Nhập môn triết học

Triết lý là gì?

KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
                           

TRIẾT LÝ LÀ GÌ?

KARL JASPERS (1883-1969)

LÊ TÔN NGHIÊM dịch

 


Karl Jaspers.  Triết học nhập môn. Chương 2: "Triết lý là gì?", Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên - Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 30-36.


 

 

Triết lý bị ngộ nhận

Người ta thường không đồng ý với nhau về vấn đề triết lý là gì hay triết lý có giá trị gì?

Vì có người tưởng rằng: triết lý tiết lộ những bí mật kỳ diệu.

Người khác lại nhận thấy triết lý là một lối suy luận vô căn cứ, rồi họ bỏ qua luôn không đếm xỉa gì đến nữa.

Có khi người ta lại coi triết lý là một cố gắng đầy ý nghĩa của những thiên tài.

Người khác lại khinh thường triết lý, cho triết lý là một lối suy luận chủ quan, cố chấp, vô ích do một số đầu óc mơ mộng nghĩ ra.

Có người cho rằng: triết lý liên quan đến vận mệnh của mỗi người, nên triết lý phải đơn sơ ai ai cũng hiểu nổi.

Người khác lại tưởng rằng: triết lý quá khó, không thể học hỏi hay sưu tầm được.

Nói tóm, danh từ triết lý bao hàm một lãnh vực khá rộng rãi nên mới thấy nhiều nhận định mâu thuẫn như trên.

Khoa học với triết lý

Tệ hơn nữa, những ai có đầu óc khoa học đều thấy triết lý không đem lại một kết quả hiển nhiên, hay kiến thức chính xác nào. Khoa học ngành nào cũng nắm được những kiến thức chắc chắn mọi người đều chân nhận. Trái lại triết lý qua bao nhiêu nỗ lực kể đã hàng ngàn năm vẫn chẳng thành tựu gì. Không một ai là không thấy rằng: trong lãnh vực triết lý không bao giờ có sự biểu tình đồng tình nhất trí để có thể thiết lập một số kiến thức chính xác khách quan. Một kiến thức nào bất cứ, hễ đã căn cứ trên những chứng minh chính xác, bất kháng thì không còn là triết lý nữa mà là chân lý của khoa học. Như thế kiến thức ấy đã thuộc lãnh vực trí thức riêng biệt của khoa học rồi.

Nhưng khác với khoa học, tư tưởng triết lý hình như lại không tiến bộ gì cả. Dĩ nhiên chúng ta biết nhiều hơn Hippocrate (một Y-sĩ Hy-lạp) nhưng chúng ta không thể tự hào đã vượt xa hơn Platon. Có chăng chúng ta chỉ hơn tiên sinh về những kiến thức khoa học, còn những gì thuộc phạm vi sưu tầm triết lý đúng nghĩa, có lẽ chúng ta mới gần theo kịp tiên sinh thôi.

Khoa học thì được mọi người công nhận. Trái lại triết lý bất cứ dưới hình thức nào đều không thể được mọi người biểu đồng tình. Bản tính của triết lý là như thế. Nên những gì tìm tòi và chinh phục được ở địa hạt triết lý đều không có tính cách đích xác như khoa học và được mọi người biểu đồng tình. Đây là một công cuộc tự kiểm thảo[1] mà kết quả của nó chi phối cả số mệnh của con người. Hơn nữa những kiến thức khoa học chỉ hạn định trong những đối tượng đặc thù mà không liên hệ đến toàn diện sự hữu[2] là những gì liên hệ đến con người vì là con người. Ở đây, những chân lý khi bừng sáng lên có thể xuyên xuống những nơi sâu kín hơn mọi kiến thức khoa học.

Muốn xây dựng một hệ thống triết lý thì thiết yếu phải cần tới khoa học, phải giả thiết những tiến bộ của khoa học đương thời. Nhưnghướng đi của triết lý lại phôi thai từ một nguồn suối khác. Chiều hướng ấy đã xuất hiện trước tất cả mọi khoa học, ngay lúc con người vừa tự phản tỉnh.

Những ý kiến triết lý thông thường

Triết lý thông thường có những đặc điểm sau đây:

1) Trong triết lý ai ai cũng cảm thấy như mình có đủ khả năng suy tư. Trái lại trong khoa học cần phải nghiên cứu thực tập theo phương pháp. Nhưng trong triết lý ai ai cũng có tham vọng tự tìm hiểu và được quyền tham gia những cuộc tranh luận mà không cần tập sự gì cả. Vì ai ai cũng cảm thấy mình mang thân phận làm người với số kiếp và kinh nghiệm riêng tư của mình. Và lấy thế làm đủ.

Đó là một sự đòi hỏi rất chính đáng nghĩa là ai ai cũng có thể triết lý. Vì những đường lối phức tạp nhất của triết lý như đường lối mà các triết gia chuyên môn đã theo đuổi chỉ có nghĩa khi chúng quy hướng về thân phận con người. Mà thân phận làm người chỉ được thể hiện là tùy ở cách thái mỗi người nắm chắc được sự Hữu và nhân cách của mình.

2) Ở thời nào bất cứ suy tư triết lý đều phải bắt nguồn tự bản ngã và ai ai cũng phải dấn thân vào đấy.

3) Một dấu hiệu chắc chắn khiến con người có thể tìm thấy ở nơi chính mình nguồn suối của mọi lối suy tư triết lý là những thắc mắc của trẻ em. Người ta đã từng nghe ở trẻ em những lời nói có ý nghĩa triết lý thâm trầm như: “Em cứ thường nghĩ em là một kẻ khác. Nhưng không hiểu sao em lại cứ là em?” Như thế đứa trẻ đã như linh cảm được nguồn suối của mọi chân lý: đó là ý thức về sự Hữu nhờ sự nhận thức về chính mình. Nó ngỡ ngàng trước cái ngã huyền bí mà không giải đáp nổi. Đứng trước huyền bí ấy nó cứ thắc mắc hoài.

Khi nghe lịch sử Sáng thế[3] kể: “Thoạt kỳ thủy Thượng đế đã tạo dựng trời đất”, một em bé khác hỏi: “Vậy trước đó có gì không?” hỏi thế, em nhỏ đã nhận thấy nảy ra muôn vàn câu hỏi khác. Và như thế nó cũng nhận ra rằng: trí khôn con người tra hỏi không biết đâu là cùng. Mà rồi cũng không bao giờ có giải đáp thỏa đáng.

Một cô bé khác nhân buổi đi dạo trên đường vào rừng, Bác cô kể cho cô nghe truyện có thần tiên thường nhảy múa nơi đây khi đêm xuống. Cô ta nói “làm gì có thần tiên? Truyện hoang đường!” Thế rồi Bác cô kể truyện có thực, bảo cô nhìn mặt trời di chuyển; và ông nói cho cô hay người ta vẫn thắc mắc không biết mặt trời quay hay trái đất quay; rồi người ta còn viện ra nhiều lý do để bảo trái đất có hình cầu và quay đều. Nghe những điều đó, cô bé gắt, dậm chân phản đối: “những chuyện đó có thật không Bác, làm sao trái đất lại quay được? chân cháu dẫm trên đất chắc nịch đây nè. Cháu chỉ tìm những gì mắt thấy, chân dậm chắc được thôi”.

Bác cô lại hỏi tiếp: con có trông thấy Thiên Chúa đâu không, vậy con có tin Ngài không? Hốt hoảng cô bé quyết đáp: “không có Thiên Chúa làm gì có ta!” Tóm lại, như vậy cô bé ấy đã biết ngạc nhiên vì nhận thấy rằng: vũ trụ này không tự mình mà có. Rồi cô cũng đã biết phân biệt những gì thuộc trần thế và những gì liên quan đến sự Hữu và địa vị của con người trong toàn cục ấy.

Nhân lúc đi thăm bà con một cô bé khác vừa bước lên thang máy cô có cảm tưởng mọi sự đều quay cuồng thay đổi liên miên, có đấy rồi lại không có đấy. Nhưng nghĩ lại cô tự nhủ rằng: làm sao cũng còn một cái gì vững chãi ví dụ tôi lên thang gác đến phòng Dì tôi đây! Đó là một cái gì vững chắc. Sự ngạc nhiên và hoảng hốt của cô trước sự biến hóa liên miên của vũ trụ và sự hủy diệt dần dần của vạn vật làm cô cố sức đi tìm lấy một giải thích.

Tóm lại, với những ý kiến triết lý thông thường vừa kể trên có thể giúp xây dựng được một nền triết lý sơ đẳng.

Nghe thế có người sẽ vội bảo: trẻ em chỉ học lại những gì chúng đã từng nghe thấy cha mẹ hay người lớn nói ra.

Nhưng đứng trước những tư tưởng sâu sắc như vậy không thể nói được rằng chúng đã học ở ai cả.

Người khác lại cho rằng: các trẻ em chưa thể có được những ý nghĩ triết lý sâu xa như thế, chẳng qua chỉ là chuyện tình cờ.

Nếu nghĩ thế người ta đã lãng quên rằng: trẻ em thường sinh ra với một thiên bẩm tính[4][4]. Thiên bẩm tính ấy đã dần dà mất đi khi đứa trẻ khôn lớn. Như thế cùng với năm tháng, là con trẻ chúng ta đi vào cuộc đời khuôn khổ đầy quy chế, đầy dư luận phù phiếm, đầy giả dối và thành kiến, chúng ta như đánh mất hẳn thiên bẩm tính tự nhiên, để tiếp thâu những gì do cuộc đời biến thái đem lại mỗi giây phút. Bấy giờ chúng ta cũng nghĩ, cũng nhìn xem, cũng tra vấn, nhưng rồi mọi điều ấy đều bay vù đi mất. Chúng ta như để chìm vào quên lãng những gì đã đột khởi ở lòng ta trong những giây phút thiêng liêng nào đó. Rồi về sau ta mới ngạc nhiên khi nghe người ta kể lại những điều mình đã nghĩ, đã thắc mắc ngày xưa.

4) Không những xuất hiện nơi trẻ em, một nền triết lý bắt nguồn tự nguyên ủy còn xuất hiện nơi những bệnh phản tinh thần[5]. Năm chừng mười họa, ra như những bệnh nhân này bị một bức màn phủ kín, nhưng một đôi khi bức màn bị xé toang. Lúc ấy ta nghe họ nói được những chân lý cao siêu ví dụ vào những thời kỳ xuất hiện những triệu chứng cuồng loạn, thì họ tiết lộ những bí mật siêu hình kỳ quái. Nhưng hình thái, ngôn ngữ của họ trong những lúc ấy nếu phổ biến ra được cũng không mang một ý nghĩa nào rõ rệt cả, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của thi sĩ Hölderlin và họa sĩ Van Gogh.

Tuy nhiên khi chứng kiến tiến trình ấy, ta có cảm tưởng như được thấy tận mắt bức màn che phủ cuộc sống thường nhật của ta bị xé toang.

Ngoài ra cả những con người lành mạnh cũng có kinh nghiệm thấy rằng: thoạt vừa thức giấc, họ có cảm giác như lúc ngủ đã hiểu nghĩa được những gì kỳ diệu sâu xa lắm. Nhưng khi tỉnh táo hẳn, họ không còn hiểu gì nữa mà chỉ còn những cảm giác huyền ảo.

Nên thực là thâm trầm ý nghĩa câu ngạn ngữ: “chân lý thoát ra từ cửa miệng trẻ em và người điên dại!”.

Tuy nhiên đấy không phải là những sáng tác đặc sắc có thể kiến thiến thành tư tưởng triết lý cao xa. Vì sáng tác thực thụ chỉ có một số ít trí óc vĩ đại minh mẫn và độc lập phi thường mới làm nổi và phải trả qua hằng bao nhiêu thiên niên.

5) Là người không một ai bỏ qua triết lý được vì thế mới thấy triết lý xuất hiện khắp nơi và tồn tại mãi mãi, hoặc dưới một hình thức công cộng hay trong các phương ngôn, tục ngữ cổ truyền trong những triết ngôn thông thường, trong những ý kiến của học giả Bách khoa, trong quan niệm chính trị nhất là trong huyền thoại hồi đầu lịch sử.

Như thế đã rõ không ai là không triết lý. Nhưng còn cần phải xét xem người triết lý có biết mình triết lý hay không? Hay đâu là triết lý chân thực đâu là triết lý ngụy tạo? triết lý có sáng sủa hay mơ hồ? Sau cùng, cả thái độ phủ nhận triết lý cũng đã mặc nhiên là một triết lý rồi vậy.

Đâu là cốt yếu của triết lý?

Theo nguyên ngữ Hy-lạp danh từ “philosophos” (triết gia) được đặt ra để đối lập với danh từ “sophos” (bác học) nghĩa là triết gia yêu mến hiểu biết, trái lại bác học sỡ hữu kiến thức. Nghĩa ấy ngày nay vẫn còn, nghĩa là bản chất triết lý là truy tầm chân lý, chứ không phải chiếm đoạt chân lý. Ngay cả những trường hợp triết lý biến thành giáo điều, thành kiến thức công thức, chung cục hoàn bị, có thể truyền bá bằng giáo khoa được.

Vì triết lý là một cuộc hành trình[6].

Nên với triết lý, tra vấn thắc mắc thường quan trọng hơn giải đáp. Hơn nữa mỗi giải đáp còn đẻ ra nhiều thắc mắc mới.

Như thế, hành trình là số kiếp con người trong trần gian. Nhưng chính cuộc hành trình ấy lại đem cho con người nguồn an ủi vô tận. Hơn nữa, trong những giây phút thiêng liêng, nhờ đó con người còn được hoàn toàn toại nguyện. Nhưng toại nguyện ở đây không phải như khỉ thu lượm được một kiến thức đích xác hay như khi chấp nhận một tín lý, hoặc khi tuyên xưng đức tin. Trái lại ở đây toại nguyện là khi trong trần thế này con người thấy thực hiện được ý nghĩa của một con người đã nhận được ánh sáng của Sự Hữu soi cho. Bắt gặp được ánh sáng sự Hữu ấy trong một cảnh ngộ đặc biệt nào đó trong cuộc sống, đó chính là ý hướng của mọi cố gắng triết lý.

Tóm lại, hành trình luôn mãi và tìm tòi hay được an ủi toại nguyện trong những giây phút thiêng liên cũng không phải những định nghĩa của triết lý. Vì triết lý không đứng trên hay ngang hàng với cái gì cả. Triết lý cũng không do cái khác phát sinh. Trái lại, triết lý chỉ là triết lý bằng thực hiện. Triết lý là gì chỉ có thể qua kinh nghiệm mới hiểu được. Nhờ kinh nghiệm, người ta mới nhận thấy rằng: triết lý vừa là thể hiện tư tưởng linh động vừa là suy tư về tư tưởng linh động ấy hay triết lý vừa là hành động vừa là thái độ giải thích cho hành động.

Tóm lại, chỉ nhờ kinh nghiệm bản thân, mỗi con người mới nhận thức được đâu là bản chất triết lý ở đời.

Những cố gắng định nghĩa triết lý,nhưng không một định nghĩa nào thành công

Ngoài những điều trên còn cần tới những phương thức khác để diễn tả ý nghĩa của triết lý. Nhưng không một phương thức nào diễn tả nỗi ý nghĩa ấy và cũng không có một phương thức nào trôi vượt cả.

Ngày xưa, theo đối tượng, thì người ta định nghĩa triết lý là biết được những vấn đề về thần minh và nhân loại, hay biết được sự hữu theo tính cách là sự hữu.

Theo mục đích, thì triết lý được coi là học để biết chết hay triết lý là biết dùng tư tưởng để tìm hạnh phúc hoặc để thành thần.

Sau cùng theo nội dung, người ta định nghĩa triết lý là lối biết vượt trên mọi lối biết, là nghệ thuật vượt trên mọi nghệ thuật, hay đúng hơn, là môn học không bị hạn hẹp vào một địa hạt riêng biệt nào cả.

Ngày nay, muốn trình bày ý nghĩa triết lý, người ta có thể dùng những phương thức sau đây:

Triết lý muốn nhìn thấy Sự Hữu nguyên thủy, là muốn lý hội được Sự Hữu ấy nhờ sự tự phản tỉnh của tôi với tôi mỗi khi tôi suy tư bằng phản tỉnh.

Hay triết lý là mở đường cho mỗi cá nhân tiến sâu vào Bao dung thể[7], hay triết lý là dám đối thoại với người khác bằng một tình chiến đấu huynh đệ[8] về bất cứ một vấn đề gì.

Hay triết lý là phải có tinh thần minh mẫn không biết mệt mỏi hay chán nản, cả những khi phải chạm trán với những con người vô cùng xa lạ chỉ muốn khép kín, chỉ muốn từ khước.

Tóm lại triết lý là đường dẫn con người về trọng tâm, nơi đây họ mới nhận thức được chính họ trong khi dấn thân vào cuộc đời.

Triết lý vĩnh cửu

Như thế đã rõ dưới hình thức một vài tư tưởng đơn giản và hấp dẫn, triết lý xuất hiện với bất cứ ai kể cả con nít. Tuy nhiên, việc suy diễn triết lý đòi hỏi phải cố gắng liên lỉ, và phải bắt đầu lại luôn mãi mới hy vọng đạt tới được hình thức một hệ thống hợp thời. Chính nhờ đó triết lý đã xuất hiện trong những sáng tác của những đại triết gia và dưới hình thức âm vọng trong các tác phẩm của triết gia trung bình. Dưới hình thức nào cũng được, ý thức phải cố gắng triết lý ấy không thể nào mai một đi được, bao lâu con người còn là con người.

Nhưng không phải ngày nay triết lý mới bị công kích kịch liệt đến thế. Từ ngàn xưa người ta đã lên án toàn diện triết lý như một đồ thừa thãi và nguy hại: triết lý làm gì? có cứu nguy được ai không?

Với những tín điều võ đoán, Giáo-hội bài xích triết lý, cho rằng triết lý dẫn loài người xa Thiên Chúa, mê hoặc và ghì con người lại với trần gian, tác hại họ bằng những lý thuyết không đâu. Chính trị độc tài cũng chỉ trích rằng: các triết gia không lo gì việc xây dựng, cải tạo xã hội, chỉ mải miết giải thích trần gian bằng những lý thuyết vẩn vơ.

Tóm lại, cả hai tổ chức trên đều đồng thanh chửi triết lý là một nguy hại như: triết lý làm rối trật tự, cổ võ tự do cá nhân và đề cao căm hờn bạo động. Triết lý lường gạt con người, làm cho họ xa lìa bổn phận sống của họ. Giáo hội với sức mạnh hấp dẫn của thế giới bên kia căn cứ vào Thiên Chúa mặc khải hay Chính trị với quyền lực thế tục, cả hai đều muốn hủy diệt triết lý.

Ngoài ra triết lý còn tỏ ra bất lực trước những nhu cầu cấp bách và thực dụng của cuộc sống hàng ngày. Thalès, nhà triết học cổ nhất Hy lạp bị cô đầy tớ mỉa mai khi ông sẩy chân sa giếng vì nhìn mây nhìn gió. Cô gái tự hỏi: không hiểu ông hiền triết này lại lo chuyện gì xa xôi mà vụng về sống đến thế?

Nếu bị công kích như thế, đáng lý ra triết lý phải tự biện hộ. Nhưng không thể, vì triết lý không đề xướng ra được một chứng cứ vụ lợi nào để bảo đảm lý do tồn tại của mình cả. Trái lại triết lý chỉ tồn tại là vì bao giờ trong con người cũng tiềm chứa những khả năng triết lý rất hồn nhiên. Những khả năng ấy lại chỉ bênh vực một lập trường vô vị lợi, không tính toán hơn thiệt, mà chỉ chú trọng tới con người là con người. Và nó cũng biết rằng: triết lý sẽ tồn tại mãi mãi bao lâu còn có con người trên mặt đất.

Chính Mác-xít và Phát-xít chủ nghĩa là những kẻ thù triết lý lại cũng biện hộ cho triết lý. Vì những chủ nghĩa ấy cũng phải được suy diễn thành hệ thống triết lý sao cho thích hợp với những chuẩn đích thực tiễn, tuy đó chỉ là những cặn bã của triết lý, nếu xét theo những kết quả họ nhằm. Vì thế chính những chủ nghĩa ấy lại biện hộ cho sự cần thiết bất kháng của triết lý.

Nghĩa là luôn luôn con người cần triết lý.

Nhưng triết lý không thể đấu tranh, không thể tự biện minh mà triết lý chỉ có thể cảm thông. Triết lý không đề kháng khi bị phủ nhận, không tự đắc khi được tán dương. Nhưng trên một bình diện cộng đồng nơi thâm sâu của lòng người, mỗi cá nhân đều cảm nghiệm được triết lý cả.

Đã từ hai ngàn rưỡi năm nay, một nền triết lý cao siêu, có hệ thống mạch lạc đã xuất hiện ở Tây phương, ở Trung-hoa cũng như ở Ấn-độ. Đó là một truyền thống vĩ đại được ký thác cho chúng ta như một di sản tinh thần. Tuy khác nhau về những môn phái triết lý cũng như về những mâu thuẫn, những tranh biện xung khắc, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy rằng tự căn bản vốn có một cái gì độc nhất mà không ai có thể sở hữu được, nhưng bất cứ một suy tư triết lý chính đáng nào cũng đều phải quy hướng vào đấy: đó là triết lý nhất quán và vĩnh cửu (Philosophia perennis).

Vậy, để suy tư triết lý của chúng ta được minh xác và đạt tới được cốt yếu, chúng ta luôn luôn phải quay về với căn bản truyền thống ấy.

 

 



[1] Tự kiểm thảo (eine Vengevvisserung) nghĩa là không nhằm đối tượng ngoại tại như khoa học và triết lý suy lý, mà nhìn vào chính mình, tự suy nghĩ về chính mình.

[2] Toàn diện sự hữu gồm hữu-thường-nghiệm, hữu-hiện-sinh và Hữu-tự-tại. Xem Nhập đề.

[3] Sáng thế ký (Schopfungsgeschichte) quyển đầu trong Cựu ước của Kytô giáo kể lại truyện khai thiên lập địa.

[4] Thiên bẩm tính (Genialitat), ở đây Jaspers như muốn chấp nhận một thứ “nhân chi sơ tính bản thiện” tức là giai đoạn con người sống những gì hồn nhiên, chất phác, nguyên thủy nhất, nhưng khi đi vào đời, thiên bẩm tính ấy đã dần dà bị phai mờ hay tiêu diệt hẳn mất.

[5] Bệnh nhân tinh thần (Geisteskrank): với tư cách một nhà tâm trị học, Jaspers đã quan sát, phân tích và còn điều trị những bệnh nhân tinh thần này. Theo ông, lắm khi những cơn khủng hoảng tinh thần tiết lộ ra nhiều chân lý huyền diệu hơn những trạng thái thông thường.

[6] Cuộc hành trình (Auf-weg-zu-sein) cũng như mọi khuynh hướng triết học hiện sinh, Jaspers chủ trương con đường triết lý không bao giờ chung kết, vì những thắc mắc không bao giờ được giải quyết hoàn toàn.

[7] Bao dung thể là quan niệm đi đôi với quan niệm về Biện chứng Nhảy vượt. Xem chương Nhập đề số 1 và giải thích trên chương đó.

[8] Chiến đấu huynh đệ là trọng tâm của thái độ Thông cảm.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

nguyen ngoc lanh - 09:17 17/07/2015
"triết lý" ở bài này tiếng Anh, Pháp là gì?
Ở VN. triết lý và triết học là hai khái niệm khác nhau. Không nên tùy tiện và lẫn lộn khi dùng từ ngữ.
Triết học - 12:19 17/07/2015
Triết lý trong bản dịch này (1969) tương ứng với "Philosophy" (t.Anh), "Philosophie" (t.Pháp, Đức).
phạm văn hùng - 14:27 05/06/2017
vậy tóm lại triết lí là gì ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt