Triết học Đông phương

Các môn phái của Vương Dương-Minh học

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

CÁC MÔN-PHÁI CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH HỌC

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Sau khi Dương-minh mất rồi, môn-đệ của ông tụ-họp lại, mở nhà thư-viện ở các nơi, đem cái học trí lương-tri mà giảng dạy, lập ra nhiều môn-phái. Trong những môn-đệ ấy có Vương Kỳ, Vương Cấn và La Hồng-tiên là người trác-lạc, hiểu tới chỗ uyên-thâm của cái học trí lương-tri ; nhưng vì đem cái học ấy lên cao quá, thành ra dần dần về sau các học-giả thiên về Thiền-học ; có Tiền Đức-Hồng và Châu Thủ-Ích là người trì-thủ, giữ được cái học thiết-thực làm cho không mất cái chân-tướng của cái học Dương-minh.

1. CHIẾT TRUNG VƯƠNG-MÔN 浙中王門

Môn-phái này ở đất Việt, tức là ở tỉnh Chiết-giang, là nơi Dương-minh giảng học lúc sinh thì. Về sau các môn-nhân tụ-họp ở đó mà truyền cái học của ông. Trong môn-phái này có mấy người trứ danh là Từ ái, Tiền Đức-Hồng, Vương Kỳ, Trương Nguyên-Xung v.v… mà thao-thủ thì không ai bằng Tiền Đức-Hồng.

Từ Ái. – Từ Ái 徐愛, tự là Viết-nhân 曰仁, hiệu là Hoành-sơn 橫山, người đất Dư-diêu. Ông là em rể Dương-minh, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức lang-trung bộ Công. Khi Dương-minh ở Long-trường về, giảng cái thuyết tri hành hợp nhất, ông là người hiểu trước cả mọi người và xin làm đệ-tử. Song ông chỉ hưởng thọ được 31 tuổi, cho nên sách của ông chỉ nói cái thuyết tri hành hợp nhất và cái thuyết mặc tọa trừng tâm, chứ không nói đến cái thuyết trí lương-tri là cái thuyết của Dương-minh dạy lúc ông đã mất rồi. Ông đối với Dương-minh cũng giống như Nhan-tử đối với Khổng-tử.

Tiền Đức-Hồng. – Tiền Đức-Hồng 錢徳洪, tự là Hồng-phủ, hiệu là Tự-sơn, người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang, làm quan đến chức viên-ngoại-lang bộ Hình, rồi về trí sĩ. Ông với Long-khê theo học Dương-minh, nhưng rồi sau mỗi người hiểu cái học trí lương-tri ra một cách. Long-khê bảo cái bản-thể của tâm là cái tịch 寂 ; tịch lấy chiếu 照 làm dựng 用, giữ cái không tri 空知 mà bỏ mất cái chiếu, ấy là hỏng mất cái dụng. Ông bảo cái vị phát thì tìm ở đâu ? Nếu bỏ cái dĩ phát mà tìm cái vị phát là không thể nào được. Bởi vậy Long-khê theo cái hiện-tại mà giải-ngộ cái thể biến-động bất cư của cái hiện-tại ấy ; ông chỉ lấy thực tâm mà ma-luyện ở chỗ sự-vật, cho nên sự triệt-ngộ của ông không bằng của Long-khê, mà sự tu-tri của Long-khê không bằng của ông. Cái học của ông tuy không có cái sở-đắc lớn, nhưng không có cái sở-thất lớn vậy.

Vương Kỳ. – Vương Kỳ 王幾 tự là Nhữ-trung 汝中, hiệu là Long-khê 龍溪, người đất Sơn-âm, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ, làm quan chức lang-trung, rồi thôi quan về dạy học. Ông là người trác-lạc hơn cả mọi người trong môn-nhân của Dương-minh, và lại có tư-tưởng rất siêu-việt cho nên cái học của ông chủ ở « tứ vô 四無 », lấy chính-tâm làm cái học tiên-thiên, lấy thành ý làm cái học hậu-thiên. Theo ở cái tâm mà lập căn, thì cái tâm vô thiện vô ác, tức là cái ý vô thiện vô ác, ấy là tiên-thiên thống hậu-thiên ; theo ở cái ý mà lập căn, thì không khỏi có hai mối thiện và ác, mà cái tâm không thể không có điều hỗn-hợp, ấy là hậu-thiên phục lại tiên-thiên.

Luận-giả có người nói : « Cái học của ông truyền ra thiên-hạ không thể không có điều ngờ. Lấy cái thuyết « tứ hữu 四有 » mà bàn, thì thiện là cái cố hữu của tâm, cho nên cái thiện của ý, tri, vật, theo ở trong tâm mà phát ra, cái ác theo ở ngoài tâm mà đến. Nay nếu nói tâm-thể đã không có thiện ác, thì cái ác của ý, tri, vật, là lầm mà cái thiện cũng là lầm. Cái công-phu đã lầm, thì sao lại nói là phục về cái bản-thể được ? » Nghĩ cho kỹ ra, thì lời bẻ ấy vẫn là non, mà cái tư-tưởng của Long-khê rất nên chú ý lắm, là vì theo cái tâm là cái bản-nhiên của trời đất, tất tự nó không có thiện ác. Thiện và ác khởi đầu có từ lúc có cái ý, là cái riêng của người ta. Vậy hữu thiện hữu ác thuộc về phần hậu-thiên, tức là phần người ; vô thiện vô ác thuộc về phần tiên-thiên, tức là phần trời. Hữu thiện hữu ác là phần tỉ-hiệu, do sự so-sánh của người ta mà ra ; vô thiện vô ác là phần tuyệt-đối, tự-nhiên, tự-tại, cho nên phải là chí-thiện. Cũng vì thế mà có chỗ ông lại nói : « Chí-thiện vô ác là cái bản-thể của tâm », ấy chính là ông đã hiểu đến chỗ cực cao cực xa trong cái học của Dương-minh, chứ không phải ông nói mỗi lúc một khác. Vì học-giả không đạt tới chỗ ấy, cho nên mới thành ra có nghị-luận.

Luận-giả lại hỏi : « Lấy cái thuyết « tứ vô 四無 » mà bàn, thì cái công-phu chính-tâm trong Đại-học phải theo thành-ý mà vào, nay nói rằng : theo cái tâm mà lập căn, ấy là không cần đến ý nữa. Nếu bảo rằng theo ở cái ý mà lập căn, ấy là cái thuyết lập ra cho hạng trung-nhân và hạ-nhân ; thế thì cho Đại-học có hai cái công-phu khác nhau hay sao ? Hay chỉ vì hạng trung-nhân và hạ-nhân mà lập giáo hay sao ? » Thiết-tưởng cần đến ý nữa. Nếu bảo rằng theo ở cái ý mà lập căn, ấy là cái thuyết lập ra cho hạng trung-nhân và hạ-nhân ; thế thì cho Đại-học có hai cái công-phu khác nhau hay sao ? Hay chỉ vì hạng trung-nhân và hạ-nhân mà lập giáo hay sao ? » Thiết-tưởng sách Đại-học là nói chung sự học của người đã là người thì tất phải có cái ý, cho nên phải nói thành-ý rồi mới chính-tâm được. Long-khê theo cái phần cao của Dương-minh nói cái bản-thể của tâm, tất là không thể không nói vô thiện vô ác. Vô thiện vô ác là chí-thiện, tức là cái cực-điểm của sự học trong Đại-học. Học-giả phải tùy cái thiên-tư của mình mà thể-nhận : ai có thiên-tư tốt, tức là có cái lợi-căn, thì hiểu thẳng ngay đến cái bản-thể ; nếu không, thì phải theo thành-ý mà vào chính-tâm. Hai đường đều đi đến một chỗ cùng-cực, thì vẫn không có hại gì. Vả chăng Long-khê hình như đã đón trước điều đó, cho nên nói rằng : « Thánh-học từ nghìn xưa chỉ cốt ở một niệm linh-minh. Giữ được một niệm ấy là học ; lấy niệm ấy mà xúc phát cảm-thông, ấy là giáo ; tùy sự mà không làm tối mất cái niệm ấy, gọi là cách-vật ; không dối cái niệm ấy, gọi là thành-ý ; một niệm khuếch-nhiên, không có một cái mảy tư nào cố-tất, gọi là chính-tâm. Ấy là cái căn-nguyên dị-giản trực-tiệt ».

Long-khê cho cái lương-tri là ở trong « vô » mà sinh ra « hữu », tức là cái trung vị phát, ấy là trước cái tri, chứ không có cái vị phát ; cũng như cái hòa trúng tiết, ấy là sau cái tri, chứ không có cái dĩ-phát. Lương-tri tự nó thu-liệm lấy được, không cần phải chủ ở sự thu-liệm ; tự nó phát-tán ra được không cần phải cầu ở sự phát tán, đáng hiện ra là hiện-thành, không cần phải mượn cái công-phu tu-chỉnh mà sau mới được. Cái thuyết trí lương-tri vốn là đặt ra để cho người chưa ngộ, hễ khi nào đã tin hẳn được cái lương-tri rồi, thì độc vãng độc lai, như ngọc châu chạy ở trong cái mâm, không đợi có cai-quản câu-thúc mà tự nó không qua được cái qui-tắc. Còn như hết thảy sự đốc-tín cẩn-thủ là việc căng danh sức hạnh 矜名飾行, đều là việc bày đặt ra cả.

Cái học trí lương-tri là học cho tới đến lương-tri. Khi đã tới đến lương-tri rồi thì không cần có công-phu gì nữa. Cho nên ông nói : « Lương-tri không học, không lo nghĩ ; cả ngày học là chỉ để phục lại cái thể không học của lương-tri, cả ngày lo nghĩ là chỉ để phục lại cái thể không lo nghĩ của lương-tri. Trong cái vô-công-phu là có cái chân-công-phu, chứ không phải có thêm vào được chút gì vậy. Cái công-phu chỉ cầu lấy càng ngày càng bớt đi, chứ không cầu cho càng ngày càng thêm ra. Bớt được đến hết ấy là thánh-nhân. Cái học-thuật của hậu-thế chính là trái lại, cứ càng ngày càng thêm công-phu, cho nên cả ngày cần-lao, mà cái bệnh lại càng thêm lên. Nếu quả hay một niệm tinh-tinh sáng-suốt, lãnh-nhiên tự hội, tới đến chỗ cùng-cực cái dụng, mà vẫn không thể hiểu được, ấy là lời cứu-cánh vậy ». (Ngữ-lục)

Thuở ấy ông thấy bọn đồng môn với ông có nhiều người hiểu cái thuyết lương-tri khác nhau, ông có phân-biện cho rõ những chỗ lầm ấy, và nói rằng : « Cái tông-thuyết bàn lương-tri, tuy bọn đồng môn không ai dám cải trái lại, nhưng chưa khỏi mỗi người theo cái tính sở-cận của mình, mà nghĩ-nghị khác nhau. Có người bảo lương-tri không phải là giác-chiếu, phải gốc ở sự qui-tịch 歸寂 mới được ; như cái gương soi vật, cái thể sáng tịch-nhiên mà đẹp xấu tự-nhiên phân-biện, nếu ngưng-trệ ở sự soi, thì cái sáng lại mờ đi. Có người bảo lương-tri không có hiện-thành, có tu-chứng rồi mới được hoàn toàn ; như loài kim-khoáng, nếu không có lửa nung-nấu, thì không thành loài kim vậy. Có người bảo lương-tri là kể từ lúc dĩ-phát mà lập giáo, chứ không phải là cái bản-chỉ vị phát vô tri. Có người bảo lương-tri vốn không có lòng dục, theo lòng thẳng mà động, thì không có cái gì là không phải đạo, không đợi phải thêm cái công tiêu-dục. Có người bảo có chủ-tể, có lưu-hành ; chủ-tể để lập tính, lưu-hành để lập mệnh, rồi lấy lương-tri chia ra thể và dụng. Có người bảo sự học cốt ở tuần-tự, lúc cầu có gốc ngọn, lúc được không có trong ngoài, rồi lấy trí-tri phân-biệt ra thỉ-chung. Đó đều là những chỗ các nhà bàn về sự học khác nhau, không thể không phân-biện được.

« Tịch là cái bản-thể của tâm ; tịch lấy chiếu làm dụng, giữ cái không-tri mà bỏ sót cái chiếu, thế là trái với cái dụng. Thấy đứa trẻ sa xuống giếng mà thương-xót, thấy cách đi xin ăn dơ-nhuốc mà xấu-hổ, lòng nhân-nghĩa vốn là hoàn-cụ, cảm xúc thần ứng không học cũng hay vậy. Nếu bảo lương-tri phải bởi sự tu 修 rồi mới toàn 全, thế là trái với cái thể.

« Lương-tri là cái trung chưa phát, không biết mà cũng không cái gì là không biết. Nếu trước cái lương-tri, mà lại tìm cái vị phát, thế là chìm-đắm vào chỗ không. Cổ-nhân lập giáo nguyên vì có lòng dục mà đặt ra, tiêu-dục là để trở lại cái thể vô dục, không phải có thêm ra cái gì. Chủ-tể là cái thể của sự lưu-hành, lưu-hành là cái dụng của chủ-tể ; thể với dụng là một gốc, không thể chia ra được. Cái sở-cầu là cái nhân 因 của cái đắc ; cái sở-đắc là cái chứng của cái sở-cầu, thỉ-chung là nhất-quán, không thể chia ra được ». (Ngữ-lục)

Có người muốn biết cái học của Dương-minh với cái học của Bạch-sa [1] khác nhau thế nào. Ông nói : « Bạch-sa thuộc về cái truyền lưu của phái Bạch-nguyên sơn 百源山, là học-phái của Triệu Khang Tiết đời Tống cũng là biệt-phái của Khổng-môn. Cái học của Bạch-sa được cái chỗ giữa cái vòng để ứng-phó vô cùng, đó là cái cảnh-tượng vậy. Vì người đời tinh-thần nở-nang vung rộng, chạy giong-ruổi ra bên ngoài, muốn trở lại chỗ tính-tình của mình mà không có lối vào, thế phải mượn cách hành-trì ở chỗ tĩnh mà tìm lấy cái diện-mục bản-lai, để làm cái căn-cơ an thân lập mệnh, đó là cái phép quyền tạm. Đến như cái tông-chỉ trí-tri thì không kể ngữ, mặc, động, tĩnh, cứ theo nhân-tình sự-biến, luyện-tập cho thấu đến cùng, để quay về đến cái gốc, ví như loài chân-kim vì đồng, chì, lẫn-lộn, không có lửa nóng nấu, đúc, thì không thành ra tinh-thuần được. Cái học của Dương-minh tiên-sinh có ba phép dạy về nhập ngộ : bởi tri-giác mà được, gọi là giải-ngộ 解悟, song chưa ly-thoát ra ngoài ngôn-thuyên ; bởi tĩnh mà được, gọi là chứng-ngộ 證悟, song còn phải đợi ở cảnh-giới ; bởi nhân sự luyện-tập mà được, quên cả ngôn-ngữ, quên cả cảnh-giới, gặp chỗ nào cũng phùng nguyên, càng lay-động lại càng im-lặng, thế mới là triệt-ngộ 徹悟 ». (Ngữ-lục)

Cái học của Long-khê lên đến chỗ cùng-cực, tất là phảng-phất giống Lão-học và Phật-học. Các nho-giả khác thường bó-buộc ở chỗ thấp cho nên mới có nhiều điều nghị-luận. Bạn ông là Đường Kinh-xuyên, thuộc chi-phái Nam-trung nói rằng : « Ông tự tin hậu quá, không phòng đến cái hình-tích, bao-bọc rộng-rãi, không chọn cái sạch-bẩn, cho nên lời nghị-luận của đời không hẳn mặt nào ». Hoàng Lê-châu nói rằng : « Lương-tri đã là sự lưu-hành của tri-giác, thì nó không nhất định ở chỗ nào, không cần có khuôn-phép ; hễ đã dùng đến công-phu, thì làm trở-ngại cái thể hư-vô, thế là phải gần với Thiền-học. Sự lưu-hành tức là cái chủ-tể, nhưng với tay lên núi cao, không bấu-víu vào đâu, phái lấy tâm-tức心息 nương nhau làm phép quyền tạm, thế là gần Lão-học. Tuy nói là chân-tính lưu-hành thì tự-nhiên thấy rõ cái thiên-tắc, nhưng đối với cái khuôn-phép của Nho-học cũng hơi khác vậy. Song ông thân thừa cái mạt-mệnh của Dương-minh thường thường còn truyền lại. Sau Tượng-sơn không thể không có Từ-hồ ; sau Dương-minh không thể không có Long-khê. Lấy sự thịnh-suy của học-thuật mà suy rộng ra, thì Từ-hồ làm cho cái luồng sóng của Tượng-sơn lưu-thông mà Long-khê thì khơi sông tìm nguồn, đối với cái học của Dương-minh vốn có phát-huy ra được nhiều vậy ».

Trương Nguyên-Xung. – Trương Nguyên-Xung 張元沖, tự là Thúc-khiêm 叔謙, hiệu là Phù-phong 浮峯, người đất Âm-sơn, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức phó-đô-ngự-sử, tuần-phủ tỉnh Giang-tây. Ông thường nói : « Cái đạo của Khổng-tử là nhất dĩ quán chi, cái đạo của Mạnh-tử là vạn vật đều đủ ở ta. Cái thuyết lương-tri chỉ thế mà thôi ». Ông lại nói : « Học thì trước phải lập chí. Không học làm thánh-nhân, không phải là lập chí vậy. Cái học của thánh-nhân ở sự giới-cụ cẩn-độc, không như thế không phải là học ».

2. GIANG HỮU VƯƠNG-MÔN 河右王門

Môn-phái này ở đất Giang-tây có những danh-nho như Châu Thủ-Ích, Âu-dương Đức, Nhiếp Báo, La Hồng-Tiên, Trần Cửu-Xuyên v.v… cố sức giảng tập cái học của Dương-minh, cho nên hậu-nho thường cho là nhờ có phái này mà cái học của Dương-minh giữ được chính-truyền.

Châu Thủ-Ích. – Châu Thủ-Ích 鄹守益, tự là Khiêm-chi 謙之, hiệu là Đông-quách 東虎, người đất An-phúc, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Nam-kinh Quốc-tử tế-tửu. Cái học của ông đắc lực ở sự kính. Kính là linh-minh của lương-tri mà không lẫn với trần-tục. Ông cho là cái tính-thể của ta là ở trong sự nhật dụng luân vật không phân động tĩnh, không kể ngày đêm, không có lúc nào đứng dừng lại, chỗ lưu-hành mà hợp nghi là thiện, chỗ có chướng-tế ủng-tắc là bất thiện. Hễ quên sự giới-cụ thì có chướng-tế và ủng tắc, khiến cho không có chỗ nào là không có sự lưu-hành của giới-cụ, ấy là sự lưu-hành của tính-thể. Xa-lìa sự giới-thận khủng-cụ thì không biết tìm tính ở đâu ; xa lìa cái tính thì không biết tìm sự nhật dụng luân vật ở đâu. Cái học của ông thì thận-trọng mà không cao-xa, song nhờ có cái học ấy mới giữ được cái phần thiết-thực trong cái học của Dương-minh.

Âu-dương Đức. – Âu-dương Đức 歐陽徳, tự là Sùng-nhất 崇一, hiệu là Nam-dã 南野, người đất Thái-hòa, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Lễ-bộ thượng-thư. Ông nói rằng : « Cái minh-giác thật của thiên-tính tự-nhiên tùy cảm mà thông, tự nó có điều-lý, ấy thế gọi là lương-tri, mà cũng gọi là thiên-lý. Thiên-lý là sự điều-lý của lương-tri, lương-tri là cái linh-minh của thiên-lý ».

Nhiếp Báo. – Nhiếp Báo 聶豹, tự là Văn-ủy 文尉, hiệu là Song-giang 雙江, người đất Vĩnh-phong, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ làm quan đến chức thượng-thư. Lúc ông đang làm quan, có việc bị giam trong ngục, ngồi tĩnh tọa lâu ngày, hốt nhiên thấy rõ cái chân-thể của tâm, quang-minh oanh-triệt, vạn vật đều đủ, bèn mừng mà nói rằng : « Ấy là cái trung chưa phát, giữ cái ấy không mất, thì cái lý của thiên-hạ đều bởi đó mà ra ». Đến lúc ở ngục ra, cùng với học-giả lập phép tĩnh tọa, khiến qui về cái tịch để lấy thông-cảm, giữ lấy cái thể để ứng-dụng. Đại để cái học của ông là chủ ở sự qui-tịch để thông sự cảm của thiên-hạ.

La Hồng-Tiên. – La Hồng-Tiên 羅洪先, tự là Đạt-phu 達夫, hiệu là Niệm-am 念菴, người đất Cát-thủy, tỉnh Giang-tây, đỗ trạng-nguyên, làm quan được ít lâu rồi về nhà lo việc học, lấy sự nghèo làm thích, không thiết đến của-cải.

Cái học của ông lúc đầu dụng lực ở chỗ thực-tiễn, sau theo về tịch-tĩnh, đến vãn niên mới triệt-ngộ cái thể của nhân 仁. Thuở ấy những môn-đệ của Dương-minh bàn về việc học, đều nói rằng : « Tri thiện tri ác tức thị lương-tri, theo đó mà làm, tức là trí-tri ». Ông bảo rằng : « Lương-tri là nói chí thiện vậy. Cái thiện của tâm ta, ta biết ; cái ác của tâm ta, ta biết ; không thể nói là không phải cái tri được. Trong chỗ thiện ác giao tạp, há lại không có cái gì làm chủ hay sao ? Không có cái gì làm chủ ở trong, mà bảo cái tri vốn thường sáng là không phải. Cái tri có lúc chưa sáng, nếu theo đó mà làm, mà bảo không có sai-lầm ở lúc sau đã phát ra, và có thể thuận-ứng các sự-vật, là không phải. Cho nên không trải qua sự khô-kháo tịch-mịch, hết thảy phải lắng nghe cái thiên-lý sáng rõ thì không dễ mà tới được ». Ông cho lương-tri không có cái hiện-thành, phải có tu-chứng rồi mới hoàn toàn.

Trong những người xưng là môn-nhân của Dương-minh, ông là người tư-thục, nhưng ông hiểu được cái học của Dương-minh có phần hơn nhiều người khác.

Trần Cửu-Xuyên. – Trần Cửu-Xuyên 陳九川, tự là Duy-tuấn 惟濬, hiệu là Minh-thủy 明水, người đất Lâm-xuyên, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ. Cái học của ông hợp cái tịch và cái cảm làm một. Tịch ở trong cảm là cái bản-thể của cảm ; cảm ở trong tịch là cái diệu-dụng của tịch.

3. NAM-TRUNG VƯƠNG-MÔN 南中王門

Môn-phái này ở đất Giang-tô, vùng Nam-kinh. Những học-giả trong môn-phái này là :

- Hoàng Tỉnh-Tăng 黄省曾, tự là Miễn-chi 勉之, hiệu là Ngũ-nhạc 五岳, người huyện Tô-châu.

- Chu Đắc-Chi 朱得之, tự là Bản-tư 本思, hiệu là Cận-trai 近齊, người huyện Tĩnh-giang, tỉnh Giang-tô.

- Đường Thuận-Chi 唐順之, tự là Ứng-đức 應徳, hiệu là Kinh-xuyên 刑川, người huyện Vô-tiến, tỉnh Giang-tô

- v.v…

4. SỞ-TRUNG VƯƠNG-MÔN 楚中王門

Môn-phái này ở vùng Hồ-nam và Hồ-bắc. Những học-giả trong môn-phái này là :

- Tường Tín 牆信, tự là Khanh-thực 卿實, hiệu là Đạo-lâm 道林, người đất Thường-đức.

- Ký Nguyên-Hanh 冀元亨, tự là Duy-kiền 惟乾, hiệu là Ám-trai 齊闇 người đất Võ-lăng

- v.v…

5. BẮC-PHƯƠNG VƯƠNG-MÔN 北方王門

Người phương bắc theo cái học của Dương-minh ít hơn cả. Những học-giả trong môn-phái này là :

- Mục Khổng-Huy 穆孔暉, tự là Bá-tiềm 伯潛, hiệu là Huyền-am 玄菴, người tỉnh Sơn-đông.

- Mạnh Thu 孟秋, tự là Tử-thành 子成, hiệu là Ngã-cương 我疆, người tỉnh Sơn-đông.

- Nam Đại-Cát 南大吉, tự là Nguyên-thiện 元善, hiệu là Thụy-tuyền 瑞泉, người tỉnh Thiểm-tây

- v.v…

6. VIỆT-MÂN VƯƠNG-MÔN 粤閩王門

Người đất Phúc-kiến và Quảng-đông theo học Dương-minh cũng nhiều, song chỉ có Tiết Khản 薛侃, tự là Thượng-khiêm 尚謙, hiệu là Trung-ly 中籬, người đất Quảng-đông là hơn cả.

7. CHỈ TU 止修

Môn-phái này do Lý Tài lập ra. Lý Tài 李材, tự là Mạnh-thành 孟誠, hiệu là Kiến-la 見鑼, người huyện Phong-thành, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ. Ông trước theo Châu Đông-quách học cái thuyết trí lương-tri, sau phát ra cái tông-chỉ « chỉ tu », cho là cái chân-truyền của Khổng-tử và Tăng-tử ; « chỉ » để làm cách tồn-dưỡng, « tu » là để làm cách tĩnh sát. Ông cho lương-tri là theo cái dĩ-phát mà lập giáo, chứ không phải là cái bản-chỉ vị-phát vô tri.

8. THÁI-CHÂU 泰州

Môn-phái này do Vương-Cấn lập ra. Vương Cấn 王艮, tự là Nhữ-chỉ 汝止, hiệu là Tâm-trai 心齊, người đất An-phong, thuộc Thái-châu, tỉnh Giang-tô. Ông bình sinh ý-khí thái-cao, hành sự thái-kỳ. Dương-minh thường phải tìm cách tài-ức cho bớt đi. Ông không ra ứng cử, không làm quan.

Trong những môn-nhân của Dương-minh có Long-khê và ông là hơn cả. Long-khê tuy giỏi hơn ông, song có người tin và có người không tin. Ông thì có khi ở trong khoảng chớp mắt, tỉnh-giác được nhiều người. Ông thường bảo rằng : « sự nhật dụng của trăm họ tức là đạo, và ông lấy ở chỗ vãng-lai động-tác của bọn đồng-bộc, cái gì là không mượn sự an-bài thì chỉ ra cho người ta biết, cho nên ai trông thấy cũng hiểu ngay ».

Cái học của ông chủ ở sự cách-vật. Ông cho sự cách-vật là nói vật có bản mạt ; thân mình với thiên-hạ quốc-gia là một vật ; cách vật, trí tri, tu thân, là gốc ; tề gia, trị quốc, bình thiên-hạ, là ngọn. Làm việc gì mà không được, thì phải quay trở lại tìm ở mình. Quay trở lại mình, ấy là cái công-phu cách-vật, cho nên muốn tề gia, trị quốc, bình thiên-hạ, phải cốt ở sự yên thân. Cái thân chưa yên, thì cái bản không lập. Người biết cái thân đã yên, thì biết yêu thân và kính thân ; người yêu thân và kính thân, thì không dám không yêu người, không kính người. Đã yêu người và kính người, thì người yêu ta, kính ta, mà thân ta yên vậy. Một nhà yêu ta, kính ta, thì nhà tề ; một nước yêu ta, kính ta, thì nước trị ; thiên-hạ yêu ta, kính ta, thì thiên-hạ bình. Cho nên người không yêu ta, không phải chỉ có người là bất nhân, mà cái bất nhân của ta cũng biết được vậy ; người không kính ta, không phải chỉ có người là bất kính, mà cái bất kính của ta cũng biết được vậy. Cái thuyết cách-vật ấy về sau gọi là cái thuyết cách-vật ở đất Hoài-nam.

Lưu Trấp-sơn bàn chỗ này, nói rằng : « Chữ yên thân ở đây là nói yên cái tâm của mình, chứ không phải là bo bo giữ cái hình-hài làm gốc ». Tâm-trai cũng thường nói rằng : « Yên cái thân và yên cả cái tâm là bậc thượng, không yên cái thân mà yên cái tâm là bậc thứ, không yên cái thân mà cũng không yên cái tâm là bậc hạ ». Xem thế thì hai chữ « yên thân » của Tâm-trai là chủ lấy sự yên tâm làm gốc.

Tâm-trai nói rằng : « Thánh-nhân lấy đạo giúp thiên-hạ, ấy cái chí-trọng là đạo ; người có thể mở rộng đạo, ấy cái chí-trọng là thân. Đạo trọng thì thân trọng, thân trọng thì đạo trọng, cho nên học là học làm thầy, học làm bậc trưởng, học làm vua vậy. Lấy thiên-địa vạn vật nương ở thân, không lấy thân nương ở thiên-địa vạn vật ». Đạo là để giúp thiên-hạ, thân là để hành đạo, vậy nên ta phải trọng cái thân. Trong cái thân có cái tâm làm chủ mà cái tâm thì vẫn có cái vui, tìm cái vui đó tức là học. Cho nên nói rằng : « Cái tâm của người ta vốn tự vui, rồi tự nó đem cái tư-dục mà trói-buộc mình lại, nhưng khi cái tư-dục mọc ra, thì cái lương-tri tự biết ; đã biết, thì cái tư-dục lại tiêu-trừ đi, và cái tâm của người ta lại y như cũ mà vui. Vui là vui ở cái học ấy, học là học cái vui ấy ; không vui không phải là học, không học không phải là vui ; vui rồi mới là học, học rồi mới là vui : vui là học, học là vui. Than ôi ! Cái vui của thiên-hạ có gì bằng cái học như thế, cái học của thiên-hạ có gì bằng cái vui như thế ! ». Đại để, cái học của Tâm-trai có cái chủ-nghĩa lạc-quan rất lớn, cho nên về sau những người theo môn-phái này hay thiên về đường du-hiệp.

Hoàng Lê-châu nói rằng : « Cái học của Dương-minh nhờ có Long-khê và Tâm-trai mà truyền rộng ra ở thiên-hạ, nhưng cũng vì Long-khê và Tâm-trai mà dần dần làm mất cái chính-truyền. Song, sau Long-khê không có ai bằng Long-khê nữa, và lại nhờ có chi-phái Giang-hữu chữa lại, thành ra không đến nỗi hư-hỏng hẳn ; đàng này sau Tâm-trai thì có nhiều người đảm-đang, làm những việc khác thường, rồi truyền đến bọn Nhan Sơn-nông, Hà Tâm-Ẩn, thì không phải là cái danh-giáo có thể ràng-buộc được nữa ».

Những người có tiếng trong môn-phái này là :

- Từ Việt 徐樾, tự là Tử-trực 子此, hiệu là Ba-thạch 波石, người đất Quí-khê, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ.

- Vương Đống 王棟, tự là Long-cát 龍吉, hiệu là Nhất-am 一菴, người đất Thái-châu.

- Lâm-xuân 林春, tự là Tử-nhân 子仁, hiệu là Đông-thành 東城, người đất Thái-châu.

- Triệu Trinh-Cát 趙貞吉, tự là Mạnh-tĩnh 孟靜, hiệu là Đại-châu 大州, người đất Nội-giang, tỉnh Tứ-xuyên.

- La Nhữ-Phương 羅汝芳, tự là Duy-đức 惟徳, hiệu là Cận-khê 近溪, người đất Nam-thành, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ.

- Chu Nhữ-Đăng 周汝登, tự là Kế-nguyên 繼元, hiệu là Hải-môn 海門, người đất Thặng-huyện, tỉnh Chiết-giang. Những người này thường hay thiên về Thiền-học bên Phật-giáo.

Trong phái Thái-châu có những người du-hiệp có tiếng là : Nhan quân 顏鈞, tự là Sơn-nông 山辳, người đất Cát-an, tỉnh Giang-tây. Sơn-nông theo học Từ Ba-thạch, được cái truyền của phái Thái-châu, lấy cái tâm của người ta thần-diệu được cả vạn vật mà không trắc-đạc được, cho tính như viên ngọc-châu sáng, nguyên không có bụi-bặm gì cả, không cần phải trông nghe, không cần phải giới-cụ, bình thời chỉ suốt cái tính, việc làm cứ theo tự-nhiên, thế gọi là đạo. Đến khi có điều phóng-dật, nhiên-hậu mới lấy giới-thận khủng-cụ để sửa lại. Phàm nho-giả bảo trước phải có kiến-văn, đạo-lý, cách-thức, đều là làm chướng-ngại cái đạo.

- Học-trò Nhan Sơn-nông là Lương Nhữ-Nguyên 粱汝元, tự là Phu-sơn 夫山, người đất Vĩnh-phong, tỉnh Giang-tây, sau đổi tên họ là Hà Tâm-Ẩn 何心隠. Tâm-Ẩn theo cái tông-chỉ gần như Thiền-học, rồi sau biến ra như cái học tung-hoành của Tô Tần, Trương Nghi.

- Học-trò của Tâm-Ẩn là Lý Trác-Ngô 李卓吾 theo hẳn Thiền-học mà phỉ-báng Nho-giáo.

Cái học của môn-phái Thái-châu về sau làm biến mất cái chân-tướng của cái học Dương-minh.

9. LƯU TÔNG-CHU

Cái học của Vương Dương-minh truyền đến cuối đời nhà Minh, vào quãng gần giữa thế-kỷ thứ XVII, càng ngày càng thiên-lệch đi, đến nỗi không ai biết rõ cái tông-chỉ chân-chính lúc đầu nữa. Lúc ấy nhờ có Lưu Tông-Chu lại phát-minh ra được cái chính truyền.

Lưu Tông-Chu 劉宗周, tự là Khởi-đông 起東 hiệu là Niệm-đài 念臺, biệt hiệu là Trấp-sơn 蕺山, người đất Âm-sơn, tỉnh Chiết-giang, đỗ tiến-sĩ đời Vạn-lịch, làm quan đến chức tả-đô-ngự-sử, vì lấy lời thẳng can vua mà phải bãi về. Sau khi nhà Minh mất, tỉnh Chiết-giang đã ra hàng nhà Thanh, ông bèn nhịn ăn 20 ngày mà chết.

Lưu Trấp-sơn là một danh-nho cuối đời nhà Minh, thuộc về phái tâm-học. Ông thấy những học-giả thuở ấy ngộ giải cái học trí lương-tri của Vương Dương-minh mà thiên về Thiền-học, làm sai mất cái ý của thánh-học, cho nên ông mới tìm cách mà bổ cứu sự sai-lầm ấy. Ông nhân cái nghĩa câu : « Thận độc tức thị trí lương-tri 慎獨即是致良知 » của Dương-minh mà lấy hai chữ « thận độc » làm tông-chỉ.

Cái nghĩa câu ấy của Dương-minh so với cái nghĩa trong sách Đại-học và Trung-dung, thì thận độc tức là thành ý, nhưng ông không “theo tiên-nho nói rằng : « Ý giả tâm chi sở phát 意者之心所發 », mà lại nói là : « Ý giả tâm chi sở tồn 意者之心所存 ». Theo cái tư-tưởng của ông thì tâm người ta ở trong khoảng gang-tấc, mà đạt ra khắp hết cả, có cái tượng như Thái-hư. Hư 虛 sinh ra linh, linh 靈 sinh ra giác, giác 覺 có cái chủ ấy là ý 意. Tâm thì hư-linh mà hay biến, ý thì có định hướng mà chưa được nhiều, cho nên ý là chủ-tể của tâm. Lấy chỗ « tịch nhiên bất động » của tâm mà xét, thì chỉ có trơ-trọi một cái linh-thể « bất lự nhi tri », sự làm chủ-trương sự khiến sự sinh hóa, cho nên mới lấy đó mà gọi là « độc ». Cái « độc » ấy là ý, là chủ-tể của tâm, thì sự học là phải « thận » ở chỗ ấy, ắt thấy rõ cái tâm vậy.

Ông theo cái tông-chỉ ấy mà nói rằng : « Tri vô bất lương, chỉ thị độc tri nhất điểm 知無不良只是獨知一點 : cái tri thì không có gì là bất lương, chỉ cốt có một điểm độc tri ». Độc tri là biết cái độc-thể làm chủ-tể trong tâm. Biết được rõ cái độc-thể ấy, tức là giữ còn cái tâm vậy. Cho nên ông lại nói rằng : « Tâm vô tồn vong, đãn li độc vị tiện thị vong 心無存亡但離獨位便是亡 : tâm không có tồn vong, chỉ có lìa bỏ cái ngôi « độc » ấy là vong ».

Cái học thận-độc giải nghĩa như thế thì chính hợp với cái học trí lương-tri của Vương Dương-minh và có thể khiến học-giả không khuynh-hướng về đường hư-vô. Đó thật là ông đã đạt tới cái chủ-đích muốn cứu-bổ cái thời tệ vậy. Song, xét cho hết lý, thì cái học thận-độc tuy giữ được phần thiết-thực chắc chắn hơn nhưng về phần cao-siêu hoằng-đại thì lại không bằng cái học trí lương-tri có thể bao-quát được cả vũ trụ.

Hoàng Lê-châu là cao-đệ của ông, nói rằng : « Xưa nay nho-giả nhiều người nói thận-độc, song người thì nhận biết cái bản-thể mà sa vào chỗ hoảng-hốt, người thì nương tựa vào cái độc-tri mà cố sức ở cái động niệm, duy có Trấp-sơn thấy được cái chân-thực và nhận biết trong sự hỉ nộ ai lạc chỉ có một khí quán-thông hết cả, không phải mượn phẩm-tiết hạn-chế, mà cái đức trung-hòa tự-nhiên lưu-hành ở khoảng nhật dụng động tĩnh. Cái độc-thể như thế tựa như trời lấy một khí mà tiến-thoái, chia đều bốn mùa, ấm lạnh rét nóng không sai phép thường ; một năm như thế, muôn đời cũng như thế, dầu có khi sai lỗi âm dương, thành ra điềm tốt điềm xấu, song vẫn không đổi được cái đại-thường của tạo-hóa. Thận là thận cái đó mà thôi. Cái thuyết ấy không giống cái thuyết của tiên-nho. Tiên-nho nói : « Vị phát vi tính, dĩ phát vi tình 未發為行已發為情 » ; Mạnh-tử nói : « Trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi là nhân cái tinh sở phát mà thấy cái tinh sở tồn, nhân cái thiện của tình mà thấy cái thiện của tính. Trấp-sơn thì trỏ cái tình mà nói cái tính, chứ không nhân cái tình mà thấy cái tính. Ấy là lấy tâm mà nói tính, chứ không lìa bỏ tâm mà nói thiện. Cái hình-nhi-thượng gọi là đạo, cái hình-nhi-hạ gọi là khí-cụ. Khí-cụ có thì đạo ấy có ; rời cái khí-cụ ra mà đạo không thể thấy được, ắt là phải tìm đạo ở trước lúc trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi, như thế thì chẳng bao nhiêu mà tâm-hạnh dứt lối, ngôn-ngữ hết đường. Bảo rằng trước trời đất đã có vật thì làm gì mà chẳng thuộc về cái học của Lão và Phật ». Lê-châu lại nói tóm cả cái học của Trấp-sơn rằng : « Trong trời đất đều là khí cả, ở tâm người ta chỉ có một cái khí lưu-hành, thành thông thành phục 誠通誠復, tự-nhiên phân ra làm hỉ, nộ, ai, lạc. Cái danh : nhân, nghĩa, lễ, trí, bởi đó mà khởi ra, không đợi an-bài phẩm-tiết, tự nó có thể không quá được cái qui-tắc, tức là trung-hòa. Ấy là sinh ra mà có cái đó, người nào cũng thế cả, cho nên gọi là tính thiện, không sai-lầm về quá và bất cập. Cái tính-thể nguyên nó tự chu-lưu, không hại được cái đức trung-hòa của nó. Kẻ học-giả chỉ chứng-nhận được cái tính-thể phân-minh mà cứ lúc nào cũng bảo-thủ lấy, ấy là « thận ». Cái công-phu sự « thận » là chỉ biết ở chỗ chủ-tể, có cái làm chủ, ấy gọi là ý. Xa lìa cái ý-căn một bước, ấy là vọng 妄, không phải là độc 獨. Cho nên càng thu-liệm càng tới nơi, song cái chủ-tể cũng không đứng lại ở một chỗ nào, chỉ ở trong sự lưu-hành đó thôi, bởi thế mới nói : Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ».

Đại-để, cái học của Vương Dương-minh có Lưu Trấp-sơn lại sáng rõ ra. Nhưng qua sang đời nhà Thanh chỉ có Hoàng Lê-châu tiếp-tục được cái học ấy, rồi sau lại suy dần đi.

10. HOÀNG TÔNG-HY

Hoàng Tông-Hy 黄宗羲, tự là Thái-xung 大冲, hiệu là Lê-châu 㴝洲 (1609-1695), người đất Dư-diêu, tỉnh Chiết-giang. Ông là con trưởng của Hoàng Tôn-Tố 黄尊素 làm chức ngự-sử đời vua Hi-tông nhà Minh. Hoàng Tôn-Tố thuộc phái Đông-lâm bị bọn Ngụy Trung-Hiền làm hại.

Lúc nhà Thanh lấy được nước Tàu, ông bôn-tẩu khắp mọi nơi để lo sự khôi-phục, nhưng sau không thành công, ông trở về ẩn cư, dạy học và làm sách, không ra làm quan với nhà Thanh. Ông nghiên-cứu hết mọi cái-học, làm ra nhiều sách, đại-khái như là:

- Dịch-học tượng-số luận 易學象數論

- Luật-lữ tân nghĩa 律呂新義

- Thụ-thư tùy bút 授書隨筆

- Tống-nho học-án 宋儒學案

- Nguyên-nho học-án 元儒學案

- Minh-nho học-án 明儒學案

- v.v…

Trong những sách ấy có bộ Minh-nho học-án rất có giá-trị. Gần đây Tiết Phương-Xương nhặt các sách của ông, in ra một bộ gọi là Lê-châu di trước vị tập 㴝洲遺著彙集, 20 quyển.

Phái tâm-học trước chỉ lấy tâm làm chủ, đến Vương Dương-minh mới lấy lương-tri làm chủ, rồi Lưu Trấp-sơn lại lấy cái « độc » làm chủ, cho nên cái học của Dương-minh chú-trọng ở sự trí lương-tri mà cái học của Trấp-sơn chú-trọng ở sự thận-độc. Hoàng Lê-châu là học-trò Lưu Trấp-sơn, tất là phải theo cái tông-chỉ của thầy.

Song muốn hiểu rõ cái nghĩa hai chữ « thận độc 慎獨 » của Trấp-sơn và Lê-châu thì phải biết rằng : Nho-gia thường vẫn cho là ở trong vũ-trụ chỉ có một cái khí chu-lưu khắp cả trời đất vạn vật. Khí ấy vô hình mà linh-diệu vô cùng, không có thỉ, không có chung và thông suốt cả mọi vật. Từ khí ấy đến ngũ-hành là chất, chứ không phải là khí nữa. Chất thì có hình, có thỉ, có chung và không tương-thông được. Vậy sự lưu-hành biến-hóa của trời đất là do ở cái khí mà ra. Cái khí ấy « mạc chi vi nhi vi giả 幕之為而為者 : không làm gì mà có làm ». Nóng rét không mất cái qui-tắc, vạn vật đều có trật-tự, trị loạn doanh-hư, tiêu tức thịnh-suy, tuần-hoàn không thôi, nhật nguyệt tinh-thần đi lẫn-lộn mà không mất chừng-mực, không thấy dấu-tích việc làm mà tự-nhiên thành tượng, như thế không thể bảo là trong chỗ mờ-mờ ấy không có cái sở-chủ được. Cái sở-chủ ấy gọi là Trời, là lấy cái nghĩa làm chủ-tể mà nói. Việc của Trời thì « mạc chi trí nhi chí giả 幕之致而至者 : không tìm đến mà đến », như sự phú-quí bần-tiện, sinh-tử họa-phúc của người đời là phần nhiều không triệu nó mà nó đến, ấy là cái khí-hóa bất tề, nhưng cái vận-số tự nó thuần-tạp, người ta sinh ra trong khoảng ấy, ai cũng phải chịu cái phép, không sao tránh được, cái phép ấy gọi là mệnh 命, là lấy cái nghĩa lưu-hành mà nói. Việc lưu-hành tuy bất tề, nhưng vẫn có cái chủ-tể nhất định.

Nói về đạo Trời là thế, nói về đạo người thì ai đã sinh ra là bẩm-thụ cái khí để làm tâm. Tâm là phần thiêng-liêng của khí. Cái tâm-thể lưu-hành luôn mà sự lưu-hành ấy có điều-lý, tức là tính. Sự lưu-hành mà không mất trật-tự, tức là lý. Lý không thể thấy được, chỉ thấy ở khí, tính không thể thấy được, chỉ thấy ở tâm ; tâm là khí vậy. Cho nên Lê-châu nói : « Lý là cái tính có hình mà tính là cái lý không có hình ». Lời tiên-nho nói : « Tính tức lý 行即理 thật là đúng cái huyết-mạch của nghìn bậc thánh vậy. Rút lại mà nói thì đều là có một khí làm ra cả ». Ông lại nói : « Người ta tuy chỉ có một cái khí lưu-hành, nhưng trong sự lưu-hành ắt có cái chủ-tể, mà cái chủ-tể ấy không ở ngoài sự lưu-hành, chính là cái điều-lý của sự lưu-hành : xét ở sự biến của khí thì gọi là lưu-hành, xét ở sự bất biến của khí thì gọi là chủ-tể. Dưỡng khí là khiến cái chủ-tể thường còn lại thì cái khí-huyết hóa ra làm nghĩa-lý ; bỏ mất cái chủ-tể thì nghĩa-lý hóa ra làm khí-huyết. Cái sai-lầm chỉ ở chỗ hào-ly mà thôi ». Nuôi cái khí để giữ cho còn cái chủ-tể bất biến ấy tức là giữ cho còn cái « độc », rồi thận-trọng ở cái « độc » đó, tức là « thận độc ».

Lê-châu cho là tiên-nho không biết : ý giả tâm chi sở tồn 意者心之所存, mà lại nói : ý giả tâm chi sở phát 意者心之所發, cho nên mới có sự sai-lầm. Ông nói : « Sách Trung-dung nói : trí trung hòa 致中和. Chu Hối-am lấy tồn dưỡng làm trí trung, tỉnh-sát làm trí hòa, tuy trung và hòa cùng đều trí cả, nhưng vẫn chưa khỏi phân động tĩnh ra làm hai đoạn, thành ra cái công-phu có hai cái dụng. Về sau Vương Long-khê theo sự cảm-ứng của nhật dụng luân vật để trí cái minh-sát. Âu-dương Nam-dạ lấy cảm-ứng biến-hóa làm lương-tri, ấy là trí hòa mà không trí-trung ; Nhiếp Song-giang, La Niệm-am chủ ở sự qui tịch thủ tĩnh, ấy là trí trung mà không trí hòa. Các thuyết của chư nho không có thuyết nào là không nói : tiền hậu, nội ngoại, hồn-nhiên nhất thể, thế mà hoặc nhiếp cảm để qui tịch, hoặc duyên tịch để khởi cảm, rút lại vẫn có chỗ thiên-lệch, là bởi vì tôn-sùng cái thuyết : ý giả tâm chi sở phát. Trí trung thì cho là cái ý không đủ làm bằng-cứ, mà phải vượt qua cái ý ; trí hòa thì cho cái động là cái bản-nhiên của ý, mà cố đuổi theo cho được cả trung hòa kiêm trí ở trong ý, thành ra có cái công-phu trước cái ý và cái công-phu sau cái ý, mà ý thì ngắt đôi ra. Giả sử sớm biết cái thuyết : ý giả tâm chi sở tồn thì cái chỗ dụng công chỉ có một ý mà thôi, trừ bỏ được sự ngắt đứt ra và mới nói được, tiền hậu, nội ngoại, hồn-nhiên nhất thể ».

Xét hai câu : ý giả tâm chi sở phát và ý giả tâm chi sở tồn thì cái nghĩa không xa nhau là mấy, vì rằng tâm có phát thì ta mới biết là nó còn, chứ tâm không phát thì lấy gì mà biết là còn được ? Song Lê-châu muốn để chữ « tồn » là cốt khiến học-giả chú-trọng ở cái độc-thể của tâm mà không phải đuổi theo sự phát-động của tâm. Như thế thì cái công-phu chỉ ở trong hai chữ « thận-độc » là đủ.

Hoàng Lê-châu không những là một nhà triết-học uyên-thâm, phát-minh được cái học của Vương Dương-minh và Lưu Trấp-sơn, mà lại là một nhà khảo-cứu rất tinh-tường và phê-bình rất xác-đáng ở đời Thanh-sơ. Ông cho là từ đời Nam-Tống về sau những nhà giảng học hay đàm-luận tính-mệnh mà không bàn đến cái học huấn-hỗ ; những kẻ hậu-học nói kinh thì theo Hán-nho mà lập thân thì theo Tống-học.

Bàn về cái học của Chu Hối-am và Lục Tượng-sơn, ông nói : « Học của họ Chu thì cốt giảng sự học-vấn, bảo học phải cách-vật, cùng lý, là cái bậc thang để người ta lên cõi thánh ; nếu tự tín là minh phải, một mình suy-nghĩ ở trong tâm, như thế là « sư tâm tự dụng ». Học của họ Lục thì chuộng sự tôn đức-tính, bảo trước phải lập định về điều lớn ; điều lớn đã đứng vững thì không bị phải điều nhỏ đoạt đi được. Nếu cái bản-thể không rõ, mà chỉ chăm chăm dụng công về việc ở ngoài, như thế là nước không có nguồn vậy ». Bàn về cái học cuối đời nhà Minh, ông nói : « Người đời Minh giảng học, cứ nhặt những cái cám-bã ở các sách Ngữ-lục, chứ không lấy sáu kinh làm căn-bản, bó sách lại mà đi theo du-đàm cho nên mới sinh ra cái lưu-tệ ». Ông bảo : « Học-giả trước hết cần phải học hết các kinh để học theo sự khinh-thế ; nhưng cứ câu-chấp một kinh-thuật, vẫn không thích-hợp với sự dùng. Muốn khỏi làm kẻ vu-nho, thì phải kiêm độc các sách sử ». Xem thế, thì cái học của ông có phần sở đắc hơn cả là sử-học.

Cái học của Hoàng Lê-châu tuy lấy kinh-học và sử-học làm chủ, nhưng vẫn lấy tâm-học làm trọng, cho nên nói rằng : « Đọc sách không nhiều thì không lấy gì chứng rõ cho sự biến-hóa của lý. Đọc sách nhiều mà không cầu ở tâm, thì lại là tục-học ». Bởi vậy, phàm những người theo cái học của ông, không bị cái lưu-tệ về sự giảng học.

Sách của ông mà có ảnh-hưởng đến sự tư-tưởng đời nay là bộ Minh di đãi phóng lục 明夷待訪祿. Trong sách ấy, ông bàn về đạo làm vua, làm tôi cùng những pháp-luật, học-hiệu, điền-chế, binh-chế, tài-kế v.v… Đại-lược là ông lấy vương-đạo mà giải-quyết những điều ấy. Cố Đình-lâm xem sách ấy, nói rằng : “ Thiên-hạ chưa từng không có người. Cái đạo của bách vương đã hư-hỏng đi, có thể lại khởi-phục lên được, và cái thịnh-trị của Tam-Đại, có thể dần dần lại hoàn lại được. Sách ấy thật là bổ-ích cho sự học của ta ».

Bàn về cái đạo làm vua, Hoàng Lê-châu nói : « Lúc nhân-dân sơ sinh, người nào cũng tự tư, tự lợi, trong thiên-hạ có cái công lợi không ai hưng-khởi lên ; có cái công hại không ai trừ-khử đi. Đến khi có người ra đời, không lấy cái lợi của mình làm lợi mà khiến cả thiên-hạ đều được lợi chung, không lấy sự hại của mình làm hại mà khiến cả thiên-hạ đều được khỏi cái hại. Ấy là sự cần-lao của người ấy gấp nghìn gấp vạn sự cần-lao của người trong thiên-hạ. Chịu cái cần-lao gấp nghìn gấp vạn mà mình không được hưởng cái lợi, cái tính của người trong thiên-hạ ắt là không ai muốn ở cái địa-vị ấy. Cho nên bậc nhân-quân, cao-sĩ đời xưa bỏ đi, không muốn vào cái địa-vị ấy, như Hứa Do, Vũ Quang [2]; đã vào rồi muốn bỏ đi, như vua Nghiêu, vua Thuấn ; lúc đầu không muốn vào mà rồi không bỏ đi được, như vua Vũ. Há có phải là người đời xưa khác người đời nay hay sao ? Thích cái nhàn, ghét cái nhọc, nhân-tình ai cũng thế cả. Bậc nhân-quân đời sau không thế, cho cái quyền lợi-hại của thiên-hạ đều bởi mình mà ra, mình lấy cái lợi của thiên-hạ thu hết cả về mình, đem cái hại của thiên-hạ đổ cả cho người cũng không sao, khiến người trong thiên-hạ không ai dám tự tư tự lợi, mà lại lấy cái đại tư của mình làm cái đại công của thiên-hạ. Lúc đầu còn lấy làm thẹn, lâu rồi cũng thôi, coi cả thiên-hạ là một cái đại sản-nghiệp để truyền cho con cháu hưởng-thụ vô cùng. Vua Cao-tổ nhà Hán nói : « Cái nghiệp của ta làm nên, đối với các anh em thì ai nhiều ? » Đó là cái tính trục lợi nó giàn ra ở lời nói vậy ».

« Cổ-giả lấy thiên-hạ làm chủ, vua làm khách ; vua mà phải kinh-doanh suốt đời là chỉ vì thiên-hạ. Đời nay lấy vua làm chủ, thiên-hạ làm khách ; trong thiên-hạ mà không có chỗ nào được yên-ổn là vì vua vậy… “ (Nguyên quán). Ông cho cái hại vì có vua là tại bọn tiểu-nho không hiểu rõ cái đạo vua tôi, gây thành cái vạ lớn cho muôn dân. Giả sử người làm vua mà biết rõ cái chức-phận ông vua, như đời Đường-Ngu, người nọ nhường cho người kia thì hiểu bọn Hứa Do, Vũ Quang không phải là dứt tình với trần-thế. Người làm vua mà không biết rõ cái chức-phận ông vua thì người ở thành-thị hay ở thôn-quê ai cũng muốn được. Cái đạo mà Hứa Do và Vũ Quang mở ra cho đời sau, không ai hiểu, thật lấy làm tiếc vậy.

Đạo làm vua đã không ai hiểu, đạo làm tôi cũng không ai rõ. Hoàng Lê-châu nói rằng : « Có nhân-quân, rồi lấy sự trông ở chỗ vô hình, sự nghe ở chỗ vô thanh mà thờ vua, có phải là đạo làm tôi không ? Rằng : không. – Bỏ thân mình mà thờ vua, có thể gọi là đạo làm tôi không ? Rằng : không. – Trông ở chỗ vô hình, nghe ở chỗ vô thanh, giống như thờ cha ; bỏ thân mình là cái cực tắc của sự vô tư ; thế mà còn chưa đủ để đương được, thì đạo làm tôi thế nào mới phải ? Rằng : vì thiên-hạ rộng lớn, không phải một người có thể trị nổi, bèn chia ra cho những người giỏi cùng trị, cho nên ta ra làm quan là vì thiên-hạ chứ không phải vì vua ; vì muôn-dân, chứ không phải vì một họ. Ta lấy thiên-hạ và muôn dân làm cái khởi-kiến, hễ trái cái đạo thì vua dù có lấy cái hình cái thanh mà cưỡng ta, ta cũng không dám theo, huống chi cái vô hình vô thanh hay sao ? Đã trái cái đạo thì đem mình đứng ở chỗ triều-đường, ta cũng không chịu, huống chi là chịu giết bỏ cái thân mình hay sao ? Trái lại, lấy một người một họ của ông vua làm cái khởi-kiến thì ông vua có cái thị-dục vô hình vô thanh, ta theo mà trông đó, nghe đó, ấy là cái tâm của bọn hoạn-quan và cung thiếp vậy. Ông vua vì phần riêng mình mà chết, mà mất, ta theo mà chết đó mất đó, ấy là việc của kẻ riêng-tây. Đó là sự biện-biệt việc làm tôi hay không làm tôi. Kẻ làm tôi ở đời không hiểu cái nghĩa ấy, cho là vì vua vì tôi mà đặt ra đạo làm vua làm tôi. Vua chia thiên-hạ cho ta để trị, vua trao nhân-dân cho ta để chăn-nuôi, coi thiên-hạ nhân-dân là cái vật riêng ở trong túi của vua. Cho việc bốn phương nhiễu-loạn, dân-sinh tiều-tụy, đủ làm nguy cho vua ta, ta không thể không giảng cái thuyết trị dân và chăn-nuôi dân. Nếu không quan-hệ đến sự còn mất của xã-tắc thì bốn phương nhiễu-loạn, dân-sinh tiều-tụy, tuy có người làm tôi thành-thực, song cho việc ấy là nhỏ-mọn. Kẻ làm tôi ở đời cổ thế nào ? Vì sự trị-loạn của thiên-hạ không ở sự hưng-vong của một họ, mà ở sự lo sự vui của muôn dân. Bởi thế cho nên vua Kiệt vua Trụ mất, bèn lấy làm trị, nhà Tần nhà Nguyên dấy lên, bèn lấy làm loạn, nhà Tấn, nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương dấy hay mất không dự gì đến việc trị-loạn. Kẻ làm tôi mà khinh-thị sự lầm-than của dân thì dẫu hay giúp vua mà dấy, theo vua mà mất, đối với cái đạo làm tôi vẫn chưa từng không trái vậy… » (Nguyên thần). Những lời bàn về đạo vua tôi ấy rất đúng với nghĩa câu : « Dân vi quí, xã-tắc thứ chi, quân vi khinh » của Mạnh-tử.

Trị thiên-hạ phải có phép. Nhưng cái phép của tiên-vương để lợi chung cho cả thiên-hạ, cái phép của đời sau cốt để lợi riêng cho một nhà, một họ. Hoàng Lê-châu nói rằng : « Tam-Đại trở lên có phép, Tam-Đại về sau không có phép, tại làm sao ? Nhị đế tam vương biết thiên-hạ không thể không có ăn, trao cho ruộng để cày-cấy ; biết thiên-hạ không thể không có mặc, trao cho đất để giồng dâu giồng gai ; biết thiên-hạ không thể không có dạy, đặt ra nhà học nhà hiệu để dấy sự dạy ; định ra lễ hôn-nhân để ngăn sự dâm ; nuôi sĩ-tốt, dùng binh-khí, để phòng sự loạn. Ấy là phép của đời Tam-Đại về trước, không bao giờ vì một mình mà lập ra. Bậc nhân-chủ đời sau, đã được thiên-hạ rồi, chỉ sợ cái tộ-mệnh của mình không được lâu-dài, con cháu không thể giữ được có mãi, lo nghĩ đến việc chưa xẩy ra mà lập làm phép. Như thế thì cái gọi là phép là cái phép của một nhà chứ không phải cái phép của thiên-hạ. Ấy cho nên nhà Tần biến phong-kiến làm quận-huyện, vì quận-huyện có thể lấy được làm của tư của ta ; nhà Hán đặt ra thứ-nghiệt [3] để làm phiên-bình cho ta, nhà Tống giải binh của các phương-trấn, vì cho là phương-trấn không lợi cho ta. Những phép ấy không có chút gì là cái lòng vì thiên-hạ cả mà cũng gọi là phép được vậy, ôi ! Phép của đời Tam-Đại chứa thiên-hạ ở trong thiên-hạ. Cái lợi sơn-trạch bất tất phải lấy hết ; cái quyền thưởng-phạt không ngờ có sai-sót ; kẻ quí không chỉ ở triều-đình, kẻ tiện không chỉ ở chỗ thảo-mãng. Người đời sau bàn phép ấy cho là rất sơ-lược, người trong thiên-hạ không thấy cái khả muốn của kẻ trên, không thấy cái khả ghét của kẻ dưới. Phép càng sơ mà cái loạn càng ít, ấy thế gọi là « vô pháp chi pháp » vậy. Phép của hậu-thế, chứa thiên-hạ vào trong rương-hòm, cái lợi không muốn để rơi xuống cho kẻ dưới ; cái phúc chỉ muốn giữ cho kẻ trên. Dùng một người thì nghi có tự tư ; lại dùng một người nữa để hạn-chế cái tư ; làm một việc, thì lo người ta lừa-dối, lại đặt ra một việc nữa để phòng cái lừa-dối. Người trong thiên-hạ ai cũng biết cái rương-hòm ở chỗ nào, ta cứ ngay-ngáy chỉ lo ở chỗ rương-hòm đó, cho nên phép không thể không chu-mật. Phép càng chu-mật mà cái loạn của thiên-hạ lại sinh ra ở trong cái phép, ấy thế gọi là « phi pháp chi pháp » vậy… » (Nguyên pháp)

Đại-để, Hoàng Lê-châu là một nhà học-giả hiểu thấu tới chỗ sâu-xa của Nho-giáo về đường chính-trị, và thấy rõ cái bệnh của những người làm vua làm quan xưa nay, chỉ biết cái tư mà không biết cái công, học một đường làm một nẻo, cho nên cái đạo của thánh-hiền tuy hay mà vẫn không hiệu-quả.

Môn-đệ của ông là Vạn Tư-Đồng 萬斯同, tự là Quí-dã 季野, người đất Ngân-huyện, tỉnh Chiết-giang. Vạn Quí-dã cho từ đời nhà Đường về sau, người làm sử là quan của vua đặt ra, làm không được đúng sự thực, bèn một mình làm bộ Minh-sử. Luận-giả cho sau Tư-mã Thiên và Ban Cố có một Quí-dã mà thôi.

Sau lại có Toàn Tổ-Vọng 全祖望, tự là Thiệu-y 紹衣, người đồng huyện với Vạn Tư-Đồng, và là tư-thục Hoàng Lê-châu. Toàn Thiệu-y là người có tiếng trong đời Càn-long, phê-bình và phát-minh cái học của các danh-nho trong đời Thanh-sơ.

Cái học trí lương-tri của Vương Dương-minh truyền đến Lưu Trấp-sơn và Hoàng Lê-châu thì ở nước Tàu không có ai tiếp-tục mà giảng dạy nữa. Song cái học ấy truyền sang nước Nhật-bản thì lại thịnh-hành cho đến ngày nay.

 



[1] Bạch-sa tiên-sinh tên là Trần Hiến-Chương, cũng đồng thời với Vương Dương-minh. (Xem Nho-giáo – Tân Việt xuất-bản).

[2] 務光 là bậc cao-sĩ đời nhà Hạ.

[3] Thứ nghiệt 庶孼 là con thứ, con vợ lẽ.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt