Nhập môn triết học

Vấn đề giá trị đặt ra như thế nào?

 

VẤN ĐỀ GIÁ TRỊ ĐẶT RA NHƯ THẾ NÀO ?

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Lê Thành Trị. Đường vào triết học. Phần 3: "Các vấn đề triết học". Tủ sách Triết học, 1971, tr. 143-163.


 

Người không nhưng đối diện với thực tại Người còn đánh giá thực tại. Bông hoa đẹp, thiếu nữ xinh, bà mẹ hiền, người bạn tốt bản nhạc vui hoặc ngược lại khúc nhạc dở, người bạn xấu bà mẹ ác, v.v. Có thể nói rằng cuộc đời là một chuỗi đánh giá sự vật hơn là nhận thức thực tại, cuộc sống nhân loại là cuộc sống nhìn qua và bằng giá trị. Có một điều cần nói ngay là tuy vậy giá trị không phải là một cái gì ta thấy ngay được, trái lại là kết quả của một suy tư vất vả và bền bỉ. Nói khác đi, nhân loại sống bằng giả trị, nhưng không mấy người cỏ được ý niệm xác đáng thế nào là giá trị. Triết gia hoặc nhà tư tưởng sẽ tự dành cho mình vinh dự làm công việc tìm hiểu và định nghĩa ý niệm ấy.

Thái độ của triết gia có phải là ảo tưởng hay ít ra là quá đáng không. Mới đầu, giá trị xem như là việc của cả nhân, mỗi người tự hiểu lấy thế nào là giá trị. Người ngoài cuộc là khách bàng quang không có lý do gì phán đoán được kẻ ở trên sân khấu. Hơn nữa theo nhận định của Goethe, một đại thi hào Đức quốc, lý thuyết là một người bạn ủ đột, ngây ngô,và người nói lý thuyết chẳng khác gì con vật cô lập trong bụi cây khô, chung quanh là yêu quái, gầm thét, hung dữ...

Chúng tôi nghĩ rằng thái độ của Goethe là một cực đoan, kết quả của thiện chí chống lại những người chỉ biết có suy luận trừu tượng và cho lý thuyết mới là chân lý.Thực ra, suy tư lý thuyết không phải là tất cả chân lý. Nhưng suy tư thuần túy là thành phần của cuộc sống và việc Goethe đối lập lý thuyết và cuộc sống là một điều nhầm lẫn. Cuộc sống mà không có ít ra một cái nhìn của lý thuyết thì cuộc sống ấy không đầy đủ, không phải là của người. Hơn nữa, lịch sử ghi nhận rằng không có một triết gia nào không nhiều ít trực hay gián tiếp bàn đến giá trị nói chung hay các phương diện của giá trị như ích, thiện mỹ. Lý thuyết đối với cuộc sống như thế nào thì giả thuyết xét theo lý thuyết cũng đối với cuộc sống như vậy. 

Nhưng, như đã được gợi ý, có lẽ không có phạm vi suy tư nào khó khăn và rắc rối như phạm vi giá trị. Lý do chính yếu nhất là vì không ai không "thấy" giá trị theo sự đánh giá đậm màu chủ quan của mình. Rút ra được những nguyên tắc căn bản cho giá trị khả dĩ được mọi người chấp nhận là một việc tưởng như không bao giờ thực hiện được. Nhưng nhân loại đã cố gắng thì sự cố gắng của thế hệ ta không phải là một việc làm vô bổ.

Một gã cao bồi có hạng trác táng, mất dạy, ta hãy cho nó một cái tên : Cao chẳng hạn, một hôm bảo một người bạn tên là Hiền về nhà lấy dao cắt cổ mẹ để hai đứa cùng có tiền tiêu xài trong các hộp đêm ở Saigon ánh sáng này. Hiền một thanh niên bình thường lành mạnh, vô tội, gạt ngay lời đề nghị của bạn. Nhưng Cao không nản. Cao hỏi Hiền : Tại sao cậu không cắt cổ mẹ cậu khi bà ta còn ngon giấc trên giường ? Công việc quá dễ mà một phút là xong việc, chúng mình có tiêu xài phỉ chí. Đời người ta chỉ có thế : ăn nhậu chơi bời rồi chết khi nào thì chết. Ở vào địa vị của Hiền ta sẽ trả lời cho Cao như thế nào ? Ta viện đến nhà tù, đến sự kết án của dư luận, đến tình mẫu tử v.v... ? Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ rất lúng túng nếu chúng ta không có một lập trường dứt khoát từ trước hay ít ra chúng ta chưa được chuẩn bị để trả lời những câu hỏi tương tự. Những lý lẽ như: con giết mẹ là bất hiếu, là vô nhân đạo, là quái gỡ v.v. không phải là câu trả lời dứt khoát để biện hộ và giải thích sự từ chối của chúng ta. Câu trả lời như vậy chưa thấy được đặt trên một nền tảng vững chắc nào cả. Hay là tại vì lời giáo huấn : con không được giết mẹ đã quả in sâu vào con người, đã trở thành hiển nhiên cho mọi người sinh ra trên mặt đất này cho nên không cần phải lý luận gì thêm hoặc lý luận chỉ tổ làm cho sự kiện tỉnh giảm tính chất mệnh lệnh của nó ? Sự việc là như thế nào là như thế ấy rồi tại sao lại phải phân tách lý luận?

Đồng ý rằng sự kiện là như vậy. Nhưng tại sao lại có sự kiện ấy và sự kiện ấy đã dựa trên những ý nghĩa nào ? Một lần nữa, muốn phần nào giải quyết những vấn đề đã đặt ra, tưởng không có phương pháp suy luận nào khác thần hiệu hơn là phương pháp hiện tượng luận. Có thể nói rằng đối tượng thân hữu nhất của hiện tượng luận là Giá trị. Tất cả những triết gia của Giá trị hiện đại đều đã xử dụng phương pháp ấy.

Tại sao không được và không nên giết mẹ? Đây là một tiếng lòng của bất cứ người con hiếu thảo nào. Tiếng lòng ấy luôn luôn nhắc nhở rằng: mày mắc ơn mẹ mày. Câu nói này là một dự kiện ai cũng trông thấy, một dự kiện không lệ thuộc vào ý muốn của người con của ta. Dự kiện ấy, tự nó xuất hiện như bất cứ một sự vật nào trong vũ trụ. Người sinh ra, trước một mọi sự khuyên bảo dạy dỗ, đã thấy mình đối diện với dự kiện ấy, và dự kiện ấy đối với người con còn chắc thực hơn sự vật khác. Các triết gia gọi đó là một hiện hữu (étant). Nhưng hiện hữu thuộc loại nào ? Dĩ nhiên ai cũng thấy rằng sự hiện hữu ấy không thể liệt vào hạng của những hiện hữu vật lý hữu hình. Chúng ta không thể tìm gặp hiện hữu ấy ở một chỗ nào trong vũ trụ. Nhưng hiện hữu ấy , vượt lên trên thời và không gian. Bạo chúa Caesar đã từng nghe tiếng lòng hiếu tử ấy, cũng như ngày nay, ở đâu đâu con người cũng đang được nghe mệnh lệnh muôn đời ấy. Đó là hiện hữu thuộc loại hiện hữu lý tưởng như những ý niệm toán học vậy.

Nhưng khác với hiện hữu toán học. Vì rằng, và đây là điểm quan trọng, ý niệm toán học chỉ nói lên cái gì , có như thế này và không có như thế kia, trong khi trong phạm vi giá trị, một câu nói là một đánh giá, một đòi hỏi, một mệnh lệnh. Sâu xa hơn, một hình tượng hay ý niệm toán học hiện hữu một cách tuyệt đối toàn vẹn, không đòi hỏi một điều kiện nào khác ngoài sự được nhận thức một cách minh và biệt như Descartes nói. Trong khi đó, hiện hữu của giá trị đòi được không những nhận thức theo sự có của nó (hiện hữu có) mà còn có mệnh lệnh, cho nên hiện hữu của giá trị gồm hai hiện hữu nếu nói được như vậy : có và có tính cách mệnh lệnh.

Liệu ta có thể giải thích tại sao có mệnh lệnh ấy không? Dĩ nhiên ta có thể tìm hiểu nguyên do. Nhưng, như đã nói, ta không nên quên rằng chúng ta đối diện với một mệnh lệnh đặt ra cho ta. Kant gọi mệnh lệnh ấy là một phạm trù. Kant lại còn cho rằng chúng ta chỉ phải chấp nhận và không nên hỏi tại sao vì hỏi như vậy không có nghĩa gì cả. Trong phạm vi kỹ thuật thì khác hẳn. Chẳng hạn bác tài xế lái xe qua một đoạn đường cong bên lề vực thẳm. Bác tài chỉ được đạp ga 2/3 mức tối đa. Đó là một mệnh lệnh. Đạp ga quá mức đã trù liệu, chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra; người và xe sẽ sa xuống vực. Nhưng mệnh lệnh ấy chỉ là một lời chỉ dẫn và hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích đeo đuổi: vượt qua vực thẳm một cách an toàn. Nếu người lái xe không còn muốn vượt qua cầu, không còn muốn sống nữa, thì mệnh lệnh kia không còn nghĩa lý gì. Nói kiểu khác, mệnh lệnh ấy chỉ có cho người lái xe ấy và trong trường hợp ấy và tuỳ theo ý muốn hoàn toàn cá nhân của y. Trái lại "mày phải hiếu thảo với mẹ mày", mệnh lệnh này không tùy thuộc ý muốn của người con của bất cứ người con nào,và không tuỳ thuộc một mục đích nào cả. Mệnh lệnh là mệnh lệnh, thế thôi. Đó là ý nghĩa phạm trù của mệnh lệnh tuyệt đối. Trời đất này có tan ra mây khói đi nữa thì mệnh lệnh "mầy không được giết mẹ mày", vẫn phải áp dụng, vẫn có giá trị một mệnh lệnh. Đã là làm con thì phải có hiếu với cha mẹ, không ai hủy bỏ được mệnh lệnh ấy kể cả cha mẹ.

Giá trị cũng như tình cảm, đặc biệt là tình yêu. Tình cảm được chống đỡ bởi suy luận sẽ thắm thía mặn mà và bền vững hơn. Giá [trị] sẽ tăng gia tác động đối với ý chí chúng ta, nếu được suy tự và lý trí chấp nhận. Vô tri bất mộ. Liên hệ này hơn nơi nào khác ở đây có một áp dụng rất mãnh liệt và thích ứng. Càng thấy ý nghĩa của mệnh lệnh, phản ứng chúng ta càng nhiệt thành. Nghĩa là ý chí càng được thúc đẩy, thì sự phản đối hay hưởng ứng càng hăng nồng. Đành rằng cũng như trong nhiều phạm vi khác, ở đây còn phải đếm kế đến tình trạng thân thể và tinh thần. Khi trong mình thấm mệt, thì sự phản ứng yếu ớt. Nhưng dầu sao thì tầm quan trọng của đối tượng và nhiệt tình suy từ của ta đối với đối tượng ấy, mới chính là những yếu tố quyết định trong vấn đề giá trị.

Chúng ta có thể kéo dài sự mô tả hiện tượng luận về giá trị. Nhưng tôi tưởng sự mô tả trên đây cũng đã khá đầy đủ để chúng ta sang qua công việc giải thích tình trạng như đã thấy trong sự mô tả ấy. Vậy trước khi giải thích, tôi muốn lưu ý thêm về ba điểm sau đây.

Trước hết, hệ là sự vật (la chose), nghĩa là cái gì có thực, có thể thấy được, đều chứa đầy giá trị, giá trị tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu, hay hay dở... Trong trường hợp ví dụ nói trên đây, cái có thực là việc giết mẹ. Cái có thực thứ hai, cũng trong trường hợp ấy, là bản chất làm cho ta đánh giá việc làm. Bản chất ấy hiểu theo nghĩa danh từ giá trị. Nói khác đi, cái làm cho ta đánh giá việc làm chính là bản chất của việc làm ấy và bản chất ấy gọi là giá trị. Thứ ba là tương quan giữa ta và việc làm ấy, sự phản ứng của ta, ta nghĩ thế nào về việc ấy, nghĩa là phán đoán của ta như thế nào, và ta có ước muốn việc làm ấy không hay vì ước muốn gì khác hơn đã khiến chúng ta không chấp thuận làm việc ấy... Chúng tôi muốn nói đến vai trò của trí tuệ và ý chí trong việc giết hay không giết mẹ. Không thể làm lẫn ba yếu tố ấy được, vì đó là ba điều khác nhau. Cái mang chức giá trị khác với chính giá trị và khác với thái độ của người đối với giá trị.

Có nhiều thứ giá trị, và có nhiều cách phân loại: giá trị kinh tế, giá trị luân lý, giá trị triết lý, giá trị cụ thể, giá trị lý tưởng, giá trị thực hoặc đã được thực hiện. Ở đây chúng tôi phân ba nhóm thuộc ý nghĩa tinh thần: giá trị luân lý, giá trị thẩm mỹ, giá trị tôn giáo. Cần nhắc lại rằng nói chung giá trị có nghĩa là phải như vậy, phải có như thế này hay thế kia. P. B. Grenet viết rằng các triết gia chuyên bàn về giá trị suy luận như sau; giá trị là cái phải làm, do đó là cái sẽ có, là cái chưa có và có lẽ không bao giờ có. Từ lúc một thực tại có, thì thực tại ấy không còn phải có nữa, thực tại ấy không phải là giá trị...(Ontogie,178). Grenet muốn đối lập giá trị với hữu. Trong khi đó thì Gabriel Marcel quan niệm giá trị là do sự cố gắng không thành công để lấy lại trong ngôn từ cái gì đã thực sự mất trong trí tuệ. (Les hommes contre L'humain, 96). Gabriel Marcel muốn nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ, nói khác đi giá trị là do sự thẩm giá của trí tuệ. Nhưng qua hai thái độ trên đây ta thấy một giá trị nói chung vẫn là cái phải có.

Thế nào là giá trị luân lý ? Giá trị luân lý chẳng những là một đòi hỏi phải có theo nghĩa trên đây như bất cứ một giá trị nào khác má còn là một đòi hỏi phải làm như thế nầy hoặc không được làm như thế kia, đó là một đòi hỏi đến hành động (dois faire). Hành động của người. Không hành động, không có giá trị luân lý. Pie XII giải thích giá trị ấy như sau : Giá trị luân lý của hành động nhân loại lệ thuộc trước hết vào đối tượng của nó. Nếu đối tượng phi luân thì hành động cũng phi luân; không cần biết đến lý do gợi ra hành động hay mục đích hành động theo đuổi. Nếu đối tượng trung hoà hay tốt, lúc đó người ta có thể tra vấn những lý do hay mục đích là những điều làm cho hành động có những giá trị mới. Nhưng một lý do, dầu cao thượng mấy, cũng không bao giờ đủ để làm cho một hành động trở nên tốt hay xấu. (Diễn văn ở Hội nghị thứ XIII Của Hiệp hội quốc tế về Tâm lý ứng dụng, II, 3-I0 tháng 4,1928).

Giá trị thẩm mỹ là giá trị của Đẹp, của Xấu, của Trang nhã hay Lố bịch, của Cao thượng hay Mỹ miều, Siêu kỳ... Giá trị này là do sự đòi hỏi của cái phải có, chứ không liên hệ gì đến hành động, người thưởng thức chỉ phải hướng theo những điều phải có trong đối tượng thẩm mỹ, chử không bắt buộc phải hành động. Chẳng hạn ngắm nhìn một toà nhà đẹp, người ta chỉ phải tiếp nhận cái đẹp đã có sẵn của cái nhà ấy, giá trị đẹp của nhà không đòi hỏi gì khác. Hơn tất cả, giá trị này liên hệ đến tình trạng tâm hồn và thể xác của chúng ta lúc chiêm ngượng cái đẹp, nhất là đẹp cảm giác.

Sau hết là giá trị tôn giáo. Giá trị của những người có tín ngưỡng. Rất khó mà phân tách giá trị này, vì đặc hữu của nó là linh hướng, nghĩa là hướng về những gì linh thiêng mà giáo hữu tin thờ, yêu mến, thành kính. Giá trị của những người tự phó thác vào tay đấng mình tôn thờ như hài nhi nằm gọn trong tay người mẹ hiền âu yếm. Giá trị này liên hệ rất nhiều đến thẩm mỹ và luân lý. Tuy nhiên không phải vì thế mà không phân biệt được, ít là theo nguyên tắc. Chẳng hạn giết mẹ, về mặt luân lý là một hành động độc ác nhưng về phương diện tôn giáo lại là một trọng tội. Đàng khác giá trị luân lý đã được các triết gia dày công nghiên cứu, giá trị thẩm mỹ ít được chú ý đến trong khi đó giá trị tôn giáo đang cần đến một công trình nghiên cứu sâu rộng và căn bản. Chẳng hạn thế nào là thánh tính (le sacré), cho đến nay chưa một triết gia nào phân tách được đầy đủ. Đại khái, thánh tính không đồng nhất với "tốt" hay "xấu", mà là một cái gì không thề sờ mó đến mà không bị dơ nhớp hoặc làm dơ nhớp (Ernoutet Meillet, Dictionnaire étymolog.); ý niệm thánh tính gợi lên một cảm xúc phức tạp đặc biệt (sui generis), gồm có bỡ ngỡ, kính trọng, luyến ái, hiếu kỳ, dè dặt, ham muốn, sợ hãi, lo lắng... tất cả làm thành một tâm trạng duy nhất (M. Pradines, Esprit de la Religion, 203); thánh tính gợi ra nơi người giáo hữu những tâm tình giống hệt như lửa gợi lên nơi trẻ con : cũng lo sợ bị chảy nhưng cũng ước muốn đốt lên ; cũng đều xúc động trước sự gì bị cấm đoán, nhưng đồng thời cũng đều tin tưởng rằng nắm được sự ấy sẽ có sức mạnh và thế giá, và trái lại nếu thất bại không chinh phục được thì sẽ bị thương tích hoặc tử nạn (R. Caillois, l'homme et le sacré, 42). Louis Lavelle trong cuốn Esprit Saint cũng cố gắng phân tách thánh tính nhưng cũng chưa được sâu rộng và khả quan lắm.

Nhưng trung tâm vấn đề là ý nghĩa của biến thái trong việc thẩm phán giá trị. Thẩm phản luân lý, nhất là thẩm phán tôn giáo không đồng nhất trong thời và không gian. Không nói tới những tôn giáo có tổ chức, hiện nay còn rất nhiều tín ngưỡng nhiều khi như mê tín dị đoan. Riêng về luân lý, thì theo nhiều nhà nhân chủng, có những dân tộc, nhất là dân tộc bán khai hay mọi rợ, cho là đáng kính, đáng mến những gì các dân tộc văn minh cho là ghê gớm, khả ố, tội lỗi. Một người đàn bà trần truồng có thể là một kỳ công tuyệt tác của tạo hóa, không có gì mà phải che dấu, hay sợ hãi. Quan niệm của họ về dâm dục hoàn toàn khác với quan niệm của nhiều xứ theo các nên luân lý Thiên Chúa giáo hay Khổng giáo hoặc Phật giáo. Malinowski, Dorothy Dee, Levy Strauss chẳng hạn, đã ghi lại những trang rất đậm và kỳ thú về phong tục cũng như thực hiện luân lý của các dân tộc da đen, da đỏ. Người Trobriander chẳng hạn quan niệm rằng cái gì mới là cái xấu, cái phải vất đi, không đáng và không được mong ước. Họ chủ trương giữ nguyên tình trạng (statu quo), hoặc trở về với hoàng kim thời đại của thủy tổ loài người. Nói đúng hơn họ không có quan niệm về giá trị, nhất là giá trị luân lý, mà họ chỉ sống như tổ tiên họ đã sống không cần suy luận hay thắc mắc gì cả (Dorothy Lee, Freedom and Culture, trg 103–104). Việc thẩm định giá trị do đó nhiều người cho là tương đối.

Có hai học thuyết đáng chú ý: một là thuyết thực tiễn hai là thuyết duy tâm theo nghĩa rộng của danh từ.

Quan niệm thứ nhất được các nhà duy nghiệm Anh Quốc bênh vực, cho rằng tương đối và biến thái của thẩm định giá trị là do chính tương đối và biến thái của giá trị. Theo những nhà tư tưởng ấy thì giá trị không gì khác hơn là chính sự hình thành của việc thẩm định giá trị. Tùy theo trường hợp và nhu cầu căn bản người quan niệm thẩm giá như thế nào thì diễn tả giá trị tương ứng như vậy. Khi tình thế thay đổi, sự vật và thái độ tương ứng không còn cần thiết, thì giá trị cũng sẽ phải thay đổi theo. Chúng ta trở lại trường hợp tình mẫu tử. Trong văn hóa ta, giết mẹ là một tội bất hiếu, độc ác. Vì trước hết mẹ sinh ra con, có mẹ mới có con. Vì mẹ cần thiết cho việc giáo hóa con. Vì người mẹ ấy còn có thể cho ra đời những người con khác. Tuy nhiên người ta có thể nghĩ đến một nền văn hóa khác trong đó con sinh ra sẽ được Nhà nước đảm nhận việc nuôi dưỡng và giáo hóa... Aldous Huxley đã nói trong một cuốn tiểu thuyết thời danh của Ông rằng người ta có thể sản xuất một hợp chất và người mẹ sẽ không còn cần thiết mà vẫn có người sinh ra trên mặt đất này. Trong những trường hợp ấy, câu nói "Mày mắc nợ mẹ mày" không còn có nghĩa và cũng không cần thiết nữa: câu nói kể như không có, không có lý do. Và việc Cao đề nghị Hiền giết mẹ là một việc rất mực tự nhiên như việc giết một con chuột nhắt. Vấn đề luân lý về tình mậu tử không đặt ra. Ấy, người chủ trương thực tiển suy luận như vậy.

Ta đừng vội ngờ rằng chủ trương ấy cho giá trị là một thực tại. Những triết gia ấy quả quyết giá trị có thực, nhưng chỉ có nơi thái độ của người thẩm định giá trị.

Lập trường duy tâm như thế nào ? Lập trường này không chối rằng có sự thay đổi thẩm giá : cái đẹp ở đây là cái xấu ở một nơi khác, cái hay và cái dở không luôn luôn duy nhất và đồng thể. Điều đó không riêng gì cho giá trị. Chẳng hạn, để chứng minh diễn tích hình tam giác, xưa kia người Ai cập thấy cần phải vẽ hình ấy ra trên giấy hay trên đất. Nhưng sự chứng minh như vậy không còn đúng đối với chúng ta. Thế mà họ đã chứng minh bằng cách ấy hằng trăm năm. Thực vậy làm gì có hai hình tam giác hoàn toàn giống nhau trên mặt đất này để lấy đó chứng minh cho diễn tích cho hình tam giác nói chung. Mà cũng không thể nhận biết được như thế nào là một hình tam giác đúng. Đối với vấn đề thẩm phản giá trị cũng vậy. Sự thẩm phán ấy tùy thuộc vào cái nhìn của ta cũng như phản ứng của ta khi nhìn giá trị, cho nên thẩm phán giá trị là một cái gì khác với giá trị. Sự thẩm phán giá trị bao giờ cũng biến hóa, tương đối, dị biệt. Trong khi đó chính giá trị thì luôn luôn bất biến và vĩnh cửu. Nếu phải trả lời tại sao và trên căn bản nào thì các nhà duy tâm sẽ nói như Hiền nói với Cao rằng điều đó đã hiển nhiên. Một khi đã nhận định được người mẹ là gì, thì sự sát hại mẹ được thấy ngay là một tội ác, và bao giờ cũng là một tội ác. Chỉ những ai mù lòa mới không thấy điều đó, và nếu có người con nào đang tay giết mẹ, thì chỉ là khi nó đã bị men dục vọng làm đui mù không còn biết xử dụng lương tri để phân biệt trái phải. Giá trị đối với người không khác gì bức ảnh tô màu đối với cặp mắt lành mạnh của người. Đó là một kinh nghiệm trực tiếp và hiển nhiên, nói khác đi sự trông thấy giá trị là một sự kiện thiên nhiên có trước mọi suy luận, mặc dầu ta chưa định nghĩa được như thế nào một cách khoa học.

Max Scheler và nhiều triết gia duy tâm khác vẫn nhấn mạnh rằng trong lãnh vực thẩm phán giá trị có nhiều dị biệt và biến hóa hơn trong bất cứ địa hạt lý thuyết nào khác. Lý do trước hết là, như chúng ta đã biết, giá trị liên hệ đến nhiều hiện tượng nhân sinh, sự thẩm phản lại tùy thuộc nhiều điều kiện tình lý rất phức tạp. Không một ai tự hào nắm được toàn bộ giá trị không một ai thấy được hết mọi khía cạnh hay viễn tượng của giá trị. Do đó giá trị có một cá tính như cá tính của mỗi người thẩm phán giá trị vậy. Hữu thể dầu có hiện hình như trăng rằm tháng tám, cũng vẫn có những phần ẩn nấp như mặt sau của chị Hằng không bao giờ loài người thấy được toàn vẹn. Mà giá trị tăng giảm theo hàm số giai cấp của hữu thể như A. Etcheverry nói, hoặc gắn liền với hữu thể trong động tác nhận thức hay thể hiện giá trị như Louis Lavelle quả quyết cho nên chúng ta lại thấy giá trị phong phú, rộng lớn và cao cả như chính Hữu thể vậy. Vấn đề giá trị cũng là vấn đề hữu thể.

Chỉ có Hữu thể toàn vẹn mới là giá trị toàn vẹn, và cũng chỉ có Hữu thể toàn năng mới thấy được toàn bộ Giá trị. Còn nhân loại và nhân sinh luôn luôn diễn triền theo sự diễn triển của Giá trị trong thời gian. Do đó, người chỉ thấy được từng phần riêng rẽ của giá trị. Và cũng do đó, không có lấy hai người cùng đồng quan điểm về một giá trị: người này trông khả quan hơn người kia, đầy đủ hơn người kia... Vì vậy theo lý thuyết cũng như thực hành, ta không có quyền kết án một người nào khi chưa thấy rõ tội trạng của người ấy. Phương chi khi dư luận còn chia rẽ về tội trạng của người ấy. Với điều kiện cố gắng làm sáng tỏ giá trị một cách hợp lý và hợp với lòng nhân đạo, loài người mới tiến lên được. Sự cố gắng ấy chứng tỏ tính cách hữu hãn và tương đối của việc thẩm phán giá trị vậy.

Giá trị không những là việc của nhận thức mà còn là việc của ý chí và tình cảm. Người khá giả, giàu có sẽ có ngừng nhận định khác với người nghèo khổ, ăn bữa hôm lo bữa mai, Cũng vậy, người văn minh thì óc thẩm mỹ chẳng hạn sẽ không đồng điệu với người mọi rợ hay chậm tiến... Giá trị không thay thế được là như vậy, tuy giá trị có thể giáo hóa được. Nhưng đó cũng là một lý chứng biến hóa của thẩm phán giá trị.

Chúng ta sẽ phải có thái độ nào trước sự tranh chấp duy tiễn và duy tâm. Chúng ta phải nói ngay rằng, quan niệm phải thực tiễn không chấp nhận được. Những người theo thuyết đó đã lầm lẫn giá trị với sự phê phán giá trị, lầm lẫn cái nhìn và phản ứng của ta trước giá trị với chính giá trị Những điều phải thực tiễn nói thì phải duy tâm cũng quả quyết. Nhưng không phải vì thế mà duy tâm phủ nhận tính cách hiển nhiên phi trung gian của giá trị. Nếu cần có thái độ thì đó là thái độ thứ nhất của tác giả.

Thái độ thứ hai phải có bắt nguồn ở nhận định này : giá trị là một cái gì lý tưởng, giá trị không phái là thành phần hay nền tảng của hoạt động tinh thần của ta. Nhưng giá trị cũng không phải là cái gì ở tận trên trời cao xanh của Platon. Giá trị chỉ ở trong trí tuệ nhân loại cũng như các định luật toán học vậy. Tuy nhiên đừng hiểu "ở trong" ngụ ý một sáng tạo hoàn toàn do trí tuệ mà có, chúng ta đồng ý với quan niệm của Le Senne về khách tính của giá trị : "Để tự vượt, cần phải được cách vượt bởi một cái gì không phải do mình mà có, nhưng mình có thể cộng tác với cái ấy đến độ cả hai là một. Cái đó chỉ có thể là Giá trị... Không một Giá trị nào có thể do chính chúng ta mà có ; khi đưa ra một giá trị, người biểu lộ nói ra giá trị nhưng người không làm nên giá trị) (Pour se dépasser, il faut être transcender par quelque chose qui ne provienne pas de soi, mais avec quoi on puisse copérer pour ne faire qu'un avec lui. Ce quelque chose ne peut être que la Valeur... Aucune valeur ne peut provenir de nous mêmes; en produisant une Valeur, l'homme la manifeste, la révèle, mais il ne la fait pas ).

Như vậy nền tảng vũ trụ là cái gì, ở đâu ? Chúng tôi nói ngay rằng giá trị vượt cách chúng ta nhưng không ở ngoài chúng ta như đã nói trên. Điều này rất quan trọng vì ở đây Giá trị có phải đồng nhất với Thượng Đế hay không chúng ta chưa bàn tới. Chúng ta chỉ mới khẳng định tính cách siêu vượt của nó và tính cách siêu vượt ấy không tất nhiên phải là ở ngoài trí tuệ. Vậy phải chăng nền tảng ấy là tương quan giữa người và sự vật? Chẳng hạn như tại sao lòng hiếu thảo đối với cha mẹ là một giá trị? Xét về cơ cấu thân thể và tinh thần, thì ngoài sự kiện con do cha mẹ mà có, con là người của cha mẹ, người con chỉ có thể thành nhân đúng theo ý nghĩa trọn vẹn của danh từ khi người con có bổn phận vâng lời và yêu mến cha mẹ. Tôi nói thành nhân theo nghĩa trọn vẹn bởi vì, nếu không có sự biết ơn và vâng lời ấy làm căn bản, thì xã hội người sẽ đi về đâu, phải chăng là một thế giới của lang sói. Cha mẹ là một giá trị đối với người con : giá trị nằm trong sự tương quan thể xác và tinh thần ấy.

Suy rộng ra, giá trị và thẩm phán giá trị bắt nguồn từ cơ cấu tổ chức vật chất và tinh thần của người. Theo nghĩa đó, giá trị là một cái gì có thực, khách quan. Giá trị được trí tuệ hay tâm tình nhìn thấy trong sự vật đặc thù. Dĩ nhiên sự nhìn thấy ấy, sự thẩm phán ấy, thay đổi theo cơ cấu tổ chức cơ thể của người thẩm phản. Thế nghĩa là giá trị cũng biến đổi, bởi vì giá trị do thẩm phán mà có. Chúng ta đã phân biệt giá trị với thẩm phán giá trị. Đến đây chúng ta nói rằng trong giá trị có hai phần: cá tính và căn bản. Cá tính có thể thay đổi theo cơ cấu của người. Nhưng phần căn bản vẫn bất di bất dịch. Bao lâu người còn là người, nghĩa là do cha mẹ sinh ra, thì không ai kể cả Thượng Đế làm thay đổi được chẳng hạn điều này : sát hại mẹ luôn luôn là một tội ác.

Chúng tôi nghĩ rằng đến đây độc giả đã thấy rằng giá trị có thể phân tách một cách lý thuyết, và hơn nữa có một cơ cấu lý thuyết triết học. Nhưng đồng thời, giá trị không phải là những ý niệm trừu tượng, trái lại là một cái gì lý tưởng chỉ có thể có và tìm thấy trong từng trường hợp cá biệt, từng sự vật cá biệt và trong hành động. Tóm lại, tìm hiểu giá trị trong hành động và khai triển giá trị bằng hành động, đó là ước vọng phải có của kẻ làm người, và là ước vọng cao đẹp nhất cho tinh thần. Giá trị là một kêu mời và là một đáp ứng.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Hide on bush - 23:11 05/04/2024
Ngày 2: chưa hiểu gì
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt