Triết học xã hội

Tìm đâu quê hương và mái ấm

Đối thoại “trực tuyến” với triết gia Hannah Arendt (bài 1)

 

TÌM ĐÂU QUÊ HƯƠNG VÀ MÁI ẤM

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, sẽ lần lượt mời chúng ta đến “gặp gỡ” các triết gia qua những cuộc “giao lưu trực tuyến” (tưởng tượng!) thật thân mật, nhẹ nhàng, vui vẻ, nhưng không kém phần… nghiêm túc! Thân mời bạn đọc vào cuộc “giao lưu” đầu tiên, đối thoại trực tuyến với triết gia Hannah Arendt. Báo Thế giới tiếp thị

 

 

Mục lục

1. Tìm đâu quê hương và mái ấm?

2. Rahel Varnhagen (1858): người cùng khổ và kẻ hãnh tiến

3. Do Thái - Đi đâu và làm gì?

 

Thưa Bà, xin nhiệt liệt chào mừng Bà, và xin phép hỏi ngay: là một khuôn mặt nữ đặc sắc của tư tưởng thế kỷ 20, Bà quan niệm thế nào về triết học?

 H.A: Cám ơn bạn đã “ưu ái” đối với phụ nữ! Và, có lẽ cũng vì là phụ nữ, tôi hiểu triết học trước hết là nỗ lực của con người, qua việc thấu hiểu, làm cho quả đất này, thế giới này, cuộc đời này trở thành ngôi nhà ấm cúng của chính mình. Chúng ta cần một mái nhà thật sự của mình và cảm thấy an toàn, hạnh phúc trong đó, đúng không? Thấu hiểu thì sẽ giảm bớt sự xa lạ, khó hiểu đang vây phủ quanh ta!

Thưa Bà, triết học truyền thống cũng từng nói như thế!

Vâng! Nhưng liệu ở thế kỷ 20, ta còn có thể thấu hiểu hay không? Làm sao hiểu nổi một trại tập trung (thường viết tắt là KZ) trong thời quốc xã? Theo triết học truyền thống, muốn thấu hiểu thì trước hết cần có thiện cảm và tình yêu thương, thì ngày nay làm sao đây? Đó chính là điều tôi muốn đặt ra.

Vấn đề ấy mang đậm tính chính trị. Tại sao Bà lại không thích người ta gọi Bà là “triết gia chính trị”?

 Tại sao ư? Vì tôi thấy giữa triết học và chính trị luôn có sự căng bức, giữa một bên là con người suy tưởng, và bên kia là con người hành động. Để khắc phục sự căng bức ấy (bởi ta không thể trốn chạy trước thực tế!), tôi suy tưởng về chính trị và muốn đơn giản gọi những suy tưởng ấy là “lý thuyết chính trị” mà thôi. Nói chính xác, tôi muốn nhìn chính trị bằng con mắt hồn nhiên, vô nhiễm của triết học! Tuy nhiên, theo những thước đo thông thường, quả thật có thể xếp những gì tôi viết vào triết học chính trị.

Bà gốc Do Thái, sinh ra và lớn lên ở Đức, sau đó phải tỵ nạn sang Pháp, và khi Pháp bị quốc xã chiếm đóng, Bà lại tỵ nạn sang Hoa kỳ. Vậy đâu là “quê hương tinh thần” và “quê hương chính trị” của Bà?

Câu hỏi hay, gợi lại cho tôi bao mối cảm hoài! Quê hương “tinh thần” của tôi, trải bao dâu bể, vẫn là triết học Đức và văn chương Đức. Còn quê hương “chính trị” thì thật khó nói. Ngay từ những năm 30 thế kỷ 20, tôi đã không tin vào chủ nghĩa lập quốc Do Thái và không xem đó là giải pháp. Trong tác phẩm viết về Rahel Varnhagen, một phụ nữ Do Thái – mà thực chất là tự truyện về tôi -, tôi đã nói về cảm nghĩ này, từ rất sớm. Nhà nước dân tộc cũng không phải, vì nó sẵn sàng truất quyền công dân của các nhóm thiểu số và là miếng đất thuận lợi cho chế độ cực quyền. Tôi đã giải thích điều ấy trong tác phẩm khá dài hơi: “Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị” (1951). Có lúc tôi nghĩ nước Mỹ sẽ là quê hương chính trị của mình vì Cách mạng Mỹ rõ ràng đi xa hơn Cách mạng Pháp, đó là trong quyển “Về Cách Mạng“, năm 1963. Nhưng rồi cuộc chiến tàn bạo ở Việt Nam, quê hương các bạn, với những hồ sơ Ngũ Giác Đài và Watergate đầy dối trá… khiến tôi băn khoăn, lo lắng cho tương lai chính trị của nước Mỹ. Từ sau 1975 thì cố nhiên tôi không còn biết gì nữa! Trong khi đó, triết thuyết của tôi ngày càng đến gần với lý thuyết về quyền lực truyền thông, phản đối sự câm nín của bạo lực. Về cuối đời, tôi quay trở lại với Aristoteles và Kant qua học thuyết về năng lực phán đoán mà ta sẽ bàn sau. À, còn quyển thường được xem là công trình chính của tôi nữa chứ: “Vita activa” (1958)…

Quả là một hành trình tư tưởng rất dài! Nhưng trước khi xin phép được cùng Bà ôn lại từng bước trong hành trình ấy, xin Bà nói đôi lời về Martin Heidegger và Karl Jaspers, hai người thầy nhiều duyên nợ với Bà. Kể từ nàng sinh viên 18 tuổi sen ngó đào tơ với ông thầy Heidegger tài hoa tuyệt thế mới chớm 30. Bà không ngại chứ?

 (cười to): Chuyện cũ quá rồi! Như khói, như mây! Và sao lại ngại! Người ta vẫn còn bàn nhiều lắm về mối quan hệ khá đặc biệt của tôi với hai ông thầy, kể từ khi tôi… mất, phải không?

Vâng! Nhất là… dù sao… dẫu lìa ngó ý!

Đó những năm gần cuối 1920, khi tôi vừa vào học triết ở đại học Marburg (Đức) và chàng… Heidegger đang là ngôi sao bắt đầu tỏa sáng! Một bóng dáng phượng hoàng! Những bài giảng của chàng ở đó mới tuyệt vời làm sao! Chàng bắt đầu rời khỏi cái bóng lớn của tôn sư Husserl, tự khai phá con đường mới và say sưa thể hiện trong tác phẩm lớn đầu tay: “Tồn tại và Thời gian” (1927). Biết đâu lại chẳng có phần đóng góp của tôi trong nguồn cảm hứng sôi trào ấy? (cười). Nhưng, yêu một triết gia là nghìn vạn não nường lắm đấy! “Biển dâu lớp lớp, mộng trường so le…”[1]. Thì đó, chẳng hiểu sao, tôi lại chọn làm luận án (“Khái niệm tình yêu trong Augustinus“) với Karl Jaspers vào năm 1929, người thầy mà suốt đời tôi quý trọng. Thế nhưng, tinh ý một chút, ai cũng thấy luận án ấy dùng toàn thuật ngữ của chàng Heid! Qua Jaspers, tôi có thiện cảm đặc biệt với triết học Kant vì nó nhấn mạnh đến tính công khai và sự truyền thông, giao tiếp. Cũng chính Jaspers đã gợi ý cho tôi về thuật ngữ mới, phải công nhận là khá độc đáo sau này: “sự tầm thường của cái ác“, một khái niệm công cụ giúp tôi giải mã về tội ác của chế độ phát xít.

Nhưng phải thú thật, tôi chịu ảnh hưởng của Heidegger nhiều hơn là của Jaspers. Quyển “Vita activa” sau này của tôi vẫn mang đậm dấu ấn của Heidegger khi phê phán nền siêu hình học “chủ thể luận” và hầu như theo sát từng bước các bài giảng thời kỳ Marburg lừng lẫy của chàng! Quả là“xuân tàm đáo tử ty phương tận”, phải không? Tôi buồn và thất vọng bao nhiêu về con người chính trị của Heidegger, nhất là bước lầm lỡ dính líu với chế độ quốc xã trong thời gian làm viện trưởng đại học Freiburg, may là chỉ vỏn vẹn một năm (1933), thì càng thấy gắn bó bấy nhiêu trong đáy sâu tâm tưởng. Mặc dù, trong “Triết học hiện hữu là gì?”) (1948), tôi thẳng thắn phiền trách chàng: với những khái niệm kỳ quái như “Dân tộc và Đất” (Volk und Erde)“, chàng tạo cơ sở cho một “cái Tôi” nguyên tử hóa huyền bí và nguy hiểm. Nhưng thôi, chút nghĩa cũ càng, nhắc qua vậy là tạm đủ, bạn đừng tò mò quá! Muốn biết thêm, cứ đến gặp thẳng hai ông ấy mà hỏi!

Xin lĩnh ý Bà! Tôi sẽ tìm gặp ngay sau đây thôi ạ! Không dám tò mò chuyện riêng, chỉ xin hỏi nốt câu cuối về… chuyện chung. Nhìn khái quát, Bà giống và khác hai triết gia ấy ở điểm cốt lõi nào?

Giống ở chỗ chúng tôi không còn những niềm hy vọng như trong triết học duy tâm Đức nữa! Không còn giả định về “ý đồ của Tự nhiên” (Naturabsicht) như Kant, hầu như sẽ tự động dẫn dắt ta đến một nền Cộng hòa pháp trị chỉnh chu! Cũng không còn thấy bóng dáng một Tinh Thần Thế Giới (Weltgeist) như nơi Hegel và lời hứa hẹn về một sự “hòa giải” tối hậu theo nghĩa siêu hình học nữa. Với “triết học hiện hữu” (gọi là “triết học hiện sinh” cũng chẳng sao, vì tiếng Việt của các bạn phong phú quá!), chúng tôi xuất phát từ sự hiện hữu sống thật của (từng) con người (Dasein), chứ không từ một “bản chất” trừu tượng nào nữa cả.

Nhưng cũng có chỗ khác! Khác với chàng Kim, à quên, chàng Heid, hiện hữu của tôi không quá nhấn mạnh về viêc “bị vứt bỏ giữa đời”, không dành ưu tiên cho sự sợ hãi, ưu tư và cái chết, mà – tích cực hơn?- nói nhiều về tính sinh nở, tính khởi đầu. Tôi muốn “cân đối” lại với triết “hiện sinh”, bổ sung cho cái Tôi cô đơn bằng sự truyền thông, giao tiếp và tính đa dạng, nói ngắn, bằng một triết học mới về hành động. Thật ra, Heidegger, nhất là Jaspers, đã thai nghén những ý tưởng ấy từ rất sớm, tôi chỉ muốn đặt lại như một “phản đề luận” (Antithetik, chữ của Kant). Thói quen ấy đôi khi cũng khiến tôi dễ rơi vào các nan đề không lối thoát khi đối lập quá gay gắt các cặp phạm trù: riêng tư-công cộng, kinh tế-chính trị, quyền lực-bạo lực v.v… như bạn sẽ thấy. “Rằng quen mất nết đi rồi!”, khó mà làm khác và… cũng đã muộn!

 


Nguồn: http://tiepthithegioi.vn/doi-thoai-truc-tuyen-voi-triet-gia-hannah-arendt/

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Trinh Tuấn - 09:57 06/04/2016
Có thể giải thích giữa Phenomenal, noumena, noumenal và noumenon của nhà triết gia Immanuel Kank không ạ!
Triết học - 18:21 16/04/2016
Các khái niệm này của Kant, bạn có thể tìm được lời giải thích cặn kẽ trong cuốn Từ điển Triết học Kant (Nxb. Tri thức & Công ty sách Phương Nam, 2014)
Trung Anh - 10:06 21/10/2023
Ngôi nhà mà bạn đang ở là nơi ông bà, cha mẹ, anh chị em của bạn được sinh ra và lớn lên. Bạn rất yêu quý ngôi nhà đầy kỷ niệm này. Khi ngôi nhà bị xuống cấp, bạn đã sửa chữa bằng các vật liệu mới. Ban đầu là thay thế mái nhà, rồi bạn đập tường cũ, thay bằng tường mới. Sau một thời gian, ngôi nhà lại xuống cấp, bạn thay thế móng nhà và nền nhà mới, cũng như toàn bộ đỗ nội thất. Đến một lúc nào đó, ngôi nhà đã được thay mới hoàn toàn bằng các vật liệu mới. Vậy đỏ có còn là ngôi nhà mà bạn sinh ra và lớn lên? Đó có còn là ngôi nhà đầy kỷ niệm của bạn? (xét theo góc độ TRIẾT HỌC)
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt