Triết học Đông phương

Đặc tính của tư tưởng Phật giáo

 

ĐẶC TÍNH CỦA TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

 

KIMURA TAIKEN

 


Kimura Taiken. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. Thiên thứ nhất "Lịch sử tư tưởng của Đại thừa Phật giáo". Chương 1: "Tổng luận". Thích Quảng Độ dịch. Viện Đại Học Vạn Hạnh. 1969. | Phiên bản điện tử: thuvienhoasen.org


 

 

Nếu nói Phật Giáo có nhiều điểm giống với các tư tưởng phái đương thời, thì đặc tính của tư tưởngPhật Giáo ở chỗ nào? Đó là một câu hỏi tất nhiên phải được nêu lên. Nói tỷ mỷ thì vấn đề đó rất phiền phức, nhưng nói một cách đại thể thì Phật Giáo cũng có những tư tưởng đặc thù, có thể nêu ra thành nhiều số mục. Song nếu khảo sát một cách tổng hợp thì những tư tưởng căn bản của Phật Giáo đã biến thành đặc tính lưu bá. Chẳng hạn như Phật, Pháp, Duyên sinh, Tâm, Trung đạo,v.v…đều có tính chấtlưu bá. Tuy có chia ra như thế song thật thì cũng chỉ từ một trung tâm mà phát xuất. Bất luận một điểm nào, nếu suy cứu đến triệt để, đều có quan hệ đến toàn thể, đó cũng là lập trường căn bản của Phật Giáo. Từ Phật giáo Nguyên thủy tiến đến Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật Giáo, tuy nói là nhất quán, song ngày nay điểm chủ yếu vẫn phải căn cứ vào Phật giáo Nguyên thủy. Dưới đây tôi xin trình bày một cách rất đơn giản những sự kiện có liên quan với nhau để ta nhận rõ chỗ khái yếu của nó. 

1) Phật - Phật Giáo sau này tuy đã phát triển và thay đổi rất nhiều, song đều lấy nhân cách, giáo phápvà hành động của đức Phật làm nền tảng, bất luận nơi nào, hể có Phật Giáo đều như thế cả. Ngoài đức Phật lịch sử ra, sau này còn có Phật và Bồ Tát lý tưởng khác, nhưng cũng do đức Phật Thích Ca khai thị, chỉ bày thì ta mới có thể biết đến, song đều đó cũng không ngoài đức Phật lịch sử. Các đệ tử của Phật xưa kia cũng như ngày nay đều nói: Pháp của chúng ta, lấy đức Thế Tôn làm gốc, đức Thế Tôn là nhãn mục, đức Thế Tôn là nơi y chỉ. Tất cả Phật Giáo đồ đều tin chắc như thế, bất cứ ở thời đại nào, hay quốc độ nào, nếu xa lìa niềm tin ấy thì không còn là Phật Giáo nữa. Song đây không phải là tin mù mờ, mà là một đức tin đã được thể nghiệm qua giáo pháp, nhân cách và hành động của đức Phật mới có. Cho nên đức tin của Phật Giáo có một đặc điểm rất mạnh đối với các giáo phái khác.

2) Pháp - Phật Giáo tuy lấy đức Phật làm trung tâm để thành lập, song nói theo Phật Giáo, đức Phật _dù là Phật lý tưởng chăng nữa_không giống như một vị thần của các tôn giáo khác chủ trương, hoặc giống bất cứ vị thần thiên nhiên nào, mà được chỉ coi là do sức tu hành của người ta đã đạt đến quả vị Phật mà thôi. Đó là điểm nhất trí, biến thông cả Đại Thừa và Tiểu Thừa. Người ta đã có căn cứ là mình có thể thành Phật, thì dù có nói bao nhiêu Pháp chăng nữa cũng không ngoài vấn đề thực tu, thực nghiệm để giác ngộ được Pháp (Dhamma), đó cũng lại là giải đáp chung của Phật Giáo. Song Pháp đây là “Pháp tự nhiên như thế”, dù có Phật ra đời hay không, nó vẫn là cái đạo vĩnh viễn, bất biến. Đức Phật chẳng qua là người đã giác ngộ và thể nghiệm được Pháp ấy, rồi vì chúng ta mà chỉ bày, mong cho chúng tacũng chứng ngộ được Pháp ấy mà thôi. Giáo lý quán thông tuy như vậy, song nói về đại thể thì vẫn nói đến Phật nhiều hơn, dù là Phật lịch sử hay Phật lý tưởng cũng được. Tóm lại, Pháp có thể dùng một phương thức nhất định để nhân cách hóa. Đến khi Đại Thừa phát triển, thì đặc Pháp thân (Pháp) trước Ứng thân (nhân cách của Phật, lý ấy cũng không ngoài khuynh hướng nhân cách hóa Pháp vậy. Đứng về phương diện thực tế mà nói thì Pháp Phật là nhất như, tuy là chân tinh thần của Phật Giáo, song bất luận thế nào chăng nữa, nếu nói đến quan niệm cơ bản của Phật Giáo mà không lấy Phật làm trung tâmđể tiến đến trung tâm của Pháp thì không thể được. 

3) Duyên sinh - Như trên đã nói Pháp, nhưng Pháp đây là gì? Nói theo dụng ngữ thông thường của Phật Giáo thì có nhiều nghĩa, nhưng đứng về mặt lý mà giải thích thì Pháp tức là cái pháp tắc Duyên sinh(Pratity Asamutpada). Cho nên nói: “Hễ thấy Duyên sinh là thấy được Pháp, mà hễ hiểu được Pháp là hiểu Duyên sinh” Hoặc: “Duyên sinh, Pháp trụ, Pháp vị, không liên quan gì đến việc Như Lai xuất thếhay không xuất thế”. Như vậy, nếu ai hiểu được Pháp tức là thành người giác ngộ, mà hiểu pháp cũng không ngoài vấn đề ngộ đạt lý Duyên sinh. Đức Phật hiện tại trong lịch sử cũng do hiểu được lý Duyên sinh ấy dưới gốc cây Bồ Đề mà thành bậc Đại Giác. Vậy duyên sinh quan là trung tâm của Pháp quan đó là một sự thật hiển nhiên. Nếu giả thích một cách tỷ mỷ thì duyên sinh có nhiều ý nghĩa, song cũng không ngoài quan niệm căn bản là: “Vật này có, cho nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không; vật này sinh, cho nên vật khác sinh, mà cái này diệt thì cái kia cũng diệt”. Nói cho dể hiểu hơn, hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, đều liên quan mật thiết với nhau mà tồn tại, thật ra không có một nguyên lý thực thể nào cả. Nói theo thuật ngữ trong Phật Giáo thì: “Các pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều là không”. Đó là căn cứ vào lý duyên sinh, đồng thời cũng là kết luận theo lý duyên sinh.

Theo lý duyên sinh thì tất cả các pháp đều thay đổi, sinh, diệt cho đến sự khổ, vui cũng thế, chứ riêng nó không có tự tính. Hiểu được lý ấy tức là đã đạt đến sự giải thoát. Xem thế đủ biết, Phật Giáo nói giải thoát là phải thấu suốt lý duyên sinh để đến được thể “không tịch”. Song phải hiểu rằng, thể nghiệm “không tịch” không có nghĩa là trở về với cái “hư vô tuyệt diệt” mà chỉ là đả phá thành kiến chấp ngã hẹp hồi của người đời mà thôi. Sau khi thể nghiệm được “tính không” thì một chân trời tự do mới cũng bắt đầu hé mở. Phật Giáo gọi chân trời ấy là “Chân không diệu hữu”. Song thế giới diệu hữu chỉ thấy được về phương diện khách quan, cho nên trên quan hệ thành lập, vẫn tiến hành theo lý duyên sinh. Duy có điểm khác với trước: lập trường trước kia (tự nhiên thái) chỉ có trói buộc, khổ não, trái lại, đến thời kỳnày, hết thẩy đều hướng về tự do. Như vậy là lý duyên sinh đã đổi sự thúc phọc thành tự do. Nói đúngra chỉ có Đại Thừa chủ trương diệu hữu duyên sinh quan mà thôi. Như Vô tận duyên sinh quan trong kinh Hoa Nghiêm; Thực tướng quan trong kinh Pháp-Hoa; Tịnh độ quan trong kinh Vô lượng thọ; Chân như quan trong Khởi-Tín-Luận, tất cả đều xuất phát từ quan niệm đó.

Tóm lại, cùng một duyên sinh quan, do sự lưu truyền, biến hóa mà trở thành nguyên nhân chủ yếu của giáo lý triển khai rất phức tạp của Phật Giáo. Song điểm căn bản và nhất quán là: 

a) Hết thẩy đều do nhân duyên hòa hợp mà thành chứ không có thực thể tồn tại riêng biệt.

b) Cuối cùng, hết thẩy đều do tâm của ta. 

Đó là nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật Giáo, khác hẳng với lập trường của các giáo phái khác chủ trương một đấng chúa tể, và đó là điểm đặc thù của Phật Giáo. 

4) Tâm - Vấn đề duyên sinh tuy có thể diển tả theo nhiều cách, song điểm phát xuất của nó cũng không ngoài Tâm, nếu lìa Tâm là nguồn gốc của duyên sinh quan, cho nên cái gọi là Pháp, là Duyên sinh rốt cuộc cũng không ngoài cái tâm tưởng biểu hiện của ta. Đó là điểm căn bản độc nhất của Phật Giáo, Tiểu Thừa cũng như Đại Thừa. Điều phục lấy Tâm đã trở thành một phương châm tu dưỡng quyết địnhtrong Phật Giáo. Do đó, khi nói đến duyên sinh, tất nhiên ta phải đề cập đến Tâm, vì giữa hai điểm ấy có một mối quan hệ rất mật thiết, và nếu ta hiểu rõ dụng ý căn bản của Phật Giáo, ta không thể quên điểm hệ trọng đó. 

5) Trung Đạo - Dù nói Pháp hay duyên sinh, song chung quy cũng chỉ là Tâm, và phương diện tư tưởngvà hành vi, như thế sợ không khỏi thiếu mất kiện toàn tính. Phật Giáo xoay quanh vấn đề Tâm, muốn xác lập một phương châm sinh hoạt đúng mức, không thái quá, không bất cập, nên mới xướng lên Trung đạo. Sự ứng dụng thuyết trung đạo ấy tuy tùy theo thời cơ có sai khác, song điểm hệ trọng là thái độ phê phán và thực tiễn đối với giá trị nhân sinh. Và cũng vì tôi quan niệm như thế, nên tôi hãy thử xin trình bày hai điểm sau đây: 

Trước hết xin nói đến điểm phê phán giá trị nhân sinh. Như trong Duyên sinh quan ta đã thấy sự sống của ta chuyển biến không ngừng và do một định luật tất nhiên chi phối, và vì thế nên bị trói buộc khổ não. Đối với nhân sinh, Phật Giáo cho là khổ bởi vậy mới lấy tự do giải thoát làm lý tưởng tiêu chuẫn. Song sự khổ não và trói buộc ấy không phải sự thực tồn tại khách quan, mà là căn cứ vào thái độ của tâm ta cả, nghĩa là ta cứ khư khư chấp lấy cái “ngã” giả dối là cái “ta” chân thật rồi thù mưu, tính kế để làm cho nó thỏa mãn mọi đòi hỏi, nên mới có khổ não, trói buộc; nếu ta có thể vượt hẳn ra ngoài vòng tham dục của cái “ngã” nhỏ nhoi ấy, thì không những ta sẽ không thấy khổ, thấy trói buộc, mà trái lại ta sẽ thấy mọi cảnh giới tự do và yên vui vô hạn. Như trên đã nói, dù là mục đích giải thoát của đạo Phật. Dù Phật Giáo có cho nhân sinh là thống khổ thật, nhưng đứng trên lập trường giải thoát của đạo Phật lại cho nhân sinh có một giá trị cao quý. Bởi thế nếu đem so sánh Phật Giáo với bất cứ giáo phái nào ở Ấn Độ, ta có thể nói Phật Giáo là nhân sinh khẳng định luận (Proposition Affirmative). Song điều đó hoàn toàn lấy tâm làm tiêu chuẩn nên mới có một kết luận trung đạo để phê phán giá trị nhân sinh. 

Thế rồi đem phương châm thực tiễn thích ứng với sự sống trung đạo quan nên mới có danh từ “không khổ” “không vui”. Nghĩa là, theo chủ nghĩa khoái lạc cũng không phải là cuộc sống chính đáng, mà tự dầy vò, hành hạ thân thể cho cực khổ cũng lại là cuộc sống ngu si. Lối sống chân chính là phải điều hòa khổ, vui theo sự sinh hoạt của tinh thần. Điểm ấy tuy là kết luận của Phật Giáo, song là điểm khởi sơ do đức Phật đề xướng khi Ngài khai sáng đạo Phật, cho nên mới có một kết luận trung đạo để phê phán giá trị nhân sinh. 

Rồi đến vấn đề thích dụng Trung đạo quan giữa cá nhân với xã hội. Chủ yếu của Phật Giáo là cứu độhết thảy, song lúc đầu chưa hẳn đã lấy toàn thể xã hội làm mục tiêu, mà là cứu độ từng cá nhân. Nhưng căn cứ cứu độ của Phật Giáo được đặt trên lập trường tâm, chứ không như các giáo phái Bà La Môn, đối với việc cứu giúp cá nhân còn có hạn chế. Nếu người ta quyết tâm thì ai cũng có khả năng giải thoát, ai cũng có tư cách để trở thành một bậc giác ngộ. kết quả là Phật Giáo đã trở nên chủ nghĩa tôn trọng nhân cách, chủ nghĩa bình đẳng và từ bi, cao cả. Trong các giáo phái khác, ta không thấy một sắc thái luân lý huy hoàng như thế. Tóm lại, ta thấy Phật Giáo đi từ chủ trương cứu độ cá nhân đến chủ trương cứu độ toàn thể xã hội, và căn cứ trên sự thực lịch sử, ta thấy Phật Giáo đã biến thành một tôn giáo xã hội. Song vấn đề được nêu lên là: Nói cứu độ toàn thể xã hội có đúng không? Về điểm này trên thực tế, lập trường của Phật Giáo tuy rất hoạt động, nhưng lý tưởng của Phật Giáo vẫn là trung đạo, nghĩa là tuy cứu độ cá nhân mà là cứu độ xã hội, tuy cứu độ xã hội, mà là cứu độ cá nhân, điều đó đã trở nên mục tiêu tối cao của Phật Giáo. 

6) Kết - Trở nên, tôi đã nêu ra những đề mục chủ yếu, đại biểu cho tư tưởng đặc thù của Phật Giáo. Trong những chương sau tôi sẽ trình bày sự tương quan giữa các đề mục ấy. Tư tưởng Phật Giáo nói ra tuy rất phiền toái, nhưng nếu lý hội được thì trong những cái phiền toái ấy, ta có thể nắm được một nguyên tắc cực kỳ đơn giản. Nhưng trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sinh, ba cái đó không sai khác”, hay: “Mười hai nhân duyên đều do một tâm”. Tuy là câu nói hàm súc, song nó đã diễn đạt được cái tinh thần rất đơn giản của Phật Giáo. 

Tóm lại, tinh thần căn bản của Phật Giáo là căn cứ trên cái tâm để nhận định pháp tắc nhân duyên sinh, rồi lại căn cứ vào pháp tắc nhân duyên sinh để phê phán sự vật một cách có lý luận và thực tiễn.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt