Nhập môn triết học

Tồn tại và tư tưởng. 4. Tâm hồn

VŨ TRỤ QUAN

 

PHẦN THỨ BA

 

TỒN TẠI VÀ TƯ TƯỞNG

1 2 3 4

 

TRẦN VĂN GIÀU (1911-2010)

 


Trần Văn Giàu. Vũ trụ quan. Đại học Sư phạm xuất bản, 1956.


 

IV. TÂM HỒN

Mô đất, tảng đá là vật chết; cỏ cây xanh tươi là vật sống; cá chim sống, biết tới lui, là động vật nhưng không biết làm thơ, đọc kinh, nói chuyện triết học; con người - nhất là con người bây giờ - đã sống, đã tới lui được, lại biết làm thơ, đọc kinh, nói triết học. Làm thơ, đọc kinh, nói triết học , v.v… biểu hiện rằng con người có một năng lực mà xưa nay người ta gọi là tâm hồn hay là tinh thần.

Chúng ta đã biết vật chất là gì.

Chúng ta cũng đã biết sinh hoạt là gì.

Còn tâm hồn hay tinh thần là gì? Bản tính của nó là gì? Do đâu mà có tâm hồn hay tinh thần? Nó là thuộc tính của vật chất, hay nó khác hẳn vật chất? Nó là gốc sinh ra vật chất hay vật chất là gốc ra nó? Nói một cách khác, quan hệ giữa vật chất và tâm hồn ra sao?

1. Ý kiến của con người bán khai về tâm hồn

Ở đảo Célèbes lắm khi người bản xứ móc một lưỡi câu trên mũi của một bệnh nhân để cho linh hồn sợ không dám thoát ra khỏi xác, và nếu thoát ra thì bị vướng lại. Người ở đảo Marquises thường bóp mũi, búm mồm bệnh nhân gần chết, sợ linh hồn thoát ra. Ngay ở xứ ta, thỉnh thoảng thấy có người tự nắm hai đầu ngón tay cái khi đi ngang một bãi tha ma ban đêm, sợ linh hồn lảng vảng đâu đó thì ma qủy nó rước đi ! Người Ai-cập xưa vẽ một con chim đầu người bay trên thân thể kẻ nằm để tượng trưng cho linh hồn.

Ngủ thì chiêm bao; người ta nghĩ: thế là hồn đi dạo khi xác nằm êm; thế là có hồn riêng với xác; xác như cái nhà, hồn như kẻ ở trong; xác như bầu, hồn như nước, chết là “trút linh hồn”.

Rồi thì tin: con nít mới đẻ ra, hồn nhập vào xác: nó sống; già, đau, chết: hồn bay ra khỏi xác, sống đâu đó, ở địa ngục, hay đi đầu thai, hay lên thiên đường.

Thật ra, người bán khai chẳng hiểu linh hồn là gì, hoặc họ xem như một luồng gió thoảng qua (như trong quyển “Odyssée”) hoặc họ tin rằng hồn cũng như người nhưng không có xác thịt, tuy nhiên cũng ăn, mặc, lo, buồn…

Các tôn giáo đều dựa vào tư tưởng thô lỗ của con người bán khai tin vào linh hồn bất tử và địa ngục, thiên đàng tưởng tượng.

2. Giải đáp của các mầu duy tâm luận

Duy tâm luận tiếp nối một cách triết học những ý tưởng bán khai kia. Họ còn nhiều lối giải đáp khác nhau về vấn đề tâm hồn (hay tinh thần) nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ:

a. nhận rằng tâm hồn độc lập với vật chất.

b. tâm hồn là chính, vật chất là phụ.

Platon và Aristote là hai nhà triết học duy tâm đầu tiên của Âu châu, nhưng họ chưa duy tâm triệt để bằng những nhà tư tưởng phong kiến hay tư bản trong thời cận đại này. Nói khác hơn, Platon và Aristote tin rằng tâm hồn là nguyên tắc vô vật, tương đối độc lập đối với xác thịt, cơ thể còn sống sau khi xác thịt chết đi, nhưng cả hai đều chưa hoàn toàn phân khai tâm hồn với cơ thể.

Platon phân biệt ba phần trong tâm hồn: phần cao là trí giác, ở trong đầu não, tự động, bất tử, bất dịch; phần thấp là dục vọng và thứ ba là tâm (tim) thì lệ thuộc cho xác thịt, chết theo xác thịt.

Theo Aristote, khi tâm hồn chính là “lý do và nguyên tắc” của thể xác. Nhưng nếu không có thể xác thì không có tâm hồn được. Với ông, mỗi cơ năng đều có một thứ linh hồn; linh hồn thực vật, linh hồn cảm giác, linh hồn động cơ, linh hồn tri thức; trong linh hồn tri thức, có phần thụ động dính với xác, chết theo xác; có phần hoạt động, độc lập với cơ thể, bất tử, chung cho mọi người.

Thánh Thomas đi xa hơn Aristote trên đường duy tâm về vấn đề tâm hồn, linh hồn tri thức từ ngoài nhập vào xác, đồng hóa các thứ linh hồn khác, hồn xác nhập một lại là người.

Descartes thủ tiêu linh hồn thực vật, linh hồn cảm giác và linh hồn động cơ, chỉ để còn có một thứ linh hồn mà ông sát nhập với tư tưởng. Ông tách hẳn linh hồn ra khỏi cơ thể. Descartes ở đây là một nhà duy tâm, nhưng cái duy tâm của ông trước hết là duy tâm tạm thời để đi đến duy vật; ông nói thật là hồi đó, ông phải “mang mặt nạ” để tiến tới, nghĩa là phải nhượng bộ cho siêu hình học để phát triển vật lý học. Lý thuyết về linh hồn, “tôi tư tưởng, thế là tôi tồn tại” là những “nghịch lý” của Descartes mà chúng ta sẽ giải thích nơi khác. 

Dù sao đi nữa, thủ tiêu ba giống linh hồn, xem nó như là tánh chất cơ thể, đó là một tiến bộ rất dài; và sát nhập linh hồn vào tư tưởng, Descartes quả đã làm một cuộc cách mạng về ý thức. Nếu linh hồn rốt cuộc lại chỉ là tư tưởng, thì tôn giáo thần bí đã dựng trên một bọt nước đi rồi!

Mallebranche tự xưng là học trò của Descartes; nhưng Descartes thì “đi ngang qua duy tâm để vào duy vật, còn Mallebranche căn cứ vào phần duy tâm của Descartes để lùi lại duy tâm triệt để, ông nói:

Không có liên hệ tất yếu gì giữa hai thể chất của ta (tâm hồn và vật chất ) không có liên hệ nhân quả giữa một tâm hồn với một cơ thể1

Theo Mallebranche chỉ có một nguyên nhân của mọi việc, là thượng đế thôi. Cái gì cũng là do thượng đế muốn cả, cái gì cũng nhờ thượng đế ban.

“Thượng đế cho tôi tâm linh này cảm giác nọ”

Người ta có thể nói tiếp theo Mallebranche: tại thượng đế muốn lên lăng quăng (bọ gạy) thành muỗi, cho nên gà thì gáy mà chó thì sủa, cho nên đế quốc thì áp chế, lao động thì bị bóc lột, cho nên v.v…

Nói khác hơn, Mallabranche thích viết triết học, tại thượng đế muốn thế; Mallabranche thích đi dạo, ưa nằm nghỉ hay Mallabranche sanh con đẻ cháu đều là tại thượng đế muốn như thế cả.

Còn theo Leibnitz thì xác thịt chưa phải là một thể chất, nó chỉ là một “hiện tượng” thôi, một mơ hồ thôi, và chỉ có linh hồn mới là thực tại ; “linh hồn tùy quy luật của linh hồn ; thể xác tùy quy luật của thể xác, hồn và xác gặp nhau vì lẽ hòa hợp của thiên nhiên” của trời sắp sẵn.

Thế mà Leibnitz dám tự xưng nối chí Descarles; ta còn nhớ Descarles viết thư cho một bà hoàng khuyên bà hoàng ấy chớ nên bỏ cái chắc chắn (đời sống) mà theo đuổi cái mơ hồ (linh hồn).

Spinoza tìm một cách khác để giải quyết liên hệ giữa vật chất và tâm hồn. Ông không cho rằng xác thịt và tâm hồn là hai thứ khác nhau, riêng nhau, trái nhau như Leibnitz. Theo ông, xác và hồn chỉ là một thể chất thôi, thể chất ấy, ông gọi là Thượng đế ; hồn xác hai thứ đi song song với nhau ảnh hưởng lẫn nhau, chẳng hơn chẳng kém.

Cứ theo đó thì Spinoza đã tiến bộ hơn trước nhiều, mặc dầu ông bảo cái thống nhất thể của hồn và xác trong một cái áo thần bí gọi là Thượng đế.

Bergson không trực tiếp nhờ đến thượng đế để giải quyết mâu thuẫn (của duy tâm luận) giữa tâm hồn và vật chất. Ông chỉ nhờ đến một ý tưởng thần bí là luồng “sinh khí” không rõ từ đâu thổi đến.

Ông nói : “thân thể của ta là một hình ảnh ; tư tưởng là tất cả các hình ảnh, một hình ảnh không sinh ra, không bao dung được tất cả các hình ảnh, m ột bộ phận không sanh ra, cũng không bao gồm được toàn thể.

Hay là nói : “ trí nhớ hoàn toàn dộc lập với vật chất”

Theo Bergson, một luồng sinh khí thổi ngang qua vật chất ; sinh nở ra linh tính ở thú vật và trí giác, tâm hồn ở người ; linh tính gần sự sống hơn là tri giác ; sinh khí là làn sóng dưng lên, còn vật chất thì lúc nào cũng trì xuống, nhưng sinh khí kéo vật chất lên sau lưng nó như chiếc đầu máy kéo cái toa xe lên dốc. Một dòng nước chảy dưới lòng sông khác hẳn với con sông ; nhưng tuỳ theo khúc khuỷu của con sông ; sinh khí thổi qua vật chất khác hẳn vật chất nhưng tự nồng vào vật chất, đem cái sống, cái linh động cho vật chất.

Lời lẽ tuy mới, ý tứ Bergson đã cũ lắm rồi; cũng là linh hồn ở trong xác thịt, sống gởI, thác về.

Có thể nói rằng mỗi nhà triết học duy tâm đều có một vài ý khác nhau về căn nguyên, bản tính của tâm hồn và tương quan giữa tâm hồn với vật chất. Nhưng họ giống nhau ở chỗ đồng dựa vào thần bí ; đồng tách tâm hồn ra khỏi vật chất, đồng xem vật chất là phụ thuộc cho tâm hồn; thậm chí, như Lachelier và bao nhiêu nhà gọi là tư tưởng khác coi vật chất như đê tiện, tâm hồn cao quí không nẩy nở trên vật chất được, không tùy vật chất được.

3. Sai lầm của các phái duy tâm luận và ý kiến của duy vật luận.

Về căn nguyên của nó, tâm hồn làm sao tách rời cái sống được, cũng như sống làm sao tách rời vật chất được? Có vật chất mới có sống, một khi vật chất được cấu tạo tới mức nào. Có sống mới có tâm hồn một khi có thể được cấu tạo tới một mức nào. Chúng ta đã biết rằng ở đâu có noãn bạch là có sống, hễ có sống là có noãn bạch; ở đâu có khối óc và thần kinh hệ thì bắt đầu có ý tưởng suy nghĩ trí nhớ v.v… tức là những hiện tượng về tâm hồn. Nói khác hơn, tâm hồn không có căn nguyên  nào thần bí cả, căn nguyên của nó cũng là vật chất, là cơ thể mà thôi.

Nói linh hồn từ ở ngoài nhập vào cơ thể thì trái với tất cả khoa học. Ở đâu mà nhập vào ? xác chưa phải là cái nhà, hồn chưa phải là người ở trong nhà. Điều chắc chắn hơn hết là cơ thể còn yếu, nhỏ, như trẻ con thì tư tưởng, trí nhớ, suy luận đã có gì ? Lớn lên, sống nhiều, sinh hoạt xã hội lắm, thì những hiện tượng tâm hồn mới dồi dào, rồi đau, rồi ốm, cơ thể hao mòn, tâm hồn phải suy sụt xuống. Tâm hồn là một thuộc tánh của cơ thể khi cơ thể tiến triển đến một mức nào.

Khi nhà duy vật quyết rằng căn nguyên của tâm hồn là vật chất, là cơ thể, nào phải vì lẽ ấy mà làm giảm giá trị cao qúy của tâm hồn đâu, nhưng ông Lachelier, Bergson gọi vật chất là đê hèn, là đi xuống thấp ? Chưa át mùi hoa thơm, cằn cỗi ở đất cát “đê hèn” kia, còn ai chối cãi nữa, nhưng ai lại chẳng thích hoa; có bùn mới có sen; nào phải vì tự bùn lên mà hoa sen bẩn ? thì nói tâm hồn gốc ở vật chất, nào phải là mạt sát tâm hồn ?

Bergson bảo rằng “thân thể của ta là một hình ảnh, tâm hồn là tất cả các hình ảnh, một hình ảnh không sinh được tất cả hình ảnh”, nói như thế để tách hẳn tâm hồn ra khỏi cơ thể và tìm cho tâm hồn một căn nguyên thần bí mà ông gọi là “sinh khí”. Song sinh khí vô căn cứ của ông Bergson giống như mưa không có mây, như gió không không khí. Mà bảo thân thể là một hình ảnh đã là sai rồi; bảo tâm hồn là tất cả hình ảnh càng sai hơn nữa, tâm hồn của ông Bergson ở Paris chắc nhiều hình ảnh hơn là tâm hồn của người ở đảo Célèbes chỉ biết có cái xóm làng mình. Mà xét kỹ ra một ngọn đèn có thể chiếu sáng cả một phòng thì làm sao quả quyết rằng “một hình ảnh không sinh ra nhiều hình ảnh được ?” Hà huống chi, trí não ví như một tấm kính mà cuộc đời phức tạp chiếu vào là vô số ý kiến, tư tưởng của ta.

Về tính chất của tâm hồn nhà duy vật quyết rằng căn nguyên của tâm hồn là vật chất, họ không thu tâm hồn lại thành vật chất, cũng như hương sen từ bùn mà không phải là bùn; vật chất và tâm hồn hai thứ hiện tượng ấy phân biệt nhau mà không phân khai nhau, phân biệt nhau mà không phân khai nhau cũng như kinh tế với văn hóa. Sinh hoạt cơ thể với sinh hoạt tâm hồn đã là hai hiện tượng khác nhau về phẩm chất rồi, song cả hai liên quan với nhau, có sinh hoạt cơ thể mới có sinh hoạt tinh thần, cũng như không có vật vô sinh thì không có cơ thể được.

Cao quý mấy, tâm hồn không thể là bất tử được. Cứ so sánh tâm hồn của đứa trẻ, tâm hồn của người lớn tâm hồn của kẻ già gần chết, của người văn minh và người bán khai, của người trụy lạc và người liêm chính… thì biết rõ tâm hồn cũng di dịch như bất cứ hiện tượng nào trên đời, khi thấp, khi cao, khi mạnh, khi tàn. Muốn cho linh hồn bất tử khác nào muốn cho hoa tàn khô héo; tan ra tro bụi mà còn hương vị mãi mãi, hay muốn cho cây khô, lá rụng mà hoa quả cứ tươi luôn.

Về liên hệ giữa tâm hồn và cơ thể, từ Mallebranche tới Leibnitz, các nhà triết học duy tâm đều muốn cắt đứt hẳn liên hệ ấy: họ quả quyết là không có liên hệ nhân quả giữa hai bên. Nhưng sao không được? Tâm hồn của đứa trẻ cơ thể bé bỏng, đầu não mới sinh, chưa sống mấy ngày ở xã hội thì khác xa tâm hồn của ông Leibnitz, Mallebranche đã lớn, đã già kinh nghiệm, đã có khối óc đầy đủ; cắt đứt hay làm tê liệt thần kinh hệ của con người thì tức khắc tâm hồn sút kém, hư hỏng đi “Trí nhớ hoàn toàn độc lập với vật chất” (Bergson) chăng ? Thì tại sao óc trẻ mau nhớ, óc già lại mau quên ? Quên cho đến nỗi lắm lúc lẫn đi như không còn trí nhớ gì nữa ? Quả có liên hệ nhân quả rõ rệt giữa tâm và vật.

Nếu những nhà triết học duy tâm kia trông thấy liên hệ nhân quả giữa tâm và vật thì họ tưởng ngược lại: tâm hồn là nguồn gốc của sinh hoạt, nền tảng của vật chất, họ quên hay giả đò quên rằng phải có con người mới có tâm hồn. Giống người sinh sau cây cỏ, cây cỏ sinh sau đất nước, mà chính tâm hồn của con người ấy cũng phát triển theo sự phát triển của toàn thể xã hội, theo công nghệ, thương mại, nông nghiệp, chính trị, xã hội, văn hóa.

Descartes, Leibnitz, cho đến Spinoza nữa phân khai tâm hồn và vật chất, nên phải nhờ có “Thượng đế” hay “hòa hợp thiên nhiên” mà giải thích liên hệ không chối cãi nổi giữa hai bên. Song giải thích một việc khó bằng một việc khó hơn nữa, giải thích sự vật bằng ông Thượng đế nghĩa là không giải thích gì cả. Tức nhiên ông Thượng đế của Leibnitz và Mallebranche khác Thượng đế của Descartes và Spinoza. Thượng đế của Spinoza trước hết là một chiếc áo thần bí che một thứ nhứt nguyên luận tiếp cận với duy vật. Thượng đế của Descartes trước hết là một lẽ tuyệt đối; còn Thượng đế của Mallebranche, Leibnitz là Đức Chúa Trời.

Đối chiếu với thuyết linh hồn bất tử của duy tâm, có thuyết vật chất và năng lực trường tồn của duy vật luận. Nhà duy vật tin rằng hễ cơ thể chết thì linh hồn mất; nhưng vật chất vẫn còn, và vận động theo hình thức khác, sanh ra cơ thể khác, chẳng mất vào đâu. Nhà duy tâm sợ chết, hay trông mong vào phần thưởng của linh hồn sau khi chết, cho nên dẫu hành động của họ có luận lý mấy đi nữa, giá trị luận lý ấy cứ kém, vì nó vị kỷ; còn, trái lại, nhà duy vật nói rằng chết là không còn linh hồn, song họ làm phải thì quả luận lý ấy mới cao siêu, không vị kỷ chút nào, nhà duy vật không cần thượng đế nào thăng thưởng mới làm việc theo luân thường, đạo lý cách mạng.

4. Duy vật cơ giới và duy vật biện chứng về vấn đề tâm hồn.

Về căn nguyên, tính chất, sinh hoạt của tâm hồn, chúng ta phải phân biệt duy vật cơ giới và duy vật biện chứng; cả hai đều là duy vật, nghĩa là cả hai đều nói rằng vật chất là nền tảng của tâm hồn. Nhưng không phải là chỉ có một thứ duy vật luận thôi; có duy vật cơ giới và duy vật biện chứng.

a. Duy vật cơ giới.

Chúng ta đã biết rằng trong ý của người bán khai,  tâm và vật không hề ly khai tuyệt đối với nhau. 

Nhà triết học nguyên tử luận Démocrite là nhà triết học duy vật luận đầu tiên của Âu-châu: linh hồn đồng thể chất với thần xác và với tất cả các giống loài khác; linh hồn không phải là một lực lượng gì ở ngoài vật chất, nhập vào vật chất, mà chính là bộ phận khăng khít của vật chất thôi; duy những nguyên tử cấu thành linh hồn thì trơn tru, tế nhuyễn tròn trịa, nó là nguyên lý của vận động và sinh hoạt.

Đến những nhà triết học khắc kỷ (như Zénon) thì thân thể là tồn tại thực, cái gì tồn tại thực là thân thể; còn linh hồn là một hơi gió, một tia lửa qua cơ thể cho đến tính tình tốt xấu nữa cũng đều là vật chất cả.

Đến thế kỷ thứ 17, những lý thuyết về tâm hồn đã chịu ảnh hưởng tiến bộ của khoa học cơ giới.

Bác sĩ Cabanis nói: “Dường như khối óc tiêu hóa các ấn tượng; nó phát tiết ra tư tưởng”, và nói rằng hễ khi nào ông thấy linh hồn trên mũi dao mổ xẻ của ông thì ông mới tin có linh hồn. Theo Hobbes thì có tình tứ là nhờ có trái tim; tất cả các ông La Mettrie, Diderot đều cho khối óc là cơ quan để tư tưởng, tư tưởng là cơ năng của khối óc;  nhưng có ông đi quá trớn trên đường cơ giới; như Moleschott bảo: “Nếu không có chất lân tinh thì không có tư tưởng”, hay như K. Voght: “Trái thận phát tiết ra nước tiểu, quả mật nhễu ra chất đắng thì khối óc phát tiết ra tư tưởng”. Ông Buchner vững vàng hơn, nói: “tất cả những năng lực của tự nhiên và năng lực của tâm hồn, đều ở trong vật chất” và “không có năng lực nào không vật chất, cũng không có vật chất nào không năng lực”.

Duy vật luận cơ giới đã đành là tiến bộ hơn duy tâm luận, nhưng hãy còn có nhiều khuyết điểm và sai lầm. Tiến bộ hơn ở chỗ:

+ Nó không còn cần dùng đến ông Thượng đế và lực lượng thần bí nào để tìm cách giải thích những hiện tượng tâm hồn.

+ Nó tin vào năng lực, khả năng của khoa học, để tìm cách vén những bức màn bí mật âm u nhất, khúc mắc nhất.

+ Nó thấy rõ và đúng những căn nguyên sâu xa của các hiện tượng tâm hồn tức là vật chất, cơ thể, trái tim, khối óc của sinh vật, của con người.

Nhưng, duy vật cơ giới sai lầm và khuyết điểm ở nhiều chỗ, phần lớn vì khoa học hồi đó phát triển kém.

Họ sai lầm khi họ nói rằng khối óc nhễu ra tư tưởng như quả mật nhễu ra chất đắng. Tuy những nhà triết học duy vật cơ giới thấy liên quan mật thiết giữa tâm và vật, nhưng dường như họ rút hiện tượng tâm hồn thành những hiện tượng vật chất thôi. Đã hay tư tưởng, cảm tình đều căn cứ vào vật chất mà nảy sanh, những cảm tình, tư tưởng khác về chất với những vật chất như huyết, như mật, như sức nóng.

Khuyết điểm ? Duy vật cơ giới một mặt chưa nhận được những nguyên nhân xã hội trong sinh hoạt của tâm hồn. Nguồn gốc của tâm hồn là cơ thể, song tâm hồn phát triển, sinh hoạt luôn luôn chịu ảnh hưởng vô cùng sâu sắc của hoàn cảnh xã hội, của sự lao động, của các mặt tranh đấu với tự nhiên, với đời sống. Người ta tư tưởng cảm tình suy luận ghi nhớ với khối óc và với cả những hành động xã hội nữa.

Một mặt khác, duy vật cơ giới chưa nhận được phản ảnh của tâm hồn đối với vật chất; họ chưa thấy rằng tâm hồn gốc ở vật chất, song nó có thể đẩy tới hay kéo lui vật chất. Rốt cùng, duy vật cơ giới chưa trông thấy lịch trình tiến hóa của sinh hoạt tâm hồn, từ thấp lên cao, theo sự tiến hóa từ thấp lên cao của sinh hoạt cơ thể.

Dù sao đi nữa, các nhà triết học duy vật hồi thế kỷ 17, 18 cũng là triệt để với khoa học của thời đại. Một mặt, họ đã giúp cho khoa học sinh lý được phát triển lên, một mặt giúp về mặt tinh thần cho cuộc tranh đấu chống tư tưởng phong kiến duy thần lạc hậu. Song, đến ngày nay, cái bức giải thích cơ giới kia đã bị khoa học và triết học mới vượt qua khỏi rồi.

Giải đáp của duy vật biện chứng.

Khoa học giải phẫu chỉ rằng, nói chung, những năng lực về tâm lý, về tinh thần của các động vật đều phát triển theo sự phát triển của thần kinh hệ; thần kinh hệ của một giống động vật càng phức tạp thì năng lực về tâm lý, tư tưởng của động vật ấy càng cao.

Sinh lý học dạy rằng những sinh hoạt tình cảm tâm lý đều mật thiết liên hệ với hoạt động của những thứ hạch trong thân thể; nhà thí nghiệm khoa học thấy khối óc là cơ quan của tư tưởng, suy nghĩ, ghi nhớ. Bệnh lý học ghi thấy những bệnh của óc, óc hư hỏng chỗ nào, hư hỏng cách nào là sinh ra những bệnh về trí nhớ, về suy xét, về tư tưởng của người.

Sinh vật học nhận thấy rằng những sự biến đổi lý hóa làm nền tảng cho sinh tồn của các cơ thể; sinh hoạt là cách tồn tại của những thứ vật chất phát triển cao, và cao hơn nữa thì sinh hoạt có thể sinh ra những hiện tượng tâm hồn.

Con người là một giống động vật cao: chủ nghĩa Darwin đã chỉ rõ và học thuật mỗi ngày một chứng thật.

Con người không phải là một giống loài đặc biệt thần bí; nó từ trong tự nhiên mà có; trí não, tâm can của nó là bộ phận của tự nhiên; thì hiện tượng tâm hồn, tư tưởng của nó không làm sao siêu nhiên, không làm sao ở ngoài tự nhiên được.

Con người chẳng những là một thứ động vật trong tự nhiên, phát triển theo tự nhiên ; nó lại là một sản phẩm của xã hội, phát triển theo xã hội ; điều kiện xã hội là một điều kiện cốt yếu của tâm hồn.

Engel nói:

Căn nguyên sâu xa của hiện tượng tâm hồn, của tư tưởng là vật chất, là cơ thể. Hiện tượng tâm hồn phát triển trên nền móng của cơ thể; song hoàn cảnh xã hội, lại là điều kiện phát triển của nó. Nói khác hơn, con người tư tưởng bằng khối óc và bằng cả hành động của người trong xã hội. Ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội càng ngày càng mạnh đối với sinh hoạt tâm hồn: tư tưởng, nghệ thuật, luân lý, khoa học”.

Và:

Căn cứ vào vật chất vào cơ thể mà sinh, phát triển trong hoàn cảnh xã hội biến chuyển những hiện tượng tâm hồn chẳng những chịu ảnh hưởng mà chính nó cũng phản ảnh rất mạnh đến hoàn cảnh xã hội và đến cơ thể, đến vật chất làm nền tảng cho nó nữa. Còn ai chối cãi được vai trò quan trọng của lý luận, của trí sáng suốt, tính kiên nhẫn, lòng nhân đạo v.v… trong sự phát triển của xã hội, của khoa học ? Có ai phủ nhận rằng một tâm hồn mạnh có sức làm khoẻ mạnh bằng hai những thân thể yếu hèn, tâm hồn yếu hèn làm suy nhược bao nhiêu thân tráng kiện. Ảnh hưởng và phản ảnh”.

 Trong quá trình lao động, con người cải tạo thiên nhiên và tự cải tạo mình nữa”.1

Song quan trọng mấy, suy đến mức chót thấy rõ rằng sinh hoạt vật chất là nền móng của sinh hoạt tâm hồn.

Không phải trí giác của con người quyết định cách thức sinh tồn của họ, mà chính là cách thức sinh tồn quyết định tri giác

5. Phê bình những phê bình

Nhiều nhà học giả phê bình duy vật luận một cách không chính đáng, hoặc phê bình thiếu lý do vững chắc. Chúng ta hãy xét vài ba lối phê bình ấy.

a. “Duy vật luận thủ tiêu nền móng luân lý” chăng ?

  Phần đông sinh viên lúc trước đều có đọc quyển tiểu thuyết “Người môn đồ” của P.Bourget; cả quyển tiểu thuyết là một cáo trạng, nói đúng hơn là một vu cáo, vu cáo rằng những người theo duy vật luận chính là những người phá hoại luân lý, trái ngược đạo đức.

Không nhận có tâm hồn độc lập với cơ thể, không nhận có tâm hồn sống mãi sau khi thân thể chết đi, không nhận có Thượng đế làm chủ cả vạn vật lẫn hồn xác người ta, là có gì trái với luân lý, ngược với đạo đức ? Nhà văn hào Renan viết trong “Đàm thoại triết học” những câu có ý nghĩa sau đây:

Tôi không biết có ông thánh nào hy sinh bằng những người mà kẻ nông nổi gọi là vô thần; duy vật

Những nhà triết học “khắc kỷ” của Hy lạp ngày xưa là duy vật mà họ truyền bá một nền luãn lý rất nghiêm khắc. Ta không thể nói “Tuy” họ là duy vật; ta phải nói “vì” họ là duy vật.

Ngày nay, ai lại chưa thấy rằng những chiến sĩ bên trận tuyến duy vật luận chính là những người can đảm trung chính, hy sinh vì lý tưởng hơn cả; trái lại trong hàng ngũ duy tâm, nào ích kỷ, nào cướp bóc, nào áp chế, luân thường đảo ngược, đạo đức suy đồi. Cứ so sánh phong tục của Moscow với New York thì đủ rõ. Cho nên khi William James nói:

Duy vật luận chỉ là thái độ tiêu cực không tin rằng trật tự luân lý là vĩnh hằng” còn “duy tâm luận là sự xác nhận cần có một trật tự luãn lý vĩnh viễn chăng ?1

thì đó chẳng qua là một lối sàm báng đê hèn mà thôi. Nhà duy vật biện chứng không tin có một nền luân lý chung cho kẻ xâm lược và người bị xâm lược, chung cho kẻ bóc lột và người bị bóc lột; Aristote và Nhà Thờ tán thành chế độ nô lệ, Hégel cổ võ cho nhà nước Phổ lỗ sỹ thì bảo luân lý đó là vĩnh hằng sao ? Nhà duy vật tranh đấu cho dân no cơm, áo ấm, tự do, hạnh phúc, gia đình khỏi tan rã, nếu có luân lý vĩnh hằng thì đây mới rõ là luân lý thật. Còn sợ linh hồn xuống địa ngục, sợ Thượng đế xử phạt, mới làm phải tránh quấy thì đạo đức ấy rất là miễn cưỡng, chẳng đáng khen gì hơn một anh sợ công an bắt bỏ tù mà không dám ăn trộm.

b. “Duy vật luận lệ thuộc tâm hồn cao quý cho vật chất đê hèn” chăng ?

Vẫn hay tâm hồn là cao quý, nhưng vật chất vị tất đã đê hèn. Mà thật ra có phải mọi tâm hồn đều là cao quý cả đâu ? Tư tưởng vị chủng của Hitler lòng tham không đáy của đế quốc là thuộc về hiện tượng tâm hồn mà có cao quý gì ? Vật chất như khí trong ta thở nước ngọt ta uống, máu tươi ta giúp chiến sĩ bị thương…làm sao gọi là đê hèn được ?

Nhưng ông Berkeley, Brunschwig, Lachelier không có lý do gì để xem vật chất như thấp hèn mà tâm hồn không cần đếm xỉa tới. Những ông này tưởng đâu bằng giấy trắng mực đen cắt đứt dây liên hệ nhân quả của tâm và vật, là đề cao tâm hồn; song e rằng đề cao một vật mà không đề cao nền móng của nó thì giống như đề cao con người bằng sợi dây quàng cổ kéo ngược lên trên cành cây.

Vẫn biết, khi ông Brunschwig luận về sinh hoạt của lý trí, ông không cần biết trong trí não ông có những biến đổi lý hóa nào, nhưng ít ra ông phải sống, ít ra ông có khối óc, ít ra ông phải đọc sách…thế là sinh hoạt của lý trí kia đã chưa thoát được vòng quan hệ với vật chất và không bao giờ thoát nổi. Gautama nhiều năm ép xác cho tâm hồn tìm ánh sáng tài thì, trái với ý nguyện, ông chỉ tìm được cái chân lý rằng chủ trương ấy là sai lầm hoàn toàn.

Không phải nhà duy vật cưỡng bách chồng tâm hồn lên trên nền vật chất, sở dĩ nhà duy vật bảo tâm hồn là có sau, vật chất là có trước là vì sự thật như thế bảo ngược lại là nói lảy, là dối mình, gạt người. Nếu có “lệ thuộc” đi nữa, điều đó là vì tự nhiên, không vì nhà duy vật. Nhà duy vật chưa hề khinh rẻ tâm hồn, chưa hề miệt thị lý trí, trái lại, lúc nào họ cũng nhấn mạnh vào sự quan trọng của lý thuyết, của tinh thần. Hơn ai cả, ông XYZ bảo phải học hỏi, trau dồi đạo đức, tính tình. Càng duy vật triệt để, càng cần phải có tâm hồn cao quý đạo đức, chính trực, lý thuyết sáng suốt, duy không được xa khỏi ngoài thực tế, và lúc nào cũng phải tự kiểm điểm trước thực tế khắt khe. Tâm hồn tri giác do vật chất, do sinh hoạt mà ra, song đến mực nào nó có sức cải tạo được sinh hoạt và vật chất và nhân đó nó tự cải tạo.

c. “Duy vật luận đã bị khoa học ngày nay vượt qua rồi chăng” ?

Giáo sư Cuvillier dựng lên vài điểm để phê bình duy vật luận:

+ “Quan hệ mật thiết với nhau chưa phải là tâm vật đông một tinh túy”. Lời phê bình này, nếu đúng thì chỉ đúng cho việc phê bình duy vật cơ giới mà thôi, nhà duy vật cơ giới, xem hiện tượng tâm hồn như vật tế nhuyễn, như chất mật trong gan…như hơi lửa, hơi gió trong cơ thể. Đó là thứ duy vật luận thô sơ của người thời cổ hay của triết học trước Karl Marx, triết học trong lúc khoa học tự nhiên còn kém cỏi.

Duy vật biện chứng nhận thấy sự phân biệt về chất giữa tâm và vật, hai thứ không phải là một; nhưng lại nhận thấy rằng có thể có vật mà không có tâm, mà hễ có tâm thì tất nhiên phải có vật. Nói khác hơn, vật là gốc, tâm là ngọn, vật là trước, tâm là sau; để tâm trước vật, lấy tâm làm gốc, lấy vật làm ngọn, là bảo nước chảy ngược lên nguồn, là bảo con sinh mẹ.

Đối với duy vật biện chứng lời phê bình trên chỉ là một quả đấm trên không trung. Duy vật biện chứng chưa hề tự tiện thủ tiêu tâm hồn để chỉ còn vật chất như nhiều nhà duy tâm lố lăng tự tiện thủ tiêu vật chất để chỉ còn có tâm hồn. Đơn giản là hay, nhưng không phải cái đơn giản nào cũng hay cả.

+ “Duy vật luận là một quan điểm của nhà bác học lúc khoa học sinh lý thắng lợi nhiều… bây giờ nó đã bị vượt qua rồi”.

Có thế chăng ?

Hẳn là không. Trái lại mới đúng. Khoa học sinh lý, giải phẫu bệnh lý, và kể luôn các khoa học tự nhiên và xã hội khác càng phát triển bao nhiêu càng chứng minh duy vật luận bấy nhiêu.

Chắc hẳn, những lời giải thích của Descartes, La Mettrie, Buchner, kể luôn cả Feuerbach không làm thỏa mãn được chúng ta vì một mặt họ chỉ căn cứ vào sinh lý học, một mặt họ chỉ thấy con người cá nhân; họ chưa thấy, như Marx-Engels đã thấy rằng tâm hồn phát sinh từ khối óc, từ thần kinh hệ, từ cơ thể con người, nhưng con người là con người hành động, chứ không phải thụ động, con người là con người xã hội chớ không phải là con người cá nhân ngoài xã hội và ngoài tự nhiên, con người là con người sống ở không gian và thời gian. Tâm hồn, tư tưởng đã đành là phản ảnh của sinh hoạt cơ thể mà nó cũng là và trước hết là phản ảnh của sinh hoạt xã hội, của lao động, của tranh đấu.

d. “Duy vật luận trói buộc tâm hồn vào dây tất yếu, duy vật luận để cho trí thức được tự do” chăng ?

Có người bảo: nếu tâm hồn là ngọn, vật chất là gốc, nếu sinh hoạt vật chất quyết định sinh hoạt tâm hồn, thì tâm hồn không còn tự do nữa. Mà tâm hồn là tự do, tâm hồn cần phải tự do chẳng những không muốn phụ thuộc vào xác thịt mà cũng không muốn phải phụ thuộc, tùy tùng sinh hoạt xã hội nữa.

Nhưng nhà triết học duy tâm nuôi cái ảo mộng mà họ đặt tên là tự do, ảo mộng sao cho tâm hồn, cho tri giác hoàn toàn thoát ly khỏi xác thịt, khỏi điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội và cá nhân. Đó chỉ là ảo mộng thôi vì cơ thể, xã hội đều có quy luật, nhưng quy luật ấy không tùy ý muốn của ta; nếu thần kinh hư hỏng đi thì trí giác suy tàn, tâm hồn lung lạc; sống đời sống lao động thì dễ tin vào xã hội chủ nghĩa hơn là sống đời sống phong kiến; xã hội đương tiến vào dân chủ mới, mình muốn chống cự lại cũng chẳng được nào; cho nên, tâm hồn, trí giác muốn tự do mà chống lại tất yếu, đòi thoát ly khỏi quy luật khách quan của vật chất là một ngông cuồng của nhà tư tưởng nông cạn, duy tâm.

Trái lại, nhà duy vật nhận thấy những quan hệ mật thiết, quan hệ nhân quả giữa vật chất và tâm hồn, nhận thấy tất yếu, như thế không phải là đi vào ngõ lệ thuộc. Có quy luật khách quan; dẫu mình không muốn nhận nó, nó vẫn có, nó vẫn quyết định; như vậy nếu ta không biết nó mới là lệ thuộc, còn nếu biết nó, tùy nó mà biến cải thì đó mới là tự do thật; đó mới là con đường giải phóng của tâm hồn và trí tuệ. Đường này bị cấm, anh “tự do” đi là anh tự do vào ngồi tù; ngõ kia đi được, anh biết phải đi ngõ đó thì anh tới nơi một cách tự do. Như Bacon đã nói rất đúng “Người ta có tuân theo quy luật của tự nhiên thời mới điều khiển được tự nhiên”.

Engels nói rất rõ ràng:

…Tự do là phải hiểu tất yếu. Tất yếu là mù quáng là khi nào chưa hiểu nó được. Không phải mơ mộng hành động độc lập đối với quy luật tự nhiên mà tự do đâu, muốn tự do phải hiểu biết các quy luật ấy; nhờ hiểu biết mà có thể bắt quy luật ấy hành động có hệ thống để đạt những mục đích rõ ràng. Đó là sự thật cho quy luật của ngoại giới cũng như của sinh hoạt cơ thể và chỉ thực của con ngườI hai thứ quy luật mà chúng ta chỉ có thể phân khai trong tư tưởng, không thể phân khai trong thực tế. Cho nên, phán đoán của một người về một vấn đề nhất định, càng tự do thì nội dung của phán đoán ấy càng tất yếu; còn, sự lưỡng lự căn cứ vào cái không hiểu, ta lưỡng lự thì dường như ta là “tự do” lựa chọn giữa một số quyết định cơ thể, phức tạp và mâu thuẫn, lưỡng lự đó chứng tỏ rằng không có tự do.. vậy, tự do chính là làm chủ lấy mình, làm chủ ngoại giới, nhờ nhận thức được quy luật tất yếu của tự nhiên Triết học nào dắt ta đến tự do, càng ngày càng tự do ? - chỉ có duy vật biện chứng” 1.

 



1 Thảo luận về siêu hình và tôn giáo.

1 K. Marx

1 William James, Chủ nghĩa Thực dụng.

1  F.Engels, Chống Duhring, tr.117

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt