng riêng biệt.

Thế nào là triết lý đích thực ? Cần phải nói ngay rằng trong ngôn ngữ, không mấy danh từ khó định nghĩa như danh từ triết lý, vì rất ít danh từ gây ra nhiều ý kiến đối lập, mâu thuẫn như danh từ triết lý. Để đi đến một ý niệm —dầu là sơ lược về triết lý là gì, tưởng có thể dừng lại ở một vài ý kiến sau đây:

Trước hết có dư luận cho triết lý là một ý niệm góp nhặt tất cả những gì chưa thành khoa học, khoa học chưa giải thích được. Chẳng hạn đó là ý kiến của Bertrand Russel hay của các nhà triết học thực tiễn. Họ đưa ra lý chứng rằng đầu tiên Aristote quan niệm triết học và khoa học là một, nhưng rồi khoa học tự tách khỏi triết học. Chính Aristote đã phân biệt vật lý, toán học, y học, tâm lý. Comte thì bảo rằng tư tưởng nhân loại bắt đầu từ thần học, rồi tiến đến siêu hình đề cuối cùng thành khoa học thực tiễn. Có dư luận nói triết học đang tiến về toán học. Những gì trong triết học chưa được khoa học hay toán học giải thích đều là những đều mơ hồ, huyền ảo, không đáng chú ý tới.

Russel muốn chứng minh ngày nay triết học không còn lý do tồn tại và phải lùi bước trước sự tiến triển của khoa học, vì theo ông không còn mấy ai thắc mắc đến những vấn đề triết học theo nghĩa có điển. Nghe qua tưởng chừng như Russel có lý. Nhưng nhìn cẩn thận hơn vào thực trạng lịch sử tư tưởng. người ta dễ thấy rằng ý kiến ấy không đứng vững, vu khoát. Thực vậy, không bao giờ lịch sử ghi nhận được con số triết gia đông đảo như ngày nay: người ta ước lượng trên 10.000 vị. Về nội dung cũng không bao giờ nhân loại đứng trước nhiều vấn đề triết học như thế hệ của chúng ta, thế hệ hậu bán thế kỷ XX này. Triết học chẳng những không lùi, không tàn, mà còn trở nên phong phú và cấp thiết hơn bao giờ hết, theo nhịp phát triển khoa học.

Còn nói rằng khoa học ly khai với triết học, đều đó không có nghĩa rằng triết học một ngày kia không còn lý do tồn tại. Triết học không tản mát thành khoa học riêng biệt như một gia tài bị phân chia từng phần. Chứng cớ là cứ mỗi khoa học xuất hiện, thì ngay sau đó lại có một triết học tương ứng kèm theo hay ít ra có những suy tư triết học trên những dự kiện của khoa học riêng biệt ấy. Chẳng những bên cạnh khoa luận lý, có một triết học luận lý, bện cạnh y khoa có một triết học y khoa, và ngay cả toán học cũng không ngăn cấm những suy tư triết học trên chân lý toán học.

Sau hết, một nhận định thường được nhắc nhở tới để khỏi phủ nhận ý nghĩa và vai trò triết lý, đó là nhận định của Aristote nói rằng dầu muốn dầu không, người cũng phải triết lý, phủ nhận triết lý tức là nhân danh một triết lý. Chứng cớ là những người không muốn triết lý đã thật sự xử dụng những yếu tố và lý luận thuần túy triết học. Người là một sinh vật triết lý vậy.

Ta cần minh bạch hơn. Triết học không những bắt đầu ở chỗ bắt đầu của khoa học mà còn bắt đầu xét đến bất cứ thành quả nào của khoa học, dĩ nhiên dưới những nhãn hiệu khác, theo những ý hướng khác với ý hướng của khoa học. Có người bảo rằng triết học đã bị chiếm chỗ trong những địa hạt lý tính nên ngày nay đã trở về với những gì phi lý tính (irrationel), những gì vượt lên trên hay nằm dưới lý tính. Họ viện đến trường hợp thuyết hiện sinh chẳng hạn. Họ nhắc đến giáo sư J. Wahl vì ông này cho rằng, về căn bản, triết học và thi phú không khác nhau. Họ nhắc đến K. Jaspers, đến M. Heideigger đã từng tìm triết lý trong tứ thơ mơ hồ ảo ảnh, hoặc đưa ra trường hợp Gabriel Marcel đã từng ca ngợi triết lý tình trong ca nhạc. Không ai phủ nhận rằng hiện đã có cả một phong trào đi tìm nguồn triết lý trong thơ ca nhạc kịch, trong những gì mà Pascal đã gọi là lý tình cảm, của tâm hồn. Nhưng thực ra, người ta tìm triết lý ở những khu vực “không khoa học» vì “phi lý, như vậy là vì người ta muốn triết lý phản ảnh mọi phương diện sinh hoạt của người, vì người ta tin rằng triết lý là động cơ, là nền tảng của mọi hoạt động nhân sinh, nên nhiều hay ít, hiển hiện hay tiềm tàng có mặt trong mọi lãnh lực văn hóa. Người không những là sinh vật lý trí, người còn là sinh vật hành động và tâm tình như Hume đã từng quả quyết. Người có tính, có tình, có mộng, lúc thực, lúc hư. Thi ca phải chăng nói lên những khía cạnh xa mờ, ẩn nấp của tình người, và nếu những tâm tình ấy có thực, nghĩa là chân lý, thì tại sao triết lý lại không bàn đến ? Vả lại những vùng sương mù mờ ảo, thầm kín ấy, lý trí nếu không mong đạt tới đầy đủ thì việc gợi lên bằng cách này hay cách khác những thực tại như vậy đâu phải là không «triết lý). Đó là ý kiến những triết gia được nại ra trên đây đặc biệt là Heideigger. Theo ý triết gia này thì Nguyên lý lý (le Principe de Raison) do Leibniz khám phá ra, nếu hiểu là một nguyên lý lấy Hữu thể làm Lý căn bản, sẽ là một nguyên lý cao cả nhất của Triết học. Nguyên lý ấy sẽ chi phối và phải chi phối mọi sinh hoạt nhân loại và vì Đại học là nơi thu thập và giảng dạy tinh hoa của văn hóa nèn Triết học sẽ là môn học cao cả nhất, cần thiết nhất và bao quát nhất cho kiến thức Đại học. Triết học là gạch nối giữa mọi khoa học, là Ý nghĩa lý tính sau cùng của mọi môn học.

Nhưng cũng có nhữngtriết gia, nhất là những triết gia thiên về phân tách ngữ học, trong số đặc biệt Ludwig Wittgenstein, đã không thừa nhận quan điểm vừa rồi. Ông viết: “Cái gì người không thể nói tới được, thì người phải im lặng» (Wovon man nicht sprechen kann, daruber muss man schweigen). Không nói tới có nghĩa là không lý luận, suy tư, phân tách. Thi nhạc là những đều không suy luận phân tách được nghĩa là không dùng lý trí mà đạt tới, thì không có tính chất khoa học, mà triết lý trước hết là một khoa học. Thực vậy, theo ông, người ta chỉ có thể bắt được đối tượng nhận thức bằng hai cách : trực tiếp bằng trực giác hay bằng suy luận. Suy luận là một động tác của lý trí. Lý trí không vào được những tâm tình vui, buồn, sướng, khổ, thì thi ca không phải là có lý tính, nghĩa là không phải là đối tượng của triết.

Chúng ta đang đứng trước ngưỡng của triết lý, vì vậy không phải là lúc góp phần giải quyết cuộc tranh chấp trên đây. Vả chăng tương quan giữa triết học và thi nhạc là một vấn đề riêng phần của vấn đề rộng lớn về liên hệ giữa triết lý sống và triết lý có tính cách khoa học, hoặc liên hệ giữa ý thức và trí thức như Gusdorf đã muốn gợi ra. Tuy nhiên tưởng cũng nên có một vài sơ kiến. Cần nhớ lại sự phân biệt giữa « triết học » và « triết lý » hay đúng hơn giữa triết lý tường minh và triết lý ẩn tàng. Triết lý ẩn tàng là một triết lý sống do trực giác, tình cảm hay kinh nghiệm thông thường thâu nhận được. Theo nghĩa đó, không một người nào không đồng thời sống triết lý không một xã hội nào không có triết lý, triết lý ấy có ở trong văn chương, mỹ thuật, thi ca nhạc vốn là hiện thân của triết lý. Cho nên không nên lấy làm lạ khi một thi sỹ hay nhạc sỹ trông thấy triết lý ở một nơi nào trong vũ trụ hay nhân sinh rồi đem phổ vào thơ, nhạc, đúng hơn, khi thi nhạc sỹ đã dùng thơ nhạc ghi lại một cảm tưởng, một ấn tượng, một tình tứ hay một ý nghĩ về triết lý. Thường ý nghĩấy mơ hồ uyển chuyển, nên lời thơ, điệu nhạc cũng như chập chờn, lung linh mờ ảo. Ta không phủ nhận có chất triết lý trong thơ nhạc cũng như trong văn hóa nói chung của một dân tộc, chất triết lý ấy, đôi khi là nguồn mạch vô cùng quý báu cho công trình suy luận triết lý.

Nhưng chất triết lý chưa phải là triết học (tường minh). Từ thượng cổ của Thales đến Merleau Ponty, triết học bao giờ cũng có tham vọng tìm kiếm và làm sáng tỏ những vấn đề triết lý. Làm sáng tỏ để thông báo cho kẻ khác, để có tiêu chuẩn của một lời giải đáp làm như nguyên tắc hướng dẫn trí tuệ và hành động. Vì là vấn đề, triết học nói với lý trí hơn là với tâm tình, triết học nhằm thuyết phụclý trí hơn là mơn trớn vuốt ve tình cảm. Thuyết phục bằng lý luận phân minh, không mâu thuẫn ngay cả trong khi tố cáo những gì là mâu thuẫn. Được diễn tả bằng phân tách và tổng hợp, triết học cũng là một công trình kiến trúc, trong đó mỗi thành phần liên kết và chống đỡ lẫn nhau làm thành một duy nhất bất khả phân. Được xây dựng trên những nguyên lý lý tính mà thực chất gần với toán học, triết học tạo ra xương cốt, làm cơ cấu cho mọi công trình văn hóa khác. Bất cứ một công trình, một cảm giác nào cũng sẽ chỉ là phù phiếm, dễ dàng tan biến, nếu không được chống đỡ bên dưới bởi những ý tưởng, đặc biệt là ý tưởng triết lý, đặc biệt hơn nữa là ý tưởng triết lý đã được suy tư và chấp nhận. Vì thế, Hume đã so sánh triết gia với nhà giải phẫu. Tuy phải bận tâm và nhúng tay vào những nơi, những bộ phận không lấy gì làm đẹp mắt dễ chịu, nhưng công việc nghiên cứu mổ xẻ của nhà giải phẫu rất hữu ích cho nhà điêu khắc trong việc kiến tạo đường nét thần tượng Venus hay Helen chẳng hạn. Vậy triết gia thiết yếu là một người suốt đời đi tìm minh bạch, luôn luôn hướng về ánh thái dương Chân lý. Minh bạch là trật tự, lớp lang, là lý trí. Một triết gia hiện đại đã viết đại khái như vậy. Minh bạch, trật tự, lý trí là ba danh từ đồng nghĩa, xác định đặc hữu thiết yếu của triết học vậy. Như đã nói, trong văn chương tiểu thuyết, thi, ca, kịch, chỉ có thể có chất liệu triết lý và chất liệu này chưa thành triết lý như là một khoa học. Mặt khác, văn nghệ có thể là áp dụng cụ thể của những ý niệm, những học thuyết triết lý, chứ không phải là triết lý chánh danh. Vì vậy mà Sartre hay Gabriel Marcel chẳng hạn đã một mặt cố gắng triết học hóa những kinh nghiệm sống của mình hay của người, một mặt đem áp dụng vào văn chương, thành quả suy tư triết lý. Và khi nói đến triết lý của Sartre[1], Marcel hay Jaspers, người ta trực tiếp ám chỉ quan điểm suy luận triết học trình bày trong các tác phẩm thuần túy triết học của họ, hơn là thoại kịch hay tiểu thuyết mang màu sắc triết lý tiềm ẩn. Cũng vậy nói đến Rilke. Eliot người ta nghĩ ngay đến những nhà thơ lỗi lạc hơn là những nhà triết học.

Sau nữa, ta đừng vội cho rằng như vậy là triết lý dưới hạn ở sự sắp đặt lại, tổ chức lại, những chất liệu triết lý mà lý trí không phải đầu tiên đã khám phá ra. Hay nói như Bergson lý trí chỉ làm được công việc cắt xén, phân tách vì mục đích thực hành và truyền tin. Không hẳn như vậy. Lý trí còn nhằm, nhờ khả năng cố hữu và phương pháp thích hợp, khám phá được những điều mà nghiệm thức thường không hy vọng đạt tới. Trong phạm vi triết học, lý trí cũng phát minh tương tự như trong toán học hay vật lý, triết lý, là một khoa học vậy.

Nhưng khoa học về gì ? Đến đây, độc giả lại có thể có cảm tưởng dường như câu trả lời bị đình hoãn. Sự trì hoãn ấy phải chăng là do hoạt động chiến thắng của các khoa học riêng biệt càng ngày càng soi sáng vào đêm tối vũ trụ ? Một lần nữa vũ trụ học đã có vật lý và thiên cơ học, vũ trụ sinh vật đã có sinh vật học, kiến thức hay nội tâm đã có tâm lý, cộng đồng nhân loại đã có xã hội hay sử học, nhân chủng học v.v. Còn đâu là đối tượng chính danh cho triết học, mà bảo đó là một khoa học?

Triết học là một khoa học, dĩ nhiên không thể hiểu là một khoa học thực nghiệm trong thế giới vật lý hay tâm lý. Triết học là khoa học vì phương pháp và đối tượng của nó. Về phương pháp chúng ta đã nói sơ qua trên đây, Còn về đối tượng hay lãnh vực, thì cũng là một sự kiện rất phức tạp, phức tạp như danh từ triết lý vậy. Có nhiều trường phái chủ trương khác nhau. Sau đây tôi đang cử mấy chủ trương điển hình hơn cả.

I. Triết học là học về nhận thức.

Như đã nói, mỗi khoa học chuyên biệt đảm nhận một khu vực nghiên cứu. Không còn khu vực nào dành cho Triết học. Nghĩa là, nếu muốn là khoa học, thì triết học sẽ thành một khoa học không đối tượng. Cho nên, Kant và những người theo ông quả quyết rằng triế học là chuyên khảo về khả thể của nhận thức, về giới hạn của nhận thức, giá trị của nhận thức. Triết học là nhận thức luận, thế thôi và cũng chỉ có thế thôi.

2. Triết học là học về giá trị.

Các khoa học khác nghiên cứu sự vật như sự vật có. Sự vật có thế nào thì mô tả hay nói lên thế ấy. Mô tả một cách cụ thể, thực tiễn và trung thành. Khoa học phản ảnh thực tại và giải thích thực tại. Trong khi đó, đối tượng của triết học không phải là cái có, mà cái phải có cái giá trị. Đó là quan điểm của những người theo hướng triết lý miền Nam Tây Đức và của phần lớn triết học Pháp quốc hiện đại. Max Scheler hay R. Le Senne là những đại diện.

3. Triết học là học về người.

Người là nền tảng và là tác giả mọi khoa học. Mọi kiến thức từ người đi ra để rồi quay lại phục vụ cho người. Từ người và do người mà có mọi nhận định về thiên nhiên và nhân sự. Với người xuất hiện văn hóa và khoa học.

Học về người tức là tìm hiểu người qua giòng lịch sử, tức là tìm sử tính của người, vì người được tạo ra trong và bằng lịch sử. Đó là lập trường của đông đảo triết gia hiện sinh, đặc biệt nhất là Sartre và Heideigger.

4. Triết học là học về ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là xe thuyền, là nhà chứa đựng ý tưởng của mọi ngành khoa học, Triết học nhằm nghiên cứu tổ chức và cơ cấu của những nhận thức khoa học ẩn nấp dưới ngôn ngữ, lời nói, chữ viết. Đó là ý kiến của các nhà luận lý học thực tiễn đứng đầu là giáo sư Ludwig Wittgensteins, «Không có mệnh đề triết lý nào, ông viết, mà chỉ có sự làm sáng tỏ các mệnh đề» (Es gibt keine philosophischen Satze, sondern nur Klarlegung von Satzen).

5. Triết học là học về biện chứng.

Đây là chủ nghĩa của những người Mác-xít. Toàn thể vũ trụ diễn tiến theo một định luật duy nhất, căn bản : định luật biện chứng duy vật. Người là một thành phần của vũ trụ, tất nhiên chịu sự chi phối của định luật ấy. Nhưng người là một sinh vật đặc biệt tạo ra lịch sử, cho nên biện chứng điều khiển xã hội người là biện chứng lịch sử, gọi là duy vật sử quan. Thực ra ý niệm biện chứng do đâu mà có, là một vấn đề khác.

Về phương diện địa lý, người ta chia thành Triết học Tây phương và Triết học Đông phương ; triết học Tây phương do Văn hóa La Hy đẻ ra, triết học Đông phương là triết học của Ấn độ, Trung hoa. Hiện đang có những cố gắng phi thường theo chiều hướng dung hòa tổng hợp hai nền triết lý ấy. Cũng có một phân chia khác, căn cứ theo ý hướng nghiên cứu như ta thấy trên : Triết lý nhân bản lấy người và những gì thuộc về người làm trọng tâm, cũng gọi là triết lý lục địa của các nước Pháp, Đức, Ý, Tây ban Nha, Gia nã Đại và của những nước thuộc Nam mỹ chịu ảnh hưởng văn hóa La hy.

Triết lý Quần đảo hay thực tiễn, chỉ những tư trào triết lý của chủng tộc Anglo-Saxon, gồm Anh quốc, Bắc mỹ. Nền triết học này lấy tinh thần ích dụng hoặc phân tách ngôn ngử làm động cơ nghiên cứu triết lý.

Triết lý Sô viết, là thuyết Mac-xit đã được đảng Cộng sản Liên sô khai thác và xử dụng như một khí cụ tinh thần trong việc xây dựng xã hội Cộng sản. Triết thuyết này là triết lý của chính quyền trong các xứ theo Cộng sản chủ nghĩa.

Dĩ nhiên mỗi trường phái đều đưa ra những lý luận đặc hữu biện hộ cho quan điểm của mình. Ngoài trường mình ra, không có quan điểm nào khác khả dĩ gọi là hợp lý, là triết học. Kant chẳng hạn cho rằng ngoài vấn đề nhận thức luận là Triết học duy nhất, không có vấn đề nào khác, và cái gọi là siêu hình chỉ là phiêu lưu không đối tượng đích thực, những cái nhìn trong tối tăm vô căn cứ hay bất khả tri. Cũng vậy, thuyết thực tiễn và thuyết phân tách ngữ học. Đối với hai thuyết nầy. Siêu hình chỉ là những bóng ma, hay nói theo kiểu Hume, một tên đạo tặc đã bị đuổi ra khỏi đồng bằng khoa học, thanh thiên bạch nhật, nhưng vẫn còn lăm le chờ cơ hội trở về gây rối... Có người cho Siêu hình là như một gã chiêm bao, một chàng Robinson Grusoe, một hiệp sỹ giả tạo múa gậy vườn hoang... Trong khi đó thì triết phái hiện sinh chỉ biết có người với tất cả phi lý, những vô nghĩa của kiếp người. Người một khi đã được nhận định bản chất là phi lý, đáng buồn nôn thì tất cả những gì do người tạo ra, kể cả triết lý, cũng chỉ là vô nghĩa. Vô nghĩa bởi vì Hư vô, một Hư vô tuyệt đối, mà vũ trụ và nhân loại chỉ là những bóng ma. Tương tự như quan niệm của một trường phải trong Đại thừa Phật học. Còn Cộng sản thì chỉ thừa nhận vật chất; tất cả là vật chất hoặc biến thái của vật chất. Sự biến thái ấy là một biện chứng mà khoa học phải khám phá ra định luật với bất cứ giá nào: Triết học chính là khoa học vậy.

Mấy giòng trên đây cộng với những gì ta đọc trong lịch sử triết học có thể làm nản lòng những người thiện chí nhất đối với Triết lý. Sự tương khắc giữa các triết phải phải chăng là một minh chứng không chối cãi rằng triết lý chỉ là một cái gì chủ quan, không có đối tượng riêng biệt, nghĩa là không có triết lý ?

Trước tình trạng ấy, phải nghĩ thế nào về Triết lý ? Thực ra mỗi triết thuyết trên đây hoặc chỉ đứng về một quan điểm hay một khía cạnh của toàn bộ vấn đề, hoặc đã muốn gò ép triết học vào khuôn khổ một ý thức hệ. Triết học không phải là ý thức hệ, bởi vì ý thức hệ có tính cách độc đoán, loại bỏ mọi khuynh hưởng đối lập. Triết học không có thái độ đó. Triết gia chân chính nhận định rằng người sống trong vũ trụ đối diện với bao nhiêu vấn đề ; cái gì cũng có thể thành một dấu hỏi cho triết học, ngay cả đến dấu hỏi ấy cũng là một vấn đề, và người đặt dấu hỏi cũng lại là một vấn đề nữa. Cho nên nếu cần tóm lược những ý kiến riêng rẽ trên đây ta có thể nói rằng :

Triết học phải được gặp thấy trong nhận thức luận vì người bản chất vốn hiếu tri - trong giá trị vì người không những đặt vấn đề hữu mà còn tha thiết với cái gì phải có - trong chính bản thân mình vì người là sinh vật duy nhất biết đặt vấn đề và trước hết là một vấn đề — trong ngôn ngữ vì tư tưởng của người phần lớn thể hiện trong cách thể và tượng phát biểu tư tưởng triết học.

Tìm triết lý trong mọi ngành kiến thức, nơi mỗi khoa học, không có nghĩa là Triết lý bao gồm và giải quyết mọi vấn đề đặt ra cho mỗi khoa học, cũng không có nghĩa là phương pháp triết học đồng thời là phương pháp của mỗi khoa học. Chẳng hạn triết học không lấy quy nạp thực nghiệm của vật lý, hóa học hay phương pháp diễn dịch trừu tượng của toán học làm phương pháp của mình. Ở đây có thể có ngộ nhận. Không lấy các phương pháp của mỗi khoa học không có nghĩa là triết học không theo sự đòi hỏi suy luận tự nhiên của lý trí. Do đó những nguyên lý đầu tiên như nguyên lý đồng nhất, nguyên lý không mâu thuẫn, nguyên lý nhân quả v.v. đều là những khí cụ luận lý cần thiết của triết học. Phương pháp triết học cũng đòi vô tư, khách quan cũng như thiện cảm đối với mọi lãnh vực nghiên cứu của mình. Triết học cũng cần đến phân tách tổng hợp, trị giác v.v, nhưng hiểu theo nghĩa là những hình thức hoạt động của trí tuệ. Phương pháp triết học thiên về lý tính hay bắt đầu bằng thực nghiệm, đó là vấn đề khác và tùy theo mỗi trường phái. Nhưng trong mọi trường hợp phương pháp của triết học do một thái độ thuần túy tri thức điều khiển và xử dụng. Trong viễn tượng tìm kiếm một mẫu số chung cho tất cả mọi hoạt động nhân sinh, nghĩa là một cái gì phổ biến nhất và chung cho mỗi khoa học, và mỗi khoa học không cần thiết phải nghiên cứu tới, triết học luôn luôn trung thành với lý tưởng của mình và với đối tượng của mình.

Đối tượng phổ biến thâm căn nhất mà Triết học có thể gặp được trong bất cứ một ngành khoa học nào bất cứ ở đâu và thời nào, đối tượng ấy là gì ? Cái gì hội đủ được hai điều kiện : phổ biến và thâm đế nhất ? Chúng ta giả nhời ngay rằng đó là ý niệm về sự vật (chose) về hiện hữu (existence), về sự có hay hữu (être), về đặc tính của hữu v.v. là những ý niệm có tầm áp dụng vô hạn và cũng là căn bản nhất. Thực vậy, đã nói tới một cái gì, một vật gì, một tư tưởng nào, thì đồng thời và tất nhiên nói đến hữu, đến hiện hữu và các tính chất của hữu hay hiện hữu ấy.

Hữu và hiện hữu là đối tượng của hữu thể luận, dầu hiểu theo nghĩa cổ điển hay hiện sinh cũng vậy. Ta cần minh xác hơn. Triết học ở đây không nhìn đến những đặc tính hiện tượng có trong nhân quả chức vụ (cause fonctionnelle) của đối tượng khoa học. Triết học ở đây làm nghiên cứu, tra hỏi hữu xét theo hữu và hiện hữu xét theo hiện hữu của sự vật.

Như thế nào là hữu, là phi hữu ? Với điều kiện nào một vật gọi là hữu, hay đúng hơn, một vật hữu ? Chừng nào chỉ là phi hữu? Giữa hữu và phi hữu, giữa phi hữu và gần. như-hữu (à peine-être) có những tương quan nào ? Giữa hữu và hiện hữu liên hệ như thế nào. Hữu và hiện hữu, nói tóm lại có những đặc tính cố hữu nào và giá trị của chúng, nếu có, thuộc về thứ hạng nào, siêu nghiệm hay không ? Đó là những điều tối hậu và tối yếu mà không một đại triết gia nào không đề cập tới. Đó là những điều vượt ra ngoài phạm vi của bất cứ một khoa học chuyên biệt nào, nhưng thiết yếu ẩn hiệnqua mỗi vấn đề và nơi mỗi đối tượng nghiên cứu của khoa học. Nói thiết yếu ẩn hiện bởi vì, như Heideigger đã hùng hồn chứng minh một cách độc đáo và tân kỳ, tất cả những gì thể hiện (étant), đều là thể hiện của hữu nói cách khác, hữu vừa là những gì ta trông thấy, khoa học nghiên cứu, vừa không phải là tất cả những cái đó.

Đã hẵn rằng mỗi khoa học đều đặt ra vấn đề điều kiện khả thể cho sự vật nghiên cứu. Nhưng điều kiện khả thể, theo nghĩa khoa học, thiết yếu hạn giới ở bình diện nhân quả chức vụ. Riêng toán học đã có khi vươn lên những ý niệm trừu tượng, đã tạo ra những điều kiện khả thể thuần lý, nhưng cũng không thoát ra ngoài vòng cương tỏa của số lượng hay liên hệ số lượng, hơn nữa thường là những ý niệm trừu tượng chỉ có trong trí tuệ như đã nói trên.

Tóm lại, học về ngôn ngữ, học về người, học về giá trị hay về nhận thức v.v... triết học không thể không bàn đến hữu thể luận, nền tảng của những môn học ấy. Một lần nữa Triết học, theo nghĩa hẹp và đích thực của danh từ, là học về cái gì có tính chất toàn thể, hay nói vắn lại, học về toàn thểmà Hữu thể là then chốt, và những vấn đề siêu hình do đó mà ra. Hữu thể luận bắt đầu bằng kinh nghiệm thông thường và nhận thức khoa học, đồng thời là căn bản và tuyệt mức của nhận thức nhân loại. Người ta có thể nói đến vũ trụ luận (cosmologie) như là một phần của triết lý, nghĩa là nói đến bản tính và nguồn gốc vũ trụ. Nhưng tôi thiết nghĩ, theo nghĩa trung cổ, vũ trụ luận gồm hai phần: phần hiện tượng gồm những sự kiện hay thực tại cụ thể, và phần giá trị (hiểu theo nghĩa siêu hình chứ không phải nghĩa đạo đức) hay nguồn gốc của nó. Hiện nay phần đầu đã thành đối tượng các khoa học, còn phần nhì liên hệ đến hữu thể luận.

o0o

Thay vì kết luận cho phần này, ta có thể có một vài nhận định sau đây :

Khoa học và Triết học đều bắt đầu ở Thường nghiệm và lấy Thường nghiệm làm căn cứ vươn lên những miền ý tưởng cao xa. Cả hai đều không muốn cắt đứt với thường nghiệm và luôn luôn cố gắng trở về với Thường nghiệm đề thử thách những khám phá của mình.

Triết học không phải là môn học kéo dài khoa học hay vượt khoa học. Mỗi khoa có đối tượng riêng biệt thì chỉ có thể song hành với nhau, chứ không thể mâu thuẫn với nhau, và do đó, trong viễn ảnh Chân Lý toàn diễn, có tính cách bổ túc lẫn nhau mỗi bên theo đường lối của mình. Mọi giả thuyết ngược với ý kiến ấy là giả tạo hoặc sai lầm.

Khoa học không tất nhiên đưa đến Triết lý hay Tín ngưỡng như người ta đã muốn nói khi nói : Nhiều khoa học đưa đến Thượng Đế ít khoa học mới thành Vô thần.

Tuy nhiên có Người mới có khoa học, Triết học hay bất cứ kiến thức nào. Tất cả phải chăng là thành quả của những cố gắng lý tưởng hỏa thường nghiệm như Husserl đã nói ? Riêng hữu thể luận phải chăng chỉ là một quan điểm duy tâm do Thể Hiện (Dasein) của người tạo ra như Heideigger đã vô tình hay hữu ý đặt thành vấn đề, làm cho Jean Wahl nghĩ đến ngày tàn của Hữu thể luận cổ điển của Socrate hay Aristote ? Chúng ta sẽ trở lại những vấn đề này. Nhưng trước hết, những câu hỏi trên đây hay những câu hỏi tương tự bắt buộc ta đề cập đến Vấn đề Nhận thức. Âu đó cũng là một sự đòi hỏi của phương pháp suy tư Triết học vậy.



[1] Thực ra Sartre dùng kịch đề chứng minh triết lý lý thuyết, còn G.Marcel cho rằng kịch phản ảnh những kinh nghiệm sống (triết lý ẩn tàng) có trước và là nguồn gốc cho triết học tường minh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt