Nhập môn triết học

Triết học nước Pháp [phần 02]

 

Tạp chí Nam Phong

Số 9 năm 1918, tr. 155-7

TRIẾT HỌC NƯỚC PHÁP[1]

[Phần 2]

HENRI BERGSON

 

III

    Địch Cát Đức, Ba Ti Căn, Mã Lặc Ba Lan Sĩ, đó là ba tên nhớn trong triết học nước Pháp về thế kỷ thứ 17. Ba ông là ba cái mô phạm chung của các phái triết học đã xuất hiện ra trong đời cận đại này vậy.

    Về thế kỷ thứ 18, cái sức sáng tạo của triết học nước Pháp cũng vẫn mạnh như thế. Nhưng đây ta cũng không thể kể hết được. Ta chỉ thuật qua mấy cái học thuyết quan trọng nhất, cùng kể mấy tên chính mà thôi.

    Ngày nay trong triết học giới mới bắt đầu biến đến cái công nghiệp của ông Lạp Mã Khắc (Lamarck, 1744-1829). Ông là một nhà bác vật, lại kiêm một nhà triết học nữa; chính ông là người khởi xướng ra cái tiến hóa thuyết (théorie de l’évolution). Chính ông là người trước nhất đã sáng nghĩ ra cùng sùy diễn đến cùng cái lý tưởng rằng các giống sinh vật thực là bởi giống nọ biến hóa mà thành ra giống kia vậy. Nhà bác vật nước Anh Đạt Nhĩ Văn (Darwin)[2] về sau này cũng xướng theo một cái thuyết như thế: nói thế không phải để giảm bớt cái danh dự của ông Đạt Nhĩ Văn đâu. Ông Đạt tuy đến sau nhưng đã nghiên cứu thực sự kỹ hơn; nhất là ông đã có công phát minh ra cái nhẽ sinh tồn cạnh tranh cùng phép đào thải các giống. Nhưng cạnh tranh cùng đào thải cũng chỉ giải được cách biến đổi thế nào, không thể giải được sở dĩ làm sao mà sinh ra biến đổi, chính ông Đạt cũng phải chịu như thế. Trước ông Đạt, ông Lạp Mã Khắc đã từng nói về sự biến đổi các giống vật cũng phân minh như thế, mà ông lại cố tìm để giải cái nguyên nhân sự ấy nữa.

    Ngày nay có nhà bác vật lại giở về cái học cũ của ông Lạp, hoặc để điều hòa cái học ấy với cái học của ông Đạt, hoặc để cải lương Lạp học (Lamarckisme) mà thay vào Đạt học (Darwinisme). Xem thế thì biết nước Pháp về thế kỷ 18, bởi tay ông Lạp Mã Khắc thực đã hiến cho khoa học và triết học một cái nguyên lý nhớn để lý hội cái “hữu cơ thế giới”, cũng tức như về thế kỷ trước, nước Pháp bởi tay ông Địch Cát Đức đã hiến cho khoa học và triết học một cái nguyên lý nhớn đề lý hội cái “vô cơ thế giới” vậy[3].

    Vả nước Pháp trước ông Lạp Mã Khắc cũng đã có nhiều nhà bác vật như Bộ Phong (Buffon, 1707-1788), Bản Nại (Bonnet, 1720-1793), nghiên cứu về nhẽ vạn vật, về sự sinh hoạt, phát minh được nhiều điều mới lạ, tức cũng là mở đường sẵn cho ông Lạp Mã Khắc vậy.

    Đại khái thì các nhà tư tưởng Pháp về thế kỷ thứ 18 là nhặt sẵn tài liệu để cho thế kỷ sau dựng lên các lý thuyết về vạn vật. Ta vừa mới nói về sự tiến hóa tức là cái vấn đề về căn nguyên các giống vật. Còn cái vấn đề về sự quan hệ của tinh thần (l’esprit) với vật chất (la matière) cũng do các nhà triết học Pháp về thế kỷ thứ 18 khởi xướng lên. Tuy các nhà ấy thường là thiên về mặt “duy vật”, nhưng trong cách diễn thiết cái vấn đề rất là phân minh tường tận, khiến cho muốn giải ra mặt khác cũng được. Trong các nhà ấy phải nhới mấy tên ông Lạp Mễ Đức Lí (La Mettrie, 1709-1751), ông Cát Ba Ni (Cabanis, 1757-1808), v.v.

    Cái học thuyết của các nhà ấy thực là khai đường mở lối cho môn học mới gọi là “tâm lý sinh lý học”[4] phát đạt trong thế kỷ thứ 19. Nhưng không những một môn học mới ấy, chính ngay cái tâm lý học cũng khởi nguyên tự các nhà triết học Pháp về thế kỷ thứ 18, nhất là ông Công Dịch Lạp (Condillac, 1715-1780). Tuy ông cũng có chịu ảnh hưởng ít nhiều của nhà triết học Anh La Khắc (Locke), nhưng mà chính ông La Khắc chẳng cũng đã chịu ảnh hưởng của ông Địch Cát Đức ư?

    Đây không phải là nói đến cái xã hội triết học; cái triết học ấy là thuộc về xã hội học. Nhưng ai là người chẳng biết rằng nước Pháp về thế kỷ thứ 18 đã gây dựng ra cái chính trị học, khởi xướng ra những tư tưởng làm biến đổi xã hội. Ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu, 1689-1755)[5], ông Đô Ngô (Turgot, 1727-1781), ông Công Đô Tây (Condopcet, 1743-1794), thì nghiên cứu mấy cái lý tưởng về pháp luật, về chính thể, về sự tiến bộ, v.v. Ông Địch Đức La (Diderot, 1713-1784), ông Đạt Lăng Ba (d’Alembert, 1717-1783), ông Lạp Mễ Đức Lí (La Mettrie, 1709-1751), ông Hàn Vệ Tư (Helvétius, 1715-1771), ông Đôn Bắc (d’Holbach, 1723-1789), thì khởi ra cái tư trào muốn lấy “lý” (la raison) mà hoán cải nhân loại, đưa nhân loại vào thời đại máy móc.

    Nhưng mà cái thế lực mạnh nhất trong lịch sử sự tư tưởng ở nước Pháp từ ông Địch Cát Đức đến giờ, thực là cái thế lực của ông Lư Thoa (Jean-Jacque Rousseau, 1712-1777)[6] vậy. Sự biến cách ông khởi lên trong cái “thực tế triết học” cũng sâu mà cũng mạnh bằng sự biến cách của ông Địch trong cái “thuần lý triết học”. Nhất thiết các vấn đề ông đều sát hạch lại cả. Phàm cái gì là ước lệ, là cựu truyền, là phương tiện của người ta đặt ra, ông cũng phá đổ cả. Ông muốn gây dựng lại xã hội, định lại luân lý, đặt lại phép giáo dục, sửa sang lại cả đời người theo  cái nguyên lý thiên niên. Dù người nào không nhận cái tư tưởng của ông cũng phải phục cái phương pháp của ông. Vì cái phương pháp ấy là thuộc về tình cảm, tức là cái phương pháp “duy tình” của ông Ba Ti Căn khi xưa, nhưng đem đến cực điểm vậy. Tuy tư tưởng của không không dựng thành “thuyết hệ”, nhưng các nhà triết học vào thế kỷ 19, nhất là các nhà triết học Đức, đều chịu ảnh hưởng của ông nhiều lắm. Không những triết học, mĩ thuật văn chương cũng bị ông cảm hóa như thế. Cái công nghiệp của ông về đường tư tưởng thực là mỗi đời người lại thấy xuất hiện ra một phương diện mới. Hiện nay ta vẫn còn kế thừa cái công nghiệp ấy vậy.[7]

    (còn nữa)

PHẠM QUỲNH dịch



[1]  Xin xem Nam Phong, số 8, trang 85-88.

[2] DARWIN, Tầu dịch là Đạt Nhĩ Văn, người Anh, làm sách “Chủng nguyên” (Origine des espèces), xướng ra cái thuyết về sinh tồn cạnh tranh (la lutte pour la vie) cùng về phép đào thải (la selection).

[3]  “Hữu cơ thế giới” (monde organique), là cái thế giới có cơ thể tức là gồm những vật có sinh hoạt (như động vật, thực vật). “Vô cơ thế giới” (monde inorganique) là thế giới không có cơ thể tức là những vật chất không sống. – Ai cũng biết rằng ngày nay cái tiến hóa thuyết (théorie de l’évolution) thịnh hành lắm. Theo cái thuyết ấy thì các giống vật là giống nọ bởi giống kia mà thành ra, biến hóa lẫn nhau, càng biến thì càng tiến, không có giống gì bỗng nhiên mà thành được, thực là trái với cái sáng tạo thuyết (dogme de la création) của các tôn giáo. Nhà bác vật Anh Đạt Nhĩ Văn trước nhất dựng cái tiến hóa thuyết thành “thuyết hệ”. Nhưng tôn chủ của cái thuyết ấy thì trước ông Đạt, nhà bác vật Pháp là ông Lạp Mã Khắc đã xướng lên rồi, mãi đến bây giờ trong học giới các nước mới biết cái công ấy cho ông mà nhiều nhà lại muốn bỏ ông Đạt để quay về cái học cũ của ông. Ông Lạp xướng ra cái tiến hóa thuyết thực là giúp cho khoa học triết học được một mối nhớn để giải cái hữu cơ thế giới, cũng tức như ông Địch Cát Đức đời trước đã giúp để giải cái vô cơ thế giới, công hai người cũng là to bằng nhau vậy.

[4]  “Tâm lý sinh lý học” (psycho-physiologie) là hai môn tâm lý sinh lý tham bác lẫn nhau, không một học những hiện tượng trong nội tâm, mà lại kiêm cả những hiện tượng ngoại thể nữa, nhờ cái nọ để giải cái kia.

[5] Montesquieu, Tàu dịch là Mạnh Đức Tư Cưu, làm bộ “Vạn pháp tinh lý” (L’Esprit des lois). Sách này đã từng dịch ra chữ Nho, thịnh hành ở nước Tàu lắm. Cùng với sách “Dân ước” (Le Contrat social) của ông Lư Thoa (Jean-Jacques Rousseau), thực đã có một phần to trong cái tư tưởng của các nhà cách mệnh Tàu tự 15-20 năm mới đây.

[6] Ông Lư Thoa (Rousseau), ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), ông Phúc Lộc Đặc Nhĩ (Voltaire) là ba nhà tư tưởng Pháp người Tàu biết hơn cả, sách vở đều có dịch ra chữ Tàu. Ông Phúc Lộc Đặc Nhĩ đây không nói đến, vì ông là một nhà văn hào hơn là một nhà triết học.

[7]  Ông Lư Thoa lấy tình mà cảm người ta, nên cái cảm của ông sâu xa vô cùng. Ông không phải là một nhà thuần triết học. Ông muốn dùng cái tư tưởng của ông để cải cách xã hội. Ông thường nói mọi sự khổ sở ở đời là bởi xã hội, nên phá đổ xã hội đi, phá đổ quốc gia chính thể đi, thì người ta mới được hoàn toàn tự do, toàn hạnh phúc như đời cổ sơ. Bởi thế mà cái tư tưởng của ông thực là đem rắc cái mầm cách mệnh trong khắp thế giới vậy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt